Cái nôi loài người nằm ở đâu?

Đại tá Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường, Viện Khoa học Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng
10:47 SA @ Thứ Bảy - 04 Tháng Tư, 2009

Sau khi tạp chí Thế Giới Mới số 822, ngày 23-2-2009 đăng tải bài viết “Cái nôi loài người” trong chuyên mục Những bí ẩn của lịch sử, nhằm rộng đường dư luận, chungta.com đã phỏng vấn Đại tá Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường, Viện Khoa học Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng, về một số vấn đề liên quan. Xin giới thiệu bài phỏng vấn và mong nhận được ý kiến trao đổi của các chuyên gia và của bạn đọc xa gần.


Nhiều bạn đọc biết ông là chuyên gia trong lĩnh vực dị thường học (the paranormal) với 5 cuốn sách và hàng trăm bài báo đã công bố trong thời gian qua, kể cả trên Cảnh sát toàn cầu. Nay thì ông chuyển mối quan tâm sang lĩnh vực nhân chủng học và nguồn gốc loài người?

Tôi vẫn quan tâm tới các lĩnh vực dị thường như ngoại cảm, viễn di sinh học hay các hiện tượng liên quan với cái gọi là “liên lạc với người chết”. Bằng chứng là cuốn sách thứ 6 của tôi đang được tổ chức in ấn. Năm 2008, báo Thể thao và Văn hóa từng đăng liên tục 29 bài viết của tôi trong một tháng về chủ đề gây nhiều tranh cãi nói trên.

Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm tới một số vấn đề khác, như triết học, mối quan hệ giữa khoa học và nghệ thuật, giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, cũng như sự tương đồng và khác biệt giữa Đông và Tây… Đó là lí do tôi lưu tâm tới bài toán nguồn gốc loài người từ góc độ di truyền học.

Nhưng ông là một nhà vật lí?

Chính xác hơn, tôi là người nghiên cứu ứng dụng vật lý trong các khoa học sự sống, cụ thể là sinh học và y học. Vì thế tôi quan tâm tới lĩnh vực nhân chủng học phân tử, là chuyên ngành khoa học dùng các kĩ thuật phân tử và di truyền để nghiên cứu nguồn gốc và mối quan hệ giữa các động vật nhân hình, trong đó có con người. Tuy từng viết về ADN ti thể và nguồn gốc loài người trên tờ Tài Hoa Trẻ từ năm 2001, nhưng tôi chỉ thực sự tìm hiểu chủ đề từ giữa năm ngoái, sau khi đọc bài “Các cuộc thiên di thời tiền sử” trên tạp chí Người Mĩ khoa học (Scientific American) tháng 7-2008, viết về các cuộc thiên di từ Đông Phi để chiếm lĩnh hành tinh của người hiện đại (Homo sapiens), bắt đầu từ khoảng 60.000 năm trước.

Ông đã đọc bài “Cái nôi loài người” trong chuyên mục Những bí ẩn của lịch sử trên Thế Giới Mới số 822, ngày 23-2-2009 chưa? Nếu đã đọc thì ông có ý kiến gì về bài viết đó?

Đó là bài viết rất thú vị và bổ ích về Xóm Trại, một di chỉ khảo cổ quan trọng của văn hóa Hòa Bình. Các nhà khoa học tại Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, đứng đầu là tiến sĩ Nguyễn Việt, đã khảo sát công phu và đi đến kết luận quan trọng rằng, niên đại của văn hóa Hòa Bình tại đó là 20.000 năm trước. Như vậy nếu được khẳng định, tuổi của văn hóa Hòa Bình sẽ tăng khoảng 10.000 năm so với con số vẫn được công nhận chính thức trước đây. Đây là một phát hiện khảo cổ rất quan trọng, nếu đúng.

Tuy nhiên bài viết nói trên cũng có một số thông tin cần trao đổi thêm để tránh hiểu lầm.

Đó là những thông tin gì?

Chẳng hạn quan niệm văn hóa Hòa Bình “có thể là nguồn gốc của văn minh nhân loại” hay là “cái nôi của loài người”. Theo sự thừa nhận chung, cái nôi của loài người nằm ở Đông Phi, còn văn minh nhân loại bắt nguồn từ Lưỡng Hà và vùng Trung Cận Đông. Lời khẳng định “đây là một trong những phát hiện hiếm có và cổ nhất về loài người trên thế giới” cũng cần xem xét lại, vì người ta từng phát hiện Homo sapiens idaltu tại Omo, Ethiopia với niên đại hơn 160.000 năm trước. Các nhà khoa học đặt tên như vậy vì di cốt đó của người hiện đại (Homo sapiens) xứng danh là trưởng lão (idaltu theo tiếng Ethiopia)! Đồng thời cũng có rất nhiều phát hiện về người hiện đại và người Neanderthal (loại người từng sống đồng thời với người hiện đại nhưng đã tuyệt chủng ở bán đảo Iberia 28.000 năm trước) có niên đại nằm giữa thời điểm đó và thời điểm 20.000 năm trước. Phát hiện tại Xóm Trại, nếu được khẳng định, chỉ có thể là “hiếm có và cổ nhất về loài người” tại Việt Nam mà thôi.

Người Neanderthal theo phục dựng

Nơi trồng lúa cũng là một vấn đề gây tranh cãi khác, khi Đông Nam Á và vùng Hoa Nam vẫn tranh nhau “bản quyền” trồng lúa đầu tiên. Công bố mới trên tạp chí Kỉ yếu Viện hàn lâm khoa học Mĩ (PNAS) năm 2006 cho thấy, sự thật có thể làm ngỡ ngàng cả hai phía.

Văn hóa Hòa Bình được thừa nhận chính thức từ bao giờ, và nó có được xem là nguồn gốc văn minh nhân loại hay không?

Thứ bảy 30-1-1932 là ngày thuật ngữ “văn hóa Hòa Bình” chính thức được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận, với niên đại khoảng một vạn năm trước. Nền văn hóa này trải rộng khắp Đông Nam Á, thậm chí cả từ Nam Trung Quốc tới tận Nepal, Ấn Độ hay Úc (mặc dù điều này chưa đạt được sự đồng thuận, chẳng hạn GS Hà Văn Tấn chỉ xem đó chỉ là “gần Hòa Bình”).

Thuật ngữ văn hóa Hòa Bình được đặt theo địa danh Hòa Bình nước ta, vì những phát hiện đầu tiên về nền văn hóa này được thực hiện tại đây. Tuy nhiên trong một thời gian dài, Thái Lan mới được xem là cái nôi của nền văn hóa này, nhờ phát hiện của giới học giả phương Tây, điển hình là hai giáo sư khảo cổ học Mĩ Gorman và Solheim. Tại hang Ma ở Bắc Thái Lan, Gorman đã tìm thấy nhiều loại rau quả (không có lúa), có thể là sản phẩm trồng trọt, với niên đại khoảng 8.000 - 11.000 năm trước (sai lệch vài ngàn năm là sai số của phương pháp xác định tuổi cổ vật nhờ các-bon phóng xạ). Theo bài viết trên TGM, cái nôi của văn hóa Hòa Bình có thể sẽ được chuyển về cho Hòa Bình. Có lẽ mọi người dân đất Việt đều mong đó chính là sự thật, chứ không chỉ là ý kiến riêng của Gorman.

Xin lưu ý rằng, hội nghị năm 1932 không hề xem văn hóa Hòa Bình có thể là nguồn gốc văn minh nhân loại.

Vậy từ bao giờ và ai là người nêu ra giả thuyết đó?

Theo GS Hà Văn Tấn, nhà khảo cố hàng đầu của chúng ta, trong cuốn Theo dấu các văn hóa cổ, NXB Khoa học xã hội, 1998, thì cùng một số người khác, từ thập kỉ 1960, giáo sư khảo cổ Mĩ Solheim là người hăng hái và táo bạo nhất trong việc xem văn hóa Hòa Bình và vùng Đông Nam Á là cội nguồn văn minh nhân loại, khi đẩy niên đại cuộc cách mạng nông nghiệp tại đây tới 15.000 năm trước CN, tức vượt vùng Lưỡng Hà khoảng 7.000 năm.

Gần đây là cuốn Địa đàng tại phương Đông (Eden in the East) năm 1998 của Oppenheimer, chuyên gia nhi khoa nhiệt đới người Anh. Bản tiếng Việt đã được xuất bản năm 2005. Quan điểm của Oppenheimer là sự tiếp nối Solheim, khi ông khẳng định, Đông Nam Á là nơi phát triển nông nghiệp đầu tiên và là cội nguồn của văn minh Trung Cận Đông, vốn được xem là hạt giống của văn minh phương Tây.

Tuy nhiên, theo GS Hà Văn Tấn trong sách đã dẫn, luận điểm của Solheim gồm nhiều điểm phi lý, hỗn loạn, chưa hay không có bằng chứng vững chắc. Theo ông thì trong khi bác bỏ các quan điểm cực đoan đầy màu sắc thực dân (xem Đông Nam Á là vùng kém phát triển thời tiền sử), Solheim lại rơi vào quan điểm cực đoan đối ngược, khi xem Đông Nam Á là ngọn cờ đầu của nhân loại. Còn quan điểm của Oppenheimer thì tôi đã phản bác trong bài “Oppenheimer và Chu thực sự nói gì?” trên bản điện tử của tạp chí Tia Sáng.

Tại sao ông phản bác Oppenheimer?

Vì Oppenheimer đã vi phạm tiêu chí Carl Sagan trong khoa học: “Tuyên bố khác thường đòi hỏi chứng cớ khác thường”. Quan điểm của Oppenheimer rất khác thường, khi đảo ngược nhận thức hiện hành của nhân loại về thời tiền sử. Tuy nhiên chứng cớ ông đưa ra thì hoàn toàn không đáng tin cậy.

Ông có thể đưa một bằng chứng đơn giản và rõ ràng cho thấy sai lầm của Oppenheimer hay không?

Theo Oppenheimer thì ta phải thấy một dòng gien đi từ Đông Nam Á hướng về phía Tây tới tận vùng Trung Cận Đông từ hơn 10.000 năm trước (thời điểm tại đó xuất hiện cuộc cách mạng nông nghiệp đầu tiên là 10.000 năm trước). Trong khi thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại: Theo Dự án bản đồ gien của Hội địa lí quốc gia Mĩ, hãng IBM và Quĩ gia đình Waitt (dùng 40 triệu USD để khảo sát quan hệ di truyền giữa mọi tộc người trên trái đất), chỉ thấy các dòng gien chảy từ Tây sang Đông cho tới tận thời Đá mới (xem bản đồ kèm theo).

Như vậy theo ông, Đông Phi mới là cái nôi của loài người, còn văn minh nhân loại bắt nguồn từ Trung Cận Đông? Vậy còn vấn đề trồng lúa nước?

Để tránh hiểu lầm, xin nhấn mạnh rằng, đó là quan điểm hiện hành của khoa học nhân loại. Tôi là ai mà dám xem đó là quan điểm của mình!

Riêng bài toán trồng lúa nước thì phức tạp hơn, khi giới chuyên gia chưa đạt được sự đồng thuận. Trước 2006, các nhà khoa học cho rằng lúa nước được thuần hóa đầu tiên tại Đông Nam Á hoặc Hoa Nam khoảng 7.000 - 9.000 năm trước. Một công trình công bố năm 1998 trên tờ Khoa học (Science), một tạp chí hàng đầu thế giới, đưa ra niên đại 12.000 năm trước tại Hoa Nam, nhưng có lẽ không được thừa nhận rộng rãi.

Bản đồ các cuộc thiên di chiếm lĩnh hành tinh của loài người bắt đầu
từ 60.000 năm trước. Mũi tên màu xanh ứng với số liệu ADN nhiễm sắc thể Y,
còn màu vàng ứng với số liệu ADN ti thể.

Năm 2006, Jason P. Londo, Đại học Washington, cùng bốn đồng tác giả Mĩ và Đài Loan, đăng tải trên PNAS một phát hiện có thể làm vừa lòng cả hai bên. Dựa trên việc nghiên cứu cấu trúc gien của giống lúa dại, Oryza rufipogon, các tác giả cho rằng, có thể Ấn Độ và Đông Dương là nơi phát tán lúa dại. Và giống lúa gieo trồng, Oryza sativa L., được thuần hóa tối thiểu hai lần tại các địa điểm khác nhau. Trong đó giống Oryza sativa indica được gieo trồng tại các vùng phía nam dãy Himalaya, như Ấn Độ, Myanmar hay Thái Lan; còn giống Oryza sativa japonica được thuần hóa tại Hoa Nam và Đông Dương.

Lúa nước đã được thuần hóa đầu tiên tại Đông Dương, bao gồm cả Việt Nam?

Thực ra hai nhà khoa học Mĩ và ba nhà khoa học Đài Loan không kết luận như vậy. Họ chỉ đưa ra các địa danh Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan cho giống indica và Hoa Nam cho giống japonica mà thôi. Nhưng căn cứ vào bản đồ phân bố các nhóm đơn bội trong bài báo, cần phải đưa Đông Dương vào danh sách “phong thần”. Có hình thái phân bố như nhau, tại sao Myanmar hay Thái Lan được tôn vinh, còn Việt Nam thì không?

Như vậy có thể xem người Hán và người Việt đồng thời biết trồng lúa nước từ khoảng 10.000 năm trước?

Không phải như vậy. Vì lúc đó tại các vùng là Hoa Nam và Việt Nam ngày nay chưa hề có người Việt hay người Hán, mà chỉ có chủng lai giữa người Á (Mongoloid) và người Phương Nam (Australoid) mà thôi. Chủng này đang dần Á hóa để trở thành tiểu chúng Nam Á (Austroasiatic) thuộc đại chủng Á. Người Hán chỉ xuất hiện từ các nhóm người Hoa Hạ gần 5.000 năm trước tại lưu vực Hoàng Hà vùng Hoa Bắc. Trong khi đó, lúa nước đã được người Nam Á trồng tại Đông Dương và Hoa Nam từ mấy ngàn năm trước khi vùng Hoa Nam bị Hán hóa. Người Hán không phải là người trồng lúa đầu tiên. Nhưng Nam Trung Quốc đúng là quê hương của giống lúa Oryza sativa japonica, cùng với Đông Dương.

Xin lưu ý thêm rằng, nói chung thông tin về thời tiền sử thường gây nhiều tranh cãi, vì rất khó xác định tuổi chính xác của các cổ vật. Ngoài ra vì là người “nghiệp dư” trong lĩnh vực này, nên nếu những thông tin mà tôi vừa nêu ở trên có bị phản biện thì cũng không lạ.

Cảm ơn ông về những thông tin rất thú vị. Chungta.com hy vọng giới chuyên gia và bạn đọc sẽ tiếp tục trao đổi về những bí ẩn đó của lịch sử.

Tp. HCM 3-4-2009



Tìm về cái nôi loài người

Việt Lâm, Báo Hòa Bình

Trong vòng một tháng qua, tại hang xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn đã phát hiện một bộ xương người có niên đại 17 nghìn năm và dấu lối mòn của người nguyên thuỷ cách đây 21 nghìn năm. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là một trong những phát hiện hiếm có và cổ nhất về loài người trên thế giới. Điều này càng minh chứng cho đất Mường Vang là một trong những cái cái nôi của loài người cổ đại.


Phát hiện nhiều dụng cụ bằng đá của người nguyên thuỷ

Đất Linh Thiêng

Xóm Trại có địa hình bao bọc xung quanh là núi đá vôi bao phủ. Ở giữa là thung lũng đồng bằng rộng lớn được người dân canh tác lúa nước. Giữa thung lũng có sự hiện diện của con suối Lạn trong xanh chảy vắt qua. Hang núi nơi phát hiện ra nhiều dấu tích của người cổ xưa nằm trên hang núi đá độc đạo giữa xóm Trại ngày nay. Đứng từ trên đỉnh núi đá này có thể nhìn bao quát hết cả xã Tân Lập

Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, xóm Trại thuộc xã Trung Hoàng, tổng Trung Hoàng, phủ Lạc Thổ, đạo Thanh Bình. Năm 1886, xóm Trại thuộc địa phận Mường Vang xưa, nay thuộc các xã Quý Hoà, Tân Lập, Nhân Nghĩa. Đây là một thung lũng kín, có chiều rộng từ 2 đến 4km, kéo dài theo phương Bắc - Nam 7km. Toàn khu vực thuộc thượng nguồn sông Dôm có mạng dòng chảy trên mặt hình “nan quạt” với phương chảy hướng Bắc - Nam. Độ cao tuyệt đối của thung lũng là 60 - 70m so với mặt biển.


Dấu mòn có niên đại 21 nghìn năm ở hang xóm trại

Dẫn chúng tôi lên hang xóm Trại, còn gọi là hang Khụ Trại, ông Bùi Văn Trựu - 72 tuổi là người sinh ra và lớn lên ở đây kể: Từ ngày bé tôi đã những năm kháng chiến chống Mỹ hang Khụ Trại còn có cái miếu. Các cụ đời trước kể, hang này thiêng lắm, nên người ta đã làm miếu ở đây. Rồi hàng tháng, vào ngày rằm, mồng một, người trong xóm mang đồ lễ lên lễ. Đến mùa thì lễ cơm mới. Xóm chọn ra một mảnh đất tốt, xa khu dân cư không bị trâu bò phá giao cho 1 gia đình có uy tín trong xóm. Gia đình này có nhiệm vụ trông lúa trên mảnh đất đó. Lúa trồng không được bón phân, phun thuốc sâu. Đến mùa thì không được gặt mà phải lấy từng bông lúa, tuốt bằng tay cho vào cối giã thành gạo, nấu cơm cúng thần linh. Rồi ngày mồng 7 tết hàng năm, người xóm dù ai đi ngược, về xuôi cũng về miếu đi lễ cầu an lành, cầu làng xóm được mùa.

Dấu Chân người xưa

Năm 1980, nhân chuyến công tác nghiên cứu lập bản đồ của phương án Hoà Bình - Tân Lạc. Đoàn địa chất 203 đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực huyện Lạc Sơn và phát hiện dấu vết văn hoá nguyên thuỷ ở hang Xóm Trại. Đoàn đã tiến hành đào một hố thám sát 1m x 1m, thu được 108 hiện vật đá và một số xương động vật các loại. Qua đánh giá cho thấy: Hang Xóm Trại là một di tích văn hoá Hoà Bình có tầng văn hoá dầy, hiện vật phong phú. Với tầng văn hoá dầy gần 4m, đây là di chỉ cư trú lâu dài của cư dân Văn hoá Hoà Bình. Tầng văn hoá gồm chủ yếu là ốc vặn bị chặt đít và vỏ ốc núi, ốc sên khá thuần chất từ trên xuống dưới.Trong tầng văn hoá ngoài công cụ đá, còn có nhiều vỏ trai và xương, răng động vật.

Núi đá tại xóm trại có rất nhiều hang, mỗi hang đều chứa các hiện vật bằng đá và xương. Theo anh Nguyễn Văn Tiến, cán bộ khảo cổ của Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, hiện vật ở các hang đếu giống nhau, toàn đồ bằng đá và xương. Duy nhất chỉ có hang trên đỉnh núi có nhiều đồ sành sứ đời Trần. Anh Tiến cho rằng, có thể vào thời Trần, của cải đã được đưa lên hang núi cao nhất để cất giữ. Hang lớn nhất cũng là hang chứa nhiều hiện vật nhất có độ cao 15m so với mặt thung lũng. Cửa hang rộng 8m, cao 10m hướng Đông Bắc, hang ăn sâu 13m vào núi. Cửa hang có hình cánh cung, nhìn ra thung lũng và chỉ cách con sông Lạn chừng mấy trăm mét. Cửa hang và đáy hang rộng gần như nhau, nên tận trong đáy vẫn sáng sủa, thoáng đãng. Vì có hình cánh cung, mưa nắng hang đều khô ráo sạch sẽ. Người dân ở đây nói rằng, người nguyên thuỷ đã thật tinh tường, chọn địa điểm vừa đẹp vừa an toàn lại thuận tiện đi ra sông suối và cả vùng thung lũng trước mặt. Những hiện vật bằng đá được tìm thấy trong hang đoàn khảo cổ cho rằng có nguồn gốc từ dưới dòng suối Lạn.

Tiến sĩ Nguyễn Việt - Trung tâm tiền sử Đông Nam á cho biết: Năm 2004, chúng tôi đã phát hiện dấu mòn đi lại tiền sử dài chừng 6 mét ở phía nam cửa hang. Khi mới phát hiện, hệ thống các dấu mòn này nằm sâu 60-70cm, có niên đại 8-9 ngàn năm, hiện trạng gần như nguyên vẹn. Đoàn cũng đã phát hiện ngách đi vào hang sớm nhất của những người nguyên thuỷ đầu tiên sử dụng hang này. Ngách đi này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá cổ chừng 4 mét, len qua khoảng cách giữa các khối đá lăn với vách cửa hang. Chúng tôi đã gửi hơn 20 mẫu từ ốc, hạt, qủa, xương thú… sang Đức để nghiên cứu và bảo quản. Đây là một trong những hang được phát hiện vào loại quý hiếm của thế giới. Trước đây, xóm trại là một vùng rừng rậm rạm chủ yếu là cây sồi dẻ rất phát triển. Con người sơ khai sinh sống bằng hái lượm sồi dẻ, bắt và săn bắn tại khu vực này.

Hiện tại, 6 vết mòn sâu và lớn đã được phát hiện bên dưới tầng văn hoá Hoà Bình đã và đang trong quá trình bị nước nhũ kết cứng. So với hệ thống vết mòn phát hiện trước đó thì những dấu vết mới phát hiện này có độ mòn sử dụng lâu và rõ rệt hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ, đây là nơi mà con người nguyên thuỷ đã từng cư trú và là phát hiện về con người cổ nhất trên thế giới.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn Lang thời Hùng Vương đã từng có chữ viết riêng?

    16/04/2016Minh BùiVừa qua, nhà giáo về hưu 71 tuổi Đỗ Văn Xuyền sinh năm 1937, hiện đang sống tại Việt Trì, sau một thời gian để công nghiên cứu đã bước đầu công bố công trình “Giải mã chữ Việt cổ” tại Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam...
  • Một cách tiếp cận khoa học mới của loài người

    28/01/2015Hà Vĩnh TânBằng việc sử dụng máy tính để mô phỏng các phương án phong phú và đa dạng của Hệ tự hành dạng tế bào, đây được xem như một phương pháp nghiên cứu khoa học mới, có hiệu quả và triển vọng nhất để mô tả và giải thích phần lớn các hiện tượng phức tạp của tự nhiên. Sự phát triển lôgic theo hướng nói trên đã dẫn Stephen Wolfram đến việc xuất bản một công trình khoa học lớn - cuốn sách tựa đề "A New Kind of Science"...
  • Oppenheimer và Chu thực sự nói gì?

    19/11/2008Đỗ Kiên CườngNgười Việt chúng ta có một truyền thống quí báu là vô cùng tôn kính tổ tiên. Các truyền thuyết Rồng Tiên, mười tám đời vua Hùng, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, cùng những trang sử oanh liệt về Bạch Đằng, Chương Dương, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… có lẽ đã thấm vào từng tế bào của mỗi con dân đất Việt. Vì thế chúng ta rất nhạy cảm với những thông tin về nguồn gốc con người và văn hóa Việt. Có lẽ đó là lý do Oppenheimer và Chu từng được cộng đồng người Việt, cả trong và ngoài nước, chào đón và thảo luận rất nồng nhiệt. Vậy Oppenheimer và Chu đã thực sự nói gì?
  • Di truyền học và cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người

    07/09/2008Đỗ Kiên CườngNgười hiện đại về giải phẫu xuất hiện đầu tiên ở đâu và khi nào? Bằng chứng hóa thạch và kỹ thuật di truyền cho thấy, họ có nguồn gốc Đông Phi khoảng 200 ngàn năm trước; và các cuộc di cư chiếm lĩnh hành tinh chỉ bắt đầu từ 60 ngàn năm trước. Tuy nhiên hiện chưa rõ chuyện gì đã xảy ra khi họ gặp những người có trước, như người Neanderthal hay người đứng thẳng. Người hiện đại thay thế hoàn toàn những người đó hay có sự hòa huyết ít nhiều giữa họ với nhau?
  • Loài người sau 10 vạn năm nữa như thế nào?

    28/04/2007Nguyễn Văn Gấm (sưu tầm)Cuối năm 2006, báo The Times, Anh đưa tin một nhóm các nhà khoa học Anh do O.Cari, bác sĩ - nhà khoa học Anh trong Trung tâm Nghiên cứu Darwin thuộc Học viện Kinh tế London đứng đầu công bố công trình nghiên cứu nhiều năm mang tên “Báo cáo tiến hóa Bravo” của nhóm nêu lên viễn cảnh của con người tương lai sau hàng vạn năm nữa...