Quan niệm của S.Freud về vai trò văn hóa trong đời sống con người

Học viên Cao học khoá 4, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
02:59 CH @ Thứ Hai - 29 Tháng Mười Hai, 2008

Phân tích quan niệm của S.Freud về vai trò của văn hoá trong đời sống con người từ cách tiếp cận phân tâm học của ông đối với văn hoá trong bối cảnh khủng hoảng, tha hoá tinh thần của con người phương Tây hiện đại và ảnh hưởng của nó đến đời sống con người, trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ quan niệm của ông về tôn giáo với tư cách một bộ phận cấu thành của văn hoá trong đời sống con người, về sự xung đột giữa các chuẩn mực xã hội (đạo đức, văn hoá) và tự do cá nhân, về vai trò của cái vô thức trong cuộc sống con người, từ đó đưa ra những đánh giá khái quát về quan điểm triết học văn hoá của ông.

Văn hóa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của xã hội và của con người, nhất là trong điều kiện văn minh hiện đại, khi nhân tố con người có văn hóa trở thành động lực và mục đích của mọi cải biến xã hội. Việc lý giải bản chất của văn hóa, vị trí của nó trong đời sống con người và xã hội đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và thực hiện. Song, chính ở đây lại luôn nảy sinh những vấn đề nan giải, trước hết là vấn đề vai trò nhân văn của văn hóa trong xã hội loài người. Để giải quyết thấu đáo vấn đề này, việc phân tích và đánh giá khách quan, từ lập trường chủ nghĩa nhân văn mác xít, quan điểm triết học văn hóa của Freud có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực. Bởi lẽ, chính Freud - nhà tâm lý học người Áo, người sáng lập bộ môn phân tích tâm lý đã đưa ra cách lý giải độc đáo về con người và văn hóa, về nền văn hóa với những lý tưởng, tiêu chuẩn và sự đòi hỏi vốn có của nó(1). Không chỉ thế, ông còn đặt ra và tiếp cận với vấn đề này trên nhiều phương diện mà hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội đang vấp phải. Thêm vào đó, việc xây dựng một nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao và những mục đích thực sự nhân văn của công cuộc hiện đại hóa đất nước luôn đòi hỏi chúng ta phải giải quyết những vấn đề có liên quan đến vai trò của văn hóa trong đời sống con người và xã hội hiện đại. Chính ở đây, trong bối cảnh tiếp biến văn hóa toàn cầu, khi chúng ta cần phải có thái độ tỉnh táo đối với việc tiếp thu những giá trị văn hóa của các dân tộc khác, thì lại vấp phải những vấn đề về văn hoá mà Freud đã đặt ra và giải quyết trên lập trường triết học phân tâm học. Do vậy, có thể nói, việc khảo cứu, tiếp thu có chọn lọc và phê phán lập trường của Freud trong lĩnh vực triết học văn hóa là cần thiết, và đây cũng chính là mục đích của bài viết này.

Như đã rõ, vào nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX, khi cố gắng áp dụng phân tâm học vào các lĩnh vực văn hóa (nghệ thuật, tôn giáo, đạo đức, v.v.), một lần nữa, Freud lại trở lại với vấn đề quan hệ giữa con người và văn hóa, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội và đề cập đến hàng loạt vấn đề lịch sử xã hội. Hai tác phẩm đặc biệt quan trọng của ông xét trên phương diện này là: Tương lai của một ảo tưởng (1927) và Bất mãn với văn hóa (1930).

Ngay trong Totemvà tabu, Freud đã coi tục thờ cúng totem, một tín ngưỡng ra đời cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người là nguồn gốc của văn hóa và tâm linh. Ra đời từ thời ấu thơ của nhân loại như vậy, nên (cũng như thời thơ ấu của một cá thể người) tục thờ cúng totem đã luôn chi phối đời sống con người nhờ những cơ chế bảo lưu và tác động của nó. Trên cơ sở này, Freud đã đưa ra quan điểm về sự thù địch của văn hóa, của các cấm đoán văn hóa với sức sống, dục vọng mang tính bản năng, bẩm sinh của con người.

Trong Totem và tabu, Freud còn sử dụng những phát hiện mới của phân tâm học để tìm hiểu cội nguồn của tôn giáo là đạo đức. Trước Freud, trong các công trình nghiên cứu về nguồn gốc của tục thờ cúng totem đã có những quan điểm của phái duy danh, xã hội học, tâm lý học và lịch sử. Song, theo ông, những quan điểm này đều không nắm được bản chất của tôn giáo. Do vậy, ông đã dựa theo lý thuyết phân tâm học và xuất phát từ dục vọng bản năng vô thức thuộc tầng sâu cơ cấu tâm lý nhân cách để tiến hành nghiên cứu và thuyết minh về đạo đức và tôn giáo. Trong Totem và tabu, Freud cho rằng, cội nguồn của tôn giáo, đạo đức xã hội và nghệ thuật đều là mặc cảm giúp. Đó là sự gặp gỡ không hẹn trước. Nghiên cứu phân tâm học cho thấy rằng, loại mặc cảm giống nhau này là cái đã tạo nên căn nguyên của chứng bệnh tâm lý.

Cũng ở đây, ông còn cho rằng, cách tiếp cận như vậy, đã giúp ông thành công trong việc xâm nhập vào bản chất của chúng. Sau đó, tư tưởng này đã được ông phát triển trong học thuyết về quan hệ giữa "nguyên tắc thỏa mãn" và "nguyên tắc thực tại". Sau đó nữa, quan điểm về xung đột bi đát, về sự đối kháng của văn hóa với bản tính "tự nhiên" của con người đã trở thành trung tâm điểm trong tư tưởng triết học phân tâm học của Freud.

Trong tác phẩm Tương lai của một ảo tưởng, lần đầu tiên, Freud đã đưa ra định nghĩa khái niệm "văn hóa", khi phân tích các chức năng khác nhau của nó và xem xét tôn giáo như một bộ phận cấu thành của văn hóa. Ở đây, ông đã thể hiện như một người phê phán văn hóa đối kháng, áp đặt, đặc biệt là văn hóa phương Tây đương thời, khi vạch rõ tính chất tha hóa, phản nhân văn của nó. Tương tự như các học giả khác lý luận về "khủng hoảng văn hóa", ông chỉ ra hàng loạt xu hướng tiêu cực trong tiến trình phát triển của văn minh, văn hóa và sự phương hại của chúng đối với con người. Phương diện phê phán văn hóa trong học thuyết Freud được đặt lên hàng đầu ở giai đoạn này.

Freud hiểu thuật ngữ "văn hóa loài người" là tất cả những gì phân biệt cuộc sống con người với cuộc sống động vật. Một mặt, văn hóa "bao gồm mọi tri thức và kỹ năng mà con người có được, cho phép họ làm chủ các lực lượng tự nhiên và nhận được của cải vật chất để đáp ứng nhu cầu con người; mặt khác, nó bao gồm tất cả những quy định cần thiết để điều chỉnh quan hệ giữa người với người, đặc biệt là để phân chia những của cải vật chất có được(2). Theo ông, cái có ý nghĩa quyết định đối với việc đánh giá văn hóa loài người là "sự kiện xã hội học" - cái cho thấy khát vọng bản năng mang tính phá huỷ, chống xã hội, chống văn hóa của con người và khiến họ trở nên xung đột không dung hòa được với những đòi hỏi của văn hóa. Bởi lẽ, "văn hóa là cái được gán ghép cho đa số đang phản kháng lại một thiểu số biết cách chiếm hữu cho mình những phương tiện cưỡng chế và cai trị"(3). Với quan niệm này, Freud hướng vào việc khảo cứu các nhân tố tâm lý trong sự áp đặt văn hóa và những cấm đoán có thể có của "cái Siêu Tôi". Từ những nghiên cứu này, ông cho rằng, sự áp đặt văn hóa là một phương tiện tâm lý để con người bảo vệ tránh khỏi những dục vọng và bản năng xung đột bẩm sinh. Rằng, các biểu tượng tôn giáo xuất hiện do sự bất lực của con người trước các lực lượng nô dịch của tự nhiên và của xã hội cũng là một phương tiện tâm lý.

Các biểu tượng tôn giáo này, theo Freud, là sự phóng chiếu ra thế giới bên ngoài những dục vọng không được đáp ứng và các lực lượng tâm lý vô thức của con người. Vai trò của các biểu tượng này được thể hiện ở chỗ, nó là dung hòa con người với số phận nghiệt ngã của họ, là sự đền bù cho những đau khổ và mất mát do văn hóa đem lại cho con người trên con đường kiếm tìm hạnh phúc của họ.

Từ sự phân tích trên, Freud đi đến kết luận rằng, sự tồn tại của xã hội được xây dựng dựa trên sự thừa nhận của mọi người đối với tội lỗi chung; tôn giáo được sinh ra từ cảm giác tội lỗi và tâm lý hối hận về tội lỗi; còn đạo đức ra đời một phần, do nhu cầu xã hội, phần khác, do cảm giác tội lỗi làm nảy sinh tâm lý chuộc tội.

Vậy, bản chất tôn giáo là gì? Freud cho tằng, tôn giáo là một biểu hiện điển hình của "ma men tinh thần". Sở dĩ con người cần đến chất "ma men" này, bởi họ sống trong thế giới tự nhiên, gia đình, xã hội và quan hệ giữa họ với nhau; những sức ép ấy làm cho gánh nặng cuộc sống của họ càng nặng, thì họ càng cần đến sự giải tỏa của loại "ma men về tinh thần" này. Theo Freud, xã hội càng hiện đại càng có nhiều người sùng bái tôn giáo, và đó là điều không thể chấp nhận được. Với tư cách một nhà phân tâm học, Freud thấy mình có trách nhiệm phải vạch trần nguồn gốc, bản chất giả tạo của tôn giáo và làm cho mọi người nhận rõ tôn giáo chẳng qua chỉ là công cụ để bộ phận người này mê hoặc bộ phận người khác mà thôi. Coi các biểu tượng tôn giáo như một cái có giá trị nhất trong số tất cả những gì văn hóa có thể đem lại cho con người, trong nhiều tác phẩm của mình, Freud đã nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa và tôn giáo(4). Theo ông, tôn giáo thể hiện là một trong các phương thức tồn tại của văn hóa và đúng hơn, là của văn hóa mang tính chất "loạn thần kinh chức năng” ; nó thể hiện ra là một ảo tưởng không giống sự thật nhưng lại rất gần gũi với "tư tưởng vô lý trong tâm thần". Giá trị của tôn giáo được ông đánh đồng với tác đụng của thuốc mê, với khả năng "ru ngủ” con người ngay từ thời thơ ấu.

Điều đó cho thấy, quan điểm của Freud về tôn giáo là mâu thuẫn và không nhất quán. Một mặt, ông quy các biểu tượng tôn giáo về lĩnh vực bệnh hoạn, xem chúng như bệnh “loạn thần kinh chức năng'”, bệnh tâm thần; mặt khác, ông lại nhấn mạnh giá trị văn hóa của chúng. Không chỉ thế, Freud còn lấy một thành tố khác của văn hóa là khoa học để đối lập với tôn giáo như một ảo tưởng không thể chứng minh được, giống như những tạo phẩm tinh thần của các bộ lạc man rợ. Giữa tri thức khoa học và niềm tin tôn giáo, theo ông, luôn có sự xung đột không thể khắc phục được, tác động của tôn giáo đến con người ngày càng giảm và không thể luận chứng được cả bằng các sự kiện lẫn bằng những luận cứ của lý tính, và nguyên nhân của tình trạng đó là "sự kiện toàn tinh thần khoa học ở các tầng lớp tinh hoa của xã hội loài người"(5). Với quan niệm này, khi Freud cho rằng, tôn giáo là cái cần phải loại bỏ, vì nó luôn thể hiện ra là địch thủ trực tiếp của khoa học, là nơi hội tụ những ảo tưởng, những sai lầm phi lý gây chứng “rối loạn thần kinh chức năng”.

Song, việc Freud phê phán tôn giáo từ lập trường của khoa học và của lý tính lại trực tiếp mâu thuẫn với hệ chuẩn phản khoa học, phản duy lý trong học thuyết phân tâm học của ông. Trong thế giới quan của Freud giai đoạn cuối đời luôn có hai xu hướng đối lập nhau: xu hướng duy khoa học, duy lý xuất phát từ niềm tin tưởng của nhà khoa học tự nhiên vào sức mạnh của lý tính, của khoa học và xu hướng thần thoại, phản khoa học, duy tâm - phi duy lý.

Trong tác phẩm Bất mãn với văn hóa, Freud đã phát triển phương diện đạo đức trong các quan điểm văn hóa học của mình. Sau khi đặt ra vấn đề về mục đích sống và lẽ sống, ông khẳng định mục đích chủ yếu của cuộc sống con người là khát vọng hạnh phúc. Và khi Freud xuất phát từ tư tưởng của chủ nghĩa hoan lạc coi sự hoan lạc như cái thiện tối cao và là tiêu chí về lối ứng xử của con người, ông đã quy quan niệm về hạnh phúc về sự vắng mặt của nỗi đau, của sự bất mãn và về sự trải nghiệm những cảm giác hoan lạc mạnh mẽ. Với quan niệm này, hạnh phúc, mục đích sống của con người đã được ông coi là "nguyên tắc hoan lạc" của chủ nghĩa hoan lạc. Mặc dù nguyên tắc này, theo Freud, luôn giữ vị trí hàng đầu trong cuộc sống con người, song việc thực hiện nó, ngay từ đầu, đã đặt con người vào quan hệ thù địch với thế giới bên ngoài, với xã hội và với văn hóa. Với tư cách khát vọng hoan lạc, theo Freud, hạnh phúc về thực chất là một hiện tượng ngẫu nhiên, không thể kéo dài, vì nó bao giờ cũng đối đầu với "nguyên tắc thực tại" - cái chỉ đem lại cho con người nỗi bất hạnh và sự đau khổ. "Đau khổ, - Freud viết, - đe dọa chúng ta từ ba phía: thân xác chúng ta, - cái rất dễ bị suy yếu và phân huỷ mà những nỗi đau và sự sợ hãi không thể ngăn chặn được; thế giới bên ngoài có thể thức tỉnh trong chúng ta các lực lượng hùng mạnh và không thể nắm bắt được, cuối cùng, quan hệ của chúng ta với tha nhân"(6). Do con người luôn cố gắng né tránh nỗi bất hạnh và sự đau khổ, nên họ thường tạo ra những ảo tưởng để ngăn chặn chúng và cho phép chúng tác động trực tiếp đến thân xác mình. Song, điều đó là chưa đủ. Cấu tạo phức tạp của trạng thái tâm lý con người, theo Freud, bắt buộc con người phải sử dụng hàng loạt phương thức tác động khác, như thủ tiêu các dục vọng sinh lý bẩm sinh, làm cho chúng thăng hoa, sáng tạo nghệ thuật và khoa học. Với quan niệm này, ông coi lối sống ẩn dật như một phương thức để loại bỏ các đau khổ thế tục, không tưởng và viễn tưởng, như dự định nhằm tạo ra một thế giới tưởng tượng, có thể thủ tiêu được những cái không thể chịu đựng được trong thế giới hiện thực. Song, tất cả những phương thức này, theo ông, đều không thể giúp con người tránh khỏi sự đau khổ và do vậy, khi sử dụng chúng, con người không đạt được gì, hiện thực vẫn cứ là cái không thể chịu đựng nổi đối với họ; cũng do vậy, con người đã trở thành kẻ mắc bệnh “rối loạn thần kinh” chức năng khi cố gắng cải biến thế giới.

Tôn giáo, theo Freud, là một phương thức không có hiệu quả để bảo vệ con người tránh khỏi đau khổ, là "sự điên rồ đại chúng" của nhân loại, là cái không chỉ dẫn con người đến hạnh phúc hư ảo, mà còn làm mất đi những giá trị của cuộc sống hiện thực khi đề cao những giá trị siêu nhiên, không hiện thực và do vậy, khiến con người "chỉ còn biết phục tùng một cách vô điều kiện như sự an ủi cuối cùng, như cội nguồn của sự hoan lạc trong đau khổ của mình"(7).

Với quan niệm này, ông đã đi đến kết luận rằng, không một phương thức nào mà con người tạo ra để né tránh đau khổ lại có đủ độ tin cậy. Do vậy, hạnh phúc là lý tưởng không thể trở thành hiện thực; nó chỉ là "nguyên tắc thỏa mãn" mà con người thường xuyên hướng đến nhưng không bao giờ đạt tới được. Điều duy nhất còn lại dành cho con người trong bối cảnh này là "phân bổ lại" và "điều chỉnh" năng lượng tình dục.

Khi xem xét vấn đề tâm lý - đạo đức của hạnh phúc, hoan lạc và đau khổ từ lập trường phân tâm học, Freud cho rằng, "văn hóa là cái phải hứng chịu phần lớn tội lỗi về những bất hạnh của chúng ta. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nhiều, nếu khước từ văn hóa và phục hồi những điều kiện sinh hoạt nguyên thuỷ. . . Dẫu chúng ta có hiểu như thế nào về văn hóa, thì hiển nhiên tất cả những gì mà chúng ta thường cố gắng sử dụng để tự vệ, để chống lại những khổ đau đang đe dọa chúng ta đều thuộc về nền văn hóa này"(8).

Nối tiếp Schopenhauer, Freud đã vạch ra những dấu hiệu khủng hoảng của văn hóa phương Tây đương thời, của các thể chế, các giá trị đạo đức mà có sự tác động của chúng, con người đã trở thành những bệnh nhân mắc "bệnh tâm thàn phân liệt". Theo ông, loài người đã đạt tới sự tiến bộ chưa từng thấy trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và áp dụng kỹ thuật, đạt tới sự thống trị giới tự nhiên, song, tất cả những điều đó không làm cho họ trở nên hạnh phúc hơn.

Học thuyết của Freud về "tội lỗi" của văn hóa, về sự đau khổ của con người trong nền văn hóa ấy và về sự khủng hoảng của văn hóa, đã trở thành một chủ đề ưa thích của nhiều nhà tư tưởng hiện đại. Tư tưởng trung tâm của Marcuse, Reicher, v.v. đều bắt nguồn chính từ học thuyết phân tâm học của Freud về sự thù địch của văn hóa đối với con người, về tính chất áp đặt của nó đối với bản tính người.

Song, Freud không chỉ dừng lại ở việc vạch rõ tính chất thù địch, phản nhân văn của văn hóa, ông còn nghiên cứu những ảnh hưởng tích cực của văn hóa và vai trò của nó trong đời sống của con người. Freud cho rằng, mục đích của sự phát triển con người là hoàn thiện lý tưởng, kiến thức (gồm lý trí, chân lý, logos), đề cao tình người, giảm thiểu khổ đau, nâng cao sự tự chủ và trách nhiệm, bởi chính chúng đã tạo nên cốt lõi đạo đức của mọi tôn giáo lớn mà văn minh phương Đông và phương Tây đều dựa vào đó. Những giáo lý của Khổng Tử, Lão Tử, Đức Phật, những nhà tiên tri và Jesus tuy có một số sự khác biệt, nhưng về cơ bản, đều giúp con người hướng thiện. Thứ tôn giáo mà Freud chống là thứ tôn giáo đã bị lạm dụng, nhân danh đạo đức để ngăn cản việc thực hiện mục đích đạo đức toàn vẹn của tôn giáo.

