Căn bệnh giáo dục: Phải chữa trị, đừng sợ "mắc tội"!

03:51 CH @ Thứ Sáu - 31 Tháng Mười, 2003

Những ý kiến thẳng thắn như thế nhận được nhiều tiếng nói đồng tình trong Quốc hội. Nhiều năm nay dư luận đã “báo” rồi mà ngành giáo dục vẫn chưa thấy “động”.

Trước hết, tôi rất tán thành ý kiến của một đại biểu Quốc hội khi yêu cầu “ngành giáo dục hãy thử siết chặt công tác thi cử xem thực chất trình độ học sinh của ta đang nằm ở đâu”. Mấy chục năm qua, cái tỉ lệ 90% - hoặc cao hơn nữa - học sinh tốt nghiệp THPT chỉ là dối trên, lừa dưới và tự dối mình. Sự dối trá ấy là do “bệnh thành tích đã ăn rất sâu”, rất nặng trong ngành giáo dục.

Tỉ lệ 90% hoàn toàn không trung thực đó đã, đang và sẽ có tác hại rất to lớn cho chính ngành giáo dục.

Có thể có một tâm lý ở những người lãnh đạo ngành giáo dục hiện nay: Mấy chục năm qua vẫn thế. Bốn, năm đời bộ trưởng trước vẫn thế. Vẫn 90% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Bây giờ để bảo đảm thực chất, e sẽ “mắc tội”(?!).

Không! Nếu cứ sợ như thế thì căn bệnh thành tích của ngành giáo dục sẽ không bao giờ có thể chữa trị được. Mà không chữa trị sẽ mắc tội lớn với nhân dân, với lịch sử.

Xin nói thêm, mấy đời bộ trưởng trước dư luận chưa lên tiếng nhiều và dữ dội, chưa phải đem ra diễn đàn Quốc hội để nói như bây giờ.

Ngày nay, nếu dám làm, các vị đã có chỗ dựa vững chắc ở công luận, ở những đại biểu của nhân dân. Các vị sẽ là những người có công lớn khai phá, mở đường cho việc thi cử đúng thực chất để diệt trừ tận gốc căn bệnh thành tích đã tồn tại quá lâu trong ngành.

Nếu mạnh dạn dám làm một cuộc “cách mạng” trong thi cử, trong cách đánh giá chất lượng học sinh như thế sẽ phải giải quyết một số vấn đề nảy sinh. Tôi kiến nghị mấy giải pháp để Bộ GD-ĐT xem xét:

Giải quyết thế nào với số lớn học sinh không đỗ tốt nghiệp THPT? Cần phải mở “lối thoát” cho số học sinh này bằng cách thay đổi quy chế, cho học sinh học hết lớp 12 được dự thi tuyển sinh vào các trường trung học chuyên nghiệp, các trường đào tạo công nhân kỹ thuật, trường dạy nghề... Nếu em nào vẫn muốn có bằng tú tài để thi ĐH-CĐ thì tự học, năm sau thi lại với tư cách thí sinh tự do.

Thế là giải quyết được mấy việc cùng một lúc. Vẫn bảo đảm được thực chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT, vẫn có lối ra cho số thi trượt, vẫn không bị “dồn toa” gây ùn tắc mất chỗ của học sinh lớp dưới lên.

Làm được cuộc “cách mạng” này cũng là “cách mạng” luôn cả kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Kỳ thi ĐH-CĐ chí ít sẽ giảm bớt được trên dưới 2/3 người đi thi, đỡ tốn kém hàng chục tỉ đồng ngân sách nhà nước và tiền của, công sức của hàng chục vạn học sinh và cha mẹ học sinh, cũng bớt được những khó khăn, khốn khổ về nơi ăn, chốn ở, về ách tắc giao thông của những ngày thi cử bị quá tải.

Mặc nhiên kỳ thi tốt nghiệp THPT lại trở thành kỳ sơ tuyển cho kỳ thi ĐH-CĐ, loại bớt một số lượng khá lớn những người có đi thi cũng không thể trúng tuyển.

Nguyễn Gia Phong, Theo Tuổi Trẻ

LinkedInPinterestCập nhật lúc: