Bên cạnh đời sống vật chất

GS Tim mạch
10:27 CH @ Thứ Sáu - 11 Tháng Tư, 2014

Đã làm người, “đã sinh ra ở trong trời đất” ai cũng muốn sống xứng đáng, muốn thành công, hạnh phúc, cho nên ai ai cũng hiểu sự cần thiết phải ra sức rèn luyện bản thân mình.

Trong cái rèn luyện này điều thường bị bỏ quên là gì? Quên rèn luyện, nuôi dưỡng tâm hồn. Điều quên hoặc coi nhẹ này vì sao là cực kỳ bất cập? Vì rõ ràng trong cuộc sống hiện nay có sự sa sút nghiêm trọng của tâm hồn, nhân cách (và văn hóa) ở bộ phận khá lớn của xã hội ta. Rồi sau này nữa, đến lúc nào đó nếu con người ta chỉ còn biết những gì thực lợi, thực dụng thì con người ta “có còn là CON NGƯỜI nữa không?”

Vậy NGHỆ THUẬT SỐNG CHỐNG SỰ XUỐNG CẤP TÂM HỒN đang thật sự là một nhu cầu nổi cộm, bức thiết, có lúc trở thành thời sự cấp bách hàng đầu, mà cũng không chỉ riêng đối với các thế hệ trẻ đang nối tiếp nhau thôi đâu.

*

Qua khá nhiều sách mới đây ở nước ngoài và cả trong nước (‘lược dịch’ hoặc ‘biên soạn dựa theo’), có thể thấy một tham vọng dạy ‘thành công’ (chỉ cốt thành công thôi, ‘thành công’ bằng mọi giá) thông qua rất nhiều lời khuyên hành động có kỹ xảo, nhiều chỗ thật tỉ mỉ tinh vi, kể cả không né tránh giả dối, thậm chí cho phép ‘chân thành dỏm’ miễn làm sao chiếm được cảm tình người khác. Ôi thôi, ‘không thật lòng’ có thể lừa được người đấy, nhưng ngắn ngủi thôi. Con người ta ‘thức khuya mới biết đêm dài’ ‘đi đêm có ngày gặp ma’. Vả lại, phàm cái gì quá nặng về hình thức thì thường sẽ rơi vào giả dối. Phải thành thực tại tâm mới bền, mới là chân giá trị.

Thậm chí có gọi là ‘sách học làm người’, là ‘nghệ thuật sống’ mà quá vội vàng những kỹ xảo, những ‘kỹ thuật’ sống với xu hướng nặng về vụ lợi thực dụng một cách lộ liễu, thì rõ là lệch, sai về cơ bản, về phương pháp luận.

Nghệ thuật sống’ của tâm hồn thực ra mới là vấn đề gốc. Cuối cùng rồi mà xét, trăm lần cái ‘ngọn’ mẹo vặt bề ngoài phù du, chẳng bằng một cái ‘gốc’ nghệ thuật sống chân chất từ bên trong tâm hồn chân chính sâu bền.

Có câu hỏi: ở thời đại tin học, tốc độ, ở thời buổi thị trường kinh doanh, quá eo hẹp thời gian, để thành công có nên chọn con đường ‘tắt’ thực dụng ấy cho nhanh gọn và cũng đầy đủ rồi? Không, không phải như thế, và không thể như thế. Nếu xuất phát điểm từ ngọn, từ bề ngoài như trên thì cách giao tế ứng xử đầy ‘tâm lí học hiện đại’, đầy phương pháp ‘khoa học’ cao siêu và gì gì đi nữa thì vẫn là khập khiễng, chưa chính danh, chưa chính trực. Mà cũng chỉ mới là một vế của vấn đề.

Còn cần một vế nữa, ‘vế ’ gốc: tâm hồn. Tâm hồn sinh chính tâm và cả nhiệt tâm với lòng say mê vô bờ - gốc của sức mạnh và niềm vui cõi đời này. Những cái này, ‘rốt cuộc lại’ quan trọng hơn sự khéo léo và thậm chí có khi còn quý hơn cả sự minh bạch của trí óc. Khi giác ngộ bằng cái tâm cảm động thực sự thì sự hăng say nồng nhiệt có thể sẽ trọn đời. Tâm hồn rèn luyện tu dưỡng thành cao thượng, nhân hậu, thành thực, ngay thẳng, cương quyết, quảng đại (rộng lượng, khoan dung, tha thứ), thông cảm, nhường nhịn - mà chữ của nhà Phật là ‘nhẫn nhịn’ - thì trước sau sẽ toả sáng. Và nhất là tự mình có thể tự tôn tự trọng, tự bằng lòng dù trong hoàn cảnh nào – điều kiện không thể thiếu để tiệm cận hạnh phúc.

Còn học kỹ xảo, mẹo thuật ‘tuyệt hảo’ bên ngoài, kể cả nụ cười làm vẻ tao nhã tinh tế, dù công phu đến đâu nhưng nếu tâm chưa đạt hoặc không hề quan tâm đạt sự thành thực, thậm chí tâm lạnh lẽo, thờ ơ, buồn thiu, ích kỉ lại cố tình bỏ qua (chứ không phải không tự biết) không tu luyện tâm thì ôn hoà ‘mặt nạ’, cung cách ‘mặt nạ’ dù đúng phép ‘quốc tế’ cũng đâu che lâu được chân tướng!

Những suy ngẫm về rèn luyện, do vậy, tuyệt đối không theo hướng những‘xảo thuật bí truyền’ dù có ai đó ‘tuyên bố’ rằng nó đã tạo nên ‘thành công’ ở những nhân vật ‘thành đạt’ nào đó. Mà phải theo hướng rèn luyện từ gốc tức từ tâm hồn. Nhưng về hướng rộng lớn này thì chúng ta cũng sẽ chỉ mới có thể bàn hạn định trong một nội dung hạn hẹp nhất định, trong nội dung ‘để làm người’ thôi. Chỉ mới dám tập trung vào một góc nhỏ, vào các yếu tố phù hợp với đại đa số chúng ta mà thôi.

Cái ‘gốc tâm hồn’ để ‘làm người’ như mỗi chúng ta dần dà đã nghiệm thấy là quan trọng bậc nhất và có tính quyết định hạnh phúc. Nhưng rèn luyện nó đâu có dễ. Vì lẽ ‘làm người’ với nghĩa ‘người’ có tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lương tâm - quả thật rất khó, Khổng Tử cũng từng nói “vi nhân nan”

Không những khó, lại không có sẵn một mẫu tâm hồn duy nhất gọi là lí tưởng nhất, là tận thiện để chỉ cứ noi theo trong mọi trường hợp. Bởi vì cái tận thiện của mỗi người không ai giống ai cả: chính đó là cái phong phú tuyệt diệu của nhân loại.

Do đó mỗi người chúng ta, dù thấu đạt mọi nguyên lí rồi, vẫn cần thêm một nỗ lực bền bỉ - vạch riêng phần nội dung cụ thể phù hợp nhất cho bản thân mình.

Trong lúc hoạch định nội dung rèn luyện đó, ta chú ý tránh phiến diện, phải bao gồm cả phía vật chất và thân thể. Chúng ta biết tâm hồn (bên trong) và thân thể (bên ngoài) thống nhất làm một, tinh thần và vật chất làm một, cá nhân và xã hội làm một.

Mọi đổi mới đều phải bắt đầu từ tâm hồn vậy. Và cũng chỉ cái TÂM mình mới dạy được mình đổi mới vì:

“Không ai làm thầy mình
“tốt hơn là cái tâm của chính mình”

Câu nói nghe ‘rất hiện đại’ này là lời Trang Tử đã 24 thế kỉ!

Trên dặm trường tu luyện gốc tâm hồn ấy, ta dần LÀM CHỦ mỗi hành vi của bản thân, để rồi phần nào làm chủ (chí ít cũng ảnh hưởng đến) số phận mình. Và rốt cuộc lại, đích ở cuối chặng đường phải là tâm hồn thanh thản .

Công cuộc rèn luyện tu dưỡng từ gốc tâm hồn nhằm nâng cao tâm hồn để làm tròn chức năng làm người là một trong các việc quan trọng hàng đầu, mọi người đều muốn hiểu kỹ, và rất nên thực hiện liên tục suốt đời.

Như kinh nghiệm những người đi trước, đây là công việc tuy đòi hỏi nhiều cố gắng bền bỉ nghiêm túc, nhưng lại tạo ra nhiều hứng khởi. Vì lẽ tu dưỡng tâm hồn vừa là khoa học lại vừa là nghệ thuật nữa.

*

NHỮNG NỘI DUNG ĐẦU TIÊN CỦA RÈN LUYỆN, NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC TÂM HỒN

Sang thiên kỉ III rồi, có thể cảm nhận trong thực tế hai xu thế quý báu đang chớm nở và lớn dần trong một bộ phận lớp trẻ có ý thức nhất:

1- Nổi lên ở họ nhu cầu tâm hồn muốn được mở rộng về phía cha ông, tổ quốc, cũng như mở rộng tới khoa học hiện đại nhất khắp toàn cầu.

2- Cũng nổi lên nhu cầu tâm hồn họ muốn đạt thư thái, tự do tuyệt đối, sự giải thoát.

Ở một góc độ nào đấy, có thể thấy trong nội dung nhu cầu tâm hồn mà hiện nay dần dần hình thành ở họ, có mường tượng một số nét của mẫu tâm hồn lí tưởng tự ngàn xưa phương Đông, ví dụ như: căm ghét sự tham lam tranh giành chiếm hữu và sự tàn bạo cuồng loạn; trân trọng chí nhân, vị tha, vô tư; không coi hưởng lạc và tư dục là mục đích; đối lại, cầu tiến, không chờ đợi ai mà tự lập, và khi thành công không khoa trương (chữ xưa là tâm trai); dám nghĩ dám làm, tự do tư tưởng, không giáo điều sùng bái thần tượng.

Và trong đó còn có những điều xét ra cũng rất đáng nằm trong phác thảo nội dung mẫu rèn luyện tâm hồn như: không hiếu danh hiếu thắng biện bác tranh cãi; không xét các giá trị theo hư danh; lắng nghe tiếng nói trong tâm hồn mình, tìm tòi trong những kho tàng tinh thần đồ sộ; tập giữ thản nhiên, điềm đạm, không giả dối.

Các thực tế trên có thể tham khảo khi ta phác thảo nội dung rèn luyện tâm hồn riêng cho mình. Nhưng nói chung, mỗi khi lập phác thảo này vẫn nên theo phương thức kinh điển, phải xuất phát từ những yếu tố cấu thành của Tâm, từ đó mà xác định những nội dung rèn luyện.

Ba yếu tố của TÂM (đối tượng của tu luyện ở đây) là gì?

Là bao gồm 3 mặt, theo tâm lí học cận đại, mà theo tư tưởng Tuân Tử xưa cũng 3 mặt ấy:

  • Lí trí (tri thức);
  • Tình cảm (yêu ghét, mừng giận, buồn vui...);
  • Ý chí (trong đó có nghị lực, có lực để lựa chọn hành động).

Ba mặt nêu trên gợi ý những nội dung tu luyện tâm hồn rất rộng. Trước tiên nên chọn những điều thiết yếu nhất: chọn phần ‘để làm người’. Sách xưa Ngạn Ngữ cũng từng khuyên “Gốc mọi sự học là học làm người”. Trong đó ắt phải rèn luyện cả ba mặt nội dung trên, nâng chúng lên cao mãi, và chỉ có con đường đó, không có cách nào khác. Nó bao gồm rèn luyện từ lí tưởng, đạo đức, đến lối sống, giúp hình thành nhân cách.

Trước tiên là không ngừng trau dồi lòng nhân + lương tâm, và làm điều thiện :

Trong sứ mệnh làm người có vấn đề sống cho ra sống, theo lẽ sống có TÂM HỒN, dám đấu tranh theo lương tâm, theo lòng NHÂN (tức tính người: yêu người, không hại người, khoan nhượng, trắc ẩn, không vong ân, phù hợp đạo giao lưu – dung thông).

Trong quá trình tự trau dồi tự hoàn thiện lòng NHÂN và LƯƠNG TÂM, nên hàng ngày tựtrắc nghiệm, tự kiểm tra mình về động cơ vị kỉđộng cơ vị tha trong mọi hoạt động. Vị tha không chỉ là làm một số việc từ thiện cho người tật bệnh, nghèo khổ, thiệt thòi nhất, mà rất có ý nghĩa là làm những việc tốt giản đơn cho người xung quanh, và cao nhất là dấn thân tự dâng hiến cho sự nghiệp phụng sự Tổ quốc và giải phóng con người.

Như nêu trên, trong các nội dung trước tiên của tu luyện tâm hồn là rèn tập không ngừng trong LÀM ĐIỀU THIỆN. ‘Làm điều thiện’ nghe thật dễ hiểu, song cần chú ý mấy đặc điểm:

(1) phải đúng là xuất phát ‘từ bên trong’, nếu như chưa từ lòng bác ái - rộng tình thương yêu như huynh đệ ruột thịt, thì cũng phải từ tâm hồn nhân ái giác ngộ lẽ vị tha vô tư đích thực.

(2) Lại phải thường xuyên, không ngừng.

(3) Và đã trở thành một thói quen (tập quán): trong quá trình rèn tập thói quen tốt này, tối thiểu cần hình thành một kỉ luật tự giác trong lòng là gặp điều thiện cần làm và không ngoài khả năng thì dầu nhỏ mấy cũng không bỏ qua. Kỉ luật ban đầu, do làm ‘riết’ sẽ trở thành thói quen tốt.

Khi đã thành thói quen của lòng người thì nó không thể biến mất được, sẽ là đầu mối mọi niềm vui.

Có bao nhiêu tính ‘thiện’ tự bên trong con người tốt thì sẽ có bấy nhiêu vẻ đẹp và cao thượng hiện ra trước con mắt tinh đời của mọi người, chẳng gì che khuất mãi được. Đó là lượng giá của đời bao giờ cũng công bằng dù cho nhiều khi công bằng tới muộn.

Còn mấy kẻ mới nổi lên, dù không sẵn cái tâm, cái ‘kỉ luật tự giác’ làm việc thiện thì cũng buộc họ phải làm. Sách cổ Ấn Độ Panchatantra nêu:

“Khi đạt được vương quyền, người ta phe phẩy như tai con voi động cỡn,
“Hưởng nó, chớ quên làm điều thiện.”

Riêng những người ác và người xấu, chỉ bo bo giữ của, khư khư “giữ tủ” (dấu kiến thức), hoặc nặng hơn - ích kỉ hại nhân .., thì phải làm sao? Chỉ biết rằng dầu “giỏi” đạo đức giả đến mấy, rồi họ vẫn sẽ bị con mắt tinh đời dần dần nhận diện ra. Họ cần kiên quyết tạo lại những điều cơ bản từ tâm hồn, nếu không thì không cơ may thành ‘nhân’ được.

Những nội dung tiếp theo của rèn luyện tâm hồn là tôn trọng và trau dồi chân thiện mỹ; chí, khí; những phẩm chất cao thượng cùng những tư tưởng thanh cao:

CHÍ và KHÍ không thể thiếu vắng trong tâm hồn mỗi con người chúng ta. CHÍ là ý muồn bền bỉ đi tới đích. KHÍ là sức mạnh thể chất và tinh thần thường xuyên cần thiết trên đường đi tới đích. Nội dung của chí và khí có thể là: chí tiến thủ, chí kiên định, khí hạo nhiên .

Chí tiến thủ là không bao giờ tự mãn mà đổi mới không ngừng.

Chí kiên định là tính bất biến của tâm hồn trước vạn biến của phú quý, bần tiện, uy vũ (theo cách dùng chữ của Mạnh Tử). Nhờ nó, con người ta mới mong dần dần đáng bậc ‘trượng phu’. Nhất là trong cảnh ngộ nghèo khó, vẫn giữ được nhân phẩm, ‘đói cho sạch rách cho thơm’. Trên suốt cả đường đời (với cái thế phơi phới liền một mạch không bị ngưng cắt từng lúc) cho dù gánh nặng, đường xa, nếu có chí kiên định thì:

“Đã làm điều gì tốt, phải làm kỳ được, làm đến cùng, tới chết mới thôi,
“Con đường như thế chẳng là dài hay sao”

(Sách Luận Ngữ).

Khí hạo nhiên từng được Mạnh Tử, Nguyễn Công Trứ bàn khá nhiều. Nó có liên quan chuyện nuôi dưỡng tâm hồn. Có 3 chữ hạo, 1 là bầu trời mùa hạ, 2 là rộng lớn mênh mông, 3 là sáng sủa. Để dễ hiểu, có thể coi khí hạo nhiên là cái sức mạnh rất lớn, khảng khái, ngay thẳng, chính đại quang minh, nên thanh thản giúp nhìn xa trông rộng, hướng vào tư tưởng cao thượng. Lời thơ thật hào hùng khoáng đạt:

“Khí hạo nhiên chí đại chí cương
“So chính khí đã đầy trong trời đất …”

Đọc 2 câu ấy (trong bài hát nói “luận kẻ sĩ” của Nguyễn Công Trứ”), suy ngẫm nghĩa và lí, chắc hẳn stress nặng nề bao nhiêu rồi cũng có thể thuyên giảm, lấy lại được sức mạnh tiến tới đích.

RÈN TẬP NHỮNG PHẨM CHẤT CAO THƯỢNG là nội dung quan trọng của ‘rèn luyện từ gốc tâm hồn để làm người’. Những đức tính, phẩm chất ấy đều mang tính lạc quan tươi sáng, chỉ nảy sinh từ những tâm hồn mạnh đã được rèn luyện, ví dụ như :

  • Đức tin mãnh liệt ở tất thắng của lí tưởng, ở bản thân mình (tự tin, không sợ hãi);
  • Niềm hi vọng không bao giờ đánh mất; thường hi vọng trên cơ sở giác ngộ quy luật của phát triển vốn đa biến và rất năng động. Ý của Mạnh tử xưa đẹp như thơ:

“Cây lớn một ôm tay
“sinh từ gốc nhỏ này.
“Lầu chín tầng đồ sộ
“khởi đầu - hòn đất nhỏ
“Đi ngàn dặm thế gian
“khởi đầu - một bước chân.”

(NHD tạm dịch)

  • Lòng say mê, vui đời và hài hước; ngay cả lúc nguy nan, điều quan trọng nhất là thản nhiên xử lí và có điểm vài nét thư duỗi và chất hài hước Việt Nam nữa;
  • Tình yêu thương, đồng cảm, cảm thông, trắc ẩn đối với bản thân, với thiên nhiên (từ trăng, biển, hoa, muông thú…), với đồng loại (gia đình, người thân, bầu bạn, cộng đồng gần; rồi tổ quốc dân tộc mình, nhân loại). xoá tệ cục bộ điạ phương, đặt nghĩa cả trên lợi riêng;
  • Lòng tôn trọng đã thành nếp, thành kỉ luật đối với sự thật, lẽ phải, chân lí, pháp luật, đối với trách nhiệm và bổn phận mà mỗi người phải làm tròn, rồi đối với mọi điều thiện và mọi vẻ đẹp, mọi phẩm chất và bậc hiền tài. cho đến tôn trọng mọi người (cũng chính là tự tôn tự trọng vậy). Ngày nay trong kinh tế thị trường không dễ tìm thấy những người thực sự có phẩm chất ‘trọng nghĩa khinh tài’, biết ‘tôn đức quý hiền’.

Nội dung tiếp theo của rèn luyện tâm hồn là TỰ VUN BỒI BẢN SẮC TÂM HỒN VIỆT NAM.

‘Tu dưỡng từ gốc tâm hồn để làm người’ là rèn tập những phẩm chất cao thượng như vừa nêu trên, thì càng không thể không tập trung vào những phẩm chất tiêu biểu nhất trong cốt lõi, bản chất sâu nhất của truyền thống (bản sắc) tâm hồn Việt Nam. Đó là cái bản sắc giản dị mà sâu sắc đã giúp Việt Nam dù mấy ngàn năm bị đô hộ, dù bị Mã Viện cho thu gom hết trống đồng đúc ra ngựa đem đi và đúc trụ đồng đe doạ, dù bị Trương Thụ nhà Minh gom hết sách vở chở đi hoặc đốt sạch, và đập nát hết bia đá xoá sạch di tích lịch sử dân tộc (tàn bạo thâm hiểm thay!),..mà ta chẳng bị đồng hoá; cũng là cái bản sắc văn hoá tinh thần mạnh mẽ căn bản đã làm một trong các yếu tố chính giúp ta thắng giặc Mỹ mặc dù chúng đã dùng tới 7 triệu tấn bom, hơn 6 triệu rưởi lượt lính Mỹ với 720 tỷ đô la, đã dã man dùng dioxin (da cam) còn di hại thảm khốc nhiều thế hệ cháu con ta.

Có người ví von cái bản sắc ấy là cái gien (gene) của cộng đồng dân tộc ta, mà nếu đem phân tích ra, ta có :

  • Yêu nước Việt Nam muôn vàn yêu thương, yêu cốt nhục đồng bào đã trải bao đau khổ,
  • Cần cù lao động, ‘chịu thương chịu khó’,
  • Khoan dung về tín ngưỡng và tư tưởng,
  • Người hoà hợp với người và với thiên nhiên,
  • Coi trọng nghĩa tình, nghĩa tình làm gốc cho gan dạ bất khuất; bất khuất để bảo vệ và phát huy nghĩa tình.
  • Ưng xử cũng từ đó mà vừa cứng cỏi, vừa mềm mại, kiên nhẫn mà thông minh.
  • Đầu óc thực tiễn nhưng truyền thống thanh lịch, không thực dụng trần trụi thô thiển,
  • Yêu thành ngữ-tục ngữ-ca dao, yêu văn học-nghệ thuật, tinh hoa văn hoá, nền văn hiến, đất nước, lịch sử, con người Việt Nam mà nếu chẳng hiểu biết được bao nhiêu (viện cớ bận sinh nhai, hoặc hoàn cảnh quá nhiều năm xa quê hương) do chẳng chịu tìm hiểu và thật sự học tập nên, cứ như mới trên trời rơi xuống thì cũng đáng lấy làm xấu hổ chứ.
  • Khát vọng tự do. Ngay như cái khát vọng nhàn tản thuở trước có lẽ nên hiểu là một khía cạnh của yêu tự do: cái nhàn minh triết nắm được quy luật tất yếu của nhân sinh, thoát ngoài những quan niệm cổ hủ, tầm thường, thoát ngoài những khen chê phàm tục, thăng chức đâu lấy làm vinh, xuống chức chẳng lấy làm nhục, giữ ung dung tự tại, thế là tự do vậy.

Khi tu luyện tâm hồn bằng vun bồi bản sắc tâm hồn Việt Nam truyền thống ấy, ta quan niệm rõ sự không bất biến, cho nên vừa cần bảo tồn vừa cần nâng cao. Bản sắc tâm hồn Việt Nam luôn động – phát triển theo hình trôn ốc, ta trở lại là ta nhưng ở ‘đỉnh’ (mức) cao hơn. Nên sẽ mãi là tinh tuý nhất và cô đọng nhất. Mỗi chúng ta luyện tâm hồn để luôn ngang tầm đó.

Ta hiểu rõ trong bản sắc tâm hồn Việt Nam có tính nhân loại. Có thể nghĩ rằng những ‘bẳn sắc’ nêu trên không phải chỉ Việt Nam mới có, đâu phải đặc thù riêng Việt Nam? Đúng, nhiều điểm trong đó mang tính toàn nhân loại, tuy nhiên vấn đề là ở đậm độ khác nhau: ở người Việt Nam chúng đậm đặc hơn, nổi trội lên trong một thời gian lịch sử khá dài lâu. Nhà thơ Huy Cận nói:

“đi sâu vào hồn ta, ta gặp dân tộc;
“đi sâu vào hồn dân tộc, ta sẽ gặp hồn nhân loại”

Cho nên mỗi chúng ta rèn luyện những phẩm chất trong bản sắc tâm hồn dân tộc ta, chỉ từ đó ta mới đủ căn bản và bản lĩnh để dễ dàng tiếp cận tâm hồn các dân tộc khác và hồn nhân loại. Ta tuyệt đối không kì thị chủng tộc, không bài ngoại, mà thích thú chọn lọc tinh hoa thế giới để tiếp thu, nhất là trên đường hiện đại hoá nước nhà. Ở phạm vi vĩ mô cả nước ngày nay, phương châm “linh hồn, đạo lí Việt Nam + kỹ thuật, thực hành Âu Mỹ” là hợp lí và hoàn toàn không ngược với nội dung tu luyện tâm hồn bằng vun bồi bản sắc tâm hồn Việt Nam nêu trên.

Những nội dung tiếp theo bao gồm những rèn luyện khá cụ thể như tự bồi dưỡng học vấn, nghề nghiệp, như giữ lời hứa, đúng giờ, chỉ yêu thương chống đố kỵ ghen tỵ, luôn sửa mình v.v.. nhưng khái quát lại, bao quát hơn, có thể gọi gộp là tự RÈN TẬP NHỮNG THÓI QUEN CƠ BẢN MANG TÍNH CHẤT BẢN LỀ.

Gọi là ‘thói quen’ với nghĩa do rèn luyện kĩ, bền bỉ tới mức ‘tiêu hoá’ nhuần nhị, đồng hoá hẳn thành của riêng mình, tới mức mỗi lần mình tiến hành những việc tốt ấy thì hầu như sẽ không còn phải tốn năng lượng hay cố gắng quá mức nữa, ngược lại quen đến mức không làm những việc tốt đó sẽ thấy khó chịu.

Cũng cần xác định chọn rèn tập thói quen nào vừa cơ bản vừa mang tính bản lề (ta sẽ tạm gọi tắt là ‘thói quen cơ bản-bản lề’). Dưới đây là 3 ví dụ về thói quen cơ bản-bản lề:

1. Thói quen ‘điều khiển tư tưởng trong MỖI hành động’, theo thiển ý chúng tôi, là một trong các thói quen hệ trọng hàng đầu. Nội dung nó là thói quen ‘luôn vận dụng trí lự’ để lượng giá phán đoán và tỉnh táo lựa chọn phương án (cách) xử trí tối ưu, ‘luôn vận dụng ý chí để chủ động’, ‘để làm chủ bản thân’ về mọi mặt. Cẩn trọng ‘lựa chọn’ hành vi thích ứng và hành động chính xác như thế đều nhằm đích thành công.

Phương pháp luyện thói quen tốt đó là một ‘phương pháp động’ nghĩa là do luôn tìm tòi, đặt vấn đề, trao đổi, đối thoại, so sánh, chịu khó suy ngẫm cân nhắc… Tóm lại, không là sự tiếp nhận thụ động, bắt buộc mà là sự thích thú tự nguyện giành đoạt lấy. Quá trình tiến hành sinh động thú vị hấp dẫn; cho nên kết quả đạt được có thể rất đẹp, có khi ở mức độ một nghệ thuật - ‘nghệ thuật’ tư duy và hành động. Một “phương pháp động” tương tự như thế đã được ứng dụng trong sự đổi mới giáo dục trên thế giới và được đánh giá là biểu hiện lớn nhất của sự đổi mới đó trong thế kỷ qua; nó giúp đào tạo khả năng suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo.

Trong cách luyện ‘Thói quen’ nói trên, có ba giai đoạn rèn tập :

(1) học hoà mình vào công việc;

(2) tập suy tư từng vấn đề nhất định (không xao lãng do bất cứ ảnh hưởng nào từ bên ngoài) để hiện ra được các ý tưởng hay (ghi chép lại nếu cần);

(3) luyện bình tĩnh để giữ sáng suốt.

Nội dung giai đoạn 2 – tập suy tư hữu hiệu tìm ý tưởng hay – thường là sự hình dung ra những thuận lợi, những thiệt hại; tư duy suy xét ấy phải sâu, toàn diện, kĩ càng tới tận cùng sự tiến triển; trong quá trình đó mài sắc quan sát, lắng nghe, suy luận, sàng lọc thông tin, loại bỏ những thông tin ‘vớ vẩn’ làm nhiễu, phải toàn diện nhưng phân biệt chính phụ rõ ràng. Rèn khả năng này một cách cần mẫn bền trí qua thực tiễn ‘có hồn’ (không là thực tế bị buông trôi vô ý thức) có rút kinh nghiệm, nhất là đối với các thất bại, va vấp.

Lợi ích của ’thói quen’ này rất lớn, giúp ta trở thành người có ý thức, chín chắn hơn. Mỗi hành động đều được kiểm soát từ khởi đầu, kể từ khi nó chớm phác thảo rồi được cho phép bằng một ‘quyết định’ của chính mình. Thói quen này điều khiển được tư tưởng tập trung, đào sâu, tìm tòi, suy tính, cân nhắc. Bởi vậy các nỗ lực dường như đều dồn hướng vào, góp phần vào mục tiêu đang phấn đấu. Do đó mỗi công việc sẽ đạt hiệu năng cao nhất.

Hơn nữa, do cẩn thận suy tư tiên liệu những khả năng tình huống xấu nhất cho nên sẽ ít bị những bất ngờ xấu, sẽ không xảy những hành vi thiếu suy nghĩ, tránh được các khinh suất, các sơ hở ngây ngô, giảm bớt sai lầm. Thực chất đó cũng bao gồm vấn đề chuẩn bị, tức là có liên quan thói quen cơ bản-bản lề thứ 2:

2. Thói quen chuẩn bị cũng quý báu và quan trọng không kém. Cần tạo thành thói quen tốt ‘luôn thận trọng chuẩn bị’. Sách Trung Dung từng nêu:

Làm việc gì có chuẩn bị trước thì thành tưụ,

không phòng xa thì hư hỏng.

“Lời nói có chuẩn bị trước thì không vấp, …

“Tính nết có tính trước thì mới không sinh lầm lỗi”

Còn thuật xử thế Cổ Ấn Độ (trong ‘Panchatantra’ tức là ‘5 quyển giáo huấn’) thì nhấn mạnh:

Không được làm việc gì mà nhìn chưa kĩ càng,
chưa nghe, chưa hiểu, chưa kiểm tra tỏ tường…”
“Hành động mà không xem xét kĩ, sẽ phải hối hận”

Như thế có nghĩa là ‘thói quen chuẩn bị’ tạo nhiều lợi ích:

  • Tạo xúc cảm dương, giảm xúc cảm âm (dẫn tới stress), rất thiết thực cho phòng chống stress vậy.
  • Cũng nhờ đó mà thói quen chuẩn bị là cách luyện trước sự thích nghi tốt (với những gì sắp xảy ra).
  • Nó còn tăng lên gấp bội các cơ hội thành công. Ở đời, ta bỏ lỡ khá nhiều lần những cơ hội thành công qúy báu như thế! Thường chỉ vì tính sơ sài đại khái, hoặc vì lười biếng suy nghĩ cho khâu chuẩn bị, lại cứ đổ tại cái ‘số’ không may mắn!

3. Nếp ‘Phát triển nội sinh’ là một ‘thói quen cơ bản-bản lề’ nữa thật cần thiết. Nó là sự phát triển thường xuyên nội lực của tâm hồn. Rồi bằng nội lực ấy (của tâm hồn) thúc đẩy mọi sự phát triển bản thân, sự tiến triển mọi công việc. ‘Phát triển nội sinh’ là như thế. Điều đó làm riết sẽ thành nếp như kỷ luật, thành thói quen tốt. Có thể định nghĩa ‘nếp phát triển nội sinh’ là tập quán đưa tâm hồn vào làm nguồn lực bên trong của mọi sự phát triển. Những người như thế sẽ luôn vượt lên trên cảnh tầm thường.

Khi bắt đầu xây dựng cho mình nếp phát triển nội sinh, cũng cần căn cứ sự nhận dạng thuộc tính của tâm hồn mình để cho phù hợp nhất: ví dụ xét xem tâm hồn mình là thuộc nhóm tâm hồn nhạy cảm hay là nhóm tâm hồn hoạt động?

  • Đối với tâm hồn nhạy cảm cần uốn nắn để thật thăng bằng, đúng đắn, thích hợp, và tế nhị (không ồn ã, ồ ạt, lộ liễu, cực đoan).
  • Đối với tâm hồn hoạt động(như đã sẵn động cơ mạnh cho con tàu), thì cần ghép một bánh lái tốt, đó là trí tuệ. Bản thân ‘trí tuệ bánh lái’ ấy, về sau lại nhờ chính động cơ ‘tâm hồn hoạt động’ kia mà trở nên hiệu lực hơn nữa. Sự say mê đặc biệt của một ‘tâm hồn hoạt động’ nếu có trí tuệ định hướng tốt thì nếp ‘phát triển nội sinh’ sẽ mỹ mãn.

Cần bàn thêm đôi điều nói chung về các thói quen cơ bản-bản lề vừa nêu. Sức mạnh của thói quen nói chung thật kì lạ: còn có thể quyết định cả phẩm hạnh lớn cho suốt cuộc đời nữa. Nhờ chúng mà dần dần hình thành : nghị lực; lòng ham học và sửa mình để cầu tiến bộ (với quyết tâm ở mức ‘phẫn nộ cầu tiến’); đức tính công bằng trong mọi hoàn cảnh, với tinh thần sáng suốt. Chúng còn tạo những khả năng khó hơn bội phần ví dụ như khả năng đoàn kết, uy lực tinh thần hoà giải mọi bất đồng, khả năng hoà đồng, xoá mọi thành kiến và cả óc điạ phương cục bộ, rồi lòng tôn đức quý hiền, trọng nghĩa khinh tài (ở trên có nhắc tới) v.v..

Có điều thuận lợi là khi đạt thêm được một thói quen tốt thì nó như kéo theo cả chùm vì chúng gắn với nhau thành phức hệ. Cơ hồ như tu luyện được một thói quen tốt thì tuồng như nó càng thúc đẩy ta quan tâm nuôi dưỡng tâm hồn nhằm đạt thêm một thói quen tốt nữa. Do đó càng thấy việc đạt cho kì được 3 thói quen tốt cơ bản-bản lề đầu tiên là quan trọng đến dường nào.

Mà cách tiến hành, nói chung, khá dễ nhớ : chỉ bằng hành động lặp đi lặp lại hàng ngày mà thành, chẳng khác gì một trò chơi nhỏ trong ‘tấn tuồng lớn’ là cuộc đời, miễn là lửa nhiệt tình luôn được nhen nhóm. ‘Văn ôn võ luyện’; chẳng là văn hoặc võ nhưng ‘thói quen’ càng cần ôn luyện, và chỉ là vấn đề ôn luyện! Hầu như chỉ cần một điều kiện duy nhất: tính kiên trì bền bỉ bởi vì ‘thói quen’ không phải một sớm một chiều mà đã đạt. Đạt được rồi, vẫn cần tính kiên trì bền bỉ ấy bởi vì phải chăm lo duy trì nó bằng cách tiếp tục luyện mãi, nếu không, nó có thể mai một, triệt tiêu.

Tóm lại, rèn luyện các thói quen tốt như trên là con đường bắt buộc mà khả thi để rèn luyện tâm hồn từ gốc. Thực hiện liên tục không ngừng, không quên, dồn vào đó tất cả trí lực, thể lực, thời gian, toàn bộ lửa nhiệt tình và say mê.

THIÊN NHIÊN

Trong thời hiện đại, cuộc sống càng tăng tốc, quay cuồng, xộn rộn đến mức hỗn độn thì càng nổi lên, như một bản năng, NHU CẦU TÂM HỒN con người tìm về với tự nhiên. Về với thiên nhiên tinh khiết, nơi nguồn sâu phát sinh sự sống, cái đẹp không bao giờ cạn, và tình yêu thương mở tâm hồn rộng thêm, rộng thêm mãi.

Ở người Việt Nam, nhu cầu đó càng nổi cộm, có thể do hoàn cảnh địa lí, môi trường cẩm tú sơn hà từ bãi biển điạ đầu tổ quốc Trà Cổ qua Vịnh Hạ Long (từ bé tí 8 tuổi, tức cách nay 70 năm tôi đã biết nó là Kỳ quan thế giới), Hạ Long cạn Ninh Bình, đệ nhất động Phong Nha, sông Hương núi Ngự, thác Khói (Đ’ray Sáp), hồ Đa Nhim hùng vĩ bên đèo Ngoạn Mục, thác Đăm B’ri,... rồi vòng mũi

Cà Mau ngược lên bãi biển Hà Tiên nên thơ tận cùng bờ biển phía tây tổ quốc.

Người Việt Nam xưa và nay đều vậy, kể cả những người Việt đã định cư lâu năm ở những đô thị lớn nước ngoài nhưng trong huyết quản vẫn êm đềm chảy dòng Sông Hồng truyền thống cha ông. Ai cũng rất yêu ‘cái nôi thiên nhiên’ Việt Nam của mình, coi nó là ân phước của tổ quốc mà mình có quyền tận hưởng, coi nó là bạn thuỷ chung mà mình được chung sống hài hoà và cộng tác.

Ngày nay đã qua rồi 30 năm chiến tranh thảm khốc, người Việt Nam ta đâu còn chịu cảnh ngộ nước mình bờ biển dài hơn hai ngàn cây số mà có người nông dân xưa cả đời chưa bao giờ nhìn thấy ‘biển bạc’ cẩm tú bao la (!), nói gì đến chuyện được nghỉ mát bãi biển.

Mỗi khi được ‘đối cảnh sinh tình’, ta có dịp hưởng thụ tác dụng tốt đẹp của thiên nhiên lên tâm hồn ta. Trước tiên cần luyện cách CẢM NHẬN THIÊN NHIÊN NHƯ THẾ NÀO ?

Bằng tất cả tâm hồn say mê. Bản thân chúng tôi có tập quán quan sát, với tất cả niềm mến phục, những ai biết nhận ra những vẻ đẹp thiên nhiên để say mê ngắm nhìn sắc màu, lắng nhận thanh âm-hương vị-hơi ấm của nó. Tâm hồn họ như nâng lên khi được làm người du lãm phóng lãng tiếp xúc mật thiết với thiên nhiên, ngắm hoa trái, cỏ cây, chim muông đang mùa tươi tốt, ngắm những “thế”, những dáng đẹp của muôn loài sinh vật, của sự sống, thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền bí và trang nghiêm của suối trong, hang thẳm, núi cao, trời sao, ngắm vẻ đẹp của sự biến đổi và chuyển động của tạo hoá …. Tâm hồn hưởng thụ trọn vẹn thiên nhiên, lên non xuống biển, hiểu hồn các danh thắng mà ca hát, ngâm thơ :

“Trăng trong gió mát là tương thức
“Nước biếc non xanh ấy cố tri.”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm,Bạch Vân quốc ngữ thi tập,bài số 90)

“Ái ưu vằng vặc trăng in nước
“Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm,Bạch Vân quốc ngữ thi tập,bài số 1)

Lại cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả cái hồn thơ truyền thống Việt Nam. Hầu như người Việt Nam nào cũng biết làm thơ, ít ra vài câu lục bát về thiên nhiên của quê hương. Ai cũng yêu thơ, từ những vần dân gian thuộc lòng từ tấm bé như:

“Con cò bay lả bay la …”

hoặc: “… Sao cô đem ánh trăng vàng đổ đi?”

cho đến những bài trong thơ văn bác học như:

“Cỏ cây chen đá, lá chen hoa..”

(Bà Huyện Thanh Quan)

“Cỏ non xanh rợn chân trời
“Cành lê trắng điểm một vài bông hoa..”

(Nguyễn Du).

cảm nhận thiên nhiên bằng tâm thức thanh tịnh, bằng triết học. Tình yêu đó đối với thiên nhiên như có bao hàm tư tưởng triết lí: sống không cưỡng lại mà thuận theo quy luật của sự sống. Muốn vậy thì trước tiên, cần phải biết phát hiện rồi chọn lựa các góc độ tinh thần của thiên nhiên. Để làm việc này, đạo Phật khuyên :

“Lấy tâm thức thanh tịnh
để cảm nhận vạn vật và thiên nhiên”,

mong từ đó :

“ngộ ra lẽ huyền diệu
của sự sống thường hằng bất diệt”

Tiếp theo cần phải biết dung hợp tinh thần của người với tinh thần của thiên nhiên (sơn thuỷ, xuân thu, thanh âm, sắc màu, bướm hoa, mỹ nhân, mưa gió, trăng sao, v.v..).

Cuối cùng và quan trọng nhất là cảm nhận thiên nhiên bằng HÒA NHẬP thiên nhiên. Người ‘luyện từ gốc-tâm hồn’ luôn để thiên nhiên chiếm một góc quan trọng trong tâm hồn mình. Mẫu người của nền văn minh tương lai có lẽ càng phải là như vậy, mãi mãi cần ‘hoà nhập làm một’ với thiên nhiên, để phần nào trở lại bản tính hồn hậu, thuần phác, trong trắng, không mảy may giả tạo.

Chúng ta chủ trương tích cực trọn đạo, trọn trách nhiệm với xã hội, không trốn tránh đời. Nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt như vào thế kỷ thứ 16-17 nước ta, thú nhàn rất được ca ngợi. Phải chăng có thể coi thú nhàn ấy của người xưa là một dạng đặc biệt của ‘hoà nhập thiên nhiên’, có khi được coi là một khiá cạnh của lòng yêu tự do ở họ. Quả là như tìm thấy tự do, siêu thoát trong thiên nhiên :

“Hoa nhàncỏ nội khắp xung quanh”

(bài thơ chữ Hán ‘giản đế tùng’ tức ‘cây thông dưới khe’ của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung [1230-1291], một trong các vị tổ của Thiền tông Việt Nam).

Trở về với Thiên nhiên, dường như Thiên nhiên giúp con người trục xuất những vật dục, hám công danh phú quý, bon chen cạnh tranh, những lôi kéo tội lỗi của kẻ quyền thế... làm vẩn đục tâm hồn. Nhờ đó, giữ được tự do, vì chính bản thân mình là tự do với điều kiện không cam tâm chấp nhận phận nô lệ .

Tâm hồn của người ‘nhàn’, nhàn đúng trong tinh thần ấy, là tiếng ca trong trẻo ca ngợi thiên nhiên của những con người an nhiên tự tại, “lành dữ khen chê cũng mặc ai”, trọng đạo nghĩa giữa “cõi đời ngổn ngang những gò danh đống lợi”:

“Một mai, một cuốc, một cần câu
“Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
“Người khôn người đến chỗ lao xao.”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân Quốc Ngữ thi tập, bài số 9).

LỬA NHIỆT TÌNH & SAY MÊ

Nói cho cùng, rèn luyện gốc tâm hồn sẽ phải dẫn tới một tâm hồn đầy LỬA nhiệt tình, say mê và vui đời. Đã từ lâu chúng tôi nêu lên ‘công thức’:

‘Tâm hồn được nâng cao’ bắt nguồn từ nhiệt tình, lấy động lực từ không ngừng say mê, và biểu hiện bằng không ngừng vui đời (và hài hước).

NHIỆT TÌNH là cái thần quý báu trong tâm. Nhiệt tình là một tính chất đặc biệt của tinh thần - tình cảm toả sáng, rực rỡ huy hoàng. Là cái nóng bỏng ẩn sâu trong tâm can. Là mang ngọn lửa lớn trong tâm hồn, là mỗi hành vi ngầm phản chiếu ánh lửa đỏ từ trái tim yêu thương.

Về nhiệt tình, gợi hình ảnh lửa là bày tỏ sự tôn vinh quý trọng đặc biệt. Trong sách Panchatantra của Ấn Độ thế kỷ II, hình ảnh lửa còn xếp cả trên ‘người yêu’ và ‘người hiền’:

“Ngọn lửa trong mùa lạnh là báu vật,
“Nhìn thấy mặt người yêu là báu vật,
“Xã hội những người chân chính là báu vật”.

Nhiệt tình có vị trí và vai trò đặc biệt. Nó vừa như khởi điểm, nguồn căn, vừa như phương tiện, hành trang trên đường hướng tới đích cuối. Như thế nhiệt tình như ‘điều kiện cần’ – thức ăn không thể thiếu để bù đắp năng lượng, duy trì sức mạnh thường trực cho tâm hồn.

Có khi nhiệt tình còn đóng vai trò kích thích tố: những công việc càng khó tức càng nhiều thách thức thì khi đi qua ‘lăng kính nhiệt tình’ sẽ như được cấp thêm chất kích thích nên sẽ chiếu lên thành hứng thú càng mạnh hơn, thành sự trầm tĩnh lúc thực hiện.

Nhưng trên hành trình tới đích kia, có khi nhiệt tình toả sáng như một trái tim nhiệt thành, nên được coi là bản thân đích cuối nữa

Sự biểu lộ của nhiệt tình từ nội tâm ra bên ngoài bằng những hành vi nhiệt thành, những động tác vị tha như quan tâm, giúp đỡ, hay giản đơn chỉ mới là đàm luận với mọi người một cách hứng thú.

Cần quan tâm các phương pháp cụ thể vun bồi nhiệt tình. Phương pháp lặp đi lặp lại nhiều lần những hành vi nhiệt thành ấy đến mức chúng trở thành nếp sống, thói quen tốt và bền chắc.

Vẫn biết rằng gốc nhiệt tình là từ tâm hồn, rằng để nâng cao nhiệt tình thật cơ bản, phải nâng tâm hồn. Song để ‘khởi động’ hoạt động nhiệt tình đầu mỗi ngày ta có thể và rất nên nhờ thể dục buổi sáng đã luyện thành nếp.

Nhiệt tình có lúc khá mỏng manh do chưa thành hẳn nếp sống, nên có thể tan biến mất, ví dụ chỉ do bị chế nhạo hoặc do đau thương... Hiểu như vậy để đúng lúc vực nhiệt tình dậy, nhen nhúm lại lửa nhiệt tình.

Có ngọn lửa của dòng họ, của dân tộc tự ngàn xưa lưu truyền lại, của toàn cộng đồng lớn và nhỏ truyền nhiệt tình sang chúng ta, để chúng ta lại sẽ tiếp tục chuyển nó đi tới phía trước trong cuộc chạy tiếp sức bất tận của ngọn lửa thiêng bất diệt . Đó là quy luật của ‘kế thừa thế hệ-nòi giống trường tồn’.

NIỀM SAY MÊ, như ta nghiệm thấy, thường đi sóng đôi với lửa nhiệt tình, tựa như hệ quả của nhiệt tình nữa. Có lửa nhiệt tình mới có niềm say mê. Ngọn nguồn của say mê là lửa nhiệt tình.

Say mê là một đặc điểm của tâm hồn được nâng cao, lại làm động lực cho việc nâng cao không ngừng tâm hồn. Làm động lực cho tâm hồn hàng ngày đạt hiệu quả tối ưu và đạt sự tự bằng lòng.

Có niềm say mê thì mới đạt được sức bật vươn lên có thể làm nên việc lớn lao. F.Hegel nói:“Trên đời này, chưa có việc lớn nào hoàn tất mà không nhờ say mê”.

Hai bí quyết sử dụng say mê. Một bí quyết là tận dụng ưu thế của say mê kết hợp với thời cơ-điều kiện-địa bàn-sân chơi để luôn luôn phác thảo ra những kế hoạch mới, chúng lại quay lại cuốn hút và đẩy cao thêm niềm say mê, tạo nên cảm giác tuyệt vời - hạnh phúc, cảm giác an bình vững vàng trong lòng về kế thừa thế hệ. ‘Kế hoạch mới’ ấy, ban đầu có thể chỉ là dạng một ước mơ. Thậm chí như một giấc mơ đẹp, nhưng hãy giữ lấy nó và hãy biến thành hiện thực. Lời khuyên rất từng trải là: Bạn hãy trân trọng và nuôi dưỡng ước mơ của bạn!

Nhưng bí quyết thứ hai kèm theo là không nên quá nhiều ước mơ tản mạn mà hãy tập trung xoáy sâu vào ‘tiêu điểm’ bằng tất cả sức mạnh cơ bản.

Hai bí quyết ngăn chặn xu hướng sai về say mê. Bí quyết thứ nhất là phải không ngưng say mê – say mê một cách bền bỉ kiên trì để ngăn kiểu hời hợt chóng mê - chóng chán, kiểu đòi bằng được ngay đấy - rồi bỏ ngay đấy. Bí quyết thứ hai là không bị tính ‘nhạy cảm’ mềm yếu uỷ mị thậm chí ngả xu hướng ‘mau nước mắt’ ngự trị ta. Ngược lại cần, rất cần sự soi đường của lí trí, tỉnh táo gạt mọi mù quáng để hoàn toàn làm chủ bản thân.

Một dạng đặc thù của say mê là cảm hứng. Trong những loại hình công việc đặc biệt như sáng tạo thi ca, hội hoạ, phát minh ... thì không thể vắng cái cảm hứng ấy. Không có một sáng tạo văn học nghệ thuật đích thực nào lại không do niềm say mê tới mức tạo nên cảm hứng mãnh liệt. Mà cảm hứng mãnh liệt ghép trên một thiên tài và trúng một bối cảnh và thời điểm thích ứng nhất mới tạo nên câu ‘thần’ thơ, nét ‘thần’ họa .. Cảm hứng không những quý báu và cần thiết cho sáng tạo văn học nghệ thuật, mà cả cho sáng tạo khoa học kỹ thuật. Và cũng rất quý và cần cho cải tiến trong mọi nghề nghiệp, bất luận nghề lao động trí óc hay chân tay. Nó dẫn đến nghề tinh thông (còn ‘vinh’ nào bằng ‘nhất nghệ tinh’). Và càng rất cần cho cải tiến thành tích trong thi đấu thể thao, không khác gì trong nghệ thuật vậy. Đầu năm 2002, chuyện kể cô gái 24 tuổi, 39 cân - võ sĩ Thúy Hiền được bình chọn nhân vật số 1 của thể thao Việt Nam, dẫn đầu danh sách 10 vận động viên tiêu biểu năm 2001, mà đây là liên tiếp lần thứ 6 rồi! Một cơ thể lúc nào cũng như hết hơi do luyện tập cao độ, “nhưng khi bước vào thảm đấu lại ‘bốc’ đến vậy” (lời của Thúy Hiền); cái ‘bốc’ đó là gì nếu không phải là một cảm hứng đặc biệt.. do niềm say mê cao độ của lửa nhiệt tình ở tâm hồn đầy nghị lực.

LẼ SỐNG

Xác định lẽ sống có khi rất dễ dàng đơn giản, đương nhiên tựa như không khí, ánh sáng chẳng hạn. Nhưng nói chung, việc xác định lẽ sống, sẽ rất thuận lợi nếu có hiểu biết về triết lí ‘nhân sinh’. Cũng có khi cần phải vận dụng đến cả những ý niệm trang trọng ví dụ như ý niệm về “suốt cuộc đời đã làm được gì để lúc nhắm mắt xuôi tay không phải hổ thẹn” vì trong con tim, trong ánh mắt đã có ít nhiều kết quả cụ thể của những mục tiêu-những khát vọng một đời.

Các MỤC TIÊUmỗi lúc và cả cuộc đời vừa mới nêu đều phục vụ cho lẽ sống nói trên. Có một hay nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là những mục tiêu có thể, và rất cần được liên tục điều chỉnh, bổ sung, nhưng không bao giờ được phép vắng bóng, hoặc mờ nhạt. Và càng không được nêu suông, quên lời hứa thực hiện. Chính vì cuộc sống là hẹn ước mà ta phải thực hiện lời hứa. Do đó yêu cầu không thể thiếu là không ngừng xác định các mục tiêu:

Những mục tiêu chủ yếu ấy có thể là: mục tiêu vì con cái, hoặc vì cha mẹ, người thân khác. Có thể là phụng sự nghề nghiệp hoặc sự nghiệp chủ yếu của bản thân. Có thể là góp phần lo cho tha nhân giảm đói nghèo, đỡ khổ, vượt khỏi sự sa sút nhân phẩm. Lại có thể quảng đại hơn, góp phần vào sự nghiệp của nhân quần nói chung, chống tệ nạn tham nhũng, làm cho đời sống của cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, phải có các mục tiêu vì chất lượng cụ thể của cuộc sống tinh thần bản thân. Ví dụ như đạt các bí quyết tự hài lòng và sự thanh thản tâm hồn, đạt chất lượng sống của bản thân, đạt những mục nào với mức độ nào lấy từ ‘Nội dung rèn luyện’ (đã nêu trên), tự nâng cao trình độ chuyên môn những mặt cụ thể và bậc cụ thể nào v.v...

Nhưng có một mục tiêu đặc biệt: khai thác phần nào tiềm năng những khả năng to lớn mà thực ra mỗi con người có thể đạt tới.

Đúng là mỗi cá nhân con người ta, nói chung, còn bỏ uổng phí rất nhiều kho báu ở dạng chưa khai phá ấy vì ít ai nhận thức rõ bản thân cùng những tiềm năng nào còn lặn ẩn chưa khai thác.

Song nếu đã nhằm mục tiêu này thì phải nỗ lực lớn và bền bỉ. Tuy tâm hồn có quyền lực bao trùm và có khả năng to lớn, nhưng đó là khi tâm hồn được rèn luyện nâng cao, khi sức mạnh tinh thần được phát triển. Trong nỗ lực vừa nêu không quên tận dụng 3 thói quen cơ bản-bản lề ví dụ điều khiển tư tưởng trong mỗi hành động’, đi tới làm chủ bằng được mọi hành vi của mình. Và nên nhớ: Không một giây phút nào sao nhãng mục tiêu đã vạch là ‘phát huy tận cùng tài năng dù nhỏ mà cá nhân mình có thể có’

Nói “phát huy tận cùng” tức nỗ lực, nhưng không có nghĩa là phải ‘cực đoan’ đưa ta tới quá sức. Một ví dụ cực đoan ở đây là ngỡ rằng “công việc và rèn luyện là tất cả”. Như thế là quên rằng cuộc sống luôn đa dạng hứng thú, rộng mở và sắp đặt có trật tự tự nhiên. ‘Sống’ còn bao gồm thư giãn, nghệ thuật, du lãm.., rồi bạn bè, gia đình mà ai ai cũng có nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ và ai ai cũng được ân sủng dành một khoảng thời gian xứng đáng để cùng hưởng thụ hạnh phúc bên nhau.


Và còn một mục tiêu đặc biệt nữa - mục tiêu ‘VUN XỚI MÔI TRƯỜNG TÌNH CẢM’. Vun xới môi trường tình cảm là một trong các công việc có tầm quan trọng bậc nhất trong mỗi con người và bao trùm thời gian cả đời người. Môi trường tình cảm được chăm chút vun xới chu đáo hoàn hảo, điều đó phải luôn luôn là mục tiêu ở ngay trước mắt của mỗi một người, không trừ ai. Vì sao vậy?

Dù ta có thiên về duy lí cực đoan đến bao nhiêu, ta cũng phải thừa nhận rằng mọi hành động của loài người chúng ta, khác với muôn loài, đều liên quan tới một động lực nền tảng là tình cảm. Nó có tác dụng và ảnh hưởng thật bao quát, lại rất đa dạng, phong phú, và vô cùng tinh tế nữa, do đó con người có thể trở nên cao thượng, thuần khiết mà tâm hồn có thể thăng hoa.

Sinh trưởng, phát triển tâm hồn là trong một môi trường tình cảm nhất định, và trong mối giao lưu, kết nối, liên thông đa dạng trọn vẹn với môi trường ấy. Bản chất vấn đề là sự dung thông (giao lưu toàn diện và triệt để) trong sự chung sống, cùng thời đại và có thể cả khác thời đại nữa. Bởi vậy nên đòi hỏi cái tâm luôn ân cần lịch lãm tế nhị và sẵn sàng giúp đỡ đối với mọi người. Ví dụ gặp khi người thân gặp chuyện chẳng lành (bất hạnh, sai lầm…), tâm khiến ta phải chân thành an ủi, giúp đỡ, khuyên bảo, có đâu khoanh tay đứng ngoài cuộc! Còn như nói tế nhị là ví dụ như tránh suồng sã trong sự chung sống, ngay cả giữa vợ chồng cũng cần có khoảng cách thích đáng để tạo cho nhau cảm được, hiểu được những nét đẹp đẽ thăng hoa lãng mạn và cả hài hước nữa.


Cũng vì xuất phát từ mục tiêu vừa nêu mà tâm mỗi người phải tránh thù hận. Rũ bỏ thù hận. Không có chỗ và thời gian dành cho thù hận cá nhân. Chỉ có thời gian để thương yêu. Thương yêu như bó đuốc vượt qua được những chặng ô nhiễm tăm tối, tạo lại môi trường tình cảm ngời ngợi sáng.

Mục tiêu này hỗ trợ cho các mục tiêu khác khiến cho cuộc đời có lẽ sống và lí tưởng đầy ý nghỉa.

HỌC TẬP VÀ TÂM HỒN

Rèn luyện từ gốc tâm hồn phải nhờ một phương tiện không thể thiếu, đó là học tập. Không thể nuôi dưỡng tâm hồn nếu không học. Nhưng ‘phương tiện’ mà nhiều khi lại đích thị là cái đích. Học tập được xếp vào vị trí đích của tu luyện vì học tập chính là bản thân chân thiện mĩ, là niềm vui ngộ giác, là đối tượng của say mê thanh cao và bất tận, là bản thân niềm say mê khám phá những bí ẩn cuộc sống, là sự hưởng thụ và gìn giữ vô vàn báu vật của cuộc đời. Nói gọn, học tập là chất lượng cuộc sống, còn là sự giải thoát phơi phới của tâm hồn. Vậy học tập cũng được xếp vào vị trí “mục tiêu” nói riêng và “lẽ sống” nói chung (đã bàn ở trên).

Nếu không hiểu cái đẹp và tác dụng ích lợi to lớn của học hành, không luôn coi học có tầm quan trọng hàng đầu, thì khó có được tri thức. Tri thức, trí tuệ càng sâu sẽ càng góp phần quan trọng nuôi dưỡng-nâng cao tâm hồn, tạo tinh thần phóng khoáng, tạo điều kiện thực hiện lẽ giao lưu phổ quát.

Học tập thì mới thực thi thuyết dung thông (giao lưu kết nối) được. Mà bản thân quá trình học tập thực chất cũng là quá trình dung thông? Đúng vậy. Ít nhất là giao lưu dung thông hai chiều thuận nghịch: tiếp nhận vào và gửi phát ra.

Tiếp nhận dòng giao lưu không chỉ ở trường lớp mà cả mỗi khi tò mò tự tìm tòi học hỏi. Tiếp nhận ấy có thể theo chiều dọc hay chiều ngang: nhận dòng giao lưu dọc (lịch đại) tức tiếp nhận từ quá khứ; và nhận dòng giao lưu ngang (đồng đại) tức tiếp nhận từ khắp mọi nơi (nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới phẳng hiện nay).

Còn phát ra dòng giao lưu nữa, nhiều khi chỉ là tiếp tục chuyển đi dòng giao lưu mới tiếp nhận trước đó. Một phần các kiến thức, tư duy, phẩm hạnh tiếp thu được (học hỏi được) là để truyền lại hoặc để dựa vào đó mà sáng tạo tiếp (tức có đóng góp mới các số liệu và ý kiến của riêng mình) tức phát ra dòng giao lưu, cũng như sự phản hồi trở ra tới mọi người (giao lưu ngang- đồng đại), có thể tới cả các thế hệ tiếp sau nữa (giao lưu dọc- lịch đại), nếu có thể.

Như vậy là giao lưu không chịu chỉ một chiều mà giao lưu có thuận nghịch, khép kín vòng giao lưu, có như thế mới trọn nhẽ, phải đạo, đúng luật.

Không những học, mà dạy cũng là giao lưu. Hơn nữa, nếu ở đây, trong sự dạy và học này, ngoài nội dung những điều học, giữa hai phía – người dạy và người học – còn có cả sự giao lưu về những mặt khác ví dụ giao lưu nhanh nhạy và đầy đủ về mức độ hiểu và về ấn tượng tiếp thu thì không những kết quả dạy và học mà cả trình độ sư phạm của thầy và trình độ học hỏi của trò cũng ngày càng hoàn hảo hơn lên mãi.

Còn tiếp >>

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nghĩ về dưỡng chất tâm hồn cho tuổi trẻ hôm nay

    04/03/2018Nguyên CẩnVì sao tuổi trẻ hôm nay bị "suy dinh dưỡng tâm hồn"? Vì sao khi hai người cùng ngắm nhìn bầu trời đêm qua những chấn song cửa, một người chỉ thấy toàn màu đen, còn người kia lại thấy những vì sao lấp lánh?...
  • Đời sống tinh thần người Việt trong xã hội hiện đại

    04/04/2016Quỳnh Nhi thực hiệnĐời sống tinh thần người Việt trong xã hội hiện đại là một vấn đề đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ. Những năm gần đây, làn sóng toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế đã khiến cho nhiều dân tộc, trong đó có người Việt chúng ta, đôi khi đứng trước những lựa chọn khá nan giải. Hình ảnh người Việt sẽ như thế nào sau vài ba chục năm nữa đi theo tiến trình toàn cầu hóa?
  • Con người - Đời người - Làm người

    28/03/2016TS. Hồ Bá ThâmĐây thật sự là vấn đề triết học nhân văn mà chưa thấy bàn nhiều ở nước ta với một tư cách là một chuyên đề độc lập trong các giáo trình và các chuyên luận. Hồ Chí Minh cho rằng: mọi vấn đề qui đến cùng là vấn đề ở đời và làm người. Các triết học và tôn giáo ít hoặc nhiều đều động chạm đến vấn đề đó với các góc độ, khía cạnh khác nhau...
  • Bản chất và quy luật của đời sống tinh thần

    11/10/2014Đào Duy ThanhTrong lịch sử nhận thức của loài người, do các cách nhìn và cách tiếp cận khác nhau mà các trường phái triết học đưa ra những quan niệm khác nhau về khái niệm "Tinh thần". Phái duy tâm khách quan nhìn thấy yếu tố tinh thần từ bên ngoài con người, còn duy tâm chủ quan lại nhìn thấy yếu tố tinh thần từ trong chính bản thân con người...
  • Lớp “Học làm Người” giữa lòng TP.HCM

    20/11/2012Tại số nhà 48 Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình (TP.HCM) có một trường học mang tên Trường Hán Nôm Nguyễn Trãi. Nói là “trường học” nhưng thực chất chỉ có mỗi một phòng rộng khoảng chừng 100 m2. Trường chỉ có duy nhất một giáo viên, vừa giảng dạy, vừa kiêm chức hiệu trưởng...
  • Cải cách giáo dục bắt đầu từ dạy làm người

    30/03/2009"Phải làm triệt để. Tất cả các em đến tuổi phải học hết tiểu học, học đàng hoàng, và phải dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học phải xứng đáng là những thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội". - GS Trần Văn Thọ
  • Sức quyến rũ của tâm hồn

    11/05/2008Trịnh Trung HòaCó lẽ chẳng ai không muốn người bạn đời của mình xinh đẹp. Ca dao ngày trước còn hát: “Cơm tám ăn với chả chim. Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn mà no”. Có anh còn nói: “ Lấy được vợ đẹp đi làm vất vả về, chỉ cần vợ đứng đón ở cửa cười một nụ cười mê hồn là tiêu hết mệt nhọc”. Vâng, có thể như thế thật nhưng vấn đề là liệu người đẹp có cười không hay vừa nhìn thấy chồng đã cau có, giận dỗi, mặt ủ mày ê, đến nỗi thoạt nhìn thấy đã muốn…ngất xỉu...
  • Làm người

    28/04/2008Tiểu phẩm của Xuân GiangĐảo một vòng qua các kệ chẳng thấy, tôi vừa tính quay ra, gã chủ cửa hàng sách cũ đã bước đến đon đả: - Thưa… ông định tìm loại sách nào? - Ở đây có sách dạy làm người không?
  • Học để làm người và học để sống với nhau

    23/05/2007Sự mở rộng kinh tế thị trường vừa tạo điều kiện vật chất cho con người nhưng cũng đang tạo ra những thách thức gay gắt về đạo lý, về cách hưởng thụ văn hóa và thành tựu của văn minh, khoa học kỹ thuật. Đổi mới giáo dục ở nước ta nhất thiết phải bắt đầu từ bên trên, từ chuyển động ở cấp vĩ mô...

  • Phải dạy làm người

    24/02/2006Mai Chí ThọSinh thời, khi xem chương trình của chín lớp tiểu học và trung học cơ sở, Bác Hồ đã phát biểu: “Sao dạy làm người ít quá”.
  • Đạo kinh doanh cũng là đạo làm người

    02/02/2006Vốn là cán bộ đoàn, học sư phạm, tôi làm doanh nhân do… thời thế. Gọi nôm na là nghề chọn mình. Không được đào tạo bài bản, chỉ qua trường đời. Từ thực tiễn tôi có một góc nhìn riêng về đạo đức kinh doanh...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác