Chuyện về nhà Hà Nội học đầu tiên

08:40 SA @ Thứ Sáu - 03 Tháng Bảy, 2009

Doãn Kế Thiện (1891-1965) là một nhân sĩ trí thức giác ngộ đi theo cách mạng, là nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu... với trên 50 năm hoạt động liên tục, đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Cụ được tôn vinh là Danh nhân văn hóa của đất nước. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu về Hà Nội, cụ được vinh danh là nhà Hà Nội học đầu tiên.

Nhà hoạt động xã hội xuất sắc

Doãn Kế Thiện quê ở làng Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho cụ vừa học chữ Hán vừa học chữ Pháp rồi trở thành thầy giác dạy trường tổng ở tuổi 20.

Chịu ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội năm 1907 và phong trào thanh niên yêu nước, sau 5 năm, cụ nghỉ dạy học và ra Hà Nội viết báo, viết văn mang tư tưởng yêu nước. Cụ là bạn vong niên của Tản Đã Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), Trúc Khê Ngô Văn Triện (1901- 1948), Xuân Thủy (1912-1985)... cùng nhiều đảng viên chân chính của Việt Nam Quốc dân đảng. Năm 1938, cụ tham gia phong trào truyền bá Quốc ngữ theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Đông Dương. Những năm 40 của thế kỷ XX, cụ tham gia tổ chức ái hữu nghề nghiệp và tổ chức văn hóa cứu quốc. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ làm cố vấn cho chính quyền cách mạng tỉnh Sơn Tây. Tháng 7-1947, cụ tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên Việt khu XI (Chiến khu Hà Nội) rồi được bầu làm Hội trưởng đầu tiên. Năm 1948, thành lập Liên khu III, cụ được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Liên Việt Liên khu. Năm 1951, Mặt trận Việt Minh hợp nhất với Hội Liên Việt, thành lập Mặt trận Liên Việt (MTLV), cụ cùng đoàn Hà Nội tham dự Hội nghị thống nhất Mặt trận tại Việt Bắc, được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương MTLV. Năm 1955, MTLV đổi thành Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), cụ được bầu làm Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Cụ làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội 3 khóa liền. Cụ còn là Ủy viên BCH Hội Việt - Trung hữu nghị.

Cụ Thiện được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tín nhiệm giao cho nhiều trọng trách và cụ đã hoàn thành xuất sắc. Tháng 7 năm 1959, cụ được cử làm Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô đi thăm đồng bào miền Nam nhưng rất tiếc là đến phút cuối cùng chính quyền miền Nam đã không đáp ứng nguyện vọng của đồng bào hai miền Nam - Bắc và chuyến đi đã không thể diễn ra.

Ngày 3-3-1961, Bác Hồ gửi tới cụ Thiện bức ảnh chụp cùng nhau ở chiến khu Việt Bắc với bút tích và chữ kí của Người. Người đóng dấu cá nhân thể cách của các nhà Nho học, chứng tỏ tình cảm đặc biệt với cụ.

Cụ sống rất liêm khiết, có nguyên tắc và ngay thẳng. Khi tham gia MTTQ Việt Nam, có lần cụ được Bác Hồ gợi ý rằng Chính phủ sẽ cấp cho một ngôi nhà bên Hồ Tây nhưng cụ xin không nhận mà vẫn ở nhà tập thể. Cụ ở 1 tầng 2, công trình khép kín, nơi làm việc ngăn cách với chỗ ở. Khi cụ đang làm việc thì kể cả con cháu cũng phải gõ cửa xin phép cụ rồi mới được vào gặp. Nhưng khi rảnh rỗi thì cụ lại rất thoải mái với con cháu; cũng là một cách để thư giãn. Năm 1964, cụ nghỉ hưu, về Sơn Tây sống ở nơi con trai làm việc. Chính phủ cử người về Phú Mỹ (quê cụ) làm cho gia đình cụ một ngôi nhà cấp 4, diện tích chỉ hơn 20m2, cụ và con cháu trừ dần vào tiền lương (mãi đến năm 1966, tức là 1 năm sau khi cụ mất, mới trả hết số tiền được ứng để làm nhà). Ngày 04-12-1965, cụ mất. Tang lễ cấp Nhà nước được tổ chức tại quê cụ (nguyện vọng của cụ là được chôn cất tại quê nhà). Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Kế Toại là Trưởng ban lễ tang. Điếu văn của ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội ngày 5-12-1965 có đoạn: “Cụ Doãn Kế Thiện đã ra sức khắc phục khó khăn, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tinh thần bền bỉ trong công tác, đem hết nhiệt tình đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách đoàn kết của Đảng Chính phủ, Mặt trận và các công tác cách mạng”. Tháng 7-2001, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội ra Nghị quyết đổi và đặt tên mới cho 17 đường phố Thủ đô. Phố Béc la (quận Cầu Giấy) đổi thành phố Doãn Kế Thiện.

Nhà nghiên cứu, sáng tác đa tài

Ngày 27-12-1991, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày sinh của cụ. Đại biểu có: Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo; Giáo sư, bác sĩ Phạm Khắc Quảng, Chủ tịch MTTQ TP HN; các nhà văn, nhà thơ và nghiên cứu văn hóa, văn học: Tô Hoài, Vũ Quần Phương, Nguyễn Vinh Phúc, Vũ Tuấn Sán, Phạm Phấn, Giang Quân...

Nhà văn Tô Hoài khẳng định: “Ngòi bút Doãn Kế Thiện đã suốt đời chuyên cần, miệt mài tập trung vào các vấn đề, các thể loại văn hóa, văn học, sưu tầm và phát hiện và giới thiệu về Hà Nội. Doãn Kế Thiện là người đầu tiên viết về Hà Nội với một ý thức chủ động và hệ thống về đề tài. Danh nhân văn hóa Doãn Kế Thiện chính là người đã đặt nền móng cho các công việc nghiên cứu về Hà Nội, hình thành bộ môn Hà Nội học cực kì phong phú mà bây giờ thế hệ con cháu cụ đang cố gắng phát huy”.

Với các bút danh Sở Bảo, Sơn Vân, Long Thành, Tú Sơn, Bất Ác ngay từ những năm 20 của thế kỉ XX, văn thơ của Doãn Kế Thiện đã thể hiện rõ tấm lòng yêu nước, thương dân. Thơ dịch của cụ rất hay nhưng vì chưa được in nên chưa được độc giả biết đến. Cụ viết cho các báo: Nam Phong tạp chí, Thực Nghiệp dân báo, Khai Hóa, Mới, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Tri Tân tạp chí... hầu như kì nào cũng có bài viết về Hà Nội. Cụ viết nhiều nhất về Hà Nội, liên tục từ năm 1941 đến năm 1945 trên tờ Trung Bắc chủ nhật. Cụ còn viết cho cả báo chí Sài Gòn như các tờ Công Luận, Trung Lập...

Các tác phẩm chính của cụ Thiện là: Hà Nội cũ (1943); Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội (1959); Danh nhân Việt Nam... và nhiều bản dịch thơ Đường, Tống...

Nhà nghiên cứu Giang Quân đánh giá: Từ những năm đầu thế kỉ, cụ đã biên soạn cuốn “Thăng Long lược sử” mà Hà Nội cũ chỉ là một phần... Cụ là một trong số ít người viết sớm nhất về Hà Nội trước cuộc gặp gỡ Đông - Tây (thực dân Pháp chiếm nước ta). Cụ viết về các tập tục tốt đẹp, những giai thoại tố cáo vua quan đàn áp dân, chuyện thi cử, bình văn, những số phận hẩm hiu của người phụ nữ, sự tha hóa...

Năm 1943, cụ in cuốn “Hà Nội cũ” tại NXB Đời Mới, có 20 mục, kể về 20 địa điểm và nhân vật của HN thế kỉ XIX; lí giải những địa danh Ngõ Trạm, trai Ngõ Trạm ngỗ ngược; gái ngõ Tạm Thương dữ dằn do đâu, tại sao Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ở phía Bắc Hồ Gươm, xưa lại là bãi pháp trường...

Từ năm 1955, cụ viết đều đặn cho chuyên mục “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” (CT&TCHN) trên báo Thủ đô Hà Nội, với bút danh Sơn Vân.

Năm 1959, cụ tập hợp các bài báo, bổ sung thêm, in thành cuốn “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội", NXB Văn hóa. Các nhà nghiên cứu coi là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành Hà Nội học hiện đại, là công cụ nghiên cứu về Hà Nội với những kiến giải dựa trên cơ sở khoa học. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vũ Tuấn Sán khẳng định: “Trong kho tàng Hà Nội học hiện nay, CT&TCHN chiếm một vị trí đáng tự hào. Nó có những đóng góp to lớn cho việc tìm hiểu cuộc sống phong phú và anh dũng của đất Thăng Long ngàn xưa và mỗi lần đọc tới, không thể nào quên công lao sưu tầm nghiêm túc, tinh thần làm việc hăng say bền bỉ, sức học uyên thâm, phục vụ lòng yêu dân tộc, yêu Thủ đô Hà Nội của nhà báo, nhà văn lão thành, nhà Hà Nội học tiêu biểu Sở Bảo Doãn Kế Thiện”. (26-12- 1991).

Một người toàn tài, đức độ như cụ Doãn Kế Thiện, thật xứng đáng được tôn vinh là Danh nhân văn hóa của đất nước.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhớ lại ngày giải phóng Thủ đô 50 năm trước

    10/10/2017Cố GS Trần Quốc VượngMê mải và say sưa là chính khí Hà Nội ngày Giải phóng Thủ đô. 50 năm nhìn lại, nửa vui nửa. buồn. Mà tôi thường tự nhận là người "lạc quan - buồn"...
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Văn hóa Tràng An trong chuyện đặt tên đường phố

    10/02/2009Đoan Trang2008 là một năm chính quyền thủ đô nhiều lần được báo chí nhắc tới để phê phán: Từ việc mở rộng gây tranh cãi, sự lúng túng trong đối phó với trận lụt lịch sử, dự định xây TTTM ở chợ 19/12, tới vụ để sứt mẻ thương hiệu "Tràng An" khi người dân vặt hoa ở lễ hội v.v. Dù vậy, trong chuyện đặt tên đường phố, thì Hà thành có một nét văn hóa đáng ca ngợi, ít nhất cũng đáng để các nơi khác tham khảo.
  • Những di sản sống của đất Thăng Long

    20/01/2009Lê Thị TrangQuả thực, có nhiều lúc người ta như không còn tìm thấy những vẻ đẹp của cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nữa. Đô thị hóa và đời sống hiện đại hầu như đã xóa đi tất cả.
  • Mở rộng Hà Nội: Nỗi lo giữ gìn văn hóa thủ đô

    13/05/2008Đan TâmViệc mở rộng Hà Nội cần được tính toán rất kỹ về nhiều mặt và có bước đi thích hợp nhằm thể hiện được thủ đô là tiêu biểu nhất cho chính trị và văn hóa của đất nước
  • Hà Nội nơi mở cửa những đổi mới văn hoá

    08/02/2006Nguyễn Vinh PhúcKhông kể chuyện xa xưa, khi ở đây từng diễn ra sự tiếp xúc và cải biến văn hoá Ấn Độ - Trung Hoa, mà chỉ kể chuyện 100 năm trở lại đây, việc hội nhập rồi phát triển cùng văn hoá thế giới cũng đủ nói lên Hà Nội là nơi mở đầu những đổi mới trong đời sống văn hoá...
  • Xây dựng văn hóa người Hà Nội

    20/12/2005… Sẽ có nhiều việc phải làm. Bởi rất nhiều nét đẹp, văn hóa Hà Nội còn… lạo xạo những hạt sạn...
  • xem toàn bộ