Chữ "lễ" hay chữ “đồng thuận"?

05:47 CH @ Thứ Sáu - 19 Tháng Mười Một, 2010

"Đồng thuận là một cách sống của con người hiện đại, dân chủ và tự do, có giáo dục và có trách nhiệm, cả trong đời sống xã hội cũng như trong cái tế bào của xã hội - gia đình" - nhà giáo - nhà văn Phạm Toàn.

"Lý luận" của trẻ em

Năm 2006, Nhà xuất bản Phụ nữ cho in cuốn sách "Rong biển và pháp sư" của bà Brenda Paik Sunoo, một nhà báo Mỹ gốc Triều Tiên sống tại Hà Nội, viết về những kỷ niệm với cậu con trai Tommy qua đời đột ngột ở sân bóng khi cháu 16 tuổi.

Ở một trong những trang sách, bà ghi lại những đối thoại năm Tommy lên 7 tuổi (chắc là học lớp 2 rồi), đọc lên thấy rất thú vị (trang 43):

– Tommy ơi, tại sao người ta lại bị đau bụng?

– Tại vì có động cơ đặt ở trong bụng. Rồi thì một cơn đau khủng khiếp làm nó nổ tung ra.

– Sao các bà mẹ lại có sữa nhỉ?

– A, mình biết tại sao rồi…Bởi vì họ có con bò cái nhỏ ở trong bụng đấy mà!

Nhà tâm lý học- giáo dục Jean Piaget từng khảo sát và ghi được biết bao nhiêu điều "lý luận" của trẻ em cũng thú vị không kém. Chẳng cứ gì các nhà giáo dục học, từng bà mẹ cũng có thể có những ghi nhận những “lý luận” kiểu ấy, không kém hấp dẫn. Một cô giáo kể cho đồng nghiệp: "Con em đi mẫu giáo mà đã yêu đương rồi đây". "Thật à? Yêu thế nào?". "Đi học về, nó kể: Mẹ ơi, hôm nay bạn An ôm chầm lấy bạn Sơn, con tức vàng cả mặt lên như Tôn Ngộ Không ấy". "Làm thế nào nhỉ? Giải thích cho nó thế nào về chuyện đó nhỉ?"

Nếu chúng ta định theo đường lối giáo dục đạo đức cho con trẻ theo "chữ lễ" thì sẽ rất đơn giản. Các vị chỉ việc dùng lời nói để giải thích cho Tommy hoặc Tôn Ngộ Không biết rằng: "Các con sai rồi!" Thật chẳng gì dễ dàng hơn! Cách làm đó đã từng tồn tại hàng chục thế kỷ. Bởi một lẽ là ngoài việc nó "dễ dạy", chẳng cần cải tiến đổi mới gì hết, và còn vì một lẽ nữa, ấy là người xưa không biết đến những nghiên cứu dạy đạo đức như của Jean Piaget chẳng hạn.

Thế nhưng, vào thời hiện đại này, tất cả các nhà giáo trong và ngoài biên chế định "giải thích" về hành vi đạo đức bằng chữ “lễ” cho con em thì chỉ vơ lấy thất bại mà thôi. Có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân cơ bản thuộc về tâm lý trẻ em, các cháu có hệ thống suy lý riêng, kiểu như bé Tommy, hoặc kiểu như anh "Tôn Ngộ Không" đang ghen...

Xin đừng nghĩ trẻ em không biết gì

Nhưng còn có cả nguyên nhân xã hội, đó là vào thời nay con trẻ được tự do hơn, chúng công khai giữ những chính kiến riêng, mặc dù và hiển nhiên đó là những nhận thức chưa hoàn chỉnh hoặc chưa phù hợp với xã hội. Nếu bị cấm đoán, chúng sẽ có cách phản ứng, nhiều khi tiêu cực (không hợp tác với người lớn nữa) và lắm khi có thể rất cực đoan- nạn đua xe là một trong những phản ứng đó.

Đường lối dạy đạo đức cho con trẻ theo chữ "lễ" còn gặp khó khăn to lớn ở chỗ, trong thời buổi kim tiền này, nhiều lời dạy dỗ của người lớn lại không đi đôi với việc làm. Chữ "lễ" đòi hỏi người lớn là tấm gương cho con trẻ. Có điều, những tấm gương đó chỉ vận hành dựa trên nguyên lý tự giác của cá nhân. Nó hoàn toàn không có cơ chế kiểm soát – người lớn không chịu làm gương thì đã sao nào?

Nên chi, những tấm gương người lớn ấy thường đời nào cũng “mù mờ", các con các cháu phải tu thân, còn ông và cha thì khác…Nhưng ngày nay, trong thế giới phẳng này, con người ta có đầy đủ phương tiện cả trí lực lẫn công nghệ thông tin, thì sự “mù mờ” cũng rất khó giấu. Xin đừng cho là trẻ con không biết gì.

Ở Trường thực nghiệm (Trung tâm Công nghệ giáo dục) có em Vũ Thanh Bình học sinh lớp 4 năm học 1983-1984 khi viết bài văn về bức tranh dân gian làng Hồ "Đám cưới chuột" đã viết câu này: "Ông Mèo dặn ông Chuột đem quà đến biếu để đám cưới đi trót lọt, thì nhớ đi lối cửa sau" (!). Đó là năm 1983, năm chúng ta chưa có Ủy ban phòng chống tham nhũng ở các cấp.

Nếu ta không hiểu hiện tượng em Vũ Thanh Bình này, mà cứ đắm đuối vào chữ "lễ", thì sẽ chết vì những điều "vô lễ" hàng ngày đang che khuất mất những Trần Hưng Đạo và Lê Lợi, những Bế Văn Đàn và Nguyễn Văn Trỗi, những con người thật, những tấm gương thật, nhưng hình như đã bị “lùi sâu” vào lịch sử?

Thay chữ "lễ" bằng chữ "đồng thuận"?

Các nhà soạn sách giáo khoa hy vọng "cải tiến" cách dạy theo chữ "lễ" bằng sự hấp dẫn của sách giáo khoa khi bàn tới chuyện đạo đức. Sách in đẹp, nhiều mầu, có hình ngôi nhà cũng đẹp, đề biển "Hội đồng nhân dân phường". Các tác giả ý hẳn muốn giáo dục các em về chính quyền của dân, do dân và vì dân thông qua cái cấp chính quyền đó, nhưng sự nhận thức thô sơ cuối cùng lại chỉ có tác dụng cao nhất là yêu cái ngôi nhà đẹp đó.

Giả dụ, sắp tới sẽ không có hội đồng nhân dân cấp xã, cấp phường, cấp quận – và đó là việc đang thí điểm, vậy khi không còn hội đồng nhân dân ở cấp đó nữa, thì các em sẽ được dạy cái gì để các nhà viết sách còn sửa cho kịp?

Thế cho nên, khi giáo dục con em, chúng ta lại phải trở về với cái gì bất biến, tức là cái gì thuộc về nguyên lý và hơn nữa, cái điều định đem ra giáo dục đó lại phải có khả năng thể hiện ra hành động thay cho những lời giảng giải dù hay ho bao nhiêu thì cũng chỉ là lời lẽ dễ bị gió cuốn bay.

Người viết bài này mạo muội nghĩ rằng, có một nguyên lý bất biến lại có khả năng thể hiện thành hành động đạo đức cho trẻ em ngay từ bất kỳ lứa tuổi học đường nào cho tới tuổi trẻ đã trưởng thành, đó là thay thế chữ "lễ" bằng chữ "đồng thuận".

Đồng thuận là một cách sống của con người hiện đại, dân chủ và tự do, có giáo dục và có trách nhiệm, cả trong đời sống xã hội cũng như trong cái tế bào của xã hội- gia đình. Biết sống đồng thuận thì sẽ không thể có bạo lực gia đình và bạo lực với những kẻ yếu trong xã hội. Biết sống đồng thuận đòi hỏi con người không ngừng nâng cao nhận thức về mọi mặt, và đó không chỉ là nhận thức suông. Đó là thái độ sống, là hành vi và lối sống, là bản thân sự sống mang tính xã hội của mọi người.

Trong nhà trường, dựa trên nguyên lý đồng thuận, thì có thể tổ chức cho học sinh sống trong những hành vi đạo đức thay vì học đạo đức qua những lời khuyên, những tấm gương, những lời rao giảng.

Đồng thuận nằm trong bản nội quy của lớp, thậm chí cả trong nội quy được nhất trí giữa ba bên, học sinh, nhà trường và gia đình.

Đồng thuận còn hàm ý cả cung cách xử lý những mâu thuẫn, những xung đột tất yếu có lúc nảy sinh trong đời sống ngay từ một tổ, một nhóm, một lớp cho đến một thành phố, một quốc gia.

Tất cả đều đòi hỏi sự đồng thuận, và tốt nhất là hãy cho học sinh, cho tuổi trẻ học lối sống đồng thuận ngay từ tấm bé.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: