Cộng hòa và dân chủ

08:39 CH @ Thứ Tư - 20 Tháng Mười, 2010

Thưa tiến sĩ Adler,

Người ta có hình thức chính quyền dân chủ hay cộng hòa.Chính xác thì sự khác biệt giữa hai hình thức này là gì?

N.C.

N.C. thân mến,

Đầu tiên chúng ta hãy làm rõ điều chúng ta muốn nói khi bàn về hình thức dân chủ và cộng hòa của chính quyền.

Một nền cộng hòađơn giản là kiểu chính quyền hiến định trong đó những người nắm quyền là do các công dân chọn lựa. Một chính quyền hiến định là một chính quyền mà trong đó tổ chức căn bản và các bộ phận của nó được luật pháp xác lập. Đó là một chính quyền của luật pháp hơn là một chính quyền của những con người cụ thể nào đó. Kiểu “Ta là quốc gia” của Louis XIV(1)hay “Ta là luật pháp” của Adolf Hitler(2) là cách diễn đạt tiêu biểu cho các chính quyền không do hiến định.

Các nền cộng hòacũng khác biệt nhau. Đã có những nền cộng hòa do những người giàu có hoặc dòng dõi thượng lưu cai trị. Những nền cộng hòa đó được gọi là chế độ quý tộc hoặc chế độ quả đầu (chế độ mà thiểu số nắm quyền lực). Chúng tồn tại ở Hy Lạp cổ, ở Ý thời Phục hưng và ở Anh thế kỷ 18. Đó là những hình thức chính quyền hiến định trong đó những người cầm quyền là do các công dân chọn ra, nhưng những công dân đó chỉ là một thiểu số ưu tú dựa trên tiêu chuẩn dòng dõi hoặc tài sản.

Dân chủ cũng là hình thức chính quyền hiến định hoặc cộng hòa như vậy nhưng những người nắm quyền là do một số đông, thay vì một thiểu số, chọn ra. Bây giờ, từ “số đông” lại có nhiều ý nghĩa thay đổi qua các thời kỳ. Đã có một thời cách đây không lâu tại Mỹ khi phụ nữ không được quyền bầu cử. Cuộc đấu tranh của người da đen để giành quyền bầu cử vẫn còn diễn ra ở một số tiểu bang miền Nam. Ở Hy Lạp cổ, nơi phát nguyên thuật ngữ “nền dân chủ”, các nô lệ và người nước ngoài không được quyền bầu cử. Ở Athens thời Pericles, đỉnh cao của nền dân chủ Hy Lạp, trong dân số 120.000 người thì có chưa tới 30.000 người được coi là công dân.

Ngay trong mô hình cộng hòa, nước Mỹ trong thời kỳ đầu cũng giới hạn quyền bầu cử cho riêng những người tự do thôi (tức là người da trắng), và ở nhiều bang người ta phải đạt những điều kiện về tài sản thì mới có quyền bầu cử. Nhưng nguyên tắc về nền cai trị bởi “một bộ phận lớn dân chúng” đã có mặt ngay từ buổi đầu ấy; thực tình, tôi đã lấy nhóm từ này trong The Federalist(“Hồ sơ Liên bang”). Alexander Hamiltonvà những người khác bảo vệ Hiến pháp Mỹ đã chọn “chính quyền nhân dân” hơn là chế độ quân chủ, quí tộc hay quả đầu.

Một sự lẫn lộn nào đó đã nảy sinh từ sự kiện rằng Hamiltoncùng những nhà lập quốc khác của Mỹ đã nói rằng họ ủng hộ một nền cộng hòa hơn một nền dân chủ. Nhưng khi nói đến nền cộng hòa, họ muốn nói đến một nền dân chủ đại diện, trong đó dân chúng trao quyền lập pháp và hành pháp cho những người mà họ bầu chọn. Họ muốn cơ chế này hơn là kiểu công dân trực tiếp hành động cùng cai trị như trong những nền dân chủ ở Hy Lạp cổ. Ngày nay, sự phân biệt này cũng cổ lỗ rồi, vì các nền dân chủ hiến định hầu như luôn vận hành thông qua các đại biểu của dân chúng. Nền dân chủ đại diện, như có ở Mỹ hiện nay, là một chính quyền cộng hòa.

Quyền bầu cử ngày nay đã được bảo đảm cho mọi công dân thành niên có thần kinh lành mạnh. Địa vị công dân được dành cho bất kỳ ai ra đời tại Mỹ hoặc đã nhập tịch đúng thủ tục. Phổ thông đầu phiếu là điều khác biệt căn bản giữa nền dân chủ Mỹ với nền dân chủ ở Hy Lạp cổ hoặc nước Mỹ buổi đầu lập quốc. Một khác biệt nữa giữa nền dân chủ Hy Lạp cổ và nền dân chủ Mỹ là ở chỗ người Mỹ trao các quyền chính trị cho những người nắm quyền thay vì trực tiếp cai trị thông qua những đại hội đồng nhân dân.

Theo tôi thấy, điều cốt tủy của nền dân chủ là phổ thông đầu phiếu mà không bị những hạn chế độc đoán dựa trên dòng dõi, tài sản hay tín ngưỡng. Đây là nguồn cội của điều tôi gọi là “tự dochính trị”. Tôi nghĩ điều này quan trọng đến nỗi tôi dành cả một phần trong tập thứ nhất của bộThe Idea of Freedom(“Ý niệm Tự do”) để bàn về nó.

Trong bộ sách đó, tôi định nghĩa tự do chính trị là một quyền tự do mà chính quyền hiến định dành cho người dân, và quyền đó chỉ nằm trong tay những người đã hoàn toàn trưởng thành và là thành viên tích cực của một cộng đồng biết tự trị. Quyền tự do đó nằm trong quyền bầu cử. Điều cốt yếu đối với tự do chính trị là ở chỗ ý chí của cá nhân công dân thực sự quyết định ý chí của chính quyền. Đó là điều mà các chế độ chuyên chế, độc tài, hoặc dân chủ giả hiệu đều không đạt được.

(1)Louis XIV(Louis Le Grand Monarque) (1638 – 1715): vua nước Pháp từ 1643đến 1715.
(2)Aldolf Hitler(1889 – 1945): nhà độc tài phát xít Đức.

Nội dung liên quan

  • Hữu – tả có gì khác?

    21/10/2013Nguyễn Chính Viễn – Bùi ThậtTả khuynh hay cánh tả, phái tả dùng để chỉ những người trong guồng máy chính trị nhưng có tư tưởng tiến bộ, đổi mới, dân chủ. Ngược lại, từ hữu khuynh hay cánh hữu, phái hữu dùng để chỉ người có tư tưởng thụt lùi, bảo thủ...
  • Chủ nghĩa tư bản thân hữu

    20/10/2010TS. Nguyễn Sĩ DũngNhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), TS Nguyễn Sĩ Dũng có bài bàn về chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thứ quan hệ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia...
  • Đọc bài "Quốc hội ta vĩ đại thật" của chủ tịch Hồ Chí Minh

    31/03/2007Trần Lưu Sơn (Sở Tư Pháp Tỉnh Hà Nam)Với bút danh T.L chủ tịch Hồ chí Minh viết bài”quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10-7-1960. Trong không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử quốc hội khoá XII chúng ta cùng đọc lại bài viết của người...
  • Vài nét về chủ nghĩa bảo thủ hiện đại ở phương Tây

    03/12/2005Nguyễn Văn DũngTrong những thập kỷ gần đây, trên sách báo chính trị - xã hội của phương Tây thường xuất hiện những khái niệm như "Chủ nghĩa bảo thủ" (Conservatism), “chủ nghĩa bảo thủ mới" (Neoconservatism), "phái hữu mới" (New Right). Các nhà khoa học xã hội ở nhiều nước đã dành nhiều thời gian, công sức để phân tích, lý giải các khái niệm này.