Các định đề cơ bản trong đạo đức học I. Kant

Thạc sĩ triết học, Đại học Văn hóa Hà Nội
10:43 SA @ Thứ Năm - 05 Tháng Tám, 2010

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích 3 định đề cơ bản trong đạo đức (lý tính thực tiễn) của I.Kant – Có một linh hồn bất tử ở thế giới bên kia, có tự do tuyệt đối ở thế giới bên kia và có Thượng đế ở thế giới bên kia – với tư cách những định đề đóng vai trò như những giả thiết tất yếu cho mọi hành vi đạo đức của con người trong quá trình vươn tới sự Thiện – tối cao, như những mệnh đề mà sự tồn tại của các quy tắc đạo đức phải phụ thuộc vào chúng, còn bản thân chúng sở dĩ có giá trị như những định đề là nhờ sự tồn tại của các quy tắc đạo đức.

Xuất phát từ việc coi đối tượng tất yếu của lý tính thuần tuý thực hành là sự Thiện - tối cao, trong đó đức hạnh là cái thiện cao nhất và là điều kiện cao nhất để con người xứng đáng được hưởng hạnh phúc, I.Kant đã khẳng định rằng, nếu chỉ có riêng đức hạnh không thôi thì đó chưa phải là cái thiện toàn bộ, hoàn hảo như là đối tượng cho những ham muốn của hữu thể có lý tính hữu tận. Do vậy, học thuyết về sự Thiện - tối cao phải có nhiệm vụ giải thích tại sao con người vẫn có thể hy vọng được thực sự dự phần vào hạnh phúc, một khi nó nhân danh đức hạnh để từ chối việc theo đuổi và thực hiện các mục đích mang tính cảm tính? Và, làm thế nào để có thể có được một sự “hoà giải” giữa tự nhiên (con người như là hữu thể cảm tính) và luân lý (con người như là nhân cách)? Chính việc đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này đã dẫn lý tính thuần tuý thực hành đến một nghịch lý (Antinomie). Nghịch lý đó là: Sự Thiện - tối cao là một đối tượng tất yếu của năng lực mong muốn (quan năng ham muốn) của con người, bởi lý tính thuần tuý bao giờ cũng có nhu cầu suy tưởng cái Vô điều kiện tuyệt đối cho mọi cái có điều kiện, trong khi đó thì, một sự kết nối tất yếu giữa đức hạnh và hạnh phúc lại hoàn toàn bị loại trừ ở thế giới cảm tính. Nếu như vậy, “quy luật luân lý” (hay quy tắc đạo đức) khi tuyên bố mệnh lệnh cho con người phải thực hiện nó cũng chỉ “hướng đến những mục đích hư ảo, tưởng tượng và, do đó, tự mình là sai”(1). Để giải quyết nghịch lý này, I.Kant đã đưa ra các định đề (Postulate) của lý tính thực tiễn.

Coi định đề là một mệnh đề lý thuyết không thể chứng minh được với tư cách nguyên tắc tiền định, nhưng lại là kết quả không thể tách rời của một quy luật thực hành tiên nghiệm có giá trị vô điều kiện, I.Kant đã xây dựng các định đề cho lý tính thực tiễn (đạo đức học). Theo ông, các định đề của lý tính thực tiễn là:

  1. một linh hồn bất tử ở thế giới bên kia. Linh hồn này tồn tại với tư cách cái có quyền phán quyết những hành vi đạo đức của con người.
  2. tự do tuyệt đối ở thế giới bên kia. Tự do này tồn tại với tư cách cơ sở cho mọi hoạt động của con người.
  3. Thượng đế ở thế giới bên kia. Thượng đế này tồn tại với tư cách nguyên nhân tối cao đảm bảo cho sự công minh trong mọi hành vi đạo đức của con người.

Các định đề này đóng vai trò như là những giả thiết tất yếu cho mọi hành vi đạo đức của con người trong quá trình vươn tới sự Thiện - tối cao. I.Kant sử dụng thuật ngữ “định đề” theo truyền thống Aristotles và coi đó vừa như là những nguyên tắc không thể chứng minh được, vừa như là các tiền giả định tất yếu. Nói cách khác, ông coi các định đề này như là những mệnh đề mà sự tồn tại của quy tắc đạo đức phải phụ thuộc vào chúng, còn bản thân chúng sở dĩ có giá trị như những định đề là nhờ sự tồn tại của quy tắc đạo đức.

Với ba định đề cơ bản này, I.Kant muốn khẳng định rằng, con người chỉ nên đặt hy vọng của mình vào bản thân các quy tắc đạo đức. Các quy tắc đạo đức này vừa đòi hỏi, vừa đảm bảo cho niềm hy vọng của con người.

Định đề thứ nhất liên quan đến sự bất tử của linh hồn, bởi theo I.Kant, sự Thiện tối cao là đối tượng tất yếu của lý tính thực tiễn; và điều kiện cao nhất của sự Thiện - tối cao này là “sự tương ứng hoàn toàn giữa những ý đồ (tâm hồn con người) với quy luật luân lý”(2). Song “sự tương ứng này” lại là “một đòi hỏi tất yếu về mặt thực hành, nên nó chỉ có thể tìm thấy trong một tiến trình đi đến vô tận và hướng đến sự tương ứng hoàn toàn ấy”(3) và do vậy, “tiến trình tiến lên đến vô tận này chỉ có thể có được với tiền - giả định về một sự kéo dài đến vô tận của sự hiện hữu và nhân cách của cùng một hữu thể có lý tính (điều này được người ta gọi là sự bất tử của linh hồn)”(4). Nói cách khác, “sự Thiện - tối cao, một cách thực hành, là chỉ có thể có được với giả định tiên quyết về sự bất tử của linh hồn; cho nên, sự bất tử này - như là gắn liền không thể tách rời với quy luật luân lý - là một định đề của lý tính thuần túy thực hành”(5).

Với quan niệm này, I.Kant cho rằng, nỗ lực luân lý của con người không phải chỉ là ảo ảnh và các điều răn luân lý cũng không phải là sản phẩm hoang đường của đầu óc. Do vậy, nó phải hướng tới tính liên tục của một thế giới mà trong đó, con người tiếp tục tồn tại như là những thực thể khả niệm. Nghĩa là, cái chết thân xác của con người phải được nhận thức như một yếu tố không quan trọng trong nỗ lực luân lý, bởi trong vương quốc của tự do không có cái chết. I.Kant triển khai việc chứng minh cho sự bất tử của linh hồn như sau: Việc thực hiện hạnh phúc tối cao trong thế giới là khách thể cần thiết của ý chí, khách thể này do quy tắc đạo đức quy định. Sự phù hợp hoàn toàn của ý chí với quy tắc đạo đức là mang tính thần thánh, trong khi sự hoàn hảo đó không thể đạt tới được đối với bất kỳ một thực thể có lý tính nào trong thế giới cảm tính ở mọi thời điểm tồn tại của nó. Nó chỉ hiện diện trong sự tiến bộ vô hạn hướng tới sự phù hợp hoàn toàn đó. Những sự tiến bộ vô hạn này chỉ là có thể, nếu giả định cả sự tồn tại kéo dài vô hạn của cá nhân thực thể có lý tính. Do vậy, hạnh phúc tối cao thực tế là cái chỉ có thể có khi giả định sự bất tử của linh hồn. Sự bất tử này với tư cách cái có liên hệ mật thiết với quy tắc đạo đức được I.Kant gọi là định đề của lý tính thuần tuý thực hành.

Định đề thứ ba của lý tính thực tiễn liên quan đến sự hiện hữu của Thượng đế. Bởi lẽ, sự hiện hữu của Thượng đế chính là “điều kiện tất yếu cho khả thể của sự Thiện - tối cao”; nghĩa là, “một đối tượng của ý chí tất yếu gắn liền với sự ban bố quy luật luân lý của lý tính thuần túy và do vậy, sự hiện hữu đó của Thượng đế cần phải được “định đề hóa”(6). Với quan niệm này, I.Kant cho rằng, bằng nỗ lực đạo đức, con người có thể tự làm cho mình trở thành một thực thể xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Song, chỉ có niềm tin vào sự hiện hữu của Thượng đế, con người mới có thể đồng thời hy vọng bản thân mình được dự phần thật sự vào hạnh phúc ấy. Như vậy, có thể nói, với định đề này, I.Kant đã gián tiếp thừa nhận các điều răn luân lý cũng là những điều răn của Thượng đế.

Ở đây, rõ ràng là, các định đề của I.Kant về sự bất tử của linh hồn và về sự hiện hữu của Thượng đế đã có phần nào đó khác với đức tin Kitô giáo. Bởi lẽ, với tư cách chủ thể đạo đức, con người với niềm hy vọng của mình không hướng tới một Thượng đế có thể đưa họ từ cái chết vào một cuộc sống mới, mà hướng đến một linh hồn bất diệt. Trong chừng mực đó, về mặt lôgíc, định đề về sự bất tử của linh hồn phải đi trước định đề về sự hiện hữu của Thượng đế, bởi định đề sau chỉ có thể làm trọn chức năng của nó, khi con người có cơ sở để hy vọng rằng nỗ lực luân lý của họ không cùng kết thúc với cái chết thể xác. Thượng đế của I.Kant không giải thoát con người ra khỏi cái ác, cũng không tha thứ cho tội lỗi của con người mà trái lại, lại chính là một quan tòa công chính để duy trì một sự công bằng nào đó giữa đức hạnh và hạnh phúc.

Định đề thứ hai của lý tính thực tiễn, theo I.Kant, là thừa nhận sự tồn tại của tự do tuyệt đối ở thế giới bên kia. Định đề này “bắt nguồn từ tiền giả định tất yếu về sự độc lập với thế giới cảm tính và về quan năng quy định ý chí của ta dựa theo quy luật của một thế giới khả niệm”(7). Tự do ở đây được I.Kant đề cập theo hai nghĩa: tự do tiêu cực và tự do tích cực. Trong Phê phán lý tính thuần túy, tự do mới chỉ được I.Kant quan niệm như một ý niệm siêu nghiệm, không mâu thuẫn với tính nhân quả tự nhiên nhờ vào sự phân biệt giữa hiện tượng và vật tự nó. Còn ở đây, trong Phê phán lý tính thực hành, khi đề cập đến tự do cả theo nghĩa tiêu cực lẫn theo nghĩa tích cực, I.Kant cho rằng, tự do theo nghĩa tiêu cực là tự do phục tùng quy luật nhân quả của thế giới cảm tính. Trong khi đó, các qui tắc đạo đức là những qui tắc của một ý chí tự do tự quy định chính mình và do vậy, tự do ở đây là tự do theo nghĩa tích cực.

I.Kant cho rằng, cả ba định đề cơ bản này đều có chung một điểm xuất phát, đóng vai trò như một “định đề của các định đề” - đó là “vai trò hàng đầu của lý tính thực tiễn”.

Hướng những suy tư triết học của mình vào việc luận giải hành vi của con người và lối ứng xử của nó, I.Kant đề cao vai trò hàng đầu của lý tính thực tiễn đối với lý tính lý luận. Theo ông, tri thức chỉ có giá trị trong trường hợp nó giúp đỡ cho con người trở nên có tính người hơn và đem lại cho con người một cơ sở đạo đức vững chắc để thực hiện lý tưởng về cái Thiện - tối cao. Với quan điểm này, ông khẳng định, chỉ có niềm tin đạo đức mới là tri thức có giá trị như vậy. Đối với ông, niềm tin vào Chúa cũng chính là niềm tin đạo đức, là năng lực tuân thủ bổn phận ở khắp mọi nơi và mọi lúc. Và, triết học, nếu “không hướng mọi phương tiện giáo dục con người vào việc đạt tới cái Thiện chân thực"(8) thì chẳng có lý do gì để nó tồn tại.

Từ tất cả những suy tư đó, lần đầu tiên, vào năm 1785, I.Kant đã trình bày đạo đức học của ông một cách tương đối có hệ thống trong Những cơ sở của siêu hình học. Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao ông lại không đặt tên cho tác phẩm này là “Phê phán…” như bộ ba tác phẩm vĩ đại của ông. Về điều này, I.Kant giải thích rằng, vấn đề trong đạo đức học đơn giản hơn nhiều so với trong nhận thức luận; ở đây, trong lĩnh vực đạo đức, lý tính không bắt gặp những cạm bẫy, lý tính thông thường cũng có thể dễ dàng đạt tới chân lý mà không cần một sự phê phán nào cả. Mặt khác, sự phê phán như vậy, theo ông, sẽ chỉ kết thúc khi có thể chỉ ra được sự thống nhất của lý tính thực tiễn và lý tính lý luận (tức là của đạo đức và khoa học). Khẳng định sự thống nhất này là vấn đề mà khi đó, ông chưa thể giải quyết được, I.Kant đã bắt tay vào công việc xây dựng Phê phán lý tính thuần túy. Tác phẩm này đã được ông cho công bố vào năm 1788.

Trong Phê phán lý tính thuần túy, I.Kant mới chỉ trình bày cơ sở lý luận cho học thuyết đạo đức của ông. Học thuyết đạo đức này, dưới dạng hoàn tất, chỉ được ông trình bày trong các tác phẩm sau đó, cụ thể là trong Siêu hình học về đạo đức (1797). Ở đây, điểm mới của I.Kant trong quan niệm về hành vi con người là luận điểm về sự tự trị của đạo đức. Theo ông, các học thuyết đạo đức trước đó về hành vi con người đều mang tính chất dị trị, tức là tách đạo đức ra từ những nguyên tắc ở bên ngoài đạo đức. Thậm chí, một số người theo chủ nghĩa duy luân lý còn coi cội nguồn của các nguyên tắc đạo đức nằm ở một sức mạnh cưỡng chế nào đó, chẳng hạn như ở ý Chúa, ở những quy định của xã hội, hay những yêu cầu của ý thức bẩm sinh. Một số khác lại cho rằng, quan niệm về cái thiện và cái ác, về thực chất, luôn phụ thuộc vào những mục đích mà con người đặt ra và vào những hệ quả sinh ra từ hành vi con người, từ khát vọng hướng tới hạnh phúc, lợi ích và khoái cảm của con người(8).

Khẳng định tính độc lập và giá trị tự thân của các nguyên tắc đạo đức, I.Kant đã lấy thiện chí tự trị làm khái niệm xuất phát trong đạo đức học của ông. Thiện chí tự trị trong đạo đức học của I.Kant là cái không thụ động, nó luôn đòi hỏi chủ thể đạo đức phải hành động. Về điều này, ông đã bị phê phán vì cách tiếp cận hình thức đối với vấn đề: cái được coi là thiện trong điều kiện này thì lại trở thành cái ác trong trường hợp khác. Điều này là xác đáng và I.Kant cũng đã nhận thấy điều đó. Do vậy, ông coi các nguyên tắc đạo đức của ông chỉ như cái la bàn giúp con người định hướng trong cơn bão táp của biển cả cuộc đời. Và, đương nhiên, bất kỳ la bàn nào cũng có những khiếm khuyết, mặc dù nó vẫn hoạt động và cái kim của nó vẫn hướng về các cực bắc - nam. Một cách tương tự như vậy, việc con người đánh mất các định hướng đạo đức, theo I.Kant, không phải là vĩnh viễn, sớm hay muộn con người sẽ lại thấy sự xuất hiện của một viễn cảnh đạo đức và nó cũng sẽ nhận thấy các hành vi đạo đức của mình đưa tới đâu - cái thiện hay cái ác. Cái thiện mãi vẫn là cái thiện, thậm chí cả khi không có cái gì xứng đáng được coi là thiện cả. Các tiêu chí để xác định cái thiện là tuyệt đối và hiển nhiên; sự khác nhau giữa cái thiện và cái ác bao giờ cũng giống như sự khác nhau giữa tay trái và tay phải.

Do vậy, để nhận biết đâu là cái thiện và đâu là cái ác, con người không cần có học vấn chuyên sâu, chỉ cần trực giác là đủ. Song, I.Kant đề nghị không sử dụng thuật ngữ “trực giác”, mà thay cho nó là thuật ngữ “năng lực phán đoán”. Theo ông, năng lực phán đoán mang tính bẩm sinh, chứ không phải là cái sinh ra từ tri thức. Để trở thành con người trung thực, có lương tâm, sáng suốt và có thiện chí, chúng ta không cần đến một khoa học, một triết học nào cả. Ở đây, rõ ràng là I.Kant đã bất đồng với Sôcrát là người coi cái thiện trùng hợp với tri thức, còn sự thiếu vắng tri thức là nguồn gốc duy nhất của cái ác. Là con đẻ của thời đại Khai sáng, song I.Kant đã vượt ra khỏi khuôn khổ của chủ nghĩa duy lý Khai sáng. Theo ông, khoa học và đạo đức là các lĩnh vực khác nhau của tồn tại người, mối liên hệ giữa chúng đương nhiên là có. Việc trở lại với mối liên hệ này, theo ông, là cần thiết, song trước hết, cần phải quan tâm tới sự khác nhau giữa chúng.

Theo I.Kant, trong lý luận, lý tính rất dễ bị sa vào mâu thuẫn với chính bản thân nó và do vậy, thường dẫn người ta đi đến những phỏng đoán, dự báo sai lầm do chưa có được những hiểu biết rõ ràng, đúng đắn. Song, tình hình lại khác trong ứng xử. Khi được giải phóng khỏi vật liệu cảm tính, năng lực phán đoán thường loại bỏ những vấn đề xâm nhập từ ngoài vào và đơn giản hóa vấn đề cho mình. Do vậy, ở đây, đạo đức học thường được thể hiện dưới dạng đã được thanh lọc, chưa bị làm cho vấy đục. Đó là lý do tại sao đạo đức học ra đời ở bên ngoài triết học. Trong lĩnh vực đạo đức học (thực tiễn), lý tính có được chức năng lập pháp, nghĩa là nó có thể giải quyết vấn đề hình thành các khái niệm và hiện thực hóa chúng. Nên nhớ rằng, trong lĩnh vực nhận thức, lý trí cũng có chức năng như vậy, còn lý tính thì chỉ có chức năng điều tiết. Đối tượng của lý tính thực tiễn là cái Thiện - tối cao và do vậy, chức năng của nó là phát hiện ra và thực hiện cái cần thiết cho tự do của con người. Đến lượt mình, cái Thiện - tối cao chỉ có thể có được, nếu chúng ta tiền giả định “ba khái niệm lý thuyết”: ý niệm siêu nghiệm về sự tự do, sự bất tử và Thượng đế. Trên phương diện tư biện, thuần túy lý thuyết, các ý niệm này chỉ đơn thuần là các khái niệm nghi vấn, là các “vật tư tưởng”, không hề có đối tượng nào tương ứng trong kinh nghiệm và chỉ có giá trị sử dụng mang tính “điều hành”, định hướng. Nhưng trái lại, về phương diện thực hành, nhờ vào các định đề, chúng ta có thể mở rộng nhận thức của mình về ba đối tượng này. Điều cơ bản là hành vi ứng xử, đầu tiên là việc làm, sau đó mới là tri thức. Triết học ở đây thoát ra khỏi cảnh tù đầy của những kết cấu tư biện, đi vào lĩnh vực hoạt động thực tiễn. I.Kant đã thể hiện rất rõ quan điểm về tính vượt trội của lý tính thực tiễn so với lý tính tư biện, khi trả lời cho câu hỏi: Phải chăng, sẽ tốt hơn nhiều nếu giả sử chúng ta có được một lý tính tư biện đầy quyền năng để có thể thỏa mãn hết mọi mong muốn của mình và nhận thức được trọn vẹn về “Thượng đế và sự vĩnh cửu”? I.Kant kiên quyết trả lời: Không! Bởi lẽ, nếu giả sử chúng ta có thể nhận thức được Thượng đế và sự bất tử của chúng ta một cách rành mạch như là các đối tượng của lý tính tư biện, ắt chúng ta sẽ không bao giờ vi phạm quy luật đạo đức. Song, khi đó, không phải lòng tôn kính quy luật đạo đức, mà chính sự sợ hãi và hy vọng mới trở thành động cơ cho hành động của chúng ta. Chính vì chúng ta không thể nhận thức được Thượng đế và sự bất tử về phương diện lý luận, nên chúng ta mới có khả năng chứng minh rằng mình xứng đáng được hưởng hạnh phúc.

Những định đề của lý tính thực tiễn - sự bất tử, tự do, tồn tại của Thượng đế - thực chất là những đối tượng của niềm tin dựa trên lý tính thuần tuý của niềm tin đạo đức, còn niềm tin này là lối tư duy đạo đức của lý tính cùng với sự tin tưởng của nó vào cái không đạt tới được đối với nhận thức lý luận(9). Theo I.Kant, ba ý niệm này, một cách tự nó, vẫn chưa phải là tri thức, nhưng dẫu sao, chúng vẫn là những tư tưởng siêu việt, trong đó không có gì là không thể. Con người không nhận thức bản chất của linh hồn, thế giới lý tính, bản chất tối cao tự thân chúng, con người chỉ có khái niệm về chúng; và các khái niệm này, được hợp nhất trong khái niệm thực tiễn về hạnh phúc tối cao như khách thể của ý chí con người và được hợp nhất một cách hoàn toàn tiên nghiệm thông qua lý tính thuần tuý. Định đề về sự bất tử bắt nguồn từ điều kiện thực sự cần thiết cho tính tương dung của tồn tại kéo dài với tính chất đầy đủ trong việc hoàn thành quy tắc đạo đức. Định đề về tự do bắt nguồn từ giả thuyết cần thiết về sự không phụ thuộc vào thế giới cảm tính và từ năng lực quy định ý chí của mình theo quy tắc của một thế giới lý tính. Cuối cùng, định đề về tồn tại của Thượng đế bắt nguồn từ điều kiện cần thiết cho một thế giới mà ở đó, lý tính có thể trở thành hạnh phúc tối cao, khi giả định có hạnh phúc tối cao, độc lập. (9)

Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của I.Kant, những định đề của lý tính thực tiễn (lý tính thực hành), xét theo nghĩa tích cực của chúng, không chỉ là định đề về sự bất tử của linh hồn, định đề về tự do, mà cả định đề về sự hiện hữu của Thượng đế, mặc dù đã được lý tính tư biện khẳng định và minh biện thành vấn đề nhưng lại không bao giờ có thể giải quyết được. Chúng được tiền giả định xuất phát từ chính “sự tôn kính đối với quy luật đạo đức” và điều này, đến lượt mình, lại biến cái Thiện - tối cao thành đối tượng cho những nỗ lực của chúng. Đây chính là điểm độc đáo trong học thuyết đạo đức học của I.Kant.


Chú thích:

(1) Xem: I.Kant. Phê phán lý tính thực hành (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải). Nxb Tri thức, Hà Nội, 2007, tr.209, 210.
(2) I.Kant. Sđd., tr.220.
(3) I.Kant. Sđd., tr.220.
(4) I.Kant. Sđd., tr.220.
(5) I.Kant. Sđd., tr.220.
(6) I.Kant. Sđd., tr.223.
(7) I.Kant. Sđd., tr.232.
(8) I.Kant. Sđd., tr.108.
(9) Xem: I.Kant. Sđd., tr.466-469.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khi vật lý gõ cửa bản thể học

    12/04/2016Nguyễn Tường BáchKhủng hoảng về vật lý hiện nay là khủng hoảng về ontology, khủng hoảng về bản thể học của thế giới chúng ta. Mặc dù đi đến cửa ngõ của triết học rồi, nhưng nền tảng, bản thể của nó là gì, đó là điều mà chúng ta chưa biết. Khi vật lý học gõ cửa trên bản thể học thì ở đó Phật giáo có thể trả lời một vài câu hỏi...
  • Triết học cổ điển Đức từ Kant đến Hegel

    17/12/2009Trần Đức ThảoBiện chứng pháp duy tâm của Hegel là thành tích cao nhất của tư tưởng cận đại trước Marx. Triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và Anh, kinh tế học Anh, đó là ba nguồn gốc chính của chủ nghĩa Marx.
  • Nghiên cứu triết học cơ bản

    14/12/2009Lý Chấn AnhTập sách mang hai công năng: giới thiệu những nguyên lí triết học, đồng thời phát triển tư tưởng triết học nhân bản toàn diện mà Lý Chấn Anh chủ trương (...) về công năng của triết học chính là công việc hoàn thiện, thăng tiến con người: một con người toàn diện gồm trí năng, đức năng, mĩ cảm và thánh năng.
  • Một số quan niệm cổ điển về xã hội dân sự

    09/11/2009Trần Hữu Quang*Trong lịch sử sinh thành của khái niệm "xã hội dân sự" nơi các nhà tư tưởng cổ điển Tây phương, người ta có thể nhận thấy rằng diễn trình biến chuyển của khái niệm này thực ra biểu hiện những sự thay đổi trong các quan điểm lý thuyết về các mối quan hệ giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội. Quá trình biến chuyển này xét về đại thể đã trải qua bốn quan niệm khác nhau...
  • Bùi Văn Nam Sơn (1947 - )

    23/10/2009Dịch giả xuất sắc, triết gia gốc gác, tận tình
  • Về quan điểm đạo đức học của Chủ nghĩa hiện đại

    16/09/2009Nguyễn Hồng Thúyvới những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, đạo đức không phải là những quy tắc có giá trị lâu dài mà là cảm hứng sáng tạo. Với họ, đạo đức không phải là một cái đã có hệ toạ độ được xác định trước bởi bổn phận hay lương tâm, mà là hành động cụ thể, là phương thức hành động trong đời sống xã hội, là đạo đức học trong hoàn cảnh đầy ắp tri thức, có khả năng đáp ứng được những khách thức của thời đại và đưa cái Cao thượng vào đời sống con người.
  • Tư tưởng của các triết gia vĩ đại

    01/09/2009William S. Sahakan - Mabel. SahakanQuyển sách này được dịch từ nguyên bản tiếng Anh "Ideas of the Great Philosophers" của William S. Sahakian , Trưởng Khoa Triết Trường Đại Học Suffolk và Mabel Lewis Sahakian, giảng viên Triết tại Trường Đại Học Northeastrn. Hai học giả nói trên (cả hai đều là Tiến sĩ triết học ) đã dày công biên soạn và tóm lược hàng trăm luận thuyết triết học phương Tây của hàng chục triết gia vĩ đại , tính từ trước thời của Socrates cho đến thời đại ngày nay.
  • Các hệ thống triết học hiện đại

    25/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchTrong cuộc đời, một số triết gia danh tiếng đã thay đổi quan điểm triết học, chuyển từ trường phái này sang trường phái khác; một số còn có khả năng đại diện cho nhiều trường phái triết học khác nhau...
  • Đạo đức học & triết lý nhân sinh

    10/08/2009William S. Sahakan& Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchÝ nghĩa triết học của thuật ngữ "Đạo đức học" (Ethics) bao quát một phạm vi rộng hơn nhiều so với nghĩa hạn hẹp của nó trong câu “đạo làm người trong đời” (man on the street) - đạo đức được xét đến trong khuôn khổ chọn lựa cung cách ứng xử....
  • Tương lai của Khai Sáng? (*)

    25/07/2009Bùi Văn Nam SơnNguyên tắc của truyền thống Khai sáng là không xem người khác có “ít” lý tính hơn mình, rằng có thể phản bác nhau bằng lập luận chứ không được quy kết bản chất của người khác vào “trục ác”; để từ đó, phân biệt sự Khai sáng với lịch sử của nó và không xem Khai sáng là một công cuộc “nhất thành bất biến” hoặc có thể xoay ngược lại kim đồng hồ.
  • Bùi Văn Nam Sơn: Kẻ lữ hành theo chân các triết gia

    23/07/2009Hải Miên thực hiện“Đối với nước ta, công cuộc tu thư ngày càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học trên thế giới. Việc dịch sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp phát văn hóa”.
  • Kant với vấn đề giáo dục

    05/03/2009Thái Kim LanBài viết nhằm giới thiệu một số ý kiến của triết gia thời Khai sáng, I. Kant, về vấn đề giáo dục mà không đưa ra phê phán hay hệ thống hoá, có mục đích cung cấp tài liệu tham khảo để thảo luận hay suy nghĩ tiếp.
  • Triết học là gì?

    16/03/2007Đặng Phùng QuânKhi thông tin sự cáo chung, triết học cũng mang ý nghĩa đặt định nhiệm vụ của tư tưởng của thời đại mới. Có thật sự một thời đại đã chấm dứt và một thời đại mới bắt đầu?
  • Triết học phương Tây hiện đại

    02/07/2006Lưu Phóng Đồng (dịch giả: Lê Khánh Trường)Đây là quyển giáo trình triết học hướng đến thế kỷ 21 trên cơ sở lấy thái độ thực sự cầu thị của chủ nghĩa Marx mà đánh giá lại toàn bộ triết học phương Tây hiện đại và mối quan hệ của nó với triết học Mácxít. Tác giả sẽ lần lượt trình bày với bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này một dòng triết học với nhiều trào lưu, trường phái, chủ nghĩa gắn với nhiều triết gia nổi tiếng của triết học phương Tây hiện đại. Chính sự phong phú và đa dạng đó đã tạo cho triết học học phương Tây hiện đại một bức tranh nhiều màu sắc...
  • Thông diễn học của Hegel

    24/04/2006Ts. Lê Tuấn Huy (dịch)Hermeneutics hiện thường được dịch là "chú giải học". Tuy nhiên, nhánh học thuật này, với ý nghĩa đương đại, đã không còn bó hẹp trong việc chú giải Kinh thánh hay văn bản như trước, mà là sự thông đạt lẫn nhau từ sự diễn dịch tư tưởng, lý luận...
  • Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người

    12/04/2006Hồ Sĩ Quý...đến giai đoạn triết học phê phán, I. Kant mới xuất hiện như là một nhân vật "khổng lồ". Với ba tác phẩm có tựa đề "phê phán"... ("Phê phán lý tính thuần tuý", "Phê phán lý tính thực tiễn" và "phê phán năng lực phán đoán"), triết học I. Kant - một kiểu triết học có tư duy độc đáo trong văn hoá Tây Âu, đã trở thành điểm khởi đầu của một dòng triết học ảnh hưởng to lớn đến lịch sử văn hoá nhân loại - triết học cổ điển Đức...
  • Trường Đại học duy lý và ý tưởng tự trị Đại học

    19/02/2006Ngô Tự Lậpcha đẻ thực thụ của trường Đại học hiện đại chính là Immanuel Kant (1724 -1804), người đã kết hợp triết học duy lý (rationalism) của Descartes với triết học duy nghiệm (empiricism) của Bacon và mở đầu cho thời kỳ Khai Sáng...
  • xem toàn bộ