Chữa chứng bệnh "không biết đường kinh tế"

09:04 CH @ Chủ Nhật - 04 Tháng Ba, 2012

Nếu có ai hỏi rằng: nước vì sao mà mạnh, dân vì sao mà giàu? Thời tôi xin trả lời rằng: "Nguồn bể phú cường chỉ cốt ở đường kinh tế".

Người ta nghe hai chữ "kinh tế", chưa hiểu nghĩa ra làm sao, huống gì là đường kinh tế. Xưa truyện Đại học có câu rằng: "Sinh chi giả chúng, thực chi giả quả, vi chi giả tật, dụng chi giả thư", nghĩa là của sinh nở ra thời nhiều, của ăn tiêu đi thời ít, người làm của thời cần kíp, người dùng của thời dè dặt. Sách Tây cũng có câu: "Những hạng người sinh ra lợi thời nhiều, những hạng người chia mất lợi thời ít". Góp hai câu nói đó thời cách đường kinh tế, dầu đông tây cũng chẳng khác gì. Nói tóm lại, chỉ có một cách sinh nở thời thường vô cùng, mà tiêu hao thời thường phải hạn, của trời đất sinh ra thời biết đường lợi dụng, của nhân lực làm ra thời biết đường mở mang, có thế mới gọi là "Kinh Tế".

Người nước ta thời thế nào? Việc tiêu dùng thời không biết đường hạn chế, cách làm ăn thời không biết đường cải lương, sự nghiệp dân sinh trong một nước chỉ nhờ cậy về nông, chân lấm tay bồng, kẻ làm khôn hết mực, cày sâu cuốc bẩm, xem làm khéo cùng kỳ. Ngoài mấy đám đồng cạn ruộng sâu, nào khoáng sản, nào sơn lâm, nào công trình nào thủy lợi chẳng biết một tí gì. Người ngoại quốc lấy máy móc đở tay chân tay, mà mình thời không biết đua, của sinh sản ngày không một hào một li, mà của tiêu xài ngày có hàng nghìn hàng vạn; thấy người ta sang trọng, ta cũng sang trọng, nhưng cái đồ sang trọng đó rặt là cắt thịt nhà để vá cánh giặc; thấy người ta sung sướng, ta cũng sung sướng nhưng cái mồi sung sướng đó, rặt là nặn sữa mẹ để nuôi người dưng. Bao nhiêu vật lạ của ngon, nào rượụ nào thuốc, nào trà, nào vải bông, gấm vóc, không một thức gì là tay chân mình chế tạo, mà cũng không một đồng tiền nào không phải máu mủ mình ép ra; tiền của người không một đồng nào vào tay mình, mà máu mủ mình thời trót tháng quanh năm chỉ những trét miệng hùm, no bụng sấu. Trí khôn người ta như thế, còn nói "Kinh Tế" được đâu!

Than ôi! Thiên thời ta vẫn tốt, địa lợi ta vẫn giàu, mà tay mắt tay chân ta vẫn không kém gì ai cả! thuốc ta, rượu ta, trà ta, vải vóc ta, không dùng được hay sao? Không chế tạo được hay sao? Cớ sao thợ thuyền buôn bán thời không thấy tới, mà chỉ thấy lui; xài phí ăn tiêu thời chỉ thấy thêm mà không thấy bớt, đã một mặt thời quen nết tham thanh chuộng lạ, một mặt thời giử nết ở nể ăn không; bể toan khô nước mà ngồi đợi trời mưa, đèn toan hết dầu mà nằm chờ trăng mọc.

Người ngu ngẩn đến thế, không chết rày thời chết mai, chỉ e mấy tấm ván hòm chưa dự bị bao giờ đặng. Tôi nghĩ đến nông nổi thế mà khóc than cho vận mệnh người nước ta, chúng bệnh về đường kinh tế nếu không lo chạy chữa cho mau thời nòi giống chúng ta chẳng tuyệt diệt về thủy hỏa, binh đao, mà tuyệt diệt về đồ ăn thức mặc! Ai là người có tâm huyết, chắc cũng lấy lời nói làm đúng rồi.

