Đôi chút tự trào

01:26 CH @ Thứ Ba - 03 Tháng Mười Hai, 2019

Nghe một thanh niên Thụy Điển nói rằng anh ta “chỉ ước sao một buổi sáng tỉnh dậy bỗng thấy mình là người Việt Nam” quả cũng rất sướng tai, nhưng thiết tưởng cũng chẳng bổ ích là bao. Bổ ích hơn nhiều là biết nhận ra rằng bên cạnh những cái tuyệt vời của mình, còn có những cái còn xa mới có thể gọi là tuyệt vời và hơn nữa, phải trừ khử đi mới mong nhích gần đến chỗ tuyệt vời. Người có cơ tiến xa là người biết nghe người khác chế giễu mình mà không giận, và nhất là biết tự mình chế giễu mình, vì khi đã tự thấy thình lố lăng thì khó lòng có thể tiếp tục lố lăng mãi.

Sau đây, chúng tôi xin lượm lặt một số câu nói vui có tính chất tự trào, phần nhiều là của những người Việt nói về mình dưới dạng so sánh với người ngoại quốc. Và dĩ nhiên, nó chỉ nêu lên những sự tình ít nhiều có thật và hiện đang gây tác hại trên con đường phát triển của chúng ta.

Người Do Thái bị Trời đày lưu lạc ở nước ngoài cố tích lũy lấy một tài sản lớn rồi tìm hết cách trở về cõi Đất Hứa khô cằn của mình. Người Việt Nam được Trời đãi một cõi rừng vàng bể bạc mà vẫn cố phát mãi tài sản đi để tìm hết cách ra sống ở nước ngoài.

Sự gắn bó của người dân Việt Nam với mảnh đất quê hương từ rất lâu đã thành huyền thoại. Người Pháp thường nói rằng “đời người nông dân Việt Nam bị buộc chặt vào mảnh đất”. Nhưng ngày nay cái truyền thống đó không còn như cũ nữa. Nó được thay bằng một xu hướng tha phương cầu thực khá mạnh, có thể là chỉ vì muốn kiếm một số vốn đủ để xây một toà “vin-na” khang trang có thể bì với các “vin-na” khác trong làng. Nhưng muốn thế, trong nhà nhất thiết phải có người đi làm ăn ở nước ngoài.

Đối với người châu Âu, cứu cánh (la fin) và phương tiện (les moyens) là hai khái niệm khác nhau, thậm chí đối lập với nhau. Đối với nhiều người Việt Nam đó chỉ là một khái niệm: điều này giúp cho họ tránh hẳn được một vấn đề nan giải về đạo đức học.

Trong đạo đức học của người phương Tây có một quan niệm gặp phải thái độ lên án của tuyệt đa số người có lương thức: đó là quan niệm cho rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện (hay thủ đoạn) (la fin justifie les moyens). Nghĩa là nếu cứu cánh đã tốt đẹp thì dùng thủ đoạn nào để đạt được nó cũng đều tốt cả. Nhiều người (và nhiều tôn giáo trên thế giới) cho rằng đó chính là phương châm của sự vô sỉ. Thành thử cũng có người dùng quan hệ đồng âm giữa finfaim [fẽ] mà “chơi chữ”, cố tình hiểu thành “la faim justifie les moyens” (cái đói biện minh cho phương tiện), nghĩa là khi người ta đói thì dùng thủ đoạn gì để khỏi chết đó cũng đều tốt cả.

Quả tình, rất ít người Việt hiểu cứu cánh là “mục đích cuối cùng” như người biết chữ Hán vẫn hiểu. Các đài phát thanh và truyền hình của nhà nước đều dùng cứu cánh theo nghĩa “phương tiện cứu vãn”. Vì chữ cứu trong tiếng Việt (viết bằng chữ quốc ngữ) chỉ có thể hiểu là “cứu nguy” hay “cứu mạng” mà thôi (chỉ trong văn cảnh châm cứu thì cứu mới có nghĩa khác, nhưng vì xu thế loại suy nên nhiều người vẫn hiểu theo nghĩa “cứu chữa”). Có lẽ vì thế mà có nhiều người không do dự mấy khi dùng những thủ đoạn bất kỳ để thực hiện những mục đích “cao cả”.

Tại sao ba kỹ sư Hàn Quốc cùng làm mới bằng một kỹ sư Việt Nam, mà ba kỹ sư Việt Nam cùng làm lại không bằng một người thợ Hàn Quốc? Vì cách phối hợp của hai bên khác nhau ở một chi tiết nhỏ: một bên có đánh dấu cộng, một bên có đánh dấu trừ.

Không có gì quý hiếm cho bằng sự cộng tác hữu hiệu giữa hai người Việt Nam, nhất là giữa hai người bạn đồng nghiệp. Không phải vì hai người đều xấu. Có thể chỉ có một người không tốt, cũng có thể cả hai đều tốt. Nhưng họ khó có thể cộng tác với nhau được, vì cả hai đều muốn người kia phục tòng mình. Vì “mình” bao giờ cũng phải chiếm ghế trên. “Trong bụng mỗi người Việt Nam đều có một ông Quan lớn”. Dù chỉ làm quan lớn của một người cũng nhất thiết phải làm, chứ nhường cho người kia thì thà chết còn hơn. Do đó, kẻ thù quyết liệt nhất của ông thủ trưởng chính là ông phó thủ trưởng. Cho nên có câu

Tuy hai người là bạn đồng nghiệp cùng ngành và cùng cơ quan với nhau, mãi cho đến nay cả hai vẫn còn sống, vì chưa ai nghĩ ra cách tiêu diệt người kia cả.

Ôi! Giá họ dành 1/1.000 tâm lực và trí lực để nghĩ đến công việc chung và đến Tổ quốc chung, thì nước ta đã lên tới Chủ nghĩa Cộng sản từ lâu rồi.

Ta sẽ thấy đỡ buồn hơn khi nghe câu sau đây:

Tuy hai người là bạn đồng nghiệp cùng ngành và cùng cơ quan, nhưng họ vẫn thân nhau và giúp đỡ nhau như thường ...

mặc dầu giữa mệnh đề chính và mệnh đề nhân nhượng vẫn còn nguyên ý mỉa mai do cái nghịch lý kia gây nên.

Người Mỹ kiếm việc làm để kiếm tiền đi nghỉ phép hay đi du lịch nước ngoài. Người Việt Nam xin nghỉ phép hay xin đi nước ngoài để kiếm tiền cho đủ sống mà phục vụ nước mình.

Một trong những mục đích mà người Mỹ (và những người ngoại quốc khác) nhằm tới khi đi kiếm việc làm là có đồng lương đủ để nghỉ ngơi và đi ngao du đây đó (nhất là đến những nơi xa lạ) với vợ con. Người Việt Nam khó có ai ở trong nước mà lại có thể mơ ước có một đồng lương như vậy (dĩ nhiên, nếu không trộm cướp hay tham nhũng). Cho nên, khi tìm cách ra nước ngoài thì đó không phải là để du lịch mà chính là để tìm cách bổ sung cho số lương của mình đủ cho mình có sức mà phục vụ Tổ quốc và khỏi trở thành một kẻ bất lương hay một kẻ ăn hại.

Chỉ riêng điều đó thôi, cũng đủ cho thấy tinh thần dân tộc của những người Việt Nam không tham nhũng cao cả đến nhường nào.

Người ta dùng trí thông minh để làm sao cho mình làm hay hơn người khác: đó là những con người vị kỷ. Người mình dùng trí thông minh để làm sao cho người khác được làm nhiều hơn và hay hơn mình: người mình vốn vị tha hơn hẳn các dân tộc khác.

Đăng lần đầu trên
Báo Tuổi trẻ Cười số 86 tháng 3 năm 1991
với bút danh Hoàng Minh.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Cứ sống thế này thì nhắm mắt sao nổi”

    12/02/2015Linh ThủyCâu nói của nhà văn Nga Tchekhov được Vương Trí Nhàn trích lại trong “Những chấn thương tâm lý hiện đại”. Dường như, đó cũng là tiếng cảm thán của chính tác giả, và của nhiều người về sự xuống dốc của lối sống hiện nay.
  • Có nên viết về khuyết tật của người mình không?

    19/08/2013Nguyễn TýCách đây nhiều năm, Giáo sư Cao Xuân Hạo đã viết bài “Đôi chút tự trào” đăng trên Tuổi Trẻ Cười. Ở bài viết đó tác giả đã chỉ ra được một số đặc điểm về thói hư tật xấu của người Việt. Nhân cuốn sách “Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng” được giải vàng sách hay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Giáo sư...
  • Quan trọng nhất là phải biết nhìn ra nhược điểm của chính mình

    02/01/2007
    Trong cuộc gặp gỡ mới đây với chúng tôi, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về một chủ đề mang tính thời sự: tính cách Việt trong thời buổi hội nhập...
  • Nghĩ về những thói hư tật xấu của người mình

    15/10/2006Dương Trung QuốcKhông biết có phải vì được chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của nước Trung Hoa trong cuộc cải cách mà dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn “Người Trung Hoa xấu xí” của Bá Dương...
  • “Để người Việt Nam tự nhận thức...”

    12/09/2006Nguyên An thực hiệnTự nhận là đang làm công việc “chưa ai khai phá”, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, “người hay nói về nhược điểm của đồng nghiệp”, đang góp nhặt những lời người xưa cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và dự định sẽ in thành sách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về công trình này...