Bài học nửa vời

01:35 CH @ Thứ Bảy - 02 Tháng Tư, 2016

Trước ngày nhập học, cháu gái tôi hầu như không rời mấy cuốn SGK còn thơm mùi giấy mới. Đang đọc say sưa bỗng nó chạy đến bên tôi, chỉ vào bài tập đọc Hai Bà Trưng (Tiếng Việt 3, tập 2, trang 4, 5) nói ông ơi, cháu đọc hoài mà vẫn không hiểu Hai Bà Trưng đánh giặc nào.

Biết ngay “mặt mày” kẻ xâm lược nhưng nghĩ con bé đọc lớt phớt nên không nắm được nội dung, tôi chưa vội chia sẻ mà tranh thủ dạy cho cháu cách đọc sách. Rằng phải đọc từ từ cho thấm, kết hợp đọc với suy nghĩ, đừng đọc theo kiểu lấy được, lướt con mắt cho xong… Giờ cháu đọc lại đi. Làm gì có chuyện viết về khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà không nêu đích danh giặc ngoại xâm.

Con bé nhăn mặt nói cháu đọc kỹ lắm rồi, vẫn không biết hai Bà đánh bọn xâm lược nào. Tôi nhổm dậy, cầm quyển sách, giương mục kỉnh lên. Và chợt ngớ ra: Lời con trẻ đúng quá. Bài học tuyệt không một chữ nào vạch mặt chỉ tên kẻ cướp mà toàn những danh từ nhợt nhạt, mập mờ, chung chung: tướng giặc, quân thù, giặc ngoại xâm, kẻ thù, quân xâm lược.

- Các địa danh trong bài được nêu ra cụ thể là: Mê Linh, thành Luy Lâu.

- “Phe ta” có các nhân vật:Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sách, đoàn quân khởi nghĩa.

- “Phe địch” được liệt kê theo thứ tự trong bài: giặc ngoại xâm, quân xâm lược, tướng giặc Tô Định, kẻ thù, giặc, quân thù và cuối cùng lại là ngoại xâm.

- Tội ác của “địch” được vạch trần, tố cáo: “Chúng thẳng tay chém giết dân lành, cướp hết ruộng nương màu mỡ. Chúng bắt dân ta lên rừng săn thú lạ, xuống biển mò ngọc trai, khiến bao người thiệt mạng vì hổ báo, cá sấu, thuồng luồng”, từ đó “Lòng dân oán hận ngút trời, chỉ chờ dịp vùng lên đánh đuổi quân xâm lược”...


Viết về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc (năm 40 - 43) gắn với tên tuổi Hai Bà Trưng lừng lẫy nhưng SGK không hề dám nửa lời chỉ đích danh bọn xâm lược. Thậm chí cụm từ có tính hàm ngôn “phương Bắc” sách cũng không dám đặt sau cụm từ “kẻ thù”.

Vì sao SGK không cho các cháu biết quân giặc nào đã bắt tổ tiên của chúng lên non tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, để phải làm mồi cho hùm beo, thuồng luồng, cá sấu?

Vì sao SGK không cho các cháu biết giặc ngoại xâm nào đã khiến “lòng dân oán hận ngút trời”?

Và vì sao SGK không nói rõ cho các cháu biết Hai Bà Trưng đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược nào, chúng từ đâu đến?

Cốt lõi của lịch sử là sự thật. Mỗi dòng lịch sử nước ta đều được viết bằng mồ hôi và máu của nhiều thế hệ. Nên có thể nói mỗi trang sử là một mảnh hồn thiêng sông núi. Không thể chấp nhận bài học lịch sử… nửa vời với cách trình bày ngắc ngứ, lấp lửng, loanh quanh, thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là né tránh, bưng bít như thế.

Ở Lạng Sơn từng xảy ra chuyện tấm bia kỷ niệm chiến thắng của bộ đội ta bị đục bỏ những chữ điểm tên chỉ mặt quân thù. Người ta đã đổ thừa cho mưa nắng, cho sức tàn phá của thời gian. Còn với SGK Tiếng Việt 3, người làm sách đổ thừa như thế nào? Người lớn sao lại làm khuất lấp tên tuổi kẻ thù của Hai Bà Trưng để trẻ con phải băn khoăn? Thật khó giáo dục HS niềm tự hào, lòng yêu nước khi SGK đã thiếu công bằng, thiếu trung thực đối với lịch sử.

Trong lúc hy vọng bài học này sẽ được các nhà làm sách trả lại sự phân minh trắng đen sòng phẳng, tôi phải nói ngay trước đôi mắt mở to của cháu tôi rằng bọn giặc xâm lăng nước ta bị Hai Bà Trưng đánh không còn manh giáp chính là giặc Hán (Trung Quốc).


Lời thề dấy binh khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách đô hộ nhà Đông Hán (40 - 43)

Nguồn:Thanh Niên
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • Đồng phục tư duy

    25/11/2013Lê Thanh PhongHọc văn mà làm theo công thức, không khơi dậy cảm xúc, rung động cá nhân, không phát huy sáng tạo trong nhận thức thẩm mỹ và biểu đạt ngôn từ thì đó không còn là văn nữa. Hệ thống sách văn mẫu là những khuôn thước đúc ra một thế hệ học sinh "đồng phục tư duy", không dám suy nghĩ trái chiều, biết chấp nhận, nhưng không biết phản biện...
  • Thách thức đối với việc dạy và học sử

    22/08/2006Dương Trung QuốcMùa thi phổ thông năm nay lại rộ lên những thông tin về sự yếu kém trong kiến thức lịch sử của thí sinh khiến xã hội lại bàn đến mối lo "mất gốc" của giới trẻ. Và cũng như năm ngoái, mọi người lại đi tìm xem nguyên nhân ở đâu thì mới có thể sửa được?