Cơ chế đang tạo kẽ hở tham nhũng

01:49 CH @ Thứ Tư - 08 Tháng Hai, 2012

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng, pháp luật và thực thi pháp luật về đất đai đang có những bất cập, kẽ hở cho tham nhũng từ đất đai ngày càng lớn hơn...

Những năm qua khiếu kiện đất đai gia tăng và gây bức xúc cho người dân, vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng - Hải Phòng) vốn cũng xuất phát từ khiếu kiện và chưa được giải quyết thỏa đáng. Vậy những bất cập về luật, thực thi pháp luật trong lĩnh vực đất đai hiện nay là gì, thưa ông?

Bức xúc đầu tiên về mặt pháp luật, nhưng thực ra có 2 bức xúc song song tồn tại: Bức xúc/bất cập về pháp luật và trong thực thi. Bức xúc về luật pháp là câu chuyện dài, chúng ta đã nói rất nhiều, khiến khiếu kiện của dân gắn với cơ chế thu hồi đất ngày càng tăng.

Năm 2005 khi kiểm tra đất đai cả nước, 70% khiếu kiện là về đất đai (và tới 70% số vụ trong đó liên quan tới giá đất đền bù). Nhưng tổng kết gần đây, có những địa phương khiếu kiện đất đai chiếm tới 80-90% tổng số vụ khiếu kiện.

Thế nhưng, khiếu kiện hành chính về đất đai lại đang được giải quyết khác với khiếu kiện hành chính nói chung, đó là không cho khiếu nại lên cấp T.Ư, chỉ đến cấp tỉnh là hết, sau đó phải chuyển sang tòa án. Đây là ý tưởng khi xây dựng Luật Đất đai năm 2003.

Về lâu dài, nên theo hướng này, nhưng hiện quy định này gây khó khăn cho người dân do nhiều vụ việc phức tạp vẫn ách lại ở địa phương.

Bức xúc thứ hai - vấn đề sở hữu: Quyền thu hồi đất của nhà nước để ở phạm vi quá rộng, trong khi Hiến pháp không quy định cơ chế thu hồi đất (mà chỉ có cơ chế trưng thu, hoặc trưng mua). Hiến pháp qui định, sử dụng đất vì lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh thì nhà nước mới trưng mua, trưng thu quyền sử dụng đất.

Nhưng Luật Đất đai mở rộng ra cả những dự án phát triển kinh tế, như vậy có cái gì đó không ổn, không thật thống nhất với Hiến pháp. Vì cơ chế quá rộng này, nhiều nơi đã làm lệch lạc khi triển khai các dự án thu hồi đất.

Có nhiều người nói cần thay đổi chế độ sở hữu để khắc phục tình trạng này, nhưng sự thực tôi nghĩ cứ để sở hữu toàn dân, nhưng chúng ta cần tạo ra các chế định mới về cơ chế nhà nước thu hồi đất, hay ít nhất là thu hẹp lại đúng như quy định của Hiến pháp.

Nếu chỉ thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng, không có chuỵện phát triển kinh tế thì câu chuyện đất đai sẽ sáng sủa hơn, sẽ dịu hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc thu hồi đất theo 4 mục đích kia cũng phải gắn với qui trình cụ thể, đặc biệt là định giá đất.

Hiện nay, chúng ta vẫn giao cho UBND cấp tỉnh định giá thu hồi đất một cách trực tiếp, như vậy “một ông vừa thu hồi đất lại vừa định giá” chắc chắn không thể khách quan được.

Vậy về mặt thực thi pháp luật đất đai, chẳng hạn qua vụ việc ở Tiên Lãng, ông thấy nổi lên điều gì?

Thực thi tùy tiện, không nghiêm, đặc biệt là ở cấp huyện. Có những cái ở Tiên Lãng cho thấy, thực thi pháp luật rất yếu kém. Luật chưa bao giờ cho phép huyện qui định hạn mức diện tích, hạn mức thời gian, nhưng Tiên Lãng tự qui định cả hai hạn mức đó - kể cả khi đã có Luật Đất đai năm 1993.

Chỉ ít ngày trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993), Tiên Lãng đã ra một qui định về giao đất, cho thuê đất riêng. Huyện này tự đặt ra thời hạn, hạn mức giao đất. Vấn đề đặt ra là, ai cho phép làm điều này trong khi theo luật, chỉ T.Ư mới được qui định về thời hạn, hạn mức đất (trừ một số ít trường hợp giao cho cấp tỉnh).

Đây là cái sai rất cơ bản. Từ cái sai gốc này, dẫn đến thu hồi đất sai, cưỡng chế thu hồi đất sai, dẫn đến chuyện rất phức tạp ngày hôm nay. Nếu không có qui định riêng của Tiên Lãng, chắc chắn câu chuỵện ở Tiên Lãng đơn giản hơn nhiều.

Thực thi pháp luật về thu hồi đất cũng không đúng. Theo NĐ 181/NĐ-CP, đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp khi hết thời hạn thì, nếu không thuộc 5 trường hợp nhà nước thu hồi (không có người thừa kế, tự nguyện trả lại, có hành vi hủy hoại đất, không đưa đất vào sử dụng, có quyết định thu hồi đất vào các mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế) sẽ không thu hồi.

Tức là, không có chuyện thu hồi đất nông nghiệp khi hết hạn đối với đất nông nghiệp đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Nhưng Tiên Lãng lại đùng đùng thu hồi đất với lý do hết hạn giao đất - tức là rất trái với NĐ 181. Đây là cái sai rất cơ bản khi thực thi pháp luật!

Và tôi cũng nói thêm một điểm nữa, cái kết cho câu này - chúng ta vẫn đánh giá hiện nay tham nhũng trong quản lý đất đai đang chiếm vị trí đầu bảng trong tham nhũng ở VN.

Điều này không phải chỉ những khảo cứu nội bộ, mà kể cả khảo cứu của nước ngoài được phép của Chính phủ ta trong đối thoại về phòng chống tham nhũng đất đai (năm 2010) cho thấy: Tham nhũng trong đất đai ở nước ta rất nặng nề. Lợi ích của DN này, DN kia, người này người kia đứng đằng sau đang thúc đẩy câu chuyện thu hồi đất của người này giao cho người kia. Chúng ta có rất nhiều cố gắng làm giảm và phòng chống tham nhũng rất tích cực, nhưng hiệu quả thực tế chưa nhiều.

Chỉ bằng một quyết định hành chính, người ta có thể thu hồi hàng chục, hàng trăm hécta đất của dân một cách quá dễ dàng. Có chuyên gia phân tích, đất đai đang có xu hướng tích tụ vào một số người thông qua các dự án, kể cả dự án công - nhưng thực chất là đầu cơ đất đai?

Đây là một vấn đề rất lớn. Về chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong chính sách đất đai bao giờ cũng nhấn mạnh không thể để hình thành tầng lớp địa chủ mới, tầng lớp cường hào mới ở nông thôn. Phải đảm bảo để người dân phải được hưởng như khẩu hiệu “người cày có ruộng” mà trước đây chúng ta đã đặt ra như một khẩu hiệu lớn trong thời kỳ Cách mạng.

Thế nhưng, nhiều nơi thậm chí có ý đồ lợi dụng pháp luật - lợi dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất để có thể thu hồi rộng hơn, sau đó giao cho người này hay người kia; hoặc thu hồi đất giao cho các DN.

Đấy là một cơ chế chúng ta thấy diễn biến ở rất nhiều nơi; rất nhiều khiếu kiện liên quan tới cơ chế này. Áp dụng sai cơ chế, tạo ra tiêu cực thì đây là cái mà chúng ta phải tìm mọi cách để chống.

Cảm ơn ông!

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cơ chế nào sửa sai lỗi hệ thống?

    06/11/2019Nguyễn Chinh Tâm...tham nhũng ở nước ta đã trở thành quốc nạn. Không phải chỉ một, hai cá nhân hay một vài đơn vị tha hóa mà căn bệnh đang lan rộng khắp guồng máy. Thừa nhận hay đến lúc bắt buộc phải thừa nhận: tham nhũng xuất phát từ cơ chế mà trong đó mỗi sai phạm của cá nhân chỉ đóng vai trò hệ quả. Cái nhân của nó nằm tận bên trong, vì bộ máy đang tồn tại những khuyết điểm mang tính hệ thống.
  • Từ sự kiện Tiên Lãng, nhớ lại và suy ngẫm

    02/02/2012GS. Tương LaiGiờ đây, trước sự kiện Tiên Lãng vừa xảy ra mở đầu cho năm 2012 gây bức xúc trong dư luận, nhìn lại “Sự kiện Thái Bình” năm 1997 để suy ngẫm càng thấy rõ cái logic tất yếu của sự bùng nổ từ những nung nấu tiềm ẩn trong đời sống nông thôn và trong tâm trạng của người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng.
  • Ý kiến của luật sư Ngô Ngọc Trai về vụ Đoàn Văn Vươn

    31/01/2012Luật sư Ngô Ngọc TraiLà một luật sư đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc thu hồi đất, tôi xin phân tích chỉ ra một số quy định bất cập trong hệ thống các quy định về thu hồi đất hiện nay. Bài viết nêu lên trách nhiệm của Bộ tài nguyên và môi trường trong việc soạn thảo các văn bản trình chính phủ ban hành, và trách nhiệm của UBND huyện Tiên Lãng trong việc thực thi các quy định chính sách về đất đai. Mục đích là mong muốn chúng ta cùng nhìn rõ thực tại khách quan và chỉ ra những thiếu khuyết nào đưa đến những tệ trạng đó...
  • Trái lòng dân thì hại nước

    31/01/2012Lê Quý HiềnPhát biểu của luật sư Lê Đức Tiết: Chưa ở đâu tôi thấy có hố ngăn cách giữa người dân (cả người liên quan và không liên quan đến vụ việc) với cán bộ chính quyền lớn như ở Tiên Lãng lần này...
  • Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn

    29/01/2012TS. Nguyễn Quang ANăm 2012 mở đầu bằng một vụ cưỡng chế thu hồi đất tai họa. Tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, bốn công an và hai bộ đội tham gia thi hành cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đã bị mìn tự tạo và súng săn của những người bị thu hồi đất làm trọng thương...
  • Không thể sống chung với dân chủ hình thức

    29/12/2011Minh Cường thực hiệnKhông chống được bệnh dân chủ hình thức thì chính trị và quyền lực chính
    trị sẽ suy thoái chứ không chỉ suy thoái về đạo đức lối sống...
  • Luật để cho ai?

    26/11/2011Nguyễn Vạn PhúNếu như nỗ lực đưa ra dự thảo Luật Nhà văn dẫn đến câu hỏi “Luật để làm gì?”
    thì những cố gắng loại bỏ dự thảo Luật Biểu tình của một đại biểu Quốc
    hội vào tuần trước đưa chúng ta đến với câu hỏi “Luật để cho ai?”
  • Tham nhũng: Sự tương tác và cộng hưởng giữa con người và cơ chế

    23/04/2006Lê Đăng DoanhCùng với các vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui đang gây ra những bức xúc lớn trong dư luận. Nhưng để chống tham nhũng có hiệu quả, cần tìm hiểu nguyên nhân nào, cơ chế nào đã tạo điều kiện cho bọn tham nhũng hoành hành, chứ không chỉ thỏa mãn và dừng lại ở việc xử lý một số quan chức liên quan. Ta bàn sâu về các biện pháp chống tham nhũng từ cơ chế nhằm góp phần xây dựng một bộ máy công quyền trong sạch và vững mạnh...
  • "Tôi nói, cơ chế sản sinh ra tham nhũng…"

    16/10/2005GS. Hoàng TụyTham nhũng là một quốc nạn, điều đó ai cũng nói và cũng biết. Song để phòng, chống và hạn chế được tình trạng tham nhũng không phải là điều dễ dàng. Cho đến nay, chúng ta vẫn đang trên con đường tìm tòi, xin ý kiến nhân dân để chọn ra các giải pháp, các biện pháp đủ mạnh và hiệu quả để phòng và chống tham nhũng. Trăn trở, bức xúc với quốc nạn này, Giáo sư Hoàng Tuỵ đã có những tâm sự rất chân về tham nhũng và chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay...
  • xem toàn bộ