Các vị thần Hy Lạp

03:52 CH @ Thứ Tư - 10 Tháng Tám, 2005

Thưa tiến sĩ Adler,
Gần đây tôi có đọcIliad của Homer và thấy bị xúc phạm hết sức trước những câu chuyện kể về những vị thần của người Hy Lạp. Người Hy lạp có thể tôn sùng những vật tầm thường, vô luân, keo bẩn, và lố lăng như vậy sao? Hay là Homer muốn công kích tôn giáo ở thời đại ông? Nếu có những vị thần như thế, nó hoàn toàn đáng bị công kích.

H.H.

H.H. thân mến,

Bức thư của bạn nêu lên, thứ nhất, một câu hỏi mang tính lịch sử về mối liên hệ giữa Homer với sự phát triển của tôn giáo Hy Lạp; và thứ hai, một câu hỏi mang tính triết học về nội dung đạo đức của tín ngưỡng tôn giáo.

Để trả lời câu hỏi thứ nhất, kiến thức lịch sử hiện đại cho chúng ta biết rằng những câu chuyện của Homer thuộc về một giai đoạn đến sau của tôn giáo Hy Lạp. Tôn giáo trước đó xoay quanh các lực lượng tự nhiên, các thần linh ở chỗ này chỗ kia, những nghi lễ ma thuật, và sự thờ cúng người chết. Vào thời Homer các lực lượng tự nhiên khoác hình thức con người. Zeus, Apollo(1), và Poseidon(2)không chỉ là Bầu Trời, Mặt Trời, và Biển; mà họ còn có những cá tính xác định. Homer đưa tiến trình tự nhiên này đi xa hơn, làm cho sự cá tính hóa cụ thể hơn và tổ chức đưa đám đông hỗn độn các vị thần địa phương vào Đền Bách Thần(3). Từ thủ phủ(4)của mình trên đỉnh Olympius(5)các vị thần kiểm soát mọi hoạt động của loài người, và loài người cố lấy lòng thần linh bằng những lễ hiến tế và cầu nguyện.

Giá trị to lớn từ những câu chuyện của Homer, theo một số người diễn giải, là sự thống nhất mà nó tạo ra được trong văn hóa Hy Lạp. Nhưng nội dung đạo đức của những câu chuyện này đặt ra một vấn đề nghiêm túc cho những con người bình thường thời nay, như nó đã từng đặt ra cho các triết gia cổ đại. Plato cũng bối rối như bạn bởi chân dung các thần linh trong nhiều bài thơ của Homer.

Một phần nội dungcuốnRepublic(6)dành để chỉ trích tác động suy đồi của những tác phẩm như vậy đối với giới trẻ. Plato đặc biệt tức giận khi đọc câu chuyện Cronus(7)bắt trói và tùng xẻo cha mình là Uranus(8), và những chuyện thông dâm, lừa đảo, cùng những hành vi bịp bợm tai quái khác của các vị thần của Homer:

“Đó là những câu chuyện không nên để lập lại trong Nước Cộng hòa chúng ta. Những người trẻ không thể được dạy bảo rằng khi phạm những tội ác nghiêm trọng nhất anh ta không làm điều gì thái quá; và rằng… anh ta sẽ chỉ làm theo gương của vị thần đầu tiên và vĩ đại nhất trong số các thần linh”.

Ý kiến chống lại những câu chuyện này trong nước Hy Lạp cổ đại không giới hạn trong các triết gia. Chúng cũng gây nên sự căm phẫn cho các nhà thơ đến sau. Pindar(9)nói: “Cái vốn trí thức của nhà thơ này thật là đáng ghét, nó toàn thốt ra những lời phỉ báng thần thánh.” Còn Euripides(10)nói: “Nếu thần thánh mà làm điều gì đê tiện, thì đó không phải là thần thánh”.

Vậy thì, chúng ta sẽ nhận thế nào đây quan điểm cho rằng Homer là nhà giáo dục của Hy Lạp, chuẩn bị cho sự nở rộ của văn hóa Hy Lạp? Chúng ta sẽ nhận thế nào đây các trước tác của HomerHesiod(11)(người cũng kể nhiều chuyện về những hành vi vô luân của các vị thần) như là sản phẩm Hy Lạp tương đương với Kinh Thánh của chúng ta? Đây có thể là tôn giáo không?

Chúng ta không đối mặt với cùng loại câu hỏi như vậy trong truyền thống tôn giáo của chúng ta. Kinh Thánh không gán những chức năng giới tính cho thần thánh. Chỉ nhắc đến qua loa chuyện “những đứa con trai của thần linh” giao phối với “những đứa con gái của loài người”. Song of Songs(12)được diễn giải như một ngụ ngôn về mối quan hệ con người-Thượng Đế, nhưng thường được thưởng thức chỉ như bài tình ca say mê và mang đậm tính người.

Tuy nhiên, Thượng Đế được mô tả trong một vài đoạn Kinh Thánh là dữ tợn, không khoan thứ, và khát máu, và hiện ra trong nhiều hồi mà đối với chúng ta có thể nói là kinh tởm. Lệnh bắt Abraham giết Isaac, lệnh bắt người Do Thái ăn trộm châu báu của người Ai Cập, lệnh cho tiên tri Hosea(13)cưới người đàn bà phóng đãng – làm sao những việc này lại có thể gán cho Thượng Đế công chính? “Thiên Chúa không làm điều đúng đắn sao?”

Giống như một số nhà tư tưởng và nhà thơ Hy Lạp cảm thấy khó chịu trước sự miêu tả chân dung các vị thần trong tác phẩm của Homer, ngày nay nhiều người cũng cảm thấy khó chịu trước một vài câu chuyện trong Cựu Ước (chẳng hạn chuyện Lot(14)và các con gái của ông ta, và chuyện người dân thànhSodom(15)và những thiên thần). Trong số những người phản đối có cả những người sinh ra trong truyền thống Do Thái-Cơ Đốc, họ nghĩ rằng Kinh Thánh phải được trình bày cho con trẻ theo cách được chọn lọc một cách cẩn trọng, bởi vì đọc những câu chuyện như thế có thể gây ra những hậu quả tai hại về mặt đạo đức hoặc tâm lý. Cũng có những người ở ngoài truyền thống tôn giáo của chúng ta, họ trông đợi một bản kinh thiêng liêng chỉ đề cập đến những vấn đề tinh thần và mang tính giáo dục, họ thú nhận là bị sốc trước một vài tài liệu trong Kinh Thánh của chúng ta.

Tôi để bạn tự suy nghĩ xem người ta cao thượng hay cả tin khi phản đối Homer hoặc Kinh Thánh với những lập luận đó.

(1)Apollo:trong thần thoại Hy Lạp là vị thần của sự tiên tri, ánh sáng mặt trời, âm nhạc, và làm lành những vết thương, cũng được người La Mã sùng bái.
(2)Poseidon:
trong tôn giáo Hy Lạp là vị thần của biển và nước nói chung. Cái tên Poseidon có nghĩa hoặc là “cha của đất” hoặc là “chúa tể của mặt đất”.
(3)Đền Bách Thần
(Pantheon): là ngôi đền hình tròn ở La Mã được xây xong vào năm 27 tr. CN để thờ tất cả các vị thần, về sau, từ năm 609 được giáo hội Cơ Đốc giáo sử dụng.
(4)Nguyên văn:
GHQ, viết tắt chữ General Headquarters.
(5)Olympius:
ngọn núi cao nhất (2.917m) ở Hy Lạp, nằm ở phía Bắc nước này. Theo thần thoại Hy Lạp, đây là nơi ở của các vị thần.
(6)Republic
(“Cộng hòa”): tên một tác phẩm của triết gia Plato.
(7)Cronus
: trong thần thoại Hy Lạp là cha của thần Zeus.
(8)Uranus:
trong thần thoại Hy Lạp là vị thần cai quản bầu trời, chồng của Gaia, và cha của 12 người con.
(9)Pindar(sống 522? – 443 tr. CN): nhà thơ trữ tình của Hy Lạp. Tác phẩmTriumphal Odes
(“Những bài thơ khải hoàn”) đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
(10)Euripides(480? – 406? tr. CN): ông là nhà viết kịch vĩ đại của Hy Lạp đứng thứ ba sau Aeschylus và Sophocles.

(11)
Hesiod:
nhà thơ Hy Lạp, sống khoảng thế kỷ thứ 8 tr. CN.
(12)Song of Songs: trong Cựu Ước còn gọi làSong of Solomon
(“Nhã ca”) gồm 8 bài thơ tình do Vua Solomon sáng tác.
(13)Hosea:
tác giả sách tiên tri Hosea trong Cựu Ước.
(14)Lot:trong Sáng Thế ký (Cựu Ước)Lot là con trai củaHaran;Haran
là em trai của Abraham.
(15)Sodom: trong Kinh Thánh (Cựu Ước)Sodom là thành phố suy đồi tội lỗi bị Chúa trừng phạt đem lửa thiêu hủy cùng với thành phốGomorrah.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: