Một mình một ngựa

07:04 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Mười Hai, 2010
Tác giả :Ma Văn Kháng
Nhà xuất bản :Phụ nữ

Tiếp tục dòng sáng tác của các tiểu thuyết như Vùng biên ải, Mưa mùa hạ, Đám cưới không có giấy giá thú, Chó Bi, Đời lưu lạc... tiểu thuyết Một mình một ngựa lấy cảm hứng tử niềm say mê trước vẻ đẹp kiêu hùng của con người giữa cuộc đời gian truân, còn nhiều khuyết tật, đầy mặc cảm cô đơn và dạt dào sức sống mãnh liệt. Có thể coi Một mình một ngựa là cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn tự truyện của cây bút văn xuôi Ma Văn Kháng.

Ma Văn Kháng: Một mình một ngựa!
Tiểu Quyên, Người lao động

Tôi viết như văng hòn đá ra khỏi tay, tự nhiên và thân thiết trước bạn đọc.

- Phóng viên:Kể từ sau tác phẩm Gặp gỡ ở La Pan Tẩn xuất bản vào năm 2001, nhà văn Ma Văn Kháng đã im hơi lặng tiếng khá lâu với tiểu thuyết. Mất 8 năm sau, tác giả của Mùa lá rụng trong vườn mới trở lại với cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa (NXB Phụ nữ vừa ấn hành)?

- Nhà văn Ma Văn Kháng: Ngẫm lại đời mình, Thật tình tôi đã định thôi viết tiểu thuyết. Nhưng trong những ngày nghỉ ngơi, tôi bỗng nhận ra còn một đoạn đời có chút ít ý nghĩa của mình bị chính mình lãng quên. Ấy là mấy năm trời tôi sang làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy. Ở đó tôi được sống và cộng tác với hai lớp người: những cán bộ lãnh đạo trong ban thường vụ tỉnh ủy và các cán bộ trợ lý giúp việc. Và thế là tôi quyết định phải kể nốt những chuyện mình đã biết ở đoạn đời này.

- Vì vậy, ở bìa 4 của cuốn tiểu thuyết có giới thiệu “tác phẩm giống như là tự truyện của tác giả”?

- Cuốn tiểu thuyết chỉ mang dấu ấn tự truyện. Các sự kiện, tình huống, tâm trạng, hành động của nhân vật ông giáo Toàn về cơ bản chính là những gì tôi đã trải. Các nhân vật khác trong sách đều có nguyên mẫu. Nhưng tất nhiên, tất cả đã được tiểu thuyết hóa theo yêu cầu của thể loại.

- Ông đã dùng tên thật cho phiên bản của mình trong Một mình một ngựa. Có kỷ niệm sâu sắc nào trong cuộc đời đã khiến ông đặt cho mình một bút danh mang âm hưởng tên của người dân tộc, thưa nhà văn?

- Cái nhân vật mang tên Toàn ấy mang dấu ấn của tôi, chứ không phải hoàn toàn là tôi. Tôi sống và làm việc ở Lào Cai trong suốt 22 năm. Trong một lần đi làm thuế nông nghiệp, tôi bị ốm nặng ở một làng đồng bào Giáy, may nhờ một vị cán bộ huyện ủy địa phương tìm thầy thuốc chữa khỏi cho. Vị này họ Ma. Khỏi bệnh, tôi kết nghĩa với ân nhân mình và lấy bí danh Ma Văn Kháng. Sau này viết văn, tôi lấy luôn tên đó làm bút danh.

- Ông muốn gửi gắm điều gì từ Một mình một ngựa cho độc giả hôm nay?

- Tôi muốn vẽ lại chân dung những con người mà mình đã từng được sống và làm việc qua con mắt nhìn của một ông giáo, một tiểu trí thức, trong tinh thần thực sự cầu thị. Nghĩa là cố gắng gọi đúng tên sự vật, không tô hồng, huyền thoại hóa họ và nhất là không tô đen bóp méo, phủ định sạch trơn.

- Cụm từ “một mình một ngựa” được lặp đi lặp rất nhiều lần trong tác phẩm như thể nhà văn muốn nói điều gì sâu xa hơn?

