Dịch giả Trần Hữu Kham viết cổ tích đời mình

03:14 CH @ Thứ Bảy - 28 Tháng Bảy, 2007

Diễn tả hai bước ngoặt đời mình, anh dẫn lời đứa cháu: Một, khi anh mới bị mù - như chạm vào tận cùng sự bất lực - "Cậu Kham sao giống con heo quá! Suốt ngày cứ ăn rồi ngủ". Một, khi anh lấy vợ - lại ở trạng thái ngược lại - "Cậu Kham mà cũng lấy vợ hả? Sao giống chuyện cổ tích vậy?".

Giữa hai bước ngoặt ấy, anh, từ một kỹ sư nông nghiệp trở thành dịch giả chuyên trị truyện cổ tích các nước với gần 20 ấn phẩm. Rồi từ trong cái thế giới đạo... cổ tích, một chuyện đời như... cổ tích được viết nên. Ai đó nói và ở tuổi 55, anh thấy đúng: lối đi ngay dưới chân mình.

- Anh có thể nói chút gì đó về ước mơ hai lần không thành của mình?

- Trước giải phóng, tôi học Đại học Nông-lâm-súc, có đăng ký học thêm mấy khóa tiếng Anh bên trường Văn khoa. Đến năm thứ ba, phải đi tù Côn Đảo vì tội tham gia phong trào sinh viên học sinh. Năm 1981, khó khăn lắm mới đi học lại được. Năm 1985, đang kỳ thực tập thì mắt bắt đầu có vấn đề. Báo cáo tốt nghiệp thử còn nhìn thấy chữ, báo cáo thiệt thì... Cố chạy chữa, 1987 cũng lấy được tấm bằng nhưng chỉ để cất làm kỷ niệm.

- Hành trình đến bóng tối của anh diễn ra như thế nào?

- Năm 1994, tôi mới chính thức không nhìn thấy gì. Sau nhiều năm, tháng, ngày nằm bệnh viện, trong nước có, ngoài nước có, rốt cuộc cũng phải chấp nhận sự thật này. Trước đó, tôi đã chủ động xin vào trường Nguyễn Đình Chiểu, vừa để thích nghi với cuộc sống sau này, vừa chuẩn bị cho mình một công việc. Sau đó thôi vì sức khoẻ không đảm bảo.

- Đối với anh, công việc dịch thuật có ý nghĩa gì?

- Đó là việc duy nhất tôi có thể làm được, là lý do tồn tại của bản thân. Cuốn đầu tiên mà tôi dịch là Truyện cổ nước Anh, từ năm 1985, khi còn sáng mắt, mới tốt nghiệp đại học Anh văn tại chức. Định rằng đó sẽ là nghề tay trái, để giải trí. Vậy mà...

- Nhiều bạn đọc thắc mắc anh đã làm công việc dịch thuật như thế nào?

- Trước kia làm phiền nhiều người lắm, từ việc nhờ tìm truyện gốc, nhờ đọc vào băng cassette để sau đó mình nghe lại rồi dịch, đến việc nhờ người tra từ điển, xem thử mình gõ máy đánh chữ có chính xác không. Đó là một êkíp... bất ngờ vì gặp người nào thì níu áo người ấy. Họ cũng vì thương mình nên mới...

Từ 2003, sau khi chịu phổ cập IT, công nghệ dịch thuật được "nâng cấp", đã có thể tự lực cánh sinh. Chỉ cần đưa bản gốc vào máy scan, đã có chương trình tự đọc thành tiếng để mình dịch, chương trình soạn thảo văn bản để mình tự gõ, tự kiểm tra chính tả, chữ nào không biết thì dùng phần mềm từ điển.

Công nghệ thông tin hỗ trợ người khiếm thị rất nhiều, nhưng trước hết phải nói lời cảm ơn bạn bè đã tặng máy móc và những lời động viên học tập. Chứ không thì, cứ nghĩ mình dịch theo kiểu cũ đã OK rồi. Rằng nhanh hay chậm, tiền bạc cũng không cần nhiều, cơm đã có nhà lo, chỉ để cà phê, thuốc lá.

- Vì sao anh lại chọn cổ tích mà không phải là cái gì đó khác?

- Tôi mê truyện cổ tích, có nhiều bản gốc, dịch nó cũng dễ vì người dịch có thể nhân danh mình kể lại. Từ thế giới ánh sáng rơi vào thế giới bóng tối giống như trẻ con bỗng chốc thành người lớn, lẫn lộn giữa mơ và thực, rất dễ bị tổn thương. Thế nên, cậu bé Peter Pan trong truyện Peter Pan mới không chịu lớn, cứ muốn sống hoài trong vùng đất thần tiên của riêng mình. Mọi người nói (mà tôi cũng đã muốn vậy), tôi là đứa con nít, một đứa con nít... già.

- Nghe nói nhờ tình yêu đối với cổ tích mà anh có được tình yêu ngoài đời. Thực hư ra sao?

- Cuối năm 2004, báo Tuổi Trẻ đăng bài về một người mù dịch cổ tích - là tôi. Cô ấy học ngành kiến trúc, làm việc trong khu chế xuất Tân Thuận, gửi tặng một số bản gốc để tôi dịch, lúc đầu qua báo, sau đó thì trực tiếp. Cô ấy mê cổ tích, không biết có phải vì vậy mà mê cả người dịch nó không (cười). Cuối 2005, chúng tôi góp gạo và góp máy vi tính, thành lập một "tổ xuất bản gia đình".

Thế nhưng, ấn phẩm gần đây của chúng tôi, cuốn Nhật ký Nancy - ghi chép của một cô bé 14 tuổi bị HIV, lại thuộc trường phái hiện thực.

- Có vẻ như "Nhật ký Nancy" đánh dấu một bước chuyển, không chỉ với dịch thuật?

- Lại muốn khoe chuyện mình lấy vợ. Như bước sang thế giới khác, mà mình đã không dám nghĩ đến, đời hơn, thực hơn. Trước khi cưới, tôi hỏi: "Có nghĩ hôn nhân này là một sự hy sinh không?". Cô ấy nói không, vẫn xem tôi như một người đàn ông bình thường. Còn nói, chẳng qua tôi bị một tai nạn, trở nên không thấy đường, cô có đôi mắt để nhìn cho mình, sẵn nhìn giùm tôi luôn.

Trước đây, không còn mắt, tôi đã nhìn đời một cách lạc quan. Giờ, vẫn không có mắt, nhưng lạc quan hơn nữa. Thế giới cổ tích, vì yêu mà cũng là vì muốn nó là pháo đài để cố thủ. Nay yêu thì vẫn yêu (và biết ơn vì nhờ nó mà mình có được vợ nữa), nhưng cuộc sống thực đang có rất nhiều điều đáng để khám phá. Bây giờ, tôi còn dịch "mướn" cả những cẩm nang tình yêu, kiểu như bí quyết để nuôi dưỡng tình yêu.

- Liệu cuộc sống hôn nhân có khiến đứa con nít già trong anh chịu lớn?

- Muốn hay không cũng phải. Ít nhất là theo cái nghĩa, phải làm người đàng hoàng, giảm lê la, nói dóc, chọc cười (và cả chọc tức) thiên hạ chứ không thì vợ đánh chết, mà mình thì không thấy đường đỡ hay đánh lại. Nghĩa khác, cũng không thể chỉ coi dịch thuật là một minh chứng cho sự tồn tại, nó bây giờ còn là cái... cần câu cơm, câu càng được nhiều thì càng no bụng. Trước dịch để vui là chính, giờ là... mười (cười).

- Anh có nghĩ rằng cuộc đời mình cũng là một... truyện cổ tích?

- Cổ tích thường được xem là của con nít. Nó đơn giản, dễ hiểu, đưa ra những bài học đạo đức nhẹ nhàng và thường có hậu. Nó không có thật, chỉ là sự phản ánh mơ ước của con người về một thế giới tốt đẹp, hạnh phúc. Nhưng người lớn cũng có thể đọc và viết những câu chuyện cho mình, miễn là có ước mơ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tâm huyết đời văn của một người thích đùa

    24/04/2014Phạm Xuân NguyênTác phẩm cuối cùng của nhà văn Vũ Bão (1932-2006) là cuốn tiểu thuyết có nhan đề bắt đầu bằng chữ U. Khi vào nghề văn ông đã đề cho mình kế hoạch là sẽ đặt tên các sách mình viết ra theo đủ 24 chữ cái tiếng Việt...
  • Giấy chứng nhận ... Người

    17/03/2011Vũ Công Hoan dịchTrên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách: -Vé tàu!
  • Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi…

    18/04/2007Hoàng TùngĐôi khi cửa sổ tâm hồn ta cứ hướng tới miền thần tiên của tuổi thơ. Bao giờ cũng vậy, để an ủi những nỗi buồn bất ngờ ập đến thì ai nấy đều tựa vào những ký ức xanh tươi. Đó là những thời điểm của mùa xuân cuộc đời. Ở nơi ấy niềm vui được nhân đôi, nụ cười được rạng rỡ nhân đôi làm nhòa đi những tơ vương sầu muộn. Ai cũng có mùa xuân của cuộc đời mình. Còn tôi thì có cả em nữa nên mùa xuân bội phần ấm áp và tươi sáng...
  • Nhà văn Nhật Chiêu: Chơi cùng giấc mơ

    06/04/2007LINH THOẠI thực hiệnĐang được nhiều độc giả yêu mến như một dịch giả, một nhà nghiên cứu văn học nước ngoài, văn học Phật giáo và văn học Nhật Bản uy tín, Nhật Chiêu bất ngờ xuất hiện với những truyện ngắn gây xôn xao văn đàn, khởi đầu là Người ăn gió, rồi gần đây nhất là Mưa mặt nạ...
  • Phú Quang: Vẫn còn nhau, mùi hoa sữa mùa yêu…

    28/12/2006Hòa AnHơn ai hết, nhắc đến Phú Quang là nhắc đến những ca khúc trữ tình, nhất là các bài hát về Hà Nội như: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi. Về lại phố xưa, Mây xưa, Bâng quơ, Thương tâm tóc dài ơi, Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu, Trong ánh chớp số phận...
  • Từ nguồn cội văn chương

    06/11/2006PGS, TS Trần Thị TrâmỞ Việt Nam, thời nào cũng vậy, luôn có một đội ngũ rất đông những người từ địa hạt văn chương đi làm báo và tiềm lực văn chương quý báu đã giúp cho nhiều người trong số họ trở thành những nhà báo giỏi. Tác giả PhanThịVàngAnh cũng không nằm ngoài quy luật đó...
  • Dịch giả Huỳnh Phan Anh trò chuyện về văn học hải ngoại

    03/08/2005Từng dạy triết học tại Sài Gòn, thế nhưng cái tên Huỳnh Phan Anh lại được biết tới với tư cách là nhà phê bình, dịch giả. Còn bản thân tác giả thì tự nhận mình là một nhà giáo "đi lạc vào văn học". Từ năm 2002, Huỳnh Phan Anh định cư tại Mỹ...
  • xem toàn bộ