"Bài giảng cuối cùng" - Khát vọng nở hoa trên cái chết

03:44 CH @ Thứ Sáu - 30 Tháng Mười, 2009

Những bài học từ một cuộc đời thật, rất dung dị như của Randy Pausch trong cuốn “Bài giảng cuối cùng” vô cùng quý giá… Hy vọng bạn đọc Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, sẽ tìm thấy những điều thú vị và bổ ích làm cho cuộc sống phong phú, tích cực và ý nghĩa hơn.

Cái chết hay sự sống

Để chọn tiêu đề và nội dung cho bài giảng cuối cùng của mình, Pausch đã trăn trở, ông muốn một điều gì đó thật đặc thù.

Hẳn trong tình trạng bệnh tình như ông, nhiều người có thể trông đợi bài thuyết trình là về cái chết, nhưng ông quyết định, nó phải là về sự sống.

Rồi ngay tại phòng đợi khám bệnh tại bệnh viện, ông thấy rất chính xác: "Tất cả những gì tôi đạt được, những gì tôi yêu quý, đều bắt nguồn từ những ước mơ và những mục đích mà tôi đã có khi còn là một đứa trẻ thơ... Và trên đường đời, tôi đã đạt được hầu như tất cả những ước mơ và mục đích đó. Cái độc đáo của tôi, tôi thấy, đã tới từ sự đặc biệt của tất cả các ước mơ - từ cực kỳ có ý nghĩa tới khá kỳ quặc - nó đã xác định bốn mươi sáu năm của đời tôi.

Ngồi đó, tôi biết mặc dù bị ung thư, tôi vẫn là người may mắn bởi đã được sống qua những ước mơ. Và tôi đạt được những ước mơ, phần lớn, là nhờ những gì tôi được dạy dỗ bởi những con người thật đặc biệt. Nếu tôi có thể kể câu chuyện của mình với cảm xúc mạnh mẽ, bài giảng của tôi sẽ giúp những người khác cũng tìm được con đường để hoàn thành những ước mơ của họ".

Thật vô cùng ấn tượng với cách đặt vấn đề của Pausch. Cuộc đời của ta phải được định hình bởi các ước mơ. Ta đạt được các ước mơ bởi có những con người thật đặc biệt giúp ta. Và đến lượt ta, hãy giúp những người khác cũng đạt được những ước mơ của họ.

Điều đáng khâm phục là Pausch biết mình chỉ còn vài tháng để sống, và đã ý thức để sống được thật nhiều, thật tích cực cho bản thân, cho những người thân, đồng thời làm những việc có ích cho đời. Ông không chấp nhận cuộc sống như nó đã và đang là, mà phấn đấu cho một cuộc sống như nó cần phải là.

Khát vọng, phẩm giá và lòng tự trọng

Cuốn sách nhỏ, ngoài lời giới thiệu ở đầu và lời cảm ơn ở cuối, được chia thành 6 phần.

Phần I - Bài giảng cuối cùng viết về quá trình chuẩn bị cho bài giảng.

Mặc dù bị suy sụp vì bệnh tật, thời gian dành cho vợ con rất eo hẹp, mặc dù bị can ngăn, Pausch vẫn có ý chí quyết tâm thực hiện bài giảng, bởi "Bài giảng này là lần cuối cùng để nhiều người mà tôi quí mến có thể nhìn thấy tôi bằng da thịt. Tôi có một cơ hội để suy nghĩ về những gì là thật sự có ý nghĩa đối với tôi, để chốt kết những gì mọi người sẽ nhớ về tôi, và để làm bất cứ điều gì tốt trước khi tôi đi xa". Ông nói với Jay, vợ mình: "Một con sư tử bị thương muốn biết nó có còn gầm nổi không. Đó là phẩm giá và lòng tự trọng, không hẳn giống như tính kiêu căng".

Randy Pausch cũng thổ lộ với Jay, ông coi bài giảng là một phương tiện cho ông bước vào tương lai mà ông sẽ không bao giờ được thấy. Bài giảng là nơi ông gửi gắm những gì muốn dặn dò ba đứa con thơ dại. Bài giảng như hóa thân của ông được đem đút vào chiếc lọ, đẩy vào đại dương, tới ngày các con ông khôn lớn, chiếc lọ sẽ trôi dạt vào bờ và đến với chúng.

Phần II - Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ viết về những ước mơ tuổi thơ và những trải nghiệm với những ước mơ đó.

Tháng 9 /2006, ở tuổi 45, ông biết mình bị ung thư tụy, một căn bệnh hiểm nghèo mà y học hiện vẫn phải bó tay. Một năm sau, ngày 18/9/2007, ông đọc bài giảng cuối cùng nhan đề Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ tại Carnegie Mellon.

Bài giảng của ông rất hay và xúc động, video bài giảng trên YouTube được hàng triệu người xem và trở thành một hiện tượng. Cùng Jeffrey Zaslow, nhà báo của tờ Wall Street Journal, Randy Pausch đã chuyển thể bài giảng thành cuốn sách nhan đề Bài giảng cuối cùng, xuất bản lần đầu với 400.000 bản, và trở thành một best-seller của New York Times.

Nhiều chương trình truyền thông Mỹ đã phỏng vấn Pausch và đưa tin về ông, trong đó có những chương trình nổi tiếng như ABC's World News with Charles Gibson, The Oprah Winfrey Show, ABC với Diane Sawyer và Good Morning America. Pausch đã tường trình trước Quốc hội Mỹ để ủng hộ các nghiên cứu về ung thư.

Ngày 25/7/2008, Randy Pausch mất sau thời gian chống chọi quyết liệt và không mệt mỏi với bệnh tật. Pausch may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình coi trọng việc học hành. Cha mẹ ông sống đạm bạc, không mua sắm nhiều, nhưng luôn nghĩ về mọi thứ, ham hiểu biết. Ông viết: "Lớn lên, tôi nhận thấy có hai loại gia đình: 1) Loại gia đình cần đến từ điển trong bữa ăn tối; 2) Loại gia đình khác. Chúng tôi thuộc loại thứ nhất. Hầu như mỗi tối, chúng tôi đều phải tham khảo cuốn từ điển để trên giá sách cách bàn ăn chừng sáu bước. 'Nếu mình có câu hỏi', cha mẹ tôi nói, 'thì cần phải tìm câu trả lời'".

Lúc tuổi thơ Pausch đã từng ước mơ được trôi bồng bềnh trong trạng thái không trọng lượng. Với đề án ứng dụng hiện thực ảo, cùng các sinh viên, ông đã được bay trong thiết bị thí nghiệm của cơ quan hàng không vũ trụ NASA.

Pausch chơi bóng bầu dục từ khi lên 9 tuổi, được gặp huấn luyện viên Graham, người đã để lại cho ông những bài học bổ ích nhớ đời. Pausch viết về Graham: "Lòng tự trọng? Ông biết chỉ có một cách để dạy trẻ tự phát triển phẩm chất này: Hãy đưa cho các em một việc mà các em không làm nổi ngay, các em sẽ phải phấn đấu cật lực cho tới khi làm được việc đó, và liên tục lặp lại quy trình này".

Ước mơ được chơi bóng bầu dục ở hạng quốc gia của Pausch không thực hiện được, nhưng ông viết: "Đôi khi tôi nghĩ, tôi đã đạt được nhiều thứ hơn qua việc theo đuổi ước mơ này mà không hoàn tất được nó, so với việc theo đuổi và hoàn tất được nhiều ước mơ khác".

Pausch cũng kể lại những trải nghiệm rất thú vị trên con đường thực hiện những ước mơ tuổi thơ tươi đẹp của ông: Viết một bài cho Bách khoa toàn thư Thế giới, làm thuyền trưởng Kirk, thắng giải những con thú bông và làm Disney Imaginer.

Tinh thần xuyên suốt của Pausch là khi thật sự mong muốn, chúng ta có thể vượt qua được nhiều chướng ngại để thực hiện những ước mơ.

Phần III - Những phiêu lưu... và những bài học là phần viết về cuộc chiến đấu chống bệnh tật cùng những kỷ niệm gia đình.

Nổi bật trên hết là ý chí kiên cường và tinh thần lạc quan của Pausch. Hãy đọc đọan: "Tôi quan sát bác sĩ Wolff sử dụng ngôn từ để nói những câu với ý nghĩa thật tích cực. Khi chúng tôi hỏi: 'Còn bao nhiêu lâu nữa thì tôi chết?', ông đã trả lời: 'Ông có thể có ba tới sáu tháng với sức khỏe tốt'. Điều này nhắc tôi nhớ tới thời gian ở Disney. Nếu hỏi nhân viên Disney: 'Mấy giờ công viên đóng cửa?', họ sẽ trả lời: "Công viên mở cửa tới 8 giờ tối'".

Randy Pausch đã viết thật chân thành về mối tình và cuộc sống của ông với Jay. Nó cũng đầy khó khăn, nhưng ông luôn nhìn khó khăn, mà ông gọi là những bức tường gạch, chỉ là để thử thách "... những bức tường gạch ở đó để chặn những người chưa muốn những điều gì đó một cách hết sức".

Có người cho Pausch là không hợp lý, nhưng thực ra, ông có nguyên tắc sống của mình. Khi xe ô tô bị va quệt, ông thấy: "Những chỗ hỏng vẫn OK. Cha mẹ tôi đã dạy, xe ô tô là để đưa mình từ điểm A tới đỉểm B. Chúng là những vật dụng, không phải là sự biểu lộ của địa vị xã hội. Và vì vậy, tôi nói với Jay, mình không cần phải làm những sửa chữa thẩm mỹ. Chúng tôi vẫn có thể dùng xe với các vết sứt và các chỗ bẹp".

Phần IV - Chắp cánh cho những ước mơ của người khác viết về những say mê của Pausch, nhất là trong vai trò của một nhà giáo dục. Pausch ý thức thời gian là hữu hạn, và luôn cố gắng quản lý quỹ thời gian sao cho tốt nhất. Theo ông, thời gian cần phải được quản lý một cách rõ ràng, giống như tiền bạc; ta luôn có thể thay đổi kế hoạch, nhưng chỉ khi ta có một kế hoạch; cần thiết lập một hệ thống lưu trữ tốt; cần xét lại về dùng điện thoại; phải biết ủy thác; và phải nghỉ ngơi.

Randy Pausch nghiên cứu và giảng dạy tin học tại đại học danh tiếng Carnegie Mellon, Mỹ. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về hiện thực ảo, tương tác người-máy và đi tiên phong trong việc đưa tin học vào công nghệ giải trí, ông đã gặt hái nhiều thành quả từ lúc còn trẻ, và rất có uy tín trong giới chuyên môn.
Với sinh viên, ông chú tâm rèn luyện những thứ tưởng giản đơn như tinh thần đồng đội, biết tự đánh giá về tiến bộ của mình, biết xin lỗi... Ông khắt khe đòi hỏi nhiều ở sinh viên, nhưng cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ họ. Và cuối cùng, họ đã thấy "được làm việc với Randy và học ông, đó chính là một may mắn".

Phần V - Về sống cuộc sống như thế nào viết về Pausch đã cố gắng sống cuộc sống của ông ra sao, về những gì đúng với ông.

Đây là một kiểu suy nghĩ của Pausch: "Khi bạn dùng tiền để chống đói nghèo, có thể nó có giá trị lớn, nhưng khá thông thường, bạn đang làm việc trong các giới hạn chật hẹp. Khi bạn đưa người lên mặt trăng, bạn gây cảm hứng cho tất cả mọi người hướng tới cái tối đa của tiềm năng con người, đó là cách để cuối cùng chúng ta sẽ tìm được lời giải cho những vấn đề lớn nhất. Hãy tự cho phép bạn mơ ước. Hãy khích lệ những ước mơ của cả con cái các bạn".

Ông coi sự chân thành tốt hơn là sự hợp thời và "sự chân thành hay bị đánh giá quá thấp, bởi nó đến từ tận đáy lòng, đôi khi khó nhận ra, trong khi hợp thời lại dễ thấy bởi nó là sự cố gắng gây ấn tượng với vẻ bề ngoài".

Thông điệp của ông cũng là: Làm việc, làm việc và làm việc, bởi "may mắn chỉ là sự gặp gỡ của chuẩn bị và thời cơ".

Phần VI - Những lưu ý cuối cùng được viết rất cảm động về những gì Pausch dành cho vợ và ba đứa con. Ông đã làm mọi thứ để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai của gia đình thiếu vắng ông, và hết mực tôn trọng những lựa chọn riêng tư của họ.

Ông viết: "Có thể không thật đúng khi cha mẹ có những ước mơ thật cụ thể cho con cái họ. Là một giáo sư, tôi đã thấy nhiều sinh viên năm đầu thật bất hạnh khi phải chọn những chuyên ngành hoàn toàn không phù hợp với họ. Cha mẹ đã ép đặt họ lên một chuyến tàu, và khá thông thường, chuyến tàu bị đổ. Tôi đã chứng kiến nhiều nước mắt của sự thất vọng. Như tôi nhìn nhận, công việc của cha mẹ là động viên con cái phát triển một niềm vui cho cuộc sống và một sự thôi thúc theo đuổi những ước mơ riêng. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là giúp con cái xây dựng một tập hợp những công cụ cần thiết cho chúng".

Thật lý thú khi tác giả thuật lại những giây phút kết thúc Bài giảng cuối cùng của ông: "Như vậy, bài nói hôm nay là về đạt được những ước mơ tuổi thơ, nhưng nó không phải về việc làm thế nào để đạt được những ước mơ của bạn. Nó là về làm thế nào để dẫn dắt cuộc đời của bạn. Nếu bạn dẫn dắt cuộc đời của bạn một cách đúng đắn, cái nghiệp sẽ tự thành. Các ước mơ sẽ đến với bạn".

Và không thể không ngậm ngùi khi biết chính Pausch đã lo sợ mình sẽ quá xúc động và không nói nổi được hết câu cuối cùng: "Bài giảng không phải chỉ dành cho những người ở hội trường. Nó là dành cho các con của tôi".

Vĩ thanh

Những bài học từ một cuộc đời thật, rất dung dị như của Randy Pausch trong cuốn Bài giảng cuối cùng là vô cùng quý giá. Nếu như nhiều bạn đọc từ nhiều nước trên thế giới bày tỏ cuốn sách đã làm thay đổi cách sống và cách suy nghĩ của họ một cách tích cực, thì cũng hy vọng bạn đọc Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, sẽ tìm thấy những điều thú vị và bổ ích làm cho cuộc sống phong phú hơn, tích cực và ý nghĩa hơn.

Khi đọc và dịch cuốn sách, tôi thấy rất tự nhiên, nhẹ nhàng, như hiểu được rất rõ những gì Pausch muốn truyền đạt trong từng câu chữ. Tôi đã tới Đại học Carnegie Mellon, đi dạo trong khuôn viên của trường, thăm khoa Tin học, ghé qua phòng thí nghiệm mang tên Randy Pausch, và nhìn ngắm chiếc cầu mang tên ông đang được thi công tại trường.

Và khi bắt tay vào dịch, tôi đã ước mơ đưa nó đến được với nhiều bạn đọc Việt Nam. Cám ơn những người thân, cám ơn bạn bè, cám ơn VinaBook đã tạo điều kiện để hôm nay ước mơ đó trở thành hiện thực.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Biển cả và Cuộc sống

    12/04/2016"Cuộc sống con người luôn có nhiều khó khăn thử thách và nhiều đổi thay. Biển cả rộng lớn và bí ẩn luôn cho ta những bài học vô giá và không bao giờ cũ.”...
  • Siêu hình tình yêu - Siêu hình sự chết

    22/09/2009Arthur SchopenhauerSchopenhauer thường hay nói: "Tôi không phải là ông thánh". Và lời tuyên bố này chả có gì là tự hạ. Sự mâu thuẫn giữa nhân cách và tác phẩm do đó được bù đắp bằng sự hòa hợp giữa tác phẩm với đặc tính tri thức của tác giả, với đường nét của thiên tài của ông. Và, đối với Schopenhauer, sự hòa hợp này là điều thiết yếu, vì theo ông, nhân cách tri thức, chứ không phải nhân cách đạo đức, tạo ra con người hơn người.
  • Mức sống cao và sự hưởng thụ văn hóa

    09/07/2009Trí MinhSự hiện hữu của quảng cáo cũng như những dục vọng hưởng thụ vật chất đẩy tới việc quên dần đi những khao khát hưởng thụ một bài hát, một vở kịch hay một nghiên cứu văn hóa nhằm nâng cao nhận thức về cuộc sống cũng như những thú vui thưởng thức trong việc nâng cao tinh thần.
  • Mùa xuân khát vọng tình yêu

    22/01/2009Trịnh Trung HòaTừ xưa đến nay, tình yêu luôn luôn là cảm hứng , là đề tài muôn thủa của các loại hình nghệ thuật mà ai cũng biết rằng đối tượng của nghệ thuật bao giờ cũng là cái đẹp, phải chăng tình yêu và cái đẹp luôn quan hệ khăng khít với nhau? Như mùa xuân đang đến, vạn vật thắm tươi, những trái tim dâng trào khát vọng.
  • Khát vọng Tình yêu & Hạnh phúc

    17/12/2008Nguyễn Khắc NhoTrong cuộc sống hàng ngày, ai mà chả mong mình được sống trong tình yêu và hạnh phúc. Lời chúc muôn thuở của con người mãi mãi vẫn là chúc nhau mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc. Thế nhưng thử hỏi tình yêu là gì, hạnh phúc là gì, vì sao con người lại chúc nhau và mong mỏi thiết tha đến thế?
  • Cái chết là sự sáng tạo của sự sống?

    28/07/2007Hồng Hiệp (theo Economic Times)Có thể tìm thấy động lực sáng tạo trong mối quan hệ giữa sự sống và cái chết. Trong đó, giá trị tinh thần cao cả nhất của cuộc sống có thể bắt nguồn từ những ý nghĩ và nghiên cứu về cái chết...
  • xem toàn bộ