Đường đi của tờ rơi

07:16 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Mười Hai, 2010
Xem thêm:

Ngày 1-10, UBND tỉnh Kiên Giang đã “làm rõ trách nhiệm” các cá nhân liên quan đến vụ tờ rơi an toàn giao thông có nội dung khiêu dâm vào giữa tháng 9 vừa qua. Có cá nhân bị đề nghị thôi việc, còn giám đốc Sở Giao thông Vận tải, người tự đề nghị kỷ luật “khiển trách”, tự kiểm điểm là “vì quá nôn nóng phát hành tờ rơi nên đã không xin phép và cũng không xem kỹ nội dung” (theo VnExpress).

Như vậy lỗi chỉ là một chút sơ xuất, do không xem kỹ? Quy trình làm tờ rơi truyền thông như vậy có đúng không? Tờ rơi đó, ngay cả nếu không có những dòng chú thích “khiêu dâm” thì có thực sự ổn?

Tờ rơi không tự nhiên mà có

Tại sao phải giáo dục an toàn giao thông cho các em học sinh và giáo dục nội dung gì? Cho dù mục đích là đẩy mạnh truyền thông trong “tháng an toàn giao thông”, thì cũng phải bắt đầu từ vấn đề trong thực tế. Vậy trước hết phải biết vấn đề đó là gì.

Nếu vấn đề an toàn giao thông của học sinh ở nước ngoài là lên và xuống xe buýt nhà trường, và cài dây an toàn khi ngồi chung xe hơi với cha mẹ, thì vấn đề an toàn giao thông của học sinh ở Hà Nội phải khác, ở Kiên Giang lại càng khác hơn.

Đường bộ hay đường sông? Xe máy, xe đạp hay đò ngang? Vào những thời điểm nào? Vấn đề nào cấp thiết nhất, liên quan đến mạng sống các em nhiều nhất hay xảy ra thường xuyên hơn cả? Nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân nào do thiếu hiểu biết để cần phải truyền thông?

A, chuyện có vẻ như không đơn giản và không phải ngồi bàn giấy hay vào Internet tìm mà ra được. Thông thường các cơ quan phụ trách truyền thông phải có những điều tra khảo sát, quy mô có thể lớn nhỏ tùy vấn đề, nhưng phải khoa học và có phương pháp.


Đối tượng, thông điệp phù hợp và thông điệp chủ chốt

Giả sử đã tìm ra những vấn đề liên quan đến an toàn giao thông mà địa phương đang có, người ta sẽ đi tiếp bước thứ hai, đó là xác định những đối tượng và thông điệp truyền thông. Xác định đối tượng là bước quan trọng của công việc truyền thông. Đó không chỉ nêu ra đối tượng là học sinh, phụ huynh hay giáo viên, tài xế xe tải hay chủ đò ngang..., mà còn mô tả rõ họ là ai, có những thói quen và hành vi như thế nào liên quan đến vấn đề cần truyền thông, từ đó mới xây dựng thông điệp truyền thông hữu hiệu.

Vào những năm 1990, khi truyền thông sử dụng bao cao su để đảm bảo tình dục an toàn được xem là một trong những chiến lược chủ chốt chống đại dịch AIDS toàn cầu, người ta nhận ra hành vi này gặp rất nhiều cản trở từ nhận thức xã hội và thói quen, văn hóa. Điều tra cho thấy những người yêu nhau từ chối sử dụng bao cao su vì nghĩ như vậy là không tin cậy nhau và không phù hợp cảm xúc của họ. Các cô gái mãi dâm không thể yêu cầu khách mua dâm sử dụng bao cao su vì như thế được cho là không “sexy” và bản thân họ không có quyền đòi hỏi điều đó.

Từ những phát hiện này, những người làm truyền thông đã đưa ra những thông điệp gần gũi hơn với từng đối tượng. Với những người yêu nhau, họ gắn việc sử dụng bao cao su với tình cảm và trách nhiệm. Ví dụ hình ảnh một người đàn ông trông rất chân thành, nghiêm nghị với dòng chữ: “Tôi là người nghiêm túc trong tình yêu. Tôi sử dụng bao cao su”. Với đối tượng gái mãi dâm và khách mua dâm, nhà truyền thông không ngần ngại đưa ra hình ảnh các cô gái trông rất khiêu khích với những câu như: “Chỉ khi nào anh mang (bao cao su) vào thì tôi mới cởi ra”. Những ví dụ này cho thấy thông điệp được thể hiện rất sát với hoàn cảnh thực tế, tâm lý con người, nhận thức của xã hội, qua những nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo.

Một bước không thể thiếu trong quá trình truyền thông là chọn lựa thông điệp chủ chốt. Nếu có quá nhiều vấn đề cần can thiệp và nhiều thông điệp cần được đưa ra, phải chọn lựa thông điệp ưu tiên để tập trung. Hình dung một người ném cho bạn một quả bóng, bạn dễ dàng bắt được ngay. Nhưng nếu người này ném 5 quả một lúc, thì bạn cũng chỉ bắt được một, thậm chí có thể rối quá mà… chẳng bắt được quả bóng nào! Một bài phát biểu, một quảng cáo, một tờ rơi… cũng tương tự: nếu nhồi nhét quá nhiều thông điệp thì có nguy cơ là người ta chẳng nhớ một điều cụ thể nào cả.

Mã hóa thông điệp và thử nghiệm

Sau khi xác định được vấn đề, xác định và hiểu rõ đối tượng nhắm đến, xây dựng được thông điệp chủ chốt, điều tiếp theo sẽ là mã hóa thông điệp đó, tức là cách thể hiện trong tờ rơi hay những công cụ truyền thông khác. Giống như chinh phục một cô gái cần hiểu rõ cô ấy, mới biết tỏ tình như thế nào thì cô ấy cảm động và hiểu ra lòng mình. Với các em học sinh, nếu quá trình tìm hiểu đối tượng được thực hiện tốt, người làm truyền thông sẽ biết các em quen thuộc với những hình ảnh gì, ngôn ngữ như thế nào, thể hiện sao để các em ấn tượng nhất, dễ nhớ và dễ hiểu nhất.

Tuy nhiên, dù có hiểu rõ đối tượng và mã hóa thông điệp giỏi đến đâu, cũng không thể chắc chắn là đối tượng hiểu đúng thông điệp được đưa ra. Vì vậy, không thể bỏ qua một công việc cần làm trước khi tờ rơi hay công cụ truyền thông chính thức phát hành, đó là thử nghiệm (pre-test).

Một tờ rơi về dinh dưỡng, họa sĩ vẽ chén cơm của người mẹ đang cho con ăn đầy màu sắc, hàm ý thức ăn đa dạng và đủ chất, thế nhưng khi thử nghiệm thì cách thể hiện đó lại được các bà mẹ hiểu là “cái chén đựng mấy cục đá màu, chắc là đồ chơi hả, ngộ quá”. Thử nghiệm giúp điều chỉnh những hiểu lầm này. Một lần khác, khi đem thử nghiệm một tờ rơi chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, không ai hiểu hình ảnh dòng chữ “phân biệt đối xử” được thiết kế thành hình con dao nhỏ máu, từ thông điệp là sự phân biệt có thể giết bệnh nhân nhanh hơn cả bệnh. Ý định tốt, cách thể hiện sáng tạo độc đáo, nhưng nếu đối tượng không hiểu hay không có cảm tình thì cũng không sử dụng được.

Tờ rơi chỉ là một công cụ truyền thông

Thông thường tờ rơi là một công cụ của hoạt động hay chiến dịch truyền thông nào đó. Ở trường hợp tờ rơi về an toàn giao thông cũng vậy, tờ rơi được phân bổ như thế nào, đi kèm hay minh họa cho những bài học, buổi ngoại khóa nào, cần những tương tác hỗ trợ nào, cũng phải có trong kế hoạch tổng thể. Ai sẽ giải thích cho các em về tờ rơi, họ cần hiểu biết về vấn đề để giải thích, hướng dẫn các em rõ hơn. Ai sẽ giám sát và đánh giá xem tờ rơi có được sử dụng hiệu quả không, giám sát xem các em có thay đổi gì không (post-test)? Vậy những người liên quan đến công tác này cũng phải được tính đến, như giáo viên, phụ huynh, đoàn đội trong nhà trường hay cộng đồng…

Ngoài ra, đối tượng nhắm đến là các em học sinh và thông điệp chủ chốt là dành cho các em, thế nhưng cần nhớ các em không được quyết định mọi mặt về an toàn của mình, mà còn nhiều người liên quan nữa. Chủ đò có chở các em quá tải không, có phao cứu sinh không, cha mẹ chở các em đi có nón bảo hiểm không, lái xe có nhìn thấy biển “trường học” để giảm tốc độ không, giáo viên có cho các em ra đường hàng một hay túa ra vô trật tự…? Nếu nhiều người liên quan, sẽ phải có thông điệp và/hoặc những can thiệp dành riêng cho họ.

Có phải là sơ xuất?

Có thể thấy, nếu làm theo đúng quy trình một cách có trách nhiệm như đã nói ở trên, sẽ chẳng bao giờ có sự cố in ra tờ rơi có những nội dung như vậy, cho dù có sơ xuất đến mức nào. Ngoài những dòng chú thích cho những bảng hiệu rời rạc do lắp ghép vào theo nội dung câu chuyện khiêu dâm đó, toàn bộ tờ rơi cũng không có thông điệp gì rõ rệt ngoài hô hào “an toàn giao thông” chung chung. Tờ rơi có chỗ kêu gọi đội mũ bảo hiểm, chỗ tuyên truyền “nên đi xe công cộng” với hình ảnh học sinh đi xe buýt mà không cần biết những điều này có phù hợp với đa số học sinh ở Kiên Giang, có ăn nhập gì với những vấn đề giao thông của các em ở địa phương hay không.

Sự cố đó có phải là sơ xuất không? Chắc chúng ta đều đã có câu trả lời. Tất nhiên không có chuyện đã điều tra, đã có ai suy nghĩ về đối tượng và thông điệp gì, ưu tiên tập trung thông điệp gì, thể hiện ra sao, và cũng chẳng có ai thử nghiệm. Tờ rơi đã được ai đó lấy ra từ Internet chắp vá lại, ai đó nhắm mắt ký vào và giáo viên hay ai đó cũng nhắm mắt phát đi cho đến khi phụ huynh và các em học sinh phản ứng. Đó là đường đi của tờ rơi được in tới 122.000 bản (trong đó phát hành cho học sinh 50.000 bản), kinh phí hơn 180 triệu đồng, (theo VnExpress). Cho nên, kể cả nếu không có những dòng chú thích khiêu dâm đó, tờ rơi này cũng đã thể hiện một cách làm việc tùy tiện, lãng phí và tắc trách.

Hình như không phải chỉ ở Kiên Giang, hình như việc mau mau xài cho hết kinh phí nhà nước vào những hoạt động bề nổi mà không cần quan tâm đến quy trình, chuyên môn, hiệu quả và tác động, đã là bệnh kinh niên của nhiều cơ quan công quyền ở khắp nơi.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Cái tôi" dưới sự nhào nặn của truyền thông đại chúng

    04/08/2019Nguyễn Thu GiangTheo quan sát của tôi, hiện nay, hễ đã nói về “cá tính riêng” của giới trẻ thì y như rằng, người ta lại kèm theo một tiếng thở dài - như thể thời cuộc đã xoay vần đến độ chúng ta buộc phải chấp nhận giới trẻ, dẫu biết rằng họ thật là nông cạn. Treen đà ấy, nhận định “cái tôi” (dù để phê phán hay ngợi khen) thường nhanh chóng rơi vào lĩnh vực đạo đức học, vì hầu hết đều đặt “cái tôi” trong thế đối lập với Cái Tập thể hoặc Cái chung.
  • Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng

    28/10/2016Trần Thị Thanh HươngTrên các phương tiện truyền thông, khi mô tả cái nghèo khổ của người dân, nhất là những thảm họa, ta thường thấy những thông tin chi tiết về hoàn cảnh của người nghèo như thu nhập thấp, không đủ ăn, làm những công việc năng nhọc, bẩn thỉu, nguy hiểm, bệnh tật, mất mát, đói, cô đơn, đáng thương... với mong muốn họ được quan tâm hỗ trợ.
  • Truyền thông và khoa học

    08/04/2016Ngọc TúTiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, xuất bản các công trình nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành… tưởng như vậy các nhà nghiên cứu đã hoàn thành xong nhiệm vụ. Tuy nhiên, với những nhà khoa học mong muốn tạo nên một xã hội tri thức, vẫn còn một công việc nữa: công bố các công trình nghiên cứu của mình với công chúng...
  • Sáu xu hướng truyền thông xã hội năm 2010

    10/12/2009David Armano* - Hoàng Thu Thủy dịchNăm 2009, chúng ta đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân của truyền thông xã hội. Theo Nielson Online, chỉ tính riêng Twitter đã tăng 1,382% vào tháng 2 so với cùng kì năm ngoái, đạt hơn 7 triệu lượt truy cập trên tổng số lượt truy cập trong tháng. Trong khi đó, Facebook cũng tiếp tục vượt xa MySpace.
  • Muốn hiện đại phải hiểu rõ truyền thống

    12/09/2009Lê Văn Hiệp (thực hiện)Vấn đề dân tộc và hiện đại đã được bàn luận rất nhiều, song vẫn còn tồn tại nhiều những ý kiến trái chiều. Điều đó thể hiện rất rõ qua cuộc hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay” vừa được tổ chức. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với PGS. Trần Ngọc Vương về vấn đề này.
  • Nhà nước, truyền thông và xã hội dân sự

    22/08/2009TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức“Phải xây dựng một xã hội mạnh thay vì một nhà nước mạnh... Trật tự, pháp luật, nhà nước, chỉ là công cụ, phải phục vụ cho các giá trị xã hội, chứ không phải ngược lại!”
  • Truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại

    30/05/2008Trần Hữu QuangKhông gian công cộng đóng vai trò trung gian giữa xã hội công dân và Nhà nước, buộc Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội do “tính công cộng” của nó. Không gian công cộng tự nó mang tính chất phê phán bởi lẽ nó giả định rằng phải có những thông tin về các hoạt động của Nhà nước để công luận có thể xem xét và phê phán các loại hoạt động này...
  • Thế giới ảo xâm lấn truyền thống kiểu cũ

    13/12/2006Thụy KhaCơn lốc thế giới ảo với blog, chia sẻ video, hình ảnh... đã cuốn theo các hãng truyền thông kiều cũ, áp đặt và định hình những kênh giao tiếp, tiếp nhận thông tin mới...
  • Văn hóa đọc trong bối cảnh bùng nổ truyền thông

    11/09/2006Nguyễn Hữu Giới
    Trong nửa sau của thế kỷ 20, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là sự bùng nổ thông tin với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác, đã khiến người ta tập trung vào số phận của sách: Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hóa hay không?
  • xem toàn bộ