Bang giao Việt - Mỹ: Của tin gọi một chút này…

08:54 CH @ Thứ Hai - 05 Tháng Sáu, 2017

Phát biểu trưa 24/5 liệu sẽ được liệt vào diễn văn hay nhất về quan hệ Mỹ - Việt? Tổng thống Obama đi từ thơ thần Lý Thường Kiệt và Nguyễn Du đến nhạc của Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Ông nói: “Chúng ta là hai nước độc lập, dù lớn hay nhỏ đều có chủ quyền của mình, phải được tôn trọng tuyệt đối. Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ”. Lẩy Kiều khi kết thúc “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” để bày tỏ niềm lạc quan về tương lai. Ông Obama “cảm ơn Việt Nam”, vẫy chào rồi lùi vào cánh gà một cách ấn tượng.



Tổng thống Mỹ Obama chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 23.5.Ảnh Internet

.

Vậy là cuối cùng chúng ta đã biết được các phương lược chủ yếu của mối quan hệ Việt - Mỹ sau khi lịch trình của Tổng thống Barack Obama tại Hà Nội và Sài Gòn kết thúc. Bao khoảnh khắc lịch sử trong ba ngày đáng nhớ ấy, từ 23 - 25/5/2016! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh chiều 23/5 khi ông tiếp Tổng thống Obama đến chào xã giao: “Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ”.Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón và hội đàm tại Dinh Chủ tịch, Tổng thống Obama hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Một chương mới đã bắt đầu mở ra trong quan hệ song phương. Việt Nam và Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung, cam kết đưa quan hệ “đối tác toàn diện” theo hướng hợp tác sâu sắc hơn. Hai bên nhất trí ưu tiên cao việc giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí quân sự, từ giờ phút này, được coi là biểu tượng không thể tranh cãi của tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ. Cục diện địa chính trị Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ thay đổi khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng lên tầm cao hơn. Một không - thời gian địa chính trị được khai mở khi cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ cùng tuyên bố tại cuộc họp báo chung, hai bên nhất trí tăng cường quan hệ “đối tác toàn diện” theo hướng sâu sắc, hiệu quả hơn. Lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm quan hệ hai nước[1].

Chất lượng bang giao

TÌNH CẢM BẠN BÈ là thông điệp đầu tiên Tổng thống Obama vừa muốn chuyển đến Việt Nam, vừa muốn mang về nước Mỹ. Tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo ta, Tổng thống Obama phát biểu, chuyến thăm của ông cho thấy một điều rõ ràng là nhân dân hai nước rất mong muốn quan hệ song phương gần gũi hơn, sâu sắc hơn. “Khi đi trên phố, tôi thấy rất nhiều người đứng dọc hai bên đường để chào đón chúng tôi hôm nay. Tôi mang theo lời chào và tình cảm bạn bè của người dân Mỹ, trong đó có những thành viên nổi bật trong Quốc hội đi cùng tôi trong chuyến thăm này, cũng như của nhiều người Mỹ gốc Việt mà chính gia đình họ đã mang chúng ta lại gần nhau và nhắc nhở chúng ta về những giá trị mà chúng ta cùng chia sẻ”, ông Obama nói một cách bình dị. Tổng thống Mỹ cũng phân trần, hai quốc gia đã trải qua xung đột, ngăn cách đau đớn và một thời gian dài hòa giải trước khi tiến đến hợp tác. “Giờ đây, hơn hai thập kỷ bình thường hóa quan hệ giữa hai chính phủ cho phép chúng ta bước sang một giai đoạn mới”.Trong cuộc hội đàm sáng 23/5, hai nguyên thủ Việt - Mỹ đã trao đổi kỹ về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, bày tỏ hài lòng trước những tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện của quan hệ song phương. Tổng thống Obama nhất trí sẽ sớm thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cam kết trợ giúp Việt Nam nâng cao năng lực để triển khai thỏa thuận này. Hai bên nhất trí coi hợp tác phát triển, bao gồm kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và ứng phó với biến đổi khí hậu là những trọng tâm trong quan hệ.

