Vẫn còn nguyên những vấn đề cần tái cấu trúc

02:37 CH @ Thứ Hai - 23 Tháng Mười Một, 2015

Hỏi: Thời điểm này đã là quý III của năm 2014, cũng là lúc có thể tổng kết về kinh tế. Nhiều người nhận định là nó tươi sáng, còn ý kiến của ông thế nào?

Trả lời: Tôi tưởng nó tươi sáng, nhưng sau khi nghe trả lời chất vấn tại Thường vụ Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi thấy nó không tươi sáng. Cái làm cho vẻ tươi sáng biến mất chính là sự thông báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về 500.000 tỷ đồng nợ xấu. Tôi nghĩ tất cả những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên đấy, không tái cấu trúc được, mặc dù có những đối tượng rất tích cực, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Nhưng tôi thấy hình như chỉ có ông ấy là tích cực còn những Bộ trưởng khác thì không có động thái gì thể hiện sự tích cực. Tôi biết cái khó của họ là không ra khỏi được.

Tái cấu trúc không được thì chúng ta vẫn ôm nguyên một nền kinh tế như cũ, không thể tươi sáng được. Nợ xấu không giải quyết được. Bây giờ các cơ quan chức năng không còn thừa nhận kinh tế tươi sáng một cách hồn nhiên nữa mà là tươi sáng có chứng minh. Tuy nhiên rất khó để xã hội tiếp nhận cách mô tả ấy. Ví dụ con số thất nghiệp 1,84% thì tức là chúng ta là một quốc gia ở Sao hỏa. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải xem lại định nghĩa thất nghiệp là gì. Xã hội chúng ta chưa chuyên nghiệp cho nên chúng ta không có các định nghĩa cơ bản. Nợ xấu không được định nghĩa và do đó nó thay đổi hàng ngày qua phát biểu của các đối tượng khác nhau.

Hỏi: Có nghĩa là so với thời điểm đầu năm, những nhận định về nền kinh tế vẫn còn nguyên?

Trả lời: Nó vẫn còn nguyên, thậm chí còn trầm trọng hơn so với đầu năm. Thời điểm ấy chúng ta không có vấn đề Biển Đông, không có giàn khoan, không có khúc mắc với Trung Quốc. Phải nói thẳng là lúc ấy chúng ta đang phấn khởi, chúng ta nói những tiếng rất to, đã bắt đầu tự cho mình bàn đến những phổ quát có giá trị chiến lược toàn cầu. Khi dám nói to những điều như vậy thì cũng đem lại một hiệu ứng phấn khởi. Phấn khởi ấy có căn bản hay có cơ sở hay không thì tính sau, nhưng xã hội bây giờ không có căn bản để có thể phấn khởi. Chính sách đối ngoại của chúng ta không rõ ràng, sự yên ổn, bình yên của khu vực là không rõ ràng, chiến tranh không rõ ràng và hòa bình cũng không rõ ràng thì làm sao có kinh tế rõ ràng được!

Ngày hôm qua thủ tướng Shinzo Abe đã phát biểu rằng Nhật muốn xây dựng một quan hệ hòa hoãn với Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngay cả nước Nhật vĩ đại, thực ra là nền kinh tế thứ 2,1 hay 1,9 trên thế giới mà còn thận trọng như thế. Bạn đại diện cho một tờ báo, tôi đại diện cho chính mình, tôi với bạn không thận trọng thì người ta sẽ chê cười. Tất cả các trạng thái chính trị rất không rõ ràng. Cấu trúc của đời sống chính trị không rõ ràng, còn kinh tế thì vẫn như cũ thì làm sao chúng ta có những phân tích lạc quan được.


Ông Nguyễn Trần Bạt

Hỏi: Một vấn đề đặt ra trong thời gian qua cũng có nhiều ý kiến dư luận là thước đo sự hài lòng của nhân dân. Nhưng dường như chỉ số được công bố làm cho người ta càng trở nên ít hài lòng hơn?

Trả lời: Căn bệnh mà xã hội chúng ta có không phải chỉ có phía Nhà nước. Chúng ta hay đổ tất cả các khuyết tật cho Đảng và Chính phủ, việc đó cần phải xem lại. Những căn bệnh xã hội, căn bệnh tâm lý, căn bệnh chính trị của xã hội Việt Nam nặng nề hơn, đặc biệt các lực lượng xã hội đều có căn bệnh. Trí thức, nhân dân đều có những căn bệnh. Nhân dân chúng ta hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về chính trị cho nên đưa ra những đòi hỏi mà không nhà chính trị nào trên thế giới này thỏa mãn được. Đòi hỏi phải thay Hiến pháp Việt Nam hiện nay bằng Hiến pháp Mỹ chẳng hạn là cực kỳ vô lý. Họ không hiểu đằng sau tất cả những văn kiện như vậy là cả một lịch sử đẫm máu. Xã hội có những đòi hỏi chính trị không chừng mực do thiếu hiểu biết.

Khi trao đổi với một số cựu giáo chức của Trường Đảng, tôi nói rằng bây giờ bênh Đảng khó hơn chống Đảng. Chống Đảng mà để Đảng trị mình thì Đảng còn phải họp, nhưng ném đá vào mình từ phía lề trái thì người ta luôn luôn sẵn sàng nếu mình nói hớ. Tôi nghĩ rằng để đánh giá một cách khoa học về Việt Nam, chúng ta buộc phải phân tích tất cả các lực lượng tham gia vào đời sống chính trị, không chỉ nhà cầm quyền.

Giọng của tôi luôn luôn có một sự cảm thông nào đó đối với Đảng, với Chính phủ không phải vì tôi nịnh các anh ấy, mà phải nói thẳng rằng để tổ chức cho một xã hội như thế này đi ra khỏi các khó khăn là vô cùng vất vả. Người ta nói tất cả đều do Đảng và Chính phủ nhưng tôi nghĩ không phải như thế. Chúng ta có một thời kỳ chiến tranh, một thời kỳ bao cấp rất dài, chúng ta nói bao cấp, chiến tranh có cái xấu của nó. Đến khi mở cửa, chúng ta cũng nói có cái xấu của mở cửa. Chúng ta vừa mới trở thành anh hùng trong cuộc chiến tranh Đông Dương, bây giờ chúng ta lại trở thành anh hùng trong sự tham nhũng có lẽ cũng là tham nhũng Đông Dương.

Hỏi: Về những vấn đề vừa rồi, các nhà nghiên cứu ở Diễn đàn kinh tế mùa thu tranh cãi. Ví dụ chuyện tăng sức đề kháng cho nền kinh tế hay một số khái niệm khác, ông có ý kiến gì không?

Trả lời: Tôi luôn luôn đặt ra câu hỏi căn bản hơn nhiều so với những câu hỏi như vậy, đó là chúng ta có nền kinh tế không? Tôi nghĩ hình như chúng ta không thật có nó, bởi khi nói kinh tế suy thoái thì không ai kể ra được cái gì trong nền kinh tế suy thoái. Không có một ngành nghề cụ thể nào của nền kinh tế được nêu như một ví dụ về sự suy thoái. Đến cái tối thiểu là công nghiệp phụ trợ chúng ta cũng không thể kể ra mình có gì và định làm gì. Khi người Hàn Quốc đưa ra một danh mục công nghiệp phụ trợ thì tất cả chúng ta đều ngớ ra vì chưa bao giờ nghĩ đến nó. Sớm muộn thì 30-40 năm nữa, nền kinh tế cũng sẽ có các căn bệnh mà các anh ấy nói, còn bây giờ thì chưa. Chúng ta “vườn không nhà trống” cho nên không có sức đề kháng. Bây giờ chúng ta không thể bàn đến chuyện đề kháng.

Đề kháng theo khía cạnh cơ học tức là nền kinh tế không bị lệch, nền kinh tế phải có đối trọng của nó. Hôm nay, chủ tịch ngân hàng JP Morgan khen nền kinh tế Việt Nam có dự trữ ngoại hối tốt là 35 tỷ đô la. Người ta cứ khen đại đi và tự giải thích với nhau. Chúng ta không có người chủ của nền kinh tế, chỉ có những người làm osin cho nền kinh tế trong khi ông chủ đi vắng hoặc làm việc khác. Che chắn là bệnh của osin. Cho nên không thể nói về sức đề kháng của nền kinh tế. Chúng ta có thể nói về bức tranh tương lai hay những vấn đề lý thuyết để một nền kinh tế có sức đề kháng. Nhưng 30-40 năm nữa thì những câu hỏi, những vấn đề ấy mới đặt ra trên thực tế.

Các nền kinh tế chuyên nghiệp hay các đối tượng chuyên nghiệp đều có căn bệnh chuyên nghiệp của nó. Chúng ta không phải là một đối tượng chuyên nghiệp cho nên không có căn bệnh chuyên nghiệp như vậy. Hệ thống kinh tế của chúng ta là hệ thống mù chữ, không có bộ đọc các điều chỉnh vĩ mô. Chúng ta trách chính phủ là không điều hành vĩ mô, không điều chỉnh được, nhưng nền kinh tế không có bộ đọc thì làm sao đọc được các điều chỉnh! Thủ tướng đưa ra một chương trình cũng khá hay là tái cơ cấu, nhưng đến khi sờ đến cơ cấu thì Thủ tướng mới giật mình, mới hiểu rằng làm gì có gì để cơ cấu. Báo cáo lên thì người ta cứ nói thế thôi.

Phân tích thế này là để làm lại từ đầu. Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế phải làm lại từ đầu, phải đặt lại nền móng cho nó. Tôi không thấy ở đâu người ta xây dựng cơ sở hạ tầng như Việt Nam, hễ có đất là làm, chỗ nào trống là làm. Một khi đưa ra một dự án là người ta phải tính toán làm cái này để phục vụ đối tượng nào, phục vụ cho mục tiêu nào và thu hồi vốn bằng cách nào. Chúng ta chưa có công trình nhà nước nào được nghiệm thu và thanh toán đầy đủ. Sân bay Nội Bài chưa, sân bay Tân Sơn Nhất cũng chưa, nhưng lại chuẩn bị làm sân bay Long Thành. Phải nói thật là chúng ta liều. Một công trình hạ tầng mà không thu hồi vốn tức là đầu tư không có mục tiêu quản lý. Cho nên mới có người sẵn sàng nhận thu thuế hay quản lý toàn bộ Vịnh Hạ Long. Tôi chưa bao giờ nghe thấy những nước phát triển ở trên thế giới có một công ty nào dám đứng ra thu phí toàn bộ một vùng lãnh thổ. Với đà này vài ba năm nữa, bạn sẽ thấy người ta nói hãy giao cho tôi quản lý quốc gia này hoặc sẽ có người dám đưa ra đề nghị quản lý một tỉnh. Và chúng ta sẽ có một nền dân chủ tưởng bở. Đấy là về mặt chính trị. Còn về kinh tế chúng ta sẽ không có triển vọng để có thể cấu trúc ra một nền kinh tế.

Hỏi: Như ông nói thì không có gì để tái cấu trúc, nhưng có việc có vẻ hiện thực hơn là việc cổ phần hóa mấy trăm doanh nghiệp nhà nước?

Trả lời: Tôi cho rằng không làm được. Tôi với bạn đã từng kết luận trong một bài báo hồi đầu năm rồi. Cổ phần hóa là cách thức để giải quyết vấn đề tái cấu trúc.Chúng ta mở thị trường tài chính và thị trường chứng khoán, thổi giá lên để bán và có một tài sản ảo. Chương trình cổ phần hóa diễn ra khoảng gần một năm nay thì phải đến tháng thứ tám Chính phủ mới nói đến chuyện cho phép bán dưới sổ sách. Có nghĩa là Chính phủ vẫn nghĩ tài sản của các doanh nghiệp mình quản lý là có thật. Toàn bộ hệ thống thống kê của chúng ta bị ảnh hưởng bởi điểm ban đầu của thị trường chứng khoán, tức là chúng ta đã khai khống một số giá trị để lừa lấy tiền của xã hội. Bây giờ ngay cả giá trị bằng không cũng không còn mà là giá trị âm.

Hỏi: Có một chức năng mới được ghi trong Hiến pháp năm 2013 của Mặt trận và đây là kỳ Đại hội đầu tiên để thực hiện chức năng đấy là giám sát và phản biện xã hội. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư vừa rồi tại Đại hội cũng nói rất rõ Mặt trận giám sát Đảng và giám sát Chính quyền. Ông thấy việc đấy có hiện thực không và có thể thực hiện được không?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng cái hay của một nhà chính trị là đo được không gian tự do cho mình nói. Tổng Bí thư biết rất rõ mình có không gian rộng tới đâu để nói. Theo dõi tất cả phát biểu ấy tôi không thấy sai, nhưng trên thực tế nó có thể không diễn ra như ý muốn. Chúng ta biết rất rõ rằng đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập là quy luật khách quan, nó không phải là ý định chủ quan. Phản biện là một hoạt động hiện ra bên ngoài có điều khiển của Đảng, thể hiện quy luật sự đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập. Xã hội chúng ta có đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập không? Còn nguyên xi, bởi nếu không Đảng cộng sản không có lý do để tồn tại. Đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập tức là thừa nhận các mặt đối lập. Nếu phản biện không giải quyết được những mâu thuẫn giữa các mặt đối lập thì phản biện không có giá trị chính trị.

Hỏi: Theo ông, hiện giờ ở Việt Nam, những tiếng nói của trí thức độc lập đã được gọi là phản biện hay chưa?

Trả lời: Cái gì mang tính chất phê phán thì người ta gọi là phản biện. Ai muốn gọi đó là phản biện thì đó là quyền của người ta, tại sao lại quy định nói thế này mới là phản biện, nói thế kia thì không? Còn phản biện ấy có chân tình hay không, có sắc sảo hay không thì phải có chế tài cho sự chân tình và sự sắc sảo. Chế tài cho sự sắc sảo là thưởng thì tôi chưa thấy. Còn những chế tài trừng phạt đối với những người chẳng chân tình mà cũng chẳng xây dựng gì, tôi cũng chưa thấy. Tức là chúng ta chưa có kỷ luật chính trị. Pháp luật chưa vươn đến sự công bằng chính trị, cho nên chúng ta không xây dựng nổi trật tự chính trị. Nói cách khác, chúng ta xây dựng trật tự chính trị hình thức, đấy chính là nhược điểm của nền dân chủ Việt Nam.

Hỏi: Thực ra giám sát như vậy không phải là giám sát về phía nhân dân. Bởi vì nếu làm những việc như giám sát vật tư nông nghiệp, giám sát cát tặc hay giám sát nhà thuốc tư nhân, tức là mặt trận đang đi giám sát nhân dân chứ không phải nhân dân giám sát Đảng, Chính quyền?

Trả lời: Những công việc ấy cũng có giá trị, đấy là xác lập trật tự y tế. Nhưng xác lập trật tự y tế thì không phải là công việc của Mặt trận mà là công việc của Nhà nước, của Chính phủ. Ví dụ ngành y tế giám sát trật tự y tế như thế nào, nếu các anh giám sát hỏng thì chúng tôi có quyền “mắng” các anh. Muốn “mắng” thì phải có chế tài mới mắng được, nhưng chưa thấy có chế tài. Mặt trận tổ quốc không có quyền lực chính trị và đương nhiên không có quyền lực Nhà nước. Thường thường người ta thay thế quyền lực Nhà nước bằng quyền lực chính trị. Nếu không có cảnh sát để “dọa” thì ít nhất là có thể “dọa” bằng bầu cử. Chúng ta không thật sự có những thứ đó.

Mọi chuyện ở nước chúng ta không được sắp đặt theo một trật tự logic nào để cho nó có vẻ khoa học. Ví dụ Mặt trận tổ quốc của chúng ta là gì thì không ai định nghĩa. Người Trung Quốc gọi đấy là Hiệp thương chính trị. Quốc hội là cơ cấu chính trị, nó không hiệp thương nữa, bao nhiêu anh bên này, bao nhiêu anh bên kia đã rõ rồi. Ở Trung Quốc, có một số đảng, người ta treo ảnh của các đảng ra cho đỡ bị chê, còn về cơ bản vẫn là Đảng cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên các cánh khác nhau trong Đảng ấy vẫn có sự sắp xếp chính trị thật sự. Tức là Hội nghị Hiệp thương chính trị vẫn phải xây dựng cấu trúc chính trị. Hiện nay ở ta những nhánh quyền lực như vậy, những cơ cấu như vậy không có chức năng thực sự và không có định nghĩa về nội dung.


Sách "Con người là tinh hoa của nhau" của tác giả Nguyễn Trần Bạt, xem giới thiệu...

Hỏi: Ông nói vấn đề chế tài. Ví dụ ở trong Hiến pháp ghi là Mặt trận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Mặt trận đại diện cho nhân dân, nhưng nếu người ta đến khiếu kiện ở Mặt trận thì nó lại không có chức năng để giải quyết đơn thư, vậy làm sao đại diện và bảo vệ được?

Trả lời: Mặt trận đại diện cho nhân dân thì Quốc hội làm gì? Nhân loại chỉ có một công thức nhà nước là nhà nước pháp quyền, mọi hình thức nhà nước khác đều không có giá trị, đến mức người ta pháp quyền hóa cả nhà vua. Chúng ta không làm khác được, pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì cũng phải xem chất lượng pháp quyền là cơ bản.

Hỏi: Từ giờ đến cuối năm còn 3 tháng nữa, theo ông nền kinh tế có thay đổi gì không, những chỉ số đặt ra như mức tăng trưởng hay CPI liệu có đạt được không?

Trả lời: Vấn đề là đặt ra mục tiêu gì? Rất khó để đặt ra cái gì ngoài chỉ tiêu tăng trưởng 5,5% hay 5,6%. Tôi không thấy có thống kê hay báo cáo cho ngành công nghiệp cụ thể nào hay cho ngành dịch vụ cụ thể nào nên rất khó đánh giá. Chính phủ giống như công ty công ích kinh doanh các nguồn năng lượng bán cho xã hội, xã hội phải mua. Không thể đưa ra bất kỳ một vấn đề gì có vẻ lạc quan vì sau này rất khó nói.

Hỏi: Hiện giờ vấn đề lãi suất thì sao, nó phản ánh điều gì khi mà mức lãi suất thấp như hiện nay?

Trả lời:Ở Hong Kong, Tokyo và một loạt các nền kinh tế có những thời kỳ kéo dài hàng chục năm nếu gửi tiền vào ngân hàng thì người gửi phải trả một khoản phí giữ tiền cho ngân hàng chứ không được nhận lãi. Tôi đã nói rằng sẽ đến một lúc nào đó ngân hàng sẽ bị ngộ độc tiền. Lãi suất thấp là biểu hiện tập trung của hiện tượng ngân hàng ngộ độc tiền, không cho vay được, và đứng trước nguy cơ nếu như không nhận tiền gửi thì ngân hàng không thực hiện chức năng xã hội, mà nhận tiền gửi không có lãi suất thì bộc lộ là anh có vấn đề. Bây giờ đành phải để lãi suất thấp. Cho nên mới có việc cấm sử dụng ngoại tệ một cách tự do ở bên ngoài xã hội. Việc ấy giống như phải giấu cái ảnh đi để cho mình không nhìn thấy mặt mình đang có sẹo.

Hỏi: Các doanh nghiệp không thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ngân hàng nhưng họ vẫn chi phí cho việc bôi trơn. Tại sao vậy?

Trả lời: Bôi trơn để được vay mà không phải trả. Với một nền kinh tế luôn luôn mấp mé sự sụp đổ thì được vay để quỵt là một cơ hội. Nếu một trăm người đi vay mà chỉ có hai người quỵt thì hai người đó sẽ chết, nhưng họ biết mười mươi rằng trong số đó, 70-80% là quỵt thì họ vẫn cứ vay. Trước cửa nhà tôi ở Sài gòn có hai cái nhà nằm trong quy hoạch, người ta đã đến đo đạc xong rồi. Thế mà tôi không biết làm thế nào người ta vẫn dùng sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng được mấy chục tỷ, sau đó cả hai chủ nhà ấy đều biến mất. Đấy chính là cổ phần hóa trong giai đoạn tiêu cực của xã hội. Đấy là nguyên nhân tại sao không giải quyết được nợ xấu. Như vậy nợ xấu phải được định nghĩa là nợ không có con đường nào để thu hồi vốn. Tất cả những dự án không có con đường thu hồi vốn cấu trúc ra nợ xấu và chiếm đến 60-70% hệ thống tín dụng của Việt Nam. Thống đốc ngân hàng nóí nợ xấu là 500.000 tỷ, đấy là vì anh ấy thương xã hội nên đành nói ra, nhưng anh ấy chỉ mới nói ra một phần thôi.

Hỏi: Sang 2015, theo ông mức độ phân tâm của xã hội về vấn đề này có lớn hơn không?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng thế giới cũng không phải là một thế giới cũ bao gồm những kẻ du thủ du thực hoàn toàn. Thế giới đang xây dựng một thể chế toàn cầu và tự chịu trách nhiệm. Bạn thấy ở Châu Âu, có ai rơi vào tình trạng phá sản hoàn toàn thực sự không? Tất cả những nền kinh tế có vấn đề đều bị kiểm soát. Do tính liên đới, tính tương thuộc lẫn nhau mà mọi nền kinh tế đều bị kiểm soát, cho nên không có sự sụp đổ thật sự. Việt Nam chắc chắn cũng nằm trong khuôn khổ ấy, nhưng chúng ta sẽ đau đớn vì chúng ta phải thắt lưng buộc bụng. Thế giới nếu xông vào cứu nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt chúng ta phải thắt lưng buộc bụng.

Hỏi: Hiện nay vấn đề liên quan đến toàn dân nhất vẫn là vấn đề giáo dục?

Trả lời: Không bắt đầu từ cải cách giáo dục thì không thay đổi được gì. Nhưng cải cách giáo dục phải bắt đầu từ phi chính trị hóa giáo dục. Tôi đã nói điều này ở Văn phòng Trung ương Đảng. Không phi chính trị hóa giáo dục là không làm gì được, bởi vì môi trường chính trị đặc quánh thế này thì không ai thở được. Trẻ con dễ bị viêm phổi chính trị trong môi trường như thế này.

Xin cảm ơn ông!

Nội dung liên quan

  • Cần một cuộc 'ân xá' để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

    19/02/2014Chí HiếuChia sẻ với VnExpress, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cho rằng quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước khó tiến nhanh hơn khi chưa thể xử lý vấn đề sở hữu chéo, thâu tóm cổ phần...
  • Đôi điều quanh chuyện phá sản và tái cơ cấu Vinashin

    14/10/2011Lê Văn TứVấn đề quy trách nhiệm liên quan đến vụ tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) phá sản lại làm nóng các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đến bây giờ mới có người gọi sự kiện này là phá sản, mặc dù đã ngầm hiểu như thế. Tuy nhiên chữ “phá sản” dường như vẫn chưa được hiểu thống nhất. Nhiều người vẫn ngại nói Vinashin phá sản...
  • Tái cơ cấu Vinashin theo hướng nào?

    24/09/2010Lê Văn TứĐến nay, kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vẫn chưa được công bố, ngoài một vài thông tin lẻ tẻ cho thấy việc tái cơ cấu đã khởi động. Vì thế lòng dân không yên, bởi mọi tổn thất mà Vinashin đã gây ra, sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp, cũng sẽ do người dân chịu...
  • Tái cơ cấu... tư duy

    11/07/2010Lâm Chí Công“Nợ nần của Vinashin” - gõ cụm từ này vào công cụ tìm kiếm Google lúc 10 giờ ngày 6.7, chỉ trong 0,19 giây đã cho 47.000 kết quả, trong đó liền sau danh xưng lừng lẫy, hoành tráng Vinashin là “nợ nần chồng chất”, “thua lỗ nặng”, “tái cơ cấu và những ẩn số”...