Con trâu và chuyện “Tam nông”

10:37 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Giêng, 2009

Nhắc đến con trâu lại nhớ đến những ngày sôi nổi chuẩn bị cho SEAGAME tổ chức tại Việt Nam. Cuộc tranh luận để tìm chọn “vật linh” biểu tượng cho giải thi đấu này “gút lại” là con Trâu và chú Tễu. Rốt cuộc con trâu đã được chọn. Một phần được thi đấu trên sân nhà nhưng nói chung chú trâu cần cù đã đưa đoàn Việt Nam đạt được những thành tích cao.

Nói đến con vật tiêu biểu cho vùng sinh thái nhiệt đới và nền nông nghiệp lúa nước này, người ta dễ liên tưởng đến câu thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp". Trên những cánh đồng ngập nước, có lẽ không có sức kéo tự nhiên nào bằng con trâu "cổ cày vai bừa" - không chỉ nhờ sức lực mạnh mẽ mà mỗi khi xem lễ hội chọi trâu chúng ta có thể hình dung được, mà còn nhờ vào tính cần mẫn đi hết đường cày này đến đường cày khác và giỏi chịu đựng từ cái nắng như đổ lửa mùa hè đến cái rét cắt da của mùa đông. Và có lẽ không con vật nào mang lại lợi ích nhiều mà lại dễ nuôi như con vật này, chỉ cần cỏ và rơm là đủ.

Nhưng đã nói đến con trâu là nói đến người nông dân. Cái câu ca êm ái và thân tình: "Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…" đủ thấy sự gắn bó mật thiết dường nào. Tuổi trẻ biết bao người sau này thành đạt trên chính trường, thương trường đã từng ngồi trên lưng chú trâu thân thuộc với cả thời niên thiếu ở quê hương... Và giờ đây, mỗi khi cần nói đến một giá trị nào đó để thấy cái sự bất công trong đời sống, người ta thường mang con trâu ra mà đo lường,ví như ông này đi cái xe “1000 con trâu”. Bởi lẽ con trâu là "đầu cơ nghiệp" của người dân quê...

Bước vào năm Trâu này - năm Kỷ Sửu - vào thời điểm đất nước đang chuyển đổi mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với thế giới giữa cơn bão khủng hoảng kinh tế, con trâu như một biểu tượng nhắc nhở, một thông điệp sâu sắc. Rằng chớ quên cái nền tảng "chân quê" của xã hội và con người Việt Nam. Cái chất chân quê ấy trong trường kỳ lịch sử đã làm nên sức mạnh của dân tộc để tồn tại nhờ sự cần cù lao động, sự chịu dựng thử thách và sự quật khởi...

Đương nhiên, con đường tiến bộ là phải đổi mới, phải công nghiệp hoá, đô thị hóa..., nhưng nếu những quá trình biến chuyển ấy không đặt trên nền tảng bảo tồn những giá trị vốn là truyền thống, bỏ quên hay bỏ rơi những giá trị ấy thì nó sẽ phải trả giá. Mà trong sự bảo tồn ấy, quan trọng hơn hết là con người (nguồn nhân lực) và môi trường (sinh thái và văn hóa).

Những vấn nạn mà sau một thời gian khá dài ta say sưa với công nghiệp hóa, đô thị hóa mà quên mất cái đòi hỏi phải "sâu rễ bền gốc" nay chúng ta đang phải trả giá. Tình trạng đô thị hóa thiếu quy hoạch đang phá vỡ cảnh quan và môi trường nông thôn nảy sinh không ít những yếu tố phi văn hóa và cả tệ nạn xã hội vốn chỉ có ở đô thị. Tình trạng ăn xổi trong thu hút đầu tư để công nghiệp hóa đang đe dọa an toàn lương thực và làm suy thoái môi trường một cách nghiêm trọng. Những con sông chết mòn, những làng quê ô nhiễm bệnh tật… và cuối cùng là sự bất công đối với một bộ phận to lớn dân cư nghèo đi trong sự giàu lên của một bộ phận xã hội - nó làm cho sự giàu có, phát triển của đất nước trở nên thiếu bền vững. Nhiều giá trị đạo lý bị đảo lộn, những bất công xã hội nảy sinh mà phần thiệt thòi nhất bao giờ cũng rơi vào những con người gắn bó với con trâu trên đồng ruộng.

Nghị quyết "Tam nông" quan tâm đến ba bộ phận cấu thành là nông dân, nông thôn và nông nghiệp được Đảng thông qua mới đây chính là sự thức tỉnh trong nhận thức về con đường phát triển bền vững của quốc gia và dân tộc. Cho đến nay, nếu bình công thì một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của đất nước đó là Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và XK gạo đứng thứ 2 trên thế giới hẳn có đóng góp của con trâu.

Cho dù mai đây, nông nghiệp sẽ tiến lên hiện đại hóa và cơ giới hóa, con trâu có thể vắng dần trên đồng ruộng, nhưng mãi mãi nó sẽ là một giá trị nhắc nhở cái gốc gác của một dân tộc sinh thành và trường tồn nhờ vào sức lực và sự cần cù của con trâu; chính cuộc sống gắn bó với con trâu trong lao động đã tạo nên phần nào cái cốt cách của con người Việt Nam trong lịch sử. Do vậy mà đến ngày đất nước ta hội nhập và phát triển với thế giới hiện đại - thì mãi mãi con trâu vẫn là một phần ký ức trong tâm thức của con người Việt Nam.

Vì thế, bước vào năm Kỷ Sửu, chúng ta có thể tin vào một trải nghiệm lịch sử của một dân tộc có bản lĩnh biết vượt qua mọi thử thách.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nông dân cần được đối xử công bằng

    26/07/2008Vũ Ngọc Tiến“Tam nông” là thuật ngữ du nhập từ Trung Quốc, còn “Chính sách về tam nông” là ta đang học tập kinh nghiệm từ nước bạn, song như lời ông Lê Huy Ngọ- Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nói: “Không phải kinh nghiệm nào của nước ngoài áp dụng vào nông nghiệp Việt Nam đều tốt, nếu như ta không vận dụng nó phù hợp với thực tiễn của nước mình”...
  • Mấu chốt “tam nông”

    10/07/2008Đỗ Chí NghĩaĐất nước hơn 80% là nông dân, phần lớn người thành phố cũng từ nông thôn, nông dân mà ra. Nếu đời sống của hơn 80% dân số không được cải thiện, công cuộc mưu sinh còn trắc trở thì đất nước chưa thể nào “cất cánh“...
  • Góp đôi lời bàn về tam nông hiện nay

    02/07/2008Vũ Ngọc TiếnVấn đề tam nông đến thời điểm này, khi mà công cuộc đổi mới đã đi được chặng đường 22 năm ta mới đặt ra cấp thiết, theo tôi là quá muộn. Song dù muộn vẫn còn hơn không...
  • Bờ xôi ruộng mật chính là hồn Việt

    06/05/2008GS, TS Nguyễn Lân DũngTừ chỗ không đủ ăn đến chỗ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo, vào loại xuất khẩu hàng đầu về nhiều nông phẩm nhiệt đới như cao su cà phê, tiêu, điều và gần đây thủy sản cũng chiếm vị trí rất cao trong xuất khẩu... thì rõ ràng là nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có một bước chuyển mình rất lớn...