ĐỒNG MINH có thể là cụm từ mới, sẽ xuất hiện một lúc nào đó sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama? Nhưng trước đấy và ngay cả trong chuyến thăm này, một tuyên bố khác cũng đã được nhấn mạnh. Đó là hai bên cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Điều này cũng đã được thể hiện trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm ngoái. Đây chính là nền tảng để chúng ta hy vọng quan hệ Việt - Mỹ có thể đi xa hơn nữa trong tương lai. Hẳn nhiên, nội hàm của khái niệm đồng minh trước mắt chỉ giới hạn ở cấp độ “đồng minh kinh tế” và cũng chỉ trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP). Cũng như giai đoạn đầu của thời kỳ hội nhập, ta chỉ mới cân nhắc đến “hội nhập kinh tế”, thay vì khẳng định “hội nhập toàn diện” như hiện nay. Từ “đối tác toàn diện” đến “đồng minh toàn diện”, con đường phía trước dài hay ngắn, cho đến nay chưa ai đưa ra dự báo, nhưng không hẳn là bất khả thi. Bởi vì, sau khi cả hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định tiếp tục thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện”, chất lượng quan hệ giữa Washington - Hà Nội đã chuyển qua một “pha” khác trước đây. THỎA THUẬN LỚN là cụm từ bao quát khác do ông Phạm Quang Vinh, đại sứ Việt Nam tại Washington đưa ra với truyền thông quốc tế khi ông bình luận về chuyến thăm[2]. Thông qua Ký kết hợp tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam năm 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung có được trong chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015, hai nước đánh giá, mối quan hệ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có sự phát triển nhanh chóng, bền vững, toàn diện trong những năm qua. Các cuộc hội đàm, hội kiến và Tuyên bố chung tại Hà Nội kỳ này đã đề cập đầy đủ các lĩnh vực cụ thể[3]. Lợi ích chung của hai nước ngày càng được mở rộng thông qua việc tăng cường trao đổi các đoàn đại biểu các cấp và giữ vững cơ chế đối thoại; phát triển kinh tế nhờ vào tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư; nâng cao hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, an ninh và quốc phòng, quan hệ nhân dân hai nước, nhân quyền, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh.

DÂN TỘC - DÂN CHỦ - NHÂN QUYỀN là một “bộ tam” ấn tượng qua chuyến thăm. Không ngẫu nhiên chút nào khi nhà nước và quốc hội Việt Nam, cùng phía Mỹ đã chọn dịp này để hoan nghênh vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Tổng thống từ một chính quyền “của dân, do dân và vì dân” tiếp xúc với Ban lãnh đạo mới của một thể chế sau 71 năm, giờ đây đang nỗ lực phấn đấu xây dựng một chính phủ “kiến tạo” và “phục vụ” để trở nên gần dân hơn. Cùng với chính sách đối nội ấy là một chủ trương về đối ngoại lấy tinh thần độc lập tự chủ làm nền tảng, lấy mở cửa và hội nhập toàn diện làm định hướng chiến lược. Bởi vì, đường lối ngoại giao có tính dân tộc và dân chủ là chủ trương của đảng và chính phủ ta ngay từ những ngày nền cộng hòa dân chủ còn trong trứng nước. Dân tộc - Dân chủ cũng là mục tiêu hàng đầu của cuộc cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác quyết rõ trong Tuyên ngôn Độc lập. Giờ đây, chính phủ Hoa Kỳ đã vượt qua những điều còn khác biệt về nhân quyền để điều chỉnh chính sách đối ngoại bằng cách bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, bất chấp một số chỉ trích trong quốc hội Mỹ. Nói cho cùng, Dân chủ - Nhân quyền chính là vũ khí “mềm”, vũ khí “thông minh” của Việt Nam mà ta chưa sử dụng hết công năng. Các “đối tượng” của Việt Nam chưa hẳn đã sợ “sức mạnh cứng” của đất nước này. Điều họ quan ngại nhất là Việt Nam sẽ “dân chủ hóa” thành công và có được một hệ thống “đối tác chiến lược” đạt chuẩn.

Thế quân bình khu vực

VỊNH CAM RANH là một quyết định quan trọng từ phía Việt Nam được các quan sát viên quốc tế nóng lòng chờ đợi lâu nay. Ngày 8/3/2016, cảng quốc tế Cam Ranh được khai trương. Từ đấy, cảng Cam Ranh có nhiệm vụ đón tiếp các tàu quân sự, tàu khách quốc tế, cung cấp dịch vụ hàng hải ghé vào căn cứ này để tiến hành các hoạt động bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho hoạt động của họ. Trong bối cảnh bang giao Việt - Mỹ ngày càng mạnh lên, quan hệ đang gia tăng hàng tuần (như lời đại sứ Ted Osius), hải quân Hoa Kỳ muốn cho các chiến hạm được sử dụng dễ dàng và thường xuyên hơn cảng Cam Ranh. Việc cho phép Mỹ được tiếp cận thường xuyên với Cam Ranh sẽ là một sự khẳng định mạnh mẽ biểu tượng của mối quan hệ đối tác đang nảy nở giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam. Mặt khác, khi xảy ra điều này, ấy sẽ là dấu hiệu cho thấy một “pha” mới trong thế quân bình tại khu vực xuất hiện. Không chỉ Mỹ, mà cả hải quân Nhật, Ấn Độ hay Úc châu sẽ tiếp cận quân cảng. Sau chuyến thăm này, về quân sự, quân cảng này sau khi được nâng cấp, sẽ đóng vai trò to lớn trong việc triển khai lực lượng hải quân ra khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Quan trọng hơn, bằng việc cho các nước tiếp cận cảng này, chúng ta có cơ hội để tăng cường mối quan hệ quân sự với các nước đó, củng cố vị thế “đối tác chiến lược” và “thế quân bình” của Việt Nam trong nỗ lực nâng cao vai trò ở khu vực.

AN NINH TẬP THỂ CHÂU Á sẽ được công khai sau dịp này? Rời Việt Nam, ngày 25/5 Tổng thống Obama bay sang Hiroshima để dự Cấp cao G7. Liền kề với tin này là chuyến thăm Tokyo vào ngày 1/6 tới đây của Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter. Lần này, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục cân nhắc “hợp tác chi viện” cho các nước như Việt Nam và Philippines để đối phó với yêu sách chủ quyền vô lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau đó, Tổng trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Mỹ - ông Gen Nakatani và ông Ashton B. Carter - sẽ tham dự Hội nghị An ninh châu Á tổ chức ở Singapore (Đối thoại Shangri-La) vào ngày 3/6/2016. Hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Úc sẽ tiếp tục phát triển trong thập kỷ tới và mức độ can dự của Hà Nội sẽ được điều chỉnh một cách phù hợp với chiến lược an ninh của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Đây là một mô hình sẽ được nhân rộng với các hình thức khác nhau trong khu vực. Ba đồng minh hiệp ước này không chỉ đầu tư vào hợp tác dựa trên liên minh của họ, mà còn cùng nhau hợp tác để xây dựng một cấu trúc an ninh lấy ASEAN làm trung tâm trong khung khổ “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng” (ADMM+) nhằm thuyết phục Bắc Kinh rằng các lợi ích an ninh quốc gia của nước này sẽ được phát huy tốt nhất khi tham gia vào quá trình xây dựng các quy tắc trong khu vực, tuân thủ các quy định quốc tế, đồng thời sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực.

Năng động và tự cường

CUỘC CHẠY ĐUA TRÊN BIỂN ĐÔNG ngày càng hun nóng bầu không khí chính trị khu vực. Trong số ít những vấn đề đau đầu của thế giới hiện nay, tham vọng tìm kiếm bá quyền của Trung Quốc đã được đưa lên hàng đầu cùng với biến đổi khí hậu, thánh chiến Hồi giáo và virus Ebola[4]. Đây là một vấn đề vô cùng nan giải song nó đã trở thành một phép thử quan trọng cho việc liệu trật tự quốc tế có thể dung hòa lợi ích của một “Trung Quốc đang trỗi dậy” hay không. Mục tiêu chính của Trung Quốc, từ việc việc bồi đắp các đảo đá chiếm phi pháp cho đến đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông, là muốn chứng tỏ sự hiện diện và xác định quyền kiểm soát toàn thể Biển Đông trong tương lai. Về phần mình, ngoài việc kiên trì và mở rộng cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý và truyền thông, chúng ta phải nổ lực nhiều hơn và chủ động nhiều hơn trong việc tìm phấn đấu để trở thành một quốc gia về biển. Đặc biệt, cần tìm được nguồn lực tài chính và công nghệ bảo đảm cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với kinh tế biển? Ngày 4/5/2016, trong chuyến công tác tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Các “chất lượng bang giao” và “thế quân bình” mới sẽ là giá đỡ cho Việt Nam triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên biển một cách hiệu quả nhất.

Tổng thống Obama thăm Việt Nam trong ba ngày được cho là “dài khác thường” hay bay sang Nhật Bản dự họp G7 sau 25/5 thì phần quan trọng cũng là để đối diện với các bóng ma của chiến tranh trong bối cảnh hỗn loạn của những cuộc chiến mới. Trong 8 năm qua, ông Obama đã vật lộn tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh tại Afganistan và Iraq. Tuần này và tuần tới, ông đã/sẽ thành công trong việc khép lại chương cuối cùng của hai cuộc chiến khác - Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Về phần mình, qua chuyến thăm lịch sử vừa rồi của Tổng thống thứ 44 Hoa Kỳ, người Việt Nam ý thức được một cách sâu sắc hơn, cả nước Mỹ lẫn nước Nhật và kể cả châu Âu, không một nước nào có thể giúp giải quyết một cách rốt ráo được cuộc tranh chấp hiện nay trên Biển Đông, cũng như những vấn nạn tuyệt chủng và diệt chủng về môi trường và con người trên giải đất chữ S này. Xin nhắc lại, không một nước nào đủ nguồn lực và lý do, ngoại trừ con cháu của Việt tộc hãy tỉnh thức, tự đứng lên, một cách năng động và tự cường, từ Bắc đến Nam, từ trong ra ngoài, bắt tay nhau vì một tương lai xứng đáng.

Lạc quan vào tương lai

Trưa 24/5, trước khi bay vào thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu quan trọng về mối bang giao Việt - Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Tổng thống Obama đã điểm lại những cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng như những tiến bộ mà hai bên đạt được. Tổng thống dẫn lời bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt ngay trong phần mở đầu trước hàng ngàn sinh viên, trí thức Việt Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời…”. Tổng thống nói tiếp: “Như một bài hát “Từ nay ta biết quê người, từ nay ta biết thương người” (Văn Cao), tôi tin tưởng, mối quan hệ của chúng ta sẽ phát triển vững chắc hơn. Mối quan hệ của hai nước đi một vòng tròn, chúng ta từng là đối thủ trong chiến tranh, bây giờ thành bạn bè, đối tác. Trong khi nhiều cuộc xung đột không thể giải quyết thì trái tim có thể thay đổi, nếu chúng ta không chấp nhận làm tù nhân của quá khứ”, Tổng thống nói trong những tràng pháo tay ròn rã của hàng ngàn khán giả. “Chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác, hợp tác chứ không không phải xung đột. Chúng ta cùng tạo ra sự thịnh vượng chung. Việt Nam là đất nước có chủ quyền lãnh thổ, không một quốc gia nào có thể can thiệp vào an ninh, hòa bình Việt Nam”.

Ông Obama nhấn mạnh được việc Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập TPP; đồng thời, đề cao nhân quyền; ngăn cấm tham nhũng cũng như tình trạng bóc lột sức lao động. Ông Obama nói thêm: Chúng tôi cũng mang đến sự hợp tác an ninh hai nước, tăng cường hỗ trợ cảnh sát biển, xóa bỏ cấm vận vũ khí, đảm bảo bình thường hóa trọn vẹn với Việt Nam. Tuy nhiên, ông Obama cũng không né tránh đề cập đến những khác biệt còn tồn tại giữa hai nước cũng như hướng giải quyết những khác biệt này và nêu ra định hướng thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa hai bên trong tương lai. Tổng thống Obama khẳng định, mình vô cùng lạc quan trước tương lai quan hệ hai nước. Ông cho rằng chỉ có đối thoại mới giúp các quốc gia gần nhau thêm và cùng đối diện với những thách thức mới của thời cuộc. Ông cũng gửi gắm tới giới trẻ Việt Nam: "Tương lai nằm trong tay các bạn". Tổng thống Mỹ không quên "nhắc nhở" về sự thành công của sự hợp tác tri thức giữa hai quốc gia trong tương lai: Các bạn sẽ nhớ lại khoảnh khắc này, khi tôi đứng ở đây, theo như một câu thơ của Nguyễn Du: “Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”. Bài diễn văn của Tổng thống là một tuyên ngôn đầy minh triết, được thiết kế trên nền tảng văn hóa - lịch sử sở tại. Nói những điều dân Việt nghe sướng tai, đồng thời cũng đã chỉ ra được trách nhiệm và sứ mệnh của người nghe. Chỉ hơi tiếc cho câu Kiều cuối cùng bị phiên dịch bỏ qua. Ý của ông Obama muốn trao cho Việt Nam một lời hẹn ước, như Kim Trọng trao kỷ vật cho người tình để làm tin, một cách tình cảm, lại còn rất đằm thắm nữa... Nhưng cuộc tình nay mai có thành hay không, đâu chỉ phụ thuộc vào một mình Kim Trọng. Chỉ lo mối tình mình thề thốt, vì lẽ gì đấy, rồi lại dang dở! Ngẫm cho kỹ, có thể rơi nước mắt về cách ví von của cánh trợ lý cho Tổng thống. Thâm diệu đến thế là cùng!


Trên Facebook của mình, đầu bếp Anthony Bourdain đăng tải hình ảnh ông ngồi ăn bún chả cùng Tổng thống Obama với chú thích Ghế nhựa thấp, giá rẻ nhưng bún ngon, bia lạnh Hà Nội.
Ảnh Internet

*

THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ là một nguyên lý cổ xưa nhưng luôn luôn mới. Trật tự quốc tế ngày nay cũng giống với vũ trụ càn khôn, nhìn trên một số bình diện, biến hóa theo quy luật tuần hoàn. Người xưa gọi tình thế ấy là “nhất tán vạn, vạn qui nhất”[5]. Con đường tiến thoái tuần hoàn ấy, nếu đi đúng hướng thì cấu trúc an ninh khu vực có thể thực hiện tương đối nhanh, có thể chứng kiến trong một đời người. Còn nếu không tìm ra được hướng chuẩn, thì sẽ lạc lõng, muôn đời cũng chưa thấy được hình hài. Tin rằng trong tương lai gần đây, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chuyển thế huy hoàng. Chúng ta hãy chuẩn bị để đón nhận tương lai và ngay từ bây giờ hãy giúp nhau mở rộng nhãn giới minh triết, hãy biết người biết ta mà hòa đồng, lấy từ bi, bác ái làm phương châm, lấy sự suy tư tìm hiểu, chứng nghiệm làm phương pháp hoạt động và luôn luôn cố gắng phát huy các tiềm năng trong khu vực, coi tứ hải là nhà, bốn biển là anh em. Hãy cùng nhau thắp sáng đuốc tuệ, để “trăm Việt trên miền định mệnh” có thể “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia), được tưới tắm trong ánh sáng của hòa bình và thịnh vượng đang lan tỏa nhiều nơi trên trái đất./.

Nguồn Báo Văn nghệsố 22/2016; Tạp chí Văn hóa Nghệ An


CHÚ THÍCH:

[1] http://soha.vn/big-story/truc-tiep-ngay-lam-viec-dau-tien-cua-tong-thong-obama-tai-ha-noi-20160523090019325.htm

[2]http://vov.vn/chinh-tri/toi-tin-se-co-thoa-thuan-lon-trong-chuyen-tham-cua-tong-thong-obama-511114.vov

[3] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160523/tuyen-bo-chung-viet-nam-hoa-ky/1106206.html

[4]http://nghiencuubiendong.vn/diem-sach-bao/4779-diem-sach-chao-dau-chau-a-bien-dong-va-su-ket-thuc-mot-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-on-dinh

[5] Theo Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, Nhất tiến ra Vạn, rồi Vạn lại qui về Nhất, theo nhịp điệu thời gian. Cho nên trong trời đất đâu đâu cũng tràn đầy lẽ biến dịch. Biến dịch theo hai hướng: hoặc là phân tán đào thải, hoặc là kết tụ, súc tích để tiến tới tinh hoa, trở về Nguyên Bản. Như vậy dưới những lớp lang biến thiên của vũ trụ, có một thực thể viên mãn, vĩnh hằng, bất diệt.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan