Chữ của ngày xuân

10:09 CH @ Thứ Năm - 11 Tháng Hai, 2010

Ngày xuân dông dài, trời và đất phơi phới uể oải chầm chậm trôi. Con người bỗng lăng lắng thư giãn khác với thường nhật trong năm, chẳng vì cơn cớn gì hay cuống quít vội vã.

Các vỉa hè bắt đầu đông người đi bộ, những dòng xe máy thưa hẳn làm mặt đường nhựa sẫm và sạch hơn. Cửa các nhà quyền quý khép từ sáng Ba mươi không nhận đồ biếu nữa. Lác đác vài kẻ chậm chân, băn khoăn cầm phong bì không biết đút vào túi áo nào, trước khi rụt dè bỏ đi lại bấm vớt vảt một lần chuông cuối. Tất tật nhà bình dân thong thả cúng gà gói giò, mọi người giao hòa thành thật nhìn mặt nhau. Nam thanh nữ tú tuổi nhu nhú mới lớn hẹn hò qua điện thoại di động đồng nhằm hướng vũ trường để nhẩy mừng năm mới.

Suốt ba ngày Tết, khắp thiên hạ có nhiều người uống rượu. Người có tiền thì uống Giôn đen Giôn đỏ, người ít tiền thì uống Lúa mới Nếp cẩm. Mưa phùn bàng bạc ấm nồng tửu khí, ai ai mặt cũng đào hoa tương ánh hồng. Bức tranh ngày tết đại loại là vậy. Ngồi nhà đã đã, vợ chồng anh em bằng hữu rủ nhau du xuân. Quan chức thương nhân du xuân thì đi xe hơi. Thê tử hoặc gầy hoặc béo, quần áo đương nhiên lượt là, mắt nhìn qua cửa sổ kính ô tô điềm đạm theo kiểu Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu. Văn nhân kẻ sĩ thăm nhau thỉnh thoảng thì lại đi bộ, mặt mũi trông nhớn nhác nhưng trong lòng vô cớ hoan hỉ. Phong khí đi lại ngày xuân nói chung là nhân hậu nhan nhản tình người. từ chốn điện ngọc đến xó thảo am, nếu cố nhìn, sự khác nhau cũng là không thấy.

Qua mùng năm Giêng cái hào hoa đầm đậm của phong vị tết khe khẽ tan. Người có tiền thì vẫn có tiền, người hết tiền thì thật là hết. Vô số kẻ có chữ bần bạch đành tao nhã mà ngồi đọc sách. Khai bút từ sáng mùng Một vẫn dở dang chưa thành bài. Khói thơm danh lợi xào nấu từ lầu son gác tía mơn mởn bay sang, kha khá kẻ sĩ vừa hít hà vừa ngồi cầm sách đến tận Rằm vẫn không lật nổi trang mới. “Họ lịch sự như tiên phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu. Ta trồng cỏ đầy vườn vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai”. Tự xửa xưa, cụ tú Hải Văn, thân phụ của một người viết kỹ tính nhân tiết xuân đã làm đôi câu như vậy. Cái vế đối đầu phảng phất kinh bạc của nhà nho già chẳng hiểu là thanh cao hay là tủi thân. Chuyện tình như đã cũ kỹ quá. Bây giờ làm thơ viết văn trong ngày Tết có gì đáng nói. Kẻ tục cũng làm như vậy, người thanh cũng làm như vậy. Dân trí nước ta theo thống kê thì đang ở mức cao, thời buổi này những kẻ vô học bất thuật muốn làm quan hay làm giầu thì khó y như con lạc đà chui qua lỗ kim. Vì thế, những phú gia quyền quý ngày nay kiếm kẻ trọc chữ. Họ thì thầm bảo nhau, sính chữ không bao giờ là tội. Lại nữa, theo Dịch lý, Xuân sinh Hạ trưởng Thu liễm Đông tàng. Mùa xuân tươi tốt làm lộc văn đâm cành trổ nhánh trên mọi ngóc ngách của văn nhân. Bình nhật viết vài dòng là khó, mới ngòn ngọt rét mùi Tết, khẽ vung ta đã ra ầm ầm tới mươi truyện ngắn. Không ít kẻ tiểu khí độc mồm vu là tham nhuận bút, lý lẽ sao mà thiển cận. Thật ra chữ là thứ vừa sẵn vừa rẻ vừa dễ kiếm. Chữ là thứ dễ có nên người ta hay hoang. Nghĩ cho cùng, hoang chữ ung dung hơn hoang bạc. Có phải thế chăng mà tết ngày nay người ta thường hay chúc chữ. Sáo cổ đã có an khang thịnh vượng hoặc cung chúc tân xuân. Sáo kim thì tiền vào như nước sông Đà, tiền ra rò rỉ như cà phê phin. Người tài hơn thì uống rượi làm thơ ngẫu hứng tặng những người cùng mâm. Người tài hơn nữa thì cắt báo tết có đăng bài mình đem photo ép plastic mừng tuổi khách đến chơi nhà. Nhiều đứa trẻ con lên năm lên sáu đi theo người lớn vô tình cũng được tặng, ngấm ngầm đi ra nhà sau giở xem đành thở dài mà già trước tuổi. Rất nhiều người có tâm công khai viết báo coi thói lì xì là hủ tục cần bỏ. (Lì xì là tiếng người miền Nam hay dùng. Có người đầy chữ đã cắt nghĩa xuất xứ của nó nguyên Hán tự là lợi thị bị đọc chệch theo tiếng Quảng Đông).

Ngày Tết là ngày của thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Thịt và dưa là văn hóa vật thể, còn câu đối bài thơ làm bằng chữ là văn hóa phi vật thể. Có một thông lệ bất thành văn thì phi vật thể hình như sang hơn vật thể. Vì thế nên trong quan trường hoặc thương trường khá đông người đã no nê thịt mỡ với dưa hành nhưng vẫn cố phải làm thơ xuân. Thơ của họ gọi là phi phi vật thể. (Nó có nguồn gốc thuật ngữ bất khả tư nghị của Phật giáo Đại thừa: phi phi tưởng xứ. Một cảnh giới chân thức cao lắm). Chữ là quý nên xuất xứ của chữ luôn được tôn trọng. Thầy dậy chữ chỉ đứng sau Vua và trên cả bố mẹ, thứ tự cổ điển xếp Quân, Sư, Phụ. (Tất nhiên ở đây không kể đám sư vừa chấm bài thi đại học ở trường dân lập Đông Đô). Theo nếp cũ, chiều muộn mùng Một hoặc sáng sớm mùng Hai học sinh phải đến thăm viếng thầy. Trò tuy thành danh (đa phần ở hoạn lộ), khi xênh xang về Tết thầy cũ thì chẳng cần có biển “hạ mã” cũng biết điều mà giấu kiệu giấu ngựa vào một cái xó nào đấy rồi khúm núm đi bộ tới vấn sư. Bây giờ ô tô nhiều, cảnh này đã thất truyền, cố chỉ thấy lác đác ở trong tranh dân gian Đông Hồ.

Ngày xuân vốn dĩ là ngày khởi tạo của nhiều điềm lành. Tết nhất càng lúc càng no hơn càng ấm hơn, và đương nhiên chữ của ngày Xuân càng nhiều hơn. Nét đẹp truyền thống này của người Việt chắc mãi mãi còn được giữ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ngày xuân nói chuyện thư pháp

    23/01/2009Trung Vũ ChấnThư pháp là nghệ thuật viết chữ Hán bằng bút lông trên giấy, lụa, có bố cục đẹp với những nét chữ như tranh vẽ: Trước kia viết chữ là minh họa cho bức tranh, sau này là bức họa toàn thằng chữ. Đây là một nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc và nhiều nước phương Đông, được gọi là nghệ thuật Thư pháp.