Con người hiện thực và hiện thực của con người

09:40 SA @ Thứ Tư - 02 Tháng Sáu, 2010

Nếu không hiểu con người thì cũng sẽ không hiểu chủ nghĩa xã hội. Bởi vì mục đích cuối cùng của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người. Đương nhiên không phải bây giờ con người mới bắt đầu nhận thức về chính mình, bây giờ mới đặt câu hỏi “ta là ai" trên cõi đời này. Nhưng ở đâu cũng vậy, con người trong một thời gian dài đương nhiên phải đặt câu hỏi cho cái ngoài mình chứ không phải đặt câu hỏi cho chính mình?

Cũng như em bé mới lọt lòng mẹ, việc đầu tiên là cần sữa để sống, nhu cầu đầu tiên của con người là sinh tồn. Nhu cầu đầu tiên của sinh tồn là cái ăn. Muốn có cái ăn thì hướng ra bên ngoài chứ không phải hướng vào bên trong. Nếu nhu cầu cái ăn là nhu cầu bản năng thì nhận thức để đáp ứng cho nhu cầu đó, đầu tiên cũng là bản năng. Nếu bản năng đó không được giải thích từ quan niệm "tiên thiên” (apriorie) thì ít ra cũng phải thừa nhận tính thụ động của chủ thể về nhu cầu có tính bản năng cũng như về nhận thức "hướng ngoại" đó. Cho nên "lúc ban đầu ý thức mới chỉ là ý thức về hoàn cảnh gần nhất có thể cảm giác được…Bước đầu đó cũng mang tính động vật như chính đời sống xã hội ở giai đoạn ấy, đó là một ý thức bầy đàn đơn thuần, và trong trường hợp này, con người khác với con cừu chỉ là ở chỗ trong con người ý thức thay thế bản năng, hoặc bản năng của con người là bản năng đã được "ý thức"(1). Chính trong quá trình "đối tượng hóa" dài dằng dặc này con người mới trở thành con người, hay nói cách khác, con người đã có được ý thức một cách "vô ý thức". Không có con vật nào mà không nhận thức về thế giới bên ngoài, nhưng chỉ có con người mới nhận thức về chính bản thân mình.

Triết học phương Tây không phải bắt đầu từ con người mà bắt đầu từ bản thể luận. Phải chăng đó cũng là một trong những lý do để giải thích vì sao văn minh phương Tây xuất hiện muộn hơn văn minh phương Đông? Hoặc giả cũng có thể vì phương Tây áp dụng phương pháp “ngoài - trong" theo kiểu anh hãy nói cho tôi bạn của anh là ai thì tôi sẽ nói anh là ai. ở phương Đông, từ cuối thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên, chủ đề tư tưởng triết học của Trung Quốc chưa phải là con người mà là "Âm - Dương", hoặc "Ngũ hành"…Vào nửa sau của thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên, trong kinh Veda cũng bắt đầu từ các quan niệm về sự hình thành của vũ trụ. Nhưng khi triết học cổ đại Hy Lạp bắt đầu từ bản thể luận thì triết học phương Đông đã từ lâu đặt câu hỏi về con người.

Cho tới thời kỳ Phục hưng, nghĩa là hơn hai nghìn năm sau, triết học phương Tây mới “chính thức" nhận thức về chính mình theo hai hướng, hướng "con người cảm tính" trừu tượng của triết học Pháp thế kỷ XVIII, nhưng đỉnh cao của nó là triết học Feuerbach của Đức. Hướng “con người lý tính" trừu tượng của Hégel, nhà triết học duy tâm lỗi lạc nhất trong các nhà triết học duy tâm ở thế kỷ XIX. Như vậy là con người đã được nghiên cứu cả về cảm tính lẫn lý tính. Nhưng dầu cho nghiên cứu về phía nào đi nữa, hoặc Feuerbach, hoặc Hégel, thì "con người" cũng chỉ được quan sát dưới lăng kính hoặc trừu tượng hoặc tách rời "hiện thực". Feuerbach xuất phát từ cái bắt đầu của con người (tức cảm tính), nhưng là cảm tính trừu tượng. Hégel xuất phát từ cái cuối cùng của con người, tức lý tính, ý niệm tuyệt đối. Tuy Hégel "phát hiện" nó không phải trời sinh ra đã như vậy, mà hình thành theo với dòng thời gian. Nhưng dẫu sao nó cũng là lý tính phi hiện thực, chỉ là ý niệm tự nhận thức. Ý niệm tự nhận thức có nghĩa nó vừa là chủ thể vừa là khách thể, nó không cần thời gian, không gian hiện thực như khi nó chỉ là chủ thể. Như vậy, thực ra nó cũng chẳng biết mình từ đâu tới và đi về đâu. Cho nên “triết học chủ thể”: từ Kant, đến Fichte, Schelling đều phảng phất màu sắc triết học tâm linh của phương Đông.

Nói như vậy không có nghĩa là ở thời cổ đại Hy Lạp người ta không nói gì về con người. Từ xa xưa, người ta đã ý thức về quan hệ giữa "thế giới vĩ mô" (Macroeosm) và "thế giới vi mô" (Microcosm) chứ không đợi đến ngày nay. Không phải ai khác, chính Empédocle là người đầu tiên nhận thức được nối tương đồng giữa chúng qua "thuyết lưu xạ" (doctrine
of effluence). Platon cho rằng nhận thức chẳng qua là "hồi ức" (Reminissence), cho nên ông khẳng định rằng mọi tri thức mà con người có được từ bên ngoài đều nằm bên trong linh hồn. Trường phái khắc kỷ (Stoicism) cuối thời kỳ La Mã cũng đã từ quan hệ thể xác và linh hồn của con người 'lsuy ra thể xác và linh hồn vũ trụ…Tuy nhiên đó vẫn không phải là xu thế chủ yếu. Cho nên, Socrate sở dĩ được xem là nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại ở thời kỳ cổ đại có lẽ vì sự “nghịch hướng" của ông đối với triết học đương thời bằng phương châm "hãy tự nhận thức mình” (Gnoti seauton) mà cho đến nay không phải xã hội phương Tây đã nhận thức được hết giá trị của nó. Trong khi đề cập đến thế giới vĩ mô, chẳng ai dại gì mà không nắm bắt nó ngay trong thế giới vi mô, hoặc ngược lại. Tuy nhiên, cái gì chính vẫn là chính, cái gì phụ vẫn là phụ.

