Hai vị tướng bật khóc trước Bài hát về Tướng Giáp

10:04 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Mười, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chơi đàn rất hay. Đại tướng từng chơi nhạc Beethoven cho Bác Hồ nghe. Chính từ những giai thoại này, nhạc sỹ An Thuyên đã viết ca khúc mới "Tiếng đàn". Ca khúc vừa cất lên đã khiến Trung tướng Phạm Hồng Cư bật khóc...

Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4/10, Nhạc sỹ- Thiếu tướng An Thuyên không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng. Ngoài sự mất mát, nỗi đau của một người dân; nhạc sỹ An Thuyên còn có nỗi đau của một người lính, nỗi đau của người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa… Với tất cả tình cảm, sự yêu kính dành cho một nhân cách lớn, người anh hùng của dân tộc; nhạc sỹ An Thuyên đã cầm bút sáng tác bài hát về Đại tướng trong vòng 15 phút, sau đó chép lại trên máy tính, sửa chữa và hoàn thiện.

Sáng tác Tiếng đàn ngày 5/10 thì ngay sáng ngày hôm sau, 6/10 vị nhạc sỹ tìm sang nhà Trung tướng Phạm Hồng Cư, Nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và cũng là người em đồng hao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chia buồn và hát cho Trung tướng nghe, đồng thời xin ý kiến thẩm định về bài hát.
Ngay khi nghe nhạc sỹ- Thiếu tướng An Thuyên hát "Tiếng đàn"...

...Trung tướng Phạm Hồng Cư đã bật khóc tại nhà riêng (Ảnh: VGP/Phương Liên)

Với chất âm nhạc trữ tình, sâu lắng, phảng phất âm hưởng dân ca, Tiếng đàn đã đi vào lòng người nghe với ca từ thiết tha: “Tiếng đàn vị tướng, mười ngón tay thô, lướt trên thăng trầm, trắng đen cuộc đời, vinh quang cay đắng, cây đời vẫn xanh. Tiếng đàn đồng chí, rạng rỡ non sông, áo xanh bạc màu thủy chung đồng đội, vào sinh ra tử, ấm tình Anh Văn. Tiếng đàn Tổ quốc, toàn thắng reo ca, cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi, vẫn mơ ước sống, lo nhiều cho dân. Tiếng đàn Đại tướng, trời đất yêu thương, khóc cho dân tộc, khuất xa một Người...”

“Tôi hát xong, Trung tướng Phạm Hồng Cư không kìm nén được niềm xúc động, bật khóc nghẹn ngào. Ông nói: Anh không biết nói gì nữa rồi, chỉ còn biết khóc mà thôi... Tôi nắm chặt tay ông, cả hai cùng rơi nước mắt về một nỗi đau chung...”, nhạc sỹ An Thuyên nhớ lại.
Bài hát "Tiếng đàn" sáng tác trong thời gian ngắn ngủi của An Thuyên khiến Trung tướng Phạm Hồng Cư rơi nước mắt

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sỹ An Thuyên cho biết, ông muốn Trung tướng Phạm Hồng Cư là người đầu tiên nghe sáng tác mới nhất của mình vì Trung tướng không chỉ là một nhà trí thức trong quân đội đáng kính trọng, mà còn là người mà An Thuyên rất trân trọng, tin tưởng. Từ việc lớn, việc nhỏ trong công tác xây dựng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhạc sỹ An Thuyên đều tìm đến xin ý kiến của Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Theo nhạc sỹ, Trung tướng Phạm Hồng Cư về công việc là cấp dưới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về tình cảm thì là anh em đồng hao nên rất gần gũi và hiểu về con người, cuộc sống của Đại tướng hơn bất cứ ai. Dù là tình cảm chân thành nhưng Tiếng đàn được sáng tác trong thời gian gấp gáp, An Thuyên mong mỏi nếu có từ chưa ổn sẽ nhận được lời góp ý đắc địa của người nổi tiếng là thâm thúy.

Ngay sau khi nhận được sự đồng cảm của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhạc sỹ An Thuyên đã chọn tốp ca nam: Lê Anh Dũng, Hoài Nam, Ngọc Ký, Quang Hào thể hiện Tiếng đàn. Bài hát đã được công bố trên sóng truyền hình quốc gia tối ngày 7/10 và nhận được nhiều sự sẻ chia từ phía khán giả.

Bài hát về Đại tướng được sáng tác, dàn dựng và phát sóng trên truyền hình trong vỏn vẹn 2 ngày đó được An Thuyên lấy cảm hứng từ một chi tiết nhỏ, một góc khuất trong đời sống của người anh hùng vĩ đại: Đại tướng thường chơi đàn Piano vào những giây phút yên bình...
Giây phút yên bình của Đại tướng bên phu nhân - nguồn cảm hứng của Nhạc sỹ An Thuyên (Ảnh: Đại tá Trần Hồng)

Dù chưa được trực tiếp nghe tiếng đàn của Đại tướng nhưng An Thuyên đã từng nhìn thấy bức ảnh Đại tướng đang chơi đàn cho phu nhân nghe do nhiếp ảnh- Đại tá Trần Hồng chụp. Vị nhạc sỹ cũng từng nghe nhiều về việc vị Tổng tư lệnh Quân đội say mê học đàn như thế nào. Tướng Giáp đã mời người dạy đàn Piano về nhà riêng để học mỗi tuần một cách thật cẩn thận và bài bản. Được biết, người đầu tiên dạy đàn cho Đại tướng là Giáo sư- nhạc sĩ Tô Vũ, sau này là cô giáo Hồng Hạnh, con gái ông Nguyễn Gia Sinh của ngành Bưu điện- ông là người đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật của ngành Phát thanh.

“Tôi được nghe kể Đại tướng từng đánh đàn cho Bác Hồ nghe một bản nhạc của Beethoven cho đến các bản nhạc do nhạc sỹ Việt Nam biên soạn như Trống cơm. Khi nghe Võ Nguyên Giáp đàn, Bác có nói vui: Chú đánh hay nhưng có đánh được bài Kết đoàn không? Sau câu nói của Bác, Tướng Giáp về học, tập chơi bài Kết đoàn nhưng chưa kịp đánh đàn bài này cho Bác nghe thì Bác đã mất...”, nhạc sỹ An Thuyên bùi ngùi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chăm chú luyện đàn dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hồng Hạnh khoảng năm 1964 (ảnh tư liệu)

Theo nhạc sĩ An Thuyên, phong cách của con người vĩ đại ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thể hiện trong cách chỉ huy: cẩn thận, chắc chắn, luôn suy tính làm sao giảm sự thương vong thấp nhất cho các chiến sĩ. Điều này được thể hiện rõ nét với phương châm “đánh chắc thắng chắc” trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ... Mà ngay cả trong sở thích nghệ thuật, cách chơi đàn của ông cũng thể hiện sự chỉn chu, từ việc nhỏ đến việc lớn đã làm là hoàn thành. Ông đã học đàn là học đến nơi đến chốn, học say mê và bản nhạc nào được phối hoàn chỉnh ông mới đánh...

Sáng tác Tiếng đàn, nói theo ý của vị nhạc sĩ lão làng này thì ông không có ý mô tả tiếng đàn của Đại tướng mà chỉ lấy nguồn cảm hứng từ đó. “Đại tướng là hình ảnh không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng nghiêng mình ngưỡng mộ. Từng được gặp gỡ, hỏi thăm Đại tướng cũng như được nghe kể nhiều về ông và tôi viết bài hát này không có hi vọng gì to tát ngoài tâm nguyện mong được là một nén tâm nhang dâng lên Đại tướng kính yêu của dân tộc. Tôi chỉ mong bài hát của mình gặp được sự đồng cảm của công chúng trong thời khắc mất mát này”, nhạc sỹ An Thuyên trải lòng.


Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của hòa bình

    05/10/2013Huy ThiêmTiếng chuông điện thoại trong phòng làm việc của tôi bỗng vang lên. Nhấc ống nói, tôi nhận ra ngay Đại tá Trịnh Nguyên Huân, Thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về công tác đối ngoại...
  • Thời sinh viên sôi nổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    05/10/2013Đoan TrangNăm 2011 này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Đã có quá nhiều sách báo cả trong và ngoài nước viết về ông – nhà quân sự tài ba, người xây dựng và dẫn dắt quan đội Việt Nam, vị tướng huyền thoại của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng danh tòan cầu… Nhưng không hẳn ai cũng biết tường tận về tuổi trẻ, về thời học sinh – sinh viên của tướng Giáp. Và đó cũng là những “bí ẩn” hấp dẫn mà rất nhiều người muốn tìm hiểu...
  • “Chuyện tướng Độ” và tuyển tập Trần Độ

    24/02/2012Nguyễn Trọng TạoTướng Trần Độ (1923-2002) là một “công thần” của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chức vụ cuối cùng của ông là Ủy viên TW Đảng CSVN kiêm Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN. Ông bị khai trừ khỏi Đảng vì bất đồng chính kiến. Trong lễ tang của ông bất ngờ có tràng pháo tay bất bình trước bài điếu văn có lời lẽ phê bình ông.
  • Về "Thời đại Hồ Chí Minh"

    21/07/2011Nguyễn Trần BạtXưa nay tôi vẫn tán thành cái mà nhiều người nói rằng Đảng là người lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, tôi chỉ hỏi nhỏ thêm một câu thôi: "Thế còn thất bại thì ai chịu, còn những thứ ngoài cách mạng thì sao?".
  • Sức mạnh của chúng ta

    13/07/2011Dương Trung QuốcMột bạn rất trẻ đặt cho câu hỏi: Vì sao ngày xưa chẳng có ai giúp đỡ, viện trợ mà chỉ bằng nội lực, ông cha mình vẫn đánh thắng được giặc Nguyên-Mông (thế kỷ XIII), giải phóng đất nước khỏi tay giặc Minh (thế kỷ XV) hay Quang Trung vẫn thần tốc đánh một chập cả hai đạo quân xâm lược ở phương Nam và phương Bắc (thế kỷ XVIII)?