Bàn về an ninh

02:10 CH @ Thứ Sáu - 28 Tháng Tám, 2009
GS Cao Huy Thuần luôn gần gũi và sâu sắc khi luận bàn về các vấn đề thế sự. Khi bàn về an ninh, ông viết như sau:

Mỗi quốc gia mỗi khác, nhưng điểm khác biệt căn bản nhất phải xét là sự vững chắc, gắn bó, đoàn kết về xã hội, chính trị. An ninh của quốc gia không nằm ở đâu khác. Tiêu chuẩn để phân biệt giữa quốc gia "mạnh" và "yếu" cũng nằm ở trên đó: một quốc gia "mạnh" là quốc gia có nhiều khả năng đối đầu với những đe dọa về an ninh hơn một quốc gia "yếu".

Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của ông với tựa đề An ninh tại Hội thảo hè 2009.

Sức mạnh quốc gia

Khuynh hướng áp đảo cho đến gần đây trong lý thuyết quan hệ quốc tế đồng hóa an ninh với quốc phòng, định nghĩa an ninh như khả năng có thể ngăn chặn được một xâm lược vũ trang đến từ bên ngoài. Cách nhìn này xuất phát từ lý thuyết được gọi là duy thực, theo đó thực tế nổi cộm trong quan hệ quốc tế là sức mạnh của các quốc gia.

Trên tiêu chuẩn sức mạnh đó, ta có thể xếp hạng các quốc gia trên thế giới - nhược tiểu, trung cường, bá chủ, siêu cường… - cũng như nghiên cứu chiến lược của các quốc gia để làm chiến tranh, để bảo vệ chủ quyền - thế liên minh, thế cân bằng lực lượng, thế trung lập, thế không liên kết, thế môi hở răng lạnh, thế đoàn kết anh em vv…

Với cách nhìn đó, quốc gia là chủ thể trên bàn cờ quốc tế và an ninh là nghề của hai chàng, chàng ngoại giao và chàng tướng tá, chàng này đánh, chàng kia đàm. Đánh và đàm, quan hệ quốc tế chủ yếu là như thế: là hòa bình và chiến tranh.

Lúc nhỏ, ta cũng học lịch sử như thế, toàn là anh hùng và trận mạc. Lớn lên với chiến tranh lạnh, lại chạm trán với bom nguyên tử và hai khối, trong đầu sừng sững bức tường Berlin, trước mắt ầm ầm B52 củng cố vĩ tuyến, đâu mà chẳng thấy phô trương sức mạnh quân sự như là yếu tố hàng đầu trong việc đo lường sức mạnh quốc gia? Có lý thuyết nào ăn đứt được lý thuyết duy thực!

Thế rồi chiến tranh lạnh chấm dứt, bom đạn rút lui, nhường đằng trước sân khấu cho thương mãi, hàng hóa, sản xuất, kinh tế. Đe dọa quân sự im lắng, rất nhanh một loạt hiểm nguy xuất hiện, bất kể biên giới quốc gia, bất cần phân biệt lớn nhỏ mạnh yếu, đe dọa bên trong các nước, trong dân chúng, trong xã hội: bệnh dịch, môi trường, khủng bố, ma túy…

Quan tâm về an ninh, do đó, chuyển từ bên ngoài các quốc gia vào bên trong các xã hội, nới rộng khái niệm an ninh ra đến các cá nhân, các xã hội, biến an ninh xã hội thành đối tượng tranh chấp, đối tượng nghiên cứu trong quan hệ quốc tế.

Tác giả đầu tiên nâng an ninh xã hội lên mức đối tượng nghiên cứu độc lập và biệt lập với an ninh quốc gia là Barry Buzan. Để làm như vậy, trước tiên ông phải định nghĩa "xã hội" là gì.

Ông viết: "Chìa khóa để hiểu xã hội là những ý nghĩ và tập quán đồng hóa các cá nhân như là thành phần của một nhóm xã hội. Xã hội là liên quan đến bản sắc, liên quan đến quan niệm về mình của các cộng đồng và của các cá nhân tự đồng hóa mình như là thành phần của một cộng đồng" (1).

Tiêu chuẩn phân định quốc gia mạnh - yếu

Trong định nghĩa đó, bản sắc là khái niệm cốt tủy. Vì sao? Vì di dân đã trở thành một thực tại quốc tế ngày nay, và, dưới mắt các xã hội nhập cư, di dân đe dọa bản sắc của dân tộc tiếp quản. "Xã hội, tận căn bản, là liên quan đến bản sắc", ông nhắc lui nhắc tới (2). Và "an ninh xã hội liên quan đến khả năng của một xã hội để trường tồn trong đặc tính căn bản của xã hội ấy khi hoàn cảnh thay đổi" (3).

Bản sắc và di dân: quả thật đó là quan tâm an ninh hàng đầu hiện nay ở Âu Mỹ sau khi đe dọa chiến tranh lắng xuống. Tại Mỹ, vấn đề đã được đặt ra từ lâu, nhất là đối với di dân từ Mexico, nhưng bây giờ lại thêm lo ngại nữa từ phía thế giới Hồi giáo tiếp theo sự cố 11-9.

Buzan mở đầu cho cả một trào lưu nghiên cứu mới hiện nay, đặt trọng tâm trên an ninh xã hội thay vì an ninh quân sự trong quan hệ quốc tế. Trường phái mà ông hướng dẫn - được gọi là "trường phái Copenhagen" - đưa ra nhiều ý mới. Chẳng hạn trong tương quan giữa di dân và chính sách an ninh của các nước, họ vạch ra hai yếu tố quan trọng: sự khác biệt giữa các quốc gia và việc an ninh hóa những vấn đề chính trị.

Về điểm thứ nhất, ai chẳng biết các quốc gia vốn khác nhau về mọi mặt, nhưng cách nhìn của Buzan không phải là nhìn từ bên ngoài các quốc gia như phái duy thực chủ trương, mà từ bên trong mỗi quốc gia để phân biệt văn hóa, ý thức hệ, chính thể… Mỗi quốc gia mỗi khác, nhưng điểm khác biệt căn bản nhất phải xét là sự vững chắc, gắn bó, đoàn kết về xã hội, chính trị. An ninh của quốc gia không nằm ở đâu khác.

Tiêu chuẩn để phân biệt giữa quốc gia "mạnh" và "yếu" cũng nằm ở trên đó: một quốc gia "mạnh" là quốc gia có nhiều khả năng đối đầu với những đe dọa về an ninh hơn một quốc gia "yếu".

Về điểm thứ hai, vì mỗi quốc gia mỗi khác như vậy, nên bản chất của vấn đề an ninh cũng thay đổi tận căn bản từ quốc gia này qua quốc gia kia, không phân biệt yếu mạnh. Nói khác, không thể có một định nghĩa chung cho tất cả các quốc gia về vấn đề an ninh, mỗi quốc gia tự định nghĩa lấy khi chạm mặt với những vấn đề cụ thể. Điều đó có nghĩa rằng không thể định nghĩa các luồng di dân như là một vấn đề an ninh có cùng và có sẵn những biện pháp đối phó bất cứ ở đâu. Ngay cả chuyện di dân, có thể nước này xem đó là một vấn đề an ninh mà nước kia thì không.

Bởi vậy, định nghĩa di dân có phải là quan tâm an ninh hay không còn tùy thuộc vào sự an ninh hóa vấn đề di dân. An ninh hóa có nghĩa là một vấn đề được trình bày như là một đe dọa liên quan đến chính sinh mạng, đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách, tương ứng, khác với những vấn đề chính trị bình thường. Vấn đề đó có thực hay không, không phải là chuyện đáng xét; chuyện đáng xét là vấn đề đó được trình bày như là một đe dọa liên quan đến sinh mạng.

Ba kịch bản của di dân

Điều này hàm chứa ba kịch bản khác nhau. Một, là các nhóm xã hội trong một nước xem một cộng đồng di dân nào đó như là đe dọa trong khi các nhóm khác thì không nghĩ như thế. Hai, là cộng đồng di dân nào đó không tạo nên một đe dọa gì thực sự cho nước di trú, nhưng những nhóm xã hội nào đó trong nước ấy thuyết phục được mọi người xem đó như là đe dọa. Ba, là cộng đồng di dân nào đó thực sự là một đe dọa, nhưng nhà cầm quyền, vì lý do gì gì đó, cứ nguây nguẩy nói không, nghĩa là từ khước, không chịu an ninh hóa.

Từ bên ngoài đi vào, di dân có thể gây bất ổn an ninh cho xã hội bên trong một nước nếu nước ấy thiếu bền vững xã hội; bất ổn ấy, nếu giải quyết không xong, không những loạn xảy ra ở bên trong mà còn có cơ tuôn ra bên ngoài để trở thành tranh chấp quốc tế.

Do đó, muốn nghiên cứu vấn đề di dân, không thể không nhìn tầm cỡ của nước gửi dân đi, vị thế của nước đó trên thế giới, chính sách của nước đó, quan hệ của nước đó với nước tiếp quản. Di dân là vấn đề an ninh số một trong nghiên cứu quan hệ quốc tế ngày nay. Buzan và trường phái Copenhagen trở thành sách giáo khoa trong giới đại học.