Đó là phương Tây, còn ở phương Đông có khác. Không phải đợi đến thế kỷ gọi là Cinq cento gì đó triết học phương Dông mới đặt con người vào vị trí trung tâm. Triết học phương Đông đã xuất phát từ con người sớm hơn phương Tây rất nhiều. Phật giáo là tôn giáo, là học thuyết triết học kỳ cựu ở phương Đông đã xác định điều đó ngay từ thời kỳ Phật giáo nguyên thủy. Malunkyaputa, một đệ tử xuất sắc, đã vấn nạn Phật Thích ca bằng những câu hỏi về bản thể luận, thường gọi là "thập tứ vô ký" (caturdasa - avyakrta vastuni). Nhưng ông không những không nhận được những lời giải đáp về điều đang thắc mắc, ngược lại, Phật Thích ca còn đưa ra hình ảnh người bị tên bắn để buộc Malunkyaputa tự phủ định mình. Ông thừa nhận rằng việc quan trọng nhất và trước hết đối với người bị trúng tên, không phái là đi tìm ai là người bắn mũi tên đó, hắn ta từ đâu tới . mà chính là trước tiên phải cứu chữa cho
người bị nạn. Nói cách khác là Phật giáo xuất phát từ "vấn đề con người", giải thoát khổ đau cho con người, chứ không phải xuất phát từ vấn đề bản thể luận. Vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, bên bờ sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, Tử Lộ đã băn khoăn về những vấn đề "siêu hình” và rất mong được thầy giải đáp.

“Tử Lộ hỏi về việc thờ cúng quỷ, thần. Khổng Tử đáp : Chưa biết việc con người làm sao biết đối xử với quỷ, thần? Tử Lộ lại hỏi: Con xin mạnh dạn hỏi thầy về cái chết ? Khổng Tử đáp : Việc sống chưa biết hết làm sao có thể biết việc chết được?"(Quý Lộ vấn sự quỷ thần, Tử viết: Vị năng sự nhân yên năng sự quỷ? Viết : Cảm vấn tử?Viết : Vị tri sinh yên tri quỷ? Luận ngữ, Tiên tiến).

Cái lõi của học thuyết Khổng Tử là ở chữ "Nhân". Ngay tự dạng của chữ “Nhân" cũng thể hiện Khổng Tử quan tâm giải quyết vấn đề con người chứ không phải vấn đề về bản thể.Vấn đề con người, thực chất là vấn đề “quan hệ" giữa con người với con người. Nói như vậy cũng không có nghĩa là Nho gia không đặt con người trong quan hệ với tự nhiên. Tuân Tử so sánh giữa con người với tự nhiên và chỉ ra rằng "Nước lửa có khí nhưng không có sự sống, cây cỏ có sự sống nhưng không hiểu biết, cầm thú hiểu biết nhưng không có nghĩa. Con người có khí, có sự sống, có hiểu biết lại có nghĩa. Do đó, con người là quý nhất trên đời" (Thủy hỏa hữu khí nhi vô sinh, thảo mộc hữu sinh nhi vô tri, cầm thú hữu tri nhi vô nghĩa. Nhân hữu khí, hữu sinh, hữu tri diệc thả hữu nghĩa. Cố tối vi thiên hạ quý dã, Tuân Tử, Vương chế).Vậy "nghĩa" là gì? “Nghĩa” đối lập với "lợi". "Lợi” là cái có được do người khác đem lại, "nghĩa” là cái mà mình đem đến cho người khác, tức là trách nhiệm đối với xã hội. Cho nên "con người" (đúng với nghĩa của nó) không phải chỉ dừng lại ở chỗ chỉ thêm mãn nhu cầu của chính mình. Cũng cần thấy rằng Mác cũng đã phân biệt khác nhau giữa con người và con vật là ở chỗ con vật "sản xuất một cách phiến diện; còn con người thì sản xuất một cách toàn diện; con vật chỉ sản xuất vì bị chi phối bởi nhu cầu thể xác trực tiếp, còn con người sản xuất ngay cả khi được giải phóng khỏi nhu cầu thể xác, và chỉ khi giải phóng khỏi nhu cầu đó thì con người mới sản xuất theo ý nghĩa chân chính của chữ đó”(2). Cả hai ít nhiều đều đề cập đến cái chuẩn "tự kỷ" hay không “tự kỷ” để phân biệt trình độ thấp cao theo đúng với nghĩa chữ “người”.

Các trào lưu triết học cổ đại ở Trung Quốc không phải núp dưới bóng của tôn giáo như ở Ấn Độ, cho nên "con người” cũng chẳng cần phải khoác chiếc khăn thoát tục làm gì. Tuy nhiên, hình như bất cứ trào lưu triết học nào càng về sau ít nhiều đều phải ngã sang màu "siêu việt", (Trancendent). Thực ra Mạnh Tử không phải "siêu việt" Nho gia khi suy tư về bản tính của con người như thiên hạ thường gán cho ông. Thuyết “tứ đoan” hình như cũng chỉ "tự nhiên" hóa đạo đức của Nho gia, hoặc là trừu tượng hóa bản năng của con người mà thôi. Bản năng đó được trừu tượng hóa thành “tính thiện" bất biến nơi con người. Trong bản giá trị của xã hội, không phải giá trị vật chất mà chính là giá trị tinh thần mới được đặt ở hàng đầu. Trong giá trị tinh thần, "nghĩa" là cái mà chỉ con người mới có, bao giờ cũng được đặt ở hàng đầu. Cho dầu của cải có quý giá đến đâu cũng không thể quý hơn sinh mệnh con người. Ai mà không thừa nhận cái quý nhất trên đời là sinh mệnh (Đại đức viết sinh). Tuy nhiên, Mạnh Tử vẫn cho rằng giữa hai cái đó thì ông thà chết chứ không bao giờ khước từ “nghĩa":

“Mạnh Tử nói: cá là cái mà ta thích, bàn tay gấu cũng là cái mà ta thích. Nếu trong hai cái đó chỉ được chọn một thì ta chọn bàn tay gấu. Sống là điều ta muốn, "nghĩa" cũng là điều ta muốn. Nếu trong hai cái đó chỉ chọn một thì ta sẽ chọn "nghĩa" chứ không chuộng sống" (Mạnh Tử viết: Ngư ngã sở dục dã, hùng chưởng diệc ngã sở dục dã. Nhị giả bất khả đắc kiêm, xả ngư nhi thủ hùng chưởng giả dã. Sinh diệc ngã sở dục dã, nghĩa diệc ngã sở dục dã. Nhị giả bất khả đắc kiêm, xả sinh nhi thủ nghĩa giả dã. Mạnh Tử, Cáo Tử Thượng). Toàn bộ hoạt động của xã hội đều đặt trên cơ sở “nghĩa" có tính bản năng, trừu tượng này của con người.

“Tính thiện" của Mạnh Tử, đương nhiên không phải được hình thành từ hoạt động thực tiễn bên ngoài mà tồn tại ở bên trong không biết từ bao giờ. Con người nếu không muốn đánh mất giá trị cao quý nhất đó của mình thì luôn hướng về bên trong (phản kỳ thân) chứ không phải hướng về bên ngoài. Toàn bộ thế giới bên ngoài sẽ được cải tạo nếu "tính thiện” bên trong được thăng hoa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được lung lay “tính thiện” đó: “Giàu sang không sa đọa, nghèo hèn không lay động, vũ lực không khuất phục" (Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng duy, uy vũ bất năng khuất. Mạnh Tử, Đằng Văn Công, hạ).
Đổng Trọng Thư mới là người đầu tiên không những tiếp tục "tự nhiên" hóa mà còn "siêu việt hóa” bản tính con người : "Đạo từ trời mà ra, trời không biến đổi thì đạo cũng không biến đổi" (Đạo xuất vu thiên, thiên bất biến đạo diệc bất biến. Xuân thu phồn lộ). Dẫu sao Đổng Trọng Thư vẫn xem "tính thiện" chỉ là cái “phái sinh”, con người chỉ là "phiên bản" của "Trời" (Thiên). "Trời” ở đây có hai nghĩa, có thể là "tự nhiên" và cũng có thể là “siêu nhiên”.

Nếu là “tự nhiên” thì quan niệm về con người là "tiểu vũ trụ” của Đổng Trọng Thư đã gắn liền toàn bộ cuộc sống của con người với tự nhiên. Hậu sinh chắc hẳn phải xem ông là người có công lớn trong việc bảo vệ môi sinh cho nhân loại. Nhưng có lẽ chủ ý của ông không phải ở đây, điều mà ông hướng tới chính là "cố định" bản tính của con người từ cái "tự nhiên bất biến" đã sinh ra nó. Nếu "Trời" (Thiên) còn có nghĩa là “siêu nhiên" thì có nghĩa là Đổng Trọng Thư đã thần bí hóa con người, vừa đặt con người trong "tự nhiện” nhưng lại đặt tự nhiên trong lòng bàn tay "siêu nhiên”.

Xem xét con người theo hướng "nội tại" (Immanent) của Mạnh Tử được Vương Dương Minh đưa đến tột đỉnh từ khi ông chịu ảnh hưởng của triết học Phật giáo Ấn Độ. Cái gọi là "Tâm học" của ông, với quan niệm "Tâm ta là vũ trụ, vũ trụ là Tâm ta”, có lẽ không còn dừng lại ở quan niệm "con người là tiểu vũ trụ” (nhân thân tiểu vũ trụ) nữa mà phải đổi thành “nhân thân đại vũ trụ” mới đúng. Giá trị tinh thần (đúng hơn là giá trị tâm linh) của con người được nâng cao tới mức chưa từng thấy. Mọi sự vật trên đời này đều bắt đầu từ chữ “Tâm”. Quan niệm này chẳng phải vẫn còn ảnh hưởng không ít trong xã hội ta hiện nay đó sao? Các Mác cho rằng thế giới thống ở vật chất, trong khi "Tâm học” lại cho rằng thế giới thống nhất ở tinh thần (Tâm). Phải chăng quan niệm này sai về triết học nhưng lại có phần hợp lý về đạo đức?
Đợi đến khi Tống Nho triết học hóa Nho giáo một bước dài thì quan niệm về con người mới trở thành hoàn chỉnh nhất so với trước đó. Thế giới vi mô (Microcosm) cũng được đặt trong quan hệ của thế giới vĩ mô (Macrocosm). Nếu con người có hai phần thể xác và tinh thần thì vũ trụ cũng có hai phần. Phần có thể nhìn thấy (hình nhi hạ), gọi là "khí", phần không thể nhìn thấy (hình nhi thượng) gọi là "lý". Tuy cũng là "lý” nhưng khi tồn tại trong lĩnh vực tinh thần của con người thì không gọi là "lý” nữa mà gọi là "tính". Lĩnh vực tinh thần của con người không phải chỉ có "tính" mà còn có "tình". "Tình” là những hoạt động cảm xúc. “Tính” và "tình" đều thuộc lĩnh vực tinh thần nhưng "tính" vốn là “lý” cho nên bao giờ cũng là "thiện", cho nên gọi là "Đạo tâm". "Tình" thường kéo con người xuống vũng bùn tội lỗi, nên gọi là nhân tâm. “Khí” là cái hình thành thể xác con người, chính nó là động lực của "tình". Tống Nho đã tìm cách giải thích nguồn gốc của cái "thiện" và cái "ác" nơi con người. Cái “thiện” và cái "ác" bên ngoài chính là biểu hiện của cái "thiện" và cái "ác" bên trong. Sự toàn thắng của cái "thiện" bên ngoài xã hội là kết quả của sự toàn thắng của cái "Thiện" bên trong. Nho gia phân loại hoạt động tâm lý của con người (nhân tâm) thành bảy loại, gọi là "thất tình” (Hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Bảy loại hoạt động tâm lý này được xem là tự nhiên, nhưng nó sẽ không có giá trị, hay nói cách khác, nó không được xem là "con người" nếu nó chưa đóng khung trong “lý" gọi là "Thập nghĩa" (mười quan hệ xã hội cần phải có : Phụ từ tử hiếu, huynh lương, đệ để, trưởng huệ, ấu thuận, phu nghĩa, phụ thính, quân nhân, thần trung. Lễ ký, Lễ vận). Nếu bản năng, dục vọng của con người bị xem là mầm móng của cái "ác", tôi vô hình chung quá trình tu dưỡng đạo đức trở thành quá trình tất yếu cắt đứt ngốc rễ động vật" đó nơi con người. Đó là điều không bao giờ có thể thực hiện được. "Con người trừu tượng" này luôn muốn khuất phục “con người hiện thực". Tuy nhiên, cho dầu cố gắng đến đâu đi nữa, nhiều lắm nó cũng chỉ có được toàn thắng danh dự" mà thôi. Sự chạy đuổi không ngang sức này càng về cuối càng trở thành một màn bi hài kịch, mặc sức bị Bà chúa thơ Nôm của Việt Nam làm cho "bầm giập, tơi tả”.

Trong khi Nho gia luôn hướng về bản tính "Thiện" của con người thì Pháp gia ngược lại. Bắt đầu từ quan niệm bản tính con người là “Ác” của Tuân Tử, Pháp gia càng ngày càng dựa vào đó để làm cơ sở cho mọi đường lối chính sách của mình. Pháp gia đã đẩy quan niệm bản tính con người là "Ác” vốn còn "ôn hòa" của Tuân Tử trở thành “cực đoan” đến nỗi tính "Ác" đó trở thành "vĩnh cửu” trong mọi không gian, thời gian. Bản tính “vị ngã” cố hữu của con người không bao giờ chấp nhận cái gọi là "nhân hòa". Kết quả của ván cờ giữa con người với con người chỉ có “thắng - bại" chứ không có "hòa". Những mặt hàng mà con người thường ham chuộng như "nhân ái", "khoan dung”, “tin yêu”…Xem ra chẳng có giá trị gì bao nhiêu đối với Pháp gia. Cho nên từ chỗ quan niệm của bản tính con người là “Ác” cũng sẽ dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa "vị kỷ", “bạo lực", "loại trừ lẫn nhau” và lo-gich tất yếu sẽ là "mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”.

Đạo gia không hề quan tâm đến bản tính con người là "Thiện hay "Ác”.Bởi vì chẳng có gì là "Thiện" hoặc "Ác" thuần túy cả. Đạo gia không xem xét bản tính con người trong quan hệ xã hội, bởi vì môi trường của bà dì ghẻ xã hội chẳng đem lại được điều gì tốt lành, ngoài việc làm cho bán tính của con người bị thui chột. Nhân nghĩa, đạo đức, pháp luật…nói chung những cái gọi là văn hóa, càng phát triển bao nhiêu thì con người càng thu hẹp lại bấy nhiêu. Đạo gia chỉ thừa nhận gạch nối duy nhất giữa con người tự nhiên. Bản tính của con người chỉ có thể tìm thấy nếu như bà dì ghẻ xã hội trả đứa con chồng này về với vòng tay của bà mẹ Tự nhiên của nó.

Không biết Rousseau có đọc Đạo đức kinh hay Trang Tử Nam Hoa kinh chưa? Chẳng biết vì sao giữa những con người này có vẻ "tâm đầu ý hợp". Chỉ khác ở chỗ một bên là đầu vào, còn một bên là đầu ra của xã hội phong kiến. Không phải chỉ có Rousseau mà ngay đến Feuerbach, nhà triết học nhân bản, cũng đã từng quan niệm rằng phải dựa vào tự nhiên để trả cái siêu con người về cho con người đó sao ? Đúng là Đông Tây không hẹn mà gặp.

Cái dở nhất của Đạo gia là ở chỗ trừu tượng hóa con người trong tự nhiên. "Con người" không thể thành người trong quan hệ duy nhất với "tự nhiên". Con người trước hết phải sống, muốn sống phái thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Muốn thỏa mãn nhu cầu bản thân phải hoạt động sản xuất, hoạt động sản xuất nhất định phải là hoạt động xã hội. Cho nên Ăng ghen khẳng định rằng lao động mới làm cho con người trở thành người.

Cái hay của Đạo gia không phải chỉ có giá trị ở thời cổ đại mà chính ngày nay, trong thời buổi hiện đại hóa, công nghệ hóa, nếu như chịu khó tiếp thu phần nào tư tưởng đó thì cũng đỡ tàn phá cội nguồn tự nhiên của con người, cũng đỡ biến con người thành những Rô-bốt được lập trình sẵn, đỡ biến mọi quan niệm thẩm mỹ, nghệ thuật, mọi tình cảm thành những chỉ số quy định băng giá. Tóm lại, mục đích cuối cùng của hiện đại hóa không phải là hiện đại hóa “hiện thực của con người" mà chính là hiện đại hóa "con người hiện thực”.

Dẫu sao quan niệm về con người trong triết học Trung Hoa cổ đại cũng chưa phải là điển hình của "siêu con người". Triết học Ấn Độ có lẽ là bậc thầy của nhân loại về lĩnh vực này. Không trách người ta gọi Ấn Độ là kinh tuyến của tư duy siêu hình, nó mờ nhạt dần khi chuyển về phía Đông. Thay vì đặt "con người" trong quan hệ xã hội, Upanisad đã đặt nó trong quan hệ với vũ trụ siêu hình. Atman trong Veda là con người cá thể, nó không hình thành và tồn tại trong quan hệ với xã hội, nó chỉ hình thành và tồn tại trong quan hệ với Brahman. "Brahman” lúc đầu được gọi là “Brahma”, chỉ giống cái. Nó chính là nguyên nhân của Atman giống như "Mẹ” sinh ra “Con" vậy. Nhưng về sau “Brahma" giống cái được “siêu hình" hóa bằng "Brahman" trung tính. Toàn bộ quan niệm gọi là "chính thống” của triết học Ấn Độ về con người chính là bắt đầu từ đây. Cho nên đối với con người, theo Upanisad, không gì quan trọng bằng sự hợp nhất giữa Atman và Brahman (Phạm ngã nhất như, rahmatmaikyam). Có lẽ không phải đợi đến Hégel mới "phát hiện" bản chất tự do nơi con người, trong Veda đã đề cập tới tính tất yếu gọi là Rta trong vũ trụ. Hạnh phúc của con người cuối cùng là ở chỗ có khải thoát" (Tự do) được khỏi sự ràng buộc của Rta đó hay không. Phương hướng "giải thoát" duy nhất không phải là “nhân hòa" như Nho gia, không phải “tự nhiên hòa" (Đạo pháp tự nhiên) như Đạo gia, cũng không phải “mạnh được yếu thua" như Pháp gia, mà là "hòa" giữa cái Tiểu ngã (Atman) và cái Đại ngã (Brahman).

Phật giáo ngay từ khi ra đời đã không đồng tình với việc trả con người (Tiểu ngã, Atman) về với siêu vũ trụ (Đại ngã, Brahman) cho nên bị xem là học thuyết phi chính thống. Cho dầu Phật giáo nguyên thủy hoài nghi "Atman" từ bình diện luân lý hay triết lý đi nữa thì cũng chỉ để trả lại "con người" theo đúng nghĩa của nó như Phật giáo đã quan niệm. "Vô ngã" (Anatman) chính là vũ khí nhằm loại trừ nguyên nhân làm cho con người khổ đau triền miên, chứ không phải nhằm loại trừ bản thân con người. Cũng có thể so sánh nó với quan niệm "vong ngã" để rồi "vị ngã" của Đạo gia. Tuy nhiên với thuyết duyên khởi, nhằm luận chứng cho “vô ngã", Phật giáo nguyên thủy cũng đã làm cho hậu sinh như rơi vào mê hồn trận, không biết ai là chủ thể, ai là khách thể của cái gọi là “giải thoát" (Moksa). Ý kiến phân tán, không ai chịu ai đến nỗi Phật giáo đã tách ra thành nhiều bộ phái khác nhau. Thôi thì ai là chủ thể, ai là khách thể cũng mặc, miễn là "chủ thể" (khách thể) đó nếu có thì chủ yếu cũng chỉ là một thực thể "tinh thần” được mệnh danh là Pudgala. Xu hướng con người = tinh thần, chung quy vẫn là xu hướng chủ yếu của triết học Ấn Độ. Ở xứ sở với những đỉnh núi băng tuyết cao nhất thế giới, lúc nào cũng ẩn hiện trong sương mù huyền thoại, kể cũng khó tìm thấy những học thuyết bất chấp những sức mạnh siêu hình, đòi trả con người về với “hiện thực" trần tục như thuyết Carvaka. Carvaka cho rằng hạnh phúc của con người chỉ có thể tìm thấy ở “bờ bên này" chứ không hề có ở cái gọi là "bờ bên kia". Ngược lại với quan niệm này, Đạo Jaina, một tôn giáo được xem là cổ xưa nhất ở Ấn Độ, cho rằng thể xác con người chẳng qua chỉ là trở ngại cho "giải thoát”. Linh hồn không thể giải thoát khi còn tồn tại trong thể xác. Quan niệm có vẻ cực đoan này xem chừng ít được “hoan nghênh" ở những miền đất ưa chuộng “thiết thực" như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…Những nơi này thường tiếp thu quan niệm về con người của Ấn Độ từ bình diện luân lý - xã hội hơn là từ bình diện triết học siêu hình. Bắt nguồn từ Yogacara ở Ấn Độ, Pháp tướng tông vì quá rắc rối bởi lĩnh vực tinh thần gọi là “bát thức", nhất là thức Alaya sâu thẳm trong tâm thức con người, nên tuổi thọ của học thuyết này cũng chẳng kéo dài được bao lâu, đành phải nhường chỗ cho Thiền Tông “thực tế” hơn. Thiền Tông tuy bắt nguồn từ "Trung đạo” của Nagarjuna ở Ấn Độ, nhưng “thực tế” hơn bằng cách đặt con người "lơ lửng" không bám víu vào đâu cả. Từ "không có, cũng không không” của Trung đạo, chuyển đổi thành ra một quan niệm về con người vừa chẳng phải thần thánh cũng chẳng phải ma quỷ, chẳng phải Tiên, Phật mà cũng chẳng phải trần tục. Cho nên Tuệ Trung Thượng sĩ mới bảo rằng "Phật là Phật mà Ta là Ta, Phật chẳng phải Ta mà ta cũng chẳng phải Phật”(3). Phật giáo Việt Nam không hướng về “con người hiện thực”, mà cũng chẳng thừa nhận “con người phi hiện thực". Cũng chẳng hướng về thiện thực của con người mà cũng chẳng hướng về “phi hiện thực của con người”. Nên nhớ ở đây chẳng phải "khẳng định” mà cũng không phải "phủ định", bởi vì cả hai cái đó đều là cực đoan cần phải tránh, nhất là khi xem xét về con người.

Những quan niệm chủ yếu về con người trong lịch sử vừa đề cập ở trên đều là những bông hoa muôn sắc trong vườn hoa của nhân loại Tuy nhiên, bông hoa về "con người hiện thực” phải đợi đến triết học Mác ra đời mới kết thành quả. Xuất phát điểm của triết học Mác không phải “hiện thực của con người" mà chính là “con người hiện thực". Muốn hiểu con người là gì thì trước hết phải lý giải quá trình hình thành của con người. Nghĩa là phải đặt con người trong quá trình lịch sử, chứ không phải xem xét con người như một thực thể cố định, bất biến trong thời gian, không gian. Vậy nguyên nhân gì để con người có thể trở thành con người? Không phải tìm nguyên nhân này ở bên ngoài mà phải tìm ở bản thân “con người hiện thực". Tồn tại trước hết là nhờ đáp ứng nhu cầu hiện thực. Nói cách khác, điều kiện của tồn tại là lao động, là hoạt động thực tiễn. Chính trong quá trình lao động "người hóa" khách thể, đến lượt mình với tư cách là "khách thể", con người mới trở thành chính mình. Lao động của con người đương nhiên không thể thiếu tính xã hội, cho nên "con người hiện thực” bắt đầu từ đâu thì lịch sử bắt đầu từ đấy. Cho nên không thể chỉ tìm bản tính con người trong quan hệ với tự nhiên mà quan trọng hơn phải tìm bản tính này trong quan hệ của con người với con người, tức là đặt “con người hiện thực” trong quan hệ với “hiện thực của con người" một cách toàn diện. Đó chính là một bước đột phá về quan niệm bản tính con người của triết học Mác và cũng là thiếu sót cơ bản của nhà triết học duy vật nhân bản Feuerbach mà Mác đã phê phán:

"Nhưng bản chất con người không phải là cái gì trừu tượng, cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong thực tế, bản chất con người là hiện diện những quan hệ xã hội”(4).

Có lẽ không nên xem câu nói trên là định nghĩa về bản chất con người của Mác, mà chỉ nên xem là phương hướng tiếp cận bản chất con người, bởi vì những quan hệ xã hội không phải bất biến, ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau đương nhiên quan hệ này không thể giống nhau được. Quan niệm của Mác khác với các quan niệm trừu tượng trước đây chính là ở điểm này. Cái gọi là “tồn tại có trước bản chất" (existence précèdes essence) của Jean Paul Sartre cũng chỉ là thuyết minh phần nào cho quan niệm của Mác về bản chất của con người.
Tóm lại, có thể rút ra những bài học gì từ quá khứ? Phải chăng ít ra cũng có thể nhìn lại cho rõ ràng hơn về những vấn đề sau đây:

1) Quan niệm của triết học Mác về con người vẫn không hề mất tính thời sự về việc giải quyết quan hệ giữa “con người hiện thực" và “hiện thực của con người" trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Nên nhớ rằng Mác không phải xuất phát từ "hiện thực của con người" mà chính là xuất phát từ lleon người hiện thực" và không phút nào xa rời những tiền đề ấy :

"Cách xem xét này không phải không có tiền đề. Nó xuất phát từ tiền đề hiện thực và không phút nào xa rời tiền đề ấy. Tiền đề ấylà con người, nhưng không phải là con người trong trạng thái ảo tưởng, thoát ly cuộc sống, biệt lập, mà là con người trong quá trình phát triển trong điều kiện nhất định, hiện thực, có thể quan sát bằng kinh nghiệm”(5).

Điều đó cảnh báo với thế hệ sau rằng chớ bao giờ nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích. Hình như xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dễ làm cho người ta hiểu nhầm về cái gọi là "chủ nghĩa duy vật", và chú ý quá nhiều đến hiện đại hóa "hiện thực của con người" hơn là “con người hiện thực”. "Chiến lược con người" đôi khi được lý giải thiên về phương tiện hơn là mục đích. Thực ra mục đích cuối cùng của hiện đại hóa cũng chính là hiện đại hóa con người hiện thực.

2) Khi xem xét bản chất con người trong quan hệ xã hội, trong quá trình lịch sử, hình như người ta chỉ quan tâm đến lịch sử của xã hội mà lãng quên lịch sử của tự nhiên. Lịch sử của con người đến đâu thì lịch sử của tự nhiên đến đấy. Con người không thể sống ngoài môi trường, vậy bản chất của con người làm sao có thể tách khỏi tự nhiên được? Mác phê phán chỗ thiếu sót của Feuerbach không có nghĩa là Mác phủ nhận những yếu tố hợp lý của Feuerbach. Tuyệt đối hóa cái xã hội, xem thường cái “tự nhiên” cũng có nghĩa là chủ thể hoạt động thực tiễn tự phủ định mình. Có lẽ cần phải suy ngẫm kỹ hơn nữa nhận xét sau đây của Mác :

Về mặt thực tiễn, tính phổ biến của con người biểu hiện ra chính ở cái tính phổ biến, nó biến toàn bộ giới tự nhiên thành thân thể vô cơ của con người, cả trong chừng mực mà, thứ nhất, giới tự nhiên là tư liệu sinh sống trực tiếp cũng như trong chừng mực mà {thứ hai} giới tự nhiên là vật liệu, đối tượng và công cụ của hoạt động sinh sống của con người. Giới tự nhiên - nghĩa là giới tự nhiên trong chừng mực bản thân nó không phải là thân thể của con người - là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải duy trì một quá trình thường xuyên để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn khăng khít với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền khăng khít với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên"(6).

Người ta hay quên đi "tự nhiên của con người" cũng có nghĩa là người ta ít khi còn nhớ đến “con người tự nhiên".

3) Bức tranh về con người của triết học Mác cần được tô điểm thêm bằng nhiều màu sắc khác nhau, trong đó có màu sắc của phương Đông. Nếu chủ nghĩa Mác cần được “củng cố bằng dân tộc học phương Đông"(7), thì quan niệm về con người của triết học Mác cũng cần được củng cố bằng quan niệm triết học về con người của phương Đông, những quan niệm cho tới nay cũng chưa được quan tâm nghiên cứu một cách tường tận. Con người thì ở đâu cũng là con người, nhưng con người phương Đông vẫn là con người phương Đông. Con người phương Đông trong chủ nghĩa xã hội ở phương Đông. Không hiểu con người thì cũng không hiểu chủ nghĩa xã hội, không hiểu con người phương Đông thì cũng không hiểu chủ nghĩa xã hội ở phương Đông.


(1)Các Mác – Pridrich Ăngghen Tuyển tập, Nxb ST, HN, t.1, 1980, tr.290.
(2) Sđd, tr.119.
(3) Thượng sĩ hành trạng, Thơ văn Lý Trần, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, t.2, tr.545.
(4)Các Mác – Pridrich Ăng-ghen Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, t.1, tr.257. Nguyên văn tiếng Đức “Ensemble” nên dịch là “hiện diện”, “toàn diện”, đúng hơn là dịch “tổng hòa”.
(5)Các Mác – Pridrich Ăng-ghen Tuyển tập, Nxb ST, HN, 1980, T.1, Tr.277-278. Những chỗ khác với bản I have been là do tôi (HTM) dịch lại.
(6) Sđd, tr.117.
(7)
Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, Nxb CTQG, H.1995, tr.465.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quyền con người – nhìn từ góc độ triết học

    10/12/2018Phó TS. Hoàng CôngChúng ta phải thừa nhận rằng khó có thể tìm thấy một định nghĩa triết học "kinh điển" nào về quyền con người. Ngay cả những nhà tư tưởng lớn như Lôccơ, Rútxô... và sau này Mác, Engen, Lênin cũng không đưa ra một định nghĩa nào về khái niệm này giống như cách làm thông thường đối với các khái niệm triết học khác...
  • Không gian tinh thần

    15/08/2017Nguyễn Trần BạtNgày nay chúng ta không thể chỉ bàn đến tự do như là quyền tự nhiên cổ xưa nữa, tự do hiện đại phải được khẳng định là các quyền chính trị, các quyền xã hội, các quyền văn hóa, các quyền kinh tế. Quyền con người bao giờ cũng được thể hiện trên cơ sở những khía cạnh như vậy. Không có kinh tế tự do, không được buôn bán làm ăn một cách tự do thì không có quyền tự do kinh tế. Không có các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do cư trú thì con người không có các quyền tự do xã hội.
  • Khái niệm tự do

    06/04/2016Nguyễn Trần BạtTừ xưa đến nay, tự do luôn là một khái niệm bí ẩn và trừu tượng đối với con người. Đúng như tên gọi, tự do không chịu khuôn mình vào bất kỳ chiếc khung nào, ngay cả trong những nỗ lực của các nhà triết học, các nhà khoa học ở mọi thời đại nhằm mô tả và lý giải khái niệm tự do. Có lẽ vì thế, cho đến nay, tự do là cái gì đó quen thuộc mà vẫn xa lạ đối với con người...
  • Con người - Đời người - Làm người

    28/03/2016TS. Hồ Bá ThâmĐây thật sự là vấn đề triết học nhân văn mà chưa thấy bàn nhiều ở nước ta với một tư cách là một chuyên đề độc lập trong các giáo trình và các chuyên luận. Hồ Chí Minh cho rằng: mọi vấn đề qui đến cùng là vấn đề ở đời và làm người. Các triết học và tôn giáo ít hoặc nhiều đều động chạm đến vấn đề đó với các góc độ, khía cạnh khác nhau...
  • Nghiên cứu phức hợp về con người

    18/08/2015Hồ Sĩ Quý"Hình tượng con người bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được tập hợp sắp xếp lại" (M. Scheler). Tiếp cận phức hợp về con người không phải là phương thức nghiên cứu hoàn toàn mới. Người ta biết tới lối nhận thức này ngay từ thời cổ đại...
  • Biện chứng của quá khứ

    08/08/2014Nguyễn Trần BạtTại sao quá khứ lại hấp dẫn và quan trọng đối với loài người như vậy? Sự hấp dẫn của quá khứ là do chính nó hay do con người bất lực và chỉ biết kéo lê quá khứ của mình đến tương lai? Đó chỉ là hiện tượng, hãy nhìn sâu hơn vào tâm hồn của mỗi con người để thấy rằng, có con người nào mà không mơ ước về tương lai, có dân tộc nào mà không hướng về tương lai? Quá khứ thật hấp dẫn nhưng quá khứ có vai trò như thế nào đối với tương lai? Tương lai, thực ra là gì và làm thế nào để có được nó?
  • Tự do sinh ra con người

    21/03/2014Nguyễn Trần BạtCó nhiều cách lý giải về nguồn gốc hình thành con người, nói đúng hơn là quy luật hình thành các giá trị con người. Tôi cho rằng, con người được sinh ra bởi hai quy luật: quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Quy luật tự nhiên là quy luật sinh học, còn quy luật xã hội là quy luật của tự do. Không phải quy luật tự nhiên sinh ra con người thì đó đã là con người theo đúng nghĩa. Chính tự do sinh ra tất cả các quyền làm người, tự do hoàn thiện con người...
  • Vấn đề con người, nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại và chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay

    28/02/2009TS. Hồ Bá ThâmVấn đề con người luôn luôn là sự quan tâm phân tích, luận bàn trực tiếp hay gián tiếp của các trường phái triết học xưa nay. Tuy nhiên, tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử mà sự phát hiện và nghiên cứu về con người có góc độ và khía cạnh khác nhau. Chủ đề này không mới nhưng lại luôn luôn mang tính thời sự và chưa bao giờ cũ. Chúng ta khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh thì nhiều nhưng khám phá, tìm hiểu về con người, bản thân mình, như nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, thì vẫn còn ít...
  • Con người sinh thái, con người tâm linh

    11/02/2009TS. Hồ Bá ThâmNgày nay đã có khá nhiều sách báo trong và ngoài nước nói về trường sinh học và tâm linh, chẳng hạn, GS. Hoàng Phương cũng đã có cuốn "Con người và trường sinh học", hay "Tích hợp văn hóa Đông Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai", hoặc gần đây có cuốn của Hằng Nga – "Ngoại cảm, sự thật hay huyền thoại", hoặc Roberto Assagioli với "Siêu cá nhân". Vấn đề này đang là vấn đề hóc búa của khoa học và của triết học, tuy đã có một bước nghiên cứu nhưng có vấn đề chưa đủ mức sáng tỏ về mặt thực nghiệm.
  • Tiềm năng con người qua nhãn quang khoa học - khai mở tiềm năng bằng tri thức

    30/01/2008Hồ Văn Khánh"Tiềm năng" có nghĩa là năng lực tiềm tàng trong cuộc sống, những nguồn năng lượng tiềm ẩn trong cơ thể. Chúng có thể đã, đang và sẽ biểu hiện qua muôn hình vạn trạng của tạo vật trên mọi khía cạnh, sắc thái của vạn hữu tùy theo thiên chức nhân duyên hay sự điều tâm rèn luyện mãnh liệt...
  • Tự do sinh ra con người

    21/04/2007Nguyễn Trần Bạt- Chủ tịch/ Tổng Giám đốc InvestConsult GroupKhái niệm tự do gắn với khái niệm con người. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, hai khái niệm này tạo thành một mối quan hệ cực kỳ mật thiết, quan hệ biện chứng và phát triển. Thế nhưng không chỉ khái niệm tự do mà khái niệm con người từ trước đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ và chưa được hiểu một cách nhất quán.
  • Quan niệm về con người trong triết học L.Feuerbach

    22/01/2007Lê Cộng SựTiếp thu những giá trị tư tưởng trong nhân bản học của Kant, đồng thời dựa trên những thành tựu mới của khoa học tự nhiên đương thời, L. Feuerbach (1804-1872) có tham vọng vươn tới việc thiết lập một nền triết học mới - triết học tương lai, lấy con người và đời sống tâm - sinh lý của nó làm đối tượng nghiên cứu cơ bản...
  • Nghiên cứu con người Việt Nam: Mấy vấn đề nhận thức và phương pháp

    18/12/2006Hồ Bá Thâm...từ lâu các học giả nước ta đã chú ý nghiên cứu con người và nhất là con người Việt Nam từ nhiều góc độ, lối nhìn mà càng về sau càng toàn diện và sâu sắc hơn. Kết quả đó cũng khá khả quan như một bước tiến dài trên con đường nghiên cứu nhiều mặt giúp cho độc giả có hiểu biết khá hệ thống ở tầm khoa học và triết học về con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng...
  • Con người văn hóa trong tư tưởng của một số doanh nhân dân tộc

    01/01/1900Nguyễn Bình YênSo với một số nước có nền văn minh phát triển sớm như TrungQuốc, Ấn Độ và một số nước TâyÂu thì Việt Nam không có những học thuyết tư tưởng lớn có vai trò chi phối sự phát triển xã hội như Nho gia, Đạo gia...
  • Tiếp cận tính toàn vẹn về con người và thế giới con người

    19/07/2005Đỗ HuyCon người và thế giới con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều nghành khoa học khác nhau, như tâm lý học, xã hội học, lịch sử, văn hoá học…Song, theo chúng tôi, chỉ có triết học và triết học Mácxít chư không phải triết học Cantơ, Hêgen, Phoiơbắc hay những trào lưu triết học sau này như chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa hiện sinh mới có cách giải quyết đúng đắn vấn đề này. Làm được điều này, các nhà triết học Mácxít đã dựa trên quan điểm thực tiễn vật chất - tinh thần, trong đó, tâm điểm của nó là lao động của con người.
  • xem toàn bộ