Đối tác

02:05 CH @ Thứ Sáu - 13 Tháng Hai, 2009


Buồm bềnh vai bướm thuyết minh xanh

Khoa học đã kéo loài người đi một bước dài khi tách xã hội thế tục ra khỏi thế giới thần linh và sự thống trị của tôn giáo, loài người bừng tỉnh sau một đêm dài Trung Cổ. Khoa học chính là nền tảng của tính hiện đại. Nó cho rằng lý tính có thể biết rõ mọi quy luật của tự nhiên và căn cứ trên những quy luật đó con người có thể xây dựng một xã hội trật tự, phồn vinh, tự do và hạnh phúc.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi thế kỷ XVIII là thế kỷ ánh Sáng.

Con người bước đi với tốc độ chóng mặt. Khoa học hình như đã trở thành một Thượng đế mới - và Lý tính chiếm dần địa vị chí thánh của những niềm tin tôn giáo.

Người ta đinh ninh khoa học có thể dẫn tới chân lý và hạnh phúc. Condorcet, một nhà khoa học Pháp, khẳng định rằng những khoa học về tâm giới, giống như những khoa học vật lí dựa trên việc quan sát sự kiện, phải tuân theo cùng phương pháp và phải đạt tới cùng mức độ chính xác".

Muốn gạt bỏ mọi dấu vết chủ quan trong ngành toán, các nhà toán học cuối thế kỷ XIX, dưới sự thôi thúc của Hilbert: nhà bác học người Đức bắt tay vào việc xây dựng một hệ thống toán thuần tuý hình thức.

Nói như J.J Duby: "Toán học mô thức hóa Vật lý và Thiên văn học; logic hình thức hóa toán học và chỉ còn đợi ngành Tin học để tạo ra những chiếc máy tiên đoán tương lai và sản xuất các định lý".

Cuộc đời thật là tươi . . .

Nhưng xã hội con người hình như là một thực tế ngoan cố với những sự sắp xếp của lý tính. Thế giới vẫn mất trật tự.

Và dưới danh nghĩa thiết lập trật tự thế giới, những con người tử tế, đáng trọng đã hăm hở xua hàng triệu con người đem súng đạn đi bắn giết nhau trong những cuộc thảm sát nhân loại chưa từng biết tới. Người ta dùng khoa học chế ra những quả bom siêu diệt thừa sức phá hủy mọi mầm mống của sự sống trên trái đất. Các chính quyền quân sự độc đoán mọc lên như nấm trên những miếng đất nghèo nàn.

Của cải vật chất thừa mứa, phải đổ xuống sông xuống biển… nhưng quá nửa nhân loại vẫn đói rách.

Người ta giết nhau giữa ban ngày. Nhiều khoảnh đất của Thiên đàng ánh sáng còn tối hơn Địa ngục.

Các nhà triết học, các nhà xã hội học bắt đầu đặt vấn đề với Lý tính.

Ngay trên quê hương của nó, Lý Tính cổ điển cũng bị những đòn trí mạng.

Năm 1929: nhà vật lý lượng tử nổi tiếng thế giới, Heisenberg, đã đề ra một trong những nguyên tắc có một tầm quan trọng lớn lao đến phương pháp tư duy khoa học của nhân loại cho đến đó vẫn bị chi phối bởi quyết định luận cơ học của Vật lý cổ điển. Heisenberg chứng minh rằng trong thế giới hạt, người ta chỉ xác định được hoặc vị trí (hay không gian) hoặc tốc độ (hay thời gian) của hạt chứ không bao giờ xác định được cả hai cùng một lúc. Nguyên lý bất định của ông như một trái bom bùng nổ làm chấn động nền khoa học đương thời.

May rủi sau nhiều thế kỷ bị Lý tính xua đi, nay trở lại, mà không phải trở lại thậm thụt bằng cửa sau! Nó nghiễm nhiên có hộ khẩu chính thức trong cư xá khoa học thực nghiệm.

Theo Heisenberg… người ta không bao giờ rút gọn được may rủi xuống bằng số 0, hay nói một cách giản dị hơn, không có cách nào triệt trừ được may rủi.

Cuộc chung sống giữa tính quyết định của Vật lý cổ điển và tính bất định của Vật lý lượng tử những ngày đầu thật sóng gió.

Một nhà khoa học không ai có thể nghi ngờ là bảo thủ, vị cha đẻ của thuyết tương đối, cũng không tránh khỏi động tâm và đã phải thốt lên: "Thượng Đế không chơi xúc xắc". Nhưng mặc dầu óc sáng tạo vĩ đại của mình, Einstein cũng chẳng tìm được cách nào chứng minh rằng thượng Đế dị ứng với trò may rủi.

Điều oái oăm là chính ngành Vật lý lượng tử dựa trên thuyết bất định của Heisenberg đã góp phần đáng kể trong việc tạo nên thành công của ngành khoa học nó làm đảo lộn kỹ thuật và đời sống của thế kỷ XX: Tin học.

Sau khi sáng chế ra những máy móc lực sĩ trợ giúp con người trong lao động cơ bắp, các nhà khoa học thế kỷ XX đã sáng chế ra những máy móc thông minh (một khả năng mà các nhà thần học cho rằng đó là ân sủng đặc biệt mà Thượng Đế dành riêng cho con người). Một số nhà văn lo xa và quá giàu tưởng tượng đã nghĩ đến những cốt truyện khá hấp dẫn và đầy gay cấn về sự cạnh tranh giữa người máyngười thật. Và đã có những bộ óc sáng suốt thoáng nghĩ rằng tin học có thể giải quyết được cơn khủng hoảng của Lý tính.

Tôi sợ Toffler cũng nằm trong số những người này. Cuốn Làn sóng thứ ba và cuốn Chuyển đổi quyền lực của ông có thể coi là những sách tất đọc đối với những ai bận tâm đến thế kỷ XXI và chúng ta nhất thiết không thể lỡ chuyến tàu tin học nếu chúng ta không muốn tụt lại triền miên trong nghèo nàn, lạc hậu.

Nhưng máy tính dầu ở thế hệ mấy chăng nữa cũng làm việc theo những chương trình đã định sẵn (dầu là chương trình mờ) và chẳng bao giờ nó có thể trả lời được những câu hỏi cơ bản từng trăn trở nhân loại từ khi giã từ kiếp vượn để bước vào kiếp người cho đến giờ: con người từ đâu đến? con người đi đến đâu? con người sống để làm gì?

Sự tiến bộ thần tốc của tin học, của kỹ học đã diễn ra trong nửa cuối thế kỷ đầy những bi kịch về mặt xã hội của loài người.

Liên Xô cũ tan rã kéo theo sự tan rã của Đông Âu. Các sắc tộc các dân tộc đứng lên đòi hỏi quyền được sống với đặc tính văn hóa, với sắc thái riêng của mình. Về căn bản, đó là những đòi hỏi chính đáng, nhưng chen vào là những tham vọng, những thái độ cực đoan, phục thù. Và súng lại nổ. Và máu lại chảy. Những dân tộc hôm qua còn sống cùng một khu chung cư, nếu không phải, như anh em thì cũng như những láng giềng tử tế, bỗng chĩa súng vào nhau đòi hỏi "quyền lợi chính đáng" (?) của mình bằng bạo lực.

Cơn thảm kịch của Nam Tư, của một số nước Cộng hòa trong Liên Xô cũ, những cuộc xung đột sắc tộc dữ dội tại Mỹ… Nạn đói thảm khốc tại châu Phi, kết quả của những cuộc nội chiến đẫm máu… Rồi sự phát triển của bệnh cuồng tín của các thứ tôn giáo, của thái độ mê tín dị đoan đội lốt khoa học… Một cơn bão hận thù không khoan nhượng thổi những trận cuồng phong mông muội trên khắp trái đất.

Chưa bao giờ trật tự thế giới mới lại bất ổn định như bây giờ. Có phải lỗi tại Lý Tính không? Không phải lỗi của lý tính, dĩ nhiên! Nhưng lỗi của sự sùng bái lý tính.

Trước những bước đi vũ bão của khoa học, hình như một số người đã quên rằng mọi sự sùng bái đều mù quáng, kể cả sự sùng bái lý tính. Sự sùng bái lý tính chỉ là cực đổi dấu của sự sùng bái tôn giáo - cả hai đều một chiều - và dựa trên một nguyên lý nổi tiếng đã có từ thời Aristotle - nguyên lý loại trừ vế thứ ba hoặc đúng hoặc sai, không có vế thứ ba, hay nói một cách khác, kẻ nào không đi với ta là chống lại ta. Chính nguyên lý này hệ quả của thuyết quyết định luận cơ học đã là cha đẻ của mọi tư duy máy móc, mọi thái độ không khoan nhượng, mọi sự hận thù, kỳ thị.

Vật lý lượng tử, khi đưa vào nguyên lý bất định, đã buộc ta phải đổi mới cách tư duy từ lâu vẫn thống trị nhân loại.

Bên cạnh hai vế đúng, sai nó đưa vào một vế thứ ba, và chúng ta có một bộ ba mới: đúng, sai, khác. Tôi khác anh chưa chắc đã là chống anh. Tôi chỉ khác anh và có thể bổ sung cho anh. Hệ quả lớn nhất của thuyết bất định là đề nghị dùng nguyên lý bổ sung thay thế cho nguyên lý loại trừ.

Con người thế kỷ XXI phải làm quen với một thế ổn định động, lý tính phải làm quen với sự bất định.

Lý tính phải mở cửa cho sự bất định thương lượng với nó, nhân nhượng, ký kết với nó những thỏa ước ổn định trong từng thời hạn, trung hạn hay ngắn hạn. Nói vậy không phải hạ thấp lý tính, quảng cáo cho bói toán cũng như các hiện tượng ngoại cảm. Mà là đẩy lý tính lên một mức trưởng thành mới, rũ bỏ những định kiến những ngộ nhận, tăng cường tính hiệu lực của lý tính.

Việc phát triển một số những lý thuyết khoa học gần đây về "hỗn độn học" (chaologie), về "toán biến động" (théorie des catastrophes) mô hình về những "cấu trúc phá tán" (structures dissipatives) cho ta thấy những bước đầu đáng khích lệ của lý tính kiểu mới.

Tôi thích từ "đối tác", ít lâu nay đã trở thành công dụng trong ngôn ngữ thời mở cửa. Nó kết hợp được hai tính cách vẫn bị coi là trái ngược trong logic cũ, “đối thủ” và "cộng tác", hay nói như các nhà logic mới, nó bao gồm được vế thứ ba ( le tierce inclus).

Thế kỷ XXI theo tôi là một thế kỷ hòa bình mở cửa hiệp thương và tương nhượng. Con người phải làm quen với cáikhácmình (tức là cái bất định), liên doanh với nó và coi nó như một bên đối tác.

Bỗng nhớ lời gợi ý của nhà thơ: “Các nhà tư tưởng hãy tập nhảy, trau dồi cái nhẹ, cái động, chống lại cái nặng, cái cũ của tư duy.”

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Khoa học thế kỷ XXI: Vượt ra ngoài quy giản luận

    16/03/2015Đặng Mộng LânChúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ được chờ đợi sẽ xuất hiện cuộc cách mạng khoa học mới. Cuộc cách mạng khoa học lần thứ ba này sẽ là như thế nào?
  • Sự bất định của khoa học và các giá trị

    03/12/2008Nguyễn Văn Trọng dịchQuy luật cũ có thể không đúng. Làm sao mà một quan sát lại có thể không đúng? Nếu nó đã được kiểm tra cẩn thận, làm sao lại có thể sai? Tại sao các nhà vật lý lại cứ luôn thay đổi các quy luật? Câu trả lời là: thứ nhất, các quy luật không phải là những quan sát, và thứ hai, các thí nghiệm luôn luôn không chính xác.
  • Nguyên lý đột sinh với vật lý hiện đại

    22/03/2008CC. biên dịchTheo một trong ba tác giả, Robert Laughlin, giải Nobel vật lý năm 1998: đột sinh (emergence) là nguyên lý cấu trúc vật lý theo đó xuất hiện những định luật mà ta không thể suy diễn từ những nguyên lý vật lý cơ bản hơn. Quan điểm đột sinh của Robert Laughlin được nhiều nhà khoa học chia sẻ, tạo nên một nguyên lý khoa học mới có khả năng làm lung lay cơ sở vật lý hiện đại...
  • Bàn thêm về cấu trúc của tri thức khoa học

    08/05/2007Trần Hồng LưuHầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận tri thức khoa học bao gồm trithức: kinh nghiệm và tri thứclý luận.Trong đó tri thức kinh nghiệmlà trình độ thấp,còn tri thức lý luậnlà trình độ caocủa tri thức khoa học.
  • Khuôn mẫu mới của khoa học đang xuất hiện

    29/04/2006Đặng Mộng LânChúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ được chờ đợi sẽ xuất hiện một cuộc cách mạng khoa học mới. Cuộc cách mạng đó sẽ như thế nào? Phải chăng trước hết nó cũng sẽ là một cuộc cách mạng về vật lý học với sự phá vỡ khuôn mẫu hiện đang tồn tại, hay nó sẽ là một cuộc cách mạng trong sinh học với sự khám phá ra nguồn gốc của sự sống và còn hơn thế, nguồn gốc của ý thức, một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận các vấn đề về tự nhiên và xã hội và do đó, sự hình thành một cái nhìn mới về thế giới, cách tiếp cận đang thống trị đã tỏ ra có những giới hạn?
  • Giới hạn của khoa học và khoa học về giới hạn

    17/12/2005Phạm Việt HưngTrong khi các nhà khoa học có xu hướng chứng minh rằng những cái tưởng là bất khả thực ra là khả, thì ngược lại các nhà triết học có cái nhìn sâu xa hơn rằng nhiều cái tưởng là khả hóa ra lại là bất khả. Từ đó Barrow làm một cuộc tổng kiểm kê các thành tựu nhận thức của nhân loại trong thế kỷ 20 để chỉ ra hàng loạt bài toán bất khả mà loài người đã từng phải trả giá cho thấy thực ra hiện tượng bất khả xuất hiện trên mọi lĩnh vực nhận thức, từ hội họa, nghệ thuật, đến kinh tế, khoa học, chính trị…
  • Các giới hạn khoa học

    12/12/2005Jean Fourastié, Đặng Mộng Lân dịch... tác giả đã chỉ ra các giới hạn kinh điển trong đó nêu rõ phần lớn thực tại cảm quan bị tuột khỏi lập luận thực nghiệm (bản chất của sự vận động khoa học) trước khi chuyển sang “Suy nghĩ về các giới hạn khác”...
  • xem toàn bộ