Các siêu dự án và nguy cơ nợ nần

10:05 SA @ Thứ Sáu - 25 Tháng Sáu, 2010

Một người, một doanh nghiệp thiếu vốn mà vay được tiền để làm ăn là một điều không dễ, song rất nên làm nếu công chuyện làm ăn có hiệu quả. Nếu các dự án có hiệu quả, tức là sau khi hoàn thành và trừ mọi chi phí vẫn còn lời, thì vay được càng nhiều để thực hiện các dự án như vậy càng tốt.

Tỷ lệ của tổng số tiền vay để làm một dự án trên số tiền riêng của chủ sở hữu dùng cho dự án đó được gọi là tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Tỷ lệ đòn bẩy càng cao thì tỷ lệ lời (hay lỗ) trên vốn của chủ sở hữu càng lớn. Nếu dự án hiệu quả, thì vay được càng nhiều càng tốt. Nếu dự án không hiệu quả (lỗ) thì chủ sở hữu có thể sạt nghiệp rất nhanh chóng hay chủ nợ có thể mất tiền vì người vay phá sản và không có gì để trả.

Nợ công thực sự ở Việt Nam là bao nhiêu? Có nhiều số liệu không nhất quán… Hãy nhớ lại kinh nghiệm của chính mình và bài học của những người khác.

Rắc rối là ở chữ “nếu”. Chúng ta chỉ biết hiệu quả của dự án sau khi dự án đã hoàn thành. Trước đó tất cả chỉ là dự đoán. Mà dự đoán rất hay bị sai. Có các dự án có hiệu quả, có các dự án không. Đấy là chuyện bình thường, là chuyện hằng ngày mà chúng ta phải đối mặt và quản lý rủi ro là câu chuyện hàng đầu của những người kinh doanh.

Đối với một nước cũng vậy. Vay được tiền để xây dựng đất nước là việc rất tốt. Song luôn phải tính đến khả năng thực của mình (kể cả khả năng quản lý, khả năng tiêu tiền) và, quan trọng nhất, là phải tiêu tiền vay một cách hiệu quả. Nếu không, sẽ đẩy đất nước vào cảnh nợ nần. Tỷ lệ nợ công trên GDP là một chỉ số tổng hợp có ý nghĩa nào đó gần giống tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Tỷ lệ ấy càng cao, rủi ro càng lớn. Công nợ trên 40% GDP được coi là không an toàn.

Nợ công thực sự là bao nhiêu?

Nhưng nợ công thực sự ở Việt Nam là bao nhiêu? Có nhiều số liệu không nhất quán.

Theo Bộ Tài chính, ở thời điểm 30-6-2009, nợ nước ngoài của Việt Nam bằng 29,8 % GDP (23,6 tỷ USD). Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngày 20-5-2010 nói “Dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia nằm trong giới hạn an toàn” nhưng không thấy nêu con số.

Người ta nói tổng số dư nợ công đến cuối năm 2009 của Việt Nam khoảng 44,7% GDP, trong đó nợ của Chính phủ là 35,4% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 7,9% GDP và nợ của chính quyền địa phương là 1,4% GDP.

Theo The World Factbook (tạm dịch: Sách Sự kiện Thế giới) của một tổ chức chính phủ ở Mỹ, nợ công ở Việt Nam năm 2008 ở mức 38,60% GDP nhưng năm 2009 đã tăng rất nhanh, lên mức 52,30% GDP, đứng hàng thứ 44/129 quốc gia về nợ nần. (Vẫn theo phân loại trong cuốn sách này, mức nợ công thấp nhất là 1,1% và mức cao nhất là 304,3% GDP; có 44 quốc gia có nợ công trên 50% GDP).

Nếu thực hiện đầu tư các siêu dự án như hệ thống cảng biển 5 tỷ USD, điện hạt nhân hơn 10 tỷ USD, sân bay Long Thành 12 tỷ USD, 18 tuyến đường cao tốc 48 tỷ USD, đường sắt cao tốc 56 tỷ USD, dự án xây dựng Thủ đô 60 tỷ USD v.v..., không biết nợ công của Việt Nam sẽ ở mức nào?

Mỹ là nước mang tiếng nợ nần nhiều nhất nhưng nợ công chỉ chiếm 39,70% GDP. Trong các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ Philippines có nợ công cao hơn Việt Nam. Tại châu Âu, Hy Lạp đã thực sự vỡ nợ và phải cầu cứu đến gói cứu trợ 120 tỷ euro của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước thuộc Vùng Euro (Euro Zone). Cuối năm 2009, nước này có mức nợ công chiếm 108,10% GDP.

Điều đáng chú ý là nợ công của chúng ta tăng rất nhanh, trong khi hiệu quả chi tiêu, hiệu quả đầu tư không cao, nạn tham nhũng tràn lan và nạn khát đầu tư của các cơ quan nhà nước vẫn không hề dịu đi.

Minh chứng là các siêu dự án được đưa ra tới tấp như dự án đường sắt cao tốc gần 56 tỷ USD của Bộ Giao thông Vận tải đang được Quốc hội Khóa XII, Kỳ họp thứ 7, xem xét, và dự án quy hoạch chung Hà Nội của Bộ Xây dựng, chỉ tính đầu tư cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030, khoảng 60 tỷ USD…

Một số quan chức vẫn lạc quan, thậm chí có người còn cho rằng “nếu nợ công cao hơn nữa, vẫn đảm bảo trong giới hạn an toàn cho phép”. Nhưng số liệu cụ thể thì không nêu, giới hạn an toàn cũng chẳng công bố. Thậm chí có người còn nói người ta nợ cả 80%-100% GDP có sao đâu (!?).

Nếu coi 40% GDP là giới hạn an toàn thì dường như chúng ta đã vượt quá rồi. Đó là chưa kể đến các khoản sẽ phải vay nếu các siêu dự án được tiến hành.

Hãy nhớ lại kinh nghiệm của chính mình và bài học của những người khác.

Từ 1993 đến 2003 chính Chính phủ Việt Nam đã phải rất vất vả để cơ cấu lại nợ nước ngoài. Đó là việc xử lý với IMF (1993); xử lý nợ chính thức qua Câu lạc bộ Paris (1993); xử lý nợ thương mại qua Câu lạc bộ Luân Đôn (1998); xử lý nợ với các nước chủ nợ song phương khác. Tổng cộng giảm được trên 11 tỷ USD nghĩa vụ nợ nước ngoài.

Hãy ngó tình hình bất ổn của Hy Lạp không biết bao nhiêu năm nữa mới thoát được ra.

Sẽ chẳng ai xóa nợ cho con cháu chúng ta; và con cháu chúng ta cũng chẳng cần phải làm vậy nếu chúng ta, thế hệ hiện tại hành động có trách nhiệm hơn.

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Công trình nghiên cứu khoa học... để làm gì?

    08/12/2009Nguyên NgọcVừa rồi tôi có được đọc một bài báo rất đứng đắn nói về sự lãng phí trong nghiên cứu khoa học đang phổ biến ở nước ta hiện nay. Phải nói đây không phải là bài đầu tiên nhắc đến chuyện này, và cũng như rất nhiều lần trước đây, tất cả những điều nêu ra ở bài báo này về tình trạng đáng buồn trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay ở ta đều đúng
  • Thành công là một cuộc hành trình

    27/12/2008John C. MaxwellBạn đã khởi hành như thế nào trong cuộc hành trình tìm kiếm thành công ? Bạn cần trang bị những gì để đi đến thành công? Có hai điều bạn cần phải có đó là: một quan niệm đúng đắn và các nguyên tắc thích hợp để thực hiện. Vua Solomon của người Israel cổ đại, vị vua nổi tiếng thông thái và giàu có từng nói: “Những ai ham thích tiền bạc sẽ không bao giờ cảm thấy đủ, và những ai khao khát sự giàu có sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình kiếm được”. Vậy thành công đích thực là gì?
  • Sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến

    20/06/2008Nguyễn Bình GiangMơ hồ về tính chất khốc liệt và tàn bạo của cuộc chiến tranh kinh tế sẽ phải trả một giá rất đắt, trong đó phải kể đến các cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, sự mất mát các tài sản quốc gia, sự phá sản hàng loạt các doanh nghiệp trong đất nước, và quan trọng hơn là mất quyền điều hành kinh tế siêu vĩ mô của nước đó...
  • Phát triển kinh tế tư nhân

    17/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupKinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng cấu thành toàn bộ nền kinh tế. Nhiều quốc gia mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của hình thức kinh tế này và tích cực phát triển nó như một công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế...
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

    19/11/2005Nguyễn Vĩnh ThanhHiện nay, sự cạnh tranh trên thị trường của các thành phần kinh tế ngày càng gay gắt, khốc liệt. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam là một nội dung cần được quan tâm...