'Đánh dưới thắt lưng'

12:09 CH @ Thứ Hai - 18 Tháng Tư, 2016

Khi người tham gia tranh luận không chú tâm đi tìm sự đúng - sai về cả lý luận lẫn thực tiễn mà cố gắng huy động mọi thủ đoạn nhằm hạ gục đối thủ thì giá trị học thuật có lẽ chỉ còn là khái niệm xa xỉ...

Không rành về thể thao, nên khi thấy mọi người viết hoặc nói về hiện tượng “đánh dưới thắt lưng” tôi không hiểu cụm từ có không khí bạo lực này xuất xứ từ đâu. Bỏ công tìm hiểu thì té ra khoản 18.2.1 Điều 18 về các loại lỗi trong Luật thi đấu Boxing ghi rõ cấm: “đánh dưới thắt lưng, giữ tay, ngáng chân, đá bằng chân, đá bằng chân hoặc đầu gối”! Nghĩa là trong môn Boxing, “đánh dưới thắt lưng” là phạm luật và xem chừng trong sinh hoạt xã hội cụm từ này cũng thường được dùng chỉ hành vi vi phạm luật chơi. Tuy nhiên, trong môn môn Boxing, người ta không chỉ bắt lỗi người “đánh dưới thắt lưng”, mà bắt cả lỗi “đánh trên thắt lưng”. Vì còn nhớ năm 1977, võ sĩ M. Tyson từng cắn sứt một phần tai trái của võ sĩ E. Holyfield và bị phạt ra trò!

Từ thể thao nhìn rộng ra, tôi thấy một điều thú vị là một số thuật ngữ thể thao được người Việt sử dụng khá nhiều trong cuộc sống hằng ngày, đại loại như: “thằng X vừa xơi một quả pê-nan-ti” (penalty spot - phạt đền), “lão Y mới lĩnh một đòn nốc-ao” (knockout - đo ván)… Nhưng có lẽ “đánh dưới thắt lưng” là được sử dụng phổ biến hơn, không hàm nghĩa tích cực, và đôi khi không chỉ dùng để chỉ hành vi vi phạm luật chơi, mà còn hàm nghĩa là hành động của kẻ tiểu nhân, hoặc như ngôn ngữ dân dã thì đó là… “chơi bẩn, chơi đểu”!

Sau mấy chục năm “xông pha trường văn, trận bút”, tôi đã thu thập được kha khá tài liệu là thư viết tay hoặc soạn trên máy vi tính, file ghi âm trao đổi qua điện thoại, ảnh chụp comment trên một số blog, facebook,… Đó là tài liệu được một số vị sản xuất rồi ưu ái dành cho tôi sau mỗi lần tôi động chạm sản phẩm, ý kiến của họ. Điểm chung các tài liệu này là hầu như tác giả không trao đổi để phản biện điều tôi viết mà lại ngoằng sang việc chẳng liên quan. Trong đó đáng kể nhất là thư viết tay của một vị giáo sư gửi lãnh đạo cơ quan chủ quản tờ báo đăng bài của tôi phê phán tác phẩm của giáo sư để mách: Nguyễn Hòa không có học hàm, học vị, không sách in, cũng chẳng phải là hội viên Hội Nhà văn nên vì “cay mũi” mà đã tiến công cuốn sách của ông!

Phó giáo sư tiến sĩ khác lại soạn thư trên máy vi tính có chữ ký viết tay, gửi một ngài bộ trưởng nhằm ca ngợi một cuốn sách, đồng thời mách với bộ trưởng rằng, ý kiến phê phán của tôi về cuốn sách đó chưa “thấu tình đạt lý”! Cũng nên kể đến thư của một ông hồi chưa là phó giáo sư, mới là tiến sĩ, ông viết thư gửi lãnh đạo cơ quan chủ quản tòa soạn nơi tôi làm việc để vừa khoe tiến sĩ cỡ như ông được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, vừa khẳng định Nguyễn Hòa chỉ có cái bằng cử nhân mà dám viết bài phê bình tác phẩm của tiến sĩ! Còn comment thì đúng là bi hài, nhất là khi một số người lập nick ảo để chửi cho sướng miệng.

Theo quan sát của tôi, trong giới cầm bút lâu nay có một số người mỗi khi bị phê bình, chỉ rõ rạch ròi đúng - sai, bị khẳng định là “đạo văn”,… thường là không dám đối diện với vấn đề đặt ra, không dám tự vấn chính mình, nhưng lại tỏ ra thành thạo sử dụng ngón nghề “đánh dưới thắt lưng” để tiếp cận vấn đề từ góc nhìn thiếu lành mạnh, tìm lý do từ ngoại cảnh biện hộ cho bản thân và hình như mấy người này vừa cố công khổ luyện thành tài vừa cố gắng nhân rộng, khuếch trương nó trên mặt báo, hoặc trên internet cho đời thêm sinh động? Tôi đồ rằng với một số người, mỗi khi bị phê phán lập tức nhảy dựng lên, việc đầu tiên họ làm không phải là xem kẻ phê phán mình viết - nói đúng hay sai, từ đó phản biện hoặc thừa nhận mình đã sai - một phẩm chất đáng trọng trong hành xử trí thức, mà lại đặt ra các câu hỏi đại loại như: Thằng ấy là thằng nào? Nó học ngành gì, có bằng cấp không? Tại sao nó lại “oánh” mình? Nó có phải là học trò, có quan hệ với mấy đứa ghét mình không? Ai trả tiền để nó “oánh”? Ở chỗ làm việc, nó có khả năng sẽ thăng quan tiến chức không, hay là nó “oánh” mình để được nổi tiếng?...

Nghĩa là toàn là những câu hỏi mang hơi hướng trữ tình ngoại đề, hoàn toàn không dính dáng đến điều lẽ ra phải được trao đổi trực tiếp, cụ thể để làm sáng tỏ. Nghĩa là câu thành ngữ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” bị tráo đầu đuôi để thành “tiên trách nhân, hậu trách kỷ”! Tôi nói là “đồ rằng” vì quan sát trên báo chí nhiều năm qua, thi thoảng lại gặp chuyện bi hài. Như ngày nọ, khi phê bình tác phẩm X, có người lôi cả chuyện người viết tác phẩm X “làm nghề buôn bò” để đưa vào bài. Sau đó không lâu, tranh luận về chữ Hán lại thấy ông Y cật vấn ông Z tại sao ông Z lại cho con học chữ Hán! Điển hình cho hiện tượng này là gần đây, nhà phê bình A phê phán nhà phê bình B quyết liệt. Không rõ nhà phê bình A tìm thấy mối tương giao nhân - quả giữa quan điểm học thuật và xe hơi như thế nào mà trong khi phê phán, lại cho rằng nhà phê bình B giờ lái ô tô nên thay đổi quan điểm học thuật! Dù không liên quan học thuật, nhưng gần đây nhân sự vụ lùm xùm liên quan bản quyền, lại thấy có người lên facebook giễu cợt người lên tiếng tố cáo là “thằng bán xe máy”.

Phần vì công việc, phần vì tò mò, tôi đã dành thời gian đọc khá nhiều các bài viết có tính tranh luận, đọc cả các comment dưới các bài viết sau khi được đưa lên internet. Và tôi thấy một số cuộc tranh luận đã bộc lộ tất cả “hỉ - nộ - ái - ố - ai - lạc - dục” của cái gọi là trao đổi học thuật, phê bình văn nghệ vốn không nhiều thành tựu như ở Việt Nam. Khi người tham gia tranh luận không chú tâm đi tìm sự đúng - sai về cả lý luận lẫn thực tiễn mà cố gắng huy động mọi thủ đoạn nhằm hạ gục đối thủ thì giá trị học thuật có lẽ chỉ còn là khái niệm xa xỉ. Nói cách khác, đừng trông đợi ý nghĩa tích cực dù nhỏ từ sự tiếp thu, trao đổi có điểm xuất phát là hồ đồ trong tiếp nhận và xử lý tài liệu, rồi suy đoán cảm tính, chụp mũ, dựng hiện trường giả, đoạn chương thủ nghĩa, thậm chí nghề nghiệp, vị trí xã hội của đối thủ cũng bị đem ra miệt thị,...!

Trao đổi, tranh luận học thuật là việc làm bình thường, cần thiết đối với sự phát triển. Nhưng công việc này đòi hỏi một số nguyên tắc mà người trao đổi, tranh luận không thể bỏ qua. Như yêu cầu về tính khách quan, khoa học chẳng hạn. Không nắm bắt, xử lý tốt nguyên tắc này sẽ dễ bị chi phối bởi nhận thức cảm tính và thái độ chủ quan, lấy ý kiến riêng mình làm thước đo luận điểm của người khác, và nếu cực đoan, có thể đẩy tới sự áp đặt. Rồi nữa là nền tảng tri thức, khả năng tư duy dựa trên nền tảng tri thức và khả năng nắm bắt tình hình thực tiễn, cùng năng lực luận giải một cách logich với vấn đề đặt ra...

Còn trao đổi, tranh luận thiếu tinh thần cầu thị, trước sau chỉ nhằm đạt mục đích thiếu trong sáng, sử dụng thủ đoạn thiếu đàng hoàng, bất chấp học thuật, bất chấp lý lẽ, soi mói ngoài văn bản, nhăm nhăm “hạ bệ” người khác,... là trao đổi và tranh luận bất bình thường, biến công việc hết sức nghiêm túc thành nơi thỏa mãn nhu cầu hẹp hòi của cá nhân, phe nhóm.

Khi cái cảm tính, tham vọng cá nhân còn chi phối con người trong việc phát ngôn, trong việc bộc lộ hình ảnh của bản thân mình trước cộng đồng, thì luôn có khả năng văn hóa tranh luận bị biến thành một khái niệm sách vở, một sáo ngữ để ai đó hô hào mọi người hướng tới chứ chưa phải là giá trị thực hành. Bởi, khi đòn “đánh dưới thắt lưng” vẫn được một số người sử dụng trong xử lý quan hệ xã hội, trong trao đổi, tranh luận học thuật thì việc nâng cao tính văn hóa trong tranh luận vẫn là một khả năng hơn là ý nghĩa hiện thực.

Khi báo chí phát triển và một số vấn đề học thuật hay văn học, nghệ thuật có thể trở thành đề tài “câu khách” và được sự hỗ trợ của intenet... thì dường như đất để triển khai đòn “đánh dưới thắt lưng” xem ra lại được mở rộng làm cho tình trạng trở nên nhiễu loạn? Ngày nào trong trao đổi, tranh luận học thuật mà người ta chỉ thích đưa ra ý kiến riêng, khăng khăng chỉ có mình đúng, mà chưa chịu khó lắng nghe ý kiến người khác, coi ý kiến khác mình là nói ngược, là để phục vụ nhu cầu được nổi tiếng,… thì ngày đó văn hóa tranh luận vẫn là câu chuyện để ngỏ, chưa có hồi kết.

(3.2016)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt

    28/11/2018TS. Lương Hoài NamKhông ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp...
  • Thói ngụy biện ở người Việt

    28/02/2017BTĐTrong cái sự thực phức tạp, mờ mờ ảo ảo của vấn đề, có cái đẹp riêng. Không phải cái đẹp trơn tru, tròn trĩnh, nhưng là cái đẹp khắt khe của sự thật. Tương tự, một lời phát biểu nghịch lí có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong đúng/sai, tốt/xấu, bạn/thù. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên vượt qua chính mình bằng cách cho các tế bào trí tuệ có cơ hội làm việc.
  • Ngụy biện

    13/07/2014Đoan TrangCâu chuyện xoay quanh bộ phim cổ sử Việt Nam nhưng đậm chất Trung Hoa, “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, tưởng đã lắng xuống nhưng rồi vẫn tiếp tục gây dư luận, sau khi nhà sử học Dương Trung Quốc lên tiếng bênh vực những nhà làm phim...