Hồng Kông: Đối thoại giữa chính quyền và sinh viên bế tắc

05:08 CH @ Thứ Bảy - 25 Tháng Mười, 2014

Cuộc đối thoại đầu tiên giữa chính quyền Hồng Kông và đại diện sinh viên biểu tình diễn ra trong hai tiếng đồng hồ ngày 21-10 (từ 18-20 giờ) và được truyền hình trực tiếp đã kết thúc mà không có tiến triển đáng kể. Chính quyền Hồng Kông đề nghị cải cách hệ thống bầu cử vào năm 2022, thay vì 2017 - theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Trong buổi họp báo sau cuộc đối thoại đầu tiên vào tối ngày 21-10, Chánh văn phòng Đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam nói dù cuộc bầu cử năm 2017 phải tuân theo quyết định ngày 31-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nhưng vẫn có nhiều khoảng trống để thảo luận về tiến trình đề cử và phương thức bầu cử chức Trưởng đặc khu Hồng Kông, mô hình của cuộc bầu cử năm 2017 chưa phải là cuối cùng.

Bà Carrie Lam kêu gọi sinh viên nên hỗ trợ xây dựng một nền tảng với tầm nhìn dài hạn cho việc phát triển hiến pháp sau năm 2017 khi chính quyền Hồng Kông đang cân nhắc phản ánh quan điểm của người dân lên chính quyền trung ương.

Tổng thư ký Liên đoàn sinh viên Hồng Kông (HKFS) Alex Chow cho rằng chính quyền đã đưa ra vài động thái thiện chí nhưng đề nghị mà chính quyền đưa ra mơ hồ.

Cuộc đối thoại được tường thuật trực tiếp cho người dân Hồng Kông và các quan chức chính phủ tại Trung Quốc. Báo chí được tự do tác nghiệp.

Trong cuộc đối thoại, Tổng thư ký Liên đoàn sinh viên Alex Chow nhắc lại mối quan hệ giữa một cuộc bầu cử không công bằng và tình trạng nghèo đói, bất công. Alex Chow nói: “Một ủy ban bầu cử không công bằng sẽ tác động tiêu cực đến khoảng cách giàu nghèo ở Hồng Kông... Người dân Hồng Kông nhận thấy xã hội đang đi xuống, họ nghĩ rằng phải đứng lên chiến đấu để tiếng nói của họ được chính quyền lắng nghe. Nhưng trong tháng qua, họ đã phải “ăn” rất nhiều bình xịt hơi cay…”.

Về phía chính quyền, bà Carrie Lam cho biết tiếng nói của sinh viên được xã hội, chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương Trung Quốc tiếp nhận. Tuy nhiên, một lý tưởng được tôn trọng phải được thực hiện bằng phương thức hợp tình và hợp pháp. Bà Carrie Lam cho rằng cảnh sát đã kiềm chế và hành động đúng mực trong các cuộc giải tán người biểu tình. Sự phát triển chính trị của Hồng Kông phải tuân theo các điều luật cơ bản, trong đó Bắc Kinh phải giữ vai trò quan trọng. Bà Lam nhấn mạnh: “Hồng Kông không phải thực thể độc lập mà là đặc khu hành chính của Trung Quốc nên không thể tự quyết định hướng phát triển chính trị riêng”.

Lý luận của bà Lam bị các sinh viên bác bỏ. Các sinh viên trích dẫn Hiến pháp Trung Quốc cho rằng quyết định ngày 31-8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc về bầu cử Trưởng đặc khu Hồng Kông hoàn toàn có thể thay đổi được nếu không thích hợp.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bản sắc Hồng Kông và gốc rễ kinh tế của cuộc biểu tình

    08/10/2014Ngọc ÝTừ ngày 22-9, sinh viên bắt đầu bãi khóa biểu tình, và được phong trào “bất tuân dân sự” của các trí thức, nhà dân chủ ở Hồng Kông tiếp nối. Người biểu tình đòi tự do bầu bất cứ ai vào chức vụ trưởng đặc khu, và sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp bằng hơi cay, còn có thêm yêu cầu ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hiện tại, phải từ chức...
  • Vai trò của Hồng Kông trong nền kinh tế Trung Quốc

    07/10/2014Thái BìnhKhi người biểu tình tràn ngập Hồng Kông và mối lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào tăng lên thì một trong những mối trăn trở của cư dân thành phố này là, liệu số phận của Hồng Kông có ý nghĩa nhiều đối với phần còn lại của Trung Quốc hay không...
  • Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931

    24/06/2011Bùi Quang Minh (tổng hợp)Câu chuyện lịch sử năm 1931, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt tại Hồng Kông, định dẫn độ cho nhà cầm quyền Pháp để lấy tiền, nhưng sau đó đã bị thất bại thảm hại trước sự giúp đỡ vô tư đầy lòng nhân ái của bạn bè quốc tế. Xin đăng tải một số thông tin về việc bắt giữ, việc xét xử và bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc để thấy được công lao của gia đình vị ân nhân - luật sư Loseby, cộng sự của ông đối với một người nước ngoài không quen biết, không tiền để trả thù lao và việc xét xử tại tòa của thực dân Anh 80 năm trước...