Theo Freud, văn hóa nào cũng có những thành tựu và những hình thức hoạt động làm lợi cho con người, thúc đẩy việc khai khẩn đất đai và bảo vệ con người khỏi các lực lượng tự phát của tự nhiên. Với quan điểm này, Freud không hề phủ định tiến bộ lịch sử - văn hóa của loài người và những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, sản xuất vật chất và tinh thần. Khi coi quan hệ xã hội giữa người với người cũng là một hiện tượng văn hóa, Freud còn cho rằng, văn hóa bao gồm cả các quan điểm triết học, tôn giáo, các lý tưởng của con người, quan niệm về sự hoàn thiện có thể có của mỗi cá nhân, của dân tộc và của cả loài người. Do vậy, theo ông, việc hợp nhất con người thành các nhóm, các cộng đồng xã hội cũng như việc thay thế quyền lực của một người riêng biệt bằng quyền lực của tập thể là một bước tiến lớn trên con đường sáng tạo văn hóa của nhân loại. Thực chất của bước tiến này là ở chỗ, các thành viên trong cộng đồng có khả năng hạn chế dục vọng của mình, tạo ra các chuẩn mực pháp lý, những nguyên tắc đạo đức chung. Đến lượt mình, các chuẩn mực và những nguyên tắc này lại đặt ra các yêu cầu mới cho sự phát triển của văn hóa. Nhu cầu mới này luôn trong trạng thái xung đột với tự do cá nhân. Do vậy, phát triển văn hóa là để hạn chế tự do cá nhân và đó là điều bắt buộc đối với mọi người.

Ghi nhận sự xung đột vĩnh hằng, không thể dung hòa được giữa tự do cá nhân và những mong muốn, khát vọng của họ với những đòi hỏi của văn hóa, Freud đã ngoại suy những đặc điểm tâm lý của con người riêng biệt vào lĩnh vực quan hệ xã hội và phát triển văn hóa. Và khi dịch chuyển những đặc điểm tâm lý này vào lĩnh vực giao tiếp giữa người với người, ông đã xác lập sự tương đồng giữa tiến trình văn hóa và phát triển libido (tính dục) của một con người riêng biệt. Từ đó, ông coi sự thăng hoa của những dục vọng phát sinh và những bản năng con người là đặc trưng nổi bật trong sự phát triển văn hóa nhân loại. Ở đây cần phải nhận thấy rằng, khái niệm "thăng hoa" đóng một vai trò rất quan trọng trong tư tưởng văn hóa học của Freud. Bởi vì, theo Freud, khi bị đẩy xuống lĩnh vực vô thức, bản năng sinh học lại được biểu hiện dưới dạng "thăng hoa" ở trong mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa, từ chính trị cho đến khoa học, nghệ thuật, văn học. "Thăng hoa" có cơ sở nền tảng là sự chối bỏ dục vọng, từ bỏ lối sống khắc kỷ (chuyển năng lượng tình dục cho mục đích văn hóa), và do vậy, nó đem lại cho các lĩnh thức tối cao của hoạt động tâm lý khoa học, nghệ thuật, tư tưởng) một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa của con người. Cách đặt vấn đề như vậy đã cho phép Freud đưa ra một định hướng văn hóa nhất định cho dục vọng bẩm sinh - tình yêu và sự hiếu chiến (Eros và Tanatos).

Trong các tác phẩm cuối đời, Freud đã đưa ra một tư tưởng cho rằng, thiên hướng hiếu chiến và tàn ác là một trong những trở ngại trên con đường phát triển văn hóa của loài người. Quan niệm về tính hiếu chiến bẩm sinh này còn được ông sử dụng để giải thích tính tất yếu của việc tiến hành chiến tranh, di dân, xâm lược, v.v. . Và khi đánh đồng bản năng hiếu chiến và tàn ác của cá nhân con người với tính hiếu chiến xã hội, cố gắng coi chúng như một đặc tính bẩm sinh của bản tính người, Freud đã cố gắng minh biện cho chiến tranh. Trong bức thư ngỏ gửi cho A.Einstein "Chiến tranh cần phải làm gì?" (1932), ông đã cố gắng chứng minh tính tất yếu lịch sử của chiến tranh và khẳng định giá trị văn hóa của nó, khi cho rằng chiến tranh làm bộc lộ bản năng hiếu chiến và qua đó, có khả năng bảo tồn các cơ sở sinh học của văn hóa, cứu thoát con người khỏi sự tự huỷ diệt về mặt thể xác. Chiến tranh, theo ông, chỉ đơn giản là "một sự việc tự nhiên, nó có cơ sở sinh học tương ứng, và do vậy, chắc đã gì có thể né tránh được nó trên thực tế (9). Hàng loạt nhà tư tưởng phương Tây coi luận điểm này của Freud về tính hiếu chiến, tính tất yếu của chiến tranh là sự bộc lộ của khát vọng sinh học mang tính chất phá huỷ, là yếu tố cấu thành quan điểm văn hóa xã hội của ông (10).

Xem xét chiến tranh như một hiện tượng tự nhiên và như một thử nghiệm để bảo vệ các dân tộc khỏi sự tự huỷ diệt, Freud đã ủng hộ quan điểm phản nhân văn về tính tất yếu của việc triển khai và tiến hành chiến tranh trong lịch sử. Quan điểm này hoàn toàn đối lập với quan niệm duy vật lịch sử về bản chất của chiến tranh như một phương tiện để giải quyết những mâu thuẫn kinh tế và chính trị - xã hội. Xem xét tính hiếu chiến, tàn ác, bạo lực như những biểu hiện của bản năng vô thức trong bản tính con người, Freud chỉ quan tâm đến việc làm cho bản năng ấy “thăng hoa”, cải biến và phong tỏa chúng, đem lại cho chúng những hình thức có thể chấp nhận được và ít nguy hiểm nhất. Xuất phát từ đó, trong Bất mãn với văn hóa, Freud đã đưa ra luận điểm về cuộc đấu tranh không chấm dứt trong xã hội giữa bản năng sống với bản năng phá huỷ, hiếu chiến, (giữa Eros và Tanatos), cuộc đấu tranh dường như cấu thành nội dung cơ bản cho mọi hình thức tồn tại của sinh vật và của văn hóa loài người.

Theo ông, lĩnh vực văn hóa loài người chỉ thể hiện ra như diễn đàn đấu tranh đặc biệt giữa các bản năng thù địch với nhau. Rằng, “cuộc đấu tranh này cấu thành nội dung cơ bản của sự sống nói chung, và do vậy, phát triển văn hóa có thể được gọi một cách đơn giản là cuộc đấu tranh vì sự tồn tại của loài người” (11).

Vào cuối những năm 20 - đầu những năm 30 của thế kỷ XX, phân tâm học ở phương Tây đã trở thành “triết học cuộc sống”, "triết học văn hóa", đạo đức học và thẩm mỹ học. Khi đó, Freud đặc biệt coi trọng việc phân tích cảm giác tội lỗi như một hiện tượng tâm lý - đạo đức. Theo ông, khi phong tỏa và vô hiệu hóa những dục vọng hiếu chiến nguy hiểm, văn hóa cũng đồng thời để cho “cái Siêu Tôi” giám sát chúng, bởi những dục vọng này không thể bị loại ra khỏi cuộc sống con người. Coi trạng thái xung đột căng thẳng này giữa "cái Tôi" và "cái Siêu Tôi", giữa thái độ hiếu chiến và việc chế áp nó là trạng thái tội lỗi, Freud cho rằng, "Do văn hóa luôn phải phục tùng năng lượng tình dục nội tại với tư cách cái ra lệnh cố kết mọi người thành một đám đông thống nhất, nên nó chỉ có thể đạt tới mục đích đó thông qua cảm giác tội lỗi Nếu văn hóa là tiến trình phát triển tất yếu từ gia đình đến loài người, thì với tư cách hệ quả của xung đột bẩm sinh giữa tính hai mặt, giữa tình yêu và dục vọng chết, nó luôn gắn liền với sự gia tăng cảm giác tội lỗi và rất có thể đạt tới trạng thái căng thẳng tới mức không thể chịu đựng được đối với mỗi người riêng biệt" (12).

Xem xét cảm giác tội lỗi như một nội dung cơ bản, như một vấn đề quan trọng vào bậc nhất của văn hóa, Freud đã cố gắng chứng minh rằng, do có sự gia tăng tội lỗi trong quá trình phát triển của xã hội loài người, nên tiến bộ văn hóa luôn đi liền với việc hạn chế "nguyên tắc thỏa mãn" và do vậy, đã làm phương hại đến hạnh phúc con người. Cảm giác tội lỗi càng tăng lên, thì con người càng cảm nhận thấy ít hạnh phúc hơn. Với quan niệm này, ông đã nói về tiến trình phát triển tiếp theo của văn hóa. Theo ông, trong tương lai, số phận của loài người sẽ phụ thuộc vào việc "sự phát triển của văn hóa có khả năng hay không có khả năng loại bỏ dục vọng hiếu chiến và tự phá hủy bẩm sinh của con người. . . Đã đến lúc chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến phương diện này, bởi hiện nay, con người đã thống trị các lực lượng tự nhiên nhiều tới mức họ có thể dễ dàng huỷ diệt lẫn nhau đến người cuối cùng. Khi dựa vào tự nhiên, con người cần phải hiểu điều này để từ đó suy nghĩ và quan tâm nhiều hơn đến nỗi bất hạnh và tâm trạng bất an hiện nay của mình, đồng thời cũng phải luôn hy vọng rằng, lực lượng tự nhiên khác - Eros - sẽ nỗ lực để tự bảo vệ mình trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù cũng bất tử như vậy. Nhưng liệu ai đó có thể tiên đoán được kết cục của cuộc đấu tranh này và chiến thắng sẽ thuộc về bên nào?" (13). Chúng ta dễ dàng nhận thấy sắc thái bi quan, lo âu trong những câu nói đó của Freud.

Những sự kiện gắn liền với việc phổ biến và sự gia tăng chủ nghĩa phát xít đã để lại dấu ấn sâu đậm ở thế giới quan của Freud ở giai đoạn hậu kỳ. Vào năm 939, bọn quốc xã đã xung công tài sản, nhà xuất bản và thư viện của ông, thiêu huỷ sách của ông, bắt và giam ông trong trại tập trung, bốn chị gái của ông cũng bị sát hại. Các nhà hoạt động khoa học và văn hóa, cũng như công luận đều lên tiếng đòi phải giải phóng cho ông.

Bị chấn động bởi việc bọn quốc xã phá huỷ nhiều giá trị văn hóa, vào những năm cuối đời Freud đã ngày càng nhấn mạnh tính chất bi đát, không lối thoát của tồn tại người trong thế giới đương thời với ông, và vạch rõ sự khủng hoảng của văn hóa, đưa ra sự cảnh báo về khả năng diệt vong có thể có của nền văn minh nhân loại. Từ đó, ông đặt vấn đề: Lẽ nào lại phải coi nhiều nền văn hóa hay các thời đại văn hóa và cả loài người là những "bệnh nhân tâm thần" do sự hiện diện của xu hướng hiếu chiến, phá huỷ trong xã hội? Và khi cố gắng chuyển dịch tư tưởng phân tâm học vào lĩnh vực ý thức xã hội, văn hóa loài người, ông cho rằng "các cấu trúc tâm thần cá nhân" là miền sâu của ý thức xã hội; cái "Siêu Tôi" là thành tố xã hội đặc biệt của văn hóa, cái sản sinh ra những lý tưởng xác định, đề ra những yêu cầu không phải cho con người riêng biệt, mà cho các nhóm người. ở đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự tương phản sâu sắc giữa C.Mác và Freud trong quan niệm về bản chất con người và văn hóa.

Trong các tác phẩm đề cập đến những vấn đề văn hóa, Freud đã cố gắng tìm hiểu xã hội đương thời, xem xét các hiện tượng tiêu cực của nó (bạo lực, tàn ác, chiến tranh, đàn áp) từ trạng thái tâm lý của người mắc bệnh tâm thần. Theo ông, mỗi con người riêng biệt cũng như toàn thể xã hội đều phải trải qua giai đoạn "loạn thần kinh chức năng" trong sự phát triển của mình; do vậy, nếu loại bỏ gia đình - tế bào cơ bản của văn hóa, thì khó có thể tìm thấy con đường phát triển tiếp theo của văn hóa. Với cách tiếp cận này, ông còn cho rằng, bản năng hiếu chiến của con người luôn thể hiện với tư cách một nhân tố sinh học không thể loại bỏ được của văn hóa trên bất kỳ thang bậc phát triển lịch sử nào của nó (14).

Như vậy, có thể nói, trong phân tâm học của mình, Freud đã đặt ra nhiều vấn đề cấp bách về vai trò của văn hóa trong đời sống con người, khi phân tích hàng loạt yếu tố đóng vai trò chi phối nếp sống của những cá nhân con người, tức hệ giá trị tinh thần của xã hội được phóng chiếu vào cuộc sống cá nhân thông qua lăng kính của nhiều loại nhân tố (sinh học, chính trị, xã hội, v.v.). Xét về phương diện này, phân tâm học của Freud là một hệ thống phức tạp, đa diện và đầy mâu thuẫn. Do vậy, chúng ta không nên đánh đồng nó với thế giới quan tự nhiên chủ nghĩa và thế giới quan triết học của ông. Bản thân Freud cũng luôn bày tỏ thái độ tiêu cực đối với mọi quan điểm triết học. Ông thường khẳng định học thuyết của mình không phải là khoa học triết học, mà là khoa học cụ thể, dựa trên những sự kiện và quan sát thực tế của y học lâm sàng, của tâm thàn học, dân tộc học, sử học, v.v.. Mặc dù vậy, dẫu đã có cố gắng khắc phục, song các quan điểm xã hội và văn hóa học của ông vẫn là một thứ siêu hình học trừu tượng, tư biện. Quan niệm của ông về vai trò quyết định của bản năng và dục vọng vô thức, về cuộc đấu tranh giữa Eros và Tanatos đã làm cho các luận điểm lý luận của ông trở nên gần gũi với chủ nghĩa phi duy lý triết học. Từ thế giới quan khoa học tự nhiên đến chủ nghĩa phi duy lý và "triết học cuộc sống" đã được sinh học hóa, từ tâm lý học cá nhân mang sắc thái sinh học hóa đến quan điểm lịch sử - xã hội về nguồn gốc, chức năng và số phận của văn hóa, về tính chất khủng hoảng của nó - đó là cách tiếp cận mà Freud đã sử dụng khi nghiên cứu văn hóa. Chính tính đa sắc thái này đã cho phép chúng ta nhận thấy cả yếu tố tích cực lẫn yếu tố tiêu cực trong cách tiếp cận của ông với một hiện tượng cũng đa sắc thái như văn hóa trong đời sống con người.


(l) Xem : Triết học phương Tây hiện đại. Từ điển (Viện Triết học). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 996, tr. 403 - 406.
(2) S.Freud. Tuyển tập, t.1 Mátxcơva, 989 (tiếng Nga).
(3) S.Freud. Sđd., tr.109
(4) S.Freud. Sđd., tr.202.
(5) Xem: S.Freud. Sđd., tr.218.
(6) Xem: S.Freud. Sđd., tr.268.
(7) Xem: S.Freud. Sđd., tr.276.
(8) Xem: S.Freud. Sđd., tr.277.
(9)Thư từ của S.Freuđ. Mátxcơva, 1999, tr.145 (tiếngNga).
(10) Xem: C.Thompson. Phân tâm học: Tiến hóa và vấn đề. Mátxcơva, 982, tr.401 - 141 (tiếng Nga).
(11) Xem: S.Freud. Tuyển tập tr. Mátxcơva, 1989, tr.309 (tiếng Nga).
(12) Xem: S. Freud. Sdd. tr 39.
(13) Xem: S. Freud. Sdd. 330 – 331
(14) Xem: S.Freud. Sdd. tr.319

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vai trò của nhân tố văn hoá trong nền văn minh

    26/05/2016TS. Hồ Sĩ QuýTới tận hôm nay, những định nghĩa về văn hóa được coi là có giá trị nhất vẫn chưa làm thỏa mãn giới nghiên cứu. Vì thế việc định nghĩa khái niệm này còn đang được xem như một điều thách thức - những định nghĩa mới, xuất phát từ những cách hiểu khác nhau tiếp tục xuất hiện...
  • Oppenheimer và Chu thực sự nói gì?

    19/11/2008Đỗ Kiên CườngNgười Việt chúng ta có một truyền thống quí báu là vô cùng tôn kính tổ tiên. Các truyền thuyết Rồng Tiên, mười tám đời vua Hùng, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, cùng những trang sử oanh liệt về Bạch Đằng, Chương Dương, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… có lẽ đã thấm vào từng tế bào của mỗi con dân đất Việt. Vì thế chúng ta rất nhạy cảm với những thông tin về nguồn gốc con người và văn hóa Việt. Có lẽ đó là lý do Oppenheimer và Chu từng được cộng đồng người Việt, cả trong và ngoài nước, chào đón và thảo luận rất nồng nhiệt. Vậy Oppenheimer và Chu đã thực sự nói gì?
  • Văn hóa và văn minh

    27/10/2005Theo nghĩa cơ bản của nó, thuật ngữ “văn hóa” nghĩa là sự cải thiện hay sự hoàn thiện bản chất. Nông nghiệp cải thiện đất đai và thể dục phát triển cơ thể. Vậy văn hóa con người là sự phát triển tất cả các khía cạnh thuộc bản chất con người – đạo đức , trí tuệ và xã hội. ...
  • Văn hoá dưới cái nhìn phân tâm học của Sigmund Freud

    09/07/2005Nguyễn Huy HoàngSigmund Freud là người đã hướng tới việc nghiên cứu cái vô thức trong đời sống tâm lý con người và sáng tạo ra phương pháp phân tâm học. Ông đưa ra cách tiếp cận phân tâm học với văn hoá, mô tả sự xung đột của văn hoá với con người; đồng thời, phác hoạ nên bức tranh về nhân cách năng động hơn, phức tạp hơn, đầy những mâu thuẫn và xung đột hơn so với tâm lý học cổ điển. Tuy nhiên, cách tiếp cận phân tâm học đã dẫn Freud tới chỗ hiểu sai về bản chất của văn hoá, trộn lẫn lao động với bản tính tự nhiên của con người. Tựu trung lại, học thuyết của Phrớt không thoát khỏi những bế tắc.

  • Chân dung nhà tâm lý học: Sigmund Freud và học thuyết phân tâm

    09/07/2005Ngụy Hữu TâmCuộc đời Freud cũng mâu thuẫn như thuyết của ông... Đời sống tình dục của con người là lĩnh vực mà ngay những chuyên gia giỏi nhất, thậm chí đôi khi chính Freud, cũng phải mò mẫn trong bóng tối. Kỳ vọng có sự nhất trí là không tưởng...