Cải cách văn hóa

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
03:51 CH @ Thứ Bảy - 17 Tháng Chín, 2005

1. Bản chất của cải cách Văn hóa

Ông Federico Mayor, cựu Tổng giám đốc UNESCO có một định nghĩa về văn hóa mà chúng tôi rất tâm đắc, đó là "Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình". Theo chúng tôi, văn hóa là sản phẩm vi diệu nhất của loài người, nó hình thành và phát triển một cách kiên nhẫn, lặng lẽ nhưng mãnh liệt. Có thể hình dung sự hình thành và phát triển của văn hóa giống như sự lắng đọng của phù sa, âm thầm định hình và bồi đắp nên bản sắc dân tộc.

Văn hóa hình thành một cách khách quan, tự nhiên và mang trong mình tính lạc hậu tương đối. Cải cách văn hóa là giải pháp duy nhất để ngăn chặn những yếu tố lạc hậu tương đối của văn hóa xâm nhập và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, những tác động của con người đối với văn hóa có thể khiến nó phát triển theo hai chiều hướng hoàn toàn khác nhau. Nếu lợi dụng văn hóa như một công cụ chính trị, chúng ta sẽ kìm hãm sức phát triển nội tại của nó. Trong trường hợp ngược lại, những tác động hợp lý của con người có thể thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, biến nó thành chất xúc tác đối với các quá trình phát triển quan trọng khác.

Cải cách văn hóa không phải là một vấn đề hoàn toàn mới. Trong lịch sử, Lỗ Tấn từng có tham vọng cải cách văn hóa Trung Quốc. Nhiều người như ông ta đã tiếp cận một cách mong manh đến cái gọi là cải cách nền văn hóa của dân tộc mình. Thế nhưng, tất cả đều thất bại bởi không nhận thức được rằng, bản chất của cải cách văn hóa chính là làm thay đổi thái độ của con người đối với nghĩa vụ đóng góp của văn hóa vào trong đời sống phát triển.Cụ thể hơn, cải cách văn hóa chính là giải phóng văn hóa ra khỏi các định kiến chính trị, chấm dứt tình trạng sử dụng văn hóa như một công cụ để truyền tải các yếu tố chính trị bởi điều này không phù hợp với các đặc tính tự nhiên của đời sống văn hóa.

Vấn đề cải cách văn hóa cần được đặt ra một cách quyết liệt với các nước thế giới thứ ba, bởi dường như họ vẫn sa lầy trong những cái mình có mà quên đi những cái mình cần. Sự khép kín của văn hóa là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của căn bệnh hoài niệm này. Phải nhận thức rằng nếu không để văn hóa tiếp nhận một cách tự nhiên các yếu tố mới, nó sẽ tự xơ cứng và không thể đóng góp nghĩa vụ của mình trong đời sống hiện tại và cả đời sống phát triển. Nhiệm vụ của cải cách văn hóa là phải chỉ ra một thái độ khoa học, một thái độ triết học đúng đắn đối với sự tham gia của các yếu tố văn hóa trong đời sống.

2. Sự cần thiết phải cải cách văn hóa

Cải cách văn hóa để tạo ra sự bảo trợ tinh thần cho cải cách kinh tế và cải cách chính trị

Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ khi các nước thế giới thứ ba thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và giành được độc lập. Mặc dù, những nhà lãnh đạo đã tiến hành cải cách kinh tế và cải cách chính trị, nhưng đến nay, thế giới thứ ba vẫn ngập chìm trong lạc hậu, khổ đau và nghèo nàn. Thực trạng này khiến người ta bắt đầu đặt câu hỏi, các nước thế giới thứ ba còn phải làm những gì để thoát khỏi bi kịch của mình và không bị tụt hậu so với tiến trình phát triển của thế giới?

Không thể phủ nhận rằng toàn cầu hóa là cơ hội cho các nước thế giới thứ ba nhận ra những mặt yếu kém của mình, qua đó, tìm ra giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tốc độ phát triển. Trong suốt một khoảng thời gian dài, các nước thế giới thứ ba đã cố gắng khắc phục sự lạc hậu thông qua cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Tuy nhiên, các cuộc cải cách này luôn vấp phải một lực cản vô hình và do đó, không đạt được kết quả như mong muốn. Điều này khiến các nước thế giới thứ ba bắt đầu nhận ra rằng chính thái độ tiêu cực đối với văn hóa là yếu tố có sức cản lớn nhất đối với tiến trình phát triển, và do đó, cải cách văn hóa là giải pháp duy nhất để thoát khỏi "cái vòng luẩn quẩn" đã giam hãm các quốc gia này như một định mệnh.

Văn hóa lắng đọng một cách tự nhiên trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Nó có thể thâm nhập vào những cộng đồng khác, các nền văn hóa khác và tạo ra những nhận thức mới. Vì vậy, một nền văn hóa lạc hậu sẽ kéo theo sự lạc hậu của tất cả những thành tố còn lại của đời sống, và vì thế, nó sẽ trì níu sự phát triển của chính trị - kinh tế và hạn chế thành công của cải cách chính trị và cải cách kinh tế. Do đó, ngoài việc tiến hành cải cách chính trị và cải cách kinh tế, các nước thế giới thứ ba cần phải tiến hành cải cách văn hóa nhằm tạo ra một sự bảo trợ tinh thần cho thành công của cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Mặt khác, việc tiến hành cải cách văn hóa còn nhằm đảm bảo tính đồng bộ của bốn cuộc cải cách bao gồm cải cách kinh tế, cải cách chính trị, cải cách văn hóa và cải cách giáo dục. Nếu không tiến hành cải cách văn hóa, các nước thế giới thứ ba sẽ không thể thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu của mình, bởi sự lạc hậu của môi trường tinh thần sẽ tạo ra một sức cản rất lớn đối với tiến độ và tính triệt để của cải cách kinh tế, cải cách chính trị và cải cách giáo dục. Bốn cuộc cải cách này là bốn bộ phận có tính chất bánh lái của đời sống xã hội. Vì vậy, hệ thống chính trị nào điều tiết được bốn cuộc cải cách này một cách đồng bộ và linh hoạt, hệ thống chính trị ấy sẽ đạt đến trạng thái lý tưởng.

Tuy tiến công vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống, các cuộc cải cải cách này đều nhằm tạo ra một không gian tự do cho sự phát triển. Nếu cải cách kinh tế nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường tự do, cải cách chính trị nhằm đưa hệ thống chính trị tiệm cận nền dân chủ thì cải cách văn hóa sẽ đưa nền văn hóa đạt tới trạng thái mở. Bởi vậy, cải cách văn hóa hoàn toàn không kém phần quan trọng so với cải cách chính trị và cải cách kinh tế. Nếu không cải cách văn hóa, cải cách chính trị và cải cách kinh tế sẽ chỉ quẩn quanh với những thành tựu khiêm tốn.

Cải cách văn hóa - Hạt nhân của quá trình phát triển

Thực tế chỉ ra rằng, về mặt nhận thức, các nước thế giới thứ ba chỉ nghiên cứu văn hóa với mục đích bảo tồn và duy trì bản sắc, quên mất rằng việc nghiên cứu bản sắc văn hóa còn giúp mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng nâng cao năng lực phát triển. Trước đây, người ta tưởng rằng chỉ có các nước thế giới thứ ba mới lo sợ bị mất bản sắc văn hóa do sự cọ sát và tương tác giữa các nền văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Nhưng thực ra không chỉ riêng các nước thế giới thứ ba mà ngay cả một số nước châu Âu cũng mang trong mình nỗi lo ấy. Từ đó, có thể đi đến kết luận tất cả các nước lạc hậu trên quy mô thế giới luôn luôn có một bản năng đề kháng, ngăn chặn sự mất mát bản sắc. Bản năng này dường như đã trở thành một loại phản ứng tự nhiên phổ biến trong các quốc gia mà năng lực cạnh tranh kém một cách tổng thể hoặc một cách tương đối. Cải cách văn hóa sẽ chấm dứt nỗi lo không có thật cũng như phản ứng thái quá này. Xuất phát từ luận điểm này, chúng tôi cho rằng, văn hóa ngày càng đóng vai trò như điểm cốt lõi nhất của lý thuyết phát triển và cải cách văn hóa trở thành hạt nhân của quá trình phát triển.

Sở dĩ cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một dân tộc, là bởi sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp của nó đến tầng lớp trí thức ở các nước thế giới thứ ba. Trong nửa thế kỷ qua, một số ít người có tư tưởng tiến bộ ở các nước thế giới thứ ba đã đưa ra đòi hỏi tách văn hóa ra khỏi chính trị. Tuy nhiên, họ mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những đòi hỏi về phương diện chính trị thay vì biểu lộ nhận thức đổi mới và cải cách vềphương diện văn hóa. Mặt khác, đó chỉ là một số ít người so với đại bộ phận dân chúng thiên về chấp nhận sự ổn định tới mức trì trệ, và do đó, những tư tưởng và tâm huyết của riêng họ không đủ sức để tạo ảnh hưởng đối với tinh thần chủ đạo của các cộng đồng dân tộc.

Chỉ có cải cách văn hóa mới thực sự giải quyết được căn nguyên sâu xa của tình trạng lạc hậu ở các nước thế giới thứ ba, bởi một nền văn hóa mở sẽ buộc thể chế chính trị phải thay đổi. Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu của thế giới hôm nay, đã đạt được những thành công lớn lao không hẳn chỉ nhờ vào lực lượng quân sự hùng hậu, nền kinh tế tự do và thể chế chính trị dân chủ, mà còn vì đa số những người trí thức Hoa Kỳ đều bày tỏ quan điểm một cách dũng cảm về những điểm bất hợp lý và đấu tranh cho sự thay đổi. Trí thức ở các nước thế giới thứ ba hay trăn trở trước các vấn đề chính trị. Điều này là đáng quý và thực sự cần thiết. Nhưng nếu họ không tự xây dựng bản thân thành những người trí thức đúng nghĩa, mong ước và nỗ lực cải cách văn hóa theo hướng nâng cao tính mở của nền văn hóa, thì sự thay đổi chính trị, nếu xảy ra cũng không đi vào thực chất mà chỉ là những giải pháp tình thế.

Cải cách văn hóa để tránh sự xáo trộn trên quy mô toàn xã hội

Cách mạng hay cải cách là những phương thức tiệm cận khác nhau của con người đến sự phát triển nhưng ở mức độ khác nhau. Cải cách là một chuỗi các đổi mới thường xuyên, liên tục, chủ động và tạo ra một trạng thái phát triển uyển chuyển. Ngược lại, cách mạng là kết quả của sự phẫn nộ của xã hội đối với sự trì trệ và dẫn tới sự đổ vỡ trên quy mô toàn xã hội.

Văn hóa là một trường hợp ngoại lệ của quy luật nếu không tiến hành cải cách thì sẽ phải đối mặt với cách mạng, bởi không có sự sụp đổ của văn hóa (nếu không tiến hành cải cách), và chúng ta cũng không thể thay thế một nền văn hóa này bằng một nền văn hóa khác (thông qua một cuộc cách mạng), nên không có cái gọi là cách mạng văn hóa. Tuy nhiên, nếu không tiến hành cải cách văn hóa, tính lạc hậu của nó sẽ xâm nhập vào đời sống và gây ra những xáo trộn trên quy mô toàn xã hội. Cách mạng văn hóa Trung Quốc là một ví dụ điển hình để chứng minh luận điểm này. Trước tiên, phải khẳng định rằng, nền văn hóa Trung Quốc thời điểm ấy thực sự có vấn đề nhưng cách mạng văn hóa Trung Quốc không phải là một cuộc cách mạng về văn hóa mà là một cuộc cách mạng chính trị. Nói cách khác, cách mạng văn hóa Trung Quốc là một công cụ chính trị để các bè phái thanh trừng lẫn nhau. Trong khi các nhà lãnh đạo đang hả hê với chiến thắng và đắm mình trong men say quyền lực thì cả xã hội Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cách mạng văn hóa đã đẩy vô số nhân tài vào sự bế tắc, cùng quẫn và ảnh hưởng nặng nề đến nền văn hóa vĩ đại của quốc gia này, các di sản văn hóa bị huỷ hoại, tệ sùng bái cá nhân và giáo điều, tả khuynh tràn ngập. Chỉ đến khi cách mạng văn hóa chấm dứt (khoảng những năm 70 của thế kỷ trước), Trung Quốc mới bước sang một chặng mới, để lại sau lưng nó một trong những tấn thảm kịch ghê gớm nhất của lịch sử Trung Quốc và của nhân loại trong thế kỷ XX. Từ viện dẫn trên, có thể khẳng định rằng con người cần phải cải cách tất cả các lĩnh vực của đời sống, để hiện đại hóa các hệ thống đang tồn tại nhằm phục vụ trạng thái mới của đời sống phát triển.

3. Những nội dung căn bản của Chương trình cải cách văn hóa

Văn hóa hình thành một cách khách quan, tự nhiên và cải cách văn hóa là một quá trình chủ động, tuy nhiên, hoàn toàn không mâu thuẫn khi chúng ta đặt vấn đề cải cách văn hóa. Bởi sự chủ động không đơn thuần là người này tác động vào người kia mà còn là sự tác động vào chính mình và khuyến dụ mọi người chủ động tác động vào mình để cải cách thái độ đối với văn hóa. Quá trình này phải được bắt đầu từ việc các nhà cầm quyền tác động vào chính mình với việc phi chính trị hóa đời sống văn hóa. Khởi đầu theo cách này, các cộng đồng văn hóa sẽ tự chọn lựa một cách thích hợp nhất các giá trị của mình và đảm bảo tính đúng đắn của những giá trị ấy.

Phi chính trị hóa đời sống văn hóa

Phi chính trị hóa đời sống văn hóa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để văn hóa phát triển một cách tự nhiên và các bản sắc văn hóa hình thành một cách tự nhiên. Nếu làm được như vậy, văn hóa sẽ hoàn thành nghĩa vụ của nó đối với đời sống phát triển. Đó cũng là một thành tố của quá trình dân chủ hóa, bởi phi chính trị hóa đời sống văn hóa sẽ tạo cho văn hóa một không gian phát triển tự do với sự đa dạng của các module nhận thức và module phát triển.

Phi chính trị hóa văn hóa phải bắt đầu từ việc phi chính trị hóa các tư tưởng triết học bởi chúng là công cụ hướng dẫn và điều chỉnh nhận thức của con người. Do đó, chính trị hóa văn hóa nói chung, và chính trị hóa các tư tưởng triết học nói riêng sẽ khiến chúng không còn là công cụ khoa học phục vụ các lĩnh vực của cuộc sống, thậm chí còn tiêu diệt sự đa dạng của khoa học nhận thức. Các nước thế giới thứ ba phải nhận thức điều này một cách rõ ràng bởi chỉ có như thế, triết học mới trở thành khoa học của sự phát triển và hoàn thành nghĩa vụ của nó đối với đời sống.

Bên cạnh đó, thái độ gìn giữ bản sắc văn hóa có chủ ý chính trị cũng là một nhân tố kìm hãm sự phát triển của văn hóa. Giữ gìn bản sắc văn hóa là một bản năng tự nhiên của tất cả mọi dân tộc. Không ai lên án việc giữ gìn bản sắc văn hóa của một dân tộc bởi về mặt tự nhiên, mọi dân tộc đều cố giữ những thứ của riêng mình. Người ta chỉ lên án việc lồng ghép các động cơ, các yếu tố chính trị vào trong bản sắc khiến bên ngoài có vẻ là giữ gìn bản sắc nhưng thực chất lại là giữ gìn các yếu tố chính trị lén bỏ vào văn hóa. Điều này rất nguy hiểm bởi nó sẽ làm biến dạng nền văn hóa, bóp méo năng lực nhận thức tự nhiên của con người, làm suy thoái các giá trị tự nhiên của văn hóa và làm hỏng các quy trình hình thành tự nhiên của các giá trị văn hóa. Mặt khác, xét về khía cạnh chính trị, chính trị hóa văn hóa ứng xử tạo ra sự không nhất quán trong mắt cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, để thu được lợi ích từ việc tham gia vào quá trình hợp tác và hội nhập, thế giới thứ ba phải khẳng định năng lực dự báo của mình trong mắt cộng đồng quốc tế. Thế giới hiện đại không chấp nhận những quốc gia không có năng lực dự báo bởi việc hợp tác với những quốc gia như thế chứa đựng quá nhiều yếu tố rủi ro.

Tuy nhiên, phi chính trị hóa văn hóa hoàn toàn không đồng nghĩa với việc loại bỏ và triệt tiêu các yếu tố chính trị trong đời sống văn hóa. Sự cao quý của chính trị sẽ được văn hóa tiếp nhận, và các hành vi chính trị sẽ trở nên duyên dáng hơn, tự nhiên hơn. Ngược lại, nếu chính trị hóa văn hóa, chúng ta sẽ triệt tiêu khả năng phản ảnh đời sống một cách trung thực, khách quan của văn hóa và khiến cho hành vi chính trị mất dần sự cao thượng. Vì vậy, phi chính trị hóa văn hóa tức tách đời sống văn hóa ra khỏi chính trị, là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để tiệm cận và xây dựng một nền văn hóa mở.

Nâng cao tính mở của nền văn hóa

Để nâng cao tính mở của nền văn hóa, đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta phải phân biệt giữa sự xuất hiện các yếu tố mới và sự can thiệp. Chẳng hạn, sự xuất hiện của kiến trúc Pháp ở Hà Nội trong những năm đầu của thế kỷ trước là sự xuất hiện tự nhiên của một yếu tố văn hóa mới và dân tộc chúng ta đã chấp nhận nó bằng tất cả sự ngưỡng mộ, bởi kiến trúc Pháp là sản phẩm vô cùng tinh túy của văn hóa Pháp. Nó hợp lý, đẹp đẽ và hấp dẫn đến mức cho tới nay người Việt Nam vẫn sử dụng nó để thể hiện một cách khéo léo óc thẩm mỹ và tư duy không gian tinh tế. Đó không phải là sự can thiệp mà là yếu tố mới xâm nhập vào nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa kiến trúc Việt Nam nói riêng, và được nền văn hóa Việt Nam tiếp nhận và "Việt hóa" một cách duyên dáng. Tuy nhiên, nhân danh bản sắc kiến trúc Việt Nam, và vì thế đòi hỏi phá đi các kiến trúc Pháp hoặc không xây các công trình theo kiến trúc Pháp nữa, lại chính là sự can thiệp.

Một nền văn hóa mở có thể chấp nhận những dị biệt của các nền văn hóa khác, thậm chí dung nạp nó nếu đó là những sản phẩm tinh túy của các nền văn hóa khác. Hơn nữa, trong một nền văn hóa mở, con người sẽ không cường điệu hay tự ti về các giá trị văn hóa của mình, và do đó, nền văn hóa ấy sẽ không bị lạc lõng trong quá trình tương tác với nền văn hóa của những cộng đồng khác. Đây chính là một trong những điểm ưu việt của nền văn hóa mở bởi sự cường điệu các giá trị của mình có thể khiến các nước thế giới thứ ba trở thành những chàng Narsis của thời hiện đại. Nó cũng thể hiện thái độ thiếu khiêm tốn, thiếu tôn trọng và dị ứng với sự khác biệt của những cộng đồng khác. Trong khi đó, tự ti về những giá trị của mình lại khiến thế giới thứ ba trở nên biệt lập và khu trú trong tiến trình phát triển chung của nhân loại. Cả hai thái độ ấy đều dẫn đến sự chia rẽ trong tiến trình hội nhập của mỗi cộng đồng và tiến trình toàn cầu hóa của toàn nhân loại.

Bên cạnh đó, một nền văn hóa mở còn có khả năng thải hồi những giá trị đã lỗi thời. Con người thường luyến tiếc những thứ mình nhặt được trên chặng đường phát triển của mình. Dường như, thế giới thứ ba đã tự kìm hãm sự phát triển của mình với việc đặt quá khứ lên trên hay ngang với hiện tại, quên mất rằng điều đó có thể khiến cuộc sống thật phải ra đi bởi nó đã bị tước bỏ vai trò trong hiện tại. Trung Quốc biết đặt quá khứ vào đúng vị trí của nó qua việc sắp xếp các hệ tư tưởng theo trục thời gian (Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, lý thuyết "Ba đại diện" của Giang Trạch Dân) và người dân chỉ còn nhìn thấy bóng dáng của các lý thuyết cũ một cách xa xôi thay vì đối mặt với nó trong cuộc sống hằng ngày. Các nước thế giới thứ ba phải đủ dũng cảm để nhận ra những gì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và đặt chúng vào đúng vị trí của cuộc sống. Một nền văn hóa mở sẽ cho phép quá trình tìm kiếm, phân loại, thải hồi và thay thế diễn ra một cách tự nhiên, hòa bình và hợp lý. Đó chính là tiền đề của sự phát triển về mặt nhận thức và là giải pháp duy nhất để chữa trị một cách triệt để căn bệnh hoài niệm đã và đang đeo đẳng các nước thế giới thứ ba trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của mình.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ lĩnh vực nào, văn hóa cũng có những giới hạn của nó. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhận ra điểm tới hạn của tính mở để có hành vi cải cách văn hóa hợp lý, sao cho cải cách văn hóa không hạn chế quyền tự do lựa chọn mà thậm chí còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chắt lọc những giá trị hợp lý và tinh túy nhất để hấp thụ. Bên cạnh đó, để mở rộng sự lựa chọn của nền văn hóa, các nhà cầm quyền của thế giới thứ ba phải xúc tiến quá trình giao lưu toàn diện để nền văn hóa được cọ sát với những nền văn hóa khác. Thông qua sự cọ sát ấy, con người, trên tư cách chủ thể của nền văn hóa, sẽ tự nhận thức về sự lựa chọn của mình, mở rộng không gian văn hóa và hợp lý hóa đời sống văn hóa của mình. Sự phong phú trong đời sống văn hóa của mỗi cá nhân, khi tương tác với nhau, sẽ tạo ra sự phong phú và trạng thái mở của nền văn hóa.

Loại bỏ các khuynh hướng văn hóa cực đoan

Đây là một trong những nội dung quan trọng của cải cách văn hóa, bởi loại bỏ các khuynh hướng văn hóa cực đoan chính là làm trong sạch hóa đời sống văn hóa và đưa nền văn hóa tiệm cận trạng thái phát triển tự nhiên của nó.

Sinh thời, Lenin rất trọng hai nhà thơ Maiacopsky và Exenhin. Không ai có thể ca tụng Lenin hay hơn Maiacopsky. Nhưng Lenin có phần nào trọng Exenhin hơn bởi thơ của Exenhin viết về Liên Xô tự nhiên hơn, hay nói đúng hơn là những sáng tác của Exenhin không mang màu sắc và dáng dấp của các động cơ chính trị.

Trong lịch sử, chúng ta từng biết đến những cương lĩnh văn hóa, như Cương lĩnh xây dựng con người Xô Viết của Lenin (viết cùng hai nhà lãnh đạo cấp cao khác), Cương lĩnh văn hóa Diên An của Mao Trạch Đông. Thật ra, lý do ra đời những cương lĩnh văn hóa thường rất tốt đẹp, nhưng xét về mặt bản chất, chúng phần nào bị cực đoan hóa. Bởi văn hóa là một sản phẩm tự nhiên và con người không thể áp đặt ý muốn chủ quan của mình để tiêu chuẩn hóa văn hóa của cả một dân tộc. Chính bởi vậy, các cương lĩnh văn hóa không có sức sống thật sự, chúng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định nhằm phục vụ những mục đích chính trị nhất định.

Văn hóa bao giờ cũng được hình thành từ sự thừa nhận tình cảm của mọi người. Việc cấy ghép các yếu tố chính trị sẽ làm gián đoạn đời sống phát triển của văn hóa và triệt tiêu khả năng tạo ra sự thức tỉnh của nó. Tuy nhiên, khẳng định như vậy không đồng nghĩa với việc các yếu tố chính trị không xâm nhập một cách tự nhiên vào đời sống văn hóa. Đại bộ phận nhân dân Việt Nam đều cảm nhận giai đoạn kháng chiến như một giai đoạn lịch sử rất có giá trị. Văn hóa Việt Nam đã hình thành một cách tự nhiên một giai đoạn văn hóa để thỏa mãn những tâm tư và ước vọng nóng bỏng của con người. Có lẽ, không ai có thể quên bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, một tác phẩm mang đầy âm hưởng hoành tráng của giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Điều làm nên sức sống mãnh liệt của "Đất nước" hay những tác phẩm tương tự chính là sự thể hiện các yếu tố chính trị một cách tự nhiên, chân thành và nồng nhiệt. Bài hát "Bóng cây Kơ-nia" của Phan Huỳnh Điểu cũng là một trường hợp như vậy. Đó là bản tình ca của chiến tranh, hội tụ những cảm xúc yên bình, trong sáng và lãng mạn nhất của thời chiến, vút lên trong một bối cảnh ác liệt và làm xúc động hàng triệu người, trong đó có cả những người ở phía bên kia của chiến tuyến. Hoàn toàn không quá lời khi nói rằng, bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào phản ánh cuộc sống một cách trung thực với những cảm xúc tự nhiên sẽ có khả năng xâm nhập vào bất kỳ cá nhân nào và cộng đồng nào. Đó là biểu hiện của sự dung nạp các yếu tố tinh túy và hợp lý của chính trị trong văn hóa, đồng thời là bằng chứng về khả năng thức tỉnh của văn hóa.

4. Lời kết

Napoleon Bonaparte nói một câu rất nổi tiếng rằng "Nếu mất tiền bạc, người ta chưa mất gì, nếu mất niềm tin, người ta mới chỉ mất một nửa, trong khi nếu mất lòng dũng cảm, người ta sẽ mất tất cả". Cải cách văn hóa là một trong những cuộc cải cách quan trọng nhất của nhân loại bởi nó sẽ khôi phục lại khả năng tự thải hồi các giá trị đã lỗi thời và tự cập nhật các giá trị tiến bộ của nền văn hóa. Tuy nhiên, nó cũng là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và đòi hỏi lòng dũng cảm thực sự. Hy vọng rằng các nước thế giới thứ ba sẽ có đủ lòng dũng cảm để tiến hành cải cách văn hóa trong mối tương quan với cải cách chính trị và cải cách kinh tế. Bởi chỉ có như thế, thế giới thứ ba mới có thể tự giải thoát cho chính mình, ra khỏi sự bủa vây của bóng tối và bước vào một tương lai tươi sáng.

Nội dung khác