Bắn pháo hoa

07:43 CH @ Thứ Ba - 14 Tháng Hai, 2012

Ủy ban Nhân dân thành phố vừa có quyết định không bắn pháo hoa nhân ngày Tết cổ truyền để dành tiền lo Tết cho người nghèo. Chuyện này đang gây xôn xao trong dư luận, xem ra cũng có cái lý chi đây. Có người thì cho rằng cầm đèn chạy trước ô tô thì không nên. E là vì người ta nhớ lại một vài quyết định mạnh mẽ trước đây không liên quan gì đến chuyện Tết nhất. Nhưng nói vậy cũng không phải lẽ. Dám nghĩ dám làm là một phẩm chất đáng quý. Tính năng động của một thành phố được đẩy tới bởi sức dân, song những quyết sách của lãnh đạo cũng là nhân tố quan trọng. Ở đây, chỉ xin trao đổi đôi điều suy tư về nghĩa vụ và công việc từ thiện, giữa ngắm pháo hoa và bữa cơm người nghèo ngày Tết.

Becton Brecht, tác gia lớn của nền văn học Đức có một phát biểu thâm trầm “phải làm sao xây dựng một xã hội trong đó lòng tốt là thừa”. Và rồi ông đòi điều kiện cho lòng tốt : Trong “Vở ca kịch ba xu” nhân vật Mắcki của ông hát rằng : “Thưa các ngài, các ngài dạy phải sống lưong thiện và tránh xa tội lỗi. Nhưng xin các ngài hãy cho chúng tôi ăn đã. Sau đó xin cứ dạy, và chúng tôi sẽ nghe”. Đâu phải ông phủ nhận lòng tốt, càng không phủ nhận đạo đức, mà là đòi hỏi nhà cầm quyền phải có nghĩa vụ đối với con người. Khát vọng xây dựng một xã hội trong đó lòng tốt là thừa chỉ rõ đạo đức là lĩnh vực của tự do còn pháp lý là lĩnh vực của sự tất yếu. Không thể lẫn lộn nghiã vụ pháp lýtình cảm đạo đức, mặc dù giữa chúng không có bức tường nào ngăn cách. Khi Bác Hồ nói : “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” thì ở đây tình cảm đạo đức công dân quyện làm một với nghĩa vụ pháp lý của người lãnh đạo. Câu ấy nằm trong nội dung Bác trả lời các nhà báo nước ngoài cách đây 61 năm, ngày 21.1.1946. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, với biết bao biến cố, dân tộc ta đã viết nên những trang lịch sử hào hùng, song rồi khi đất nước đang là “ngôi sao mới nổi trên bầu trời thương mại thế giới” thì chúng ta vẫn đang nằm trong vị thế của nước nghèo, chậm phát triển. Phấn đấu quyết liệt đưa đất nước bứt lên là trách nhiệm của tất cả mọi người, trước hết là nghĩa vụ nặng nề của những người được dân trao quyền lãnh đạo đất nước. Đất nước còn nghèo, cổ vũ sự hăng hái và tự nguyện đóng góp của toàn dân vào công cuộc “xóa đói giảm nghèo” là đòi hỏi cần thiết. Hơn nữa, đề cao lòng bác ái và hành vi từ thiện là một nét nhân văn cần xây đắp từ trong nền tảng văn hóa của dân tộc và thường xuyên phải nuôi dưỡng, phát huy. Mà cũng chẳng riêng gì ta. Người viết kiệt tác “Những người khốn khổ” đã ghi trên lời đầu sách : “…khi trên mặt đất, dốt nát và đói khổ còn tồn tại, thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích”. Loài người sẽ còn cần mãi trái tim và khối óc Victor Hugo. Vì hành trình xóa dốt nát và đói khổ của con người trên trái đất này, thực hiện khát vọng cao cả “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” như C.Mác lấy đó làm lý tưởng của người cộng sản chân chính, vẫn còn là “con đường phía trước bỗng xa nghìn trùng” như cảm thức của Thiền sư Pháp Loa thời Trần . Vả chăng, cho dù khi đất nước đã giàu có, đời sống của nhân dân khấm khá lên trong một thế giới hòa hiếu hơn, thân thiện hơn, dư dật hơn và ít bất công hơn, thì lòng bác ái vẫn cần cho con người, cho loài người. Bởi lẽ, không có và không thể có sự đồng đều tuyệt đối trong phần được thụ hưởng những đặc ân của tạo hóa ban cho loài người. Những người khuyết tật bẩm sinh chẳng hạn, hoặc những nạn nhân của sự bất cẩn của chính mình hoặc của đồng loại, của môi trường… mà không sao có thể dự phòng được hết, luôn chiếm một tỷ lệ trong đời sống mọi quốc gia.

Tự dobình đẳng là đúng đắn và cao cả, vì đó là khát vọng của con người, của loài người, nhưng chưa đủ để đảm bảo xây dựng một xã hội hài hòa với đầy đủ tính người nếu không cổ vũ lòng bác ái,một biểu hiện cao đẹp của đời sống tinh thần. Trên ý nghĩa đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân là nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Để dân nghèo đói là trách nhiệm chưa hoàn thành của Nhà nước ấy. Để đời sống tinh thần của người dân nghèo nàn và kém cỏi càng là trách nhiệm của Nhà nước. Vì thế, Bác Hồ khẳng định : “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Trách nhiệm của người lãnh đạo, nghĩa vụ pháp lý, tư tưởng chủ đạo của lời khẳng định nói trên , được hóa thân vào tình cảm đạo đức thấm đẫm trong ngôn từ mộc mạc, đi thẳng vào lòng dân. Và dân tin. Tin vì lời nói đi từ trái tim. Dân phân biệt rất rõ những lời nói xuất phát từ trái tim và những lời mị dân đi từ đầu lưỡi. Xét đến cùng, nghĩa vụ của những “công bộc của dân”, tức là nhà cầm quyền, không có gì khác là hoàn thành tốt các nội dung nói trên. “Xóa đói giảm nghèo” cũng nằm trong nghĩa vụ ấy. Sự nghiệp “xóa đói giảm nghèo” chủ yếu được thể hiện trong đường lối kinh tế, trong chủ trương, chính sách và trong các giải phápkinh tế, xã hội và sự chỉ đạo thực hiện các giải pháp ấy của bộ máy quản lý Nhà nước các cấp. Việc kêu gọi những người hảo tâm ghé vai cùng nhà nước xóa đói giảm nghèo bằng hành động từ thiện là cần, vì vừa có ý nghĩa đóng góp vật chất, vừa có ý nghĩa động viên tinh thần. Còn Nhà nước thì không làm từ thiện, Nhà nước thực hiện nghĩa vụ với dân. Trong đó, có nghĩa vụ chăm sóc và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần vốn đang còn quá nghèo nàn, thể hiện sự yếu kém và bất cập trong việc hoàn thành nghĩa vụ của Nhà nước đối với dân trên một số lĩnh vực của một số bộ phận lãnh đạo và quản lý. Song hành với nghĩa vụ của nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, việc huy động sự đóng góp của dân, phát huy vai trò của xã hội dân sự đang được hình thành là một nhu cầu của đất nước. Gắn kết giữa vai trò quản lý của nhà nước pháp quyền với hoạt động của xã hội dân sự là đòi hỏi của phát triển trong bối cảnh của tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu.

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước, đóng góp từ thiện với hoạt động của xã hội dân sự được khuyến khích và cổ vũ, sẽ vừa có ý nghĩa đóng góp thực tế, vừa có ý nghĩa giáo dục và động viên lòng nhân ái và tình cảm đạo đức “thương người như thể thương thân”, nâng cao giá trị tinh thần trong xã hội. Trong mâm cơm bớt phần đạm bạc của người nghèo vài đêm trừ tịch, nếu có thêm chút hương vị đậm đà của tấm lòng từ thiện cùng với tiếng reo vui của con trẻ nghe tiếng nổ và ngóng ánh sao lấp lánh của pháo hoa ngày Tết cổ truyền mà Nhà nước cho bắn lên, thì cũng là nét Xuân đẹp đến với người nghèo. Vả chăng, cho dù mỗi hành động từ thiện có là một bậc đá dẫn lên thiên đàng đi chăng nữa, thì hành vi từ thiện được thực hiện đúng lúc còn quan trong hơn bọc tiền đem cho. Ấy là chưa tính đến chuyện đôi khi người ta còn sử dụng sự từ thiện như một món trang sức. Nhân chuyện “pháo hoangày Tếtvà “loTết cho người nghèo” đang có những cân nhắc, mà xin được thêm góp vài ưu tư vẫn còn rất “đạm bạc” trên đây.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự bình đẳng của con người

    16/12/2010Tuyên ngôn nước Mỹ nói rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng. Làm thế nào mà những tác giả được cho là thông thái của văn kiện này lại có thể viết ra điều quá vô nghĩa như thế? Hãy nhìn quanh bạn xem! Aga Khan(1) và một tá điền da đen miền Nam có được sinh ra bình đẳng không?
  • Một kiểu xóa đói giảm nghèo mới

    15/12/2010Thanh ThảoTheo GS-TS Nguyễn Trường Tiến "bây giờ người đảng viên phải biết xóa đói về thông tin, trí tuệ, xóa nghèo về nhân cách và đạo đức làm người". Thật là một kiểu xóa đói giảm nghèo mới, xóa đói giảm nghèo cho cả những người tưởng rằng mình đã giàu, đã no đủ về vật chất...
  • Vai trò của bất bình đẳng kinh tế, ghen tị và thiếu thốn tương đối trong phát triển bền vững tại Việt Nam*

    02/12/2009Trần Nam BìnhBài viết này tập trung vào góc cạnh phân phối thu nhập của phát triển bền vững. Cụ thể hơn, bài viết xem xét vai trò của chênh lệch/bất bình đẳng kinh tế, lòng ghen tỵ và thiếu thốn tương đối phát triển bền vững tại Việt Nam.
  • Bất bình đẳng chuyện "cơm phở"

    12/04/2009Ngọc LanGiữa đàn ông và phụ nữ, ai thường viện cớ chán "cơm" thèm "phở" nhiều hơn? Khi cả hai cùng đi ăn "phở", đàn ông có nhìn người phụ nữ của mình dưới con mắt bình đẳng không? Thưa rằng: Hầu hết đàn ông vẫn ôm khư khư quan niệm cho mình cái quyền "đi ngang về tắt" một chút còn vợ thì đừng có mơ.
  • Triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người

    26/02/2008GS. Phan Đình DiệuVới nguồn kinh phí hiện nay, nếu biết chắt chiu chi tiêu theo kiểu "con nhà nghèo" thì VN hoàn toàn có thể miễn học phí đối với các cấp học phổ cập và giảm dần tiến đến bỏ học phí ở các cấp THPT và ĐH để xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, vì con người. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh chương trình để hướng tới đào tạo những HS có năng lực đọc hiểu, khả năng tư duy toán học, khả năng hiểu biết và vận dụng kiến thức khoa học, và năng lực xử lý tình huống chứ không chỉ biết học thuộc lòng...
  • Minh bạch, bình đẳng, năng lực Những yêu cầu không thể thiếu trong cải cách tư pháp

    13/11/2006Hoàng Ngọc GiaoCải cách tư pháp đang đặt ra những yêu cầu cải cách, đổi mới trong các hoạt động tư pháp. Bài viết này tiếp cận cải cách tư pháp với những tiêu chí: Minh bạch, Bình đẳng, Năng lực...
  • xem toàn bộ