"Đừng để lỡ tàu thêm lần nữa..."

03:51 CH @ Thứ Sáu - 11 Tháng Ba, 2016

Một người giản dị và lạc quan suốt 25 năm qua ở ĐH khoa học tự nhiên TPHCM, vị tiến sĩ khoa học về vật lý thực nghiệm đầu tiên của VN đã chuyên cần giảng dạy môn phương pháp luận sáng tạo (gọi tắt là phương pháp luận) - thuộc lĩnh vực chuyên môn thứ hai của ông. Bởi từ trước đến nay ngành khoa học sáng tạo hãy còn quá mới tại VN và chưa được áp dụng giảng dạy trong các trường ĐH nhưng đã được ông gây dựng thành một trung tâm.

Năm 2000, cuốn sách "Facilitative Leadership: Making a Difference with Creative Problem Solving" (tạm dịch "Lãnh đạo hỗ trợ: Tạo ra sự khác biệt nhờ giải quyết vấn đề một cách sáng tạo") do tiến sĩ Scott G.Isaksen làm chủ biên xuất bản ở Mỹ có đăng danh sách 17 tổ chức chuyên nghiên cứu và phát triển sáng tạo & đổi mới. Trong đó, phần lớn các tổ chức là của Mỹ, 4 tổ chức của Châu Âu và duy nhất một tổ chức của Châu Á - đó là Trung tâm Sáng tạo khoa học-kỹ thuật do ông Phan Dũng làm giám đốc.

- Trước ông, đã có nhiều người VN nhận được bằng tiến sĩ khoa học trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, riêng ông là người đầu tiên nhận được học vị này của Liên Xô (cũ) trong lĩnh vực vật lý thực nghiệm khi chưa tới 40 tuổi. "Hiếm" như thế, tại sao ông lại bỏ nghề thứ nhất để đi theo phương pháp luận?

- Thế hệ chúng tôi không có quyền chọn ngành học. Tôi học ngành vật lý chất rắn thực nghiệm là do phân công của Nhà nước theo kế hoạch phát triển của Nhà nước đề ra. Điều này ngụ ý rằng, học xong tôi sẽ trở về làm việc cho Nhà nước và Nhà nước tạo điều kiện để tôi có thể làm việc theo chuyên môn được phân công. Rất tiếc, thực tế không diễn ra theo kịch bản đó. Những máy móc, thiết bị thí nghiệm mà tôi có dịp được sử dụng ở Liên Xô quy ra tiền cỡ vài chục triệu USD. Trong khi đó, là tiến sĩ khoa học ở VN, tôi không có được một bộ bàn ghế cho riêng mình làm chỗ ngồi làm việc tại tổ bộ môn chứ chưa nói gì đến các công cụ lao động tối thiểu khác. Câu hỏi "làm gì?" luôn bám riết tôi. Cuối cùng tôi quyết định chọn phương pháp luận vì mấy lý do sau: Thứ nhất, theo quan niệm hiện đại, phương pháp luận vừa thuộc bộ môn khoa học cơ bản (nghiên cứu các quy luật tư duy sáng tạo), vừa rất thiết thực cho từng người (vì ai cũng phải suy nghĩ). Thứ hai, để phát triển nó không cần mất nhiều tiền như vật lý thực nghiệm. Do vậy, ngay trong trường hợp xấu nhất không nhận được tiền từ ngân sách nhà nước thì mình vẫn có thể tự kiếm tiền và tự đầu tư phát triển được. Thứ ba, đây cũng là nguồn thu nhập thêm chính đáng ngoài tiền lương nhà nước mà tháng nào cũng thiếu trước, hụt sau.

Tình trạng làm việc thiếu phương pháp ở nước ta khá phổ biến, do vậy các giải pháp, các quyết định được đưa ra nhiều khi mang tính mò mẫm, cứ phải sửa đi sửa lại, trả giá dài dài.

- Ở trên ông có nói phương pháp luận vừa cơ bản vừa thiết thực với từng người. Xin ông nói rõ thêm!

- Ở các nước phát triển, để đối phó với các thách thức như tính cạnh tranh tăng, làm sao để đầu ra ngày càng nhiều trong khi đầu vào ngày càng ít... đã xuất hiện nhu cầu xã hội đòi hỏi giải quyết các vấn đề nhanh hơn và hiệu quả hơn. Chính nhu cầu xã hội đã thúc đẩy quá trình khoa học hoá lĩnh vực tư duy sáng tạo. Phương pháp luận giúp nâng cao năng suất và hiệu quả, mà thực chất là quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định, đầu tiên của các doanh nghiệp rồi các cơ quan chính phủ, thậm chí, đến từng người trong xã hội.

- Ông nhận xét gì về việc dạy, học và sử dụng phương pháp luận ở nước ta?

- Người nước ta có câu: "Cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn". Đàng làm ăn chính là phương pháp làm ăn. Gần đây, các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục có kêu gọi đổi mới phương pháp dạy và học. Tôi cho là quá muộn nhưng đành an ủi: Thà muộn còn hơn không. Nhìn rộng hơn, tình trạng làm việc thiếu phương pháp ở nước ta khá phổ biến, do vậy các giải pháp, các quyết định được đưa ra nhiều khi mang tính mò mẫm, cứ phải sửa đi sửa lại, trả giá dài dài. Tệ hơn, có những người đã học phương pháp trong nhà trường nhưng khi ra làm việc lại "cố ý làm trái". Vụ hầm chui Văn Thánh 2 bị lún, nứt một cách tệ hại chỉ là một trong nhiều ví dụ về việc vi phạm phương pháp đã có trong quá trình thăm dò, khảo sát, thiết kế và thi công. Trong khi đó, những người chịu trách nhiệm về vụ việc nói trên lại "thanh minh một cách dễ thương" là họ sốt ruột muốn thông xe nhanh để phục vụ nhân dân. Tôi rất lo vì loại người "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa" hình như ngày càng nhiều.

- Ông dạy về các phương pháp suy nghĩ sáng tạo, giải quyết vấn đề. Vậy xin ông cho biết các phương pháp mang lại ích lợi gì cho chính ông?

- Đã hơn 30 năm nay tôi áp dụng phương pháp luận vào giải quyết các vấn đề mình gặp trong công việc, cuộc sống. Các ích lợi phải nói là rất nhiều, đến nỗi tôi phải chia cuộc đời mình thành hai thời kỳ: trước và sau khi học phương pháp luận. Ở thời kỳ sau, năng suất và hiệu quả công việc tăng lên, sai lầm và trả giá giảm đi. Có hai việc làm tôi tự hào và vui nhiều, đấy là áp dụng phương pháp luận để làm luận án tiến sĩ khoa học và phổ biến phương pháp luận ở VN. Ở ĐH Tổng hợp Leningrad, nơi tôi làm việc trong lĩnh vực vật lý thực nghiệm, thời gian trung bình từ bậc 1 lên bậc 2 là 15 năm. Nhờ phương pháp luận tôi đã thực hiện điều ấy trong vòng 2 năm.

- 11 năm qua Trung tâm đã làm được những gì?

- Đến nay chúng tôi đã thực hiện được hơn 210 khóa học phương pháp luận của hai trình độ: cơ bản và nâng cao, với hơn 9.000 người tham dự đủ mọi thành phần xã hội, kinh tế, lứa tuổi từ các tỉnh thành từ Hà Nội đến Cà Mau. Trong đó có những khoá học dành riêng cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh, cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp tỉnh, thành, bộ và một khoá dành riêng cho quan chức Bộ Giáo dục Malaysia. Về hội nhập quốc tế, chúng tôi có tham dự và báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học quốc tế về sáng tạo và đổi mới. Trung bình, một năm chúng tôi đăng một bài báo ở nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ và Tây Âu, theo lời mời của một số tạp chí khoa học.

"Không sợ nghèo về vật chất và tinh thần, chỉ sợ nghèo về các phương pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề và ra quyết định".

- Vậy tổng cộng bây giờ những người có thể dạy phương pháp luận ở Trung tâm?

- Ba người.

- Trong Luật Giáo dục, yêu cầu "phát huy tư duy sáng tạo của người học" được nhắc lại gần chục lần nhưng hình như Bộ Giáo dục Đào tạo chưa có chương trình nhà nước nào nhằm đáp ứng yêu cầu ấy?

- Được phép thành lập Trung tâm Sáng tạo khoa học kỹ thuật trong một trường ĐH để đi phổ biến một môn học mới tại VN, theo chúng tôi, đã là một sự ủng hộ , một sự công nhận tính cần thiết đối với xã hội của bộ môn này. Tuy vậy, cần có chính sách vĩ mô để phát triển lĩnh vực này. Bản thân tôi cũng đã kiến nghị điều đó đối với nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Tôi cũng đã từng thông tin đến ba ông bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo ở những thời kỳ khác nhau, trình bày hoạt động của Trung tâm và đưa tài liệu cho các ông nghiên cứu, mà không thấy hồi âm. Những nỗ lực của vài cá nhân chỉ là muối bỏ bể, chưa kể, nhiều lúc chúng tôi cảm thấy đơn độc và mệt mỏi.

- Đã có bao nhiêu quan chức tham dự các khoá học của ông? Họ nói gì về các khoá học và sự ứng dụng hiệu quả cho chính họ trong công việc?

- Về lĩnh vực kinh tế, người có chức vụ cao nhất là Thứ trưởng Bộ Tài chính đã tham dự khóa học. Theo thống kê của chúng tôi, số học viên sau đại học, cao học được đào tạo khoảng 1.500 người, quan chức khoảng 500 người. Nhiều người trong số họ cho rằng bộ môn này đã làm họ bất ngờ và hỗ trợ tốt trong việc suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định của họ.

- Chúng ta đã "lỡ tàu" - ông nói, không chỉ một lần mà là hai lần. Vậy làm sao chứng minh được lần này sẽ là lần thứ ba đây?

- Theo ông Henry Andersen - Giám đốc Diamond Idea Group, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Mỹ: "Trong quá trình chuyển từ thời đại thông tin của những năm 80 sang thời đại ý tưởng của những năm 90, thì ý tưởng đã trở thành tài nguyên lớn nhất". Đây cũng là ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu. Bây giờ là năm 2002, chúng ta hầu như chưa chuẩn bị gì cho thời đại ý tưởng. Trên thực tế, chúng ta đã "lỡ tàu" công nghiệp hoá, "lỡ tàu" thông tin, thì khi tiếp nhận làn sóng văn minh thứ tư: thời đại sáng tạo và đổi mới. Nếu không kịp đào tạo phương pháp luận thì rồi cũng sẽ lỡ tàu. Nhắc đến lĩnh vực sáng tạo là nhắc đến con người. Nếu chúng ta tụt hậu ở những lĩnh vực khác thì còn tương đối; nhưng nếu tụt hậu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo con người thì đó là sự tụt hậu tuyệt đối.

- Vậy theo ông vì sao ở ta bộ môn khoa học này chưa có đất phát triển?

- Bởi vì môn học này chưa nhiều người biết đến và nếu có biết thì chưa thấy hết tầm quan trọng của nó. Tôi rất muốn môn học này được đưa vào trường học từ mẫu giáo cho đến đại học. Cái lợi sẽ rất lớn: người VN sẽ thay đổi cách tư duy trước đây là "thử và sai", cứ "thua keo này bày keo khác", mò mẫm ở nhiều lĩnh vực, trong khi đã có sẵn hệ thống phương pháp để suy nghĩ, giúp con người đưa ra các giải pháp quyết định đúng. Nếu tạo ra được những thế hệ tư duy sáng tạo có phương pháp khoa học thì hẳn đó là một sự thay đổi về chất lớn lao của cả dân tộc.

- Ông nghĩ gì về cuộc sống vốn bị chúng ta phức tạp hoá những gì đơn giản và ngược lại, đơn giản hoá những gì phức tạp?

- Tôi cố gắng nhìn cuộc sống như nó vốn có. Với tôi, quan trọng là sống và làm việc theo lương tâm, đấy là những giá trị vĩnh cửu chứ không phải những giá trị cơ hội.

- Ông có thể cho một câu tóm lại buổi trao đổi hôm nay?

- Có lẽ là như sau:"Không sợ nghèo về vật chất và tinh thần, chỉ sợ nghèo về các phương pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề và ra quyết định".

- Xin cảm ơn ông.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: