Con mọt sách

01:30 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười, 2014

Hồi đầu những năm 70 thế kỷ XX, ở Hải Phòng có 2 người đàn bà nổi tiếng trong giới trí thức. Họ không viết văn, làm thơ, soạn nhạc hay cầm cọ vẽ, nhưng họ có quyền phân phát các tiểu thuyết lừng danh nhất, những tập thơ tuyệt vời nhất, các đĩa nhựa ghi 9 bản giao hưởng của Beethoven hoặc những kiệt tác (in lại) của các danh hoạ thuộc trường phái ấn tượng Pháp.

Họ là hai người bán sách tại cửa hàng sách trung tâm của Công ty Phát hành sách Hải Phòng. Một người bán sách ngoại văn, một người bán sách quốc văn. Họ được chiều nịnh, tôn vinh như hai bà hoàng (mà họ cũng kiêu và xinh đẹp thật!), vì người Hải Phòng rất mê đọc sách. Trừ loại lý luận - chính trị, kinh tế - khoa học, còn sách văn học thì được phân phối như áo may ô và dép nhựa Tiền Phong...

Trưởng phòng mới được quyền đọc “Bà Bovary”

Vì sách văn học là hàng mậu dịch phân phối, nên mua sách cũng phải có tiêu chuẩn. Phải là cấp từ Trưởng phòng thuộc Sở trở lên mới được mua cuốn “Bà Bovary” của văn hào Pháp Flaubert. Kẻ viết bài này một lần chứng kiến cuộc đối đầu âm thầm giữa ông lãnh đạo Công ty Phát hành sách Hải Phòng – một người giản dị, cục mịch như bức tường đất - với một cô gái dạng người não nhiều hơn ngực.

Không nao núng trước ánh mắt cầu xin của cô giáo trẻ dạy văn, ông đáp lại bằng cái nhìn thương hại nóng hổi và oai vệ phán như vị quan toà luận tội: “Phải ở vị trí như vậy, người ta mới đủ nhận thức để đánh giá được sự tha hóa đạo đức của tầng lớp thị dân tư sản!”. Thế nhưng, dù mới tốt nghiệp phổ thông, mặt vẫn mọc mụn trứng cá, tôi cũng mua được “Bà Bovary” vì có ông chú nguyên là Giám đốc “Ba toa” (lò mổ gia súc Hải Phòng) viết cho cái giấy giới thiệu đi kèm nửa cân sườn lợn.

Phàm đã là hàng phân phối bao giờ cũng hiếm. Chẳng hạn, một năm cả miền Bắc có trên dưới 40 đầu sách văn học xuất bản. “Hot” nhất hồi ấy là sách văn học nước ngoài. Chỉ những tác giả, tác phẩm được đánh giá là “rõ ràng” mới được tuyển dịch (mà dịch thì rất cẩn thận). Các bậc thầy của chủ nghĩa hiện sinh như Jean Paul Sartre, Albert Camus... chỉ tồn tại trong những sách phê bình. Dostoievsky và B. Pasternak cũng không được dịch, mặc dù nguyên bản tiếng Nga thì tràn ngập các kệ sách.

Ngoài vài truyện ngắn của O’Henry và Jack London, người miền Bắc không được đọc “Chùm nho nổi giận” hay “Âm thanh và cuồng nộ” (của John Steinback và William Faulkner – các nhà văn Mỹ). Thậm chí họ đã phải xem “Những bức thư của người đàn bà không quen biết” (Stefan Zweig) qua bản chép tay! Sách hiếm như vậy, cho nên chỉ có những người mê sách như là mê gái mới chịu khổ nhục để được chạm tay vào cuốn “Đồi gió hú” thuộc dạng tài liệu tham khảo nội bộ!

Mỗi khi nghe tin đồn sách mới về, những con mọt sách lại chạy vội ra hiệu sách, hí hửng chầu chực như chú mèo ngồi chồm chỗm trước chảo cá rán đậy kín, vì sách quý thường bị giấu dưới quầy. Họ nhận ra rằng muốn mua được sách, tìm đường đi vào trái tim của người bán sách dễ hơn bằng giấy giới thiệu. Thế nên, trước hết phải thật ngọt ngào, cầu tài cô bán sách bằng nụ cười, nhưng phải là một nụ cười không để họ nghĩ bạn phải đến bác sĩ răng (hồi đó không có tệ hối lộ tiền). Đấy là nghi lễ dọn đường bắt buộc cho sự thành công, vì lễ ở phương Đông đóng vai trò như luật ở phương Tây.

Sau đó hãy tỏ ra thật đáng thương, dằn vặt hơn cả đau răng nếu như không mua được sách. Một con mọt sách thời đó, tôi nhớ anh ta gầy mỏng đến nỗi không biết cơ thể có đủ chỗ để chứa hết lục phủ ngũ tạng hay không, đã thành công trong hầu hết vụ “mua-ăn xin” sách, vì dai như con đỉa đói.

Trong nhiều gia đình, sách được bày ở nơi kín đáo nhất, vì nó được giữ như của gia bảo. Con mọt sách kỵ nhất là cho mượn sách. Sách là thứ hồi môn ảo sang trọng để các chàng trai đem đi hỏi vợ. Có bà mẹ vợ (bán vàng chợ Sắt) hãnh diện nói về gia đình thông gia: “Nhà bên ấy nghèo, thế nhưng anh ấy là người đọc sách!”. Và cô dâu mới đã cậy nhờ mua tặng chồng một đống sách để thể hiện trọng lượng tình yêu của mình. Họ trở thành một gia đình hạnh phúc hoàn hảo: Chồng đọc sách, vợ có tiền!

Sách được tôn trọng như vậy, cho nên thành phố đầy đường những người đọc sách, ngốn sách như bò ngốn cỏ. Thanh niên ngày nay đánh giá nhau bằng đi con xe nào. Thanh niên ngày ấy hỏi nhau đã xem “Bông hồng vàng” của Pautovsky hay “Cây phong non trùm khăn đỏ” của Aitmatov chưa? Họ sẽ thất vọng khi đối tác chưa đọc qua “Hội chợ phù hoa”. Ngay cả trong lúc bom rơi đạn nổ, sách vẫn nằm trong balô theo người thành phố về những miền quê sơ tán. Người ta vẫn đọc “Chiến tranh và hoà bình” dưới hầm trú ẩn, trong ánh đèn dầu phòng không.

Nghịch lý của sách

Năm 1975 - một cánh cửa mới của sách được mở. Trong đám những người miền Bắc vào Nam trở về với chiếc balô lủng lẳng cái khung xe đạp, đài bán dẫn, búp bê nhựa, có những người đi tìm sách. Họ kinh hoàng khi bắt gặp cảnh tượng sách được bày bán, được chồng đống từ mặt đất lên nóc nhà trên suốt con đường Calmette, Sài Gòn.

Không cần là cấp Trưởng phòng, hay nở nụ cười cầu tài với cô bán sách, chỉ cần có tiền là mua được cả kho tàng thông tin đồ sộ của cả loài người, từ Thánh kinh đến “Tài liệu mật của Lầu Năm góc” được tiết lộ trên tờ New York Times, từ các tác giả đoạt giải văn chương Nobel đến những đại diện của mọi trường phái tư tưởng... Có vị đại uý công binh (tốt nghiệp Đại học GTVT miền Bắc) khi rút ra khỏi thành cổ Quảng Trị (năm 1971) đã liều chết cõng theo mình 60kg bộ “Đại từ điển Britannica” trong một ngôi nhà cháy dở và gặp ở đây (chợ sách Calmette) gần một chục bộ tương tự.

Lần đầu tiên họ được đọc “Mật khải” của K.Gibran, “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzche, “Thiền và phân tâm Suzuki” của Fromm, những cuốn sách của Suzuki và Fromm, các cuốn sách không chỉ mở cho họ thấy những chân trời thế giới mới, mà còn được in rất đẹp trên các trang giấy mịn và thơm như làn da trẻ thơ. Bây giờ họ không kháo nhau về “Cây phong non trùm khăn đỏ” nữa, mà hỏi nhau đã được đọc “Bác sĩ Zhivago” hay “Giờ thứ 25” chưa. Những tưởng bắt đầu thời đại của sách, một con mọt sách hí hửng nói chơi: “Loài người chỉ còn 3 loại: Những người sống, những người chết và những người đọc sách!”.

Thế nhưng, cánh cửa đổi mới càng mở, càng nhiều sách thì người đọc càng ít. Hoá ra cùng với sách vở, người ta còn phát hiện ra vô số niềm vui trần tục, mà trong chiến tranh chúng là vô nghĩa so với cuộc sống – cái chết: Ẩm thực, thời trang, du lịch, những môn thể thao mới mẻ như golf, tennis... Tất cả đều lên tiếng đòi “thị phần” của mình trong khoảng thời gian bất biến 24 giờ/ngày của đời người.

Đấy là chưa kể khát vọng làm giàu dâng cao ngùn ngụt, chúng nuốt chửng bao thời gian. Đặc biệt khi Internet xuất hiện, đổ thông tin vào đầu người với tốc độ gần bằng ánh sáng, thì sách tuột sâu ra khỏi vị trí thống trị tư tưởng con người. Sách không còn là tấm gương duy nhất quan trọng để con người soi vào đấy thấy thế giới, thấy chính mình. Đã thế, khi sách nhiều quá tràn ra vỉa hè, văn chương sọt rác xuất hiện trở thành sữa mẹ của một tầng lớp thanh niên, truyện tranh lên ngôi, truyện dịch ẩu như là “diệt”.

Khi con người đổ xô đi đào vàng, đồng đôla được tôn vinh thành giấy thông hành lên trời, thì những con mọt sách biến mất dần khỏi mặt đất như những chiếc cối xay gió của thế kỷ XVIII. Từ “con mọt sách” trở thành đồng nghĩa với “hâm”. Bà bán hàng vàng chợ Sắt bắt đầu sốt ruột hộ cô con gái và thấy tiếc thằng vai u thịt bắp hàng xóm ngày xưa nay là chủ hai mỏ than ở ngoài Quảng Ninh.

Vắng khách dập dìu, những cô bán sách bắt đầu già và xấu đi. Họ ngồi suốt ngày tỉa lại lông mày trong các nhà sách yên tĩnh như hồ nước của ngày hè nóng nực. Ông Giám đốc mới của Công ty Phát hành sách Hải Phòng lặn lội vào Nam đi tìm mối hàng văn hoá phẩm, văn phòng phẩm để lấp đầy các kệ sách. Chỗ ngày xưa Hemingway và Remarque (nhà văn Đức) “ngồi”, thì nay chễm chệ những chiếc đồng hồ điện tử Nhật Bản, băng keo và tả pí lù. Từ đó, những cô bán sách đời mới bắt đầu giàu lên. Họ hỏi Remarque có phải là tiền Đức không?

Không thể võ đoán nói rằng ngày nay người ta đâm chém nhau nhiều vì không đọc sách. Nhưng rõ ràng rằng vắng sách, tâm hồn con người sẽ nghèo nàn, nhạt nhẽo đi, đầu óc con người sẽ thiếu đi sự sâu sắc vì văn hoá mạng là một thứ mì ăn liền. Chừng nào loài người còn sống, còn tồn tại sách. Những con mọt sách sẽ sống lại và phát triển, bởi đọc sách là nhu cầu tinh thần và niềm vui cao quý.

Nguồn:Lao Động
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mỗi ngày một cuốn: Đọc thế nào đây?

    12/05/2018Phạm Văn Tình (Hà Nội, 2006)Tôi viết những dòng này khi đúng vừa tròn một tháng VTV1 mở chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách (trong chương trình Chào buổi sáng). Và cũng thật thú vị là ngày mai đã bước vào tháng 9 rồi.
  • Lười đọc - căn bệnh của giới trẻ

    23/11/2017“Những bài văn kinh hoàng” hay “áng văn bất hủ” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong mùa tuyển sinh. Mặc dùchưa đến mức báo động, bởi những bài văn này chỉ chiếm số ít trong số hàng trăm ngàn bài thi mỗi năm, nhưng nó cũng khiến người ta băn khoăn. Phải chăng, tình trạng trên bắt nguồn từ việc giới trẻ mắc “căn bệnh” lười đọc tác phẩm văn học?
  • Văn hóa đọc ở Việt Nam, cần dựng lại từ nền móng

    21/11/2017Phạm TăngLật lại một vấn đề không mới tại một hội thảo có tính "chiến lược quốc gia", mới nhận ra rằng lâu nay chúng ta chưa hề có văn hóa đọc theo đúng nghĩa...
  • Chúng ta biết ơn sách

    21/04/2017Nguyễn Vĩnh NguyênNền văn minh nhân loại sẽ lụi tàn nếu một ngày những người viết tuyệt chủng. Và sự đọc và nhận thức của con người cũng sẽ biến mất. Điều đó sẽ không xảy ra. Giả thiết ấy hoàn toàn trái khoáy trong kỷ nguyên tri thức, cả nhân loại đang tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy sự hiểu biết để vận hành đời sống trên địa cầu theo hướng tích cực. Chúng ta không nằm ngoài dòng chảy ấy.
  • Văn hoá và sự "đứt gãy": Vì đâu?

    29/12/2014Thái Nam ThắngVới một quá khứ nhiều đứt gãy và một nền tảng văn hoá không được tiếp nối một cách chăm chút, đàng hoàng và có hệ thống, thì những biểu hiện văn hoá thường sẽ là "giật gấu vá vai".
  • Bởi người lớn “quên” vai trò nêu gương

    10/09/2014Nguyễn HòaNếu trong tầng lớp được coi là “có chữ” của xã hội lại có nhiều người “ít chữ”, nếu việc học hành thi cử chỉ để có bằng cấp cho đủ tiêu chuẩn tiến thân, thì khoa học bị hạ giá sẽ là điều khó tránh khỏi. Sự lên ngôi của thói coi thường tri thức như đang tiềm ẩn trong đó nguy cơ, không chỉ đối với khả năng lựa chọn văn hóa, mà còn là nguy cơ đối với chính sự tồn vong của văn hóa...
  • Đọc sách để thay đổi số phận

    01/08/2014Ngân Hà thực hiện, chân dung nhiếp ảnh - Trần Việt Đức, chân dung hội hoạ - Hoàng TườngVới một “lý lịch” khá dày dặn trong việc trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau, Lê Nguyễn Trường Giang, một trong những thành viên sáng lập tổ hợp Tecapro Park dễ dàng tạo được ấn tượng với đối tác bằng những đối thoại thông minh. Sinh năm 1975, Giang còn khá trẻ, nhưng phải gọi anh là một “ông cụ non” vì Giang mê triết học, thích đọc sách
  • Nguyễn Quang Thạch: Tìm 2 tháng trên xe buýt mới thấy 1 người đọc sách

    27/04/2011Phạm Anh Trúc (thực hiện)“Nếu bảo rằng chúng ta đã có “văn hóa đọc” rồi, e rằng chưa đúng. Theo tôi, một dân tộc phải có từ 60-70% người dân thường xuyên đọc sách thì mới có được điều đó. Tôi đã mất 2 tháng chỉ đi xe buýt để xem người dân có đọc sách không, nhưng chỉ nhìn thấy duy nhất… 1 người”...
  • Chuyện lạ tại Làng Chùa

    24/01/2011Bùi Quang MinhTrong tiết trời ngày Tết nơi thôn quê, trong không khí ẩm thực lễ Tết, lúc trà dư tửu hậu, các nhà thơ trao nhau những ý thơ, chủ nhà Nguyễn Quang Thiều thân tặng tôi cuốn tuyển thơ "Châu Thổ" của mình và đọc vài chùm thơ "Hồi tưởng" ... Một không khí thơ ngày xuân tràn ngập khung vườn quê rộng rãi...
  • Cái kệ sách và chiếc tivi LCD

    18/06/2010Mỹ NhiMột đồng nghiệp của tôi nói: Ở đời chỉ có hai loại người: người đọc sách và người không đọc sách, thiểu số là loại thứ nhất, đa số là loại thứ hai. Nghĩ rằng nói thế thì cực đoan! Nhưng thỉnh thoảng ngẫm lại cũng thấy không sai lắm...
  • Văn hóa đọc: Cơ hội và thách thức

    04/12/2009Phạm ĐứcKhông có gì khó khăn khi hàng ngày mỗi người tự bỏ ra khoảng 15 - 30 phút đọc sách, báo, tác phẩm văn học… để tiếp nhận tri thức của nhân loại khá dễ dàng, thế nhưng, cơ hội đó đang bị nhiều bạn trẻ thờ ơ trước sự lấn át của công nghệ thông tin.
  • Giới trẻ đang... đọc gì?

    15/09/2008"Harry Porter" chắc chắn hấp dẫn hơn "Những người khốn khổ", Jindo thú vị hơn nhiều so với tuyển tập truyện ngắn Nam Cao và hiển nhiên xem phim chưởng vẫn thích hơn việc ngồi nghiền ngẫm Tam quốc chí. Dường như, việc đọc các tác phẩm truyền thống đã trở nên xa lạ với giới trẻ...
  • Văn hóa đọc của giới công chức văn hóa

    16/05/2008Lưu AnSẽ nhiều khả năng rơi vào sự cực đoan nếu nói rằng người Việt - Nam hiện nay không có (hoặc đã đánh mất) thói quen đọc sách. Cần phải có những thống kê hết sức cụ thể thì mới có thể đưa ra những phán đoán chắc nịch theo kiểu như vậy. Tuy thế, đây là điều bất khả.
  • Sách hôm nay: tăng số lượng, giảm chất lượng

    22/03/2007Thy ĐoanKhông riêng gì ở Việt Nam, ngành xuất bản sách trên thế giới đang trong thời kỳ phát đạt. Số lượng bản in sách hàng năm được xuất bản đã đạt tới mức kỷ lục, bất chấp những ý kiến lo ngại cho rằng, sự tấn công của Internet và phương tiện nghe nhìn sẽ làm cho bạn đọc hờ hững với các loại sách in truyền thống...
  • Văn hóa đọc trong bối cảnh bùng nổ truyền thông

    11/09/2006Nguyễn Hữu Giới
    Trong nửa sau của thế kỷ 20, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là sự bùng nổ thông tin với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác, đã khiến người ta tập trung vào số phận của sách: Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hóa hay không?
  • "Mọt sách" ét-vê

    21/02/2006Hoàng Quỳnh - Thanh KiềuThà nhịn một bữa cơm, bớt đi một ly cà phê để “tậu” về cuốn sách mà mình thích, đó là phương châm sống của những sinh viên “nghiện sách”.
  • Người trẻ: Lười đọc hay không biết chọn sách?

    07/01/2006Nguyễn HàTố Tâm, giá 2.000 đồng/cuốn; Lão Tử, 6.000 đồng/cuốn... Những cuốn sách rất có giá trị được “đại hạ giá” vẫn không được các bạn trẻ ngó ngàng...
  • Đọc sách là một phương tiện bồi dưỡng trí nhớ và tư duy

    05/01/2006Phan Tất Đắc dịchĐọc sách một cách tự lực và có nghiền ngẫm kỹ chẳng những cho phép ta tiếp thu được tư tưởng của tác giả mà còn giúp ta đối chiếu tư tưởng đó với tư tưởng của các tác giả khác về vấn đề đó, và ta sẽ đi tới một phán đoán riêng của mình về những điều đọc được...
  • Lời khuyên người mua sách

    31/12/2005Phan Điều AnhCuốn sách nào mà bạn đang cần mà không thể dễ dàng mượn được hoặc khả năng được tặng là không chắc chắn, thì hãy mua ngay nếu đủ tiền. Đừng nấn ná đợi dịp khác, vì chưa hẳn cơ hội sẽ đến với bạn...
  • Sách là thức ăn không thể thiếu của trí tuệ

    24/08/2005Hiền ChươngĐó là lời mở đầu của Tiến Sỹ Nguyễn Tiến Dũng – Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội với tạp chí Sách & Đời sống xung quanh đề tài sách và cuộc sống hôm nay...
  • Kế hoạch 500 cuốn sách

    22/08/2005Ngô Tự LậpCó một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại...
  • xem toàn bộ