Tóm tắt lý thuyết như thế này, tôi biết là quá sơ sài, nhưng tôi đâu có muốn bàn ở đây chuyện di dân ở Âu Mỹ xa xôi? Tôi hạn chế vấn đề vào các nước sát nách chúng ta thôi, nhưng tôi phải trình bày chút lý thuyết như vậy bởi vì, như vừa nói, nước di dân ở trên đầu chúng ta có vai vế quốc tế quá chóng mặt, không thể nhìn nước ấy di dân mà không xét chính sách của nước ấy trên tầm quốc tế.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cảm giác bất an

    11/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupBất an là một cảm giác, một trạng thái tâm lý bình thường của con người. Sẽ chẳng có gì là đáng bàn nếu nó xuất hiện ở một hoặc một vài cá nhân. Vấn đề cần nghiên cứu là cộng đồng, hay nói rộng hơn, xã hội sẽ đi về đâu khi bất an trở thành một trạng thái tâm lý phổ biến...
  • Đôi điều về quy luật phát triển của xã hội

    13/01/2014Nguyễn Văn ChiểnAi cũng biết trên thế giới ngày nay giàu mạnh nhất là 7 nước tư bản phát triển nhất mà người ta quen gọi là G.7. Vậy các nước ấy đã qua con đường phát triển như thế nào mà họ đạt được trình độ cao như vậy? Liệu các nước khác có hy vọng đuổi kịp trình độ phát triển của họ không?
  • Tướng Giáp, Tướng McNamara và "bảo hiểm quốc gia"

    29/07/2009Hiệu MinhBáo chí đang bàn về thế hệ lãnh đạo tương lai cho đất nước. Con người họ, với tài năng và nhân cách là sự đảm bảo cho hình ảnh và cả an ninh quốc gia. Nếu được dịp bỏ phiếu trực tiếp cho họ nghĩa là người dân đã thực sự mua bảo hiểm cho đất nước.
  • An ninh chống tham nhũng

    28/06/2009Huy ĐứcDân chúng không thể đòi hỏi một “Nhà nước pháp quyền” bỏ tù ai đó mà không đảm bảo về bằng chứng. Tuy nhiên, khi có những vụ việc mà cảnh sát nước ngoài có thể tìm được những bằng chứng hiển nhiên mà cảnh sát Việt Nam bó tay thì dân chúng không thể không bày tỏ mong muốn Nhà nước nỗ lực nhiều hơn nữa..
  • An ninh tài chính quốc gia: Bảy dấu hiệu cảnh báo!

    29/09/2008Phạm Minh Chính - Vương Quân HoàngVới quá trình chuyển đổi kinh tế và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, liên tục giám sát, kịp thời dự đoán sát thực các dấu hiệu và biến động của thị trường để từ đó xây dựng chính sách điều tiết thị trường tài chính và toàn bộ nền kinh tế một cách hợp lý là việc làm cần thiết bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, đúng định hướng. Đối với nền tài chính của Việt Nam, hiện đang tồn tại bảy dấu hiệu cảnh báo cần được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quan tâm.
  • An ninh tài chính: Một khía cạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng XHCN

    14/04/2008Nhà báo Trường Phước (Bình luận kinh tế năm 2003)Hệ thống tài chính - tiền tệ phải được xây dựng, vận hành theo những nguyên tắc của kinh tế thị trường, công khai, minh bạch...
  • Chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay

    14/07/2007Nguyễn Tuấn DũngViệc bảo đảm chủ quyền của mỗi quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chịu sự tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, quân sự… Trong phạm vi bài viết này, nêu lên một vài suy nghĩ về chủ quyền quốc gia Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay...
  • Tác động của toàn cầu hóa đến an ninh các quốc gia và khu vực

    22/03/2007Mạnh Ngọc HùngToàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế có những tác động hết sức sâu sắc đến hầu hết mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của từng nước và toàn bộ các mối quan hệ quốc tế. Tùy thuộc vào nhận thức và lợi ích mà họ được hướng hoặc mất đi trong quá trình này, những người được lợi thì ủng hộ, những người thua thiệt thì phản đối...
  • Chạy đua vũ trang hay suy thoái kinh tế

    02/10/2006Lê Đỗ HuySự sụp đổ có vẻ bất ngờ của Liên đã từng được lý giải bằng nhiều lập luận. Người ta thường đề cập đến các lý do chính trị: sự suy yếu của các Bộ sức mạnh (khối an ninh - quốc phòng), do nội phản hay vì sự tấn công của các thế lực thù địch bên ngoài… tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu ở cả phương Tây và Đông Âu lại cho rằng đây chỉ đơn thuần là cái chết về kinh tế.
  • xem toàn bộ