Chạy đua" vào trường "điểm"

03:51 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Tám, 2003

"Bụt chùa nhà không thiêng"

Không riêng gì các trường THPT, cuộc "chạy đua" tại các trường khối tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) cũng vô cùng ráo riết. Những trường thuộc "điểm ngắm" của các bậc phụ huynh là: Kim Đồng, Kim Liên, Trần Quốc Toản, Hoàng Diệu, Bình Minh, Giảng Võ (bậc TH), Nguyễn Trường Tộ, Giảng Võ, Trưng Vương (THCS), Kim Liên, Thăng Long (THPT)... Thậm chí, có những trường tuyển sinh theo quy chế riêng cũng bị nhiều phụ huynh chọn làm "đích" để "chạy".

Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy chính các bậc phụ huynh cũng không biết một cách chắc chắn trường nào có chất lượng tốt. Họ chỉ nghe thông tin từ bạn bè, từ những phụ huynh khác..., thấy trường nào đông người "chạy" thì mình cũng cố "chạy". Điều này đã dẫn đến tình trạng trong khi một số trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu, thì một số trường khác số lượng đơn xin vào chất cao như núi. Anh Hoàng Long Ch. (ngõ 165, Thái Hà) đang có ý định "chạy" cho con vào Trường T.A đã không ngần ngại bộc bạch: "Biết là vào trường này khó khăn vô cùng, nhưng vợ chồng tôi sẽ cố lo bằng được, tốn kém bao nhiêu không thành vấn đề, miễn là cháu được học trường tốt". Khi được hỏi: "Từ đâu mà anh biết trường này tốt", anh trả lời không cần suy nghĩ: "Nghe nhiều người bảo thế!" (?). Hầu như tất cả phụ huynh đều cho rằng: Vào những trường tốt, đương nhiên con họ sẽ học tốt mà không cần biết học lực của con mình như thế nào.

Chính vì vậy mà từ khoảng tháng 4, tức là còn khoảng 5 tháng nữa mới đến năm học mới, nhưng nhiều ông bố, bà mẹ đã ráo riết làm quen, viết đơn "xếp gạch" để cho con vào những trường "có tiếng". Một điều khá kỳ lạ là trong khi hầu như ở quận nào cũng có nhiều trường tốt, chất lượng giảng dạy cao, nhưng những công dân của quận đó lại có tư tưởng "bụt chùa nhà không thiêng", vẫn cố chạy cho con vào các trường khác quận.

"Coi chừng những danh ảo"

Đó là lời cảnh báo của ông Nguyễn Tiến Đoàn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khi trao đổi với PV Báo Lao Động. Ông Đoàn cũng khẳng định: "Tại tất cả các quận, huyện đều có những trường tốt, đạt chuẩn, nhưng không hiểu vì lý do gì nhiều phụ huynh vẫn cho rằng: Trường A ở quận này, trường B ở quận kia tốt hơn". Và thế là chưa "đến hẹn" nhưng các phụ huynh đã "lại lên", mới đầu tháng 5 nhưng đã cuống cuồng chạy trường, chạy lớp cho con. Theo Hiệu trưởng Trường TH Bình Minh, thì thậm chí mới đầu tháng 4, có người đã "xí" chỗ cho con vào trường. Có năm lượng đơn xin học trái tuyến nhiều gấp 3-4 lần chỉ tiêu trái tuyến cho phép, nên chỉ việc chọn ai, gạch tên ai cũng làm nhiều hiệu trưởng phải... đau đầu vì... "khó xử". Bà Nguyễn Thị Minh Hoà - Hiệu trưởng Trường TH Hoàng Diệu cũng bày tỏ: "Năm học 2003-2004 trường chỉ tuyển sinh khoảng 6 lớp để bù vào số HS của 6 lớp 5 tốt nghiệp. Như vậy, số lượng HS lớp 1 sẽ giảm 2 lớp. Điều này đồng nghĩa với việc trường sẽ "mất" 80 chỉ tiêu. Trong khi đó, số lượng đơn xin học trái tuyến còn cao hơn nhiều. Tuy nhiên, bà Hoà cũng khẳng định: Trường sẽ ưu tiên dành chỉ tiêu cho những HS trái tuyến trong phạm vi quận. Nếu còn chỉ tiêu mới tuyển HS khác quận.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có nhiều giáo viên tại những trường "ít nổi tiếng" tỏ ra khá bất bình: Không hiểu vì sao nhiều trường có số lượng đơn "đầu quân" rất rầm rộ, trong khi chất lượng giảng dạy cũng chỉ tương đương những trường lân cận! Một quan chức khác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết: Một số trường có chất lượng giảng dạy văn hoá hết sức bình thường, nhưng do đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm thư viện, tổ chức các buổi học thêm về đàn organ, võ thuật, múa, hát... nên đánh trúng tâm lý của các bậc phụ huynh là mong muốn cho con mình phát triển hoàn hảo nhiều mặt. Chính vì vậy mà các trường này lập tức có bề nổi, hàng năm lượng đơn xin học trái tuyến dồn về ồ ạt, gạt đi không hết. Một giáo viên của Trường THCS Nghĩa Tân thẳng thắn cho rằng: Nếu bỏ hết những "dây hoa trang trí" kia xuống, thì có những trường vốn rùm beng chuyện "trái tuyến" sẽ chẳng còn gì để "phô" vì có chất lượng giảng dạy hết sức bình thường.

Có nên dẹp bỏ hoàn toàn việc học trái tuyến?

"Đó là một quyết định khó, vì ngoài việc chọn trường tốt, có những HS có hoàn cảnh đặc biệt như: Sống ở những phường giáp ranh, những HS vì lý do sức khoẻ không thể sống ở những nơi bị ô nhiễm, phải chuyển sang nơi mới ở với ông bà, cô bác mà không thể chuyển hộ khẩu theo... Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ tình hình cụ thể để linh động giải quyết một lượng HS được học trái tuyến trong phạm vi cho phép". Đó là ý kiến của ông Dương Nguyên Hồng - Trưởng phòng quản lý thi (Sở Giáo dục và Đào tạo HN) khi trao đổi với chúng tôi.

Tuy nhiên, ông Hồng cũng cho biết: Từ năm học 2003-2004 Sở Giáo dục và Đào tạo HN sẽ giảm đến mức tối đa tình trạng HS học trái tuyến trong phạm vi quận, chỉ ưu tiên giải quyết cho những HS học trái tuyến trong phạm vi cụm, phường. Để đảm bảo được nguyên tắc trên, từ năm học này, Sở sẽ căn cứ việc chấp hành nguyên tắc tuyển sinh để đánh giá, khen thưởng các trường và các phòng giáo dục. Có như vậy, mới có thể hạn chế hiện tượng tiêu cực và nể nang khi duyệt đơn nhận HS học trái tuyến.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: