Cái khác...

06:15 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Mười, 2015

Sau khi sáng chế ra những máy móc lực sĩ trợ giúp con người trong lao động cơ bắp, các nhà khoa học thế kỷ XX đã sáng chế ra những máy móc thông minh (một khả năng mà các nhà thần học cho rằng đó là ân sủng đặc biệt mà Thượng đế dành riêng cho con người). Một số nhà văn lo xa và quá giầu tưởng tượng đã nghĩ đến những cốt truyện khá hấp dẫn và đầy gay cấn về cuộc đua tranh giữa nguời máy và người thật.

Và đã có những bộ óc sáng suốt không nghĩ rằng tin học có thể giải quyết được cơn khủng hoảng của lý tính.

Máy tính đúng là một sáng chế vĩ đại của trí tuệ con người.

Nhưng máy tính dầu ở thế hệ mấy chăng nữa cũng làm việc theo những chương trình đã định sẵn (dẫu là những chương trình mở) và chẳng bao giờ nó có thể trả lời được những câu hỏi cơ bản từng trăn trở nhân loại từ khi giã từ kiếp bốn chân để đứng thẳng bước vào kiếp người cho đến giờ: con người từ đâu đến? con người đi đến đâu? Con người sống để làm gì?

Sự tiến bộ thần tốc của tin học, của kỹ học diễn ra trong nửa cuối thế kỷ đầy những bi kịch về mặt xã hội của loài người.

Liên Xô tan rã kéo theo sự tan rã của Đông Âu. Các sắc tộc, các dân tộc đứng lên đòi hỏi quyền được sống với đặc tính văn hoá, với sắc thái của riêng mình. Về căn bản, đó là những đòi hỏi chính đáng, nhưng chen vào là những tham vọng, những thái độ cực đoan, phục thù. Và súng lại nổ - Và máu lại chảy –Những dân tộc hôm qua còn sống cùng một chung cư, nếu không phải như anh em thì cũng như những láng giềng tử tế, bỗng chĩa súng vào nhau đòi hỏi “quyền lợi chính đáng” của mình bằng bạo lực.

Cơn thảm kịch của Nam Tư, của một số nước Cộng hoà trong Liên Xô cũ, những cuộc xung đột sắc tộc dữ dội tại nhiều nước. Rồi nạn đói thảm khốc tại Châu Phi, kết quả của những cuộc nội chiến đẫm máu. Rồi sự phát triển của bệnh cồng tín của đủ các thứ tôn giáo, của thái độ mê tin dị đoan đội lốt khoa học. Một cơn bão hằn thù không khoan nhượng đến những trận cuồng phong mây mưa trên khắp trái đất. Nạn khủng bố phát triển mau lẹ trên cơ thể nhân loại như những tế bào ác tính vào giai đoạn kịch phát.

Trước những bước đi vũ bão của khoa học, hình như một số người đã quên rằng mọi sự sùng bái đều mù quáng, kể cả sự sùng bái lý tính. Sự sùng bái lý tính chỉ là cực đổi dấu của sự sùng bái tôn giáo – cả hai đều một chiều – và dựa trên một nguyên lý nổi tiếng đã có từ thời Arixtốt – nguyên lý loại trừ về thứ ba. Hoặc đúng hoặc sai, không có vế thứ ba. Hay nói một cách khác: Kẻ nào không đi với ta là chống lại ta. Chính nguyên lý nặng hệ quả của các quyết định luận cơ học, đã là cha đẻ của mọi tư duy máy móc, mọi thái độ không khoan nhượng, mọi sự hận thù, kỳ thị.

Vật lý lượng tử khi đưa vào nguyên lý bất định đã buộc phải đổi mới cách tư duy loại trừ, từ lâu vẫn thống trị nhân loại.

Bên cạnh hai vế đúng/ sai/ nó đưa vào một vế thứ ba và chúng ta có một bộ ba mới đúng/sai/khác. Tôi khác anh không có nghĩa là tôi chống lại anh. Hơn nữa tôi có thể bổ sung cho anh. Hệ quả lớn nhất của thuyết bất định là đề nghị dùng nguyên lý bổ sung thay thế nguyên lý loại trừ.

Con người thế kỷ XXI phải làm quen với một thế ổn định động, lý tính phải làm quen với sự bất định lý tính phải mở cửa cho sự bất định thương lượng với nó, nhân nhượng ký kết với nó những thoả ước ổn định trong từng thời hạn, trung hạn, ngắn hạn... Nói vậy không phải hạ thấp lý tính, tuyên truyền cho sự thoả hiệp và lý tính ba phải. Mà là đẳng cấp lý tính lên một mức trưởng thành mới, rũ bỏ những định kiến, những ngộ nhận máy móc, tăng cờng tính hiệu lực của lý tính.

Việc phát triển một số những lý thuyết khoa học gần đây về hỗn độn học (chaologic) về những cấu trúc phân tán (structures dissipatives) cho ta thấy những bước đầu đầy khích lệ của lý tính kiểu mới.

Một trong những khó khăn của loài người là ngôn từ thường phát triển chậm hơn tư duy. Và nhiều khi chúng ta phải sử dụng những ngôn từ đã quá đát chưa được xác định để biểu hiện những thay đổi mới.

Tôi e rằng biểu thức rất phổ biến cũng như rất nổi tiếng “thương trường là chiến trường” vẫn còn mang hơi hướng của thời độc thoại, loại trừ cũ.

Nhu cầu đối thoại đòi hỏi một cách ứng xử mới phù hợp, đó là sự chung sống hoà bình trên cơ sở những thương lượng nhiều khi rất gay gắt nhưng không phải để loại trừ nhau mà để cùng tồn tại, cùng có lợi.

Thế kỷ XXI mong rằng sẽ là một thế kỷ hoà bình, cởi mở, hiệp thương và tương nhượng. Thế giới là một sân chơi lớn – và không ai chơi một mình. Con người phải tập làm quen với cái khác, bắt tay liên doanh với nó coi nó như một bên đối tác lâu dài.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự thay đổi 4 nguyên tắc cơ sở trong tư duy khoa học cổ điển và hiện đại

    12/02/2017Sau năm 1900, tư duy khoa học đã chuyển từ tư duy cơ giới sang tư duy khoa học mới...
  • Chúng ta thường gặp lỗi khi tư duy như thế nào?

    05/11/2004Bùi Quang MinhTrong lao động và cuộc sống hàng ngày, bất cứ với ai, ở đâu và vào lúc nào cũng đều cần phải có tư duy chuẩn xác, chân thực và đúng đắn. Để đến được sự chuẩn xác trong suy nghĩ, mỗi chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu suy nghĩ sai lầm, thiển cận, chủ quan, thiếu chính xác và không ít trong số đó đã phải trả giá đắt. Đây là bài viết phân tích một số lỗi căn bản của quá trình tư duy...