Sự sụp đổ của Northern Rock

10:02 SA @ Thứ Sáu - 26 Tháng Chín, 2008

Những ngày gần đây sự kiện hàng loạt ngân hàng hàng đầu Mỹ và Anh quốc liên tục tuyên bố phá sản và trên bờ vực lao đao đang là một cú shock lớn trong giới tài chính quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngân hàng Châu Á ADB đã đưa ra những cảnh báo đầu tiên về quản lý kinh tế vĩ mô và điều hành hệ thống Ngân hàng - đầu tư. VN Index tuột dốc dưới ngưỡng 450 điểm, tại phố Wall chỉ còn duy nhất 2 ngân hàng sót lại. Cuốn sách Northern Rock do công ty sách Thái Hà giới thiệu là một nghiên cứu tổng quan về Ngân hàng lớn nhất Anh quốc năm 2007 này.

Tuần lễ từ 14 đến 20-9-2008 đã chứng kiến sự rối loạn chưa từng có trên thị trường tài chính thế giới . Hàng loạt ngân hàng lớn hàng đầu thế giới tuyên bố phá sản hoặc bị mua lại : Ngày 14-9 là Merill Lynch, ngày 15-9-2008 ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ - Lehman Brothers, rồi đến những thông tin về công ty bảo hiểm tài chính hàng đầu thế giới AIG cũng đang đứng bên bờ vực phá sản nếu không có sự trợ giúp kịp thời của chính phủ Mỹ…

“Tháng 9 năm 2007, một bức tranh hỗn loạn ở tất cả các chi nhánh của Northern Rock đã minh chứng cho lịch sử thấy điều gì sẽ xảy ra khi niềm tin của dân chúng vào một ngân hàng biến mất. Nếu sự sụp đổ của Northern Rock đã làm được điều gì đó, thì đó chính là bài học để tránh được một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.”

Đúng thời điểm này cách đây 1 năm, cả nước Anh và toàn thế giới choáng váng với sự kiện của ngân hàng Northern Rock . Và hình ảnh hàng loạt người tập trung trước cửa ngân hàng để rút tiền đã trở thành hình ảnh nổi bật của năm 2007.

Cả nước Anh chắc hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh hàng ngàn người xếp hàng lần lượt tại trước cửa các chi nhánh của hệ thống ngân hàng Northern Rock để rút tiền. Không ai có thể tin được điều này lại có thể xảy ra ở nước Anh vào thế kỷ 21. Và đây được coi là hình ảnh đáng nhớ nhất của năm 2007, nếu không nói là của cả một thập kỷ.

Câu chuyện về quá trình phát triển của Northern Rock, từ một đơn vị tài chính được tin tưởng và nhiều người mơ ước nhất nước Anh lại bị sụp đổ một cách dễ dàng, đã được tổng hợp đầy đủ trong cuốn sách “Sự sụp đổ của ngân hàng Northern Rock” này. Cuốn sách cho chúng ta cái nhìn đầy đủ về một Northern Rock trước, trong và sau khủng hoảng. Cuốn sách cần thiết cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về sự thật đằng sau việc rút tiền hàng loạt xảy ra lần đầu tiên ở Anh năm 1866.

Sự sụp đổ của Northern Rock – “Câu chuyện kinh hoàng về thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử Ngân hàng Anh”

  • Tác giả: Brian Walters
  • Phát hành: Công ty Cổ phần sách Thái Hà
  • Kích cỡ: 13 x 20,5 cm - Số trang: 260
  • Xuất bản: 9/2008

MỤC LỤC

Lời giới thiệu

Chương 1, Bắt đầu tại ngân hàng Northern Rock

Chương 2, Lược sử ngân hàng Northern Rock

Chương 3, Bộ phận tài chính thương mại

Chương 4, Một khởi đầu không thuận lợi

Chương 5, Tiếp tục tăng trưởng

Chương 6, 2006 - một năm của lạc quan và tăng trưởng

Chương 7, Những dấu hiệu khó khăn đầu tiên

Chương 8, Khoảng nghỉ ngắn

Chương 9, Phía sau bức màn

Chương 10, Rút tiền hàng loạt

Chương 11, Hậu quả tức thì

Chương 12, Ban giám đốc Northern Rock bị thẩm tra

Chương 13, Cố tìm một giải pháp cứu nguy

Chương 14, Giải pháp ưa thích - tiếp quản

Chương 15, Tạm biệt Northern Rock

Chương 16, Thông báo quốc hữu hoá

Chương 17, Sai ở đâu

Theo dòng thời gian

Về tác giả cuốn sách:

Brian Walters có 36 năm kinh nghiệm làm trong ngành ngân hàng. Ông làgiám đốc tín dụng chi nhánh Northern Rock tại thành phố Leeds. Với con mắt của một người trong nghề, và hơn hết là một nhà quản lý trong Norther Rock, ông có cái nhìn đầy đủ và thực tế về quá trình trượt dốc đi xuống vực thẳm của Ngân hàng này. Ông viết: “Sự sụp đổ của Northern Rock sẽ còn thu hút sự chú ý và tranh luận trong nhiều thập niên nữa và ai cũng có quyền đưa ra ý kiến của riêng mình.”

  • Hương Giang

Bài học từ thảm họa ngân hàng lớn nhất nước Anh (P.1)

Thứ hai, 18/8/2008, 06:58 GMT+7

Tên sách: THE FALL OF NORTHERN ROCK(The Insider’s Story of Britain’s Biggest Banking Disaster)
Tạm dịch: Sự sụp đổ của Northern Rock(Câu chuyện bên trong thảm họa ngân hàng tồi tệ nhất Anh Quốc)
Tác giả : Brian Walters
Phát hành: Harriman House

****

Chương trình “Tạp chí kinh tế cuối tuần” trên VTV1 gần đây đã đề cập đến các cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đang kéo theo nguy cơ sụp đổ cận kề của những ngân hàng hàng đầu tại Mỹ kể cả những ngân hàng khổng lồ từng được coi là pháo đài không thể công phá như Fannie Mae và Freddie Mac.

Trong danh sách những ngân hàng sụp đổ năm 2007, có cả cái tên Northern Rock - một ngân hàng từng là biểu tượng của thành công, niềm tự hào của Anh Quốc.

Và thảm họa lụn bại đó cũng chính là nguyên cớ cho sự ra đời của cuốn sách The fall of Northern Rock (Sự sụp đổ của Northern Rock) của tác giả Brian Walters. Trong cuốn sách, ông phân tích nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của Northern Rock - một ngân hàng từng là biểu tượng của thành công.

Nothern Rock – thuở bình minh rực rỡ

Northern Rock Building Society được thành lập vào ngày 08/07/1965, vốn là một tổ chức chuyên cấp tín dụng để xây nhà có trụ sở đặt tại Newcastle – vùng đông bắc nước Anh. Ban đầu, nó chỉ là một ngân hàng rất nhỏ so với Halifax, ngân hàng cùng lĩnh vực. Northern Rock, vào thời điểm năm 1965, đứng thứ 60 trong bảng xếp hạng các tổ chức cung cấp tín dụng xây dựng.

Sau 40 năm hoạt động, nhờ vào việc tiếp nhận và mua lại các quỹ đầu tư cũng như đa dạng hóa hình thức kinh doanh và bước chân vào lãnh địa cho vay, cho thuê nhà, Northern Rock trở thành một trong 10 ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất nước Anh, sau khi tiếp quản thành công Tổ chức tín dụng North of England có trụ sở tại Sunderland với hơn 300.000 các tài khoản đầu tư, 43.000 người cho vay và tổng số tài sản lên tới 1.500 triệu bảng Anh với tổng tài sản lên tới 10 tỉ bảng.

Năm 2006 lợi nhuận của ngân hàng này đạt 1,18 tỉ bảng Anh và là ngân hàng cho vay tín chấp lớn thứ 5 tại Anh. Ngoài ra Northern Rock còn là nhà tài trợ chính thức cho CLB Bóng đá nổi tiếng Newcastle United.

Brian Walters cho rằng, Northern Rock sở dĩ đạt được đạt được mức tăng trưởng cao là bởi: Northern Rock đã nỗ lực để đứng vững trong khi các tổ chức tài chính tương tự bị các đại gia trong làng ngân hàng mua lại. Vốn đầu tư ban đầu thấp, tập trung vào thị trường có lợi thế, dịch vụ sáng tạo và cạnh tranh.

Northern Rock đã từng là một biểu tượng của thành công, thương hiệu tiếng tăm và là niềm tự hào của Anh quốc

Northern Rock là một ngân hàng thành công vượt qua cả tiếng tăm, quy mô của nó và đã từng được các nhà phân tích tài chính London hết lời ca ngợi. Nhưng nguyên nhân nào dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng vào tháng 10 năm 2007 và dẫn tới việc ngân hàng này bị quốc hữu hóa vào tháng 2 năm 2008?

… Những bước đi ẩn chứa hiểm họa

Trong The Fall of Northern Rock, Brian Walter – từng là giám đốc một chi nhánh của ngân hàng này tại Leeds - đã thuật lại diễn biến và những sự kiện dẫn tới việc ngân hàng bị quốc hữu hóa.

Đặc biệt ông đã cho người đọc thấy được suy nghĩ tình cảm của các nhân viên Northern Rock trước, trong và sau cuộc khủng hoảng; cũng như những phân tích của riêng ông về nguyên nhân và cách để tránh một thảm họa tương tự.

Mô hình kinh doanh của Northern Rock như mọi ngân hàng khác là thu hút tiền gửi vào và dùng số tiền đó cho vay thế chấp. Nhưng việc huy động vốn không phải là một quy trình đơn giản. Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp thu hút tiền gửi tiết kiệm, lượng tiền gửi tại Northern Rock khá thấp trong khi nhu cầu vay tại ngân hàng luôn lớn hơn nhiều lần so với các khoản tiền gửi.

Ngài Richard Branson - chủ của tập đoàn tài chính Virgin
đã từng muốn mua lại The Rock - Nguồn: network.co.uk

Nhiều năm trước điều này đã khiến Northern Rock để vuột mất nhiều cơ hội đẩy mạnh kinh doanh, vì theo các quy định của Ngân hàng Trung ương Anh, các ngân hàng chỉ được cho vay số tiền mà họ thu được từ nguồn tiền gửi, và rõ ràng là, nếu một ngân hàng không thể thu hút nhiều tiền gửi vào thì nó cũng không thể tăng số tiền cho vay ra.

Nhưng điều này đã thay đổi. Trong khi những yêu cầu về nguồn vốn dự trữ cho mỗi ngân hàng là khá chặt chẽ, thì lại chẳng hề có một quy định nào về mức tiền gửi dự trữ trong ngân hàng cần có để phục vụ hoạt động cho vay của ngân hàng đó.

Vì thế các ngân hàng giờ đây được phép cho vay nhiều hơn rất nhiều số tiền gửi tiết kiệm mà nó thu hút được. Tính trung bình thì số tiền cho vay gấp khoảng 6 lần so với số tiền gửi mà một ngân hàng đang nắm giữ. Nhưng Northern Rock còn đi xa hơn thế.

Theo nhận định của Northern Rock thị trường cho vay thế chấp là khá lành mạnh. Vì thế những gì Northern Rock làm là gói một số các khoản vay thế chấp lại vào với nhau và bán những khoản thu nhập tương lai này cho các nhà đầu tư dài hạn. Northern Rock làm việc này thông qua một công ty có tên là Granitte – và quá trình này được gọi là “chứng khoán hóa” hay “trái phiếu hóa”.

Việc trái phiếu hóa các khoản vay đã cho phép Northern Rock mở rộng việc cho vay. Theo định kỳ, nó sẽ bán các khoản thế chấp bằng cách chứng khoán hóa và đổi lại có tiền để tiếp tục cho vay.

Northern Rock thường bù đắp khoảng thời gian giữa những hợp đồng chứng khoán hóa bằng cách vay ngắn hạn từ các ngân hàng khác, được gọi là thị trường tiền mặt bán buôn. Northern Rock đã làm như vậy trong nhiều năm và quy trình này tỏ ra rất hiệu quả.

Khi một ngân hàng vay tiền trên thị trường tiền tệ họ phải trả mức lãi suất liên ngân hàng được gọi là LIBOR (London Inter-bank Offered Rate – tỉ lệ lãi suất cho vay liên ngân hàng London) – thường cao hơn một chút so với lãi suất cơ bản của ngân hàng TW Anh.

Ví dụ vào 2/01/2007 tỉ lệ lãi suất LIBOR trong 3 tháng (lãi suất áp dụng cho vay trong 3 tháng liên tiếp) là 5,32% trong khi tỉ lệ lãi suất cơ bản của ngân hàng TW Anh là 5,00%. Sự dao động giữa 2 tỉ lệ này tác động tới khả năng sinh lời của Northern Rock.

Mô hình huy động vốn này có nghĩa là Northern Rock bán một nửa hợp đồng cho vay cho các nhà đầu tư hơn là nắm giữ nó cho tới khi đáo hạn. Và đây chính là mô hình kinh doanh hoạt động hiệu quả của Northern Rock.

Chiến lược huy động vốn của ngân hàng là 25% lấy từ khoản tiền gửi tiết kiệm, 25% từ thị trường tiền tệ bán buôn và 50% từ việc chứng khoán hóa. Năm 2005 mô hình huy động vốn này – vận hành rất trơn tru đã giúp cho Northern Rock đạt được mức tăng trưởng hàng năm là 20%.

Khó khăn nào sẽ tới khi lãi suất liên ngân hàng (LIBOR) trên thị trường tiền mặt Anh tăng cao? Và một khi thị trường này đóng băng do sự lo ngại của chính phủ về sự an toàn của hệ thống ngân hàng? Hay khi nền kinh tế suy giảm do chịu tác động của sự suy giảm toàn cầu? Nếu thị trường bất động sản không họat động sôi động nữa?...

  • Trần Phương Thảo

Bài học từ thảm họa ngân hàng lớn nhất nước Anh (P.2)

19/08/2008 08:00 (GMT + 7)

Northern Rock đã có những tháng ngày đầy ánh sáng và mật ngọt, nhưng bản thân những bước đi của ngân hàng này đã ẩn chứa những thảm họa khó lường. Và rồi, buổi hoàng hôn tàn tạ đấy cũng đã đến, không cách nào cứu vãn nổi.

Tên sách: THE FALL OF NORTHERN ROCK(The Insider’s Story of Britain’s Biggest Banking Disaster)
Tạm dịch: Sự sụp đổ của Northern Rock(Câu chuyện bên trong thảm họa ngân hàng tồi tệ nhất Anh Quốc)
Tác giả : Brian Walters
Phát hành: Harriman House

*****

>> Bài học từ thảm hoạ ngân hàng lớn nhất nước Anh (Phần 1)

… Cho đến buổi hoàng hôn thảm kịch

Tỉ lệ lãi suất liên ngân hàng tăng cao 3 lần liên tục trong năm 2007, quá mức chịu đựng của Northern Rock, ngân hàng này gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn cho vay. Northern Rock buộc phải tìm kiếm đối tác để bán bớt những bộ phận kinh doanh nhỏ của mình để có thêm vốn duy trì hoạt động.

Khi Giám đốc điều hành Apple Adamgarth ra tuyên bố điều chỉnh hạ thấp dự đoán lợi nhuận của năm 2007 từ 17% xuống còn 15% thì phản ứng tiêu cực của thị trường xảy ra. Tồi tệ hơn thị trường tiền mặt bán sỉ đóng băng khiến việc huy động vốn ngắn hạn của Northern Rock gặp khó khăn nghiêm trọng.

Hàng đoàn người xếp hàng chờ rút tiền trước một chi nhánh của Northern Rock. Họ muốn được an toàn hơn là những lời xin lỗi - Nguồn: BBC

Ngày 9 tháng 8 năm 2007, theo quyết định của BNP Paribas’s, ngân hàng của Pháp, tạm dừng các quỹ đầu tư do cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp thứ cấp tại Mỹ đã gây ra cú sốc cho hệ thống tài chính toàn cầu, gây đóng băng các thị trường tiền tệ.

Sau đó Northern Rock đã liên lạc với các cơ quan tài chính của chính phủ cũng như Ngân hàng Anh để được trợ giúp giải quyết các vấn đề đang gặp phải.

Những thông tin bí mật về các cuộc trao đổi giữa Northern Rock và ngân hàng TW Anh cũng như các tổ chức tài chính khác bị giới truyền thông biết được.

Báo chí dồn dập đưa ra những dự đoán về nguy cơ vỡ nợ, cũng như nguy cơ với người gửi tiền như thế nào khiến cố phiếu của Northern Rock rớt không phanh, các nhà đầu tư tức giận và từng đoàn người nườm nượp kéo đến các chi nhánh của Northern Rock rút tiền gây nên cảnh hỗn loạn.

Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật thông tin và hình ảnh về Northern Rock và hàng dài người nối nhau xếp hàng dài chờ rút tiền được truyền đi khắp thế giới càng khiến những nỗ lực cứu ngân hàng này trở nên khó khăn hơn.

Các ngân hàng lớn tại Anh và châu Âu đều từ chối trợ giúp Northern Rock vượt qua khủng hoảng, trong đó có cả HSBC, Barclays, Lloyds TSB, RBS, Santander và Credit Agricole.

Chính phủ Anh buộc phải ra tay và tiến hành thương lượng đàm phán với các thể chế tài chính lớn trên thế giới về các phương án giải cứu Northern Rock. Trong số những quỹ đầu tư lớn tham gia đàm phán mua lại Northern Rock có cả tập đoàn Virgin, dẫn đầu bởi ngài Richard Branson.

Tuy nhiên những nỗ lực đàm phán này đã thất bại. Cuối cùng ngày 21 tháng 2 năm 2008 Northern Rock chính thức bị quốc hữu hóa sau 3 ngày tranh cãi tại Thượng và Hạ viện Anh.

Thảm họa do đâu?

Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng và sự sụp đổ của Northern Rock có nhiều, nhưng dưới cách nhìn nhận của Brian trước hết đó là do: mô hình kinh doanh, tốc độ phát triển quá nóng trong một thị trường đang thay đổi và đảo chiều, bộ máy làm việc không hiệu quả, phản ứng chậm chạp của các cơ quan chính phủ dẫn tới việc Northern Rock không nhận được sự trợ giúp kịp thời từ Ngân hàng TW Anh cũng như các thể chế tài chính lớn khi ngân hàng này gặp khó khăn.

Ngoài ra việc rò rỉ thông tin khiến giới truyền thông nhảy vào cuộc và khiến mọi chuyện thêm tồi tệ cũng là một tác động khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng và gây hậu quả nặng nề hơn.

Tác giả đã dành cả một chương để phân tích sâu sắc về các nguyên nhân này cũng như khẳng định rằng những cuộc khủng hoảng tượng tự trong tương lai hoàn toàn có thể tránh được.

Cảm giác đọng lại khi đọc hết cuốn sách là một dư vị chua chát của một nhân viên đã từng gắn bó với một thương hiệu thành công vang dội giờ chỉ còn là quá khứ. Tuy nhiên tác giả cũng thể hiện mong muốn một ngày nào đó thương hiệu ấy sẽ lại được khôi phục, dù phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực.

Từ thất bại của Northern Rock cũng như nhiều ngân hàng tại Mỹ, có lẽ những ngân hàng ở các quốc gia khác sẽ phải tự mình rút ra những bài học kinh nghiệm, khi mà kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn khó khăn, lạm phát tăng cao và bản thân hệ thống ngân hàng đang phải trải qua những cơn thử lửa cam go.

(còn nữa)

  • Trần Phương Thảo
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kinh tế học siêu vĩ mô: Cơ sở khoa học của sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến

    20/08/2008Vấn đề tiền ở đâu ra là vấn đề làm đau đầu toàn xã hội từ tầm vĩ mô cho tới vi mô, từ các nhà hoạch định chính sách cho tới chủ doanh nghiệp nhỏ và người dân bình thường. Những khó khăn về tiền gặp phải bế tắc không giải quyết nổi nếu chỉ xem xét và nhìn nhận chúng ở tầm vĩ mô và vi mô. Vấn đề này phải được xem xét và giải quyết ở tầm mức mới, tầm mức siêu vĩ mô...
  • Toàn cầu hóa và những mặt trái

    29/06/2008Minh Bùi (tổng hợp)Cuốn sách "Toàn cầu hóa và những mặt trái" của nhà kinh tế học từng được giải Nobel - Joseph E. Stiglitz đóng góp một cái nhìn nghiêm khắc đến nghiệt ngã về toàn cầu hóa, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những tổ chức quốc tế như IMF, WTO, WB trong quá trình tất yếu không có cách nào cưỡng lại này...
  • Chiến tranh tiền tệ

    27/06/2008Minh Bùi (sưu tầm)Chủ đề cuốn sách là nói về sự ra đời của tư bản tài chính thế giới và quá trình bành trướng ra toàn cầu, thao túng và ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế. "Chiến tranh tiền tệ" là khái niệm chỉ cách thức bí ẩn và tinh vi mà giới tư bản tài chính ngân hàng đó dùng các công cụ tiền tệ lũng loạn các nền kinh tế nhằm mục đích kiếm những món lời khổng lồ. Chiến tranh tiền tệ là cội nguồn của mọi cuộc chiến tranh trong lịch sử hiện đại...
  • Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0

    11/03/2008Nguyễn Đình Huy dịchTrong Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0, Peter Barnes biện hộ cho cộng sản một cách thẳng thắn và dứt khoát. Đây là một cuốn sách cần thiết về một chủ đề hệ trọng... (Bill McKibben)
  • Đợt sóng Thứ ba

    25/02/2008GS. Nguyễn Hồng Phong (Viện sử học Việt Nam )Cuốn sách "Đợt sóng Thứ ba" (The Third Wave) do Viện Sử học Việt Nam tổ chức dịch và giới thiệu với bạn đọc là một cuốn sách có giá trị, rất nổi tiếng của nhà xã hội học và tương lai học Alvin Toffler. Để giúp bạn đọc rộng rãi thêm hứng thú để đọc tác phẩm, chúng tôi giới thiệu, nói đúng hơn là lược thuật tóm tắt những nội dung chính của tác phẩm...