Chất lượng giáo dục phổ thông – một vấn đề cấp bách

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

1. Vấn đề đặt ra sau kỳ thi tuyển sinh Đại học 2003.

Khi Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm nay (2003), 86,6% thí sinh không đạt điểm trung bình (15 điểm), 66% dưới điểm 10 và có một vạn điểm "không" thì dư luận có phần xôn xao, người ta liên hệ tới hơn 90% thí sinh đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trước đó khoảng một tháng. Vậy đâu là sự thật về chất lượng giáo dục phổ thông? – Thật ra thì vấn đề không mới, vì năm 2002 cũng đã xảy ra việc tương tự và câu trả lời đã có cách đây khoảng mười lăm năm: hồi đó, một số Giám đốc Sở Giáo dục tình nguyện đi tiên phong trong việc báo cáo trung thực với xã hội về chất lượng giáo dục phổ thông, đã chỉ đạo việc chấm thi tốt nghiệp THPT chặt chẽ; Kết quả là chỉ khoảng 30 đến 40% thí sinh đỗ. Nhưng các nhà quản lý xã hội (Ủy ban, Hội đồng Nhân dân ) ở các tỉnh đó không chấp nhận quá nhiều học sinh hỏng tú tài ở tỉnh mình vì họ lo sẽ rối loạn xã hội khi có khá đông thanh niên không đi học cũng không đi làm, nhàn cư vi bất thiện: đi học trung cấp hay công nhân thì không được vì chưa có bằng tú tài, chả lẽ đi học với bằng trung học cơ sở thì uổng phí ba năm đèn sách; đi làm thì đã có nghề ngỗng gì đâu; lưu ban thì, với số lượng đông như vậy, sẽ không còn chỗ cho lớp 11 lên. Đến năm sau, số hỏng năm trước chắc là không đỗ hết, cứ thế số hỏng cứ tích lũy dần năm này qua năm khác và sẽ tạo nên sự nhức nhối trong xã hội. Chính cái bế tắc này cộng với tư tưởng thành tích và cái nếp đánh giá chất lượng giáo dục qua tỉ lệ lên lớp, tốt nghiệp, đã tạo thành nếp duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao trong lúc chỉ 30- 40% tú tài có thực chất.

Trong tuyển sinh vào đại học thì khác: do chỉ tiêu tuyển chọn có hạn, nâng điểm cho thí sinh này thì thiệt cho thí sinh khác và nhiều khi chỉ sửa điểm có thể quyết định tương lai của một thí sinh, nên việc chấm bài phải thận trọng. Bài ra nói chung là khó hơn so với bài ở kỳ thi tốt nghiệp. Vì vậy, nếu chỉ chấp nhận cho 30% tú tài thực chất thi vào đại học thì cũng chỉ khoảng một nửa số đó đạt điểm trung bình trở lên cho nên tỷ lệ đạt trung bình trở lên trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua không có gì khó hiểu. Nhưng có vấn đề quan trọng đặt ra là số học hết trung học phổ thông sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong nhân lực để Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Dễ dãi cấp cho họ cái bằng tú tài chẳng qua chỉ là liều thuốc an thần. Vấn đề là làm sao cho tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông vẫn cao như hiện nay nhưng là thực chất. Lời giải cho vấn đề phải gồm nhiều biện pháp liên hoàn chứ không thể chỉ bằng một biện pháp riêng lẻ. Chẳng hạn, không thể rụp một cái năm nay tốt nghiệp phổ thông 90%, sang năm hạ xuống 30% vì như vậy sẽ gây cú sốc trong xã hội, mà phải phấn đấu từ từ, vững chắc nâng cao chất lượng dạy và học, xét lên nghiêm túc, xóa bỏ tình trạng "ngồi nhầm lớp", tránh dồn người quá kém lên lớp trên để cuối cùng thì lớp 12 là cái túi đựng người quá kém. Nhưng tất cả vấn đề nằm trong mấy chữ nâng cao chất lượng dạy và học.

2. Phải nắm thật chắc quy luật cơ bản về chất lượng giáo dục.

Có hàng trăm vấn đề phải lo để nâng cao chất lượng những điều quyết định nhất là phải nắm thật chắc quy luật nghiên cứu, tự trau dồi nghề nghiệp ở người học có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng học tập". Phải nắm chắc đến mức thành sự nhạy cảm phát hiện ra quy luật này khi nó giấu mặt, thành niềm tin vào sự thắng lợi mỗi khi quy luật này được tôn trọng, thành bản lĩnh dám chịu trách nhiệm mỗi khi có quy luật này làm người giúp việc. Rất tiếc là trong thực tế, ba cái "thành" ít khi có mặt đầy đủ. Chẳng hạn, trong quy luật trên có ba chữ "tự" thì trong thực tế hiện nay, chữ "tự" nào cũng rất mờ nhạt; thời Kháng chiến chống Pháp, không có dạy thêm, học thêm, không có cả dạy hè trên tiểu học vì học sinh tiểu học đã có tâm lý tự khẳng định mình, cho rằng mình có thể tự ôn trong hè, đi tìm thầy học hè là đáng xấu hổ; còn bây giờ thì học sinh, lên đến lớp 12 vẫn thiếu tự tin, nặng trông chờ vào "ngoại lực", kể cả hợp pháp (dạy thêm, học thêm, cộng điểm) và bất hợp pháp (tiêu cực).

Việc nắm chắc quy luật cơ bản thường biểu hiện ra ở chỗ ỷ lại vào "thầy", coi thầy là quyết định, hoặc trông chờ vào cơ sở vật chất, coi cơ sở vật chất là quyết định. Điều đó không đúng và không giải thích được tại sao thời Kháng chiến chống Pháp, hầu như không có giáo viên đạt chuẩn, trường sở dựa vào dân, mà giáo dục lại phát triển thuận lợi, số học sinh thời đó rất nhiều người thành đạt. Nếu thời đó, ta cho rằng "thầy" hay cơ sở vật chất là quyết định thì đã không dám mở nhiều trường như vậy với các thầy dạy ép, dạy kê, với nhà dân làm lớp học. Thầy có giỏi mấy mà học trò, vì một lý do nào đó (ví dụ như bố mẹ ly dị nhau) không còn tâm trí nào để học thì thầy cũng chịu. "Thầy dở chỉ biết đem kiến thức đến cho học trò, thầy giỏi biết đem đến cho họ cách tự mình tìm đến kiến thức". Vậy, cái giỏi của thầy cũng phải căn cứ vào quy luật cơ bản nói trên mà xem xét. Cơ sở vật chất cũng vậy.

Nhiều người đặt hy vọng vào việc "nối mạng" để nâng cao chất lượng. "Nối mạng" thì quan trọng thật nhưng nó cũng chỉ tạo được thuận lợi trong việc chuyển tin còn chất lượng lại phụ thuộc vào chất lượng tin và chất lượng của việc xử lý thông tin, giống như xe tải tốt chỉ tạo được thuận lợi trong việc chuyên chở xi măng còn chất lượng công trình phụ thuộc vào chất lượng xi măng và tay nghề trong việc dùng xi măng. Dĩ nhiên "thầy" và "cơ sở vật chất" là rất quan trọng nhưng không coi là "quyết định". Quy luật cơ bản nói trên rất chính xác ở chỗ khi nó phát huy tác dụng thì nó có thể hạn chế được rất nhiều sự yếu kém của giáo viên và của cơ sở vật chất. Sự thành công của giáo dục thời Kháng chiến chống Pháp là một ví dụ. Bây giờ, ta hơn xa thời đó về cơ sở vật chất và trình độ giáo viên (đa số chuẩn và có cả bộ phận trên chuẩn) nhưng ta thua xa ngày xưa về việc phát huy nội lực tự học, tự nghiên cứu, tự trau dồi nghề nghiệp của cả thầy và trò.

Việc vi phạm quy luật cơ bản có khi dễ thấy ví dụ như khi cấp quản lý đưa ra khẩu hiệu "giảng dạy dễ hiểu, dễ ghi, dễ nhớ" mà không có lấy một khẩu hiệu nào về "phát huy nội lực của người học". Cũng có khi việc đó khó thấy ví dụ như đến nay vẫn có người cho rằng có cầu (học thêm) thì phải có cung (dạy thêm) mà học thêm là cần thiết; họ không nhận rõ được cái phải chống là cái gì. Khi phê phán nạn "dạy thêm, học thêm" tràn lan; cái phải chống không nằm trong chữ "thêm" mà nằm trong "cách thêm". Có thể "thêm" bằng cách tự nghiền ngẫm bài đã nghe giảng trên lớp để thấm, để ngấm, cũng có thể là "thêm" bằng cách đến một lớp dạy thêm. Cách "thêm" thứ nhất là phù hợp với quy luật cơ bản, cách thêm thứ hai là trái với quy luật đó. Trên lớp, dù cho có chăm chú nghe thì vẫn chưa có thì giờ lắng đọng để ngấm nên việc tự học ở nhà là rất quan trọng. Số giờ tự học ở nhà càng lên lớp trên càng tăng cho đến hết bậc đại học thì không còn lên lớp nghe giảng nữa. Học sinh càng bớt thì giờ tự học ở nhà để đi học thêm thì càng thiếu thì giờ để nghiền ngẫm về nội dung đã nghe thầy giảng trên lớp nên càng dễ mắc bệnh "hình thức" nghĩa là do tự suy nghĩ hời hợt mà ăn tươi, nuốt sống nội dung, học chỉ nắm được một hình thức biểu hiện nào đó của nội dung ấy. Người mắc bệnh này thì không thể linh hoạt thay đổi hình thức diễn tả nội dung để tạo thuận lợi cho việc đạt đến mục đích đề ra. Ví dụ, trong môn văn thì một ý nào có thể có nhiều cách diễn tả, người giỏi thì biết được nhiều cách và chọn lấy cách nào thuận lợi nhất cho việc đạt mục đích đề ra; trong môn toán, ngay từ lớp một, đã có vấn đề một số có nhiều hình thức biểu hiện như "chín" có các hình thức 9, 10-1, 32, căn bậc hai của 81, IX v.v Một số học sinh lớp 1 mà làm phép "cộng thêm chín" (vào một số nào đó) là một việc khó vì, đối với em, chín là số lớn, thường phải dùng que tính mới tính được. Em nào thông minh biết chuyển từ hình thức 9 sang hình thức 10-1 thì đạt được mục đích dễ dàng hơn qua hai phép dễ là "cộng mười" và "trừ một". Dĩ nhiên, giáo viên phải chú ý đến đặc điểm tâm lý của lứa tuổi. Đối với học sinh lớp 1 mà nói chuyện "nội dung" và "hình thức" thì các em hiểu sao nổi, nhưng nếu nhân cách hóa số "chín" thành cô tiên "Chín" có sức biến hóa thần thông, khi thì biến thành cô gái có cái lưng ong (9), khi thì biến thành cái cầu (10-1) giúp các cậu bé, cô bé qua sông dễ dàng thì các cháu có thể tiếp thu được, dù chỉ một tí như hạt cát tích lũy lâu ngày sẽ biến thành bãi phù sa. Việc không nắm chắc quy luật cơ bản còn thể hiện ra trong chương trình, trong cách dạy, cách học thành những bệnh sẽ nói kỹ ở các mục 3,4,5,6,7.

3. Bệnh tham kiến thức.

Bệnh này thể hiện rõ trong chương trình và sách giáo khoa. Về chương trình hiện đương triển khai đến lớp 2, lớp 7, tôi chưa có điều kiện nghiên cứu cả chỉnh thể nên chưa có ý kiến, chỉ xin nêu ra đây một thắc mắc chung của rất nhiều người: chương trình phổ thông là một chỉnh thể, tại sao lại cắt ra thành ba dự án hầu như độc lập với nhau? Chẳng hạn như vấn đề số năm học, tại sao lại là 12? Nên nhớ rằng Việt Nam đã trải qua chương trình phổ thông 9 năm, 10 năm mà không để lại một hậu quả xấu nào rõ rệt, vậy tại sao không tổng kết để có thể rút năm học xuống dưới 12 năm? Nhiều người cho rằng đặc điểm chữ quốc ngữ học chóng biết đọc cho phép rút xuống 11 năm là điều chắc chắn hợp lý. Rút đi được 1 năm là đỡ biết bao nhiêu về cơ sở vật chất, về giáo viên, về sự tốn kém cho các gia đình.

Đối với các nước còn nghèo như nước ta, trong cuộc chạy đua để đuổi kịp các nước phát triển hơn thì tiết kiệm được 1 năm học cho trên 20 triệu người học thật đáng quý. Cứ tính chi cho mỗi học sinh một năm 5 triệu đồng thì bớt đi 1 năm học sẽ dôi ra trên 100.000 tỷ đồng. Chương trình hiện hành rõ ràng là tham kiến thức. Lấy ví dụ chương trình toán cho trung học phổ thông bình thường (không chuyên cũng không phải chuyên ban A) rất nặng, nặng hơn nhiều so với tú tài toán thời Pháp thuộc hay chuyên khoa Toán Lý Hóa của chương trình Hoàng Xuân Hãn. Học sinh phải học nhiều phần của chương trình đại học đưa xuống. Tội nghiệp nhiều em học sinh không có năng khiếu Toán cũng phải đánh vật với nhiều phép tính biến đổi lượng giác rắc rối, nhiều tích phân rắm rối. Không làm nổi, chúng phải bằng lòng với việc chép từ trong các sách giải bài tập (sách này bây giờ rất sẵn để phục vụ luyện thi), nghĩa là rơi vào một cách học vẹt, cứ chép lia lịa mà không kịp hiểu.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: