Cần nhìn sâu hơn vào tệ gian lận trong thi cử

03:51 CH @ Thứ Năm - 19 Tháng Bảy, 2018

Một mùa tuyển sinh lại trôi qua và những người chịu trách nhiệm tổ chức công việc muôn phần phức tạp ấy đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng không ít người, trong đó có tôi, lại vẫn thấy có cái gì đó đè nặng trong tâm tưởng khi mà một lần nữa kỳ thi vẫn nổi cộm lên sự gian lận trắng trợn hơn, tinh vi hơn và thậm chí được hiện đại hoá với “những thí sinh VIP, những thí sinh lắm tiền dùng công nghệ cao để trang bị kiến thức ảo cho mình” (Tuổi trẻ 12-7). Càng thi, thí sinh bì đình chỉ thi càng nhiều : đợt 2 chiếm đến 2.658 trong tổng số 3.348 cả hai kỳ thi.

Người ta có thể giải thích điều đó là do có chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các giám thị đã làm việc nghiêm túc hơn. Cũng có thể.

Nhưng cũng có cách nhìn khác: “quyết tâm gian lận” của thí sinh ngày càng cao hơn, cuộc vật lộn “một mất một còn” để giành cho được một ghế tại giảng đường đại học ngày càng lì lợm và quyết liệt hơn. Mà phải quyết liệt vì có qua được chặng quyết định này đã rồi mới có thể tính tiếp. Rồi sẽ bằng mọi phương tiện, mọi thủ đoạn, phớt lờ dư luận, bất chấp liêm sỉ, quyết giật cho được mảnh bằng cử nhân, rồi hên ra vận hội hanh thông, cơ may được khai thác thuận lợi, kinh nghiệm của những năm vất vả chuyện “phao”, chuyện tìm đường dây thi hộ sẽ được phát huy trên con đường “mua thầy bán bạn” để vớ nốt cái “thạc sĩ”, rồi “tiến sĩ” trên con đường tiến thân!
Đằng sau chuyện gian lận thi cử, với ngần ấy thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi, đã nhìn thấy những chỉ báo về đạo đức xã hội, trong đó có đạo đức của học sinh, sinh viên. Và nói đến học sinh, sinh viên, không thể không nói đến các bậc phụ huynh của họ. Rồi, trước chuyện gian lận trong học hành, thi cử đã ngày càng công khai và thách thức, không thể không tìm hiểu xem dư luận xã hội phản ứng ra sao. Phải chăng xã hội đã phẫn nộ? Nhưng rồi xã hội cũng thờ ơ. Mà thờ ơ có phải là do chuyện đó đã quá kéo dài và thời gian đã đủ độ “bão hoà” cho những cơn thịnh nộ, những sự giận dữ, những cảm giác xấu hổ? Một khi mà xã hội, hoặc nói đúng hơn, một bộ phận không nhỏ trong xã hội đã thờ ơ với chuyện gian lận trong học hành, thi cử thì đó là một điều đáng báo động.

“Phi đại học bất thành...” vốn là một tâm trạng không xa lạ của một thói hư danh của xã hội tiểu nông. Đó là sản phẩm của một nền sản xuất lạc hậu, năng suất quá thấp không có tích luỹ xã hội vốn kéo dài triền miên. Cánh cửa mở ra quá hẹp: đi cày và đi học. Đi cày thì quanh năm chân lấm tay bùn, vì thế cố học lấy dăm ba chữ để thoát được cảnh ấy. Thoát bằng con đường đi học, và học để làm quan, để được hưởng bổng lộc, để cho cả họ được nhờ. Chuyện học ấy không trọng thực nghiệp, cốt thuộc lòng “tứ thư ngũ kinh” để lọt qua các kỳ thi. Cánh cửa quá hẹp, người nấu sử sôi kinh lọt qua được rất ít, nên vì thế càng được trọng vọng và là mơ ước của nhiều thế hệ chân lấm tay bùn . Trong “giấc mộng tiểu nông” đó vẫn là ngọn lửa âm ỉ, trong thang bậc giá trị thì nó vẫn là hàng đầu. Trải qua bao nhiêu biến thiên, thói hư danh vốn có cội rễ lâu đời ấy lại được nhen nhúm và được thổi bùng lên bằng việc “thể chế hoá cán bộ”. Bằng cấp từ chỗ không cần thiết vì có lý lịch thay thế, bỗng trở thành cứu cánh cho những cuộc thăng tiến, cho những lần cơ cấu. Mà có bằng, có học vị tức là có “ghế” . Thế rồi quyền lực đẻ ra sở hữu, sinh ra lợi nhuận, dẫn dắt những bước đường thăng tiến.

Mặt khác, một bộ phận không nhỏ thiếu niên, rồi thanh niên trong một thời gian dài chưa được bồi dưỡng đúng mức về nhân cách là một trong những nguyên nhân rất cơ bản của sự suy thoái đạo đức xã hội. Nhân cách trước hết đó là lòng nhân ái đối với người, còn đối với mình là lòng tự trọng, liêm sỉ, trọng danh dự, giữ chữ tín... Mà đã không có nhân cách thì làm sao có được cảm giác xấu hổ về những điều, những việc đáng xấu hổ để tránh xa.
Từ chuyện gian lận trong thi cử phải dám lật lại nhiều vấn đề, trong đó có nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục con người mới, những người đã và sẽ đảm đương một sự nghiệp chưa có tiền lệ. Cũng với điều đó, phải gây được một dư luận xã hội cảm nhận được đây là nỗi đau, nỗi nhục không của riêng ai. Chuyện này rất khó nhưng không thể không làm. Nó liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, sử dụng nhân tài. Chẳng hạn khi một cán bộ nọ đã có thành tích bất hảo, bị kỷ luật nhưng rồi sau đó vẫn được đề bạt, rồi lại giữ trọng trách đăng đàn giáo huấn về chuyện thi cử thì làm sao nêu gương được cho những người mà ông ta giáo huấn!

Để thức dậy lòng tự trọng, biết liêm sỉ trong những người trẻ tuổi phải có cả quá trình lâu dài, bắt đầu từ mẫu giáo, từ trong gia đình và ra xã hội, biết cách giáo dục và biết nêu gương. Làm sao để tuổi trẻ thấy rằng họ đang được sống trong một môi trường xã hội mà những ai biết làm việc thì được làm, những ai đang được làm việc thì biết được việc mình làm. Khi mà cơ hội thăng tiến xã hội được rộng mở một cách công khai và minh bạch như vậy thì việc tấn công thói gian lận trong thi cử mới có khả năng giành thắng lợi.

Tương lai (2003)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: