Cần có một nền học của ta và cho ta?

06:39 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Sáu, 2006

I. Trăn trở về một câu hỏi

Gần một trăm năm trước, trước những xáo động trong nền học vấn nước nhà, nhiều bậc thức giả tâm huyết hồi đầu thế kỷ 20 đã từng trăn trở: “Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi..... Từ xưa đến nay, nước ta quả không có quốc học thật. Bởi tại làm sao? Từ nay về sau, ta có thể gây được một nền quốc học không? Phải làm thế nào? ” [1]. Một thế kỷ đã đi qua, và câu hỏi mà cha ông ta từng tự chất vấn mình xưa kia lại trở về chất vấn chúng ta ngày nay, không kém phần gay gắt. Nền giáo dục của chúng ta ngày nay cũng đang đứng trước biết bao vấn nạn, đòi hỏi được đổi mới và cải cách, nhưng dường như hàng chục năm nay, chúng ta vẫn còn đang loay hoay mãi với những chuyện ở vòng ngoài như bằng cấp thi cử, học thêm dạy thêm, làm dối ăn thật, v.v... Còn cái chuyện cốt lõi nhất mà cha ông ta từ xưa đã biết tự chất vấn mình, thì chúng ta dường như còn ít nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến thì cũng chỉ mới thoảng qua, nghĩ đấy rồi bỏ đấy, chưa thật đầu tư công sức và trí tuệ vào. Đó là cái câu hỏi : ta đã thật có một nền quốc học của ta chưa? và một nền quốc học đổi mới mà ta muốn gây dựng thì phải như thế nào, phải có nội dung ra sao? Nói rằng chưa có thì hoá ra phủ nhận công lao mấy chục năm gian khổ xây dựng vừa qua, chắc khó mà đồng ý được, nhưng bảo rằng đã thực có thì quả thật cũng không ít băn khoăn. Đúng là từ hàng ngàn năm nay, trên đất nước ta, việc học chưa bao giờ ngừng, ta đã từng có biết bao thế hệ thầy giáo và học trò tài năng góp phần làm rạng danh non sông; nhưng ta cứ ngẫm kỹ lại mà xem, có đúng là “xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, sau học sách Tây chỉ làm học trò Tây” hay không? Xưa, theo Nho học, thậm chí bản thân Nho học ở bên Tàu có thay đổi thì ta cũng vẫn cứ dùi mài kinh sử, học miệt mài theo lối từ chương, nặng đường thi cử để mong được vinh thân phì gia; rồi đến khi Tây sang, chẳng tính dở hay thế nào từ bỏ không thương tiếc “cựu học” để chuyển hẳn sang “tân học”, vứt bút lông cầm bút sắt, theo trường Tây, làm học trò Tây, lấy “khoa học” thay cho đạo học mà chẳng cần biết cái học cũ ngàn năm có gì đáng giữ có gì đáng bỏ, một nền học bỗng chốc thay gan đổi ruột liệu có biến ngay thành một nền học mới tự chủ được hay không?

Ngày nay, nói đến chuyện cải cách giáo dục, tôi nghĩ rằng cũng là một thời cơ để thế hệ chúng ta đền đáp công ơn của các bậc tiền nhân bằng cách cùng góp sức góp trí xây dựng cho được một nền quốc học, của ta và cho ta, như các vị đã từng trở trăn mong đợi. Giờ đây, so với thời của cha ông chúng ta, ta đã có nhiều thuận lợi hơn. Đất nước đã hoàn toàn độc lập, cửa ra cùng thế giới đã rộng mở, đường về với lịch sử cũng đã thông suốt, mọi cái để trở thành “của ta và cho ta” đã sẵn sàng, vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào tâm ta, trí ta và sức ta nữa mà thôi. Tuyên ngôn về Khoa học cho thế kỷ 21 được thông qua tại Hội nghị thế giới về Khoa học năm 1999[2], cũng đã kêu gọi các nước trong khi hoạch định các chính sách quốc gia của mình cần mở rộng việc sử dụng cũng như trao đổi kinh nghiệm với nhau về các dạng học tập và tri thức truyền thống. Thời đại để cho mỗi nước tự gây dựng cho mình một nền học vấn trên cơ sở các nguồn tri thức khoa học phong phú chung của nhân loại và những vốn riêng đặc sắc trong nền học truyền thống của mình đã mở ra cho mọi quốc gia, ta cũng cần nương theo cái tinh thần chung của thời đại đó mà xây dựng nền học mới cho mình.

Việc học ngày nay đã được thừa nhận chính thức là quyền của mỗi con người. Và con người sẽ thực hiện quyền đó trong cả cuộc đời mình-quyền được học, học để làm người, học những gì mà mình thấy là bổ ích, học liên tục và học suốt đời. Nền học vấn của mỗi quốc gia phải chăm lo cho việc thực hiện quyền được học đó của công dân nước mình. Phạm vi của việc học thì rất rộng, nội dung học thì bao la, nhưng một nền học trước hết phải lo nội dung học cho trình độ phổ cập của toàn xã hội. Như ở nước ta trong khoảng thời gian trước mắt thì trình độ phổ cập đó là các bậc học tiểu học và trung học cơ sở. Vậy cho nên chăm lo cho chương trình và nội dung của các bậc học đó là điều chủ yếu nhất hiện nay. Mấy năm vừa qua ta đang đi theo hướng này, đã có nhiều cố gắng đáng khuyến khích và cũng còn nhiều điều cần được làm sáng tỏ hơn. Nói như nhà giáo lão thành Dương Thiệu Tống: “Nền giáo dục của ta phải xây lại từ móng”. Tôi nghĩ đề nghị đó rất đáng suy nghĩ. Vì, có thể nói ta chưa bao giờ có thật một nền học “của ta và do ta”, nên “xây lại từ móng” cũng là tự nhiên. Cái “móng” ấy, trong thời hiện đại ngày nay về cơ bản cũng không khác nhiều lắm so với đề xuất của các bậc thức giả đàn anh từ hồi đầu thế kỷ 20, và cũng đã được ghi trong các văn kiện chính thức với tinh thần là xây dựng một nền giáo dục có nội dung tiên tiến, hiện đại , đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện đại và dân tộc, hay hiện đại và truyền thống, là những yếu tố nền móng cho nội dung của một nền giáo dục đổi mới, chắc không còn gì phải bàn cãi. Cái đáng bàn cãi hay thảo luận với nhau mà chưa có mấy dịp được cùng nhau thảo luận lại chính là tinh thần và nội dung của các khái niệm đó. Hiện đại là nói đến tri thức khoa học tiên tiến của nhân loại, đã và đang có những bước tiến vượt bậc và tác động to lớn đến sự chuyển biến của kinh tế và xã hội loài người hiện nay; còn truyền thống phải chăng là những cái hay, cái đẹp trong nền học của dân tộc ta từ hàng ngàn năm nay, đã góp phần tạo nên cái cốt cách tinh thần của dân tộc ta trong quá khứ và vẫn còn cần thiết cho cuộc sống hôm nay? Nếu quả là vậy thì ta phải cùng nhau tìm hiểu cho sâu, cho kỹ cái “khoa học” hiện nay, rồi dùng các phương pháp khoa học mà phân tích cho thấu đáo những điều hay lẽ phải của nền học cũ-mà phần lớn là những điều ta học được từ các học thuyết truyền thống Á đông-rồi tìm cách kết hợp vào nội dung chung của một nền học mới. Có kết hợp được hay không, có cần đặt vấn đề kết hợp hay không, kết hợp thì có lợi gì, không có lợi gì, điều kiện thực tế hiện nay có thuận cho việc kết hợp đó hay không, v.v... là những câu hỏi mà ta cần có câu trả lời và những lý giải cần thiết.

Về những câu hỏi này các bậc thức giả nước ta cũng đã từng bàn luận khá gay gắt từ hồi đầu thế kỷ 20. Trong khi các vị như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim cổ vũ cho việc tìm kiếm một cách kết hợp để gây dựng nền quốc học nước nhà, thì cũng có những vị như Phan Khôi kiên quyết bác bỏ, xem rằng nền học cũ đã hỏng, nay đã theo Tây học thì phải dứt khoát, vì hai nền học cũ và mới đó khác nhau như nước với lửa, “không thể điều hoà được”[3]. Gần một thế kỷ trôi qua, khoa học đã trải qua những phát triển có ý nghĩa cách mạng, và may mắn thay, cùng với sự phát triển đó, những tương khắc giữa khoa học và các triết thuyết cổ phương Đông đang được khắc phục dần để tìm được tiếng nói chung trong con đường nhận thức thế giới của loài người. Các học thuyết cổ đại, trong đó có Nho học đã từng là cơ sở của nền học nước ta, xem nhận thức chủ yếu là do trực giác của tâm (hay lương tri) mà có được, trong cái trực giác ấy tuy gồm cả lý trí nữa, nhưng lý trí không phải là phần chủ động; trong khi đó khoa học phương Tây xem lý trí, cái suy luận hợp lý, là cái chủ đạo của nhận thức. Thực ra thì trong lịch sử chưa hề có sự phân biệt đối kháng nào giữa hai cách nhận thức đó. Chính B. Pascal, một nhà khoa học lớn của Pháp ở thế kỷ 17, đã từng viết: “có những chân lý được cảm nhận từ cái tâm và những chân lý thu được bằng suy luận,...sẽ là vô ích nếu suy luận đòi hỏi ở cái tâm những chứng minh cho các nguyên lý mà mình có được, và cũng vậy nếu cái tâm đòi hỏi ở suy luận sự cảm nhận về những chân lý mà mình suy diễn ra”[4]. Cảm thụ trực giác và suy luận duy lý đều là những con đường phát hiện tri thức, nhưng quả là những con đường khác nhau. Thế kỷ 20 đã là thế kỷ mà nhiều lý thuyết khoa học tự chứng minh được tính không đầy đủ của mình, có nghĩa là nhận thức không thể qui giản về các lý thuyết duy lý và định lượng. Tuy nhiên, từ đó ta không thể vội vàng ngộ nhận rằng vai trò của khoa học đã yếu đi, mà cần hiểu rằng do nhận thức được những mặt yếu trong các phương pháp kinh điển của mình mà khoa học đã đi tìm thêm những quan điểm và phương pháp mới, kể cả những quan điểm và phương pháp của cách nhận thức bằng trực giác vốn là xa lạ với khoa học. Nếu ngày nay ta bắt đầu thấy một sự khởi đầu mới của việc khoa học “trở về” với các học thuyết về thiên địa vạn vật nhất thể của phương Đông, các phương pháp định tính trong lập luận, các năng lực của nhận thức trực tiếp bằng trực giác,... thì đó tuyệt nhiên không chứng tỏ là khoa học yếu đi, mà ngược lại, chính đó cũng là một thành công của phát triển khoa học. Có thể là trải qua một vòng xoáy trôn ốc của lịch sử tiến hoá, nhận thức con người lại đang trở về-ở mức độ cao hơn-với sự thống nhất của cảm thụ trực giác và suy luận duy lý. Và trong sự thống nhất mới đó, cả hai mặt không còn ở tư thế đối kháng mà là hợp tác để hỗ trợ và cùng hoàn thiện. Nhiều thí dụ về việc phát triển tư duy định tính trên cơ sở tích luỹ nhiều dữ liệu của nghiên cứu định lượng, phát huy năng lực của tư duy thị giác với các công cụ của đồ hoạ máy tính, các phương pháp cận thực nghiệm,... đã chứng tỏ hùng hồn cho xu thế “hợp tác” đó.

Đối tượng nhận thức của chúng ta trong thời đại hiện nay, cả về tự nhiên, về kinh tế, về xã hội, đều là những hệ thống phức tạp; chỉ bằng các phương pháp phân tích của khoa học truyền thống là không thể nhận thức được, do đó để hiểu được, và nhất là để xác định được những cách hành xử trong các hệ thống đó nhiều khi ta phải viện đến cả những cảm nhận trực giác tức thời mà không nhất thiết phải thông qua các phân tích suy luận, trong những trường hợp như vậy, tài năng kết hợp tự nhiên sự nhậy cảm của trực giác và cái mẫn tuệ của lý trí là có ý nghĩa quyết định.

Kết hợp hai năng lực nói trên của con người cũng là một đặc điểm của sự kết hợp khoa học và nghệ thuật. Cảm thụ nghệ thuật là cảm thụ trực tiếp bằng trực giác về cái toàn thể, vẻ đẹp khoa học do đó cũng càng ngày càng dễ tìm được tiếng nói chung với vẻ đẹp nghệ thuật. Và vì vậy, nếu sáng tạo là đi tìm vẻ đẹp của tự nhiên và cuộc sống thì về thực chất, sáng tạo trong khoa học và sáng tạo trong nghệ thuật cũng không khác nhau là bao nhiêu. Chúng ta đang mong muốn dạy học sinh của ta có năng lực sáng tạo khoa học; vậy phải chăng dạy cho học sinh biết rung cảm trước một bài thơ hay, một bức tranh đẹp, cũng có thể góp phần bồi dưỡng cái năng lực sáng tạo khoa học mà ta mong muốn đó?

Tôi đã trình bày một cách thô thiển và vụng về một vài suy nghĩ và cảm nhận của mình về những điều hữu ích mà sự kết hợp giữa khoa học hiện đại và nền học truyền thống có thể mang lại trong việc xây dựng nền học mới của ta. Tất nhiên, từ đó đến việc xác định nội dung, chương trình và phương pháp dạy học cụ thể còn là một con đường dài, cần có sự góp sức của nhiều người. Trong phần 2 tiếp theo đây, tôi sẽ xin mạnh dạn đề cập bước đầu đến các vấn đề đó.

II. Một vài kiến nghị bước đầu.

Trong phần 1 tôi đã trình bày một số suy nghĩ về vấn đề cần có một nền học của ta và cho ta trên cơ sở kết hợp hai hệ thống tri thức khoa học hiện đại và tri thức truyền thống phương Đông đã được xem là một nét chủ yếu trong bản sắc văn hoá lâu đời của dân tộc ta. Trong phần 2 này tôi xin được trình bày tiếp một số suy nghĩ (có thể còn chưa thấu đáo) về những kiến nghị xây dựng một chương trình giáo dục phổ cập ở nước ta với tinh thần kết hợp hai nguồn tri thức và hai dòng văn hoá đó.

Trước khi nói đến việc đổi mới chương trình, tôi xin nói thêm về một vài lý lẽ cần thiết cho sự đổi mới. Nền học truyền thống của ta, có nguồn gốc từ nền học Khổng Nho (có thêm ít nhiều ảnh hưởng của Phật học và Đạo học), và như đã nhận xét trong phần 1, khi thâm nhập vào nước ta đã có nhược điểm là nặng về xu hướng từ chương khoa cử, nhưng cũng cần nhận rõ là phần nào cũng đã được “Việt nam hoá”, mang nhiều ảnh hưởng của văn hoá dân tộc, của phong tục tập quán và đạo lý sống đặc sắc của nền văn hoá đó. Một điều cần chú ý và đáng suy nghĩ là trong hàng nghìn năm với nền học đó, số người được đi học không nhiều, chỉ là một số nhỏ trong toàn dân số, nhưng ảnh hưởng của nền học đó đã có sức toả rộng khắp xã hội, gần như tạo nên một chuẩn mực chung về đời sống văn hoá của toàn dân. Chắc nhiều vị trong chúng ta đây, trong đó có tôi là một kẻ hậu sinh, tuy chỉ được theo nền học truyền thống đó nhiều là dăm mười năm, ít là vài ba năm muộn mằn, cũng không phủ nhận ảnh hưởng sâu đậm của nền học đó trong việc hình thành nhân cách và văn hoá sống của mình.

Đối với mục đích học là để làm phong phú vốn tri thức của con người về tự nhiên, xã hội, thì ngày nay ta phải thừa nhận vai trò chủ đạo của hệ thống tri thức khoa học hiện đại, nhưng cũng không vì thế mà bỏ quên hoàn toàn những yếu tố tích cực trong các quan niệm đặc sắc của các triết thuyết truyền thống. Tuy nhiên, để kết hợp được hai hệ thống đó trong một chương trình và nội dung giáo dục, ta không được dùng những giải pháp khiên cưỡng, mà phải nghiên cứu tìm những cách kết hợp nhẹ nhàng, tự nhiên, phù hợp với con đường bản chất của nhận thức. Ta biết rằng trong thế kỷ 20, khoa học đã có những bước phát triển đột phá có ý nghĩa cách mạng cả trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, và chính trong môi trường của sự phát triển đó, nhiều nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có sự tương đồng giữa các ý tưởng của khoa học hiện đại và các quan điểm về vũ trụ, nhân sinh của các triết thuyết phương Đông cổ đại. Tất nhiên tương đồng không có nghĩa là không còn dị biệt. Nguyên tắc kết hợp của chúng ta nên là tôn trọng các dị biệt, nếu chúng không dẫn đến đối kháng mà có thể bổ sung cho nhau, và dĩ nhiên là trân trọng những điểm tương đồng đã được lý giải thoả đáng. Vĩ vậy, việc kết hợp hiện đại và truyền thống trong nội dung chương trình giáo dục của chúng ta có thể nên là: với những nội dung nào đã có sự hiểu biết đầy đủ về tính tương đồng thì nên kết hợp làm một, lấy cách diễn giải khoa học làm chính đồng thời kết hợp trong đó những đóng góp độc đáo của tri thức truyền thống; với những nội dung nào mà khoa học ngày nay chưa giải quyết được triệt để trong khi có những cách lý giải mang tính trực cảm thì có thể trình bày phần nội dung khoa học, nói rõ những vấn đề còn gặp khó khăn và giới thiệu cách lý giải theo tri thức truyền thống như một tham khảo, có thể kèm theo nhận xét và phê phán. Nhân đây cũng cần nói thêm một điều là ngay đối với nhiều kiến thức của khoa học hiện đại về thiên nhiên, vũ trụ, về sự sống và sự tiến hoá của các hệ sinh thái,... để hiểu được thấu đáo thì đòi hỏi một bề dày các kiến thức chuẩn bị khá lớn, nhưng mặt khác những kiến thức hiện đại đó cũng đã nhanh chóng trở thành phổ biến trong đời sống hiện đại, là những kiến thức mà một con người hiện đại phải biết. Vấn đề này cũng đã được đặt ra đối với các nền giáo dục phát triển từ nhiều năm gần đây, và sớm muộn cũng sẽ trở thành vấn đề của chúng ta. Có nhiều học giả đã đề ra cách giải quyết, trong đó có hai cách sau đây mà tôi nghĩ rằng rất có ý nghĩa cả về khoa học và giáo dục: 1) bất cứ phát minh khoa học nào cũng khởi đầu từ những ý tưởng sáng tạo, vì vậy nếu trình bày cặn kẽ các kết quả của phát minh dưới ngôn ngữ thuần tuý khoa học thì khó hiểu, nhưng nếu trình bày dưới dang ngôn ngữ “bình dân” các ý tưởng, rồi từ đó phát triển các ý tưởng lên thì người học có thể không hiểu thấu đáo các kiến thức nhưng cũng có thể nắm được (hay cảm nhận được) một số ý bản chất của phát minh; 2) một đề nghị khác có những ý tương tự là dạy khoa học bằng cách thông qua việc dạy lịch sử khoa học, dạy lịch sử khoa học có một ưu thế là sinh động hơn, hấp dẫn người học hơn, từ đó có thể lồng vào con đường nẩy sinh các ý tưởng khoa học và dẫn đến các kết quả phát minh khoa học.

Sau khi đã trình bày vắn tắt một vài suy nghĩ như trên, bây giờ tôi xin mạo muội đề xuất một số kiến nghị đối với việc đổi mới nội dung và chương trình dạy học, chủ yếu ở cấp học phổ cập. Trước hết tôi muốn đề nghị sắp xếp lại cấp học phổ thông của chúng ta: do hiện nay ta đã có chủ trương lấy trình độ phổ thông cơ sở là chuẩn phổ cập giáo dục toàn dân, nên kết hợp hai bậc học tiểu học và trung học cơ sở với nhau thành một cấp học giáo dục phổ cập, do các trường giáo dục phổ cập đảm nhiệm; còn bậc học trung học phổ thông hiện nay vẫn để riêng thành một cấp học, có thể tìm cho nó một tên gọi thích hợp hơn.

Ta đã có chủ trương phổ cập giáo dục (một cách bắt buộc) đến hết bậc học trung học cơ sở, tôi đề nghị nên chính thức hoá chủ trương đó thành một điều bổ sung trong Luật giáo dục, và xem xét, đổi mới nội dung, chương trình học cho cấp học phổ cập này trong một thể thống nhất, bao gồm mọi nội dung kiến thức mà mọi công dân nhỏ tuổi của ta nhất thiết phải được học. Nội dung đó có thể chia làm ba phần:

1. Phần tiếng Việt, gồm cả ngôn ngữ nói và viết, văn thơ nghệ thuật, văn hoá dân tộc.

2. Phần kiến thức nhập môn cơ bản về khoa học và kỹ thuật.

3. Phần kiến thức về đạo đức công dân.

Phần tiếng Việt là rất quan trọng. Ta thường nói cần phải xây dựng nền giáo dục “đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngày nay, người ta càng ngày càng nhận thức được yếu tố cốt yếu làm nên bản sắc dân tộc chính là ngôn ngữ của dân tộc đó. Nhiều đức tính tốt mà một dân tộc nào đó tự coi là đặc sắc của dân tộc mình thì thực ra dân tộc nào cũng có, duy có ngôn ngữ là cái riêng của từng dân tộc. Trên nền của ngôn ngữ riêng đó mà một dân tộc sáng tạo ra không chỉ những phong cách giao tiếp riêng, mà còn cả nền văn học truyền khẩu và văn học viết, thơ ca, nghệ thuật,... , phong cách cảm thụ cái hay, cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống, và nói chung nhiều mặt trong đời sống văn hoá của dân tộc. Ở nước ta, trong nhiều thập niên vừa qua, do việc dạy và học tiếng Việt không thấu đáo, nên đã đi đến hậu quả là rất nhiều học sinh tốt nghiệp trung học nhưng khả năng nói và viết tiếng Việt không thành thạo, dẫn đến những khó khăn cho việc học tiếp tục. Phần tiếng Việt này (theo nghĩa rộng kể trên) cần được bố trí trong chương trình học như là phần chủ yếu trong bậc học tiểu học và tiếp tục với một lượng thời gian thích đáng trong các lớp của bậc trung học cơ sở.

Phần kiến thức cơ bản về khoa học và kỹ thuật trên đại thể vẫn học các kiến thức nhập môn về các vấn đề lịch sử tự nhiên, các trạng thái cơ bản của vật chất, một số kiến thức cần thiết của cơ học, vật lý, hoá học, sinh vật học. Nên học với mục tiêu “giải quyết vấn đề” (problem solving), tức có kiến thức để tìm được lý giải cho các vấn đề gặp trong cuộc sống, mà chưa đặt nặng mục tiêu tìm kiếm “chân lý khoa học” bằng con đường duy lý. Cùng với khoa học tự nhiên là Toán học. Học toán học cũng là học cách suy luận hợp lôgích, học cách tư duy lôgích rất cần thiết cho sự phát triển về sau. Các kiến thức toán học và khoa học tự nhiên cũng hết sức cần thiết để học sinh có thể hiểu được nhiều vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, ... mà học sinh cần biết trong cuộc sống hiện đại hàng ngày. Vì vậy, bên cạnh các loại kiến thức nói trên, cần bổ sung thêm một số kiến thức nhập môn về thông tin và công nghệ thông tin trong chương trình học ở giai đoạn cuối của cấp học phổ cập. Nói tóm lại, phần nội dung về khoa học và kỹ thuật là phần trọng tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc giáo dục học sinh có những hiểu biết cần thiết để sống trong cuộc sống hiện đại và để tiếp tục hoàn thiện mình trở thành một con người hữu ích , có đóng góp tích cực cho cuộc sống xã hội trong tương lai. Chuẩn mực cho phần kiến thức này nên cố gắng hướng tới các chuẩn mực quốc tế để tạo nên sự liên thông và khả năng hội nhập với các nền giáo dục khác trong khu vực và trên thế giới. Để có được một nội dung và chương trình giáo dục vừa phong phú sâu sắc, vừa linh động hấp dẫn, vừa khuôn gọn trong một phạm vi thời gian hợp lý, cho phần kiến thức này đòi hỏi sự nghiên cứu công phu và sự hợp tác của nhiều nhà giáo, nhà khoa học; tôi hy vọng các cấp quản lý ngành giáo dục có sự quan tâm thoả đáng đến vấn đề này và do đó có sự chỉ đạo, tập hợp lực lượng để xây dựng chương trình, nội dung cho phần kiến thức này cũng như cho toàn cấp học phổ cập nói chung.

Đối với phần kiến thức về Đạo đức công dân, là phần có thể kết hợp nhiều nội dung của văn hoá truyền thống và yêu cầu đạo đức trong xã hội hiện đại ở nước ta, ta cũng cần nghiên cứu kỹ hơn để có một sự thống nhất về nội dung và chương trình giáo dục. Học đạo đức công dân là học cách sống, học cách làm việc, cách làm người, cách chung sống với mọi người trong cộng đồng, trong xã hội. Ngày nay, ta đã thừa nhận là quả thực có những đức tính tốt mang tính “người” nói chung, độc lập với các ý thức hệ, những đức tính tốt đó có nhiều trong văn hoá truyền thống của dân tộc ta, ta cần phát hiện lại và khai thác đầy đủ để bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hiện nay; tất nhiên xã hội mới và nền văn minh mới cũng đề ra nhiều chuẩn mực mới về đạo đức công dân, tôi nghĩ rằng ta cần nghiên cứu kỹ để xác định những chuẩn mực nào thực sự cần thiết cho xã hội ta, đất nước ta trong tương lai, chứ không nên qui định vội vã một số chuẩn mực của một ý thức hệ có sẵn nào đó cho nền giáo dục của nước ta hiện nay.

Như vậy, đối với việc xây dựng và đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đặc biệt cho cấp học phổ cập, nếu ta dễ dãi thoả mãn với một số việc làm gần đây, thì cũng có thể tự coi là đã đủ, nhưng nếu muốn xem việc làm đó là một khởi đầu nghiêm túc cho sự kiến tạo lại một nền học của ta và cho ta, thì quả thực còn nhiều việc phải làm, phải được tổ chức suy nghĩ và làm một cách công phu. Làm xong việc này rồi, ta sẽ có nhiều thuận lợi để xem xét việc xây dựng các chương trình và nội dung dạy học cho cấp trung học phổ thông và cấp đại học, cao đẳng. Tuy nhiên đối với các cấp học cao này thì do nội dung học chủ yếu là các kiến thức khoa học và công nghệ hiện đại và các phương pháp nghiên cứu khoa học, mà đối với phần kiến thức này thì ta phải hướng tới các chuẩn mực quốc tế mà phấn đấu vươn lên, do đó ta cũng có thể học kinh nghiệm của nhiều nước để xây dựng nội dung chương trình cho ta.


[1] Phạm Quỳnh. Bàn về quốc học. Nam phong tạp chí, số 163, 1931. Bài được in lại trong Phạm Quỳnh, Luận giải văn học và triết học. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà nội 2003, trang77-92.
[2] Science agenda-Framework for action. Text adopted by the UNESCO-World Conference on Science, Budapest, 26 June-1 July 1999.
[3] Xem các bài Tư tưởng của Tây phương và Đông phương, Đông Pháp thời báo, số 774 và 776, 1928 và bài Bác cái thuyết tân cựu điều hoà, Đông Pháp thời báo, số780, 1928. Các bài này được in lại trong tập Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928, Nhà xuất bản Đà nẵng, 2003.
[4] B. Pascal. Les pensées. Trích dẫn theo Philosophes et Philosophies. Tome 1, Nathan, 1992.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà trường xưa và nay

    25/03/2019Bác sĩ Nguyễn Khắc ViệnXã hội mới đòi hỏi có một nhà trường mới, luận điểm dĩ nhiên ấy, nói lên thì dễ nhưng suy nghĩ cho ra và thực hiện được một nhà trường mới lại rất khó. Có thể nói những nhược điểm của nhà trường hiện nay là do tiếp tục thực hiện một kiểu mẫu nhà trường cũ trong một xã hội mới. ...
  • So sánh giáo dục Đại học Việt - Mỹ

    17/12/2017TS. Vũ Quang ViệtBài viết tóm tắt những khác biệt cơ bản giữa giáo dục đào tạo cấp cử nhân (BA) ở Mỹ và ở Việt Nam hiện nay. Những nét cơ bản này dựa vào so sánh chương trình học kinh tế ở VN và chương trình học khoa học cơ bản, xã hội hoặc nhân văn (trong đó có kinh tế, toán, vật lý, hoá học, văn chương, tâm lý học…)
  • Ông thầy và thời đại

    27/03/2016Phan ĐăngMột trong những nguyên tắc giáo dục đại học ở Singapore là người thầy phải luôn cập nhật và giúp SV nắm bắt những thông tin thời sự mới nhất của lĩnh vực tin mình phụ trách...
  • Quan niệm giáo dục “Tự Tân” của Phan Bội Châu

    28/10/2014TS Dương Thiệu TốngNhững từ tưởng và hoạt động giáo dục của cụ Phan Bộ Châui suy ngẫm về các vấn đề canh tân văn hóa giáo dục, canh tân xã hội đáng để chúng ta quan tâm đến...
  • Cuộc cải cách giáo dục phải xuất phát từ cái đầu của nhà giáo dục

    27/10/2014Trước kia việc gì cũng “từ trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải “từ dưới nhoi lên” (XYZ, Sửa đổi lề lối làm việc)
  • Giáo dục, trí thức và nửa đường còn lại

    24/09/2012Ngô Tự Lập...việc xây dựng một đội ngũ trí thức, hay nói đúng hơn, việc biến đội ngũ nửa trí thức của chúng ta thành một đội ngũ trí thức thực thụ, đủ khả năng đảm đương vai trò đầu tàu của nó trong sự nghiệp phát triển của dân tộc, cũng chính là chặng đường còn lại của nền giáo dục dân tộc. Ðó là một nhiệm vụ cấp bách và to lớn, không chỉ đòi hỏi nhiều tiền của, thời gian và ý chí, mà còn cả những thay đổi triệt để trong quan niệm và phương pháp giáo dục.
  • “Emile, hay vấn đề giáo dục”

    22/08/2013Dương Thị Ngọc DungEmile, hay vấn đề giáo dục chính là "tuyên ngôn giải phóng tuổi trẻ " với lý luận đòi tự do cho con người cá nhân ở lứa tuổi thiếu niên. Xuyên suốt năm quyển - tương ứng với năm giai đoạn phát triển khác nhau của thời kỳ niên thiếu, từ lúc mới sinh ra cho đến khi trở thành một công dân trong xã hội - tư tưởng của Rousseau đều nhằm vào một mục đích duy nhất là tạo ra mẫu người công dân tự do cho một xã hội dân chủ lý tưởng...
  • Làm sao “lớn” được với một nền giáo dục yếu kém?

    17/06/2006Phan Thanh (Khánh Hòa)Nước Việt Nam ta chỉ có thể lớn lên được với một nền giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ tình yêu đất nước, ý thức công dân, đề cao lòng chính trực, căm ghét sự dối trá. Nền giáo dục ấy không có gì quá tốn kém, quá khó khăn đến nỗi phải tốn hàng ngàn tỉ đồng để liên tục thay đổi chương trình, làm mỏi mệt biết bao thế hệ con người...
  • Cần một hội nghị “Diên Hồng” trong giáo dục

    16/06/2006Hạ AnhNgày 12/7/2004 là một ngày rất có ý nghĩa với ngành diáo dục, khi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải. Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về giáo dục nhằm nghe các nhà giáo hiến kế đế canh tân nền giáo dục nước nhà đang có nhiều bức xúc- Một ngày không đủ thờigian cho những cánh tay giơ lên liên liếp đề nghị đăng đàn...
  • Một quốc nạn còn đáng lo ngại gấp bội tệ nạn tham nhũng

    03/06/2006Nguyễn Viết Hùng (TP.HCM)Đó chính là hiện trạng giáo dục. Có ở đâu mà người dân phải kêu lên trên báo chí: "Con tôi khổ quá, ông Bộ trưởng Giáo dục ơi!"? Có bao giờ lại đổ đốn lắm bằng cấp "tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi" đến như bây giờ? (1)
  • Việt Nam không thể đứng ngoài!

    20/05/2006Giáo dục ÐH Việt Nam cần đào tạo Cử nhân theo xu hướng hội nhập với thế giới
    Là Giáo sư trưởng bộ môn Cơ học phá hủy (Khoa Kỹ thuật Hàng không - Không gian) của ĐH Liège (Bỉ), đi thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới và hiện đang là Chủ nhiệm chương trình hợp tác đào tạo Cao học Việt - Bỉ tại ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Bách Khoa TP. HCM....
  • Khi giáo dục tự đánh mất mình

    03/03/2006Trần Trung PhượngTrong cuộc “ mưu sinh toàn cầu” hiện nay, giáo dục được nhận thức như một phương tiện quan trọng không thể thiếu để đạt tới ưu thế nào đó trong cuộc cạnh tranh. Điều này có thể được nhận thấy rõ ràng, qua sự quá tải của đủ loại kiến thức học đường, qua sự "phát minh" ra nhiều phương pháp giáo dục khác nhau ...
  • Trường Đại học duy lý và ý tưởng tự trị Đại học

    19/02/2006Ngô Tự Lậpcha đẻ thực thụ của trường Đại học hiện đại chính là Immanuel Kant (1724 -1804), người đã kết hợp triết học duy lý (rationalism) của Descartes với triết học duy nghiệm (empiricism) của Bacon và mở đầu cho thời kỳ Khai Sáng...
  • Làm thế nào để giáo dục thực sự là quốc sách

    13/02/2006Hà Văn Thịnh (Đại học khoa học Huế)Nếu giáo dục không gây nên tất cả mọi lỗi lầm thì ít nhất, cũng đã và đang gián tiếp một cách lâu dài, tạo nên nhiều yếu tố tiềm tàng để không đủ sức nhìn thấy và, ngăn chặn những lỗi lầm ấy...
  • Trách nhiệm cao cả

    11/01/2006Chu HảoNghĩa vụ thiêng liêng của nhà giáo là "trồng Người", đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các mục tiêu cao cả của Giáo dục. Các mục tiêu ấy thường được hiểu một cách đại thể là giáo dục nhân cách và truyền đạt kiến thức cho học trò - thanh, thiếu niên - thế hệ tương lai của dân tộc...
  • Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?

    21/12/2005Nguyên NgọcKhi bàn về giáo dục ở nước ta hiện nay, nhiều người thường thống nhất với nhau: Thôi, không nên nói tình hình nữa, tình hình giáo dục, những căn bệnh của giáo dục đang khiến cả xã hội không thể yên tâm, thì ai cũng biết và nhận ra cả rồi. Vấn đề bây giờ là cần tìm giải pháp nào để thay đổi được. Tôi bây giờ nghĩ khác. Chúng ta có thể thấy rõ điều ta vẫn yên trí là vậy hóa ra không phải là vậy...
  • Văn hiến… xưa và nay & văn hiến trong tương lai

    23/11/2005Hoàng Ngọc HiếnBàn về văn hiến... xưa và nay nên dành một phần thời gian cho sự thảo luận để hình dung văn hiến trong tương lai. Riêng trong ngành giáo dục, điểm qua những nhân tài xưa và nay tôi thấy hào quang của quá khứ và hiện tại nhưng chưa thấy tương lai.
  • Xã hội hoá giáo dục

    15/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupGiáo dục luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì nó quyết định tương lai của mỗi người và của cả xã hội. Thực trạng nhức nhối của nền giáo dục Việt Nam hiện nay - nguyên nhân làm trì trệ sự phát triển của Việt Nam - đặt ra vấn đề phải cải cách giáo dục và xã hội hóa giáo dục là một trong những giải pháp được đặt ra sôi nổi nhất. Phải khẳng định, xã hội hóa giáo dục là tinh thần, là nội dung quan trọng nhất của cải cách giáo dục, đảm bảo sự thành công của cải cách giáo dục?
  • Trồng người thời đại mới

    12/07/2005Thạc sĩ Phạm Xuân PhụngGần đây hiện tượng sa sút phẩm chất đạo đức thông thường của một bộ phận học sinh với nhiều lứa tuổi đã bộc lộ, đặc biệt là phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam...
  • Cải cách giáo dục: Phá không phải là…Xây

    09/07/2005Nguyễn Minh Danh... Từ những ý kiến mang tính xây dựng theo kiểu mong muồn phá bỏ ngay những cái đang tồn tại trong bộ máy giáo dục nước nhà không hẳn khi nào cũng có thể mang tới những kết quả cần thiết. Giáo dục là một công việc tinh tế, đòi hỏi một thái độ ứng xử cẩn trọng và thực tế hơn là những khẩu hiệu dân tuý mang tính phủ nhận hiện trạng một cách đầy quyết liệt....
  • Cần nhắc lại mục tiêu của giáo dục

    09/07/2005Chân LuậnGiáo dục (GD) cần phải tạo ra những con người biết sống có nhân bản và làm việc có hiệu quả. Chân lý ấy tưởng chừng như xuyên suốt, nhưng mỗi thời, nó lại được vận dụng theo những định hướng khác nhau. Và phải chăng, chúng ta đang vận dụng lệch?
  • Phải thay cách làm giáo dục

    21/12/2003Đây là bài phát biểu của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại tại hội thảo “Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo?” với chủ đề: tiếp tục giải quyết mâu thuẫn lớn giữa yêu cầu vừa phát triển qui mô, vừa phải đảm bảo chất lượng với điều kiện hạn hẹp về nguồn lực, do Bộ Giáo dục - đào tạo và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 23-12-2003...
  • Chấn hưng nền giáo dục nước nhà, bắt đầu từ đâu?

    11/11/2003Để chấn hưng nền giáo dục nước nhà - một nền giáo dục do đích thân Bác Hồ sáng lập và được xây dựng bằng trí tuệ và xương máu của nhiều thế hệ cách mạng - thì mọi vận động của nó phải theo quy luật vận động biện chứng của lịch sử và khoa học...
  • Giáo dục Việt Nam: ngôi nhà cần đổ lại móng

    11/11/2003Ông lão 79 tuổi gầy nhom, tóc điểm bạc, ngày ngày còng lưng trước chiếc máy tính đời cũ để vào mạng kiếm thông tin. Lúc nào học trò ông cũng nườm nượp đến xin thụ giáo. Nhiều người vẫn ngạc nhiên hỏi đi hỏi lại: "Từ lúc nghỉ hưu thầy dạy 20 năm nữa mà sao chưa hết vốn?". Vị giáo sư già tủm tỉm cười: "Tôi học nhờ Internet cả đấy". Vị giáo sư ấy là tiến sĩ khoa học Dương Thiệu Tống.
  • Giáo sư Hoàng Tụy và Giải pháp cứu ngành giáo dục.

    17/10/2003“Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay có thể nói là đang rất nguy kịch. Trước thực trạng này, hầu hết mọi người đều nghĩ đến việc phải quy trách nhiệm chính cho ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và cách chức ông ta. Riêng tôi lại nghĩ khác ” – trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngày Nay, giáo sư toán học Hoàng Tụy, nguyên là Viện trưởng Viện Tóan học, người từng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy 
  • Chấn hưng giáo dục - chấn hưng quốc gia

    10/02/2003Trong bài viết này, tôi muốn phân tích một nguyên nhân cơ bản đã làm hỏng nền giáo dục của ta trong hai mươi năm qua mà hậu quả của nó bây giờ đã bắt đầu nặng và trong tương lai nếu tiếp tục thực hiện như bây giờ thì chưa lường hết được thảm họa của nó.
  • xem toàn bộ