Chung khảo cuộc thi viết "Kỷ niệm năm quốc tế Einstein 2005"

08:59 SA @ Thứ Hai - 02 Tháng Giêng, 2006

Chiều 9/12/2005, tại trụ sở Viện Goethe Hà Nội, Hội đồng giám khảo cuộc thi Bình luận 2 câu nói của Einstein" đã họp và chọn ra 10 thí sinh lọt vào vòng chung khảo...

Đề bài:

Ai cũng hiểu rằng Einstein có một vị trí hết sức đặc biệt. Một mặt với Thuyết tương đối, ông đã làm thay đổi tận gốc thế giới quan cổ điển của chúng ta, đem lại cách nhìn hoàn toàn mới mẻ về các vấn đề: không gian, thời gian, vật chất và năng lượng - về mặt này ông là người vĩ đại và không dễ hiểu. Mặt khác, trong đời sống hàng ngày ông là người cởi mở, hài hước, ưa lối sống giản dị.

Einstein yêu nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Ông cũng là nhà tư tưởng độc lập, nhà chính trị nhiệt thành, người đấu tranh không ngừng nghỉ cho tự do, bình đẳng, bác ái và hoà bình trên thế giới.

Trong cuộc đời ông, biết bao câu nói nổi tiếng được người sau trích dẫn và suy ngẫm. Hai trong số những câu nói nổi tiếng của ông là:

1. “Tất cả đều đã thay đổi, chỉ riêng nếp nghĩ của con người thì không” - Lời phát biểu của ông sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

2. “Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, kẻ đó coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình.” – Trích từ tiểu luận “Thế giới như tôi nhìn thấy”, Einsten, 1930.

Xin bạn hãy đưa ra bình luận của riêng bạn về một trong hai câu nói trên.

Bạn đọc hãy bình chọn trong số 10 bài viết này để chọn ra một giải thưởng. Hội đồng giám khảo sẽ làm việc tiếp để chọn từ 10 người này ra 3 người trúng giải Nhất, Nhì, Ba.

Chúng tôi xin đăng tải các bài viết lọt vào vòng chung khảo để độc giả bình chọn lấy một bài viết xuất sắc nhất

Tên

Năm sinh

Quê quán

Bùi Nguyễn Quí Anh

1981

Q. Vò Gấp, TP HCM

Bùi Thị Kim Anh

1985

Q.3, TP HCM

Đinh Nguyễn Anh Tuấn

1979

Bình Tân, TP HCM

Huỳnh Trác Siêu

1980

Q.10, TP HCM

Nguyễn Tuấn Hùng

1983

ĐHBK, Hà Nội

Nguyễn Việt Hà

1979

Đống Đa, Hà Nội

Trần Thị Hương Lúa

1980

Kim Liên, Hà Nội

Trần Thu Trang

1982

Đống Đa, Hà Nội

Trần Vũ Nguyên

1981

Q.5, TP HCM

Vũ Thị Thu Vân

1982

Đống Đa, Hà Nội

Bài thi của Bùi Nguyễn Quý Anh

A. Einstein nổi tiếng về các công trình nghiên cứu về vật lý trong đó nổi bật nhất là Thuyết tương đối nhưng hơn thế, ông còn thể hiện một nhân cách đáng ngưỡng mộ khi từ chối lời thỉnh cầu làm tổng thống đầu tiên của Israel với câu nói: “Tổng thống thì tạm thời, chỉ có hằng số là mãi mãi!”, một con tim nhân ái: “Thế giới ngày càng trở nên độc ác, nhưng không phải bởi nhân loại độc ác hơn, mà là do trái tim họ lạnh giá hơn”. Quả thật thế giới bây giờ rất hỗn loạn, nếu trước đây chỉ là những tranh chấp giữa hai hoặc vài quốc gia, giới hạn ở trong châu lục nào đó thì lúc này lại có khuynh hướng nhân rộng khắp thế giới, xung đột vì bất cứ lý do nào thậm chí vớ vẩn nhất. Và theo như Einstein, nguyên nhân sâu xa chính bởi: “…tất cả đều thay đổi, chỉ riêng nếp nghĩ của con người thì không”.

Có điều gì đó khó hiểu! Khi trước đây chính bởi suy nghĩ chưa thoát khỏi “nếp” nhân loại có một thời kỳ được mang tên Kỷ đen tối. Mà ở đó khoa học bị trì trệ, những ai nói đến khoa học đều bị coi là tà giáo, bị xem là có tư tưởng chống đối lề luật của xã hội, và dĩ nhiên dàn hỏa, giá treo cổ là đích đến của những nhà khoa học tiên phong như Giordano Bruno, Galileo Galilei v.v Nhưng giờ đây:

  • Con người đã chế tạo ra nhiều dụng cụ sưởi ấm hơn, tìm ra nhiều chất liệu để mặc giúp chống lại cái lạnh bên ngoài hơn… (thay đổi về điều kiện sống)
  • Con người đã vượt qua tầng khí quyển để thám hiểm không gian, đã lặn sâu đáy đại dương để tìm hiểu đời sống thủy cung… (thay đổi về nghiên cứu)
  • Con người, về mặt thân xác, đã có phát triển nhiều so với trước đây… (thay đổi về sinh học)
  • Đôi mắt con người ngày nay đã soi đến nhiều bí mật xa xưa… (thay đổi về khám phá)
  • Tiền bạc, con người cũng đã kiếm ra nhiều hơn… (thay đổi về điều kiện sống)

Điều này chỉ có thể làm được khi những suy nghĩ theo lối mòn trước đây đã bị thủ tiêu. Làm sao có những thành tựu này khi người ta vẫn khăng khăng trái đất có dạng đĩa dẹt, mọi thứ sẽ bị rơi ra ngoài nếu đi quá rìa, rồi chuyện bay chỉ dành riêng cho loài chim, chuyện lặn cho loài cá… Như vậy con người có thay đổi về nếp nghĩ! Các nhà bác học cũng thường hay đãng trí và đây là lúc Einstein đãng trí? Ồ không! Với trí tuệ mẫn tiệp và lòng nhân ái sâu sắc của mình Einstein đã vạch rõ khiếm khuyết lớn nhất của nhân loại chính là nếp nghĩ cũ mòn nhưng là về mặt tâm hồn:

  • Không vì thế trái tim loài người bớt băng giá hơn.
  • Vẫn “lò mò” giải bài toán đói nghèo, chiến tranh, hận thù sắc tộc hay tôn giáo… ngay chính trên nền quả địa cầu họ đang sống.
  • Về tinh thần, liệu đã thật sự vươn cao cùng tầm vóc?
  • Nhưng vẫn dành cho nhau những ánh nhìn thù hằn.
  • Họ vẫn không hạnh phúc hơn với những khả năng do tiền của đem lại.

Nhân loại có thể đã thay đổi nếp nghĩ về sự vật, cách thức tạo ra những tiện ích phục vụ cho đời sống song vẫn còn đó lối mòn trong tâm hồn, chưa có được thêm mấy ngã rẽ hướng thiện hơn. Trong đó tư tưởng kẻ mạnh nuốt kẻ yếu, yếu nuốt yếu hơn v.v hẳn ăn sâu nhất. Nó là nguyên nhân của bao mưu đồ bá nghiệp và từ đó dẫn đến những chiến cuộc nhiều tang thương cho cả nạn nhân lẫn kẻ đi gây hấn: xa xưa thì có những cuộc thập tự chinh, hai trận đại chiến thế giới, gần đây thì có chiến tranh ở Việt Nam, Iraq…

Tư tưởng bá chủ ấy còn được thể hiện ở những “biến tấu” là các vụ kiện phá giá về kinh tế, các chèn ép về hàng rào thuế quan hoặc sự sùng bái tôn giáo đến mức cực đoan. Có câu truyện ngụ ngôn rằng một con cáo cố rình con thỏ để có một bữa đánh chén no nê, nhưng quên đằng sau nó là một tay thợ săn láu lỉnh đang âm thầm đợi tóm cả hai, và người thợ săn, trong niềm hưng phấn, bỏ qua dáng vẻ đầy đe dọa của một con rắn cực độc đang chực chờ ngay sau lưng khi anh chuẩn bị lui lại lấy thế bắn cho chính xác. Đó hẳn là điều đáng buồn nhất mà Einstein muốn gởi gắm cùng chúng ta: tất cả chỉ chăm chăm hướng đến quyền lợi của mình mà quên rằng người khác cũng có những quyền lợi của họ để hướng đến.

Vậy liệu có khả thi khi muốn nếp nghĩ nhân loại sẽ thay đổi trên tất cả các mặt? Theo tôi, điều này chắc chắn là không vì mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ với những suy nghĩ riêng, phản ứng riêng cho cùng một tác động theo những gì họ đã hấp thụ từ gia đình, nền giáo dục, và cả môi trường sống. Hơn nữa, bộ óc con người tuy là bộ phận tinh vi nhất từ trước đến nay nhưng nó cũng rất dở khi không có chức năng “delete” tất cả mỗi khi cần đến! Sẽ hạnh phúc hơn khi con người có thể dễ dàng xóa khỏi tâm trí những kỷ niệm buồn, những hận thù, thành kiến cùng lỗi lầm. Lúc đó ta sẽ bắt gặp hình ảnh hai giáo sỹ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo cùng quàng tay nhau thân thiện đi dạo và trao đổi cởi mở về các giáo điều, khi nào cảm thấy căng thẳng lại “bấm nút” và vui vẻ như trước; Hoặc một giáo sỹ Bà la môn “máu trắng” (*) sẵn sàng ngồi bên cạnh một Chiên – Đà - La máu “đỏ” trò chuyện, và thậm chí vỗ về người đó…

Rồi ta lại thấy một cô gái lầm lỡ được mọi người trong xã hội ngay lập tức xóa đi những ký ức không hay mà cô đã lỡ gây ra trước đây, và trang vở - cuộc đời của cô lại trở nên trắng tinh, thơm mùi giấy mới khi đã ăn năn quay về v.v Thật tuyệt vời! Tuy vậy, một vấn đề được đặt ra là cơ chế tự xóa ấy sẽ hoạt động như thế nào? Tự bản thân người đó ra lệnh hay có một ngưỡng giới hạn để khi nào một tư tưởng được coi là quá khích sẽ tự bị xóa khi vượt ngưỡng đó? Nếu tự cá nhân xóa thì e rằng khó nếu không muốn nói là không thể thực hiện. Còn nếu có một ngưỡng thì đâu là tiêu chuẩn cho ngưỡng đó? Và có là thảm họa nếu hàng loạt từ “hối hận”, “ăn năn”, “day dứt”, “lương tâm” sẽ biến mất khi nhân loại dễ dàng “quay đầu là bờ”!? Như thế đâu là mục tiêu để nhân loại hướng thiện hơn! Xét một khía cạnh nào đó nếp nghĩ hay thành kiến, dẫu xấu, lại đóng vai trò như cơ chế tự bảo vệ của mỗi cá nhân trước những phức tạp của cuộc sống, và đồng thời là lực đẩy để nhân loại hướng thiện hơn.

Qua đó chúng ta chỉ có thể hy vọng vào môi trường sống, nền tảng giáo dục mà mỗi người thụ hưởng, từ đó những thành kiến, nếp nghĩ sẽ được đè nén hơn, sẽ vất vả hơn để trỗi dậy trước lòng bao dung, suy nghĩ chín chắn. Vâng, chúng ta chỉ có thể (cũng như có quyền) hy vọng những điều trên sẽ “phát quang” hơn những lối mòn trong tâm hồn của nhân loại, để thế giới hòa bình hơn một cách tương đối theo như chính Albert Einstein cũng chỉ đưa ra được Thuyết tương đối. Bản thân ông dù suốt cuộc đời bằng sự tìm tòi cộng sức sáng tạo không ngừng đã nêu gương sáng về lòng tận tụy với khoa học cũng như lòng nhân ái sâu sắc nhưng vẫn chưa thật thoát ra khỏi lối mòn khi đã đồng ký tên vô bản kiến nghị tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là T. Roosevelt gấp rút tiến hành nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử khi hay tin Đức quốc xã cũng đang nghiên cứu đề tài này!!


Bài thi của Bùi Thị Kim Anh

“Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, kẻ đó coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình".


Lời trích dẫn mang tính triết lí trên đã phản ánh khá đầy đủ tài năng và tính cách của Einstein.

Einstein không chỉ làm khoa học, ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Là một con người phóng khoáng, yêu thích tự do và sùng bái vẻ đẹp, ông đã dành ra cả cuộc đời mình đi theo những cảm hứng: cảm hứng khám phá và cảm hứng sáng tạo mà cái đích cuối cùng luôn là vén bức màn bí ẩn của vạn vật. Câu nói nổi tiếng: “Thượng Đế không chơi trò xúc xắc” luôn được nhắc đến như là một điển hình cho lòng khao khát giải mã của Einstein.

Không gì có khả năng kích thích trí óc của con người bằng sự bí ẩn. Nụ cười bí ẩn của nàng Monalisa trong kiệt tác của Leonard Da Vinci đã mê hoặc bao thế hệ, vũ trụ bao la đã thu hút bao bộ não vĩ đại nhất của loài người. Con đường đi tìm lời giải cho “câu đố của Thượng Đế” đôi khi tưởng như bế tắc, song con người chưa bao giờ biết bỏ cuộc. Con đường càng khó khăn thì niềm khao khát càng được nâng lên. Niềm khao khát khám phá và sáng tạo giúp con người đi hết từ cánh cửa này sang cánh cửa khác của tri thức.

Không cường điệu một chút nào khi nói rằng niềm sung sướng khi khám phá được một ẩn số trong bài toán của tạo hoá luôn là niềm hạnh phúc tột cùng. Điều gì đã khiến cho Achimède nhảy khỏi bồn tắm công cộng? Điều gì đã khiến bao nhiêu nhà khoa học nghiệm nghị nhảy múa như đứa trẻ và hét vang “Ơ rê ka”? Lẽ ra chúng ta cần có thêm một tôn giáo nữa: tôn giáo của sự đam mê, tôn giáo dành cho những ai thật sự ấp ủ niềm ước mơ được nắm lấy chìa khoá của vạn vật mà trong đó cái bí ẩn trở thành tín ngưỡng. Chỉ những tín đồ chân chính mới cảm thụ được vẻ đẹp kì diệu đáng tôn sùng của nó mà thôi.

Thế giới mà chúng ta đang sống đầy rẫy những điều bí ẩn. Bí ẩn chẳng ở đâu xa, chúng ở ngay bên cạnh chúng ta, và thậm chí ở ngay trong mỗi chúng ta. Chuyển động Brown của các hạt phấn hoa nhỏ bé lơ lửng trong nước mà có mấy ai trong chúng ta chú ý đến lại chứa đựng ý nghĩa một lý thuyết vật lý hiện đại. Không phải vì chúng ta không cảm nhận được nó mà là chúng ta đã không có khả năng rung động trước nó. Có ai trong chúng ta lại không biết là trái táo rơi nhưng chẳng ai lại nghĩ ra được định luật vạn vật hấp dẫn cả. Trực quan nhạy cảm trước những hiện tượng tưởng chừng rất tầm thường cộng với khối óc tò mò là bí quyết để đưa các tín đồ chân chính của sự bí ẩn đi vào lịch sử nhân loại như những nhà khai sáng. Điều họ hơn hẳn chúng ta có lẽ chỉ là một niềm đam mê.

Mỗi người đều có những cảm thụ khác nhau với thế giới xung quanh mình. Do đó cách nhìn và mức độ thu hút của cái bí ẩn đối với mỗi người chắc chắn sẽ khác nhau. Tuy nhiên con người sẽ là không sống nếu như không biết rung động trước những điều bí ẩn: không cần biết hôm nay trời nắng hay mưa, không quan tâm tại sao mình có mặt trên thế giới và cũng không cần biết mình sống để làm gì. Một con người như thế liệu có còn là người được nữa chăng hay chỉ sống như một loài cỏ cây vô thức?

Toàn bộ ý tưởng của Einstein phát biểu trong ba câu vẻn vẹn nhưng lại có sức tập hợp lớn mang tầm vóc của một hệ luận về phương hướng sáng tạo nghệ thuật và hoạt động khoa học của mọi thời đại.

Nhìn từ một góc độ khác, chúng ta hãy thử đào sâu hơn những bí ẩn của trích dẫn trên. Cái bí ẩn quả là rất đẹp nhưng liệu có phải là cái đẹp nhất? Phát biểu mang tính chất chủ quan trên của Einstein đem lại nhiều hoài nghi cho những ai yêu chuộng sự chính xác. Tuy nhiên ở vào vị thế của Einstein thì phát biểu trên xem ra lại hợp với con người của ông. Nếu noi theo gương Einstein mà thử mơ mộng một chút, biết đâu ta có thể tìm ra một hệ thức tương tự hệ thức bất định Heisenberg : nếu chúng ta biết người xem bí ẩn là điều đẹp đẽ nhất, chúng ta lại không thể xác định được họ là ai ; và ngược lại nếu chúng ta biết họ là ai thì không thể biết được chính xác niềm đam mê của họ với cái bí ẩn. Lí luận trên xem ra rất đỗi buồn cười nhưng trong khi khoa hoc thực thụ còn chưa kiểm chứng được chính xác những lý thuyết tiên tiến nhất thì một vài sự nguỵ biện của chúng ta xem ra cũng chẳng hại gì. Hơn nữa để lại một chút bí ẩn trong câu nói của Einstein: “Liệu bí ẩn có phải là cái đẹp đẽ nhất?” không phải là cách tốt nhất để làm tôn thêm vẻ đẹp của nó hay sao?

Ngày này, niềm đam mê tìm đến tri thức ngày càng bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác: tiếng tăm, danh vọng, quyền lực... làm cho cảm thức thực sự khi đến với nghệ thuật và khoa học có nhiều méo mó. Song lịch sử khoa học và nghệ thuật đã chứng minh: chỉ với những nhân vật như Leonard Da Vinci, Mozart, ..., Alfred Nobel, Albert Einstein, Nils Bohr... với niềm đam mê cái đẹp và nhiệt tình chân chính mới có thể tự tìm cho mình một cái đích cuối cùng của chân-thiện-mĩ. Rút cuộc, mọi lí thuyết đều chỉ là phi vật chất và sẽ có cái mới hơn thay thế. Những lạm dụng phi khoa học dù có đạt được thành tựu rồi cũng sẽ bị quá trình vận động của tự nhiên lật tẩy và bị đào thải theo thời gian.

Trong phạm vi một bài viết cộng với vốn kiến thức nhỏ bé của mình, thật khó cho tôi để diễn đạt đầy đủ tinh thần câu nói của một bậc vĩ nhân, một nhà khoa học được mệnh danh là vĩ đại nhất thế kỉ XX. Cố gắng của tôi khi nghiên cứu hai câu nói này là đút kết từ đó một lối suy nghĩ theo phong cách Einstein và theo tâm hồn Einstein. Đó là một tư duy nhất quán, chính xác trong từng câu chữ nhưng đồng thời cũng rất lãng mạn và đầy triết lí. Các bạn sinh viên khi học về các học thuyết vật lý hiện đại, theo tôi nghĩ, đừng nên cố gắng hiểu ý nghĩa của nó mà trước hết hãy tập cảm nhận nó. Tập cảm nhận một học thuyết ấy cũng là đã thay đổi một nếp nghĩ để theo kịp độ thay đổi của thế giới hòng khám phá vẻ đẹp nằm sau những điều bí ẩn.


Bài thi của Đinh Nguyễn Anh Tuấn

Chúng ta đang trải qua những năm đầu tiên của thế kỷ XXI với nhiều biến động. Những thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường... đã và đang diễn ra ngày một rõ ràng hơn, tác động tức thì lên đời sống của mỗi con người. Những xung đột về quyền lợi giữa các nhóm sắc tộc, các cộng đồng, giữa các quốc gia, các liên minh, giữa các nền văn hóa... chưa bao giờ diễn ra gay gắt như hiện nay và hứa hẹn sẽ gia tăng trong những năm tiếp theo của thế kỷ này. Có thể nói trong tương lai không xa nhân loại sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện nếu không giải quyết tốt sự mất cân bằng trong bản thân con người, giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên.

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử phát triển của nhân loại cho đến thời điểm này, có thể tạm kết luận, mặc dù không phải là tất cả nhưng đa số sự phát triển các mô hình xã hội qua từng thời kì đều dựa trên tâm lý muốn thỏa mãn cái tôi cá nhân. Các mô hình này khuyến khích mỗi cá nhân tự do phát triển theo một hướng nào đó khác biệt với cộng đồng còn lại, khi sự khác biệt càng lớn thì tâm lý thỏa mãn càng cao. Nó chính là động lực để con người tiến một bước dài trong quá trình tìm hiểu thế giới tự nhiên cho dù về mặt tâm lý con người vẫn hoang dã như cách đây hàng triệu năm. Thật vậy, nếu từ bỏ bộ áo khoa học kỹ thuật hào nhoáng chúng ta còn lại những gì?

Tất cả những gì ta có là lòng tham, sự ích kỉ, sự kiếm tìm danh vọng, địa vị, quyền lực... đó rốt cuộc cũng là những thứ mà chúng ta đã “chiến đấu” dai dẳng suốt hàng triệu năm qua. Và không ai có thể trả lời chính xác khi nào “cuộc chiến” này kết thúc. Có thể nó sẽ không bao giờ kết thúc. Vậy há chẳng tới lúc chúng ta lật ngược lại vấn đề rồi hay sao? Bên dưới mọi thứ, bên dưới những quyền lợi, xung đột, chiến tranh... bên dưới sự sợ hãi, tàn ác, vị kỉ của mỗi con người là cái gì? Có phải đó luôn là một cái nhìn chia chẻ về thế giới, ở mọi góc nhìn đều có một cái tôi trung tâm xem xét những cái-khác-tôi, có một quá trình tạo ra ranh giới giữa người với người, giữa dân tộc này và dân tộc kia, giữa ý thức hệ này và ý thức hệ khác...

Thật lạ lùng là ngày càng có nhiều những nhóm liên minh được thành lập không phải để gắn kết loài người trên Trái Đất này mà là để trả đũa lẫn nhau, làm đối cực của nhau và quan trọng hơn là để chia cắt họ với phần còn lại của thế giới. Đây chính là quá trình cô lập hóa mà nguyên nhân chính là sự tìm kiếm cái khác biệt. Con người từ khi ra đời đến khi bắt đầu biết nhận thức thì đồng thời cũng biết phân biệt: “tôi”, “của tôi”, “gia đình tôi”, “dân tộc tôi”, “Tổ quốc tôi”... Cuộc sống là cả một quá trình cố gắng chạy về một phía của sự phân biệt: người giàu và người nghèo, người thành công và người thất bại, người có ích và đồ bỏ đi, người tốt kẻ xấu, người có tài và người bất tài... Nên cuộc sống luôn luôn ẩn chứa xung đột, xung đột bên trong mỗi con người, xung đột giữa người và người... xung đột trên phạm vi toàn cầu. “Cho nên ở đâu có sự phân chia giữa hai người, giữa nam và nữ, giữa trời và đất, giữa cái “nên là” và cái “đang là” thì ở đó có xung đột” (lời Jiddu Krishnamurti).

Có thể nào có một thế giới mà ranh giới giữa “tôi” và “người khác” không hề tồn tại, không còn ranh giới giữa quốc gia, dân tộc, tôn giáo, màu da, ý thức hệ... Một thế giới trong đó con người thật sự cảm thông nhau bởi họ ý thức được rằng tất cả là một khối thống nhất phụ thuộc lẫn nhau, mỗi người đều có liên quan mật thiết đến hạnh phúc và bất hạnh của người khác.

Một thế giới nhất thể như vậy đã được khoa học chứng minh ít nhất là ở cấp độ vật chất. Các thí nghiệm vật lý - ở tầm vi mô là các thí nghiệm EPR (chữ viết tắt của tên ba nhà khoa học Einstein, Podolsky, Rosen), ở tầm vĩ mô là thí nghiệm con lắc Foucault - đã cung cấp một cái nhìn mới mẻ về các sự vật, hiện tượng. Nó buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn vật-chất-hóa quen thuộc đã ăn sâu vào đầu óc ta hàng triệu năm. Qua đó làm lung lay tận gốc rễ những khái niệm cố hữu về “vật chất”, “không gian”, “thời gian”, “bản thể”, “tồn tại”, “không tồn tại”... Đưa tri kiến con người vượt lên trên mọi ảo ảnh về một thế giới nhị nguyên đối lập. Đã đến lúc con người phải thay đổi toàn bộ nhận thức và hành động như thể mình hoàn toàn tách rời với phần còn lại của tổng thể. Thay đổi không phải là sự xuất hiện ở cuối mà là bước khởi đầu của mọi quá trình. Tương lai là bây giờ.

Thay lời kết, người viết muốn trích dẫn lời tựa trong một tác phẩm của nhà văn Hemingway: “Không có một người nào là một hòn đảo, tự bản thân là một thể hoàn chỉnh hết thảy; mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền; và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ, thì châu Âu sẽ bé đi, cũng như là nó đã cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà bạn anh hoặc nhà anh; cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm chính tôi bé đi, vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại; do đó anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đấy”.


Bài thi của Huỳnh Trác Siêu

Không biết tự khi nào tôi yêu quê mình nhiều đến như vậy, tôi yêu mà tôi không hay…Trong tôi, quê tôi là cánh đồng trải mạ xanh mơn mởn, là con trâu trầm mình dưới cái nắng hanh hanh mùi bùn, là chiếc lá dông lắc lư, là dòng sông ngầu đục khi lũ về…

Cái mộc mạc, chân chất của một miền quê hẻo lánh, cái hiền hòa của thiên nhiên rồi cả cái khắc khổ ở nơi đây nữa, tất cả đã vẽ nên một cái đẹp mãnh liệt trong tâm hồn tôi. Cho đến giờ đây, tôi cũng không thể tượng hình một cách trọn vẹn và tròn trịa cảm giác của tôi khi nghĩ về quê hương. Một cái gì đấy thật dễ dàng lí giải và một cái gì đấy thật vô vàn khó diễn đạt – Bí ẩn !

Một liên hệ nào đó giữa cái đẹp mà chúng ta khám phá và hai từ bí ẩn ? Trong tiểu luận “Thế giới như tôi nhìn thấy”- năm 1930 của nhà Bác Học Einstein có một đoạn làm tôi tâm đắc và suy tư nhiều :” Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, kẻ đó coi như đã chết đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình”.

Trong cuộc sống, các bạn quan niệm về cái đẹp như thế nào? Tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta sẽ có một quan điểm về cái đẹp cho riêng mình: có những cái đẹp rực rỡ, có những cái đẹp thậm xưng, có những cái đẹp tìm tàng, có những cái đẹp ẩn mình trong cái mà người ta thường nghĩ là không đẹp…và như thế tùy theo cảm nhận của mỗi người mà chữ đẹp sẽ được tô đậm ở định nghĩa nào.

Thế còn các cái bí ẩn ?

Cái bí ẩn là cái mà người ta không thể hiểu được hoặc người ta còn mơ hồ về nó, cũng có khi là cái mà người ta chưa khám phá hoặc khám phá chưa trọn vẹn được nội hàm của nó…

Einstein nói :” Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn…”Qua mệnh đề nầy nhà bác học vĩ đại đã khéo léo đặt cái đẹp và cái bí ẩn nằm cạnh nhau, nhưng khéo léo không có nghĩa là sự ghép đặt gượng ép mà ông nối kết chúng lại bằng một thực tế trải nghiệm. Chính cái “trải nghiệm” đã làm cái đẹp-cái bí ẩn trở nên mềm mại, khiến cho người đọc phải cảm nhận, phải tư duy và khám phá. Một “cái đẹp” chỉ thật sự là “đẹp” khi nào?

Điểm khác nhau giữa một mảng màu vô nghĩa với một bức tranh của trường phái lập thể là gì? Theo tôi, đó là cái trăn trở, cái tư duy, cái xúc cảm của người họa sĩ đã phôi thai và cho ra đời bức tranh – người họa sĩ đó đã trải qua quá trình trải nghiệm – những yếu tố nầy hoàn toàn không có trong một mảng màu phi tư duy, phi cảm xúc. Nhà bác học của chúng ta khi còn trẻ đã rất yêu cái đẹp, ông thích tự do, trong khi tại Đức đã làm con người hầu như quên lãng thiên nhiên, gò bó sáng tạo, ông cảm thấy ngạt thở - đó cũng là một trong những lí do khiến ông bỏ dỡ việc học tại Đức (Gymnasium) và sang Ý, miền đất mà đối với ông thật sung sướng, bay bổng, tại nơi đây là một khoảng thời gian để cái đẹp trong tâm hồn Eisten trải nghiệm về nhiều lĩnh vực mà không bị sự ràng buộc nào (ông đi thăm các nhà bảo tàng, các tác phẩm nghệ thuật, ông cảm nhận con người ở đây không làm việc như một cái máy, không quá sợ quyền hành, cởi mở, vui vẻ...).

Cái bí ẩn thật vô cùng, nó bao trùm tư duy con người, bao trùm vũ trụ. Cái đẹp cũng giống như thế : nó luôn tồn tại trong vạn vật, trong mỗi con người, giới hạn của cái đẹp cũng dừng lại ở vô cùng. Sẽ không bao giờ không có cái đẹp trong cuộc sống, có chăng là bạn không nhìn thấy nó mà thôi.Và khi bạn đã cảm nhận được cái đẹp cũng là lúc bạn thấy được hệ quả của cái bí ẩn…thế nhưng bạn sẽ không bao giờ khám phá tận cùng của cái đẹp,..cũng như bạn không bao giờ biết được cái bí ẩn. Vì thế nên trong cái đẹp mà người ta cảm nhận được có lấp lánh một màu huyền của cái bí ẩn.

Tôi còn nhớ câu chuyện về bài toán lớn Ferma khi còn là cậu học sinh lớp 10 ngày nào. Một buổi tối, tôi nằm mơ chợt thấy mình đã giải được bài toán đó, khi tôi thức dậy một cảm giác thật đẹp mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên, dù tôi biết đó chỉ là một giấc mơ ! Tôi tin rằng trên hành tinh nầy, hàng đêm vẫn có nhiều giấc mơ đẹp như thế, tôi vẫn tin rằng cái bí ẩn đã mang đến cho tôi một cảm xúc thật tuyệt vời khó tả. Ngày hôm nay, khi tôi ngồi viết bài nầy thì bài toán Ferma đã được giải xong, thế nhưng bí ẩn của bài toán nầy không phải là dòng kết luận “Chứng Minh Xong” mà chính là tư duy con người. Như vậy cái đẹp tuyệt vời của một định lí lớn được chứng minh không phải nằm ở cái bí ẩn là tư duy con người hay sao ?

Cái bí ẩn thực sự có sức mạnh vô song của nó. Nó chỉ dành tặng sức mạnh cho những ai biết khám phá, với những phương pháp khám phá khác nhau người ta sẽ nhận được một trong hai loại sức mạnh khác nhau: tích cực hay tiêu cực, giá trị sức mạnh nầy được lưu vào trong một “biến số” là “cảm thức” : “Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính”.

“E = MC2” – hằng đẳng thức lừng danh thế giới – chìa khóa để mở toan cách cửa ngăn cách giữa nhân loại với vật lý hiện đại. Dĩ nhiên nhân loại không bao giờ quên được ngày mà tờ báo vật lý Annalen der Physik gặp nhà khoa học trẻ tuổi với “mái tóc đen không chải, quần áo cũ kỹ”- Albert Einstein. Trong tôi và chúng ta thường có câu hỏi : “Tại sao ông ấy viết được phương trình như thế?” và hàng trăm câu hỏi khác có liên quan đến sự ra đời của học thuyết nầy. Thật khó tìm được câu trả lời cho tất cả. Nhưng có một điều tôi luôn tin chắc rằng “E = MC2” là sự đúc kết giữa tư duy, khoa học chân chính và nghệ thuật.

Khoa học chân chính là gì? Đó là thứ khoa học không vị kỷ, không chính trị tôi gọi đó là thứ “khoa học vị nhân sinh”.

Trong câu nói trên ông có đề cập đến cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Hình tượng “cái nôi” tượng trưng cho các nền tảng tri thức được tích lũy từ tư duy cũng như từ sự tương tác giữa nhận thức với khoa học, nghệ thuật. Tại Berne, bên cạnh việc nghiên cứu Toán và Vật Lý Học, Einstein còn nghiên cứu Triết Học, với nhiều trường phái phong cách khác nhau: David Hume, Ernest Mach, Henri Poincaré , Emmanuel Kant hay Schopenhauer và Nietzsche, từ đó ông học được các nguyên tác lý luận và phương pháp diễn tả những điều nhận xét trực tiếp thành các định luật (Trong đó David Hume (người Anh) là người được Einstein lưu ý nhất. Ông khởi xướng phương pháp luận lý thực nghiệm với các cách trình bày suy luận rất rõ ràng, phân minh. Những khối tri thức nầy phải chăng là một trong những “chiếc nôi” cấu thành “thuyết tương đối” ?).

Vâng, “chiếc nôi” – một tượng hình thật đầy đủ và thú vị !

Cái đẹp và cái bí ẩn ra đời cùng với vạn vật, chúng nằm bên trong mỗi con người và rất nhiều xung quanh mỗi con người…nhưng oái oăm thay, dường như chiếc chìa khóa không dành sẵn mà người ta phải tự tìm lấy, có đôi khi người ta lãng quên cái bên trong chính mình – lãng quên (hay cố tình) vô cảm trước các “bí ẩn chân chính” cần được khám phá. Câu kết luận của Einstein “Kẻ nào không biết đến nó không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, kẻ đó coi như đã chết đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình” là một kết luận tất yếu cũng là một lời cảnh báo: khi một ai đó không còn cảm nhận được cái ham muốn khám phá chân chính, không quan tâm đến tính sáng tạo, hoặc ai đó để tính sáng tạo của mình đi sai con đường khoa học chân chính...– kẻ đó sẽ chắc chắn tự hủy hoại sức sống của mình và hẳn nhiên là người thừa của nhân loại.

Đó phải chăng là lời gởi gắm, lời khuyên hay lời răn cho chúng ta : những thành viên của thế giới đa cực ngày hôm nay : 22-11-2005?


Bài dự thi của Nguyễn Tuấn Hùng

Bốp ... Huỵch ... bốp, huỵch, bốp, bốp ...

Keng ... Chát ... keng, keng, keng ...

Click ... Đoàng ... tạch, tạch, đoàng đoàng ...

Ầm ... Ầm ...

“... tất cả đều đã thay đổi, chỉ riêng nếp nghĩ của con người thì không.”

(Phát biểu của Einstein sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản)

Tất cả đều đã thay đổi, con người từ trên cây xuống đất, rồi lại leo lên những toà nhà cao vút. Con người từ hang tối bước ra, sống ngoài ánh nắng mặt trời, và một số lại chui vào hang tối. Con người chạy bộ, cưỡi ngựa, đi xe, đi thuyền và bay ... Tùng ... cắc ... tùng – tạch ... tè ... tạch ... tè – reng, reng ... alô – 101001 ... 1000111 .... . Tất cả đều đã thay đổi. Những đế chế hình thành, vươn ra khắp thể giới rồi suy vong, rồi lụi tàn, rồi rêu phong ... để rồi một ngày nào đó nhát cuốc của nhà khảo cổ, mà cũng có thể là của kẻ đào trộm mộ sẽ đánh thức nó dậy. Cánh rừng mất đi, đền đài mọc lên, rồi rừng già lại che phủ tất cả, rừng mất, thành phố mọc lên, ???. Bầy khỉ chuyển về sống trong thành phố, trong sở thú, trong những khu bảo tồn. Em bé! Hãy chơi nốt đi, ngày mai con đường này sẽ khác, góc vườn, mảnh hồ này cũng khác ... Liệu ngày mai, có còn mảnh hồ này không nhỉ? Liệu ngày mai em sẽ thả thuyền ở đâu, sẽ đá bóng ở đâu? Tất cả đều đã thay đổi, tốt có, xấu có, mà không biết là tốt hay xấu cũng có ... Dường như con người đang cố thay đổi mọi thứ để tìm cho mình một nguồn sức mạnh lớn hơn, sức mạnh để vượt lên tự nhiên, để chiến thắng số phận ... Mà thật lạ, hình như những thành tựu tiến bộ nhất của khoa học kỹ thuật lại nằm trong lĩnh vực quân sự!

“... chỉ riêng nếp nghĩ của con người thì không.”. Nếp nghĩ, con người vẫn vậy, vẫn rung cảm trước cái đẹp, vẫn bị thách thức trước những cái bí ẩn, vẫn lặng người trước cảnh hoàng hôn ... Nhưng nếu chỉ vậy, thế giới này sẽ đẹp đẽ biết bao. Nếp nghĩ vẫn vậy, bên cạnh những rung động cao đẹp đó, con người còn ... chế tạo vũ khí, còn đem bom đi doạ nhau. Nếp nghĩ vẫn vậy, vẫn chặt cây, phá rừng. Vẫn bắt khỉ, bắt cọp về làm trò chơi. Con người vốn thông minh hơn, mạnh mẽ hơn con khỉ mà. Mà này, khi mạnh hơn, thông minh hơn người khác, liệu người ta có bắt người khác về làm trò chơi không nhỉ??? Con người vẫn vậy, vẫn tìm kiếm những nguồn sức mạnh lớn hơn, vẫn chứng tỏ sức mạnh của mình ...

Tại sao vậy nhỉ? Con người vốn nhỏ bé, vốn yếu đuối. Con người vẫn sợ sệt, sợ thiên nhiên, sợ những gì bí ẩn, sợ những gì chưa biết, sợ cả những thứ đã biết. Ngàn năm nay vẫn vậy, con người sợ ánh chớp, sợ con thú, sợ sự thăng giáng của thị trường chứng khoán, sợ chết, sợ cạn kiệt nguồn tài nguyên, sợ mất một món đồ chơi, sợ thiên thạch đâm vào trái đất ... Con người luôn cảm thấy yếu đuối, nhỏ bé, họ luôn phải tìm kiếm một nguồn sức mạnh, sức mạnh lớn hơn nữa để nương tựa, để phần nào cảm thấy an toàn. Mà hình như càng biết nhiều, càng mạnh mẽ, con người lại càng sợ nhiều, sợ mất đi sức mạnh đó. Con người vẫn vậy, sợ những cái chưa biết, sợ mất những cái đã có ... nhỏ bé, yếu đuối.

Tại sao vậy nhỉ? Mỗi con người, dù là vĩ nhân, tội phạm, một cậu bé, một cụ già ... đều phải dò dẫm đi lại một con đường. Con đường khám phá, con đường trải nghiệm, khám phá chính mình, trải nghiệm những cảm xúc của bản thân: yêu thương, thù hận, ghen tuông, ích kỷ ... Con đường đó không giống như con đường phát triển của khoa học, từng lớp từng lớp người cùng phát triển một lĩnh vực, thành công của người này, thất bại của người kia lại là bước đệm cho người khác. Có chăng một cách nào đó, giúp con người kế thừa, tránh sai lầm, đi tiếp những bước tốt đẹp của tiền nhân? Con đường khám phá và tự hoàn thiện mình. Đi lại một con đường và con người vẫn mắc những sai lầm cũ?

Tại sao vậy nhỉ? Dường như trên con đường ấy, con người không vượt qua nổi mình, chính mình. Không vượt qua nổi dục vọng của mình. Để rồi lại sai lầm, hại mình, hại người ... Tại sao vậy nhỉ? Thay đồi mình vẫn khó khăn mà. Họ sẽ thay đổi thế giới bên ngoài: giết con voi để lấy ngà, đem quân đi đánh nước khác cũng để lấy ngà và đôi khi hy sinh mạng sống của mình cũng để lấy ngà. Vượt qua chính mình để hôm nay mình tốt đẹp hơn ngày hôm qua thực sự là một điều khó khăn. Nó cần một nỗ lực lớn hơn nhiều so với việc cố gắng thay đổi thế giới bên ngoài, thay đổi người khác ... Mà con người vốn nhỏ bé, yếu đuối mà: sợ những cái chưa biết, sợ mất những cái đã có ... Không, nhỏ bé, yếu đuối trước chính mình!

“... thắng cả trăm vạn quân không bằng thắng chính mình ...”

(Thích Ca Mâu Ni)

Tại sao vậy nhỉ?

Đây đó, vẫn có những con người đã nghĩ khác. Họ có thể là Einstein, phản đối việc sử dụng sức mạnh của khoa học công nghệ để chống lại loài người, đó có thể là Phật tìm hiểu chính mình, hoàn thiện mình, thay đổi mình, dẫn dắt mọi người ... Là Luther King, là mẹ Teresa ... là GreenPeace, là WWF hay chỉ là một cậu bé nào đó: “Chú ơi? Sao người ta lại đánh nhau?”... Họ nghĩ khác, họ vượt lên chính mình, thoát khỏi sự ích kỷ cá nhân, họ vươn tới một thế giới tốt đẹp hơn. Một người nghĩ khác, ba người nghĩ khác, bảy người nghĩ khác ... Đã đủ chưa nhỉ???

Ai đó đã từng nói: “Nếu chiến tranh thế giới lần thứ ba xảy ra, thì có lẽ sang chiến tranh thế giới lần thứ tư con người sẽ phải dùng đá để ném nhau”.

Bốp ... Huỵch ... bốp, huỵch, bốp, bốp ...

Keng ... Chát ... keng, keng, keng ...

Click ... Đoàng ... tạch, tạch, đoàng đoàng ...

Ầm ... Ầm ...

Tiếng gì nữa đây?

Giờ đây con người đã có những sức mạnh to lớn, sức mạnh đủ để tàn phá tất cả.

Giờ đây con người đang phải đối đầu với nhiều nguy cơ: sinh thái, tài nguyên ...

Nếp nghĩ của con người có thay đổi được không?


Bài dự thi của Nguyễn Việt Hà

Tất cả đều đã thay đổi, chỉ riêng nếp nghĩ của con người thì không

Tôi vừa nghe, một tiếng thở dài chăng? Có lẽ vậy, hay là sự ngao ngán tột cùng, gần như thế. Nhưng, có điều tôi cảm nhận rõ hơn cả là: vào lúc này, Anhxtanh đã rất thất vọng. Vì lẽ gì ư? Thoạt nhiên, vì cái cách mà người ta cư xử với các phát minh khoa học, nhưng hơn cả, là vì cái cách mà người ta cư xử với đồng loại của mình.

''...tất cả đều đã thay đổi...''... tất cả ở đây là những gì vậy? Đó là những nhận thức mới trong khoa học, những thành tựu mới trong kinh tế, văn hoá, nghệ thuật v.v.. là tất cả những gì thuộc về nền văn minh nhân loại. Tất cả đã thay đổi như thế nào? Đã thay đổi theo xu hướng tích cực và tiến bộ.

Song, bấy nhiêu những thay đổi đó, dường như chẳng hề làm lay động một thứ tưởng chừng mềm mỏng nhất: ấy là ''nếp nghĩ của con người''. ''Nếp nghĩ'' ấy là gì vậy? Là những lo toan cho cuộc sống hàng ngày, những mưu toan về chính trị hay nhiều hơn thế...''Nếp nghĩ'' có thể hướng người ta vào tư duy lối mòn, như thế anh bị cuốn vào một hành lang xoắn ốc sâu thẳm, mà, thoạt nhiên, anh là người quyết định đặt chân vào hành lang ấy, sau đó, đến lượt nó điều khiển và không cho anh thoát ra nữa.

Phải chăng, tất cả mọi người đều không thay đổi ''nếp nghĩ'' của mình? Câu trả lời có lẽ là không. Vì tôi hiểu rằng, Anhxtanh không có ý dành câu nói đó cho tất cả mọi con người, nhất là với những người luôn sát cánh bên Ông trong cuộc đấu tranh vì hoà bình. Nhưng, cũng như Ông, tôi hiểu rằng, đôi khi, chỉ cần ''nếp nghĩ'' ấy thuộc về thiểu số, cũng đã có thể gây ra thảm cảnh Hiroshima và Nagasaki rồi.

Phải chăng, mọi ''nếp nghĩ'' đều mang ý nghĩa tiêu cực như vậy? Tôi cho là không. Vì, ít nhất với bản thân tôi, ''nếp nghĩ'' về truyền thống gia đình luôn mang đến cho tôi niềm tự hào và sự hứng khởi kỳ lạ. Bởi vậy, tôi tin rằng, ''nếp nghĩ'' không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa bảo thủ, trì trệ. Trong rất nhiều ''nếp nghĩ'', có những ''nếp nghĩ'' khiến tôi cảm thấy yên ổn hơn, vững tâm hơn, và tự tin hơn.

Hàng ngày, tôi luôn chứng kiến rất nhiều sự thay đổi, nhưng, quả thực, ''nếp nghĩ'' vẫn chỉ quẩn quanh hai chữ ''mưu sinh''. Tôi tự hỏi, nếu ''nếp nghĩ của con người'' là không thay đổi, thì điều gì khiến cho ''mọi thứ đều đã thay đổi'' vậy? Chẳng phải ''nếp nghĩ của con người'' đã làm thay đổi mọi thứ đó sao?

Có lẽ vậy, với bản thân tôi, ''nếp nghĩ'' cho dù không nằm ngoài hai chữ ''mưu sinh'' nhưng, chính trong công cuộc kiếm sống ấy, tôi đã phải tìm tòi, sáng tạo để tồn tại, và có lẽ vì thế, nhiều thứ đẹp đẽ đã ra đời. Nếu nhiều người cũng đang phải mưu sinh như tôi, thì, ''mọi thứ đều thay đổi'' vì lẽ đó, là sự thật. Song, tôi hiểu rằng, cho dù là ''nếp nghĩ'' mưu sinh, cũng không được phép làm tổn hại đến lợi ích và quyền lợi của người khác, rộng hơn nữa, là lợi ích và quyền lợi của cộng đồng, của nhân loại.

...''tất cả đều đã thay đổi, chỉ riêng nếp nghĩ của con người thì không''

Vì tất cả những lẽ trên, tôi hi vọng, câu nói đó chỉ đúng ở thời điểm Anhxtanh phản kháng cuộc chiến tranh hạt nhân. Cho dù ''Chính trị là nhất thời, phương trình là vĩnh cửu'' như Ông đã từng nói, song, tôi thì tin rằng, chính Ông cũng không muốn câu nói của mình trở nên vĩnh cửu như phương trình.


Bài thi của Trần Thị Hương Lúa

ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG SỰ BÍ ẨN

“Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, kẻ đó coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình”
(Trích từ tiểu luận “Thế giới như tôi nhìn thấy”, Einstein, 1930)

I. Bối cảnh lịch sử

Tôi nhớ hồi còn đi học, các giáo viên môn Văn và Sử thường dạy rằng: phân tích, bình luận hay muốn hiểu về bất kỳ điều gì thì đều phải đặt nó vào trong bối cảnh lịch sử. Đến ngày hôm nay, lần đầu tiên sau 3 năm tốt nghiệp Đại học, tôi viết bài dự thi của mình với cảm giác như một học sinh làm bài tập, không khác gì hồi xưa, chỉ khác là tôi gõ trên máy vi tính. Nhớ lời thầy cô dạy, tôi đã đọc để tìm cho ra bối cảnh lịch sử của tiểu luận “Thế giới như tôi nhìn thấy” và câu chuyện như sau:
Einstein lúc đầu không chấp nhận trường phái bất định được xây dựng trên cơ sở nguyên lý bất định của Werner Heisenberg và có cuộc tranh luận với Ninxon Bor xoay quanh quan niệm “Nhìn không phải là vô hại”. Cuối cùng Nixon Bor cũng thuyết phục được Einstein rằng: khi quan sát chúng ta đã tác động vào đối tượng, nó đã không còn là nguyên nó và nó vẫn không ngừng bất định với chúng ta. Càng khám phá ra nhiều, hiểu nhiều hơn sự vật lại càng thấy thêm nhiều bí ẩn (Mystery) của nó và đó là một điều thật kỳ diệu (Miracle). Tiểu luận “Thế giới như tôi nhìn thấy” đã ra đời sau cuộc tranh luận đó.

II. Hành trình của loài người

Nhiều nhà văn đã viết rằng cuộc sống là một hành trình kiếm tìm cái gì đấy, nó cứ thúc giục chúng ta, khiến chúng ta thèm khát chiếm đoạt và ngạc nhiên. Có lẽ ai cũng từng có cảm giác bị hẫng hụt sau những hân hoan thành công đạt đích nếu sau đó không còn cuộc thi nào nữa hay sau những thất bại mà không còn cơ hội. Con người chúng ta luôn lo sợ bị cầm tù trong cái tất định, đơn điệu. Puskin đã từng than:
Chẳng thiên thần, chẳng nguồn cảm xúc,
Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng tình yêu
(Anna Kern)
Trên con đường phiêu lưu, chúng ta mạo hiểm, vất vả để thoả mãn một niềm khát khao không tên như của người Di-gan, của Lev Tolxtôi, của Hoàng tử bé... và cả của Einstein nữa. Niềm khát khao vẫn luôn bị cuốn hút theo tiếng gọi từ bản năng của cánh buồm:
Trong màn đêm dày đặc phủ sương
Đi kiếm tìm chi nơi đất lạ?
và câu trả lời cũng thật mơ hồ:
Hay buồm đi tìm giông bão,
Bởi trong giông bão có bình an
(Lermontov)
Tổ tiên chúng ta cũng đã trải nghiệm như vậy khi từ cây rời xuống đất, bắt đầu những bước đi lo âu, đứng thẳng để ngẩng đầu nhìn trời nhiều hơn và để kiêu hãnh. Loài người tồn tại và phát triển đến được như ngày nay là nhờ những bước đi tìm kiếm đó như Decart đã nghiệm ra khi nói: “Ta tồn tại vì ta tư duy” và “Điều duy nhất chúng ta không được phép nghi ngờ, đó chính là sự nghi ngờ”. Mất khả năng tư duy và nghi ngờ, con người bị động, cứng nhắc, không còn phản ứng và kinh ngạc thì có khác gì đã chết. Thậm chí ngay cả khi kết thúc cuộc phiêu lưu làm người, có người còn thấy nuối tiếc: “chết là một kinh nghiệm hay, tiếc là có mỗi một lần” (Thảo Hảo).

Tất cả những trải nghiệm của cuộc sống đó được con người mang theo vào thế giới khoa học-nghệ thuật và khao khát tìm những câu giải thích cho sự bí ẩn của thế giới trong một niềm tin tuyệt đối vào những điều kỳ diệu có thể xảy ra. Sự ngạc nhiên vì con chim có thể bay và ước mơ có đôi cánh bay trong thần thoại Hy Lạp ngày nào để rồi mới có được ngành Hàng không và Vũ trụ hôm nay. Chừng nào chúng ta còn khả năng trải nghiệm sự bí ẩn, còn tin vào những phép màu thì còn mơ ước, còn sáng tạo, phát triển và còn lý do để tồn tại.

III. Thế giới như chúng ta nhìn thấy

Thế giới ngày nay như chúng ta nhìn thấy vẫn đầy bí ẩn như trong câu thơ ai đó đã viết:
Vũ trụ vốn chìm trong tăm tối
Newton bước ra ánh sáng tràn đầy
Rồi Einstein với nụ cười hóm hỉnh
Vũ trụ lại rơi vào bí ẩn mông lung.
Những bộ óc trực quan cứng nhắc không bao giờ có thể ngờ tới những thành công trong việc nhân bản vô tính, giải mã bộ gene người, sự phát triển của Công nghệ thông tin đến việc tầng ozone bị thủng, tài nguyên cạn kiệt, nước Nga Xô Viết sụp đổ, những cuộc khủng bố đẫm máu, HIV, SARS... và cả H5N1 bây giờ nữa. Và con người lại không thể dừng lại được, lại phải lên đường, tiếp tục cuộc kiếm tìm và giải mã những điều bí ẩn không bao giờ kết thúc cũng như không ngừng đấu tranh với cái tất định, đơn điệu của cuộc sống trong những nỗ lực bảo tồn sự đa dạng sinh học và bản sắc văn hoá trên thế giới.

Einstein đã khẳng định, như chúng ta bây giờ đã hiểu và thừa nhận khoa học và nghệ thuật gắn bó như bộ óc và trái tim để con người tồn tại-phát triển, suy nghĩ-yêu thương, để sống một cuộc sống của con người! Nghệ thuật cho khoa học trái tim và khoa học cho nghệ thuật đôi mắt. Khoa học của cha đẻ Thuyết Tương đối áp dụng cho không gian và thời gian nhưng nghệ thuật của người nghệ sĩ vĩ cầm nghiệp dư lại tin vào cái Tuyệt Đối trú ngụ trong lòng tin và hy vọng. Phép màu là những sự bất ngờ và người ta dùng nó như một cứu cánh. Trong cuộc đời của mỗi con người, cái bí ẩn mà chúng ta trải nghiệm khi là do sự ngẫu nhiên gồm cả may mắn và bất hạnh, khi thì do chính mơ ước, cố gắng và niềm tin của chúng ta để có được nhân định thắng thiên. Chúng ta vẫn mãi đi tìm sự bí ẩn, khát khao chiếm đoạt nó và ngạc nhiên vì có hoài mà không có hết, như chu vi ngu dốt bao diện tích kiến thức: càng biết nhiều lại càng thấy biết ít, như đường tiệm cận với trục chân lý tuyệt đối: càng gần nhau lại càng thấy xa nhau.

IV. Bí ẩn Thuyết tương đối

Ra đời cách đây 100 năm, Thuyết tương đối (TTĐ) đã làm thay đổi tận gốc thế giới quan cổ điển về các vấn đề: không gian, thời gian, vật chất và năng lượng. Tuy nhiên, giải thưởng Nobel dành cho Einstein lại không phải do TTĐ mà do các cống hiến trong lĩnh vực quang điện của ông! Vì sao TTĐ không được nhận giải Nobel? Nó còn gây nhiều tranh cãi hay Ban giám khảo không ưa mạo hiểm? Đối với họ, giải thưởng cần trao cho những cái gì dễ trao, dễ hiểu, và... dễ để được nhận? Bản thân Einstein cũng rất ghét những người a dua, tuyệt đối hoá cái TTĐ của ông, ghét đến mức mà dành phần lớn cuộc đời của mình để bác lại cái sản phẩm thời trẻ đó. Trước khi chết, ông vẫn cho rằng TTĐ là lợi bất cập hại, không có TTĐ hay đừng giáo điều, tôn sùng nó, loài người sẽ đầu tư thiên tài vào các lý thuyết khác và có thể đi xa hơn trong trí thức.
Còn tôi thì cũng tự nhận mình còn chưa đủ tầm để tìm hiểu tại sao TTĐ không nhận giải Nobel hay nếu không có TTĐ thì khoa học sẽ phát triển theo hướng nào. Nhưng tôi yêu cái sự thật là TTĐ không nhận giải Nobel và Einstein thì hết sức phản đối sản phẩm của chính mình, bởi đó có thể là cơ hội cho quyển sách có tựa đề “Giải mã thuyết tương đối’’ thành tác phẩm bán chạy hơn cả “Mật mã Da Vinci’’ hiện nay. Tôi yêu sự bí ẩn, yêu khoa học, nghệ thuật và tôi yêu Einstein!



Bài thi của Trần Thu Trang

NGHĨ KHÁC ĐI KHÓ LẮM, THƯA ÔNG EINSTEIN!

"...tất cả đều đã thay đổi, chỉ riêng nếp nghĩ của con người thì không."

Năm Einstein đã đi sắp trôi qua mà đến giờ phút này tôi mới bắt đầu lục lọi trong mớ ký ức lộn xộn của mình để trả lời một câu hỏi thật sự buồn cười: “Ta đã biết gì về Einstein?”. Thật ra, những gì tôi biết chẳng nhiều cho lắm, nếu không muốn nói là quá ít. Albert Einstein, người gốc Do Thái sinh ra tại Đức (thảo nào cuộc thi này được tổ chức bởi Viện Goethe chứ không phải Hội đồng Anh hay Trung tâm L’Espace).

Albert Einstein, tác giả thuyết tương đối (mà thuyết tương đối là cái gì thì tôi cũng rất lơ mơ). Albert Einstein, người hay có những câu nói hài hước kiểu như: “Sức hút trái đất không có vai trò gì trong việc mọi người ngã vào lòng nhau” hay “Có hai thứ vô tận là vũ trụ và sự ngu dốt của con người, và tôi không chắc chắn lắm về (sự vô tận của) vũ trụ” . Tất cả những gì tôi biết về ông chỉ có thế. Và rồi bây giờ, tôi sẽ nêu lên ý kiến riêng của mình về một câu nói có phần cụt ngủn của ông.

Cách đây một số năm, có thể là chục hoặc có thể ít hơn, tôi cũng như các bạn trong lớp rất sính việc chép danh ngôn vào sổ rồi khoe với nhau. Đó là một hình thức lên dây cót tinh thần ngô nghê nhưng cũng khá hữu ích với những đứa mới lớn đang bơ vơ về hướng tư duy. Trong một lần tụ tập lên dây cót cho nhau như thế, tôi được một cậu bạn đọc cho câu nói này. Không hiểu sâu xa cho lắm nhưng với ý nghĩ: “Ông ta đã là thiên tài thì nói gì cũng đúng”, tôi gật gù cho ra vẻ mình cũng tâm đắc với nhà khoa học lỗi lạc và để cậu bạn kia thấy rằng tôi cũng đồng cảm sâu sắc với cậu. Tất nhiên, tôi quên câu nói ngay sau đó.

Bẵng đi thêm một số năm nữa, tôi đọc một bài tiểu luận về hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, người viết cũng trích dẫn câu "...tất cả đều đã thay đổi, chỉ riêng nếp nghĩ của con người thì không” mà tôi đã một lần được nghe và quên. Lúc đó tôi đã biết suy nghĩ hơn hồi xưa một chút nên đón nhận nó như là một thứ hoàn toàn mới mẻ với hiểu biết của mình. Nhưng cái cách nghĩ “thiên tài thì nói gì cũng đúng” dường như vẫn còn nguyên trong đầu tôi. Thay vì lật qua lật lại câu nói và thử mổ xẻ phản biện nó một chút, tôi lại để tâm trí mình lười biếng nương theo cái hướng mà Einstein đã vẽ ra. Tôi gật gù đồng ý với ông thậm chí còn nhanh và mạnh mẽ hơn lần trước, với một số chứng cứ không thể chối cãi cho sự đúng đắn của câu nói: Bao nhiêu nạn nhân vô tội ở Hiroshima và Nagasaki (cũng như hàng ngàn hàng vạn nạn nhân khác ở Việt Nam quê hương tôi) đã chết, đã đau đớn vì nếp nghĩ muôn thuở của những kẻ tự coi mình mạnh hơn đối phương trong cuộc chiến.

Năm 2005, 60 năm đã qua kể từ khi Einstein đưa câu nói ấy ra trước thế giới, sự bình yên dường như đã trở lại với Hiroshima và Nagasaki, con phố Khâm Thiên nơi tôi sống cũng đã thay đổi hoàn toàn so với năm 1972 ngập trong khói bom, tôi cũng như những người xung quanh tôi đã thay đổi rất nhiều. Nhưng đâu đó trên quả đất càng ngày càng trở nên chật hẹp với loài người này, tiếng súng vẫn vang lên ở Iraq, Palestin hay Congo… Nghĩa là tư duy của loài người, xét trên khía cạnh những cuộc chiến để tranh giành thứ gì đó, vẫn chẳng thay đổi. Người ta vẫn sẵn sàng làm tổn thương nhau với những lý do như cách đây hàng ngàn năm, khi chưa xuất hiện cả Einstein lẫn những công cụ huỷ diệt khủng khiếp mà ông dù không muốn cũng đã (phần nào) can dự vào việc chế tạo .

Còn bản thân tôi thì sao? Thật lạ lùng là đã khá nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn thấy câu nói này của Einstein rất hay, rất đúng. Đôi khi, trong những giây phút bốc đồng nào đó, tôi có tìm ra một vài sự kiện hay chi tiết nho nhỏ có thể (chỉ có thể thôi) chứng minh rằng câu nói không hoàn toàn đúng, rằng nếp nghĩ của con người đã ít nhiều biến chuyển… Nhưng rồi tôi vội vã gạt ngay ý kiến đó đi như một kẻ thiếu tự tin chối bỏ quan điểm riêng của mình khi đứng trước một tượng đài lý luận. Nghĩa là trên vỏ não của tôi cũng in hằn một nếp nghĩ nào đó, chính là cái thứ mà Einstein có lẽ đã hết sức phê phán kia. Nhưng thưa ông Einstein, tôi biết làm sao được, từ xưa đến nay, những người dám nghĩ khác như ông trên thế giới này đâu có nhiều!


Bài thi của Trần Vũ Nguyên

SỐNG VỚI TINH THẦN EINSTEIN: HÃY HỎI

Tất cả mọi người trong chúng ta đều có thể đi theo con đường Einstein đã đi. Đó là điều tuyệt diệu nhất mà con người kỳ lạ này đã để lại cho nhân loại. Sống với tinh thần Einstein, đơn giản là bắt đầu mọi việc trong cuộc sống bằng những câu hỏi. Hỏi ai, hỏi khi nào, tại sao hỏi, hỏi cái gì, hỏi để làm gì và hỏi như thế nào. Đó là những yếu tố để xác định ai sẽ là thành công trên con đường chẳng mấy ai đi này.

“Hãy hỏi” – đó chính là cái tinh túy nhất từ câu nói nổi tiếng của ông: “Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc, kẻ đó coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình”.

Con bọ dừa và cành cây cong

Khi con trai ông hỏi vì sao ông nổi tiếng, Einstein chỉ bảo: “Khi con bọ dừa bò theo một cành cây, nó không nhận thấy là cành cây bị cong. Cha đã có may mắn nhận thấy cái mà con bọ dừa không nhận thấy con ạ!”. Điều bí ẩn đôi khi được giải mã một cách đơn giản đến cùng cực. Nhưng nó đòi hỏi một loạt câu hỏi của con bọ dừa. Sự tự vấn: tôi đang đứng đâu thế này? Nơi tôi đứng có gì lạ không? Có đúng là cành cây tôi đang đứng thẳng tăm tắp như mọi người vẫn bảo và chính tôi cũng đã thấy không? Phía đầu cành cây có gì và phía cuối cành cây có gì? Có cái gì phía trong cành cây không nhỉ? Liệu rằng tôi có đang đi đúng hướng không? Có lẽ phải mất vài ngày để liệt kê cho hết những câu hỏi mà con bọ dừa có thể đặt ra để có thể thỏa mãn cái khát vọng khám phá sự bí ẩn của một khoảng không gian rất hẹp bên cạnh nó. Nếu thế, con bọ dừa, có lẽ sẽ không bị rơi tòm xuống đất hay chui tọt vào mồm một con vật nào đấy thích ăn thịt bọ dừa.

Nó không biết, vì nó là con bọ dừa. Còn chúng ta, chúng ta không phải là con bọ dừa.

Einstein đã làm gì để có thể thay đổi cả một nền tảng kiến thức khoa học: ông hoài nghi mọi điều, tin tường mọi khả năng có thể xảy ra, suy luận một cách không logic, một cách khác với những quy luật đã có từ trước và luôn có hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu cần được trả lời một cách thấu đáo. Từ đó, ông khám phá ra những bí ẩn của cuộc sống, khám phá ra những điều khác thường mà trước đó chúng ta không quan tâm hoặc cho là quá bình thường, đến mức tầm thường để dửng dưng hành động theo những công thức có sẵn, máy móc một cách hết sức thoải mái.

Và thực tâm, chúng ta vẫn đang nghĩ là mình hạnh phúc. Đơn giản, chúng ta không biết còn một cái hạnh phúc cao hơn ở phía bên kia bờ của chân lý mà khoảng cách đôi khi rất mong manh.

Chúng ta không biết. Chúng ta không hỏi. Vì chúng ta sợ.

Cái sợ đầu tiên là sợ sai. Đôi khi những hoài nghi, thắc mắc hay một thoáng ngạc nhiên vẫn hiện lên. Nhưng chúng ta dẹp nó sang một bên rất nhanh. Đã có một con đường sẵn, thôi, ta cứ đi. Và điều này cũng là căn nguyên của nỗi sợ hãi thứ hai: sợ khác người hay chính là sợ đơn độc. Nếu ngày xa xưa, cậu bé Einstein cũng sợ hãi như thế để đừng bị cô giáo đề nghị nghỉ học vì “quá đần độn”, thì có lẽ, sẽ không có một thiên tài.

Chúng ta không muốn khám phá những bí ẩn, vì luôn còn có những nỗi sợ hãi khác ám ảnh: sợ trách nhiệm, sợ mất những gì mình đang có và sợ hãi những gì sẽ xảy ra phía trước mà không thể nhìn thấy được.

Và chúng ta giống như con bọ dừa, cứ bò dọc thân cây mà không biết rằng nó đang cong xuống vì sức nặng của chúng ta.

Cái đuôi ngựa và đốm lửa sống trong mắt

Khái niệm “lửa sống trong mắt” là một sự sáng tạo. Chừng nào trong mắt chúng ta vẫn ánh lên những dấu hỏi khi nhìn vào cuộc sống và không bằng lòng với những gì mình đang nhìn thấy mà muốn khám phá nhiều hơn, muốn biết tường tận hơn thì ngọn lửa sống mà ông đề cập vẫn còn nhấp nháy.

“Tự nhiên chỉ cho ta thấy cái đuôi của con sư tử” – Einstein dừng lại ở đó. Và chỉ có những đốm lửa sống trong mắt mới có thể giúp con người soi đường đến một góc từ trên cao nhìn xuống, hay từ dưới thấp nhìn lên, hay từ phía xa nhìn lại, để có thể đứng lặng và cảm nhận niềm hân hoan chạy dọc theo từng tế bào cơ thể khi phát hiện ra một sự thật hoàn toàn khác là vẻ đẹp của sự hoàn thiện mà tạo hóa đã ban cho một con sư tử. Hóa ra ngoài cái đuôi, con sư tử còn có một bộ lông óng mượt, cái bờm hùng dũng và một dáng hình oai vệ khi cất tiếng gầm của chúa sơn lâm.

Sẽ mãi chỉ là những ông thầy bói sờ soạng trong cái mịt mù của công thức và sự tự tin đến mức ấu trĩ của mình để cho rằng mình đã biết hết thế giới và không còn chút gì là bí ẩn trên hành tinh này cần khám phá nữa.

Liệu có bao nhiêu người đặt ra dấu hỏi cho mình và đi tìm lời giải cho những dấu hỏi đó khi nhìn thấy một cái đuôi sư tử?

Cái chết của một người đang sống

Hình như, đó là thuyết tương đối: một người vẫn còn sống hẳn hỏi, nhung lại đã chết đi vì không muốn biết thêm chút gì của thế giới nữa, không còn chút ham thích nào với cái mới, cái lạ, cái bí ẩn nữa. Không có câu hỏi – không có câu trả lời đồng nghĩa với không có sáng tạo, không có tiến bộ và thế giới buộc phải dừng lại, cuộc sống dừng lại và ngọn lửa sống tắt rụi. Một cái chết rất thực khi người ta vẫn còn sống rất ảo.

Một dấu chấm hết đầy đau buồn cho bánh xe lịch sử khi con người ngừng khám phá.

Và có thanh âm của cái chết trong một thế giới vẫn không ngừng chuyển động.

Nhưng hình như, đó cũng là thuyết tương đối. Người “chết” trong câu nói của Einstein cũng có thể “sống” lại khi một ngày bừng mở mắt và tự hỏi: tôi là ai?

Một cuộc hành trình mới sẽ bắt đầu. Bắt đầu từ việc khám phá bí ẩn của chính bản thân mình.

Và một cách tương đối, ông già lè lưỡi vào ngày sinh nhật thứ 72 của mình sẽ không phải lo âu, vì bản chất của con người và xã hội loài người là một chuỗi tiếp nối những khám phá, những tìm tòi để vén lên cái màn bí ẩn vẫn còn bao trùm xung quanh.

Và đừng bao giờ để tắt lụi đốm lửa sống trong mắt mỗi người.

Hãy hỏi!


Bài thi của Vũ Thị Thu Vân

Anh thân yêu!

Đã lâu lắm rồi hôm nay em mới lại có những gây phút được thả hồn dưới một bầu trời đầy sao như thế này. Bầu trời đêm nay thật là đẹp anh ạ. Không hiểu trong cái khoảng không gian bao la đen hun hút ấy có gì mà làm em mê mẩn đến vậy. Thật là kỳ lạ. Từ khi còn là một cô bé con em đã rất thích được ngồi một mình trên sân thượng trong những đêm đầy sao để thả hồn thả sức tưởng tượng, cho tâm hồn mình được tan vào không gian mênh mông và trong trẻo ấy. Cả cho đến bây giờ khi mà quỹ thời gian ít ỏi luôn phải chia sẻ để cuốn theo cuộc sống, cho học tập, cho công việc thì những lúc như thế này lại càng trở nên quý giá. Đó là lúc mà trí tưởng tượng, tâm hồn và suy nghĩ của em được cất cánh thẳng đứng không bị trói buộc, gò bó bởi bất cứ điều gì.

Lần nào cũng vậy, dưới bầu trời sao lung linh ấy em luôn thấy cực kỳ vui thích và cả sợ hãi nữa, sợ hãi khi hút mắt vào khoảng không sẫm màu vô cùng, vô tận ấy, như thấy mình chìm nghỉm đi giữa sự bí ẩn tuyệt vời đó. Em cứ tưởng tượng rằng ngoài không gian mênh mông kia biết đâu cũng có sự sống, có con người và họ cũng đang ngồi ngắm bầu trời đầy sao như em. Như thế chắc trái đất mình cũng là một trong những vì sao anh nhỉ. Hàng ngàn những câu hỏi tại sao cứ liên tục nhảy múa và cũng ngần đấy sự ngạc nhiên, kinh ngạc khi em cố dấn mình vào cái thế giới mà em cho là đầy huyền bí ấy. Em đã nhiều lần tự hỏi sự sống trên trái đất này rồi sẽ đi đến đâu và đã cố vận dụng hết khả năng của mình để tưởng tượng đến cái thủa hồng hoang của sự sống. Hàng trăm triệu năm đã trôi qua, những bước tiến của con người quả là kỳ diệu.

Hành trình tiến hoá của loài người cũng chính là hành trình của sự khám phá thế giới phải không anh. Hành trình ấy có điểm xuất phát nhưng sẽ không có điểm kết thúc vì rằng vũ trụ này luôn luôn ẩn chứa những điều bí ẩn không bao giờ hết, đó cũng chính là động lực cho con người sống và phát triển. Ngay trong bản thân mỗi người cũng là cả một thế giới huyền bí, đầy phức tạp mà cả cuộc đời cũng chưa chắc đã khám phá hết anh nhỉ. Einstein đã nói rằng: ''Cái đẹp đẽ nhất mà chứng ta có thể trải nghiệm đó chính là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không có khả năng ngạc nhiên hay kinh ngạc thì kẻ đó coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình''.

Phải chăng chính vì cảm thức được sâu sắc những điều bí ẩn mà những con người vĩ đại như Einstein và những bậc tiền bối trước đó đã đặt dần nền móng tri thức khoa học, nghệ thuật cho loài người. Với những người bình thường thì những cảm thức đó thật phi thường dẫu rằng so với nhưng điều bí mật còn ẩn chứa thì đó cũng chỉ như nhưng giọt nước so với biển cả bao la. Anh thấy không, đó quả là điều may mắn vì chính cái đại dương bao la ấy mãi mãi sẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho con người bơi lặn, để không bao giờ ''rụi tắt'' sức sống, sức sáng tạo. Ngọn lửa khao khát khám phá thế giới sẽ được truyền mãi từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trái đất đã hình thành ra sao? Sự sống đã được bắt đầu như thế nào? Con người đã tiến hoá ra sao?... Hàng triệu, hàng triệu câu hỏi như vậy đã, đang và sẽ được con người đặt ra để tự đi tìm câu trả lời. Chính những đáp án đó đã dần đưa con người từ chỗ mông muội đến văn minh, để ta ngày càng nhận thức sâu hơn về chính thế giới mà chúng ta đang sống. Và để có được một kho tàng tri thức nhân loại như ngày hôm nay là biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt thậm chí là cả cuộc sống của tầng tầng, lớp lớp những thế hệ đã qua. Những con người lỗi lạc, vĩ đại đã cống hiến cả cuộc đời của họ để đón nhận nhiệm vụ tiên phong là mở lối, khai sáng cho loài người. Vạn vật huyền bí đã mê hoặc họ, thôi thúc họ suy nghĩ, khám phá. Chính những con người biết ngạc nhiên này đã làm nên những điều kinh ngạc. Hơn ai hết họ cũng sẽ là những người cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn với những khám phá đó. Anh có còn nhớ câu truyện: ''Ơrêca! tìm thấy rồi'' không? Chắc là chúng ta đều có thể đồng cảm được với niềm vui của nhà bác học Acxinmet anh nhỉ.

Mỗi định lý, mỗi tiên đề, mỗi công thức mà chúng mình được học đều là những quy luật của tự nhiên đã được con người khai quật. Con đường chinh phục nó cũng gian khó như người khai mỏ vậy, có những mỏ lộ thiên nhưng phần lớn lại là những mỏ nằm sâu trong lòng đất bắt chúng ta phải tìm kiếm, phải thử nghiệm, phải ''đào xới''. Cũng như những tác phẩm nghệ thuật, đó cũng là những trải nghiệm, tìm tòi, khám phá thế giới qua lăng kính của người nghệ sĩ. Họ cũng đang lao động để tìm đến cái đẹp của cuộc sống còn đang được ẩn chứa. Có thể khẳng định những bí ẩn sâu trong lòng đất, trong thế giới tự nhiên, trong cuộc sống là cảm hứng khơi nguồn sáng tạo cho con người. Mỗi chúng ta đều sẽ là một nhà khoa học, một người nghệ sĩ nếu chúng ta không chỉ quan sát, ngắm nhìn mà còn suy nghĩ, biết đặt câu hỏi ''Vì sao?'' và quan trọng hơn là biết khao khát đi tìm câu trả lời phải không anh. Thế giới này nếu là vô tận, thì sức sáng tạo của con người cũng là vô cùng.

Em rất yêu cuộc sống này và thấy thật hạnh phúc vì mình đã được sinh ra, được lớn lên, được học tập để rồi biết ước mơ và đang cố gắng cho những ước mơ của mình. Em khao khát vươn ra thế giới, tìm tới những miền đất xa xôi, tự mình chinh phục những tri thức khoa học, tự khám phá chính bản thân và cuộc sống muôn màu xung quanh. Trong suốt cuộc hành trình xuyên Việt vừa qua, em đã đi qua những vùng đất, những làng quê dọc theo chiều dài của đất nước để được tự mình nhìn thấy, tự cảm nhận và tự tri thức. Em thấy mình lớn lên nhiều qua từng chuyến đi. Mỗi vùng đất em qua, mỗi con người em gặp đều làm em đi từ bất ngờ đến thích thú, say mệ. Em đã cảm nhận sâu sắc hơn sự muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống và cả những điều mới m

Nguồn:VietnamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ý nghĩa cuộc sống

    16/04/2018Albert Einstein (Nguyễn Định và Alpha books dịch)Cuộc đời của mỗi con người trên trần thế chỉ là tạm thời,và người ta sống vì cái gì không ai có thể biết được, mặc dù thỉnh thoảng ta vẫn tự cho là mình có cả m thấy được ý nghĩa đó.
  • Albert Einstein và Giáo dục

    11/01/2016Nguyễn Ngọc ThuậnAnhxtanh đã phát biểu những tư tưởng của mình về một nền giáo dục căn bản cho xã hội hiện đại. Những tư tưởng đó được đăng rải rác ở nhiều nơi, chủ yếu vào những năm cuối đời và tập trung hơn cả là bài phát biểu của ông tại Albany, NewYork ngày 15/10/1936 nhân kỷ niệm 300 năm giáo dục Hoa Kỳ, rất đáng để chúng ta suy ngẫm và học tập...
  • Albert Einstein - nhà khoa học, nhà triết học

    28/10/2014Nguyễn Tấn HùngEinstein nổi tiếng không chỉ vì những cống hiến của ông cho khoa học, mà còn ở những quan điểm của ông về nhiều vấn đề chính trị - xã hội, tôn giáo, đạo đức. Ông nói về chiến tranh và hoà bình, về tôn giáo, về nhân quyền, về chủ nghĩa dân tộc...Quan điểm của ông được bày tỏ một cách thẳng thắn, không khoan nhượng, nhiều khi có vẻ khi có vẻ ngây thơ, những người ta chú ý đến ông, lắng nghe ông nói....
  • Einstein và các cuộc cách mạng tư duy khoa học trong thế kỷ 20

    15/08/2005Phan Đình DiệuNhững biến đổi cách mạng về tư duy trong vật lý học hiện đại, đánh dấu bởi việc ra đời thuyết tương đối, vật lý lượng tử, và gần đây hơn là hiện tượng “hỗn độn tất định” cùng với sự xuất hiện của khoa học của thế kỷ 20 nói chung một khung mẫu tư duy hoàn toàn mới, hứa hẹn đưa đến những bước tiến mới cho nhận thức của con người về vũ trụ, tự nhiên, xã hội, và cả về chính mình...
  • Khoa học và tôn giáo phụ thuộc lẫn nhau

    15/07/2005Đây là bản lược dịch bài Science & Religion are interdependent của nhà bác học Albert Einstein. Nó cũng đồng thời phản ánh rõ nhất quan điểm của nhà bác học về vấn đề Tôn giáo...