Cần xây dựng tủ sách kinh điển

12:36 CH @ Thứ Tư - 18 Tháng Mười, 2006

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, rất nhiều người thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến dịch thuật như Nguyên Ngọc, Ngô Tự Lập và mới đây nhất là Nguyễn Quang A khi muốn phát triểntủ sách SOS2 nhằm góp phần xây dựng một "hệ điều hành" cho xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường sách dịch ở Việt Nam đang bùng nổ với vô số các sách dịch được xuất bản ồ ạt nhưng chất lượng và nội dung đều có những vấn đề cơn phải xem xét. Vì vậy, chúng ta cần trao đổi kỹ về hệ thống sách dịch ở Việt Nam: dịch những cuốn sách nào với những nội dung gì và có lộ trình, phương hướng đúng đắn mới tránh khỏi sự lãng phí và lệch lạc không đáng có.

Trong quá trình hiện đại hoá, mở cửa và đi theo con đường chung của nhân loại, điều then chốt là tiếp thu và học hỏi những tri thức của thế giới. Chúng ta không thể phát triển nếu không học những bài học về quá trình phát triển của các quốc gia tiên tiến khác. Và trên nền tảng văn hoá, bản sắc, lịch sử và đặc trưng của Việt Nam mà tìm ra mô hình và bài học phù hợp.

Hiện nay, điều rất thiếu và yếu cho việc nghiên cứu là thiếu những cuốn sách và tri thức nền tảng của thế giới, đặc biệt là các nền tảng về khoa học xã hội. Ngay cả các giáo viên và sinh viên ngành xã hội cũng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu này. Vừa thiếu sách, vừa yếu ngoại ngữ... và dù có giỏi cũng không dễ dàng đọc và hiểu hết ngay được.

Nhật Bản bắt đầu canh tân đất nước với công cuộc Minh Trị Duy Tân (1868) bằng cách tích cực học hỏi và tiếp thu những yếu tố tiên tiến của văn minh Tây Phương. Trí thức Nhật Bản hiểu rằng muốn vượt Tây Phương, trước hết phải khám phá để học lấy những bí quyết sở trường của họ không chỉ đơn thuần bằng việc mua súng đạn hay tàu chiến mà phải thấy được những "sở trường và bí quyết” của văn minh Tây phương. Họ cho rằng sách vở và những chuyến hành trình để "thám sát" các nước Tây Phương là cách tối ưu nhất, thu được kinh nghiệm và các bài học cần thiết để đạt được mục tiêu hiện đại hoá nước Nhật. Vì thế, việc tiếp thu văn hóa Tây phương được chính phủ Minh Trị ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn này, các dịch giả, điển hình là Fukuzawa Yukichi, đầu tàu trong việc truyền bá kiến thức và những tư tưởng tiên tiến của Tây Phương ở Nhật bằng việc dịch và xuất bản rất nhiều sách của phương Tây để học lấy những tư tưởng cốt lõi phục vụ cho công cuộc cải cách.

Tôi kinh ngạc khi nhận thấy các tác phẩm lớn của phương Tây đã được dịch ra tiếng Nhật từ rất sớm vào nửa đầu thời Minh Trị (giai đoạn 1870 - 1885). Điển hình trong số này là History of Civilization in England (Lịch sử văn minh nước Anh) của Henry Buckie, The Theory of Legislation (Lý luận về lập pháp) - Principles of the Civil Code (Nguyên lý dân luật) của Bentham, On Liberty (Tự do luận) Poiitical Economy (Kinh tế chính trị) Raepresentative Govemment (Chính thể đại nghị) Uhhtarianism (Chủ nghĩa công lợi) của J.S. Mill, Social Statics (Tỉnh học xã hội hay Nam nữ bình quyền luận) của Herbert Spencer, De l'esprit des lois (Tinh thần luật pháp) của Montesquieu, Du contrat social (Xã hội khế ước luận) của Rousseau.

Sau thất bại cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895), Trung Quốc cũng tiến hành một kế hoạch tương tự. Những Sĩ phu Trung Quốc có đầu óc cải lương với các lãnh tụ như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu chủ trương rằng Trung Quốc nên canh tân theo gương Nhật Bản. Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã sang Nhật du học và vô số sách báo tiếng Nhật đã được dịch sang chữ Hán. Đỉnh cao của việc dịch thuật các tác phẩm này diễn ra trong khoảng thời gian từ 1902 - 1907, khi mỗi năm trung bình có hơn 50 cuốn sách dịch được xuất bản và năm 1903 đạt kỷ lục với 200 cuốn. Ngay trong thời gian này, chứ không phải chờ đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền, tác phẩm Tuyên Ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels đã được dịch cho người Trung Quốc. Như Lương Khải Siêu nói: "Các tư tưởng mới lan tràn như đám cháy". Những tư tưởng mới được truyền tải thông qua sách địch đã góp phần mang lại cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911ở Trung Quốc.

Cũng thông qua Tân Thư, các Sĩ phu Việt Nam ở đầu thế kỷ XX đã lĩnh hội được tư tưởng mới như Phan Chu Trinh, Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ. Nguyễn Trường Tộ cũng là nhà canh tân nổi tiếng của Việt Nam nhưng không thành công. Khi đọc niên biểu và những hoạt động mà Nguyễn Trường Tộ thực hiện, tôi nhận thấy dù các kiến nghị ông viết rất nhiều và chính xác, nhưng ông không triển khai được các hoạt động kèm theo mà Fukuzawa đã làm, đó là địch thuật, mở trường dạy học...

Trong lời Phát Đoan của Bộ Nho giáo, Trần Trọng Kim viết "Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ thay mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cấp bách, nhưng vì người mình nghĩ nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi. Thành thử cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được mà lại làm hỏng mất đi cái phần tinh tuý đã giữ cho xã hội ta bền vững hàng mấy nghìn năm".

Có lắm người tưởng rằng mình bắt chước người ngoài là điều có ích cho sự tiến hoá của nòi giống mình. Không ngờ rằng, sự bắt chước vội vàng quá, không nghĩ cho chín, lại thành cái độc, gây ra thứ bệnh cho xã hội mình... Mỗi dân tộc có một cái tinh thần riêng, cũng như mỗi cây có cội rễ đâm sâu xuống đất. Hễ cây nào tết, hút được nhiều khí chất thì cành lá rườm rà. Dân tộc nào cường thịnh là người đã biết lưu giữ cái tinh thần của mình được tươi tốt luôn. Cho đến nay, 100 năm sau khi Trần Trọng Kim viết Việt Nam Sử lược, tính cách của người Việt Nam vẫn không hề thay đổi.

Trong cuốn Tâm lý đám đông, Le Bon viết "Một dân tộc là một cơ thể sống được sinh thành bởi quá khứ nên cũng giống như mọi cơ thể sống khác, nó chỉ có thể biến chuyển bởi những tích tụ từ đời này qua đời khác một cách chậm chạp và lâu dài.

…Những thay đổi mà con người có thể tạo ra chỉ là thứ bề ngoài, và đó là điều tôi đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại.

Nếu không có truyền thống, tinh hoa của dân tộc hay nền văn minh dân tộc đó không thể hình thành. Vì thế, con người sẽ có hai mối quan tâm chính kể từ khi được sinh ra, là thiết lập cho mình một hệ thống những tập tục và cũng chính là thứ mà con người sẽ nỗ lực phá bỏ khi những tác dụng hữu ích của chúng không còn nữa. Không thể có nền văn minh nếu thiếu truyền thống, nhưng không thể có phát triển nếu không phá bỏ những truyền thống đó. Khó khăn nan giải nhất là tìm ra sự cân bằng giữa sự ổn định và sự phát triển, tức là sự biến đổi. Nếu một dân tộc cho phép truyền thống của mình bám rễ quá sâu và quá vững chắc thì sẽ chẳng còn gì có thể thay đổi được nữa... Trong trường hợp đó, những cuộc cách mạng bạo động cũng chẳng mang lại điều gì bởi khi đó, những mảnh vỡ của hệ thống phong tục lại dần dần gắn bó lại với nhau để rồi trở lại thời quá khứ mà không hề có chút thay đổi nào…

Nghị quyết của Trung ương Đảng đã chỉ rõ: Chỉ có ổn định mới có phát triển, nhưng làm thế nào để có được sự ổn định, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị mà quan trọng hơn, có được một xã hội ổn định, không quá biến động và chao đảo. Đối với mọi xã hội, tầng lớp trung lưu mạnh luôn là trụ cột cho sự ổn định. Chính tầng lớp trung lưu này hình thành và quyết định các văn hoá nghe nhìn, quyết định hành vi, thái độ cư xử và định hướng sự phát triển chính thống của xã hội. Nhưng hiện tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chưa đủ mạnh.

Giống như con “lật đật", dù lắc lư nghiêng ngả, nhưng với cái đế vững chắc, nó vẫn trở về vị trí cân bằng. Một nền nguyên tắc tri thức trải rộng, với một hệ thống các tác phẩm kinh điển của nhiều trường phái, cũng có vai trò như một tầng lớp trung lưu mạnh, sẽ làm ổn định xã hội. Khì ổn định, khi hiểu rằng không một học thuyết nào toàn diện và hoàn hảo, một dân tộc sẽ khó rơi vào những tâm trạng kích động, cực đoan, quá khích... Cũng giống như trong kinh tế, khi nhận thức của người dân và của doanh nhân ổn định, chúng ta sẽ không có những cơn rồ dại cả nước nuôi chó Nhật, nuôi Vẹt Hồng Kông, hay nhà nhà làm xi măng... Mỗi cuốn sách kinh điển là một viên gạch trong 1000 viên gạch cần thiết xây ngôi nhà tri thức cho người Việt Nam.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những cuốn sách kinh điển và văn hóa đọc hiện nay

    27/08/2006Như Bìnhd“Muốn có văn hóa thì phải được giáo dục, định hướng, bồi dưỡng nhưng bạn đọc của ta hiện nay phần nhiều bối rối, bất lực và lạc lối giữa biển sách đủ loại, đủ màu sắc, hay-dở, tốt-xấu, thật -giả lẫn lộn”, dịch giả Đoàn Tử Huyến nói...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Kế hoạch 500 cuốn sách

    22/08/2005Ngô Tự LậpCó một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại...
  • Về sự cần thiết xây dựng tủ sách kinh điển

    22/07/2005Nguyễn Cảnh BìnhKhông phải ngẫu nhiên mà gần đây, rất nhiều người thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến dịch thuật như Nguyên Ngọc, Ngô Tự Lập và mới đây nhất là Nguyễn Quang A khi muốn phát triển tủ sách SOS2 nhằm góp phần xây dựng một “hệ điều hành” cho xã hội Việt Nam. Hiện nay, thị trường sách dịch ở Việt Nam đang bùng nổ với vô số các sách dịch được xuất bản ồ ạt nhưng chất lượng và nội dung đều có những vấn đề cần phải xem xét. Vì vậy, chúng ta cần thảo luận kỹ càng về hệ thống sách dịch ở Việt Nam: cần dịch những cuốn sách nào với những nội dung nào và có lộ trình, phương hướng đúng đắn mới tránh khỏi sự lãng phí và lệch lạc không đáng có.