Dân chủ hóa về chính trị

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
09:06 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008

Dân chủ hóa là xu thế tất yếu không chỉ của thế giới thứ ba mà của toàn nhân loại. Trong quá trình tương tác và cạnh tranh giữa các nền kinh tế, bản thân con người cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu và ngày càng khốc liệt. Giá trị cá nhân là sức cạnh tranh và sức cạnh tranh chính là nhân tố quan trọng nhất của một quốc gia.

Tôi cho rằng, sự cạnh tranh toàn cầu đang tố giác một thực tế quan trọng là năng lực cạnh tranh hiện nay của các nước thế giới thứ ba rất kém. Trong quá trình đi tìm cách nâng cao sức cạnh tranh, chính các nước này sẽ phát hiện ra nguồn gốc của sự thiếu năng lực cạnh tranh đó là thiếu tự do. Tự do là nguồn gốc của sự tăng trưởng các năng lực con người, là vốn liếng tự nhiên quan trọng nhất để con người nâng cao năng lực của mình và do đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các dân tộc. Quá trình hội nhập tạo ra sự thức tỉnh của các nước thế giới thứ ba về việc thiếu tự do. Do vậy, các quốc gia phải tìm mọi cách huy động hay giải phóng nhân tố này một cách tối đa. Trong lịch sử nhân loại, chỉ có tự do mới có thể tổ chức triệt để lực lượng này và dân chủ là thể chế duy nhất tạo ra sự ổn định của tự do hay trạng thái pháp chế hóa của các quyền tự do. Các nhà nước dân chủ hay các chế độ chính trị dân chủ là phương thức chính trị quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để nâng cao sức cạnh tranh của các dân tộc. Và cũng chính vì thế, quá trình dân chủ hóa là tất yếu trong thời đại toàn cầu hoá.

Có lẽ, không cần nhiều bằng chứng để chứng minh dân chủ hóa là tất yếu, một phần bởi dân chủ hóa đang ngày càng trở thành khuynh hướng chính trị chủ đạo của toàn thế giới. Đây là quá trình không thể trì hoãn, bởi nếu một nhà nước không tự dân chủ hóa mình thì thế giới, hay nói đúng hơn là những đòi hỏi chính trị toàn cầu, sẽ buộc nhà nước đó phải tiến hành dân chủ hoá. Và như thế có nghĩa là thay đổi do sức ép từ bên ngoài chứ không phải tự thân. Nếu không làm như vậy, nhà nước đó sẽ trở thành một bộ phận biệt lập trong mọi tiến trình quốc tế và không còn cơ hội tồn tại. Mặt khác, chỉ có các thể chế dân chủ mới phát huy được quyền tự do của con người và chỉ khi nào có tự do thì con người mới phát huy được năng lực sáng tạo. Chính sáng tạo làm cho tất cả các cộng đồng người có sức cạnh tranh và để mỗi con người tìm thấy sức mạnh của chính nó. Cùng với thời gian, dân chủ hóa không phải là đòi hỏi chính trị nữa mà là đòi hỏi phát triển. Những đòi hỏi phát triển không phải là ý muốn chủ quan rằng phát triển hay không phát triển mà nếu không phát triển là không còn cơ hội tồn tại.

Trong thời đại của chúng ta, con người là một tài nguyên, thậm chí là loại tài nguyên đặc biệt. Chính vì thế có thể nói, các nước đang phát triển với lợi thế về nguồn nhân lực là những dân tộc có ưu thế. Nếu không phát huy được năng lực của loại tài nguyên đặc biệt này thì các nước thế giới thứ ba không những không phát triển mà thậm chí không tồn tại được. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc các nước này phải nhận ra rằng, sự đông dân, đồng thời, là một con dao hai lưỡi. Không có một chế độ lãnh đạo hợp lý thì sự đông dân là một gánh nặng. Nước CHND Trung Hoa là một ví dụ. Hơn một tỷ nhân dân Trung Quốc đã từng là gánh nặng của nhà nước và đến nay vẫn thế; nhưng sau hơn 20 năm đổi mới thì sự đông dân ấy đang trở thành một lợi thế. Chế độ chính trị giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết bài toán nhân lực này. Việt Nam cũng vậy. Do đó, nếu không xây dựng chế độ dân chủ để tự do trở thành cảm hứng cơ bản khích lệ con người tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cạnh tranh toàn cầu thì không thể phát triển được.

Một số chính phủ, do hoàn cảnh, với những khó khăn trên thực tế, tìm mọi cách trì hoãn tiến trình cải cách chính trị trong khi vẫn tiến hành cải cách kinh tế, vẫn tìm mọi cách phấn đấu để đạt được mức tăng trưởng cao. Liệu điều đó có thể dẫn đến một trong hai nguy cơ hoặc không tăng trưởng nữa hoặc sụp đổ hoàn toàn không? Tôi cho rằng, phấn đấu để đạt được tăng trưởng cao là một biểu hiện của tư duy kế hoạch hóa mặc dù ít lạc hậu hơn. Như phần đầu đã nói, ngày nay tăng trưởng không thay thế được phát triển. Hãy thử nhìn lại xem các nước thế giới thứ ba đã tăng trưởng bằng cách nào? Bằng vay mượn, bằng viện trợ, bằng đầu tư nước ngoài... và kết quả là khoảng cách giàu nghèo vẫn không được khắc phục, thậm chí ngày càng lớn. Các nước này không nhận ra rằng, chỉ có phát triển mới giải quyết được trọn vẹn các vấn đề của đời sống con người. Phát triển là tự thân con người. Sự "nở ra" của con người đã tạo ra những đòi hỏi đối với thị trường lao động. Cũng chỉ sự "nở ra" của con người mới có thể giải quyết được vấn đề chênh lệch giàu nghèo.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta phải trở thành thị trường vì chỉ có như vậy mới có thể phát triển và làm tăng cả năng lực lẫn thu nhập của con người. Thu nhập không tăng lên thì sức mua của cộng đồng không tăng và sức mua không tăng thì chúng ta sẽ không có thị trường nào khác ngoài thị trường lao động đơn giản. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, những ngành sản xuất đòi hỏi lao động giản đơn ít đi và thị trường lao động đơn giản sẽ mất dần giá trị. Muốn nâng cao chất lượng của thị trường lao động thì phải đầu tư vào giáo dục - đào tạo. Mặt khác, không thể tiếp tục chỉ vay mượn hay sử dụng đầu tư nước ngoài để phát triển những nguồn nội lực. Những nhà nước phi dân chủ không thể trốn tránh quá trình dân chủ hóa xã hội. Người ta vẫn tưởng rằng, nhân dân đang ủng hộ nhà nước bằng lao động của mình nhưng đến một lúc nào đấy, các nhà nước phi dân chủ sẽ phải đối mặt với những cuộc cách mạng hay sự cướp bóc dưới hình thức cách mạng. Những năm cuối thế kỷ XX, chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của các chế độ độc tài như Mohamed Suharto, Joseph Estrada, Saddam Hussein... Rõ ràng, những phương pháp chuyên chính có thể kéo dài tuổi thọ các thể chế chính trị độc tài nhưng không thể nào giúp nó tránh khỏi sự sụp đổ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: