Cán cân công lý đã lệch?

04:46 CH @ Thứ Năm - 10 Tháng Mười Hai, 2009

Một vụ án mà rất nhiều đồng chí lãnh đạo Nhà nước, đại biểu Quốc hội quan tâm, dư luận bức xúc, báo đài phản ánh… mà tòa án – cơ quan đại diện của công lý vẫn có những phán quyết gây sốc cho từng người dân.

Sau phiên 2 phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm, người dân vẫn còn nguyên những câu hỏi gây nhức nhối và lo lắng: Liệu đó có phải là kết cục cho sự nghiệp của một người nữ anh hùng năm xưa đã quên mình vì rất nhiều người? Liệu đằng sau các phiên tòa như thế có bắt nguồn từ yếu tố tư lợi đất đai như dư luận nghi vấn? Thời gian sẽ sớm trả lời chúng ta.

Nhưng như thế cũng đã đủ làm cho niềm tin của rất nhiều người về cốt lõi pháp luật của xã hội hướng tới pháp quyền có thêm rạn nứt. Cần lắm cán cân công lý không sai lệch với người có công, kẻ có tội ngay tại vụ việc điển hình - Nông trường Sông Hậu này! Chúng ta không thể vô cảm và đành lòng nhìn sự nghiệt ngã đến với người phụ nữ đáng kính như chị Ba Sương đành rằng chị phải gánh chịu hậu quả của sự "chậm thay đổi nhận thức" về quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế đất nước và "ngây thơ" trong các quyết định quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước mà mình quản lý.

Chungta.comxin bày tỏ sự lo lắng, suy ngẫm về vụ án này không chỉ với chuyện tù tội của chị Ba Sương mà cả khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục nghìn con người của nông trường Sông Hậu trong tương lai. Chungta.combằng việc đăng lại các sự kiện liên quan của vụ việc rất đáng theo dõi và là cơ sở để chúng ta suy xét, thông cảm về số phận con người đang bị cán cân công lý xét xử làm Tội xóa nhòa hết tình tiết có Công của chị Ba Sương ra sao và dự báo cho tương lai tiếp theo?

Chungta.comtin tưởng sự nghiệp của cha con bà Ba Sương đã gây dựng cho bà con và vùng đất Sông Hậu không mất đi cho dù Tội của bà Ba Sương như thế nào?

Những sự kiện cần tiếp tục theo dõi và chờ đợi Công – Tội được phán xét đúng, thuận lòng người

- Năm 1976, tiểu đoàn Tây Đô, thuộc tỉnh đội Hậu Giang thành lập nông trường Quyết Thắng tại vùng đất phía Tây, cách thành phố Cần Thơ 30 km với ý nghĩa quyết tâm chiến thắng thiên nhiên, giặc giã, lạc hậu, đói nghèo.

- Ngày 20/4/1979, Nông trường Sông Hậu (NTSH) được thành lập theo Quyết định số 33/QĐ-UBT của UBND tỉnh Cần Thơ dựa theo 50% diện tích từ nông trường Quyết Thắng. Đây là khu heo hút, sình lầy, đất trắng do quân đội Mỹ thường xuyên ném bom, oanh tạc.Thiếu tá cựu chiến binh Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng), nguyên Chính ủy trường Quân chính Quân khu 9, sau đó là Phó giám đốc Ty Nông nghiệp Hậu Giang đã xin tự nguyện về đây để xây dựng Nông trường.


Cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) , Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới, người khai phá, xây dựng lên Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.

- Tháng 4/1979, mười sáu chàng trai cô gái đi theo Giám đốc Trần Ngọc Hoằng bơi xuồng vào vùng đất ấy với 10 chiếc máy kéo mua chịu của Chi cục Cơ khí Hậu Giang và 50.000 đồng vay của Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Thốt Nốt để mua gạo, muối, nồi, niêu, bát đũa và dựng mấy túp lều.


Cải tạo vùng đất hoang hóa, sình lầy thuở ban đầu ở Nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.

Hơn 30 năm qua, từ vùng hoang lầy, trên đất ngập phèn với những lung, đìa, bưng, trấp với diện tích gần 7.000ha, nay đã trở thành Trung tâm sản xuất và kinh doanh nông nghiệp tập trung công nghệ cao, với trên 3.200 hộ dân và hơn 15.000 nhân khẩu.


Nông trường Sông Hậu những ngày đầu vừa thành lập. Ảnh: CTV

NTSH là một xã nghèo tự lực hoàn toàn, nhanh chóng thoát khỏi xã đói nghèo (thay vì lẽ ra Nhà nước phải “rót” một nguồn ngân sách rất lớn); trở thành xã khá và giàu sớm nhất của cả nước bằng việc phát huy nội lực, sự bền bỉ dám nghĩ dám làm trong quá trình xây dựng và phát triển.

- Trong 10 năm tạo dựng đầu tiên (1979-1989), NTSH đã trở thành một “hiện tượng mới” của kinh tế quốc doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là thành tựu hoàn thành việc cải tạo đồng ruộng, cơ bản xác lập và xây dựng công trình thủy lợi với hệ thống bờ bao phục vụ tưới tiêu, kết hợp xây dựng hệ thống giao thông nội bộ hoàn chỉnh. Thực hiện cơ giới hóa gần như toàn bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp.


Sau nhiều năm gây dựng, giờ đây ở Nông trường Sông Hậu đã cơ giới hoá công việc. Trong ảnh là bà con nông dân ở Nông trường Sông Hậu đang thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: CTV

Chuyển đổi 100% diện tích lúa mùa nổi một vụ thành đất trồng lúa 2 vụ ăn chắc với diện tích 5. 640,7 ha, nâng tổng sản lượng bình quân từ 2000 tấn/năm trước đây lên trên 60. 000 tấn/năm, mở ra một hướng mới trong trong sản xuất là kết hợp mô hình canh tác lúa - nuôi trồng thủy sản trên 5.000 ha đất, đạt tỷ lệ 90% diện tích.

Hình thành khá đầy đủ, đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống như trạm biến thế, lò gạch, nhà xưởng, kho tàng, phương tiện vận chuyển; hệ thống đường sá - trường học - trạm y tế - nhà văn hóa… tạo ra những điều kiện cơ bản và thuận lợi để bảo đảm cho người dân vừa có điều kiện “an cư”, vừa có cơ hội “lạc nghiệp.

Xây dựng được bộ máy quản lý và sản xuất kinh doanh gồm 245 người, thu hút 1.100 hộ vào làm nông trường viên với trên 3. 000 lao động (tính đến năm 1985); thành lập chi bộ đảng có 15 đảng viên, chi đoàn 55 đoàn viên, tổ chức công đoàn với 170 đoàn viên…

Với 35 tỷ đồng vốn vay ngân hàng là chủ yếu và tích cóp lợi nhuận từ sản xuất để đầu tư cho mua sắm máy móc, thiết bị, cộng với sức người, Nông trường đào đắp và san ủi trên 24 triệu m3 đất, tạo nên 200 km kinh mương thủy lợi, xây dựng 300 cống lớn nhỏ và 2 trạm bơm điện… nhờ đó đã đưa toàn bộ diện tích canh tác của Nông trường từ đất loại 5, loại 7 lên thành “nhất nhị đẳng điền”, chuyển hoàn toàn từ quảng canh sang thâm canh, đạt năng suất bình quân 9 tấn/ha.

- Ghi nhận những đóng góp xuất sắc đó, chỉ sau 6 năm xây dựng, năm 1985, NTSH được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lao động", lần thứ hai, năm 1989.

Cá nhân hai giám đốc là ông Trần Ngọc Hoằng và con gái ông - Trần Ngọc Sương (Ba Sương) cũng trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (1989-1999).


Nguyên GĐ NTSH Trần Ngọc Sương, Anh hùng lao động

- Năm 1992, Nông trường lần đầu tiên được “cho” phép xuất khẩu trực tiếp nông sản chế biến và đã xuất khẩu được 607 tấn rau quả thu về 158.368 USD. Những năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu của Nông trường liên tục tăng: Năm 1994 đạt trên 1 triệu USD, năm 1995 hơn 3 triệu USD.


Để đến những ngày, nông trường Sông Hậu được quyền chủ động bán các sản phẩm do nông dân sản xuất ra với giá đàm phán với các đối tác. Trong ảnh là kho chứa lúa khang trang của
nông trường Sông Hậu. Ảnh: CTV.

- Ngày 20/5/1996, UBND tỉnh Cần Thơ “cho” Nông trường Sông Hậu từ chuyên sản xuất sang làm thêm kinh doanh, gọi là “sản xuất-kinh doanh-xuất nhập khẩu tổng hợp”. Sang năm 1997, Chính phủ “cho” Nông trường trực tiếp xuất khẩu gạo. Lập tức kim ngạch xuất khẩu của Nông trường vọt lên hơn nhiều năm trước cộng lại. Sang năm 1998, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 55 triệu USD và doanh thu của Nông trường hơn 1.143 tỷ đồng.

Nông trường Sông Hậu ráo riết chuyển đổi 8 đơn vị thành viên thành công ty cổ phần.
Vốn ban đầu hơn 40 tỷ đồng nay lãi mẹ đẻ lãi con đã lên gần 100 tỷ đồng.


Một góc nông trường Sông Hậu hôm nay
(trong ảnh là Nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu). Ảnh: CTV.

Suốt 24 năm (1979-2003), NTSH đã làm thay Nhà nước việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội (điện, đường, trường, trạm...) và các hoạt động văn hóa, xã hội, các đoàn thể mà không được cấp ngân sách.

Khác với các nông lâm trường khác trong cả nước, NTSH tự lực về vốn ngay từ ngày đầu, rất nhiều năm sau mới được Nhà nước cấp vốn, rất nhỏ, chiếm khoảng 8% số vốn.

- Năm 2004, địa bàn của Nông trường được thành lập xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) để lo việc hành chính cho dân (13.017 nhân khẩu), Nông trường chỉ còn lo việc kinh doanh để trở thành Tổng công ty Nông nghiệp Sông Hậu. Nhưng từ đó, mảnh đất rộng 6.981 ha cùng do xã và nông trường “dẫm chân nhau” nắm giữ.

Thế nhưng việc tách như thế lại gây thêm nợ cho Nông trường ở chỗ các công trình phúc lợi công cộng do Nông trường đầu tư (từ vay vốn ngân hàng và huy động từ cán bộ) được nhà nước nhận nhưng không trả tiền bồi hoàn cho đến năm 2006 (khoảng trên 42,676 tỷ).

- Hiện trạng tài sản nông trường gần 400 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chỉ gần 264 tỷ đồng (trong đó có các khoản Nhà nước phải trả như nói ở trên). Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận, năm 2004 lãi gần 3,6 tỷ đồng, năm 2005 hơn 5 tỷ đồng.


Chế biến bạch đàn đóng đồ gỗ để xuất khẩu ở NTSH. Ảnh: CTV

Suốt từ 1993 đến 2005 trả lãi vay ngân hàng hơn 235 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 82 tỷ đồng.

- Ngày 21/3/2006 Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ quyết định thành lập Đoàn thanh tra tại NTSH.

- Ngày 22/11/2006, sau 7 tháng thanh tra, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tp. Cần Thơ trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ: “Chưa có quyết định chính thức nào về những sai phạm của NTSH. NTSH đang gặp khó khăn do chuyển đổi cơ chế, tuy nhiên làm ăn vẫn hiệu quả. Khó khăn chủ yếu do sử dụng vốn vay ngắn hạn đầu tư các công trình dài hạn và bởi quá trình dài nông trường phải lo công tác xã hội quá nặng nề”.

- Ngày 20/3/2008, Văn phòng Thành ủy Cần Thơ có Thông báo kết luận của đồng chí Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư thường trực Thành ủy tp. Cần Thơ tại cuộc họp ngày 18/3/2008 báo cáo xin ý kiến chuyển một số nội dung kết luận thanh tra NTSH sang cơ quan điều tra. Công văn số 91-TP/VPTU ngày 20/3/2008 do ông Đinh Công Út, phó Chánh văn phòng viết: “Sau khi xin ý kiến đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đồng chí Phạm Thanh Vận kết luận như sau: “Quán triệt quan điểm xử lý của Ban Thường vụ Thành ủy, thống nhất chuyển sang cơ quan điều tra những nội dung vi phạm nguyên tắc quản lý đã được Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Trung ương cho ý kiến. Trước mắt khởi tố vụ án về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. (thông thường việc này phải do cơ quan điều tra hoặc VKS tiến hành).

Ông Nguyễn Thanh Sơn thừa hành chỉ đạo của ông Phạm Thanh Vận ký quyết định chuyển hồ sơ từ Thanh tra sang Cơ quan CSĐT, ông Sơn giải thích: “Do lãnh đạo không đồng ý với các nội dung của kết luận thanh tra, không giải quyết được những vấn đề sau thanh tra, nên phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT”.

- Tháng 4/2008, bà Sương nhận quyết định về hưu của Sở Nội Vụ tp. Cần Thơ đúng tuổi dù bà mong muốn phục vụ thêm ít nhất một năm nữa.

- Ngày 14/4/2008, Công an TP. Cần Thơ họp báo công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” xảy ra ở NTSH.

- Ngày 9/9/2008, Công an TP Cần Thơ đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH); đồng thời khám xét nơi ở của bà Sương cùng văn phòng đại diện NTSH tại TP.HCM.

- Từ 11 đến 15/8/2009, TAND huyện Cờ Đỏ xét xử sơ thẩm vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Sương nói: “Trong những năm chuyển đổi, do cơ chế khó khăn nên chị em chúng tôi tìm cách xoay trở với mong muốn đưa NTSH đi lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu tôi tham lam tôi đã giàu rồi chứ không như bây giờ”.


Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Sương ra toà cùng các cộng sự trong vụ án "Lập quỹ trái phép", bị cáo buộc vai trò "chủ mưu".

-Theo bản án hình sự sơ thẩm số 25/2009/HSST của Toà án Nhân dân huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, bà Trần Ngọc Sương cùng 4 bị cáo khác bị cáo buộc phạm tội “Lập quỹ trái phép” với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2007.

Số tiền này thu từ các nguồn: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thu từ nguồn bán bạch đàn; thu thuế đìa cá; cho thuê đất; quản lý máy; quản lý công trình điện nông thôn; bán ao cá; thu tiền chăn nuôi; tiền khấu hao máy; thanh lý tài sản; hoa hồng mua bảo hiểm; cho thuê mặt bằng; tiền vay ngoài…

Trong số 9,4 tỷ đó, số tiền được chấp nhận chi hợp lý là hơn 3,8 tỷ đồng; số tiền bị cáo buộc chi gây thiệt hại là hơn 5,6 tỷ đồng. Cá nhân bà Trần Ngọc Sương bị cáo buộc trực tiếp duyệt chi hơn 4,414 tỷ đồng. Bà Ba Sương bị tuyên phạt 8 năm tù giam và phải bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng.

- Sau phiên sơ thẩm, ngày 15/9/2009, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản 4309/MTTW-BTT do Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Vũ Trọng Kim ký. gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, về việc “kiến nghị xem xét bản án”.Văn bản của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ: “Đề nghị các đồng chí chỉ đạo công tác điều tra, truy tố, xét xử cần hết sức thận trọng, khách quan, chính xác, tránh làm oan người vô tội.

Quá trình xử lý vụ việc cũng cần tính đến sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay; nhiều qui định có thể không phù hợp với sự vận hành của một quốc doanh vừa có tính chất của một doanh nghiệp Nhà nước lại vừa có tính chất như một hợp tác xã.

Mặt khác, quá trình xử lý cũng cần cân nhắc thận trọng đến hiệu ứng của dư luận đối với kết quả bản án; nhân thân cũng như những đóng góp của cá nhân bà Trần Ngọc Sương đối với sự phát triển của đất nước, của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua”.

- Sau phiên tòa sơ thẩm, ngày 19/8/2009, bà Trần Ngọc Sương có bản kháng cáo gửi lên Tòa phúc thẩm, TAND TP. Cần Thơ, ngày 29/8 bà Sương gửi bản kháng cáo bổ sung lần 1, và ngày 24/10 gửi bản kháng cáo bổ sung lần 2.Việc áp dụng Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) của Hội đồng xét xử TAND huyện Cờ Đỏ để ban hành Quyết định yêu cầu khởi tố vụ án hình sự cũng không bảo đảm tính hợp pháp -"việc không có quyết định phân công phó thủ trưởng cơ quan điều tra (CQĐT) phụ trách điều tra vụ án, phân công điều tra viên, phân công kiểm sát viên trong vụ án này là vi phạm nghiêm trọng bộ luật Tố tụng hình sự", việc không công bố cho bị can, bị cáo kết quả giám định tài chính là vi phạm điều 158 luật TTHS.... Liên quan đến việc giám định tài chính, luật sư cho rằng việc không ghi rõ những tài liệu nào được sử dụng trong quá trình giám định; những thành viên tham gia giám định và việc giám định kết luận "là hành vi lập quỹ trái phép" là vượt quá quyền hạn..., là vi phạm điều 175 bộ luật TTHS. Đồng thời, việc không công bố cho bị can, bị cáo kết quả giám định tài chính là vi phạm điều 158 luật TTHS.

- Ngày 19/11/2009, sau 2 lần tạm hoãn, Tòa án Nhân dân tp. Cần Thơ xử phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” ở NTSH và vẫn xử y án sơ thẩm: Bị cáo Trần Ngọc Sương, nguyên giám đốc NTSH bị xử phạt 8 năm tù giam, buộc phải bồi thường 4,3 tỉ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, có 3 luật sư bào chữa cho đã biện luận “không có căn cứ pháp lý vững chắc để xác định bà Ba Sương phạm tội lập quỹ trái phép” bởi các lẽ:

  • Thứ nhất, Quỹ này đã có từ trước khi bà Ba Sương làm giám đốc và vào thời điểm đó (năm 1981 pháp luật cho phép thành lập quỹ này);
  • Thứ hai, việc xác định có hay không hậu quả xảy ra, hậu quả gây thiệt hại cho ai, ngân sách nhà nước, tập thể người lao động, hay… chưa được làm rõ;
  • Thứ ba, NTSH là một mô hình kinh tế đặc thù trong nông nghiệp vừa làm sản xuất kinh doanh, nhưng lại vừa làm công tác phúc lợi xã hội. Do đó, những khoản thu chi không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước do công sức lao động tập thể làm thêm là những khoản thu chi hợp pháp, hợp lệ”.
  • Luật sư Nguyễn Đăng Trừng cảnh báo: “Mong HĐXX xem xét đến tính lịch sử, quá trình lịch sử khi xem xét phán quyết vụ án này. Một đơn vị như NTSH 2 lần Anh hùng, ông Trần Ngọc Hoằng là Anh hùng. Con gái ông Hoằng là bà Sương cũng là Anh hùng. Cha con đều là Anh hùng, đơn vị được nhiều lần tôn vinh. Nếu không xem xét, thì chính chúng ta hôm nay sẽ nã đại bác vào quá khứ. Mà đây không phải là một quá khứ bình thường. Đây là một quá khứ đã được Tôn vinh”.

- Ngay ngày 19/11/2009, Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ xử phục thẩm đã y án sơ thẩm làm dư luận hết sức bức xúc.


Phiên tòa xét xử vụ án NTSH tuyên án lúc 3h chiều ngày 19/11/2009. Bà Trần Ngọc Sương vắng mặt khi tuyên án vì sức khỏe quá yếu. Năm nay bà Trần Ngọc Sương đã 61 tuổi, có 28 năm phục vụ cho NTSH. Ảnh: GVT

- Ngày 25/11/2009, trả lời câu hỏi phóng viên, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên đã nói: “Bây giờ, vụ án Nông trường Sông Hậu cơ quan pháp luật người ta đang làm, Thành ủy chưa có ý kiến gì. Các đồng chí thông cảm. Tôi cũng chưa có ý kiến về vấn đề mà cơ quan pháp luật họ đang làm.”

- Ngày 20/11/2009, Công ty nông trường Sông Hậuđã gửi văn bản đòi lại nhà em bà Sương đã thuê (hết hạn 2010) mà bàSương đang nghỉ trị bệnh tại tp. HCM tại số 17 Điện Biên Phủ (P.15,Q.Bình Thạnh, tp.HCM).

- Ngày 25/11/2009, Nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai khi được phỏng vấn đã nhận định: "Dưới góc độ một người nghiên cứu lịch sử, tôi thấy vụ án này phản ảnh bước chuyển đổi của xã hội, chuyển đổi về những giá trị và đương nhiên trong đó cốt lõi là luật pháp.

Tôi rất chú ý đến chi tiết chưa được kiểm chứng là đằng sau vụ án này có yếu tố đất đai. Tôi không bình luận trực tiếp về những thông tin Thành phố Cần Thơ muốn lấy đất Nông trường Sông Hậu để làm khu đô thị, nhưng tôi thấy trong xã hội hiện nay, vấn đề đất đai luôn luôn có mặt đằng sau mọi động thái xã hội."

- Ngày 29/11/2009, tại cuộc họp để nghe báo cáo về vụ án Nông trường Sông Hậu ngày 29/11/2009 với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có ý kiến về việc khởi tố thêm tội tham ô cần được xem xét, cân nhắc thận trọng: "Việc xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật trong đó cũng cần chú ý đến nhân thân, công lao và hoàn cảnh sức khỏe của bà Trần Ngọc Sương".

Phó thủ tướng kết luận tại buổi họp: "Ngoài ra, tôi cũng đã đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương cần chỉ đạo định hướng báo chí thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan về vụ án, phối hợp chặt chẽ với Ban thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổ chức tốt việc cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí".

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mong trong thời gian tới báo chí cần hết sức tránh viết bài, đưa tin chỉ thiên về “tình cảm” đối với các vụ án tham nhũng phức tạp như vụ Nông trường Sông Hậu.

- Ngày 8/6/2010, TAND tối cao đã ra quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 137/2009/HSPT ngày 19/11/2009 của TAND TP Cần Thơ và Bản án sơ thẩm số 25/2009/HSST ngày 15/8/2009 của TAND huyện Cờ Đỏ để điều tra lại; chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho VKSND tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, TAND tối cao cho rằng, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2007, Trần Ngọc Sương, Trương Hồng Nhung, Đặng Thế Quốc Hưng, Nguyễn Văn Sơn, Hoàng Thị Bình đã có hành vi duy trì một số lượng quỹ tiền mặt từ các khoản thu khác nhau, không báo cáo tài chính theo quy định chi tiêu, sử dụng trái nguyên tắc nhiều lần số tiền này.

Hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội "Lập quỹ trái phép" quy định tại Điều 166 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có một số sai lầm, thiếu sót trong việc xác định số tiền dùng để lập quỹ trái phép, tổng thiệt hại của vụ án, trách nhiệm bồi thường.

Mặt khác, tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên đã tách các hành vi của Trần Ngọc Sương đối với khoản tiền 850.000.000 đồng trong số tiền bà Sương bị truy tố về tội "Lập quỹ trái phép" và 301.073.333 đồng là số tiền bà Sương sử dụng trong quỹ trái phép với mục đích trả tiền mua đất cho cá nhân để điều tra về tội "tham ô tài sản" và được TA cấp sơ thẩm chấp nhận đề nghị này.

Trong khi đó, việc tách các hành vi nêu trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tách các hành vi phạm tội chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra. Khi xét xử phúc thẩm, TA cấp phúc thẩm không phát hiện vi phạm nêu trên để khắc phục là thiếu sót.

Hơn nữa, nếu coi việc tách các hành vi nêu trên là rút một phần quyết định truy tố thì theo quy định tại Điều 195 và Điều 221 Bộ luật Tố tụng hình sự, tại phiên tòa, kiểm sát viên có thể rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn. Nhưng trên thực tế, sau khi tách các hành vi trên, VKSND huyện Cờ Đỏ vẫn khởi tố bà Trần Ngọc Sương về tội "Tham ô tài sản" (là tội nặng hơn so với tội "Lập quỹ trái phép") đối với các hành vi đã tách. Như vậy, một hành vi vi phạm của Trần Ngọc Sương đã bị khởi tố 2 lần là không đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiếng lòng với việc xét xử chị Ba Sương

    04/12/2009Nguyễn Tất ThịnhTôi và nhiều người bạn theo dõi vụ án xét xử chị Ba Sương, thổn thức về một số phận bi kịch đã giáng xuống cuối đời của một Con Người đáng kính, tôi hằng ngưỡng mộ như một sự tiêu biểu hiếm có về lòng yêu nước, yêu người, yêu lao động…