"Cơn sốt” nhật ký chiến tranh

10:15 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Chín, 2005

Thành công vang dội của "Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là hiện tượng chưa có tiền lệ trên thị trường sách, các phương tiện truyền thông, cả trong tâm tưởng độc giả và toàn xã hội, nhất là lớp trẻ. Một số học giả đã đưa ra những kiến giải về “cơn sốt” này...

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Giới trẻ tìm thấy những điều gần gũi với mình

Nhật ký chiến tranh đang gây cảm xúc mạnh mẽ với thế hệ @. Lý giải điều này như thế nào? Thời đại đã thay đổi rất nhiều, và cuộc sống hiện tại thì “cuốn” mọi người theo rất nhanh, sức “cuốn” đó tạo nên những khoảng trống làm cho các bạn trẻ thấy hẫng hụt. Phải chăng các bạn trẻ đã tìm được trong những trang nhật ký chiến tranh những điều thực sự rất gần gũi với mình và đã chấp nhận ngay?

Đó không chỉ là những người lính cầm súng lao lên chiến hào, mà là những con người cụ thể với đầy ắp những ước mơ, hoài bão, niềm vui, nỗi buồn…

Đối với những người làm sử thì những cuốn nhật ký, hồi ký bao giờ cũng là nguồn tư liệu quý giá. Mặc dù mỗi con người là một thế giới riêng, nhưng cũng đều nằm trong một bối cảnh lịch sử chung, và những điều họ viết trong nhật ký, hồi ký đều tạo ra những nhận thức về lịch sử tương đối chính xác.

Vì sao môn sử không hấp dẫn các em, mà nhật ký chiến tranh thì hoàn toàn ngược lại? Tôi nghĩ rằng cách viết sử của chúng ta hiện nay còn ở trong tình trạng tạm gọi là vô nhân xưng, thiếu bóng dáng con người, thì chính những cuốn nhật ký chiến tranh là cái bổ sung rất phong phú, hấp dẫn, và đặc biệt là rất thuyết phục bởi vì đó là…nhật ký. Khi mà chúng ta đang hướng đến hội nhập, nên chăng biến những bài học rút ra từ cuộc chiến tranh để phục vụ cho thời bình.

Hiện tượng nhật ký chiến tranh cũng cho thấy chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo tồn ký ức, lâu nay chúng ta rất quan tâm đến bảo tồn những di tích vật thể mà quên mất rằng ký ức cũng là một di sản phi vật thể. Nhất là với thực tiễn lịch sử đất nước ta, với cuộc chiến tranh hào hùng như vậy, thì mỗi một con người đi vào cuộc chiến tranh đó đều có thể là những pho sử liệu rất quý.

Tôi rất tâm đắc với anh Đặng Vương Hưng - Người đã sưu tầm những cuốn nhật ký chiến tranh - ở chỗ thông qua những trang nhật ký đó điều quan trọng là giúp các em nhận thức ra một sự thực, giúp các em “nhìn rõ” thế hệ cha anh hơn. Chứ nhật ký chiến tranh không phải để cung cấp những tri thức cụ thể về chiến tranh cho các em, và cũng không nên đòi hỏi bạn trẻ buộc phải chú tâm vào đó.

Chúng ta hướng đến tương lai, với những bạn trẻ cảm thấy có chỗ dựa vững chãi ở sau lưng là sức mạnh tinh thần của những thế hệ đi trước.

Cũng cần nói thêm rằng, việc viết hồi ký ở nhiều nước là trách nhiệm xã hội, đồng thời cũng là quyền lợi xã hội, nên các nhân vật có vị trí nhất định trong đời sống xã hội, không nhất thiết là nhà chính trị, thường quen với việc viết hồi ký.

Ở ta, việc này gần đây cũng có xuất hiện, nhưng tôi nghĩ là các ngành chức năng cần khuyến khích nhiều hơn thể loại nhật ký cũng như hồi ký, thì sẽ bảo tồn được rất nhiều ký ức quý báu cho dân tộc. Tôi cũng nghĩ rằng, lịch sử không phải là một tấm gương lớn để trước mặt, vì cứ để trước mặt thì chỉ thấy những đỉnh cao ở phía sau lưng mình, nhưng nếu để nó như là một tấm gương chiếu hậu cỗ xe, thì lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác…

Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn (biên soạn giới thiệu cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”: Chúng ta đã phát hiện ra “cái mỏ” mới

Theo tôi, chúng ta nên làm từ tốn, chắc chắn và đặc biệt hiệu quả. Nếu không cẩn thận, nếu không đầu tư công sức, chúng ta sẽ biến nhật ký thành thứ “hàng chợ” - một thứ đại trà, gây phản cảm. Trong 40 năm làm nghề tôi chưa từng thấy hiện tượng như thế này bao giờ.

Hồi trước từng có Sống như anh, đã khơi động sự xúc cảm của toàn xã hội. Nhưng hồi ấy cuộc sống có những điều kiện khác, bây giờ lại khác. Độc giả bỏ tiền ra mua sách, chứ không phải ấn sách vào tay người ta. Độc giả có quyền chọn lựa, nếu không thích người ta bỏ ngay, không đọc đâu. Cho nên giới thiệu một cuốn sách nào trên báo cũng phải “đắt”.

Mai Thời Chính - Giám đốc NXB Thanh niên: Xuất bản nhật ký chiến tranh là nhiệm vụ của toàn xã hội

Với tư cách là Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên, ông bình luận gì về “cơn sốt” đăng tải nhật ký chiến tranh của những liệt sỹ trẻ tuổi trên nhiều tờ báo?

Hiện nay xã hội đang rất quan tâm về những cuốn nhật ký, hồi ký của những người đã trực tiếp kinh qua các cuộc kháng chiến. Điều đầu tiên khiến độc giả hưởng ứng vì đây là thể loại rất chân thực. Hơn nữa, tác giả là những con người hết sức bình thường. Thí dụ: anh Thạc là một sinh viên, chị Trâm là một bác sỹ...

Nhưng qua những trang viết của họ sẽ giúp cho thế hệ hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha anh đã suy nghĩ, đã sống và làm việc như thế nào. Trong các diễn đàn tôi đã nhiều lần cám ơn báo chí đã chắp cánh cho những cuốn sách nói chung, những cuốn nhật ký như vừa rồi nói riêng, đi đến mọi miền đất nước và “làm tổ” trong lòng bạn đọc.

NXB Thanh niên đã có công rất lớn trong việc giới thiệu một tác phẩm có khả năng giáo dục lý tưởng cho thanh niên. Anh có tin cuốn sách sẽ góp phần khơi dậy lý tưởng sống và trách nhiệm xã hội cho thanh niên hiện nay ?

Đúng là hiện nay có một bộ phận thanh niên có một số lệch lạc trong quan niệm sống, lý tưởng sống. Những cuốn nhật ký trên chính là tấm gương giúp họ soi vào quá khứ để nhận ra mình và sống tốt hơn.

Hiện nay chúng tôi đang triển khai tái bản một số cuốn hồi ký đã làm từ những năm trước, như: Nhật ký Bê Trọc, Nhật ký Chu Cẩm Phong. Có thể chúng tôi cũng sẽ giới thiệu lại Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký Trần Đăng, Nhật ký Nam Cao... Dù cho không tạo nên những “cơn sốt” như Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm nhưng việc làm đó vẫn có ý nghĩa lớn. Nó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò của báo chí và xuất bản.

PGS.TS Xã hội học Mai Quỳnh Nam: Nhật ký chiến tranh khẳng định lại giá trị cơ bản của dân tộc

Tôi cũng là một người lính, đọc những tác phẩm đó, tôi như gặp lại chính bản thân mình. Thí dụ chuyện của anh Thạc rất gần gũi với tôi. Nhật ký của anh Thạc, chị Trâm và nhiều liệt sỹ trẻ vô danh khác đã nói lên tiếng nói của cả một thế hệ.

Việc xuất bản các cuốn hồi ký, nhật ký từ thời chiến tranh, cũng như việc đăng tải các tác phẩm đó trên báo chí là rất cần thiết. Bởi nó làm cho người ta có điều kiện sống lại lịch sử, khẳng định lại giá trị cơ bản của dân tộc.

Việc làm đó nên tiến hành thường xuyên, có hệ thống, và đi vào thế tương đối ổn định, gắn với giáo dục truyền thống yêu nước, nhân sinh quan, quan niệm lý tưởng đối với người trẻ, đặc biệt là nghĩa vụ của họ đối với đời sống xã hội và quan hệ cá nhân của họ đối với cộng đồng.

Điều này cần đặc biệt nhấn mạnh trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cách sống Thùy Trâm

    07/09/2005Nhà Văn Nguyên NgọcNhà văn Nguyên Ngọc - người với con mắt tinh đời và tình cảm yêu thương sâu nặng - nói về chất "lửa" trong cuốn nhật ký tình cờ tìm thấy trong đống tro tàn của cuộc chiến tranh...
  • Qua "Mãi mãi tuổi hai mươi" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" – nghĩ về văn hóa đọc

    07/09/2005Nguyễn HoàTheo tác giả Nguyễn Hòa, nếu coi Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm là hiện tượng cho thấy văn hóa đọc hình như chưa xuống cấp, thì phải chăng muốn lý giải vì sao người đọc thờ ơ với văn chương, trước hết phải đi tìm nguyên nhân từ người viết...
  • 2 cuốn nhật ký: Có thể so sánh với Sống như Anh

    07/09/2005Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nhà văn Nguyễn Phan Hách khẳng định hiệu ứng của nhật ký Đặng Thùy Trâm chỉ có thể so sánh với sức sống mãnh liệt của “Sống như Anh” (Thái Duy), “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi) thời chống Mỹ...
  • Giá trị đích thực của lẽ sống tuổi trẻ VN

    07/09/2005Nguyên Tổng bí thư Lê Khả PhiêuNguyên Tổng bí thư LÊ KHẢ PHIÊU cho biết: "Khi trên báo Tuổi Trẻ trích đăng nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi đã đọc, cắt và đóng lại theo tập. Sau đó, tôi chuyển cho vợ, các con và các cháu tôi cùng đọc. Vợ tôi nói “hay quá, cảm động quá”. Chuẩn bị chuyến đi công tác miền Trung khá dài ngày, tôi cứ Io sẽ không được đọc tiếp.Nhưng trước khi đi, tôi được tin nhà xuất bản đã cho in cả hai tập nhật ký của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc...
  • Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm

    03/08/2005Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tiếp theo cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - Mỗi ngày một cuốn sách xin trân trọng được giới thiệu đến bạn đọc, những người yêu thích sách tập "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" của tác giả Liệt sĩ Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
  • Nguyễn Văn Thạc - Tình yêu và hạnh phúc

    06/07/2005Chưa đầy 20 tuổi, Nguyễn Văn Thạc khoác ba lô vào chiến trường, chỉ mười tháng tuổi quân, chàng sinh viên khoa Toán - Cơ, đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc một thời đã viết hàng trăm trang thư, nhật ký và nhiều bài thơ có giá trị về chuyện đời, chuyện người… Quãng thời gian ngắn ngủi ấy, Nguyễn Văn Thạc đã viết lên đời mình và mãi để lại cuộc sống này một dấu ấn đẹp về tình yêu và hạnh phúc...
  • Mãi mãi tuổi hai mươi - một cuốn nhật ký đáng đọc

    05/07/2005Nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" - của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc 1952-1972 (viết từ ngày nhập ngũ 2.10.1971 đến ngày 24.5.1972) do NXB Thanh Niên vừa giới thiệu (ảnh) chiều 4.5.2005 là cuốn nhật ký dày dặn và khá hoàn chỉnh đầu tiên được xuất bản. Nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng cùng với việc biên soạn "Những lá thư chiến tranh", đã làm được một việc tốt đẹp - nhiều khi còn có ích hơn cả việc sáng tác - khi sưu tầm giới thiệu tập nhật ký này..
  • xem toàn bộ