Tắt đèn

11:24 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Hai, 2010

Có một anh mù lại thăm một người bạn đến khuya mới về. Người bạn trao cho anh ta một cái đèn.

- “Tôi cần chi tới đèn, anh ơi. Đối với tôi, ánh sáng cũng như bóng tối mà thôi”, người mù buồn bã trả lời.

- “Tôi biết lắm. Anh chẳng cần đèn để dò đường đi. Nhưng có đèn anh sẽ đỡ bị người khác đâm vào anh. Vậy anh cứ cầm lấy đi”.

Người mù cầm đèn mạnh dạn bước đi. Nhưng chẳng bao lâu, có kẻ đâm thẳng vào anh ta.

- “Ô hay! Đi đứng phải coi chừng một chút chứ. Bộ ông không nhìn thấy ánh đèn của tôi sao?”.

Người lạ mặt trả lời chậm rãi:

- “Này ông bạn ơi! Đèn ông bạn đã tắt từ lâu rồi…” (*)

Lời bình của Nguyên Si:

Chắc hẳn sẽ có kẻ đa sầu đa cảm đọc chuyện này mà động mối thương tâm, trách ta sao lấy sự tàn tật của người đời mà làm trò cười cho thiên hạ. Ta xin gạt nước mắt cho người, và đáp: luân lý hay phi luân lý đều không có chỗ đứng trong chuyện Thiền.

Dĩ nhiên vẫn có những kẻ trình bày hay hiểu chuyện Thiền như những bài học luân lý, lại có kẻ khác rêu rao rằng Thiền là một hệ thống triết lý hoàn toàn phi luân lý, phi đạo đức, phi nhân bản, phi vân vân. Ta thấy thật chẳng khác chi một đằng trói buộc Thiền lại bằng một sợi dây khô cằn, cứng nhắc, một đằng ném tung Thiền lên thượng tầng không gian, để rồi nhào xuống… hố thẳm của tư tưởng. Hơn nữa, chưa thấu được lẽ Không mà đã bài bác tất cả, ta e ngại rằng thái độ đó chẳng là kiêu ngạo lắm thay!

Cho nên vấn đề luân lý hay phi luân lý thường đưa tới cố chấp hay ngạo mạn, cả hai đều trái ngược với tinh thần Thiền vậy.

Chuyện Thiền thường có giá trị biểu tượng, cho nên “mù” ở đây phải hiểu theo một nghĩa rất rộng, chẳng những bao gồm những kẻ không có mắt, mà còn gồm những kẻ “có mắt không ngươi”, những kẻ tuy giác quan đầy đủ, nhưng nhận thức vẫn sai lầm. Nói như vậy, thì câu chuyện trên xảy ra mỗi ngày, và ở mọi nơi, chẳng có chi là hiếm lắm thay!

Nhận định sai lầm đầu tiên của kẻ mù là khi được người bạn trao cho cây đèn, anh chỉ nghĩ đến một mặt của cái dụng, tức là soi đường cho anh đi. Anh quên rằng cây đèn còn có thể soi sáng anh như soi sáng một đồ vật, để kẻ khác nhìn thấy mà tránh anh. Ôi, chẳng qua là chấp ngã quá mà thôi! Kẻ ngu si luôn luôn coi mình như trung tâm của vũ trụ, như chủ đề của mọi tiếp xúc. Có biết đâu rằng mình cũng chỉ là một sự vật trong thế giới tương quan, một đối tượng cho một chủ thể khác.

Ta chợt nhớ tới mùa hè trong thư viện, thường có những kẻ cởi giày cho mát mẻ đôi chân. Chủ thể được mát mẻ, nhưng có biết đâu rằng đôi chân cũng là một đối tượng gây nhiều “khó khăn” cho những kẻ khác?

Sai lầm thứ nhì của kẻ mù là khi có cây đèn rồi, thì lại chấp chặt vào ý niệm đèn sáng, cho nên quên rằng cây đèn có thể tắt đi. Ôi! Còn gì dễ lu mờ, dễ tắt hơn ngọn đèn đang sáng tỏ? Còn gì tiêu biểu hơn cho tính vô thường của vạn vật, như trong kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa, đã có nói:

“Hãy coi thế giới biến ảo này như một ngôi sao mờ dần buổi bình minh, một chiếc bọt trên dòng sông, một ánh chớp trong đám mây hè, một ngọn đèn le lói, một bóng hình, một giấc mộng”.

Lý do của sự chấp thường là thiếu sót hai thái độ thực nghiệm và phương tiện thường được đề cao trong đạo Phật.

Thái độ thực nghiệm tức là tìm cách sống gần sự vật, để cho ý niệm của mình về sự vật phù hợp trong mỗi giây phút với sự vật. Như trong câu chuyện, nếu không nhìn thấy ánh sáng thì anh mù vẫn có thể dùng giác quan khác để biết đèn sáng hay đèn tắt, chẳng hạn như lấy tay đo nhiệt độ của cây đèn. Không có thực nghiệm thì con người sẽ chấp vào một ý niệm của mình, một ý niệm tách rời sự vật.

Thái độ phương tiện nghĩa là hiểu rõ phương tiện, và hiểu rằng phương tiện không phải là chân lý, rằng ngón tay (chỉ mặt trăng) không phải là mặt trăng. Người mù trong câu chuyện không hiểu phương-tiện-đèn là gì, không hiểu chức năng của nó. Ta lại nghĩ đến những kẻ chấp nhận chủ thuyết này nọ, mà không hề thấu hiểu rằng những chủ thuyết đó chỉ là những phương tiện cần phải được ứng dụng tùy theo hoàn cảnh.

Nhưng cái nguy hại nhất của sự mù lòa, ngu dốt, không phải do chính sự ngu dốt này mà do những bộc phát tình cảm từ đó đưa tới. Nghĩ rằng mình mù lòa đưa tới mặc cảm tự ti, sự buồn bã, chua xót, trách đời. Nghĩ rằng mình có ánh đèn che chở đưa tới thái độ ngạo mạn, hung hăng, gây gổ. Ta thấy vậy mà chép miệng than rằng: Ôi! Trên thế giới này, những kẻ trái lý, sai lầm, ngu si, đần độn nhiều lắm thay! Chỉ khác với câu chuyện trên là khi nghe nói “đèn tắt rồi”, người mù liền tỉnh ngộ, trong khi đó nói lên sự thật cho những kẻ “có mắt không ngươi” lại như chế dầu vào lửa, càng làm cho họ thêm hung hăng…

Bàn về thiên hạ mãi rồi, Nguyên Si mới vỗ đầu chợt nhớ tới mình vốn cũng là một phần của thiên hạ. Ôi! Đa tạ đức sinh thành đã đặt tên cho ta là Nguyên Si. Mỗi lần ta tự gọi tên, cũng là một lời tự nhủ: Si ơi là Si! Ngu ơi là ngu… Chân lý thì vô cùng tận mà tâm trí ta thì bé nhỏ vô cùng. Chẳng khác chi kẻ mù với một cây đèn đã tắt.

Thế rồi, từ khiêm tốn ta đi tới buồn lo, lo mãi rồi thì đi kiếm sách đọc, kiếm sách đọc thì gặp một bài thơ của Thiền sư Vạn Hạnh, ý nhị vô cùng:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

Tạm dịch là:

“Sự vật như bóng chớp, có rồi lại không
Cây cối vào xuân thì tươi, đến thu lại khô
Mặc kệ thịnh suy xoay vần, không lo sợ gì
Thịnh suy chỉ như hạt sương trên đầu ngọn cỏ”.

Ôi! Sự vật như bóng chớp, như hạt sương, như bèo bọt. Có không hay thịnh suy chỉ là hai trạng thái của một sự vật biến chuyển, hai trạng thái do tâm ta phân biệt mà thôi.

Có chi mà lo sợ buồn rầu, có chi mà kiêu ngạo hung hăng?

Phải rồi! Anh bạn mù ơi, độc giả mù ơi! Đừng có lôi thôi nữa.

Hãy tắt đèn trên câu chuyện này đi, mà ra dòng sông nhìn bọt nước vỡ tan, ra cánh đồng nhìn hạt sương bốc theo làn gió ấm.


(*) Dịch thoát theo quyển ”101 chuyện Thiền” (“Zen flesh, Zen bones”) do Paul Reps biên soạn

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chuyện Thiền

    05/06/2009Cao Huy Thuần“Trời trống mây thì trăng mới sáng”. Ngay cả câu căn dặn đó cũng phải trống đi trong đầu khi sắp rút kiếm, huống hồ mấy chuyện thiền thông thái kia! - Trích sách Thấy Phật (Tác giả: Cao Huy Thuần, Phương Nam Books, 2009)
  • Tản mạn đôi nét về thiền dân gian

    04/05/2009Bảo Sinh- Trần Ngọc LâmCó nhiều người hỏi cách thiền mà không hỏi Thiền là gì? Hoặc coi Thiền là ngồi kiết già vận khí từ đan điền lên bách hội. Nội dung của Thiền là sự tĩnh lặng ở trong tâm. Còn kiết già chỉ ở ngoại vi.
  • Lý luận Thiền tông trong Thập mục ngưu đồ

    10/03/2009Ngụy ĐịnhCác bức tranh chăn trâu được sáng tạo từ thời nhà Tống ở Trung Quốc (960 – 1279) ngay từ ban đầu nó đã được xem như là những bức họa tiêu biểu, trình bày về tinh hoa Phật giáo Thiền tông – Trung hoa. Mười bức tranh Thập mục Ngưu đồ của Thiền tông tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyên dấu những tinh hoa của Phật giáo Đại thừa...
  • Chùm thơ Thiền

    28/02/2009Hà Vĩnh TânSống sao lòng thật thảnh thơi,
    Xem đời như cuộc dạo chơi sơn hà,
    Năm châu ấm một mái nhà,
    Tình thương hiểu biết là quà Phật ban...
  • Sự kết nối thơ thiền xưa và nay

    30/01/2009Hoàng Thị Ngọc BíchTrong xã hội hiện đại, con người dường như bị cuốn theo những lo toan, bộn bề của cuộc sống thường nhật. Nhưng không vì lý do đó mà họ đánh mất cảm xúc của mình. Ẩn sâu trong tâm hồn mỗi cá nhân vẫn là "chất nghệ sĩ" mãnh liệt và khi bắt gặp nguồn cảm hứng thì họ có thể làm nên những áng thơ...
  • Thiền và cuộc sống: Định nghĩa về mạnh khỏe

    07/01/2007OSHOOsho theo chuyên đề “từ thiền đến thuốc” hay là “Cách (của) thiền hỗ trợ cho mạnh khỏe thể chất và tâm lý”. Thiền sư Osho đã đi vào cõi vĩnh hằng. Sau khi ông qua đời, trên bia mộ của thiền sư, người ta đã khắc vào một dòng chữ: người này đã đi qua trái đất mấy chục năm…
  • Thiền và tâm lý học

    18/08/2006Nguyễn Chu PhácThiền học luôn luôn quan niệm mọi vật là không, thân xác, tâm tưởng và mọi sự vật đều là không. Chỉ có không là hiện hữu, tồn tại mãi mãi. Nếu tinh thần và sự sống (sinh mạng) của chúng ta trở thành hư không hoàn toàn trong tọa thiền, thì chúng ta có thể thâm nhập vào mọi sự vật...
  • Bước vào thiên niên kỷ III sao người khôn chưa khôn

    24/03/2006Nguyễn Văn ChiểnRất đáng phàn nàn là nếu khoa học công nghệ đã tiến vượt bậc thì hầu như như đạo đức con người chưa tiến được bao nhiêu. Từ lúc nhân loại định cư để làm nông nghiệp tới nay không thời nào là không có chiến tranh. Trong các loài động vật sống trên Trái đất thì loài người là loài duy nhất chế tạo ngày càng nhiều vũ khí để giết người hàng loạt...
  • Cầu lợi ở chốn cửa thiền

    12/02/2006Hiền PhươngXã hội dù phát triển đến đâu, công nghệ và phương tiện dù hùng mạnh đến mức nào thì con người vẫn luôn thấy nhỏ bé, yếu đuối trước vũ trụ vô thường. Khi cuộc sống thêm nhiều cạnh tranh, trông gai và khó nhọc thì người ta càng thấy thân phận mình mong manh, cuộc sống mình thiếu thốn, nhân tâm mình nặng nợ… khiến cửa chùa có biết bao nhiêu kiểu cầu xin với những tham vọng, ước muốn, lo sợ, ăn năn của người đời...
  • Thiền học hay là triết lý của sự im lặng

    04/01/2006Nguyễn Đức ĐànChữ Thiền, Thiền học vốn từ chữ Thiền tông mà ra. Theo truyền thống của trường phái Zen, Buddha có một loại bài giảng bí truyền, từ đời này qua đời khác mà không cần có văn bản viết. Phật truyền riêng cho một môn sinh nào đó, môn sinh ấy là truyền riêng cho môn sinh của mình...
  • Thiền phật giáo nguyên lý và một số phạm trù cơ bản

    23/12/2005TS. Hoàng Thị ThơPhân tích quan niệm của Thiền Phật giáo về quá trình nhận thức, và cùng với nó là quá trình giải thoát, tác giả muốn chỉ ra thế mạnh cũng như hạn chế của những quá trình mang tính hướng nội và cá thể này. Vì vậy, có thể lý giải được sự lan toả đang rất thành công của Thiền Phật giáo trên thế giới hiện nay...
  • Lược khảo tư tưởng Thiền trúc lâm Việt Nam

    11/11/2005Nguyễn Hùng HậuCùng với khuynh hướng tìm về cội nguồn, việc nghiên cứu thiền Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái Việt Nam, do người Việt Nam tạo dựng và phát triển - là một vấn đề cần thiết và cấp bách. Thông qua việc nghiên cứu một trường phái Phật giáo Việt Nam sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu tổ tiên chúng ta hơn, hiểu con người Việt Nam trong lịch sử hơn...
  • Thiền - trong khi đọc sách

    14/08/2003Thiên hạ ai mà vào TTVNonline ai cũng biết đến những con người và cuộc chiến tinh thần đặc sắc. Thiền và Đọc sách tại sao không phối hợp nhau? Trả lời của 1 chuyên gia thiền về vấn đề này như sau...
  • xem toàn bộ