Gặp Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam tại Paris

05:19 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Tư, 2016
.
Cùng sống ở Paris, nhưng cơ hội gặp gỡ nhau không nhiều. Đa phần chúng tôi chỉ gặp nhau trong những ngày lễ lớn và những sự kiện liên quan đến Việt Nam. Tôi tự nhủ phải dành thời gian đến thăm bà – TS sử học Thu Trang – Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam đăng quang ở Sài Gòn năm 1955.
.
Paris mùa này thật lạnh. Sau khi gọi điện, tôi phóng xe ra vùng ngoại ô gần Paris, nơi có căn hộ duyên dáng của bà. Bà đón tiếp tôi rất niềm nở, nhưng tôi không khỏi thấy lòng mình hơi se lại! Bởi giọng nói của bà vẫn trong, nụ cười vẫn tươi nhưng mái tóc đã bạc trắng và phải tựa vào cây gậy nhỏ. Bà đón tôi vào nhà, hai cô cháu trò chuyện vui vẻ. Bà hỏi thăm công việc và rất vui trước những thành công tôi đạt được và luôn nói như một lời nhắc nhở : "Còn trẻ là phải cố gắng cháu ạ. Cô vui lắm khi thấy thế hệ các cháu năng động và trưởng thành nhanh hơn thế hệ cô. Làm được gì giúp ích cho xã hội, cho nước nhà thì cố gắng nhé cháu”.
Bà sinh năm 1932 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội trong một gia đình tiểu tư sản, cha của bà thời ấy là một công chức được điều động vào Sài Gòn nên gia đình theo ông vào Nam. Khi đó bà mới lên mười tuổi. Lúc đầu bà cũng được ăn học như bao thiếu nữ khác thời ấy. Rồi thân mẫu qua đời khi các em còn rất bé, là chị cả của bốn người em trai, bà bắt đầu lăn lộn phụ giúp cha nuôi các em. Được theo học hệ chính quy theo chương trình đào tạo của Pháp nên trình độ tiếng Pháp của bà rất tốt. Sau đó bà học thêm tiếng Anh, và bắt đầu làm việc như là một ký giả cho các báo như Sài Gòn Mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống… dưới nhiều bút danh khác nhau như Thu Trang, Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu...
.



Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Công Thị Nghĩa (tức tiến sĩ sử học Thu Trang về sau)
.
Tuổi đã cao, những vấn đề hiện tại, bà khi quên khi nhớ, nhưng là một nhà sử học, thì những điểm mốc, những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ bà luôn nhớ rất rõ. Bắt đầu là con đường hoạt động cách mạng với những bước đi chập chững. Đến năm 1952, bà bị bắt và đưa ra trước Toà án binh Pháp, và được đích thân luật sư Nguyễn Hữu Thọ bào chữa tại toà án. Những ngày trong đề lao, bà đã làm quen với bà Nguyễn Thị Bình, bà Đỗ Duy Liên… Cho đến gần một năm sau, năm 1953, bà được đưa về Sài gòn và được trả tự do. Biết bà là người gan dạ, một số trí thức cấp tiến, thân Bắc đã giới thiệu và đưa nhập vào làng báo chí. Ý thức báo chí là vũ khí lợi hại nhất để đấu tranh cho quyền dân tộc, bà đồng ý ngay. Và chính tại đây, bà đã có duyên với chiếc vương miện Hoa hậu: "Thực ra thì tôi đến lấy tin để viết cho báo, mấy anh trong ban tổ chức khi nhìn thấy tôi thì trầm trồ liền. Và cố gắng thuyết phục tôi đi thi, - bà kể. Nhưng khi ấy nhà nghèo, lấy đâu ra quần áo đẹp để đi thi. Họ bảo chỉ cần mặc chiếc áo dài đẹp nhất mà tôi có là được. Và còn nói trang phục thực ra không phải là thứ quyết định tất cả”. Và thế là nữ ký giả Thu Trang đã trở thành một trong những hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, năm 1955, với khuôn mặt khả ái hết sức ấn tượng.

"Dạo đó, - bà kể. Giải thưởng là một chiếc xe gắn máy Lambetta và một chiếc vé khứ hồi đi Mỹ, nhưng tôi đã không được đi, bởi ít nhiều có người đã nghi tôi là thân Kháng chiến”. Có lẽ những thăng trầm bắt đầu đến với người đàn bà đẹp này. Sau một số phim bà đã tham dự và nhất là đợt đến Tokyo, Nhật bản để giới thiệu phim, một số nhà làm phim Pháp mời bà sang đóng phim. Nhưng đến nơi, bà mới biết họ muốn bà đóng trong những bộ phim ca ngợi thời vang son của thời kỳ thực dân đô hộ và nhất là chống chế độ Cộng sản, bà đã từ chối. Bà cũng không thể trở về trong thời kỳ nghiệt ngã của Luật 10/59, của Ngô Đình Diệm.

Thân gái dặm trường, bà bắt đầu học lại tiếng Pháp, theo học đại học rồi cao học tại trường Sorbonne. Lòng yêu nước và đam mê khám phá lịch sử của quê hương, đã đẩy bà chọn đề tài làm luận án tiến sỹ sử học về Phan Châu Trinh. «Ngày đó tôi đã đến sở lưu trữ của bộ Thuộc địa Pháp, ban Đông Dương lục tìm tài liệu, - bà kể. Người Pháp vừa đưa về từ Việt Nam, còn để ngổn ngang. Cơ man là nhiều. Không những về Phan Châu Trinh mà còn về Nguyễn Ái Quốc và các nhân vật tầm cỡ khác của Việt Nam. Tôi đã cố gắng để dành tiền sao chép hết lại. Sau này tôi đã tặng lại rất nhiều cho các nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh tại Việt Nam». Những năm tháng tại Pháp, các phong trào ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra hết sức sôi nổi bà đã tham gia, rồi các phong trào của Việt Kiều yêu nước cứ hiện rõ theo mỗi lời tâm sự lúc trầm lắng, khi dữ dội của bà... Bà rất vui khi kể cho tôi nghe kỷ niệm : «Đợt chị Bình (bà Nguyễn Thị Bình - PV) dẫn đầu đoàn đại biểu lâm thời của Miền Nam Việt Nam sang Pháp đàm phán Hiệp định Paris, cũng có ghé qua nhà tôi chơi. Hôm đó, còi cảnh sát hụ rõ nhiều, cả khu nhốn nháo cả lên…, - bà nở nụ cười rạng rỡ.

Rồi bỗng bà ngồi lặng đi giây lát, đi vào phòng và mang ra cho tôi xem những tác phẩm mà bà đã dày công nghiên cứu tìm hiểu, viết thành sách và đã được xuất bản. Bà nói rất lâu về Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc. Bà cho tôi xem cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911 – 1925, đây chính là tác phẩm mà bà phát triển thêm dựa trên bản luận án tiến sỹ sử học của mình, xuất bản tại Việt Nam năm 1979. Rồi đến Nguyễn Ái Quốc ở Paris 1917 - 1923, xuất bản năm 1989 tại Hà Nội. Hai tác phẩm này sau đó đều đã được dịch ra tiếng Pháp. Không chỉ là những tác phẩm nghiên cứu sử học, bà còn cho ra mắt một tập thơ mang tên Nói sao cho vợi. Đó là những nỗi niềm gửi gắm của một người con xa quê luôn đau đáu nhớ về quê hương mình.

Trước đây, ngoài những hoạt động xã hội và công việc của mình, trong một thời gian dài, bà còn là một cây viết tích cực, và biên tập viên kiên nhẫn của tạp chí Đoàn kết của Hội người Việt Nam tại Pháp. Bà cũng miệt mài làm việc và tham gia vào các phong trào giúp đỡ các em học sinh sinh viên mới sang Pháp du học. Những năm sau này bà còn theo đuổi niềm đam mê của mình là vẽ. Bà đã có cuộc triển lãm riêng của mình tại Paris, hay ở trung tâm văn hóa tại một số tỉnh tại Pháp.

Những năm gần đây, do tuổi già sức yếu, bà ít về Việt Nam hơn. Bà tâm sự: "Tôi vẫn tham gia Hội Trí thức tại Pháp, nhưng gần đây đa phần các bạn hữu đã về nước làm việc, cả Hội toàn nước Pháp chỉ còn hơn trăm người, anh Khôi (nhà văn hóa Lê Thành Khôi là chủ tịch Hội Tri thức Việt Nam tại Pháp - PV) đã lớn tuổi, toàn giao cho tôi đảm nhiệm, cả năm chỉ gặp gỡ nhau vài ba lần...” Bà tâm sự vẫn thi thoảng viết bài cho một số tạp chí trong nước...
Năm 2010, bà cho xuất bản cuốn hồi ký Một thời để nhớ, do nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Cuốn sách gần 600 trang là những câu chuyện thú vị với đầy giai thoại về cuộc đời một Người đẹp, một trong những hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với những biến cố của dân tộc.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phan Châu Trinh - cuộc đời và sự nghiệp

    23/03/2018Đinh Xuân LâmPhan Châu Trinh là một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong phong trào cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Trong dịp dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày mất của cụ, thiết tưởng việc ôn lại cuộc đời và sự nghiệp Phan Châu Trinh để rút ra những bài học cho hôm nay cũng là một việc làm cần thiết và bổ ích...
  • Phan Châu Trinh, nhà giáo dục qua Santé thi tập

    11/08/2016Châu Yến LoanPhan Châu Trinh là nhà cách mạng, nhà chính trị, tư tưởng, điều đó ai cũng rõ, nhưng nói Phan Châu Trinh là nhà giáo dục thì ít người nghĩ đến. Thực ra, trên con đường hoạt động cách mạng, ông rất chú trọng đến vấn đề này. Ông đã viết nhiều bức thư, nhiều bài diễn thuyết, nhiều bài thơ v.v... để tuyên truyền, giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức cho nhân dân, đặc biệt trong tác phẩm Santé thi tập ông đã có một nội dung giáo dục rất phong phú, một phương pháp giáo dục mới mẻ, độc đáo...
  • Tư tưởng lập hiến của Phan Châu Trinh

    17/04/2015Phan Đăng Thanh"Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo chung cho mọi người... ". Tư tưởng lập hiến tiến bộ của Phan Chu Trinh được tác giả trình bày khá đầy đủ, cụ thể trong bài viết này.
  • Nàng Kiều đầu tiên của màn ảnh Việt

    04/05/2014Công TúLàm báo, diễn viên, tham gia các phong trào yêu nước…đó là những nét chính của nữ nghệ sĩ Thu Trang, người hóa thân nàng Kiều đầu tiên của màn ảnh Việt.
  • Ý nghĩa tác phẩm Tân Việt Nam của Phan Châu Trinh

    23/01/2014Vĩnh Sính *Trong những tác phẩm chính luận viết bằng Hán văn của Phan Châu Trinh (1872-1926), có một tác phẩm rất quan trọng nhưng từ trước tới nay chưa được tìm hiểu đúng mức, thậm chí ít được biết đến. Tác phẩm đó mang tên là Pháp Việt liên hợp hậu chi Tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp; sẽ viết là Tân Việt Nam)...