Đừng để mất thời gian của đất nước

10:57 CH @ Thứ Sáu - 20 Tháng Hai, 2015

Một trong những mốc son rực rỡ nhất trong hành trình lịch sử của dân tộc là ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (thơ Nguyễn Đình Thi).

Để có được sự “đứng dậy sáng lòa” đó, là cái giá máu xương của biết bao nhiêu con người. Không thể kể hết những buồn đau tủi nhục của một dân tộc chịu thân phận nô lệ kéo dài trăm năm, cũng như không thể kể hết niềm vui sướng của một dân tộc giành được độc lập, tự do.

Từ mốc son độc lập “2.9.1945”, dân tộc Việt Nam tiếp tục cuộc hành trình đi đến thống nhất. Chặng đường 30 năm quá dài không chỉ về thời gian, mà vì chiến tranh và bom đạn, chia ly và đau khổ. Không ai có thể tưởng tượng được đất nước Việt Nam “máu trộn bùn đen, gan không núng, chí không mòn” để thoát khỏi ách thực dân, lại gánh chịu hơn 15 triệu tấn bom đạn của trận chiến mới.

Chiến thắng 30.4.1975 làm chấn động địa cầu, nhưng chỉ dân tộc việt Nam, nhân dân Việt Nam mới hiểu được những mất mát không dễ dàng bù đắp. Giá của Việt Nam thống nhất không chỉ là máu xương, mà còn là một đất nước hoang tàn sau chiến tranh, và một khoảng ngăn cách trong lòng người đang cần phải nhanh chóng lấp đầy.

Nghèo nàn, lạc hậu là một thách thức kéo dài suốt 40 năm. Việt Nam đã nỗ lực để vượt qua khó khăn, vươn lên trong từng chặng đường đổi mới. Người dân ngày càng được no ấm, vị thế quốc gia ngày càng được khẳng định, hình ảnh đất nước ngày càng đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế. Nhưng Việt Nam chưa giàu, chưa mạnh, thậm chí còn tụt hậu khá xa so với những quốc gia trước đây có điểm xuất phát thấp hơn Việt Nam. Việt Nam đã từng đạt được những thành tựu vượt bậc từ những cuộc cải cách, đổi mới, nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra một sự lột xác, giá trị có được chưa xứng tầm với tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người. Cho nên, cần phải cải cách toàn diện và mạnh mẽ, phù hợp với đòi hỏi của thời đại, không thể chậm trễ, không thể để mất thời gian của đất nước thêm nữa.

Nhật Bản cũng đứng lên từ đống tro tàn của chiến tranh, nhưng họ đã vót được đôi đũa thần kỳ, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới chỉ trong vài chục năm. Người Nhật làm được và người Việt Nam đã chứng kiến từng bước đi của họ. Lòng tự hào dân tộc không cho phép chúng ta phải đi vay nợ, phải xin viện trợ, phải cầu cứu sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Lòng tự hào dân tộc không có nghĩa là nói cho thế giới nghe ta đang đứng ở đỉnh cao trí tuệ nào, mà làm cho thế giới thấy ta đang là một Việt Nam hùng mạnh.

Chặng đường 40 năm xây dựng đất nước cũng là thời gian thực hiện công việc cực kỳ quan trọng, đó là hàn gắn vết thương chiến tranh. Hàng vạn hố bom đã được lấp đầy, nhưng khoảng cách của lòng người vẫn chưa được hàn gắn trọn vẹn. Ở đây đó, vẫn còn những đối xử phân biệt, vẫn gọi người của chính quyền cũ là “ngụy”.

Ngược lại, còn có những người Việt Nam ở nước ngoài dè dặt, nghi ngại, xem người cộng sản trong nước là không thể đối thoại. Có thể một số người Việt Nam ở nước ngoài thiếu thông tin về những đổi thay trong nước, nên có cái nhìn chưa khách quan, tự đóng khung trong suy nghĩ cũ của mình. Những vách ngăn đó do chính chúng ta dựng lên, cản trở tiến trình hòa giải, hòa hợp. Sẽ có thay đổi tích cực khi mỗi bên cùng bước tới, cùng chìa tay ra, cùng nắm tay chân thành. Cả hai phía, hay thậm chí mỗi cá nhân, cho dù quan điểm chính trị khác nhau, nhưng là người Việt Nam, chắc chắn có cùng mục tiêu chung là xây dựng quốc gia, vinh danh dân tộc.

Còn quá nhiều việc để làm trên biển Đông, còn phải tập trung xây dựng một quốc gia độc lập và tự chủ. Để làm được điều đó, cần đoàn kết dân tộc thực sự.

Nguồn:Lao Động
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dân chủ, đồng thuận, đoàn kết doanh nhân và trí thức

    06/04/2010Làm thế nào để phát huy dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, làm thế nào sử dụng tốt đội ngũ doanh nhân để giải phóng khả năng phát triển và sáng tạo của họ, và trọng dụng doanh nhân như thế nào là hợp lý để phát huy sức mạnh của doanh nhân?
  • Đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc

    24/04/2009Tháng 4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc là thời điểm thống nhất đất nước. Nhân dịp 30 năm ngày đất nước về một dải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", nguyên thủ tướng - "lão tướng" Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Ông cho rằng chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...