Chút ít lương tri trong thời kỳ kinh tế thị trường

09:40 SA @ Thứ Hai - 24 Tháng Hai, 2014

Thời kinh tế thị trường là một giai đoạn tất yếu mà nước ta phải trải qua để tiến xa hơn nữa, hướng tới một trật tự cao hơn nữa, một xã hội công bằng và văn minh hơn. Trong thời kỳ này, người dân, trong đó có giới trí thức nói chung và giới văn nghệ nói riêng, sống trong một không khí rất khác với giai đoạn trước đây, khi toàn dân còn phải tiến hành hai cuộc kháng chiến ác liệt, cái thời kỳ mà về sau người ta quen gọi là thời “bao cấp”.

Có nhiều thứ dường như bị đảo ngược. Chẳng han, trước kia người khách hàng cảm nhận việc mình hưởng cái quyền “được mua” thứ này thứ nọ theo những tiêu chuẩn khác nhau theo cấp bậc của người mua (phiếu A,B,C, D, v.v.) như hưởng một ân huệ của người bán hàng, thì nay người khách hàng là một thứ “Thượng đế”, được người bán hàng chiều chuộng và hầu hạ hết lòng.

Ở đây, cũng cần lưu ý tới một điều: ở các nước tư bản, khách hàng không phải là “Thượng đế”. Cái phương châm (hay khẩu hiệu) mà người bán hàng (chứ không phải là ông chủ tư bản) phải thuộc lòng , là “người khách hàng bao giờ cũng đúng (cũng phải, cũng có lý)”, (the customer is always right). Người bán hàng không bao giờ được nói những câu như: “Bà không nên chọn mặc màu ấy, vì nó quá tươi, mà bà thì già rồi”. Ông chủ hiệu mà nghe được một câu nói như thế , thì người bán hàng bị đuổi việc là cái chắc. Và ông ta đuổi người bán hàng kia là đúng, mặc dầu lời khuyên của anh ta có thể rất có ích cho bà khách nọ, thậm chí có thể cứu bà ta khỏi rơi vào sự lố lăng là đằng khác. Vì bổn phận của anh ta không phải là hướng dẫn khách hàng về thẩm mỹ hay về bất cứ phương diện nào khác, mà là bán cho được thật nhiều hàng, thế thôi.

Khách hàng không phải là “Thượng đế”. Khách hàng là thứ người mà thiện cảm của các ông chủ đối với hắn có tỷ lệ thuận với số hàng hắn mua (tức là số lợi nhuận hắn mang lại). Nếu khách hàng bắt đầu quậy, sẽ có ngay mấy tay đầu gấu lực lưỡng (gorillas) sẵn sàng ném thẳng hắn ta ra đường. Nói tóm lại, khách hàng là đối tác và là nguồn trục lợi của nhà tư bản, không hơn không kém.

Còn ở ta, hình như tình hình có khác. Khách hàng là “Thượng đế”, hay nói chính xác hơn, là một trong những thứ Thượng đế (tôn giáo đa thần được du nhập vào nước ta từ bao giờ thế không biết?). Khách hàng chỉ là một trong những nguồn lợi. Còn rất nhiều nguồn lợi khác nữa, trong đó có người tài trợ, cho nên người tài trợ cũng là Thượng đế. Vì đấng tối cao này, người ta có thể làm tất cả. Kể ra, khi nhớ rằng dù sao đây cũng là một nhân tố đẩy mạnh quá trình tiến tới dân giàu nước mạnh, ta cũng không có lý do gì để khước từ các món tài trợ ấy.

Tuy nhiên, cái gì cũng hay ho khi người ta biết dừng lại ở một giới hạn nào đấy, biết giữ đúng một chừng mực nhất định màlương tri không cho phép vượt qua.

Một trong những nguồn lợi có thể có được là quảng cáo. Các bài giảng về chính trị kinh tế học của thời “bao cấp” đã cho ta biết từ lâu rằng những số tiền chi vào quảng cáo đều được người tiêu thụ hàng hóa bù lại cho nhà tư bản gấp hàng chục lần, cho nên nhà tư bản thường tỏ ra rất hào phóng khi “tài trợ” tiền quảng cáo cho các cơ quan truyền thông đại chúng. Và món tiền này cũng góp phần vào việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vốn đáp ứng những nhu cầu rất bức thiết của công chúng.

Nếu nội dung của quảng cáo giúp cho công chúng biết thêm những món hàng hữu ích, thì dù tiền quảng cáo (và giá bao bì) có làm cho giá thành của sản phẩm cao hơn ít nhiều, người tiêu thụ cũng chưa có gì đáng phàn nàn. Và nếu trong khi quảng cáo người ta có dùng một thứ văn vẻ không lấy gì làm hay ho (những câu như Bộ phim này được tài trợ bởi PS bảo vệ hai lần), những câu hát không lấy gì làm thuận tai (như câu hát khen Dầu ăn ngon tuyệt vời hay những lời ca ngợi lối sống được gọi là “sành điệu”, một từ mà xét nội dung thực chất hoàn toàn đồng nghĩa với “rởm đời”) – thì cũng chưa có gì đáng trách lắm.

Nhưng nếu vì quá tôn thờ “Thượng đế” mà bất chấp sự tôn trọng tối thiểu đối với công chúng thì cơ quan truyền thông đã vượt qua giới hạn cần có.

Đoạn truyện ngắn sau đây của H.M (trích dẫn với sự cho phép của tác giả), có thể dùng làm một ví dụ nhỏ.

“(…) Cả nhà đã có mặt đông đủ. Bộ phim hôm nay nhiều người đã mong đợi từ lâu. Đây rồi! Sau mười mấy phút quảng cáo, cô phát thanh viên xinh đẹp mọi ngày vẫn giới thiệu phim đã xuất hiện với nụ cười duyên dáng. Cô giới thiệu hơi dài, để cho khán giả, dù có u mê đến đâu cũng hiểu được nội dung và ý nghĩa giáo dục của bộ phim. Cả nhà cười mỉm, thông cảm với cái thiện ý của cô trong những lời dạy dỗ hơi thừa, tự an ủi rằng cô thừa biết chúng tôi đây không đến nỗi u mê như thế. Sau đó là những dòng chữ “generic” trong điệu nhạc trữ tình mở đầu, gợi lên những ấn tượng vui buồn lẫn lộn trong truyện phim. Tâm hồn khán giả đã bắt đầu bước vào bầu không khí của quãng đời đầy kịch tính mà các nhân vật đang sống trong phim… Bỗng đùng một cái, lại quảng cáo! Quảng cáo xà phòng! Quảng cáo bao cao su! Quảng cáo thuốc bổ thận tráng dương (xin đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng!), v.v., chỉ mười bảy phút thôi, mà cả nhà tưởng như dài vô tận, vì chỉ cần bảy phút cũng đã đủ phá tan cái không khí cần thiết cho phim mà khúc nhạc và hình ảnh mở đầu đã gợi lên trong lòng khán giả. Mọi người thất vọng bỏ ra ngoài, đi uống nước, đi tiểu tiện, đi gọi điện, đi xem lại sổ ghi công việc ngày mai, v.v. Đến khi trở vào thì phim đã chiếu được năm bảy phút, nghe đối thoại chẳng hiểu được mô tê gì mấy nữa. Nếu là phim của nước ngoài thì tiếng trong phim được vặn thật nhỏ, gần thành phim câm, để thuyết minh cho rõ, còn nhạc thì khán giả ta có nhiều người biết nghe đâu mà… Dần dần, đến giữa cuốn phim cả nhà hỏi nhau rào rào một lúc cũng hiểu ra được ai là con ai, chồng ai, vợ ai. Hơn một giờ sau thì câu chuyện trong phim đã hết. Mọi người chờ xem những hình ảnh cuối cùng, hầu như bao giờ cũng kết thúc cuốn phim một cách đẹp đẽ và sắc sảo, đóng màn bạc lại một cách ý nhị và tài hoa… Nhưng không! Lại quảng cáo xà phòng, thuốc đau lưng! Làm như thể đó là cái kết luận thâm thuý mà khán giả phải rút ra từ số phận của các nhân vật trong phim: phàm sống ở đời, ta cần tắm bằng xà phòng X, uống thuốc đau lưng Y và dùng bao cao su Z! (nhớ xem kỹ trước khi dùng!), rồi sau khi đã thấm nhuần cái kết luận đó đến tận xương tuỷ, cả nhà mới được xem khung hình cuối cùng: chàng và nàng dắt tay nhau bước về phía chân trời sán lạn. Sán lạn là phải, một khi đã tắm xà phòng X, uống thuốc đau lưng v.v., người xem chắc chắn là phải cảm thấy mình được an toàn tuyệt đối! (…)”.

Biết làm thế nào khác được? Thượng đế không bằng lòng khi đài chúng tôi đề nghị dồn quảng cáo vào hai chỗ: trước khi vào phim và sau khi hết phim, vì làm như thế thì khán giả sẽ dễ thoát thân quá! Họ sẽ canh giờ cẩn thận để khỏi phải xem mãi những mục quảng cáo được phát đi phát lại mỗi ngày mấy chục lần, xem mãi không những đã thuộc làu làu, mà còn đến phát ốm ra. Phải tìm cách khác, phải tìm ra cách nào tối ưu để làm cho người xem không thể nào trốn thoát được:

Không cho chúng nó thoát!!!
Không cho chúng nó thoát!!!
Chúng bay vào sẽ không có đường ra…

như thể trong bài hát trứ danh thuở nào, thì mới vừa lòng “Thượng đế”.

Tại một cơ quan nghiên cứu khoa học nọ, trong một cuộc Hội thảo quốc tế được một nhà tư bản tài trợ, để khỏi mếch lòng “Thượng đế”, người ta dùng những từ ngữ tế nhị để gọi một cuộc chiếm đóng thời trước là “sự hiện diện của người nước X”, và gọi một nạn đói làm chết hai triệu người là một thiên tai gây tổn thất cho “hơn một triệu người”. Khi có người chất vấn về mức chính xác của con số này, thủ trưởng cơ quan ấy trả lời rằng hơn một triệu có thể là một triệu rưởi, hai triệu hay ba bốn triệu, đều đúng cả. Câu trả lời này, xét về phương diện lô-gích, không thể bác bỏ được. Nhưng xét về phương diện tâm lý và ngôn ngữ, thì lại là một sự dối trá trắng trợn, vì khi nói “hơn một triệu”, bất kỳ ai cũng chỉ có thể hiểu là một triệu vài chục, quá lắm cũng chỉ đến một triệu hai, một triệu ba là cùng, chứ nếu triệu rưỡi trở lên thì không ai lại nói “hơn một triệu”. Mà dù chỉ một triệu hai, một triệu ba thì người ta sẽ nói “một triệu hai”, “một triệu ba”, chứ không nói “hơn một triệu”, vì như thế khó hiểu cho đúng, mà cũng không tiết kiệm được một chữ nào.

Cũng “còn may” là cơ quan truyền thông của nước tư bản hữu quan không cho các báo hàng ngày chạy một tít lớn ở trang nhất : “Theo kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia sử học thuộc cơ quan X, số người Việt Nam chết vì nạn đói năm 1945 chỉ là hơn một triệu chứ không phải hai triệu như trước đây người ta vẫn tuyên truyền một cách ngoa ngoắt”.

Cuối cùng, phải nhắc đến một cuốn Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp do một cơ quan Pháp tài trợ và một nhà xuất bản lớn của ta ấn hành, dày 535 trang, với một số mục từ lên đến 1.800 từ, trong đó có khoảng 400 từ là “từ Việt gốc Pháp” thật. Còn lại là hơn 1.300 từ không thể gọi như thế được, vì phần lớn là những từ “tiếng bồi” (một thứ Creole) kiểu như:

Cút-sê đồng mông se pơ-tí,
Mảnh-tơ-nằng phi-ní pa-pa

và những từ Pháp mà vào thời Pháp thuộc những “ông Tây An Nam” ưa nói chen vào tiếng Việt cho ra vẻ người “sành điệu” như toa, moa, a-lê hấp, mẹc, xà-lù, cu-soong, mo-phú mà không ai có thể coi là “từ Việt (gốc Pháp)” được; lại có những từ không hề có nguồn gốc Pháp như từ câu lạc bộ (club, một từ tiếng Anh được mượn qua tiếng Trung Quốc), cà rá (tiếng Chàm), ba láp(tiếng Môn), băng bó (tiếng Hán) và những thuật ngữ chuyên môn (nhất là tên hoá chất và dược phẩm) đã trở thành từ ngữ quốc tế từ lâu. Đó là chưa kể mấy trăm từ tiếng Pháp mà mỗi từ được hai tác giả nhân ra thành ba thành bốn bằng cách dùng ba bốn kiểu phiên âm khác nhau, xếp vào ba bốn chỗ khác nhau, tính thành ba bốn từ khác nhau. Chẳng hạn, một từ tiếng Pháp là un (“một” mà họ phiên thành bốn cách ăng(ăng đê), oong (oong đơ), a (a,đề, toa) ắc (ắc ê, ắc đê) – trong các “từ ghép” này chữ deux (“hai”) cũng được phiên âm thành bốn cách. Cũng để cho số trang nhiều thêm, cứ mỗi mục từ đều có chứa nghĩa đen, nghĩa bóng, từ nguyên, xuất xứ và cách sử dụng cái vật hữu quan, như trong một cuốn từ điển bách khoa vậy. Chẳng hạn, một từ như offset mà sau khi đã phiên thành hai từ ốp-sétốp-xét, họ còn viết ba dòng chú thích cho từ thứ nhất và mười một dòng cho từ thứ hai, nói rõ cách sử dụng máy, cơ chế hoạt động của máy và của những đồ phụ tùng kèm theo máy. Lại có những từ như sonnet được hai tác giả dành hẳn hai trang để minh hoạ bằng cả nguyên văn bài “Sonnet” nổi tiếng của Arvers lẫn bản dịch của Khái Hưng (“Tình tuyệt vọng”).

Dĩ nhiên, cái số từ và số trang khổng lồ ấy chỉ có thể làm cho “Thượng đế” vui mừng trong kinh ngạc. Đọc sách này, người Pháp sẽ gật gù tấm tắc: “Thật không ngờ tiếng mẹ đẻ của mình lại đi vào tiếng Việt nhiều đến thế!”. Xét cho cùng thì cơ sự này là lỗi của vị “Thượng đế” đã nhầm địa chỉ khi giao cho hai học giả kia làm một việc mà họ không biết cách làm, và như ta có thể thấy rõ qua những hiện tượng nói trên, có lẽ đã dùng lối tính nhuận bút theo số trang và số từ, tạo ra một sức cám dỗ quá lớn khiến họ chỉ ra sức tìm cách nhân số lượng từ ngữ và số trang lên hàng chục lần so với số lượng cần thiết, chứ không hề nghĩ đến việc soạn ra một quyển sách có giá trị khoa học và do đó mà có ích cho việc tra cứu từ nguyên. Cũng không thể trách hai vị này đã không hiểu cho đúng thế nào là từ Việt gốc Pháp, vì họ tỏ ra không được trang bị bao nhiêu về tri thức ngôn ngữ học, và từ điển học, và ngay như tiếng Pháp họ cũng quá yếu, đến nỗi trong cuốn từ điển có đến mấy chục trường hợp lầm lẫn kiểu chữ tác đánh chữ tộ, trong đó có những trường hợp khó tưởng tượng nổi, vì nó hoang đường và nhố nhăng như trong một chuyện tiếu lâm rẻ tiền.

Để hình dung một phần nhỏ, ta hãy đọc qua mấy dòng sau đây, trích từ tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống (số 4, năm 2000):

“…Trong bài bút ký Vĩnh Linh đất lửa, Nguyễn Tuân có thuật lại lời một ông già nói với ông như sau: “Nghe nói Hà Nội gạo trắng nước trong mà vui lắm. Ở đây thì còn cực. Vậy chớ eng vô đây để mần chi?”. Từ eng được hai tác giả giải thích là từ mượn của tiếng Pháp (elle, có nghĩa là “nàng” (…). Điều đáng ngạc nhiên là tại sao một ông già nông dân lại dùng tiếng Pháp với Nguyễn Tuân? Và lạ hơn nữa, làm sao ông ấy lại dùng một đại từ giống cái , ngôi thứ ba, nghĩa là “nàng” để gọi một đấng tu mi nam tử như nhà văn này, lại chính là ngôi thứ hai trong cuộc đối thoại? …”.

Những trường hợp như trên có lẽ không nhiều lắm, nhưng cũng đủ để cho ta thấy rằng “kinh tế thị trường” và những tâm lý do nó sinh ra có thể ảnh hưởng không hay đến văn hoá, khi người ta vì nó mà quên mất những nguyên lý cơ bản của lương tri nói chung, của sự lương thiện thông thường nhất của con người, dù làm việc gì, dù ở xứ nào. Mong sao trong khi tất bật làm ăn để kiếm tiền, cũng đừng có ai quên những nguyên lý đó.

Đăng lần đầu tiên trên
Tuần báo Văn Nghệ số 50 năm 2000
với bút danh Hoàng Trọng Ngôn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: