Đừng ép học sinh thành nhà phê bình văn học

04:11 CH @ Thứ Hai - 30 Tháng Bảy, 2018

TSKH Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, cho rằng tham vọng biến học sinh thành nhà phê bình văn học của những người làm chương trình – SGK môn Ngữ Văn khiến “văn mẫu” thịnh hành trong đời sống học đường...

TSKH Phan Hồng Giang chia sẻ:

Mỗi lần cầm cuốn SGK Văn lên tôi lại hay bị rơi vào trạng thái bực mình vì gặp sự bất cập. Dường như những nhà làm chương trình, các tác giả SGK xác định chưa trúng lắm mục tiêu dạy học môn văn. Họ có vẻ chú tâm vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục công dân trong văn trong khi dạy văn theo tôi, chủ yếu là để bồi dưỡng những tình cảm nhân văn của con người. Đặc biệt, nội dung học nhiều phần mang tính chuyên sâu, khiến người ta không khỏi nghi ngờ, phải chăng các tác giả chương trình, vô tình hay cố ý, muốn đào tạo học sinh phổ thông sau này thành những nhà phê bình, những nhà nghiên cứu văn học?

Có lần một vị Hiệu trưởng trường ĐH thuộc khối năng khiếu nghệ thuật nói, nếu phải làm đề văn của Bộ GD&ĐT ra thì tôi có lẽ chỉ được 3 điểm. Tôi nói, vậy là ông giỏi, còn tôi may ra chỉ được 2 điểm! Thật như thế! Người làm phê bình văn học chuyên nghiệp như tôi vớ phải những bài tập cấp THCS kiểu như phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật, thủ pháp tu từ nọ kia cũng khó làm được đúng ý các tác giả SGK. Tôi đồ rằng các nhà văn – những người viết ra các tác phẩm đó - cũng không làm được. Nhà văn ngồi viết là viết, sức mấy mà họ so đo đong đếm xem mình sẽ dùng những biện pháp tu từ gì! Phân tích, mổ xẻ tác phẩm là việc của của nhà phê bình, ngay cả thầy cô giáo dạy văn cũng chưa chắc làm tốt được, sao lại bắt học sinh phải làm?

Thành thử sinh ra văn mẫu là thế. Bản thân học sinh không viết được bài phê bình về tác phẩm nào đó nên phải có văn mẫu để theo. Khi chấm bài, thầy cô giáo so xem bài làm đúng với văn mẫu đến đâu thì cho điểm đến đấy. Tôi nhớ cách đây mấy năm có một thí sinh thi ĐH được điểm tối đa bài phân tích thơ Xuân Quỳnh, về sau người ta phát hiện hóa ra bài làm đó giống một số bài văn mẫu. Bao nhiêu năm học một kiểu văn mẫu, học kiến thức theo lối thuộc lòng đã triệt tiêu khả năng tự mình suy nghĩ, tự nói lên ý kiến riêng của mỗi học sinh.

Vậy theo ông nên thay đổi nội dung dạy học môn văn theo hướng nào?

Như tôi đã nói, mục đích của môn văn là chỉ cần giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp mang đậm tính nhân văn thông qua một số tác phẩm cụ thể và biết cách trình bày lại ý kiến của mình một cách đúng ngữ pháp, dùng từ đúng ngữ nghĩa, viết đúng chính tả. Cái ngược đời hiện nay là chúng ta học hành thì có vẻ cao siêu nhưng viết không thành câu, không chỉ học sinh mà kể cả một số thầy cô giáo, thậm chí cả vài ba vị đã thành danh. Cứ mở Ti vi là được nghe những câu cụt câu què! Trong các văn bản đầy rẫy câu sai, kiểu “với tinh thần trách nhiệm cao, đã làm tăng vị thế của…” hoặc “quá trình” gì đó “đã thành” thế nọ thế kia. Một nhà biên kịch tham gia giảng dạy trong một trường ĐH khối nghệ thuật nhận xét, gần như tất cả sinh viên trong lớp mà bà dạy viết không thành câu, đầy lỗi chính tả, sau khi học xong thì chẳng mấy em viết được kịch bản tử tế. Đó là những em đã được chọn lọc, nghĩa là có năng khiếu và đã đỗ sau một kỳ thi ĐH chứ còn học sinh đại trà thì chưa biết khả năng diễn đạt tệ đến mức nào!

Nhưng nếu chương trình thay đổi mà cách đánh giá - thi cử không thay đổi thì cũng chẳng giải quyết được gì. Nếu cứ đánh giá theo kiểu 0,25 điểm cho một ý như hiện nay thì chúng ta sẽ cho ra những sản phẩm giống nhau. Sự cá biệt hóa sẽ bị triệt tiêu. Thật đáng kinh hãi khi nhìn một đáp án bổ ra từng 0,25 điểm cho từng ý! Chấm văn thì anh phải nhìn toàn cục cả bài nó có ra văn không chứ không phải đếm ý cho điểm!

Nhiều giáo viên cũng phản ánh, với cách chấm bài đếm ý cho điểm theo barem của Bộ GD&ĐT như hiện nay thì một bài văn dẫu đạt 8 – 9 điểm cũng có thể không có chất văn…

Có thể do chuyện đánh giá văn chương cực kỳ khó và tuỳ thuộc vào trình độ của mỗi thầy cô nên Bộ GD&ĐT không có cách nào khác là phải đưa ra một barem chung. Nhưng lẽ ra chỉ nên coi barem như một kênh tham khảo cho giáo viên chứ đừng tuyệt đối hoá vai trò của nó. Bản lĩnh của người chấm rất quan trọng trong việc nhận ra sự khác biệt của một bài văn. Trước đây, có giáo viên phàn nàn về việc chấm bài thi ĐH, đại để một giờ phải chấm 20 bài, mỗi bài dài mấy trang mà chỉ có 3 phút để đọc dẫn đến sự không chính xác trong đánh giá. Sinh thời GS Hoàng Ngọc Hiến nghe vậy bảo 3 phút chấm một bài văn là nhiều vì chỉ cần đọc dăm câu đầu là tôi biết được người này có viết được hay không nên chẳng việc gì tôi phải đọc hết! Ông Hiến nói có lý ở chỗ chấm văn đòi hỏi sự tinh tế, sắc sảo, bản lĩnh rất cao của người chấm. Tôi không ít lần cũng phải chấm đề cương làm nghiên cứu sinh văn hóa – nghệ thuật. Có những đề cương, chỉ qua dăm câu đầu là đủ cho tôi thấy tác giả đề cương có đủ năng lực làm nghiên cứu sinh không!

Tại sao chương trình môn Ngữ văn hiện nay, kể cả cấp THPT có đủ hai phần Ngữ và Văn nhưng khả năng diễn đạt tiếng Việt cũng như khả năng cảm thụ văn chương của học sinh ngày nay đều kém? Nên chăng chương trình sau năm 2015 mà Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị tách Ngữ và Văn thành hai môn trong đó Ngữ là môn công cụ giúp học sinh rèn luyện năng lực diễn đạt còn Văn là môn thuần túy giúp học sinh hiểu cái hay cái đẹp của những áng văn chương?

Cũng cần phải tích hợp, nhưng đến một mức độ nào đó thôi. Nên xem môn Tiếng Việt là môn công cụ, mọi học sinh đều phải học dù sau này anh thi ĐH ngành nào. Dù anh làm nghề gì anh cũng phải biết diễn đạt ý tứ của mình một cách mạch lạc, đúng ngữ pháp, không mắc lỗi nói câu què cụt, câu vô chủ. Cái này hiện nay học sinh của mình yếu nhất. Mà chẳng cứ học sinh, không ít giáo viên phổ thông hay giảng viên ĐH nhiều lúc viết cũng có đúng ngữ pháp đâu. Nó là hậu quả của hàng chục năm giáo dục đa phần là theo kiểu à uôm, được chăng hay chớ. Giáo dục phổ thông rất cần đề cao vai trò tiếng Việt dưới góc độ viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa.

Còn Văn thì trọng tâm rơi vào việc giáo dục tình cảm, giáo dục tính nhân văn cho học sinh thông qua cảm nhận cái hay, cái đẹp của những tác phẩm văn chương đặc sắc. Với môn Văn điều quan trọng là làm sao khích lệ được sự tiếp nhận sáng tạo của học sinh. Làm sao để các em tự tìm đến tác phẩm, tự cảm thụ - cảm nhận theo cách của mình. Nếu các em cảm thụ không giống mình thì cũng không nên bắt bẻ mà cần để cho các em trình bày, nếu các em có lý thì mình phải chấp nhận. Như vậy trong một giờ học văn sẽ có những phát hiện, những góc nhìn bất ngờ từ các em học sinh. Ngoài ra có thể khuyến khích cả tập thể lớp tham gia tìm hiểu một tác phẩm. Một tiết học văn có thể là một tiết các nhóm thay nhau lên trình diễn một tiểu phẩm nào đó từ các tác phẩm cụ thể.

Nghĩa là tất cả mọi học sinh đều phải học môn tiếng Việt đến hết phổ thông, còn khi chương trình bắt đầu phân hóa (cấp THPT) thì sẽ có thêm môn Văn theo hướng chuyên sâu để những em có năng khiếu và thích văn chương lựa chọn?

Đúng thế.

Trong môn Tiếng Việt, có thể học sinh vẫn được tiếp cận với các đoạn trích, các tác phẩm nhưng yêu cầu chỉ ở mức độ kiểm tra khả năng biểu đạt bằng ngôn từ của học sinh, khả năng đọc – hiểu, khả năng xử lý văn bản. Còn với đối tượng học sinh có năng khiếu, yêu thích môn Văn thì đi sâu hơn vào tính nghệ thuật của từng tác phẩm…

Đúng rồi. Nhưng chỉ e rằng số tự nguyện chọn môn Văn sẽ rất ít, đến mức không đủ người để các trường tổ chức lớp học…

Với sự phát triển của xã hội, đời sống của người dân dần khấm khá lên thì quan điểm của phụ huynh cũng sẽ thay đổi. Với lại người ta không thích cho con em mình học văn vì thấy nó vô bổ. Nếu dạy văn đạt được mục tiêu bồi dưỡng tâm hồn con người như ông nói ở trên thì có thể nhiều phụ huynh sẽ khuyến khích con mình học văn…

Muốn vậy thì cái tối thiểu hoạt động dạy học môn văn trong trường phổ thông phải đạt được là làm cho trẻ con không sợ văn mà yêu văn. Như nhà tôi chẳng hạn, trẻ con đến giờ văn là thấy e ngại vì nó buồn tẻ. Thời tôi đi học phổ thông thì ngược lại, giờ văn rất hấp dẫn. Có những thầy dạy rất hay, vào lớp là kể chuyện, chuyện Phăng tin, Cô dét, Gia ve (trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victo Huygo). Có thầy thì kể chuyện Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa. Học sinh ngồi cứ há hốc mồm ra nghe. Không hẳn vì chuyện hay mà ở cách biểu đạt rất cá tính của những ông thầy. Hồi ấy làm gì đã có SGK. Mỗi thầy là một tác giả “cuốn SGK” của mình (kỳ thực các thầy lên lớp chẳng mang theo sách vở gì cả). Có thể vì thế mà các thầy mới dạy được thoải mái như thế.

Nhưng để dạy văn cho ra văn thì việc lựa chọn tác phẩm để đưa vào nhà trường cũng rất quan trọng phải không thưa ông?

Đúng vậy. Tôi từng ngồi “phụ đạo” cho cháu học và đau đầu vì không thể nào làm cho đứa trẻ con mới tí tuổi ranh hiểu được cái đời sống xã hội trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Nó vừa đói, vừa khổ, vừa nhếch nhác…, rất xa lạ với đời sống của phần lớn trẻ con ngày nay. Hay từ những lớp đầu cấp THCS học sinh đã phải học thơ Đỗ Phủ. Một đứa trẻ hầu như chưa có trải nghiệm sống làm sao hiểu nổi cái ước mơ của một ông Đỗ Phủ nào đó đời Đường sống cách nay cả nghìn năm? Hoặc Cô bé bán diêm là một truyện rất hay của nhà văn Andersen nhưng dạy đại trà cho trẻ con đầu cấp THCS thì có vẻ là chưa thích hợp lắm.

Trong khi đó để bồi đắp những tâm hồn Việt, để tăng khả năng thưởng thức văn chương cho học sinh là các câu ca dao, tục ngữ… thì lại có mặt rất ít trong chương trình phổ thông. Theo tôi, phải đưa nhiều ca dao, tục ngữ và thậm chí buộc học sinh phải học thuộc lòng.

Vì sao?

Vì nó là tinh tuý của văn hoá dân tộc, của văn học. Nếu trẻ con được nhập tâm những câu ca dao tục ngữ đó thì điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của các em. Ngôn ngữ ca dao, tục ngữ rất đẹp nhưng cũng rất mộc mạc. Tư tưởng cũng rất nhân văn. Thơ của các tác giả thành văn sau này rất ít người bì được với ca dao. Tôi rất thích những câu như “Đêm qua ra đứng bờ ao, Trông cá cá lặn trông sao sao mờ…”, rồi “Trèo lên cây bưởi hái hoa, Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…”, nhiều lắm…

Hoặc một số bài thơ thành kinh điển trong kho tàng văn học Việt Nam nên yêu cầu học sinh học thuộc lòng, kiểu như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, trích đoạn Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm hoặc gần hơn là Đất nước của Nguyễn Đình Thi… Tôi chống lại việc học vẹt máy móc nhưng trong một số trường hợp mà tôi đã nêu thì nên thuộc vì nó dễ ngấm. Khi ta thuộc những bài thơ hay thì cái hồn của nó ngấm vào ta từ lúc nào ta không hay. Có thể ta chưa hiểu hết giá trị của cái hồn đó nhưng sau này khi trưởng thành ta sẽ thấy nó quý giá vô cùng.

Còn nếu học thuộc theo kiểu cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu nhân vật họa sĩ nói những câu gì thì đúng là không cần. Nhân vật ấy nói gì, có khi hỏi tác giả lúc còn sống, ông ấy cũng quên. Hoặc những câu như ông Nam Cao sinh – mất năm nào thì không mấy cần thiết. Cháu tôi hỏi, ông ơi, học thuộc để làm gì nếu ngày mai lại quên?

Cảm ơn TSKH Phan Hồng Giang!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà báo - nhà văn, viết văn - viết báo

    21/06/2016Văn GiáMấy năm gần đây, thỉnh thoảng trong báo giới và văn giới của ta lại thấy vẩn lên câu chuyện: Nhà báo viết văn và nhà văn viết báo. Vế thứ nhất gần như mặc nhiên và được xem là thuận chiều, không có gì cần bàn lắm. Chủ yếu là ở về thứ hai. Có một số nhà văn tuyên bố ra miệng rằng: viết báo đối với họ chẳng qua là nghề tay trái, là “lấy ngắn nuôi dài”, là lo cái chuyện độ nhật... mà thôi.
  • Phê bình Văn học Con vật lưỡng thế ấy

    19/01/2011Đỗ Lai ThúyCách gọi tên sách của tiến sĩ Ðỗ Lai Thúy cũng góp phần làm mềm hóa những trang viết thường được xem là khó đọc trong lĩnh vực văn chương: lý luận phê bình. Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, hơn thế, lại là một tập sách không nhằm vào các vấn đề lý luận, mà tác giả làm động tác hệ thống lại các trường phái phê bình văn học từng xuất hiện tại văn đàn Việt Nam...
  • Về cảm hứng triết luận, cổ học nhân văn phương Đông và quan điểm lịch sử văn hoá trong nghiên cứu, phê bình văn học

    27/07/2009Hoàng Ngọc HiếnTừ những nguồn khác nhau: đạo đức học, mỹ học, triết học xã hội-chính trị, triết học xã hội-văn hoá... cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình văn học là nỗ lực vượt lên trên những thành kiến và định kiến hẹp hòi trong sinh hoạt cũng như trong học thuật. Những thành kiến, định kiến này có khi lại được xem như những điều hiển nhiên. Mà đã là “hiển nhiên” thì khỏi phải bàn. Đây cũng là một thói quen khá phổ biến trong nhân loại. Cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình có khi bắt nguồn từ suy nghĩ về chính những điều “hiển nhiên” như vậy...
  • Lý luận phê bình văn học của Phạm Quỳnh

    21/04/2009Thạc sĩ Trần Văn ToànPhạm Quỳnh chính là tác gia lí luận và phê bình quan trọng nhất của văn học giao thời, và vì thế cũng là một trong những người mở đầu cho loại hình người viết lí luận và phê bình trong tiến trình lịch sử văn học nước nhà. Sau ông, chỉ mãi đến 1929 ta mới thấy xuất hiện Phan Khôi, Trịnh Đình Rư nhưng những cây bút thực sự chuyên sâu - chuyên nghiệp thì phải tính từ mốc 1931 với Thiếu Sơn và sau đó là một loạt những gương mặt của Lê Thanh, Trương Tửu, Thái Phỉ, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan... Đó là một thực tế mà độ lùi của thời gian đã giúp ta có được sự điềm tĩnh cần thiết để có được một thức nhận và biện giải thật sự khách quan.
  • Viết văn đừng nghĩ đến tiền

    02/04/2009Tuấn Nhi - V.QĐó là câu dặn dò, dạy bảo của nhiều nhà văn bậc cha chú đối với con cháu. Câu nói đó hàm chứa hai ý: một là, đã theo con đường sáng tác, chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi danh, tiền bạc thì khó có tác phẩm hay; hai là: đừng coi chuyện viết văn đồng nghĩa với việc kiếm tiền.
  • Phê bình văn học nữ quyền

    04/03/2009Lý LanTrong nửa thế kỷ qua, các học viện trên khắp thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giáo sư và nữ sinh viên tăng nhanh trong các học viện, mà học thuyết nữ quyền còn ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật khác, từ triết học, lịch sử, đến ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật…
  • Đặc điểm phê bình văn học Việt Nam - nhìn từ gốc độ tiếp nhận

    18/11/2006Đỗ Lai ThúyXã hội Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, nên văn học Việt Nam không thể dẫm chân mãi trong vũng cổ truyền mà không hiện đại hóa. Và, thực tế, hơn một thế kỷ qua, nó cũng đã và đang hiện đại hóa...
  • Lý luận - phê bình văn học và các “vấn nạn”

    27/03/2006vài năm trở lại đây tình trạng “khủng hoảng” của lý luận - phê bình đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người, nhiều báo chí đã đề cập một cách trực tiếp và về mặt tổ chức, một số hội thảo, hội nghị do Hội Nhà văn, Viện Văn học… đã được tiến hành để mọi người cùng bàn thảo tìm cách tháo gỡ. Các động thái ấy mang lại một niềm tin vì đây chính là thể hiện của ý thức trách nhiệm...
  • Từ sách giáo khoa đến chuyện dạy văn

    14/11/2005Cao Tự ThanhCó lẽ trên khắp thế giới không có nước nào có ngành giáo dục "kỳ quái" như Việt Nam hiện nay, một ngành giáo dục liên tiếp xảy ra các vụ cải cách thì chất lượng càng rớt, thầy cô càng rỗi, học sinh càng rên, phụ huynh càng run, xã hội càng rầu...
  • xem toàn bộ