Đời sống hiện đại: Internet và những đánh đổi

01:48 CH @ Thứ Năm - 01 Tháng Hai, 2018

Trong đời sống hiện đại, kết nối với Internet hầu như là một nhu cầu “không thể thiếu” đối với ngày càng nhiều người. Chúng ta vào Internet vì công việc, vì muốn tìm kiếm thông tin, nhằm thư giản, hoặc để “sinh hoạt xã hội” (chăm sóc Facebook, viết blog). Những công cụ như máy tính điện tử, điện thoại khôn ngoan... quả có giúp ta tăng gia năng suất trong việc làm, liên lạc với nhau nhanh chóng và dễ dàng hơn, và nhiều việc quan trọng khác nữa. Tuy nhiên, cùng với các lợi ích là một số “mặt trái” của Internet: những trang web dâm ô, xách động bạo lực, nhiều thông tin sai, không thể kiểm chứng, hoặc những đả kích, vu khống cá nhân...

Nhìn sâu hơn thì Internet đặt ra nhiều sự đánh đổi: bận rộn hơn nhưng kém sâu sắc đi, giao tiếp rộng rãi thêm song cũng hời hợt hơn, nhận nhiều thông tin nhưng cũng bị “giấu” nhiều thông tin. Sống trong thời đại Internet quả đem lại cho ta nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Thêm bận rộn nhưng giảm chiều sâu

Từ vài thập niên qua, những phương tiện “công nghệ số” (máy tính điện tử, điện thoại khôn ngoan...) đã cho chúng ta một cách mới, vô cùng mạnh mẽ, để theo đuổi “tính bận rộn” của mình. Chúng thường được quảng cáo như giải pháp cho cuộc sống đầy “stress” của xã hội hiện đại.

Đắm chìm trong thế giới Internet, chúng ta có thể quan sát “đám đông”, nhưng sự quan sát ấy không đem cho chúng ta “minh triết” (dùng chữ của cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến), nó cho ta sự “khôn lanh”, biết tin này, chuyện nọ... song đó không phải là minh triết sâu sắc. Sự sâu sắc làm giàu thêm liên hệ của chúng ta với đồng loại, cung cấp chất liệu và sự viên mãn cho đời sống. Chính nó làm phong phú hơn mọi hành động của chúng ta.

Hiển nhiên, “bận rộn” và “sâu sắc” không luôn luôn là xung khắc. Nhiều lúc chúng ta có thể nhanh nhẹn quay từ việc này sang việc nọ, nhưng tập trung hoàn toàn vào công việc trước mắt. Chẳng hạn một bác sĩ giải phẩu mỗi ngày có thể mổ từ ca này sang ca khác, song trong ca nào thì ông cũng tập trung chú ý 100% . “Bận rộn” trên “không gian số” thì khác sự bận rộn của một bác sĩ như thế. Từ màn hình, hàng chục công việc vẫy gọi chúng ta: nào là thư điện tử, nào là bài đang viết, biểu đồ đang xem, bài báo đang đọc, một trận bóng đá trực tuyến, v.v.. Như một đứa trẻ chơi lò cò, chúng ta nhảy từ việc này sang việc nọ. “Công nghệ số” làm tăng năng suất, nhưng chính nó là trở ngại cho sự tập trung liên tục ̶ một sự tập trung cần thiết cho những phát minh cơ bản, thật có bề sâu. Như nhà bình luận Mỹ William Powers[1] nhận xét: Sự kết nối qua Internet chính là kẻ thù của sự sâu sắc.

Với thư điện tử, chúng ta có thể liên lạc với bạn bè, thân quyến thường hơn, song hầu hết những “thư” này ngắn hơn, vội hơn, so với thư viết tay (hoặc đánh máy) ngày xưa. Xu hướng này rất rõ rệt trong giới trẻ: Họ ngày càng ít dùng thư điện tử mà chuyển sang nhắn tin qua điện thoại (texting). Đàng khác, “đối thoại” trên Internet là đối thoại qua ngôn ngữ và hình ảnh... song lắm khi một cái nhìn trong im lặng lại mang nhiều ý nghĩa hơn.

Chúng ta đang dần dần mất đi một giá trị vô cùng to lớn, một lối nghĩ suy, một cách trải nghiệm thời gian. Ấy là chiều sâu. Chiều sâu của tư tưởng và cảm nhận, chiều sâu trong hành động, và nhất là chiều sâu trong liên hệ giữa chúng ta. Bởi lẽ một cuộc sống viên mãn không thể thiếu chiều sâu, mất chiều sâu là một mất mát rất lớn.

Kết nối rộng rãi nhưng mong manh

Nếu bạn có một điện thoại di động, hoặc một máy tính nối kết với Internet, một địa chỉ email, thì bạn có thể tiếp xúc với hàng triệu cá nhân, tổ chức, và ngược lại, hàng triệu cá nhân, tổ chức có thể tiếp xúc với bạn. Hiện tượng này cho nhiều người ấn tượng là xã hội, thậm chí cả nhân loại, đang kết nối chặt chẽ hơn, hiểu biết nhau hơn. Có thật thế không?

Mark Granovetter (một nhà xã hội học người Mỹ) phân biệt hai loại liên hệ trong xã hội: “liên hệ mạnh” và “liên hệ yếu”. Những liên hệ mạnh là những liên hệ gia đình, bạn thân, xóm giềng gần gũi, vững bền, khó cắt, còn những liên hệ yếu là những liên hệ xã giao ngoài mặt, phiến diện, cắt bỏ dễ dàng. Theo Granovetter, chính những “liên hệ mạnh” mới là căn bản cho “vốn xã hội”, một thành tố quan trọng cho phát triển và tăng trưởng. Nhìn qua cách phân loại này, Malcolm Gladwell (tác giả của nhiều sách bán chạy nhất ở Mỹ) cho rằng Internet có làm dày đặc thêm liên hệ, nhưng đó là những liên hệ yếu, không phải mạnh. Những liên hệ yếu chẳng phải là hoàn toàn vô ích, nhưng chúng chỉ hữu ích cho những thư giản hời hợt, không thể được dựa vào để động viên, phối hợp để thực hiện những công tác đòi hỏi hi sinh và kiên trì. Một xã hội gắn kết với nhau bằng những liên hệ yếu là một xã hội không nhiều đoàn kết, nhất là những đoàn kết để hi sinh lâu dài vì sự nghiệp chung.

Một đặc tính nữa của những liên kết dựa trên Internet: Càng chằng chịt liên kết với người khác, chúng ta càng hướng ngoại (trái ngược với hướng về nội tâm của chính chúng ta). Chúng ta liên lạc thường hơn qua Internet, có những “bạn” trên Facebook mà ta không biết tên thật, sống ở đâu, chưa từng gặp mặt ngoài đời. Nhiều người bỏ nhiều thời giờ “chăm sóc” trang Facebook của mình hơn là tiếp xúc với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đang sống ngay bên cạnh. Khi sự liên lạc với người ở một châu lục khác cũng dễ dàng như với người sống bên cạnh thì sự cận kề (không gian hoặc huyết thống) mất đi nhiều ý nghĩa. Chẳng những cuộc sống nội tâm sẽ bị tổn hại, những liên hệ với những người gần gũi ta cũng sẽ bị tổn hại. Trong thế giới Internet, chúng ta có nhiều người quen nhưng ít người thân.

Tính “hướng ngoại” còn ảnh hưởng đến “thang giá trị” mà chúng ta dùng để tự đánh giá: những người có Facebook, có blog, thường tự đáng giá bằng con số “bạn” mà mình có trên Facebook, số người đến xem blog của mình, và số “comment”.

Cũng trong chiều hướng này, Evgeny Morozov[2] cho rằng toàn cầu hóa sẽ làm loãng đi sự quan tâm của trí thức đến những vấn đề của quốc gia họ. Một trí thức thượng thặng của Nga, Trung Quốc, Brazil... chẳng hạn, thường “thân thiết”, trao đổi, cộng tác với đồng nghiệp ờ các đại học, các trung tâm nghiên cứu, ở London, New York, Cambridge, Berkeley.. hơn là với trí thức ở chính quê hương của mình.

Lọc lựa và nặc danh

Oái oăm là trong số những người chỉ trích Internet mạnh mẽ nhất lại là những người đã có những đóng góp nền tảng cho sự phát triển của “không gian ảo”. Hai tác giả nổi bật là Eli Pariser[3] và Jaron Lanier.[4]

Theo Eli Pariser (cây bút chủ lực của tạp chí Wired chuyên về công nghệ số), những công cụ tìm kiếm (như Google) mà ai cũng cho là cực kỳ hữu ích để mở mang kiến thức, lại có tác dụng giam hãm người sử dụng trong một thứ “bong bóng” (chữ của Pariser) vô hình. Ông cho biết, khi bạn “Google” một đề tài nào đó thì Google sẽ căn cứ vào sở thích của bạn (mà Google suy đoán qua những tìm kiếm trước đây của bạn) để hiển thị kết quả, và theo thứ tự mà Google đoán là phù hợp với bạn.

Ví dụ: nếu bạn là một người Mỹ có khuynh hướng chính trị bảo thủ (căn cứ vào những bài, những thông tin mà bạn đã tìm qua Google trước đây) thì Google sẽ hiển thị cho riêng bạn những bài, tin, viết theo quan điểm bảo thủ lên đầu kết quả tìm kiếm. Như thế, càng ngày bạn càng chìm sâu trong thế giới của những người bảo thủ: đọc của nhau, mà không được biết gì về các quan điểm khác.[5] Tất nhiên, tình trạng y hệt cũng xảy ra cho những người có tư duy “tiến bộ” (hoặc một chân dung sở thích nào đó mà Google “đoán”, với một công thức bí mật mà công ty này thường xuyên điều chỉnh).

Jaron Lanier, một người tiên phong khác trong ngành “thực tế ảo” (virtual reality) còn mạnh mẽ chỉ trích Internet hơn cả Eli Pariser Ông nói cách giật gân: Facebook, Google là những “công ty gián điệp” (theo nghĩa bóng) bởi vì mô hình kinh doanh của họ hoàn toàn dựa vào việc thu thập, sắp xếp, đúc kết, rồi bán những thông tin về mọi mặt của cả tỷ người khắp nơi trên thế giới[6]! Lanier vạch ra một tệ nạn nữa của Internet, đó là những phản hồi (“comment”) nặc danh. Vì thế, đi xa hơn Pariser, Lanier cho rằng Internet còn là một “công cụ khủng bố”. Một tác giả xuất hiện trên Internet là lập tức bị một đám đông nặc danh ném đá, chê bai! Lanier phát hiện một mâu thuẫn nội tại của Internet: nó đe doạ sự tư riêng (thông tin – đúng hay sai – về đời tư, quá khứ của mỗi người đều có thể bị ai đó tung lên Internet) bởi chính tính nặc danh của nó.

Thay lời kết

Không ích lợi gì để đặt câu hỏi: Vậy thì Internet là tốt hay xấu cho đời sống chúng ta? Nó đã hiện hữu, xu hướng “số hoá” của mọi sinh hoạt là không thể cưỡng. Cũng không thể kết luận rõ ràng rằng “thế giới ảo” là tốt hay xấu: nó có cả hai mặt, vừa tăng năng suất trong công việc, vừa biến đổi mọi hoạt động của chúng ta. Điều quan trọng mà chúng ta có thể làm được là tìm sự cân bằng giữa “đời sống ảo” (trên Internet) và “đời sống thật”. Chúng ta không nên quên những người thân, bạn bè, sống chung quanh ta, chúng ta cần dành cho mình những “khoảng lặng”, cố gắng đi vào chiều sâu trong suy nghĩ, trong cảm giác, trong hành động. “Tiếp cận” thông tin, dù ngày càng phong phú, chẳng bao giờ là đồng nghĩa với minh triết và trải nghiệm.

Về phía những người có trách nhiệm lãnh đạo (nói chung, không chỉ là nhà nước), Morozov[7] đặt ra một danh từ mới “không tưởng không gian ảo” (cyber-utopianism) để gán cho tư duy xem Internet là tâm điểm. Đối với những người có tư duy này, mọi việc đều xoay quanh Internet, công nghệ Internet (và tiềm năng của nó) là tâm điểm mọi hoạt động ở bất cứ nơi nào, bất kể môi trường xã hội và lịch sử ra sao. Đó là một lỗi lầm cần tránh.

Trần Hữu Dũng
Dayton, 1-1-2013

[1]William Powers, 2010, Hamlet's BlackBerry: Building a Good Life in the Digital Age, New York: Harper.
[2]Evgeny Morozov, 2011, Tne Net Delusion: The Dark Side of Internet Freedom, New York: PublicAffairs
[3]Eli Pariser, 2011, The Filter Bubble: What the Intertnet is Hiding from You, New York: Penguin.
[4]Jaron Lanier, 2011, You Are Not a Gadget: A Manifesto, New York: Vintage. Xem thêm: Ron Rosenbaum, 2013, "What Turned Jaron Lanier Against the Web?", Smithsonian Magazine, tháng giêng.
[5]Đây cũng là nhược điểm “chết người” của phe bảo thủ ủng hộ Mitt Romney trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Dự đoán của họ hoàn toàn sai lầm vì họ chỉ đọc, chỉ lấy tin từ những nhà báo, nhà bình luận bảo thủ như họ.
[6]Không chỉ những người có tài khoản với họ (kể cả Gmail) nhưng bất cứ ai đã sử dụng Google hoặc được Facebook của người nào đó nói đến
[7]Sách đã dẫn

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Internet có nhiều “ma lực” hơn ta tưởng

    22/12/2016Anh NguyễnNgười Mỹ dành 302 tỉ phút để online trong khoảng thời gian từ 01/7 đến 31/7/2008. Con số này tương đương với 6.760 đời của một người sống 85 năm. Vậy thực sự chúng ta tiêu tốn từng ấy thời gian ở trên mạng làm gì?
  • Internet sẽ tiêu diệt văn hóa đọc?

    02/07/2016Minh TuấnInternet là phát minh vĩ đại của nhân loại. Song, nó cũng tác động không nhỏ đến văn hóa đọc truyền thống. Liệu sách, báo in sẽ tồn tại?
  • Giới trẻ và hội chứng Internet

    18/01/2016Hoàng Đức NhãMặt trái của việc sử dụng Internet trong giới trẻ và thực tế đáng buồn là tình trạng đó vẫn đang diễn ra và có dấu hiệu phát triển mạnh thành “hội chứng Internet”...
  • Cần xây dựng văn hoá internet

    16/03/2015Thảo Nguyên... đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các website xấu chủ yếu là thanh thiếu niên vì họ chưa được trang bị đầy đủ tri thức và kinh nghiệm về cuộc sống, xã hội, họ đang trong quá trình hình thành và ổn định nhân cách, tâm lý. Sự ham hiểu biết của tuổi trẻ nếu không được hướng dẫn sẽ bị các thông tin của thế lực “mạng đen” đánh lừa, chinh phục...
  • Internet làm chúng ta ngu đi?

    18/04/2014Khi Nicholas Carr bắt tay viết quyển sách về đề tài liệu Internet có hủy hoại khả năng tư duy của con người hay không, ông đã hạn chế tối đa hoạt động trên mạng, chỉ kiểm tra thư điện tử, tắt hẳn các tài khoản Twitter và Facebook...
  • Sức hút của Internet và Web

    30/11/2009Hoàng GiápVới sự hỗ trợ của công nghệ, chúng ta hy vọng sẽ có khả năng làm nhiều thứ hơn một lúc và làm với tốc độ nhanh hơn.
  • Những thói quen bị giết chết vì Internet

    10/09/2009Thanh HuyềnDưới đây là trích lược danh sách 50 thứ mà tờ Telegraph (Anh) cho rằng đang dần biến mất bởi sự xâm nhập của mạng , từ các sản phẩm cho tới mô hình kinh doanh, từ những kinh nghiệm cho đến các thói quen trong cuộc sống con người. Danh sách này cũng được xen thêm một số thứ phải chịu tác động của những cải tiến hệ thống mạng hiện đại khác, đặc biệt là điện thoại di động và hệ thống GPS.
  • Mạng Internet cộng đồng tấn công giới trẻ

    19/05/2009Anh Xuân - Lê MinhTrong 2 năm gần đây, mạng Internet cộng đồng phát triển bùng nổ cả về tốc độ, số lượng và quy mô. Bên cạnh ý nghĩa kết nối bạn bè, chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc... thì số đông mạng Internet cộng đồng hiện nay đang thương mại hoá. Để làm được điều này, mạng xã hội đã "tấn công" giới trẻ bằng nhiều chiêu thức nguy hiểm để moi tiền và hút khách, kéo theo đó là những tệ nạn rất cần phải kiểm soát.
  • “Yến tiệc” từ Internet hết thời miễn phí?

    24/03/2009Anh Nguyễn, Theo EconomistNgười dùng đã quá quen với những bữa tiệc bày sẵn trên mạng với đủ hương vị: tin tức, trích dẫn thông tin, âm nhạc, e-mail và thậm chí là internet tốc độ cao. Tuy nhiên, các công ty dotcom không còn muốn cung cấp miễn phí nữa và bắt đầu tính phí dịch vụ...
  • Người dùng Internet dễ trở nên ích kỷ

    08/07/2008Một công trình nghiên cứu của Anh cho rằng người sử dụng Internet đang trở nên thiếu kiên nhẫn và có phần ích kỷ hơn khi họ lên mạng...
  • Một thế giới chìm trong Internet

    19/08/2006Thiên Ý (Theo CNN)"Chỉ vài năm nữa thôi, Internet sẽ làm đảo lộn mọi công việc kinh doanh. Hoặc bạn hãy chuẩn bị đối phó - hoặc là chết".
  • xem toàn bộ