- Một mình một ngựa là hình ảnh một chiến sĩ cách mạng hiên ngang, oai hùng, một hình tượng giàu tính thẩm mỹ. Bí thư tỉnh ủy một mình một ngựa đi đến các vùng thổ ty phong kiến thuyết phục họ theo chính phủ Trung ương. Nhưng hình tượng đó, trong bản thân nó cũng đã hàm chứa mặc cảm cô đơn rồi. Ông quyết định một mình xông pha trong cuộc đối đầu với đối phương thời khởi đầu cách mạng, một mình đương đầu với khó khăn trong xây dựng. Nhưng ông cũng cô độc biết bao trong cuộc sống, trong việc bảo vệ chân lý, trong quan hệ với người vợ của mình... Một mình một ngựa - vừa oai vũ vừa đơn côi, là thân phận của tất cả các cá thể có ý thức về giá trị của mình.

- Một mình một ngựa sẽ không dễ dàng thu hút được độc giả trẻ? Khi viết, nhà văn có chủ ý hướng đến đối tượng độc giả nào không?

- Nếu như thế thật thì tiếc lắm. Nhưng cũng đành vậy thôi, biết làm thế nào hơn được! Mỗi người, mỗi thế hệ chỉ thông thạo vài thao tác thôi!

- Cái tên Ma Văn Kháng đã gắn liền với những tác phẩm đỉnh cao của một thời. Ông có cảm thấy áp lực không nếu như tác phẩm này không tạo được một sức bật lớn như những tác phẩm trước?

- Không! Tôi viết như văng hòn đá ra khỏi tay, tự nhiên và thân thiết trước bạn đọc.

- Ông có ý định viết hẳn một quyển tự truyện cho mình?

- Tôi đang cố gắng hoàn thiện một quyển hồi ký, nhưng không hiểu bao giờ thì xong và ra mắt được bạn đọc!

- Nhà văn có cảm nhận rằng văn học hiện nay dường như càng lúc càng bị chùng lại, không có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn như thế hệ trước nữa?

- Tôi lại nghĩ chưa hẳn như thế. Chúng ta cần có một thời gian nữa để nhìn lại. Tôi tin ở lớp nhà văn trẻ!

Hình tượng đầy cảm hứng kiêu hùng

Sự cô đơn là sản phẩm của tạo hóa, mang sự hòa trộn hữu cơ giữa vẻ đẹp anh hùng cao cả phi thường với thói đời nhỏ nhặt, tầm thường. Chủ đề ấy của tiểu thuyết được thực hiện bằng một nghệ thuật trần thuật có dụng ý phác thảo loạt chân dung một lớp người - một thế hệ cán bộ ở một thời điểm nhất định của đất nước. Những tính cách giàu tính chân thực sinh động, như một đính chính những ngộ nhận về họ ở cả hai phía cực đoan.

Bí thư tỉnh ủy Quyết Định là một người có quá khứ oanh liệt, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Ông tâm huyết, tận tụy, sống gương mẫu và trung hậu. Nhưng cảm giác cô đơn, một mình một ngựa vừa hào hùng vừa cô độc đã chế ngự ông. Một mình một ngựa đã khắc họa nhân vật bằng một cảm hứng kiêu hùng để khắc họa nên hình tượng một con người bình thường như đủ sức làm nên một sức mạnh anh hùng. T.Q

Một Mình Một Ngựa đối mặt với sự tha hóa
Nguyễn Long Khánh

Viết tiểu thuyết “Một mình một ngựa”, Ma Văn Kháng chọn cho mình một đề tài thật khó khăn, chênh vênh chẳng khác gì đi trên những con đường núi cheo leo, hiểm trở ngày mưa lũ… Nếu bản lĩnh nhà văn không vững vàng, có tầm nhìn sâu xa với nhãn quan chính trị sắc bén, có lẽ anh sẽ rơi xuống vực hay bị lũ cuốn trôi đi ngay trên mảnh đất Hoàng Liên nơi anh sống, đã mục kích, chiêm nghiệm, hóa thân vào các nhân vật trong truyện sâu sắc để viết được cuốn tiểu thuyết đặc biệt thành công này.

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở O tròn (nơi sơ tán của cơ quan tỉnh ủy Hoàng Liên trong những năm chống Mỹ) với các nhân vật trung tâm là những người cộng sản trong tỉnh ủy: năm ông thường vụ, năm ông trợ lý và gần chục cán bộ văn phòng tỉnh ủy. Tất cả đều là đảng viên ở những vị trí quan trọng, có lẽ chỉ có một nhân vật duy nhất trong tiểu thuyết không phải đảng viên: đó là Yên, vợ của bí thư tỉnh ủy Quyết Định.

Bằng sự phát hiện nhạy bén, phân tích tâm lý vững vàng, nhận thức sắc sảo đặc biệt của nhà văn chính luận… Ma Văn Kháng đã dẫn chúng ta cùng Toàn (một thầy giáo dạy văn - nhân vật chính của tiểu thuyết) thâm nhập, hòa đồng vào cơ quan đầu não của tỉnh ủy Hoàng Liên tìm hiểu, gặp gỡ từng người để hiểu cặn kẽ về họ: từ lý lịch xuất thân, quá trình công tác, cái tốt lẫn sự xấu xa, những việc làm thăng hoa bay bổng và cả những phút yếu lòng sa ngã xuống vực thẳm. Họ là con người viết hoa đáng ca ngợi nhưng đôi lúc lại là kẻ xấu đáng bị trừng phạt, lên án.

Ngòi bút Ma Văn Kháng thể hiện cái nhìn nghiêm khắc, thấu lý đạt tình như viên công tố trong phiên tòa: anh mổ xẻ, phân tích đúng sai, cân đo giữa công và tội bằng lý lẽ của cái đầu lạnh duy ý chí và trái tim nhân văn đậm tình người của mình. Vì năm ông thường vụ tỉnh ủy Hoàng Liên, năm con người cụ thể bằng xương bằng thịt, sống động, phức tạp, rối rắm biết chừng nào. Mỗi người phụ trách 1 công việc, trong một hoàn cảnh riêng, tính cách đều mạnh mẽ, khác biệt. Họ đều bảo thủ, cá nhân cho mình là tài giỏi, phi thường. Mỗi người có cách lãnh đạo, xử lý riêng: đúng đắn, xuất sắc, sáng tạo đến mức anh hùng. Nhưng có những lúc sai lầm hiển nhiên, ấu trĩ, mông muội, hẹp hòi khó chấp nhận ở họ: như ông Ké Lanh, ủy viên thường vụ - trưởng ban tôn giáo, người Tày ở Lạng Sơn theo cách mạng từ năm 1945, xuất thân là cán bộ xã, văn hoá hết cấp II, một người nhiệt tình, hết lòng vì cách mạng do trình độ hạn chế nên ngộ nhận đến mức ấu trĩ. Đọc bất cứ bài báo, cuốn truyện, bài thơ nào đều tìm thấy sự biến tướng, chống phá, bêu rếu cách mạng nên ông phê bình tòa báo, nhà xuất bản. Đi khai mạc, đọc diễn văn, phát biểu ở hội nghị nào của tỉnh, ông đều mở đầu bằng những bài thơ ông sáng tác theo kiểu “bút tre” ngang phè, ngô nghê đầu Ngô mình Sở như hô khẩu hiệu: Tất cả cho sản xuất, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhất định phải giành thắng lợi…

Đó là ông Văn Hiếu, thường vụ phụ trách nông nghiệp: “xuất thân cố nông, chuyên làm thuê cuốc mướn, với hình hài còi cọc, mắt có lẹo, loằng ngoằn thân chi độc, hồi trẻ lên khai hoang ở Mường Thông”… lân la mãi mới xin được chân “giám mã” trông coi mấy con ngựa ở cơ quan huyện ủy. Bản chất là một anh cố nông láu cá, tinh ma, biết tính toán cơ hội để leo dần lên đến chức vụ quan trọng này (trang 79), và đang mon men, rình thời cơ để thay quyền bí thư tỉnh ủy của ông Quyết ?ịnh. Rồi ông Vi Văn Đình thiếu tá tỉnh đội phó “được cái trắng trẻo, hiền lành, mặt mũi sáng sủa nên trúng chủ tịch tỉnh”. Nhưng đần lắm lại nói lắp, đọc một cái báo cáo, diễn văn “ề à hàng tiếng, chữ nọ xọ chữ kia, có trường hợp do co Tình văn thư soạn công văn đóng cặp díp 2 bản giống nhau nhưng ông vẫn cứ đọc bình thường mà không hề hay biết”. Làm chủ tịch tỉnh rồi nhưng 1 tuần 2 tối phải sang văn phòng tỉnh ủy để anh giáo Toàn dạy học, dạy phát âm cho chuẩn. Còn ông Đoàn Văn Gia, ủy viên thường vụ, trưởng ban công nghiệp và quân sự tỉnh là “người con trai độc đinh của gia đình nhà nho nghèo’, ông mắc tội “bất hiếu hữu trác” vì không thể có con. Bà vợ ông vì quá khát khao nên đã tìm cách có con bằng cách ngủ với thằng lái trâu hàng xóm mới ra tù, làm ông khổ, nhục”… Vì nỗi buồn “vô tử vi đạt” sâu xa ấy mà ông dằm mình vào trong công việc để quên đi nỗi bất hạnh của mình (trang 301).

Cuối cùng là ông Quyết Định, bí thư tỉnh ủy ngoài 50 tuổi, nhân vật chính của tiểu thuyết mà Ma Văn Kháng tập trung xây dựng làm sáng lên “hình ảnh người cộng sản anh hùng lẫm liệt với nhân cách đạo đức, tác phong điển hình của người lãnh đạo đứng đầu tỉnh”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp “lúc trai trẻ ông Quyết Định trong vai chính khách giữa vùng đất lạ Pha Linh - một mình một ngựa - một tuổi trẻ, một chiến mã, một tâm hồn lãng mạn đại diện cho Tổng bộ Việt Minh thân cô thế cô, hiên ngang xuất hiện trước các thổ ty, chúa đất, họ tộc ở Ba Sơn, Mường Thông, Pha Linh thuyết phục họ tuân theo chính phủ trung ương hội đủ 3000 dân binh hợp với Vệ quốc quân đánh đuổi bọn phản động Quốc dân Đảng tại sào huyệt cuối cùng ở thị xã Hoàng Liên” (trang 128-129).

Suốt cuộc đời mình “ông Quyết Định mang cái uy của thế hệ mở đường, một mình một ngựa quả cảm xông pha; kẻ thù sợ hãi ông, các đồng chí kính trọng ông ở nhiệt tình và phẩm chất cách mạng, quý mến ông ở đạo đức tư cách: sống khiêm nhường, giản dị, liêm khiết, không màng tư lợi, công bằng, vô tư… Là bí thư tỉnh ủy, người đứng đầu tổ chức Đảng bộ tỉnh mà chủ nhật vẫn đi lấy củi góp cho bếp ăn tập thể, vẫn vác cuốc lên nương trồng sắn, làm lúa nương để thực hiện chỉ tiêu lương thực giao cho đảng viên. Ông là bí thư tỉnh ủy nhưng Yên, vợ ông không phải đảng viên. Gần 20 năm giữ cương vị bí thư tỉnh ủy, ông đã hoàn thành một kỳ tích: đặt chân lên đủ 1815 thôn, 124 xã “… ông là viên đạn đã ra khỏi nòng đi theo một đường thẳng, không vân vi. Ông là nhà cách mạng chuyên nghiệp, một lòng một dạ hướng tới mục tiêu đã định. Ông là lịch sử đã hoàn thành” (trang 234). Chính những hành động anh hùng mã thượng uy phong, đẹp đẽ trong cuộc đời cách mạng của ông Quyết Định đã làm Yên “cô gái xinh đẹp nhất vùng là hậu duệ của một ái phi vua nhà Mạc thất thế trôi dạt đến… Sống trong một gia đình bề thế khá giả, mê đọc tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, đầy mơ mộng đã bị hình ảnh “kẻ chinh phu anh hùng, hiệp sĩ đầy khát vọng như ông Quyết ?ịnh chinh phục hoàn toàn: Yên đến với ông bằng tình yêu dâng hiến, như anh hùng gặp mĩ nhân. Cô đã gắn bó mật thiết, đi với ông cùng trời cuối đất” (trang 237-238).

Có thể nói Ma Văn Kháng đã xây dựng thành công chân dung sống trần trụi, đời thường nhưng mãnh liệt, mạnh mẽ về lý tưởng, tính cách sống anh hùng, hấp dẫn đến mê hoặc về người cộng sản qua nhân vật bí thư tỉnh ủy Quyết Định, một điều mà tiểu thuyết đương đại Việt Nam ít người làm được.
Trong số năm ông trợ lý được Ma Văn Kháng dụng tâm xây dựng khắc họa có hai người để lại ấn tượng sâu sắc: đó là ông Đồng, nguyên khu trưởng Pha Linh bị kỷ luật treo Đảng một năm vì tác phong anh hùng cá nhân thời chống Pháp nên về làm trợ lý cho Ban thường vụ: một nhân vật có tâm lý phức tạp, thâm thúy nhưng sống đậm nghĩa tình có những hành động, lời nói, suy nghĩ sâu sắc, đầy ám ảnh. Cuộc đời cách mạng của ông Đồng phong trần, lãng tử. Năm 1956 một mình ông đại diện Việt minh đã vào thẳng sào huyệt của Thổ Ty La Văn Cờ ở Pha Linh thuyết phục Cờ theo Việt minh, ông là người đầu tiên đến lập chính quyền cách mạng ở Pha Linh. Xuất thân từ một gia đình khoa bảng, quê ở Xuân Dũng, Lâm Thao, Phú Thọ nên ông là người có trình độ, ăn nói sắc sảo, bạo miệng, có chính kiến, tính tình thẳng thắn rõ ràng. Ông hiểu rõ từng điểm mạnh, chỗ yếu của năm ông thường vụ, vì thế ông quy phục, bảo vệ, quý mến ông Quyết Định bao nhiêu thì coi thường, khó chịu với ông Văn Hiến bấy nhiêu. Hình ảnh ông Đồng “hoa mã tấu, đi đường cước hạ 2 tên cướp định hại ông Quyết Định, ngay sau đó ông vào quán,trên bàn chủ quán đã bày sẵn “tư thái nhất thang” (bốn món ăn, một món canh” với vò rượu ngô thơm phức chờ ông” (trang 131) hệt một trang anh hùng, hảo hán thật oai phong. Rồi cảnh ông Đồng chỉ huy nhóm công nhân cơ giới đào quả bom Mỹ chui sâu dưới đất ở chân cầu Nhò giải phóng thông đường như một dũng sỹ quả cảm quyết hy sinh hoàn thành nhiệm vụ , mang âm hưởng anh hùng ca thật tuyệt vời.

Nhân vật thứ hai thành công mang dáng dấp và sự nghĩ suy của tác giả là anh giáo Toàn. Một nhân vật từ nhận thức, hành động, suy nghĩ nội tâm ở hoàn cảnh nghiệt ngã, phức tạp, biến động từng ngày ở tỉnh ủy Hoàng Liên đã thể hiện bản lĩnh lối sống đúng đắn. Những suy nghĩ thẳng thắn, dũng cảm của anh giáo Toàn nhiều lúc làm người đọc dằn vặt, xót xa vì thực tế tàn nhẫn của nó. Đó là chuyện Tòan đang say sưa hết lòng với nghề dạy học thì anh “được” điều sang làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy Quyết Định ,làm một công việc “không tên có vẻ hèn mọn”, làm “cái đuôi” cho ông bí thư thường bị mọi người nhìn bằng con mắt coi thường. Những ngày Toàn cùng ông Quyết Định đi công tác khắp tỉnh va chạm với đời sống thực tế bộc lộ dần tính cách, bản lĩnh đáng phục của ông Quyết Định đã khiến Toàn thấy công việc của mình có ý nghĩa khác: anh nhìn nhận, suy nghĩ bớt khe khắt giáo điều. Anh đã tìm hiểu, suy xét, hòa đồng với mọi người để đánh giá đúng về từng ông thường vụ, ông trợ lý, hai ông chánh, phó văn phòng tỉnh ủy và các nhân viên như cô Tính văn thư, tay Muốn cơ yếu v.v… Với cái nhìn thẳng thắn, trung thực, tỉnh táo, anh đã hiểu dần, hiểu đúng về những người cộng sản lãnh đạo tỉnh ủy Hoàng Liên: “… cá tính, trình độ của họ có lúc gây ra thất bại đáng tiếc trong công việc làm sai lệch, méo mó sự phát triển… thẳng thắn hơn có thểnói họ mới chỉ là những đứa trẻ vị thành niên chập chững, đang ở thời kì tập dượt còn non nớt, ấu trĩ? Nhưng những phẩm chất tốt đẹp cơ bản ở họ là lòng yêu nước, sự hăng say chân thành với lý tưởng, tinh thần nhiệt tình, sự tận tụy, đức hy sinh… làm sao có thể phủ nhận họ” (trang 359). Và anh hiểu: “… chính trị là một công cuộc mò mẫm gian nan và luôn quá sức với tất cả mọi người” (trang 355) “Dân chủ cởi mở còn là mong ước quá xa với và không tưởng. Chính trị bao giờ mà chẳng là quyền lực, là tàn bạo, là sẵn sàng dày xéo lên nhân cách con người” (trang 355). Chính vì thế, nên Toàn cảm thấy bị hạ nhục, đau đớn khi cùng ông Quyết Định về Hà Nội họp do Ban bí thư Trung ương Đảng triệu tập, anh bị tay sỹ quan cảnh vệ gạt ra ngoài bằng thái độ coi thường. Hoặc khi ông Quyết Định bị ốm, uống thuốc bị phản ứng, anh bị hai tay cảnh sát điều tra gần như hỏi cung anh bằng những câu “bới, móc” mang ý xấu nghi ngờ anh? Thật khủng khiếp, đau đớn. Nhưng Toàn đã vượt lên bằng bản lĩnh của mình…

Ma Văn Kháng thể hiện sự thẳng thắn dũng cảm, trung thực của mình khi viết về cái xấu, những chuyện thâm cung bí sử của các cá nhân lãnh đạo làm mất uy tín của Đảng. Có những sai lầm chủ quan cố ý và cả những sai lầm ấu trĩ, ngớ ngẩn do thiếu hiểu biết. Ngòi bút anh phanh phui đến bản chất, gốc rễ các việc xấu xa, mưu toan nham hiểm của những kẻ biến chất thoái hóa “chui sâu, trèo cao, phá hoại Đảng”. Đấy là vụ kỷ luật tai tiếng của Trần Quàn, bí thư tỉnh ủy Đồng Cam, một kẻ lưu manh, cơ hội, xấu xa có quá trình phức tạp đầy thủ đoạn thấp hèn. Ma Văn Kháng đã khắc họa chân dung Trần Quàn thật điển hình: “Trần Quàn là kẻ mưu trí, láu cá vặt, có trí nhớ lạ lùng, có tài ăn nói hấp dẫn: khi nói vung tay, đánh tia mắt, đổi thay giọng điệu: lúc ỏn ẻn như con gái nhà lành mới lớn, khi thì gầm gào như Trương Phi trên cầu Tràng Bản, y thông thạo giếng Giáy, làu làu tiếng Quan (hai thổ ngữ quan trọng của tỉnh miền núi Hoàng Liên), đã từng đảo ngũ, bị kỉ luật nhiều lần vì thói giả trá, lỳ lợm đĩ bợm ghê người. Đi đâu y cũng hủ hóa với đàn bà, con gái. Đã từng đóng giả Đại đội trưởng bị quân cảnh lột sao, lang thang bờ bụi, chết đói, chết khát trốn từ mặt trận về Mường Thông, được bè bạn thương tình, cưu mang, giúp đỡ y trở thành cán bộ huyện đội trưởng. Rồi y lấy Thoan, con gái lỡ thì 34 tuổi “gầy như con cá mắm, mắt dán nhấm, mũi hếch, răng lộ sỉ, khát chồng như đại hạn gặp mưa, con ông Ké Lanh, thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban tuyên giáo”. Từ đấy thăng quan tiến chức, y được đi học trường Đảng trung ương rồi về Ban tuyên giáo tỉnh ủy công tác, sau bổ sung vào thường vụ thị ủy Đồng Cảm. Một năm rưỡi sau, y trở thành bí thư thị ủy” (trang 137). Nhưng bản chất thoái hóa, Quàn tiếp tục gây tội lỗi động trời: đi đâu y cũng hủ hóa, tham ô: y ngủ cả với bốn co nhân viên văn phòng thị ủy: Lan, Cúc, Huệ, Thu lấy 4 cái silip có thêu tên từng cô để vào cặp. Sự việc vỡ lở vì y đã để quên chiếc cặp trong khách sạn , điều tra ra, sự thật mới kinh hãi làm sao: “… y đã biến thị ủy Đồng Cam thành lầu xanh, y ngủ với hầu hết đàn bà con gái trong cơ quan, còn phó bí thư thị ủy ngủ với vợ ủy viên thường vụ, một ủy viên thường vụ khác biến phòng làm việc thành nơi ăn ngủ với cô thủ quỹ; 4/5 thường vụ mắc vào quan hệ nam nữ bất chính. Còn thị ủy thì gây bè phái, mất đoàn kết tranh giành địa vị, nói xấu hãm hại nhau bằng đủ mọi cách? Một chốn tôn nghiêm như thị ủy Đồng Cam mà như thế hỏi còn ra thể thống gì? Những kẻ khoác áo giả danh đảng viên cộng sản ở đây lộ nguyên hình làm người ta kinh hãi, ghê tởm (trang 139 - 142). Rồi vụ ông Văn Hiến thường vụ phụ trách nông nghiệp vì máu thành tích quyết định điều máy cày MTZ lên cao nguyên Na áng trong lễ ra quân trồng lúa mì: chiếc máy cày đổ kềnh vì cày vào các vỉa đá làm trò cười cho bà con xã viên ở hợp tác xã Na áng… Ông Văn Hiến xấu hổ vì thất bại, đã đổ tội phá hoại sản xuất, buộc kỷ luật chi cục trưởng chi cục cơ giới Nguyễn Tiến Hưng vì tội phá hoại sản xuất? Chuyện các cụ già xã viên Nà áng hỏi nếu gieo hạt lúa mì trên đồng đất cao nguyên chim ăn hết thì sao? Ông Văn Hiến đã hồn nhiên trả lời: “Chim ăn hết lần này … thì ta gieo lần khác, nó ăn no thì sẽ không ăn nữa có gì phải lo?” nghe thật ấu trĩ, hài hước, bật cười vì Hoàng Liên là một tỉnh nghèo. Thế mà ông Văn Hiến đã kỉ luật treo đảng một năm Chi cục trưởng Nguyễn Tiến Hưng. Rồi chuyện ông Văn Hiến thậm thụt, hủ hóa với cô Tĩnh văn thư làm cô có mang, ông phải vét hết số tiền tiết kiệm để co trốn về quê dưới xuôi giải quyết hậu quả. Vậy mà ông Văn Hiến lại được cấp trên quyết định làm quyền bí thư tỉnh ủy thay ông Quyết ốm nặng phải về Hà Nội điều trị? Vi ông Văn Hiến vẫn là người có năng lực điều hành sản xuất đã làm nên vụ lúa bội thu lớn nhất của Hoàng Liên v.v…

Những chuyện khác về Yên, vợ bí thư tỉnh ủy Quyết Định, người đàn bà đẹp hoang dã, lãng mạn, yêu chồng thương con nhưng sống rất bản năng, đa tình khát dục đã có những phút không kiềm chế được, có quan hệ với giáo Cần (người được Sở giáo dục điều phụ đạo văn hoá cho ông Quyết Định). Trong buổi đi chặt củi về với Toàn, chị đã đòi Toàn hôn mình vì “anh Quyết Định không biết hôn”, không đáp ứng được bản năng tính dục mạnh mẽ của Yên… Tất cả những chuyện ấy được Ma Văn Kháng khám phá, phân tích tâm lý tinh vi, sống động, thấu tình đạt lý bằng những trang tiểu thuyết ấn tượng, sâu sắc, gợi mở.
Trong tiểu thuyết “Một mình một ngựa” còn nhiều chuyện hay, hấp dẫn, cuốn hút người đọc: đó là những trang viết rất hay về con người, cảnh vật trữ tình của tỉnh Hoàng Liên, nhiều đoạn tả cảnh, tả người làm ta xúc động. “… Thu đã về thật rồi ! Thu đã chậm rãi về như một lời hẹn, không đơn sai. Gió heo heo lạnh và thi thoảng như giật mình, quạt lồng lên một hơi dài hoang vắng. Nắng mỏng mảnh như th?y tinh… và đang đi Toàn chợt dừng bước, thót người vì bóng một con giẽ giun xám ngắt từ một búi rạ ải trên mảnh ruộng ven đường đột ngột vụt bay lên, sạt qua mặt như một ánh chớp. Bên đường những bụi cây chó đẻ già đã khô nỏ, để hở những vòm rỗng bên dưới, trong khi trên ngọn cây những chùm hoa xanh lơ màu phấn đua nở cuống quýt mà vẫn rưng rưng buồn” (trang 15). Đặc biệt những trang viết về tình yêu của ông Quyết Định và Yên: về mối tình lãng mạn, tuyệt vời đẹp đến nao lòng , những đoạn tả cảnh làm tình, yêu đương mãnh liệt của hai người đẹp đến mức mê hoặc người đọc.

Tiểu thuyết “Một mình một ngựa” là một thành công lớn, một đỉnh cao của Ma Văn Kháng. Tiểu thuyết xứng đáng với giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội năm 2009. Họ đã có con mắt tinh tế và cả sự công tâm, dũng cảm khi chọn tiểu thuyết “Một mình một ngựa” để trao giải. Đọc “Một mình một ngựa”, tôi quý mến tác giả vì đây là tiểu thuyết mang tính tự thuật khá rõ: phải chăng anh giáo Toàn trong chuyện chính là tác giả? Một nhà giáo có tấm lòng trong sáng, trung thực nên mới có người học trò như anh lính cao xạ Trương Công Phiêu ra trận vẫn nhớ những lời giảng bình văn của thày Toàn, vẫn nhớ về Hà Nội, về những người thân bằng tình cảm chân thật, thiêng liêng làm ta rưng rưng khi đọc. Các nhân vật khác như chánh văn phòng Duyên, phó văn phòng Kiến, anh Đích lái xe, cô Tĩnh văn thư được Ma Văn Kháng xây dựng tinh tế với nhiều chi tiết sống động, đặc biệt làm người đọc nhớ mãi.

Tôi trân trọng giới thiệu tiểu thuyết “Một mình một ngựa” của nhà văn Ma Văn Kháng với người đọc: nhất là những người cộng sản ở cương vị lãnh đạo, họ sẽ tìm thấy một phần của mình trong những nhân vật trong truyện. Sẽ suy nghĩ để sống tốt hơn, xứng đáng hơn là người đảng viên cộng sản. “Một mình một ngựa” là cuốn tiểu thuyết hay, hiếm hoi, thật xúc động và giúp chúng ta hiểu thêm về người cộng sản trong hoàn cảnh xã hội bức xúc, lẫn lộn giá trị thật, giả bây giờ./.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thời Của Thánh Thần

    03/11/2010Nhà văn Hoàng Minh Tường có tham vọng lớn là làm một cuộc phẫu thuật lịch sử Việt Nam qua một gia đình nhỏ mà những biến động trong gia tộc có nhiều điểm trùng hợp với lịch sử nước nhà. Tiểu thuyết tái hiện những vết thương thời cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, những dư chấn Giải phóng miền Nam, v.v…
  • Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu

    07/07/2010Tiểu thuyết miêu tả những số phận trải qua mấy chục năm đầy biến động của đất nước nên không thiếu những tình huống éo le, bi thảm, nhưng tác giả cũng dành nhiều tâm huyết miêu tả những cảnh đời bình dị, êm đẹp ở một làng quê, với tình mẹ con, họ hàng, làng xóm đầm ấm – vẻ đẹp truyền thống và là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam…
  • Cuồng phong

    30/06/2010Sau 10 năm viết đi sửa lại, cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày tới hơn 700 trang cuối cùng đã được xuất bản. 'Cuồng phong' là câu chuyện về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 dữ dội và chói sáng được kể qua chuyện đời của một dòng tộc...
  • Ngài nghị sĩ

    28/06/2010"Ngài nghị sĩ" của Phạm Chí Dũng là câu chuyện có phần giả tưởng xảy ra ở một nơi nào đó, cách VN không xa. Bi kịch của tham vọng nơi chính trường, màn đen trong não trạng của giới chính khách chi phối cử tri, những cuộc thanh trừ chính trị... đã làm cuốn tiểu thuyết này gây tò mò ngay từ đầu cho người đọc. Tác giả muốn đưa ra vấn đề cần phải hướng đến một xã hội lý tưởng như thế nào, thế nào là văn minh chính trị...
  • Bí thư Tỉnh ủy - Từ cuộc đời "Cha đẻ khoán hộ" Kim Ngọc

    26/05/2010GS. Đặng PhongCuốn tiểu thuyết này không phải là một sự hư cấu thuần túy văn học. Ở đây tác giả chỉ sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một người anh hùng có thật.
  • Giới thiệu tác phẩm Nguyễn Khắc Viện

    31/08/2009Nhiều tác phẩm của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho đến nay vẫn còn những giá trị lớn lao. Bất cứ đối tượng nào, từ người già, thanh niên đến trẻ em đều có thể thấy qua tác phẩm của ông bóng dáng một người bạn, một người thầy, một người ông với kiến thức uyên thâm và tấm lòng nhân ái.
  • Đọc hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    25/08/2009Bùi Duy Tâm (California)Bốn tập Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một pho lịch sử chiến tranh rất hấp dẫn và rất thuyết phục với nhiều tài liệu đối chiếu của hai bên. Mọi chiến dịch đều được chuẩn bị và nghiên cứu kỹ càng về địa dư, nhân văn, hậu cần, tâm lý, tinh thần của địch và ta. Đọc Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng say mê như đọc Tam quốc. Cũng như Khổng Minh, Võ Nguyên Giáp rất thận trọng việc bày binh bố trận, đồng thời chăm sóc đến cả việc ăn ở của binh sĩ.
  • Gặp được nhiều người qua "Dòng đời"

    19/01/2007Tuyền LinhGặp mình, gặp người thân, gặp người quen... Gặp gỡ và có thể lắng nghe được nhiều người khi đọc bộ tiểu thuyết "Dòng đời" của tác giả Nguyễn Trung, do NXB Văn nghệ TPHCM và Trung tâm Ngôn ngữ và văn hoá Đông - Tây ấn hành cuối năm 2006, dày 1.000 trang...
  • Đọc “Dòng đời”

    18/12/2006Cao Huy ThuầnLần đầu tiên, văn học Việt Nam có một tiểu thuyết đồ sộ, dựng lên cả một xã hội ba mươi năm hậu chiến với đủ khía cạnh văn hóa, chính trị, kinh tế, đưa ra những bộ mặt tiêu biểu của đủ giai tầng xã hội mới cũ, vẽ lên một bức tranh hoạt họa linh động, bi hài. Phải vừa là chuyên gia, vừa là nhà văn mới viết được một truyện dài như thế, lý sự thâm hậu xen kẽ với tình tiết tài hoa...
  • xem toàn bộ