Bây giờ xin nghĩ một vị thuốc để chữa chứng bệnh này. Vị thuốc ấy là giải đấy là vị "Nội Hóa". Trình độ dân ta còn thấp trí thức dân ta còn non, bảo nhờ cậy việc công, việc thương, sẽ đấu mạnh đua giàu với các nước, cái hy vọng đó, ở ngày nay thiệt chưa có được ngay, song e tục ngữ có câu rằng "Khéo ăn thời no, khéo co thời ấm", đồng bào ta bây giờ mà muốn cho được điều no, điều ấm thời phải có một cách khéo mà thôi.

Đường sanh lợi chưa có thể phát đạt được đến mười phân thời đường tiêu xài phải dè dặt từ một li, một mảy cần thứ nhứt là dùng nội hóa. Đó thiệt là một vị cứu cho chứng bệnh người ta. Đồ ăn ta; ta ăn, đồ mặc ta; ta mặc, đồ dùng ta; ta dùng, dầu mỡ máu mủ ta, ta bồi bổ cho ta, bớt một li của ra tức là thêm một li của vào, bớt một đồng tiền chết, tức là thêm một đồng tiền sống. Nội hóa tiêu dùng ngày càng chảy, thời các món công thương nghề nghiệp cũng nhân đó mà cạnh khéo đua khôn, đắp tư cơ sẽ tạo nên thời, đúc trí tuệ sẽ gây nên thế, họa may bụng đà khỏi đói, mà óc cũng thêm no; dân sinh đã khỏi nỗi khốn cùng thời dân trí cũng có cơ tấn bộ. Theo tạo nhân mà tìm đường kết quả, cái việc chấn hưng nội hóa đó chẳng phải là gấp lắm sao? Vậy nên trong bài thuốc tự lập phải có một vị thuốc như sau này "Nội hóa" một vạn thức, kiêng ngoại hóa.

Nội dung liên quan

  • Mâm cơm và tính minh bạch trong làm ăn

    20/09/2017Phương Cẩm SaNgười Việt mình ăn cơm thế nào nhỉ? Một bữa cơm truyền thống được nấu và bày lên mâm. Mâm thường là bằng đồng hoặc nhôm, hình tròn. Mâm có thành mâm, bát và đũa của từng người được bày đều đặn lên xung quanh. Các món ăn được bày trong lòng của mâm. Đó là một mâm cơm truyền thống của chúng ta...
  • Làm ăn kiểu mới

    14/12/2015Trịnh Văn TúcChủ tịch xã nọ đương dẫn đầu về làm ăn kinh tế kiểu mới. Đấy là cách làm bao giờ cũng phải có lãi. Cái ý nghĩ ấy càng ngày nó càng sâu sắc ở trong ông đến nỗi ông tin rằng tất tần tật mọi thứ đều ở nó. Những thói hư tật xấu cùng những điều cao thượng và tốt đẹp. Cả những bông hoa nở trong vườn và những ngọn khói chiều bay lên từ mái bếp ở các làng quê...
  • Mười thang thuốc chữa bệnh cho dân tộc Việt

    03/02/2012Phan Bội Châu (1927)Tôi viết quyển sách này, chẳng qua dâng một phần nghĩa vụ với Quốc dân, hay dở, đúng không, hoặc có công hiệu gì không, thì quyền ở người đọc sách. Khổng Tử nói: "Tri ngã giả, kỳ duy Xuân thu hồ, tội ngã giả, kỳ duy Xuân thu hồ", nghĩa là ai biết lòng ta tất ở sách Xuân thu, ai bắt tội ta tất cũng ở sách Xuân thu. Quyển sách tôi viết đây cũng nói như vậy...
  • Vì sao ngửa tay xin viện trợ, nhưng "xài sang nhất thế giới"?

    02/03/2011Trần Minh QuânMọi người sẽ nghĩ gì khi Việt Nam chưa thuộc diện thoát nghèo, vẫn đang nhận viện trợ của thế giới mà lại mang tiếng chi bạo nhất thế giới? Đó là câu hỏi day dứt mà tác giả đặt ra trong bài viết dưới đây...