Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Ai bỏ tiền ra mua, mua cái gì? là cả một vấn đề khổng lồ

03:50 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Ba, 2014

Vào thời điểm này, khi chỉ còn 2 năm cuối của nhiệm kỳ Chính phủ, thông điệp mạnh mẽ được đưa ra về tái cấu trúc nền kinh tế mà cụ thể là cổ phần hoá 432 doanh nghiệp nhà nước trong 2 năm 2014-2015, liệu có phải là một cuộc chạy đua có tính lịch sử bù lại cho sự chậm trễ trước đó (từ năm 2007 đến nay chỉ có trên 300 doanh nghiệp được cổ phần hoá)?

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt trong cuộc trò chuyện tuần này với báo Đại Đoàn Kết đã phân tích thấu đáo và đưa ra những kiến giải rất riêng xung quanh việc tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của một tinh thần khác, một phương thức khác để cổ phần hoá DNNN.


Cổ phần hoá 432 doanh nghiệp nhà nước là một thách thức

Ông Nguyễn Trần BạtPV: Thông điệp đưa ra của Chính phủ là rất mạnh mẽ, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ rất cao khi đặt ra áp lực: Ai chậm trễ cổ phần hoá thì đi làm việc khác. Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, nhìn ở góc độ một nhà nghiên cứu, ông thấy việc trong vòng 2 năm tới cổ phần hóa 432 DNNN liệu có khả thi?

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Trước hết phải nói Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đang đưa ra một kế hoạch rất thách thức. Chắc chắn với kế hoạch như vậy sẽ buộc xã hội phải thảo luận, hay nói đúng hơn là đang lôi kéo xã hội vào các cuộc thảo luận về chương trình tái cấu trúc khu vực kinh tế Nhà nước, trong đó lấy chính sách trung tâm là cổ phần hóa. Tôi nghĩ rằng đây là một bài toán thách thức, một bài toán khó đối với tất cả những cơ cấu triển khai, thực thi. Cũng có bộ trưởng nói đến chuyện cần phải ép tất cả các cơ cấu bên dưới, các giám đốc, các thứ trưởng phụ trách trực tiếp phải thế nọ, thế kia. Tôi nghĩ rằng, bản thân sự "hơi dọa một tí” như vậy đã là một bước cổ phần hóa, tức là cổ phần hóa nỗi sợ sự không cổ phần hóa được.

Làm thế nào để phân loại được sản phẩm bán ra của khu vực kinh tế nhà nước trong quá trình cổ phần hoá? Tức là thưa ông, đó là một quá trình không thể đơn giản bằng cách "hơi dọa một tí”, bởi vì mục tiêu tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước không thể đạt được nếu vẫn trở lại tình trạng cổ phần hoá những năm qua?

- Cổ phần hóa trước đây đã tạo ra một sản phẩm kinh tế xã hội rất đau đầu, đó là sở hữu chéo, tức là các DNNN này bán cổ phần của mình cho các DNNN khác, và nó tạo ra một tình trạng sở hữu rất "nhức đầu” xét về mặt quản lý. Vậy thì phải đặt ra câu hỏi: Lần này chúng ta cổ phần hóa có theo tinh thần như cũ không?

Tôi nghĩ rằng, lần này Chính phủ đang đưa ra mục tiêu đạt tới gần với bản chất của quá trình cổ phần hóa hơn 400 DNNN của nền kinh tế Việt Nam. Như vậy khách hàng của quá trình cổ phần hóa lần này có khác với khách hàng của quá trình cổ phần hóa trước đây không? Tôi chưa nhìn thấy sự phân biệt này ở những bộ trưởng đang hăng hái thúc đẩy quá trình cổ phần hoá.

Phải nhận thức được rằng đây là một vấn đề khổng lồ, bởi nếu các nhà đầu tư, những người bỏ tiền để thực thi quá trình cổ phần hóa này là tư nhân thì làm thế nào để bán được cho họ và công cụ gì để giúp các nhà đầu tư phân loại các xí nghiệp được bán ra. Đó là những xí nghiệp làm ăn yếu cần phải huy động vốn thông qua thị trường để tái cấu trúc lại sức sống của nó, hay là các thực thể kinh tế đã chết rồi? Làm thế nào để xã hội phân loại được các sản phẩm được bán ra của khu vực kinh tế Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa này là bài toán khó nhất hiện nay. Bởi tiền tuân theo định luật bảo toàn vật chất, nó không đi đâu cả, nó quanh quẩn trong xã hội. Những ai bỏ tiền ra, bỏ tiền ra lúc nào, mua cái gì để thực thi quá trình cổ phần hóa này của Chính phủ là một vấn đề khổng lồ.


Cổ phần hóa là tất yếu, nhưng quan trọng là ai sẽ nắm quyền sau đó

Chuyên gia NGYỄN TRẦN BẠT:
Trước hết phải nói Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đang đưa ra một kế hoạch rất thách thức buộc xã hội phải thảo luận, đó là chương trình tái cấu trúc khu vực kinh tế Nhà nước.


Không giải quyết được bài toán nợ chéo là không giải phóng được tiền

Thưa ông, nếu tiến trình cổ phần hoá suôn sẻ, thì thị trường đầu tư ở Việt Nam có ảnh hưởng gì, tác động gì từ cổ phần được bán ra từ hơn 400 DN, và khả năng thu hồi nguồn lực của Nhà nước như thế nào?

- Bản chất giai đoạn hiện nay của cổ phần hóa là phải thay đổi chủ sở hữu. Nếu chúng ta vẫn thực thi các quá trình cổ phần hóa giống như trước đây chúng ta làm, với kinh nghiệm mà những người trước đây làm thì thực chất là tạo ra nợ chéo, tạo ra sở hữu chéo. Xí nghiệp nhà nước A mua cổ phần của xí nghiệp nhà nước B, tức là Nhà nước là chủ sở hữu chéo, hay nói cách khác, Nhà nước hiện nay là chủ của toàn bộ cơ cấu nợ chéo. Như vậy thì không giải quyết được bài toán nợ chéo. Không giải quyết được bài toán nợ chéo có nghĩa là không giải quyết được bài toán tiền, không giải phóng được tiền. Mà muốn cổ phần hóa thì phải có tiền. Bán cho ai để lấy tiền, và cái gì trong số những cái cần phải bán ấy có thể bán được, tôi không thấy sự phân tích kinh tế học nào cho các đối tượng bán được, và cũng không có phân tích kinh tế học nào cho đối tượng có tiền để mua được.

Giai đoạn tới cổ phần hóa chắc chắn là không thể làm giống như giai đoạn trước, mà về bản chất nó phải khác. Nó khác ngay từ tuyên bố của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với các DN của Bộ Giao thông Vận tải là cổ phần hoá để thu tiền về làm cảng hàng không quốc tế Long Thành, tức phải bán lấy tiền. Chính vì thế nên chỉ cần sắp xếp xong cổ đông chiến lược là thành công. Tôi rất ngạc nhiên là làm thế nào có thể sắp xếp được cổ đông chiến lược trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước?

Chúng ta buộc phải làm cẩn thận, không phải chúng ta không làm được, nhưng phải rất công phu, không nói dễ được. Bây giờ ai nói quá dễ về quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đều phạm khuyết điểm là làm PR một cách ngược cho toàn bộ khuynh hướng tích cực. Đây là bài toán khó thật sự đối với tất cả những người làm nghề chuyên nghiệp. Chúng tôi thấy ngay cái khó và cũng rất dị ứng với sự nói dễ. Việc nói dễ ấy không còn nữa trong giai đoạn sắp tới, giai đoạn mà Thủ tướng nhận thấy sự cấp bách của nó.


Doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá phải là một thực thể kinh tế lành mạnh

Ngoài cách hiểu thông thường cổ phần hoá là giảm tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước, ông cho rằng mục tiêu lớn hơn, lớn nhất của tái cấu trúc kinh tế hiện nay cần đạt được là gì?

- Chúng ta phải lưu ý, mục tiêu của cổ phần hoá không phải chỉ là quá trình bán cổ phần của các DNNN mà Nhà nước không cần phải giữ. Bởi làm giảm nhẹ vai trò tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân chỉ là một mục tiêu. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là tái cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam, có nghĩa là khi chúng ta cổ phần hóa các DN quốc doanh rồi thì bản thân các DN ấy sau khi được cổ phần hoá vẫn phải là một thực thể kinh tế lành mạnh. Còn nếu không thì cổ phần hoá tức là "rũ bỏ” vai trò nhà nước đối với các DN tức là chúng ta lành mạnh hóa được khu vực kinh tế Nhà nước thì lại làm hỏng các khu vực kinh tế khác. Chúng ta đã hút vốn xã hội để "bành trướng” khu vực kinh tế Nhà nước trong giai đoạn trước đây, bây giờ chúng ta lại hút vốn một lần nữa, và chúng ta thải các thực thể kinh tế yếu kém sang các khu vực kinh tế khác. Ai phải gánh gánh nặng ấy nếu không phải là Chính phủ? Cuối cùng Chính phủ vẫn phải gánh gánh nặng ấy sau khi đã cổ phần hóa.

Đa phần các ý kiến thể hiện ra hiện nay, chỉ mới nói đến câu chuyện giảm nhẹ cơ cấu quốc doanh để làm cho nền kinh tế của chúng ta cân bằng. Nhưng nó có cân bằng thật không nếu các xí nghiệp được thải ra ấy không phải là những thực thể kinh tế lành mạnh. Nó có thể tạm thời lành mạnh trong một giai đoạn nào đó, nhưng nó có lành mạnh thật bằng nguồn vốn mới hay không, bằng những lực lượng quản trị mới hay không, và cơ cấu nào, luật nào điều chỉnh? Hiện nay chúng ta sửa Luật Doanh nghiệp, nhưng mới chỉ thêm một Chương về DNNN, chưa có chương nào điều chỉnh các doanh nghiệp nửa nhà nước, nửa tư nhân sau khi đã cổ phần hóa. Cái đấy là một khối lượng khổng lồ trong tỷ trọng cấu trúc của nền kinh tế quốc dân. Đấy là việc thứ hai cần phải làm rõ.

Thứ ba là chúng ta đang giải quyết nợ xấu. Nợ xấu là một đặc trưng môi trường hết sức có vấn đề của toàn bộ cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Nợ xấu chắc chắn nằm trong những khu vực mà Chính phủ định cổ phần hóa. Thoái vốn cũng bắt đầu từ các xí nghiệp này. Cổ phần hóa cũng là một cách để thoái vốn. Vậy trong quá trình cổ phần hoá, Chính phủ giải quyết vấn đề nợ xấu như thế nào? hay là bán những thực thể kinh tế mang nợ ấy ra ngoài xã hội. Vậy ai sẽ gánh cái này, và liệu nó có ảnh hưởng đến toàn bộ môi trường kinh tế mà Chính phủ có trách nhiệm điều hành một cách vĩ mô hay không. Tôi không thấy nhà lý luận nào giải quyết vấn đề này. Cho nên đây là một bài toán rất khó về phương diện vĩ mô và phải đề phòng cả những thất bại. Tiền nào mà mua, đấy là cả một vấn đề.

Khu vực kinh tế nhà nước không làm hỏng chất lượng của một nền kinh tế thị trường, nhưng điều hành sai khu vực kinh tế nhà nước thì làm hỏng chất lượng của nền kinh tế thị trường. Cho nên sự điều hành sai, sự hiểu sai, sự nhận thức sai về vai trò của kinh tế nhà nước, tạo ra sự hỏng của chất lượng thị trường chứ không phải bản thân nó tạo ra.
Nỗi lo lớn là không tái cấu trúc lại các khu vực khác nhau của nền kinh tế

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng cũng rất lưu ý sự minh bạch trong quá trình cổ phần hoá. Thưa ông, tôi vẫn muốn trở lại câu chuyện, nguồn lực nhà nước thu được từ việc cổ phần hóa thế nào?

- Trước đây, trong khi cổ phần hóa chúng ta rất chú ý đến câu chuyện phải làm thế nào tránh thất thoát tài sản quốc gia, tôi nghĩ giai đoạn hiện nay cái đấy vẫn còn nhưng nó không phải là nỗi lo chính. Nỗi lo chính là chúng ta không giải quyết triệt để vấn đề tái cấu trúc, tức là chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một trạng thái sở hữu chéo giữa các công ty Nhà nước với nhau và nấp dưới tình trạng mù mờ của thị trường chứng khoán. Bởi các công ty cũng bỏ tiền ra để mua cổ phần, nhưng đấy là các công ty Nhà nước mua cổ phần thì tình trạng sở hữu chéo chỉ được gián tiếp hóa thông qua các thị trường chứng khoán chứ nó chưa giải phóng thực sự tài sản quốc gia ra khỏi khu vực Nhà nước. Tức chúng ta không tái cấu trúc lại được các khu vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân.

Giả sử có nguồn tiền tư nhân họ cũng không yên tâm đầu tư vào khi lãnh đạo DN vẫn thế, ngay cả sau khi cổ phần hoá vì tỷ lệ sở hữu nhà nước do các DN bỏ tiền nhà nước sở hữu lẫn nhau?

- Điều đó là đương nhiên, nếu không có thị trường đầu tư thật, chỉ có thị trường liên xí nghiệp nhà nước hoặc thị trường liên ngân hàng như chúng ta vẫn nói. Đấy là những biểu hiện khác nhau của cái gọi là thị trường bán nội bộ, cho nên nó rất có thể tạo ra nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa một cách tiêu cực. Coi chừng nếu chúng ta không làm cẩn thận thì định hướng xã hội chủ nghĩa từ ý nghĩa tích cực trở thành ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta không giải quyết được vấn đề rất căn bản của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam là đi tìm kiếm động lực của các khu vực kinh tế.


Cái tôi lo ngại là chủ quyền kinh tế có thể mất, nếu chúng ta bán một cách không có kiểm soát cho các nhà đầu tư nước ngoài, sau quá trình cổ phần hóa một cách không cẩn thận. Đó là điều phải cảnh báo.


Phải xây dựng được thị trường mua bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước

Thưa ông, để cho bài báo có sức thuyết phục hơn, ông có thể đưa ra quan điểm của cá nhân về giải pháp hiệu quả cho quá trình cổ phần hoá hiện nay? Bởi vì "tiền đâu để mua” là câu hỏi lớn nhất ông đặt ra từ đầu câu chuyện đến giờ.

- Tôi là người chủ trương luôn có thái độ thân thiện đối với các chương trình hành động của Chính phủ. Bởi vì chỉ có sự phân tích khoa học hơn, sự cảnh báo xác đáng và không chỉ trích, thì Chính phủ mới có thể tiếp thu được. Còn cứ chỉ trích, rồi chê bai thì người ta không tiếp thu được, mà không tiếp thu được thì chúng ta thiệt, chắc chắn xã hội Việt Nam thiệt.

Tôi nghĩ rằng, phải làm thế nào để có thị trường mua bán cổ phần của các DNNN. Phải làm rõ chuyện này, phải xây dựng thị trường này, không phải bắt đầu từ việc sắp xếp các cổ đông chiến lược. Cổ đông chiến lược là giải quyết nhiệm vụ của phía người bán. Hiện nay tất cả các yếu tố tham gia để cấu trúc ra chiến lược cổ phần hóa đều có vấn đề của nó, những vấn đề về môi trường vĩ mô như sở hữu chéo, nợ xấu và các vướng mắc của khu vực ngân hàng và tài chính. Thế thì bây giờ phải tìm yếu tố mới. Có nhiều người nói đến các nhà đầu tư ngoại. "Ngoại” thì bao giờ cũng mới nhưng tất cả các căn bệnh của thời kỳ hiện đại này đều đến từ yếu tố "ngoại”, từ H5N1 đến dịch SARS. Tôi nghĩ là cái đó phải rất cẩn thận. Suy cho cùng để có một thị trường tử tế thì người ta phải phân tích các yếu tố cấu trúc ra thị trường ấy một cách thường xuyên. Phải làm lành mạnh hóa từng lực lượng một, trên cơ sở đó các lực lượng đã được lành mạnh hóa tham gia vào quá trình cổ phần hóa, mới làm cho nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế lành mạnh.

Chúng ta buộc phải làm cẩn thận, không phải chúng ta không làm được, nhưng phải rất công phu, không nói dễ được. Bây giờ ai nói quá dễ về quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hoá DNNN đều phạm khuyết điểm là làm PR một cách ngược cho toàn bộ khuynh hướng tích cực. Đây là bài toán khó thật sự, đối với tất cả những người làm nghề chuyên nghiệp. Chúng tôi thấy ngay cái khó và rất dị ứng với sự nói dễ. Việc nói dễ ấy không còn nữa trong giai đoạn sắp tới, giai đoạn mà Thủ tướng nhận thấy sự cấp bách của nó.

Tôi muốn nhấn mạnh là phải xây dựng thị trường, cái đó vô cùng quan trọng, không vội và cũng không nói dễ được. Đây là một bài toán rất khó. Tôi đồng ý với Thủ tướng là quá trình này rất khó.

Chủ quyền kinh tế có thể mất, nếu chúng ta bán cổ phần một cách không có kiểm soát cho các nhà đầu tư nước ngoài

Ông có thể phân tích kỹ hơn về sự lo ngại của ông với yếu tố "các nhà đầu tư ngoại”, có phải như có chuyên gia cho rằng, nếu để các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, chúng ta sẽ mất thương hiệu Việt?

- Không. Thứ nhất là thương hiệu Việt Nam không là cái gì, người ta mua thương hiệu là để người ta make up lên để bán. Bản thân thương hiệu là phải có giá sẵn, có thị trường của nó, chúng ta chưa có gì để có thị trường thì người ta mua không phải vì thương hiệu. Cái tôi lo ngại là chủ quyền kinh tế có thể mất, nếu chúng ta bán một cách không có kiểm soát cho các nhà đầu tư nước ngoài, sau một quá trình cổ phần hóa một cách không cẩn thận. Đó là điều phải cảnh báo.

Động lực cổ phần hoá lần này đã khác

Theo ông, lý do bản chất nhất khiến cổ phần hoá chậm chạp và trì trệ tới mức Thủ tướng phải đưa ra áp lực với lãnh đạo các doanh nghiệp như vừa rồi?

- Cổ phần hoá chậm không phải là do sự không tích cực của các hệ thống quản lý. Sắp tới khi cắt vòi bao cấp, cắt vòi tín dụng của nhà nước, cắt các hợp đồng, cắt đầu tư công, thì tất cả hệ thống quản lý doanh nghiệp không tích cực sẽ hăng hái cổ phần hóa. Sở dĩ họ nấn ná không cổ phần hóa là họ bú dòng sữa dễ dãi kia. Bây giờ cắt cái đó là hết, họ sẽ tích cực, họ tích cực để giải thoát mình ra khỏi trách nhiệm mà chắc chắn 100% là không "hạ cánh” được.

Tôi nói lại cổ phần hoá lần này là một quá trình có bản chất không giống quá trình cổ phần hóa trước đây, bởi vì trước đây chúng ta cổ phần hóa là để gọi vốn. Bây giờ chúng ta cổ phần hóa để rũ bớt gánh nặng tài chính mà Đảng và Nhà nước, và đặc biệt là Chính phủ trực tiếp phải lo để điều hành, để hà hơi thổi ngạt cho cả một khu vực kinh tế rộng lớn này. Động lực cơ bản của hai quá trình này là khác nhau, phương thức chắc chắn là khác nhau, đối tượng tham gia vào quá trình là khác nhau. Cho nên công nghệ điều hành là khác nhau.

Càng nhộn nhịp cổ phần hoá, tính phức tạp về đạo đức càng tăng lên

Ở trên ông có nói quá trình cổ phần hóa thành công là phải làm trong sạch các khu vực kinh tế, vậy thì cổ phần hoá có tác dụng gì trong việc chống tham nhũng?

- Tất cả các chiến dịch kinh tế nếu chỉ để làm sạch sẽ về mặt đạo đức các khu vực khác nhau của nền kinh tế, thì về mặt bản chất động cơ của nó sai. Càng nhộn nhịp bao nhiêu về cổ phần hóa, càng thị trường hóa bao nhiêu thì tính phức tạp về đạo đức càng tăng lên. Và đòi hỏi năng lực quản lý của nhà nước về mặt đạo đức kinh doanh còn phải tăng lên nữa.

Càng thị trường hóa thì tất cả các trạng thái đạo đức càng phức tạp, và nhiệm vụ quản lý đạo đức kinh doanh càng rắc rối hơn. Đấy chính là đòi hỏi tự nhiên của thị trường đối với năng lực quản lý nhà nước. Bởi vì, quản lý về đạo đức kinh doanh cũng là một đòi hỏi quản lý, xưa nay chúng ta chỉ nói đến hiệu quả mà chúng ta không nói đến đạo đức. Vì chúng ta quên mất rằng chất lượng đạo đức của một khu vực kinh tế quy định triển vọng của nền kinh tế ấy. Chúng ta xem đạo đức là một yếu tố chính trị, chúng ta quên mất rằng đạo đức là một yếu tố thị trường, bởi nếu không có đạo đức thị trường ấy không có tín nhiệm. Thị trường không có tín nhiệm thì mọi thứ ở trong đó đều không bán được một cách thỏa đáng. Đây là một vấn đề chúng ta không chỉ có thể thảo luận như là vấn đề quản lý kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể tạo lập như một vấn đề bản chất đường lối kinh tế của Đảng.

Bán cho ai để lấy tiền, và cái gì trong số những cái cần phải bán ấy có thể bán được, tôi không thấy sự phân tích kinh tế học nào cho các đối tượng bán được, và cũng không có phân tích kinh tế học nào cho đối tượng có tiền để mua được.

Kinh tế nhà nước không sai, chỉ có điều hành sai ở khu vực kinh tế nhà nước thì làm hỏng nền kinh tế thị trường

Thưa ông, có gì mâu thuẫn không giữa khu vực kinh tế nhà nước nắm giữ và nền kinh tế thị trường khi vừa qua rất nhiều chuyên gia luôn cho rằng, nhà nước không nên cạnh tranh với nhân dân về mặt kinh doanh? Và coi việc càng cổ phần hoá triệt để, giảm hoàn toàn tỷ trọng kinh tế nhà nước trong nền kinh tế càng tốt?

- Quan điểm của tôi là hai điều này không mâu thuẫn với nhau. Rất nhiều quan điểm cứ xem hễ có khu vực kinh tế nhà nước là nó mâu thuẫn với bản chất của thị trường, không phải như thế. Điều hành không tốt khu vực kinh tế nhà nước làm hỏng các yếu tố thị trường, chứ không phải bản thân khu vực kinh tế nhà nước làm hỏng nền kinh tế thị trường.

Nhiều chuyên gia nhầm lẫn giữa hoạt động sai của quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế quốc doanh, với chức năng tự nhiên của quản lý nhà nước. Bởi vì nếu chúng ta nói rằng các khu vực kinh tế khác nhau được đối xử bình đẳng về mặt pháp luật trong quan hệ đối với nhà nước thì tự nhiên không còn nội dung tiêu cực nữa.

Tôi xin nhắc lại là khu vực kinh tế nhà nước không làm hỏng chất lượng của một nền kinh tế thị trường, nhưng điều hành sai khu vực kinh tế nhà nước (mà rất dễ điều hành sai khu vực kinh tế nhà nước) thì làm hỏng chất lượng của nền kinh tế thị trường. Cho nên sự điều hành sai, sự hiểu sai, sự nhận thức sai về vai trò của kinh tế nhà nước, tạo ra sự hỏng của chất lượng thị trường chứ không phải bản thân nó tạo ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực đóng vai trò chủ đạo

    03/03/2014Vũ Thành Tự AnhDự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TƯ Đảng khẳng định mọi thành phần kinh tế đều được coi trọng, đồng thời thừa nhận rằng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước thấp hơn so với khu vực tư nhân, nhưng vẫn tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế nhà nước có đủ năng lực để đóng vài trò chủ đạo này hay không?
  • Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyết làm, đừng nghĩ như… xưa

    03/03/2014Thế PhanSắp xếp, chuyển đổi sở hữu (DNNN) mà trọng tâm là cổ phần hóa DNNN được coi là xương sống của công cuộc đổi mới về kinh tế. Theo đó là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao tính tự chủ. tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động đồng thời dần tiến tới hoạt động trên cùng một mặt bằng pháp lý với các doanh nghiệp thuộc thành phần kình tế khác trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, xung quanh vấn để này còn không ít lúng túng...
  • Cần một cuộc 'ân xá' để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

    19/02/2014Chí HiếuChia sẻ với VnExpress, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước khó tiến nhanh hơn khi chưa thể xử lý vấn đề sở hữu chéo, thâu tóm cổ phần...
  • Doanh nghiệp nhà nước tăng, doanh nghiệp dân doanh giảm

    19/02/2014Nguyễn Tất ThịnhĐây không phải là hiện tượng mới lạ, lần đầu mọi người tiêu dùng mới nhận thấy…mà đã là thứ hiện tượng quen thuộc nhiều năm nay …. Thay vì mừng với sự giảm giá SP / DV của nhiều DN Dân doanh, thì đại bộ phân dân chúng lại cảm thấy ức chế mà buộc phải đi đến chấp nhận không sớm thì chiều sự tăng giá của một số Doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu nhưng hoạt động độc quyền trong lĩnh vực đặc biệt thiết yếu của đời sống và của nền Kinh tế Quốc dân như (Điện Nước, Xăng Dầu, Vận tải hàng không, đường biển )…
  • Luận bàn về quản lý: Nhà nước, mô hình tập đoàn và cổ phần hóa

    27/04/2008Sau một năm gia nhập WTO, bên cạnh những thành tựu thu được, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn có xuất phát điểm từ điều hành quản lý kinh tế. Giới doanh nghiệp, người dân tiếp tục trông đợi sự chèo lái của Nhà nước nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn ở phía trước. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế khẳng định, để đáp ứng sự trông đợi đó, đã đến lúc cần một sự đổi mới về quản lý Nhà nước...
  • Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước

    15/08/2006Anh ThưTham nhũng thường bắt đầu từ cái gốc là quyền lực. Một người tham nhũng được vì anh ta có quyền. Những người có sức, có quyền trong bộ máy Nhà nước nói chung và bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp nói riềng là địa chỉ dễ xảy ra tham nhũng nhất. Vì vậy, muốn phòng ngừa và chống được tham nhũng thì trước hết những người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền về mặt chủ quan phải gương mẫu và về mặt khách quan những người này phải được giám sát chặt chẽ trong thực thi công vụ...
  • Không thể tiếp tục xóa nợ cho doanh nghiệp Nhà nước

    09/12/2005Luật gia Vũ Xuân Tiến (Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam)Đã từ lâu, khi nền kinh tế nước ta chỉ có các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tình trạng thua lỗ trong các DNNN đã xẩy ra nghiêm trọng. Vì thua lỗ trong kinh doanh nên rất nhiều DNNN không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Trong trường hợp ấy, lẽ ra phải tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì người ta lại nghĩ ra và áp dụng một biện pháp thật hy hữu trong quản lý kinh tế, đó là: khoanh nợ, giãn nợ và xóa nợ cho những doanh nghiệp này.
  • xem toàn bộ